Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI
“Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái”.
Các môn đệ sợ. Thầy đã bị bắt, bị đánh đập, bị đóng đinh và chết thảm trên Thánh giá. Các môn đệ Chúa sợ hãi dẫu đã nghe biết Chúa Giêsu đã phục sinh, Người đã gặp bà Maria Macđalêna. Giờ đây họ tụ họp lại nhau, trong một căn phòng khoá kín cửa, lòng rất hoang mang, sợ hãi. Có lẽ trú ẩn trong nhà họ cảm thấy an toàn hơn, an tâm hơn. Vì sợ hãi, có lẽ họ không dám nói to, chỉ thầm thì với nhau. Họ hồi hộp lắng nghe những tiếng động bên ngoài: phải chăng là tiếng bước chân của những người lính do các thượng tế sai đến để bắt trói họ?
Hình dung tình cảnh như thế, tôi thấy các môn đệ thật ngây thơ. Họ tưởng tập trung trong nhà đóng kín cửa là an toàn à? Họ nghĩ ngôi nhà của họ là pháo đài rất kiên cố chăng?
Hơn nữa, cho dẫu họ nghĩ gì, khi chưa có ai đến bắt nhốt họ, họ đã tự nhốt kín trong nhà, khoá chặt cửa, họ tự cầm tù chính mình. Điều gì khiến họ tự nhốt trói mình? Thưa là nỗi sợ hãi. Suy cho cùng cái nhà tù đáng sợ nhất là cái nhà tù của nỗi sợ hãi.
Giữa không khí sợ hãi đó, Chúa Giêsu phục sinh hiện đến với họ. Đầu tiên Ngài nói: “Bình an cho các con”. Phải rồi, bình an là điều họ cần nhất lúc này. Bình an giải thoát họ khỏi sự sợ hãi đang phủ vây họ. “Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”. Đúng là Thầy đây rồi, với những dấu vết thương tích đòn roi và dấu đinh. “Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa”.
Lúc này họ chưa nhớ ra lời Chúa đã dạy: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Phải đi qua con đường đau khổ thì mới đến vinh quang phục sinh.
Chúa ở giữa họ, ban bình an cho họ, làm họ vui mừng và xua tan sợ hãi đang giam hãm họ. Sau đó, “Người thổi hơi và phán bảo các ông: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại’”. Đúng! Họ cần đón nhận Chúa Thánh Thần. Ơn huệ của Chúa Thánh Thần không chỉ là sự bình an để vượt thoát sợ hãi, mà còn là sự cản đảm, để các tông đồ dám mở toang cửa, loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh, đi đến tận cùng trái đất để loan danh Đức Giêsu, minh chứng bằng chính đời sống, bằng cả máu và mạng sống mình…
Ngày nay, chúng ta rất cần đón nhận Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mang lại cho chúng ta sự bình an để thoát khỏi những nỗi sợ hãi trói buộc chúng ta. Người ban ơn can đảm để chúng ta dám bước ra ngoài làm chứng cho Chúa, làm những điều tốt phải làm. Và Người đổ vào lòng chúng ta tràn đầy tình yêu để chúng ta có thể yêu thương tất cả mọi người, kể cả những kẻ bách hại chúng ta…
Chúng ta sợ hãi điều gì???
Sống trong xã hội hôm nay, một xã hội được dựng nên và cai trị dựa trên bạo lực, một xã hội thiếu an toàn mọi mặt, khiến chúng ta mang quá nhiều nỗi sợ hãi.
Nỗi sợ hãi nổi hiện rõ nhất là sau biến cố cá chết và biển bị đầu độc, khiến chúng ta giật mình nhìn lại: Không khí ô nhiễm, thực phẩm ô nhiễm, thức uống ô nhiễm, văn hoá ô nhiễm, giáo dục ô nhiễm, y tế ô nhiễm… Nỗi lo sợ đi vào từng gia đình: các bà nội trợ lo lắng khi đi chợ không biết phải mua gì? Không mua cá biển, không mua mắm, muối…
Đối phó với xã hội ô nhiễm mọi mặt này chúng ta co cụm lại, tự phòng thủ che chắn. Mỗi người tìm cách tự bảo vệ mình và gia đình, cũng giống như các môn đệ, chúng ta vào nhà khoá chặt cửa, tử thủ bên trong.
