(Munich 22/05/2004). Một Đức Hồng Y người Đức mới nhận định rằng: Thư nặc danh, thư rơi là những thứ tố cáo tư cách hèn hạ của người viết muốn khủng bố người khác qua trò ném đá dấu tay. Trò khủng bố này cần phải được chấm dứt trong cộng đoàn dân Chúa, một cộng đoàn yêu thương mà “qua đó người ta nhận biết các con là môn đệ của Thầy”.

Đứng trước những lo ngại chính đáng của các linh mục trong tổng giáo phận Munich khi một số giáo dân viết thư nặc danh tố cáo các trường hợp lạm dụng trong việc cử hành Phụng Vụ như đã đề cập trong huấn thị Redepemptionis Sacramentum, Bí Tích Cứu Độ, vừa được bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích ban hành hôm 23/04 vừa qua, Đức Hồng Y Friedrich Wetter đã đưa ra lời cảnh cáo chung những ai viết thư nặc danh. Ngài nhấn mạnh rằng tổng giáo phận sẽ không xét gì đến những thư nói trên. Ngài tố cáo những ai viết thư nặc danh là khủng bố người khác và mạnh mẽ cho biết trò khủng bố này “sẽ không đi đến bất cứ nơi đâu trong tổng giáo phận này”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng trong tổng giáo phận Munich, những than phiền trước hết phải được đề cập trực tiếp với các linh mục liên hệ và vị Giám Mục chỉ can thiệp vào khi không có hồi đáp từ phía các linh mục. Một khi cần sự can thiệp của Giám Mục thì người tố cáo phải xưng danh tính rõ ràng, nếu không tòa Giám Mục không cứu xét.

Tưởng cũng nên nhắc lại là đoạn 184 trong huấn thị khẳng định:

"Mọi người Công Giáo dù là Linh Mục hay Phó Tế hay người Kitô hữu giáo dân, có quyền đệ đạt lời phàn nàn liên quan đến một lạm dụng phụng vụ đến Đức Giám Mục giáo phận hay đấng Bản Quyền hữu trách tương đương với ngài theo luật định, hay đến Tòa Thánh khi vấn đề liên hệ đến quyền tối thượng của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, điều thích hợp khi có thể là bản báo cáo hay phàn nàn đó cần được gởi trước hết đến Đức Giám Mục sở tại. Đương nhiên, việc báo cáo này phải được thực hiện trong sự thật và trong tình bác ái".

Các tố cáo lạm dụng trong Phụng Vụ đã trở thành đề tài gây tranh cãi trong hàng Giám Mục Đức. Tuần qua, trong khi Đức Hồng Y Joachim Meisner nhấn mạnh đến quyền của người giáo dân tố cáo những lạm dụng trong Phụng Vụ, đức sứ thần Tòa Thánh tại Đức là Đức Tổng Giám Mục Erwin Ender lên tiếng phàn nàn rằng nếu không có biện pháp hữu hiệu huấn thị có thể khơi mòi cho một làn sóng phàn nàn trong giáo dân.

Nhân đây cũng là lúc cũng nên nói một vài điều về các người viết email nặc danh như sau:

Một hiện tượng rất đáng tiếc là thay vì đối thoại trực tiếp với các linh mục hay các đấng bản quyền có liên quan đến vụ việc, nhiều người chọn con đường ném đá dấu tay mang tính chất chà đạp danh dự cá nhân các linh mục qua thư rơi, email và cả những thư nặc danh đăng trên mạng Internet.