Không khí ô nhiễm à? Ra đường bịt khẩu trang. Đồ ăn ô nhiễm à? Tự trồng rau sạch, nuôi cá, nuôi gà…, nếu giàu có hơn thì vào siêu thị mua rau sạch, thịt sạch… Giáo dục ô nhiễm à? Gởi con em học trường ngoại quốc hay ra nước ngoài…
Nhưng, suy nghĩ kỹ lại đi! Khoá chặt cửa, tử thủ bên trong như thế có an toàn không? Có thoát được bệnh tật không? Có tránh được những ô nhiễm đủ loại đó không?
Người ta tặc lưỡi nói với nhau: ăn cũng chết, không ăn cũng chết. Ăn thì chết từ từ, không ăn thì chết ngay. Thôi thì chấp nhận chết từ từ, trời kêu ai nấy dạ. Người tín hữu thì bảo đó là thánh ý Chúa (!). Mỗi ngày cơ thể chúng ta lãnh đủ nhiều loại hóa chất từ thực phẩm, không khí, nước, các loại mỹ phẩm, những vật gia dụng chúng ta đụng chạm hằng ngày... Chúng ta đang bị giết một cách từ từ.
Người ta bảo, thả con ếch vào nồi nước nóng, nó phản ứng và nhảy ra ngay. Nhưng cho nó vào nồi nước mát, và từ từ đun nóng, nó cứ bình thản bơi lội trong đó, cho đến khi chết bỏng. Thí nghiệm cho thấy chỉ cần sau khoảng 5 tiếng rưỡi tới sáu tiếng, là chú ếch chết không kêu được một tiếng.
Chúng ta đang bị giết chết từ từ. Đi ngoài đường ai ai cũng đeo khẩu trang (liệu cái khẩu trang đó có cản được những thứ độc hại tôi hít vào phổi không?). Hãy nghĩ lại xem, từ bao giờ chúng ta bắt đầu đeo khẩu trang khi ra đường? Và cho tới nay mọi người ra đường đều đeo khẩu trang, bình thản đeo khẩu trang như thể đó là điều dĩ nhiên. Mọi người chấp nhận như thế, không ai thắc mắc. Nếu chúng ta tiếp tục cách phản ứng như thế này, sẽ đến ngày nào đó, cá nhiễm độc là bình thường, muối mắm nhiễm độc là bình thường… Chúng ta cùng chờ chết hay sao???
Ai cũng càm ràm. Ai cũng thấy là nguy hiểm. Mỗi người tử thủ trong nhà mình, bảo vệ bản thân mình, gia đình mình… và im lặng chờ chết. Thế nên mới có bài thơ:
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi.
Sáng Chúa Nhật 8.5 vừa rồi, tôi có mặt tại tại nhà thờ Đức Bà. Tôi đã thấy những con người dám vượt qua sợ hãi. Tôi thấy có nhiều người trẻ nam nữ, có cả người già và trẻ nhỏ. Tôi thấy họ cầm những biểu ngữ nói lên nguyện vọng của mình về môi trường. Những tiếng hô rời rạc của họ bị át đi bởi tiếng loa sắt oang oang lặp đi lặp lại yêu cầu giải tán… Họ bắt đầu đứng lên di chuyển từ công viên bên cạnh nhà thờ đến trước cổng trường Hoà Bình và cổng nhà xứ Chánh toà. Họ bước đi trên con đường dành cho người đi bộ, bước sát sát theo nhau. Tôi nhìn thấy những gương mặt sáng nét thư sinh, tôi bắt gặp những nụ cười hiền hoà, cũng có những nét mặt căng thẳng lo âu. Thế rồi vang lên những tiếng kêu: “Bắt người! Bắt người!” Đám đông ùa về phía những tiếng kêu đó, như những làn sóng đổ dồn về phía này, rồi về phía kia ngược lại và nhanh chóng bị chia cắt. Những đám áo xanh, hung hăng nhất là những kẻ không mặc sắc phục, rất thành thục nhuần nhuyễn, họ đẩy người này, họ kẹp cổ người kia, đấm đá… không thương tiếc. Tôi đã nhìn thấy máu chảy, tôi đã chứng kiến cảnh bạo lực từ một phía có cảnh sát bảo kê đứng nhìn. Tôi đau xót đứng yên bất lực. Đám đông tan tác như đàn cừu không có người chăn…
Trong bối cảnh thế giới và cách riêng xã hội Việt Nam hôm nay, Thông Điệp Laudato Si, là chỉ dẫn quý báu và thiết thực cho chúng ta.
“Rất đông người nắm nhiều tài nguyên, quyền lực tài chính và chính trị, xem ra chỉ muốn tập trung vào việc che đậy vấn đề hay giấu nhẹm các hiện tượng, họ cố tìm cách đúc kết vào vài hậu quả tiêu cực của việc biến đổi khí hậu” (26 LS)
“… chỉ có các cá nhân tự cải thiện thì không đủ để giải quyết tình hình cực kỳ phức tạp của thế giới hôm nay….. Hoán cải sinh thái cần thiết cho một sự thay đổi dài lâu cũng là một sự hoán cải cộng đồng” (219 LS).
Đứng trước thảm trạng này, chúng ta phải có thái độ như thế nào? “Thư chung của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp về thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển miền Trung” (13.05.2016) chỉ dẫn:
Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của người môn đệ Đức Kitô, không có gì đích thực nhân loại mà không có âm vang trong cõi lòng người Kitô hữu” (CĐ Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 1).
Vì vậy, chúng ta không thể nào dửng dưng trước thảm họa ô nhiễm môi trường đang phá hủy không những vùng biển Miền Trung mà còn gây thảm họa lâu dài cho cả dân tộc. Thật vậy, chúng ta đang đối diện với một vấn đề vô cùng quan trọng, không chỉ liên quan đến chính mỗi người chúng ta mà còn liên quan đến nhiều thế hệ. Có thể nói rằng, biển kêu gào thảm thiết vì bị bức tử và mọi người, mọi vật đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thảm họa này. Chúng ta cần biết rằng việc phá hoại môi trường, làm nhơ bẩn nguồn nước, đất đai và không khí bằng những độc tố là tội lỗi, và sẽ gánh lấy hậu quả. Vì "tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chúng ta và là tội lỗi chống lại chính Thiên Chúa” (ĐGH Phanxicô, Laudato Sí, số 8).
Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxiô, chúng ta không thể dung thứ bất cứ thái độ vô cảm và vô trách nhiệm nào đối với môi trường. Đồng thời, chúng ta có quyền đòi hỏi người khác, trong lúc tìm cách đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại, không được tác hại đến các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền yêu cầu các nhà hữu trách phải tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và hữu hiệu để bảo vệ môi sinh. Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế - kỹ thuật để phá hoại đất nước, sự tự do cũng như công bằng xã hội (x. ĐGH Phanxicô, Laudato Sí, số 53 và số 59).
Vì thế, tôi tha thiết mời gọi Anh Chị Em thể hiện căn tính Kitô hữu của mình, có trách nhiệm với quê hương đất nước và các thế hệ tương lai, đồng thời hiệp thông chia sẻ với những người đang là nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường bằng những việc làm cụ thể sau đây:
- Biết sẵn sàng từ bỏ lối sống hưởng thụ coi thường môi sinh và cương quyết không sản xuất, chế biến “thực phẩm” gây hủy hoại sức khỏe, tổn thương đến tính mạng của đồng bào mình; từ bỏ lối phát triển kinh tế không những không bền vững mà còn hủy hoại đến môi sinh;
(Xin mở ngoặc: Có soeur mang biếu cha trái sầu riêng và nói: cha an tâm, đây là sầu riêng ở cây riêng dành cho gia đình, chứ không phải là sâu riêng bán đâu cha (!). Cũng vậy, có người giáo dân mang rau và biếu cha: rau này sạch, con trồng luống riêng, chứ không phải là rau bán. Ăn sầu riêng sạch, rau sạch này sao thấy đắng đắng !!!)