Nhất là trong những tháng ngày gần đây có những emails gửi đi tứ tung, lại dùng địa chỉ của người khác. Sự kiện này xẩy ra qua 2 phương cách như sau:

1/ Trường hợp vô tình và không chủ tâm, bởi vì những emails này là do virus "code red, Mydoom, Netsky, Bagle, Blaster, Nachi và Lovsan, v.v... là những loại virus có thể đột nhật máy tính cá nhân nối mạng internet và ăn cắp địa chỉ của bạn, rồi có khi dùng địa chỉ của bạn trá hình gửi virus đi các người mà bạn có địa chỉ. Những files có kèm virus bây giờ nhìn vào thơ bạn có thể biết ngay bao gồm file đình kèm và có số lượng là 20K, 21K, 24K, 40k, 50K v.v... và đuôi của file kết thúc thường là. pif, exe, scn, zip, v.v... Thấy những file này đừng bao giờ nên mở ra ngay cả từ email của những người thân. (Nếu muốn biết chắc thì email lại cho người gửi hỏi lại là họ có thực sự gửi thư cho ban không, rồi hãy mở ra.

2/ Trường hợp thứ hai là có những người xấu thực sự đã lạm dụng email của bạn, lấy email của bạn để lợi dụng thời thơ làm truyện lăng nhăng, phát tán những tài liệu tuyên truyền kích động, nhưng lại hèn nhát đi dùng email của người khác, để cốt ý gây hoang mang và đánh lừa dư luận, tạo hiềm khích... Trong những trường hợp này, email gửi tới là các lá thư thực sự, mà đuôi là. doc hay. txt, có thể mở ra đọc, không bị nhiễm virus, nhưng lời lẽ lại là độc dược! Muốn truy cứu thực hư xem người gửi là ai, bạn làm như thế này: Sau khi đã mở thư rồi, trên internet explorer, bạn hãy nhấn vào icon "view", sau đó chọn icon "source". Bạn sẽ thấy được ngay người gửi thì tên của bạn, nhưng sau đó không phải email của bạn hay mã số server của bạn. Trái lại họ dùng script để viết trá hình tỉ dụ như <>A href=# onClick="window.open(self.location.protocol+ '//'+ self.location.hostname+ '/servlet/com... <> Nếu bạn là chuyên viên internet, bạn có thể tìm ra tung tích người gửi qua server domain name, tức là gửi từ đâu, và mã số địa chỉ người dùng, sau đó liên lạc với nơi cung cấp email đó và tìm ra người gửi.

Mới đây có một số nhân vật người Việt Nam đã dùng một số các tên khác nhau với các email khác nhau để phát tán trên internet, ngay cả một linh mục dù đã bị cấm thi hành nhiệm vụ mục vụ cũng lại tiếp tục gửi đi, lúc thì những bài suy niệm có tính cách đạo đức, lúc thì những lá thư nhảm nhí, lúc thì những lời tố cáo lung tung... Ngay cả một vài tờ báo không biết có biết thực hư hay không, nhưng cũng đăng lại những luận điệu rẻ tiền này. Tờ báo mang danh là người Công giáo mà giờ đây lại sử dụng những bài của một người đã từng chửi bới và tố cáo Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Thuận là "tướng qủi Satan" thì không biết là xuống giá đến mức nào rồi.

Dầu thế nào chăng nữa thì chúng tôi cũng nghĩ là độc giả dư trình độ để đánh giá những cá nhân và những cơ quan ngôn luận về những gì họ viết ra như vậy. Nên chủ trương của chúng ta là không bao giờ hạ mình xuống và mất giờ trả lời cho những luận điệu rẻ tiền, muốn câu độc giả bằng những truyện giật gân không chút sự thật. Thật đáng thương hại cho những con người muốn làm thầy thiên hạ, nhưng bản chất thì rỗng tuyếch!

Dĩ nhiên là những vết thương gây ra do việc chà đạp công khai danh dự người khác như thế rất khó chữa lành và gây thương tổn nghiêm trọng tình cộng đoàn. Chắc chắn những người như vậy phải chịu trách nhiệm trước Tòa Tối Cao của Thiên Chúa, trước lương tâm, trước dư luận quần chúng. Những gây hiềm khích, làm xáo trộn cộng đoàn Dân Chúa, họ không hiểu được rằng mâu thuẫn trong cộng đoàn địa phương trước tiên cần phải được giải quyết trong đối thoại, lắng nghe, tôn trọng sự thật và trong tình bác ái.