- Giúp đỡ những anh chị em đang là nạn nhân của thảm họa này qua sự thăm viếng, động viên tinh thần cũng như giúp đỡ bằng vật chất;
- Chủ động tiêu hủy, chôn cất một cách an toàn nhất có thể, những sinh vật biển bị chết để ngăn chặn chất độc phát tán; không tàng trữ, buôn bán những hải sản, thực phẩm chế biến từ hải sản đã nhiễm độc hoặc nghi ngờ nhiễm độc;
- Hợp tác với những cá nhân và tổ chức thành tâm thiện chí để tìm ra nguyên nhân gây thảm họa, đồng thời nỗ lực tìm kiếm biện pháp khắc phục thảm họa này;
- Thực hiện quyền công dân được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các Công ước Quốc tế quy định; thể hiện một cách ôn hòa quyền đòi hỏi sự minh bạch trong việc điều hành đất nước, cũng như xử lý thảm họa và buộc những kẻ đã gây ra phải bị xét xử đúng với công lý.
Đặc biệt, tôi tha thiết mời gọi Anh Chị Em cầu nguyện cho công cuộc bảo vệ môi trường, bảo vệ sự thật và quyền được sống trong một môi trường lành mạnh, hài hòa và bền vững. Rất có thể con cháu chúng ta sau này sẽ hỏi: Vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiễm, ông, bà, cha, mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con? Tin tưởng vào lời hứa của Đức Mẹ Fatima, tôi kêu gọi mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi, để nhờ sự phù hộ của Đức Mẹ, chúng ta không những biết can đảm bảo vệ non sông đất nước mà còn không để lại hệ lụy cho thế hệ tương lai.
Tôi xin thêm một điều: nếu chưa biết phải làm gì, thì ít nhất trong cuộc bầu cử ngày 22.05 sắp đến, hãy sử dụng quyền tự do của mình với tất cả ý thức và tinh thần trách nhiệm.
Đó là bổn phận của chúng ta, những Kitô hữu. Trong tông huấn Niềm Vui và Tin Mừng, Đức Thánh Cha tỏ bày:
“Tôi muốn có một Hội thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục” (NVTM 49).
Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết phải làm gì. Chúng ta hãy xin ơn bình an để thoát khỏi nỗi sợ hãi đã khống chế chúng ta quá lâu, hãy xin ơn can đảm để dám làm chứng cho sự thật và công lý, và nhất là xin cho chúng ta có con tim yêu thương để đủ bao dung yêu thương cả những kẻ dùng vũ lực đàn áp anh em mình.
Chúa Nhật 15.08.2016
Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI
“Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái”.
Các môn đệ sợ. Thầy đã bị bắt, bị đánh đập, bị đóng đinh và chết thảm trên Thánh giá. Các môn đệ Chúa sợ hãi dẫu đã nghe biết Chúa Giêsu đã phục sinh, Người đã gặp bà Maria Macđalêna. Giờ đây họ tụ họp lại nhau, trong một căn phòng khoá kín cửa, lòng rất hoang mang, sợ hãi. Có lẽ trú ẩn trong nhà họ cảm thấy an toàn hơn, an tâm hơn. Vì sợ hãi, có lẽ họ không dám nói to, chỉ thầm thì với nhau. Họ hồi hộp lắng nghe những tiếng động bên ngoài: phải chăng là tiếng bước chân của những người lính do các thượng tế sai đến để bắt trói họ?
Hình dung tình cảnh như thế, tôi thấy các môn đệ thật ngây thơ. Họ tưởng tập trung trong nhà đóng kín cửa là an toàn à? Họ nghĩ ngôi nhà của họ là pháo đài rất kiên cố chăng?
Hơn nữa, cho dẫu họ nghĩ gì, khi chưa có ai đến bắt nhốt họ, họ đã tự nhốt kín trong nhà, khoá chặt cửa, họ tự cầm tù chính mình. Điều gì khiến họ tự nhốt trói mình? Thưa là nỗi sợ hãi. Suy cho cùng cái nhà tù đáng sợ nhất là cái nhà tù của nỗi sợ hãi.
Giữa không khí sợ hãi đó, Chúa Giêsu phục sinh hiện đến với họ. Đầu tiên Ngài nói: “Bình an cho các con”. Phải rồi, bình an là điều họ cần nhất lúc này. Bình an giải thoát họ khỏi sự sợ hãi đang phủ vây họ. “Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”. Đúng là Thầy đây rồi, với những dấu vết thương tích đòn roi và dấu đinh. “Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa”.
Lúc này họ chưa nhớ ra lời Chúa đã dạy: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Phải đi qua con đường đau khổ thì mới đến vinh quang phục sinh.
Chúa ở giữa họ, ban bình an cho họ, làm họ vui mừng và xua tan sợ hãi đang giam hãm họ. Sau đó, “Người thổi hơi và phán bảo các ông: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại’”. Đúng! Họ cần đón nhận Chúa Thánh Thần. Ơn huệ của Chúa Thánh Thần không chỉ là sự bình an để vượt thoát sợ hãi, mà còn là sự cản đảm, để các tông đồ dám mở toang cửa, loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh, đi đến tận cùng trái đất để loan danh Đức Giêsu, minh chứng bằng chính đời sống, bằng cả máu và mạng sống mình…
Ngày nay, chúng ta rất cần đón nhận Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mang lại cho chúng ta sự bình an để thoát khỏi những nỗi sợ hãi trói buộc chúng ta. Người ban ơn can đảm để chúng ta dám bước ra ngoài làm chứng cho Chúa, làm những điều tốt phải làm. Và Người đổ vào lòng chúng ta tràn đầy tình yêu để chúng ta có thể yêu thương tất cả mọi người, kể cả những kẻ bách hại chúng ta…
Chúng ta sợ hãi điều gì???
Sống trong xã hội hôm nay, một xã hội được dựng nên và cai trị dựa trên bạo lực, một xã hội thiếu an toàn mọi mặt, khiến chúng ta mang quá nhiều nỗi sợ hãi.
Nỗi sợ hãi nổi hiện rõ nhất là sau biến cố cá chết và biển bị đầu độc, khiến chúng ta giật mình nhìn lại: Không khí ô nhiễm, thực phẩm ô nhiễm, thức uống ô nhiễm, văn hoá ô nhiễm, giáo dục ô nhiễm, y tế ô nhiễm… Nỗi lo sợ đi vào từng gia đình: các bà nội trợ lo lắng khi đi chợ không biết phải mua gì? Không mua cá biển, không mua mắm, muối…
Đối phó với xã hội ô nhiễm mọi mặt này chúng ta co cụm lại, tự phòng thủ che chắn. Mỗi người tìm cách tự bảo vệ mình và gia đình, cũng giống như các môn đệ, chúng ta vào nhà khoá chặt cửa, tử thủ bên trong.
Không khí ô nhiễm à? Ra đường bịt khẩu trang. Đồ ăn ô nhiễm à? Tự trồng rau sạch, nuôi cá, nuôi gà…, nếu giàu có hơn thì vào siêu thị mua rau sạch, thịt sạch… Giáo dục ô nhiễm à? Gởi con em học trường ngoại quốc hay ra nước ngoài…
Nhưng, suy nghĩ kỹ lại đi! Khoá chặt cửa, tử thủ bên trong như thế có an toàn không? Có thoát được bệnh tật không? Có tránh được những ô nhiễm đủ loại đó không?
Người ta tặc lưỡi nói với nhau: ăn cũng chết, không ăn cũng chết. Ăn thì chết từ từ, không ăn thì chết ngay. Thôi thì chấp nhận chết từ từ, trời kêu ai nấy dạ. Người tín hữu thì bảo đó là thánh ý Chúa (!). Mỗi ngày cơ thể chúng ta lãnh đủ nhiều loại hóa chất từ thực phẩm, không khí, nước, các loại mỹ phẩm, những vật gia dụng chúng ta đụng chạm hằng ngày... Chúng ta đang bị giết một cách từ từ.
Người ta bảo, thả con ếch vào nồi nước nóng, nó phản ứng và nhảy ra ngay. Nhưng cho nó vào nồi nước mát, và từ từ đun nóng, nó cứ bình thản bơi lội trong đó, cho đến khi chết bỏng. Thí nghiệm cho thấy chỉ cần sau khoảng 5 tiếng rưỡi tới sáu tiếng, là chú ếch chết không kêu được một tiếng.
Chúng ta đang bị giết chết từ từ. Đi ngoài đường ai ai cũng đeo khẩu trang (liệu cái khẩu trang đó có cản được những thứ độc hại tôi hít vào phổi không?). Hãy nghĩ lại xem, từ bao giờ chúng ta bắt đầu đeo khẩu trang khi ra đường? Và cho tới nay mọi người ra đường đều đeo khẩu trang, bình thản đeo khẩu trang như thể đó là điều dĩ nhiên. Mọi người chấp nhận như thế, không ai thắc mắc. Nếu chúng ta tiếp tục cách phản ứng như thế này, sẽ đến ngày nào đó, cá nhiễm độc là bình thường, muối mắm nhiễm độc là bình thường… Chúng ta cùng chờ chết hay sao???
Ai cũng càm ràm. Ai cũng thấy là nguy hiểm. Mỗi người tử thủ trong nhà mình, bảo vệ bản thân mình, gia đình mình… và im lặng chờ chết. Thế nên mới có bài thơ:
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi.
Sáng Chúa Nhật 8.5 vừa rồi, tôi có mặt tại tại nhà thờ Đức Bà. Tôi đã thấy những con người dám vượt qua sợ hãi. Tôi thấy có nhiều người trẻ nam nữ, có cả người già và trẻ nhỏ. Tôi thấy họ cầm những biểu ngữ nói lên nguyện vọng của mình về môi trường. Những tiếng hô rời rạc của họ bị át đi bởi tiếng loa sắt oang oang lặp đi lặp lại yêu cầu giải tán… Họ bắt đầu đứng lên di chuyển từ công viên bên cạnh nhà thờ đến trước cổng trường Hoà Bình và cổng nhà xứ Chánh toà. Họ bước đi trên con đường dành cho người đi bộ, bước sát sát theo nhau. Tôi nhìn thấy những gương mặt sáng nét thư sinh, tôi bắt gặp những nụ cười hiền hoà, cũng có những nét mặt căng thẳng lo âu. Thế rồi vang lên những tiếng kêu: “Bắt người! Bắt người!” Đám đông ùa về phía những tiếng kêu đó, như những làn sóng đổ dồn về phía này, rồi về phía kia ngược lại và nhanh chóng bị chia cắt. Những đám áo xanh, hung hăng nhất là những kẻ không mặc sắc phục, rất thành thục nhuần nhuyễn, họ đẩy người này, họ kẹp cổ người kia, đấm đá… không thương tiếc. Tôi đã nhìn thấy máu chảy, tôi đã chứng kiến cảnh bạo lực từ một phía có cảnh sát bảo kê đứng nhìn. Tôi đau xót đứng yên bất lực. Đám đông tan tác như đàn cừu không có người chăn…
Trong bối cảnh thế giới và cách riêng xã hội Việt Nam hôm nay, Thông Điệp Laudato Si, là chỉ dẫn quý báu và thiết thực cho chúng ta.
“Rất đông người nắm nhiều tài nguyên, quyền lực tài chính và chính trị, xem ra chỉ muốn tập trung vào việc che đậy vấn đề hay giấu nhẹm các hiện tượng, họ cố tìm cách đúc kết vào vài hậu quả tiêu cực của việc biến đổi khí hậu” (26 LS)
“… chỉ có các cá nhân tự cải thiện thì không đủ để giải quyết tình hình cực kỳ phức tạp của thế giới hôm nay….. Hoán cải sinh thái cần thiết cho một sự thay đổi dài lâu cũng là một sự hoán cải cộng đồng” (219 LS).
Đứng trước thảm trạng này, chúng ta phải có thái độ như thế nào? “Thư chung của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp về thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển miền Trung” (13.05.2016) chỉ dẫn:
Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của người môn đệ Đức Kitô, không có gì đích thực nhân loại mà không có âm vang trong cõi lòng người Kitô hữu” (CĐ Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 1).
Vì vậy, chúng ta không thể nào dửng dưng trước thảm họa ô nhiễm môi trường đang phá hủy không những vùng biển Miền Trung mà còn gây thảm họa lâu dài cho cả dân tộc. Thật vậy, chúng ta đang đối diện với một vấn đề vô cùng quan trọng, không chỉ liên quan đến chính mỗi người chúng ta mà còn liên quan đến nhiều thế hệ. Có thể nói rằng, biển kêu gào thảm thiết vì bị bức tử và mọi người, mọi vật đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thảm họa này. Chúng ta cần biết rằng việc phá hoại môi trường, làm nhơ bẩn nguồn nước, đất đai và không khí bằng những độc tố là tội lỗi, và sẽ gánh lấy hậu quả. Vì "tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chúng ta và là tội lỗi chống lại chính Thiên Chúa” (ĐGH Phanxicô, Laudato Sí, số 8).
Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxiô, chúng ta không thể dung thứ bất cứ thái độ vô cảm và vô trách nhiệm nào đối với môi trường. Đồng thời, chúng ta có quyền đòi hỏi người khác, trong lúc tìm cách đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại, không được tác hại đến các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền yêu cầu các nhà hữu trách phải tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và hữu hiệu để bảo vệ môi sinh. Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế - kỹ thuật để phá hoại đất nước, sự tự do cũng như công bằng xã hội (x. ĐGH Phanxicô, Laudato Sí, số 53 và số 59).
Vì thế, tôi tha thiết mời gọi Anh Chị Em thể hiện căn tính Kitô hữu của mình, có trách nhiệm với quê hương đất nước và các thế hệ tương lai, đồng thời hiệp thông chia sẻ với những người đang là nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường bằng những việc làm cụ thể sau đây:
- Biết sẵn sàng từ bỏ lối sống hưởng thụ coi thường môi sinh và cương quyết không sản xuất, chế biến “thực phẩm” gây hủy hoại sức khỏe, tổn thương đến tính mạng của đồng bào mình; từ bỏ lối phát triển kinh tế không những không bền vững mà còn hủy hoại đến môi sinh;
(Xin mở ngoặc: Có soeur mang biếu cha trái sầu riêng và nói: cha an tâm, đây là sầu riêng ở cây riêng dành cho gia đình, chứ không phải là sâu riêng bán đâu cha (!). Cũng vậy, có người giáo dân mang rau và biếu cha: rau này sạch, con trồng luống riêng, chứ không phải là rau bán. Ăn sầu riêng sạch, rau sạch này sao thấy đắng đắng !!!)
- Giúp đỡ những anh chị em đang là nạn nhân của thảm họa này qua sự thăm viếng, động viên tinh thần cũng như giúp đỡ bằng vật chất;
- Chủ động tiêu hủy, chôn cất một cách an toàn nhất có thể, những sinh vật biển bị chết để ngăn chặn chất độc phát tán; không tàng trữ, buôn bán những hải sản, thực phẩm chế biến từ hải sản đã nhiễm độc hoặc nghi ngờ nhiễm độc;
- Hợp tác với những cá nhân và tổ chức thành tâm thiện chí để tìm ra nguyên nhân gây thảm họa, đồng thời nỗ lực tìm kiếm biện pháp khắc phục thảm họa này;
- Thực hiện quyền công dân được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các Công ước Quốc tế quy định; thể hiện một cách ôn hòa quyền đòi hỏi sự minh bạch trong việc điều hành đất nước, cũng như xử lý thảm họa và buộc những kẻ đã gây ra phải bị xét xử đúng với công lý.
Đặc biệt, tôi tha thiết mời gọi Anh Chị Em cầu nguyện cho công cuộc bảo vệ môi trường, bảo vệ sự thật và quyền được sống trong một môi trường lành mạnh, hài hòa và bền vững. Rất có thể con cháu chúng ta sau này sẽ hỏi: Vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiễm, ông, bà, cha, mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con? Tin tưởng vào lời hứa của Đức Mẹ Fatima, tôi kêu gọi mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi, để nhờ sự phù hộ của Đức Mẹ, chúng ta không những biết can đảm bảo vệ non sông đất nước mà còn không để lại hệ lụy cho thế hệ tương lai.
Tôi xin thêm một điều: nếu chưa biết phải làm gì, thì ít nhất trong cuộc bầu cử ngày 22.05 sắp đến, hãy sử dụng quyền tự do của mình với tất cả ý thức và tinh thần trách nhiệm.
Đó là bổn phận của chúng ta, những Kitô hữu. Trong tông huấn Niềm Vui và Tin Mừng, Đức Thánh Cha tỏ bày:
“Tôi muốn có một Hội thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục” (NVTM 49).
Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết phải làm gì. Chúng ta hãy xin ơn bình an để thoát khỏi nỗi sợ hãi đã khống chế chúng ta quá lâu, hãy xin ơn can đảm để dám làm chứng cho sự thật và công lý, và nhất là xin cho chúng ta có con tim yêu thương để đủ bao dung yêu thương cả những kẻ dùng vũ lực đàn áp anh em mình.
Chúa Nhật 15.08.2016
Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn