CHA PHAOLÔ HUỲNH NGỌC TIÊN, NGƯỜI TẬN HIẾN

Nếu ai hỏi tôi «Sau 29 năm quen biết cha Phaolô Huỳnh Ngọc Tiên, cha nhận định gì về Ngài», tôi sẽ trả lời ngay : «Cha Phaolô là người tận hiến ».

1. Những chặng đường tận hiến : Phaolô Huỳnh Ngọc Tiên là con người tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Cậu Tiên sinh ra năm ngày 11.11.1914, thì 12 năm sau, tức 1926, cậu đã là ‘chú chủng sinh’ của Tiểu Chủng Viện Sài gòn. Sau 8 năm mãn Tiểu Chủng Viện, thày Phaolô Tiên được gửi qua học tại Đại Chủng Viện Penang, nước Malaysia. Thầy chịu chức linh mục 1943 tại Sàigon. Lần lượt cha Tiên làm mục vụ tại các họ đạo Chợ Đũi (1943-1946), Vũng Tàu (1947), làm cha sở kiêm bề trên dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (1953-1968). Đời sống tận hiến của Cha Phaolô dành cho việc huấn luyện các chủng sinh và nữ tu còn nhiều năm hơn làm mục vụ tại các họ đạo. Ngay khi từ Penang trở về, trước khi lãnh chức linh mục, thày Tiên đã được bổ nhiệm là giáo sư Tiểu Chủng Viện Sài gòn (1939-1943), rồi trở lại làm giáo sư kiêm giám luật vào các năm 1947-1953. Sau 10 năm lo huấn luyện các nữ tu mến Thánh Giá Thủ Thiêm, năm 1968 cha được bổ nhiệm làm Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse. Cha làm việc cho tới năm 1975, nhân chuyến đi dự hội các Giám Đốc Đại Chủng Viện tại Roma và bị kẹt lại sau biến cố 30.04. Kể từ đây, cha Phaolô Huỳnh Ngọc Tiên, ngụ tại nhà các Cha Nghĩa Tử Bác Ái (Fils de Charité), Issy-les-Moulineaux, tới nay đã gần 30 năm. Và rạng ngày 18.04.2004 Cha Phaolô đạt tới đỉnh cao cuộc đời tận hiến của Cha ở trần gian...

2. Những đức tính tự nhiên : Qua những chặng đường sống ơn gọi và làm mục vụ trên đây, không ai phủ nhận : Trong giáo phận Sài gòn, và cả ở tại Pháp, Cha rất được tín nhiệm và quý mến bởi các Đấng Bề Trên, các linh mục, tu sĩ và chủng sinh, cũng như bởi mọi giáo dân quen biết. Mọi người nhìn thấy ở nơi cha Phaolô hội tụ nhiều tài năng, nhiều đức tính tự nhiên của đời sống tận hiến. Việc được cử đi du học Penang trong các thập niên 1930-1940, chứng tỏ cha Phaolô có một trí khôn trổi vượt ngay từ nhỏ. Nhiều công tác mục vụ quan trọng đã được trao phó cũng chứng minh điều đó. Và mới đây, cuốn Chuyện Đời xuất bản với bút hiệu Táo Lé cho chúng ta thấy Cha Tiên có nhiều tài quan sát, suy nghĩ sự việc, đánh giá mọi vấn đề cách tinh vi, lại luôn hướng độc giả về nếp sống luân lý và đạo đức. ‘Văn là người’, khi đọc cuốn Chuyện Đời, chúng ta nhận ngay ra cha Tiên là người ‘miền Nam’ với lối viết văn nhẹ nhàng, lời nói dịu dàng mà không kém phần ý nhị và sống động. Càng đọc càng muốn đọc, càng nghe càng muốn nghe. Viết văn cũng như nói chuyện, ngài luôn nói và viết trong cung cách hài hòa, thanh nhã. Lời văn, cách nói biểu thị cha Phaolô rất quân bình khi nhận định về các vụ việc xẩy ra hằng ngày trong xã hội và trong cuộc sống. Chính đức tính hài hòa này làm nền cho tinh thần cộng tác của Cha Tiên đối với các linh mục và tu sĩ trong sinh hoạt huynh đệ hay mục vụ. Người ta coi ngài như một ‘nút liên đới và hiệp nhất’ trong mọi công việc chung, nổi bật nhất là trong tổ chức Hội Linh Mục Việt Nam Âu Châu (Ut Sint Unum), Liên Tu Sĩ Pháp và Báo Dân Chúa Âu Châu. Tuy cao niên, nhưng Ngài luôn lắng nghe. Tuy ít phát biểu, nhưng điều Ngài nói ra đầy hiệu lực nối kết và tiến hành. Linh mục, Tu sĩ coi Ngài như một người Cha, một bậc Thầy, một vị Cố vấn. Tôi cảm nghiệm nhiều về những đức tính tự nhiên của Cha Phaolô trong những năm tôi trực tiếp phục vụ Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp (1985-1991). Tôi cám ơn Chúa và mang ơn Cha Phaolô.

3. Những đức tính siêu nhiên : Trung tâm đời sống tận hiến của Cha Phaolô Huỳnh Ngọc Tiên là Ơn Gọi Linh Mục, là Thiên Chức Linh Mục. Cha cảm thấy vô vàn hạnh phúc trong đời sống linh mục. Cố sống cho trọn đời sống linh mục chính là lý tưởng vươn lên của Cha, là nguồn vui khôn tả của đời Cha, cũng là động lực cảm tạ Cha dâng lên Chúa mỗi ngày đặc biệt qua Thánh Lễ Misa. Tôi xin ghi lại ở đây những dòng Cha đã viết trong ‘Lời Tựa’ của cuốn Chuyện Đời xuất bản để kỷ niệm 60 năm Linh Mục của Cha.

«Tất cả là của Chúa. Lão bộc... trên đường đèo giốc núi lên nhà gia chủ (nhà Ngài cư ngụ từ 29 năm nay, mà có lẽ Ngài ám chỉ đến nhà Chúa trên Trời). Giữa lưng đồi dừng chân đứng lại, trên cao nhìn xuống lối mình đã trèo lên, thấy bao nhiêu là hầm hố vực thẩm vừa vượt qua, bao nhiêu nguy hiểm mới thoát khỏi, tuy cũng thấy trầy trụa ít nhiều, nhưng rất may, nhờ cố công tay vịn chơn trèo, mình đã lên khá cao trên đường về nhà chủ, mà vẫn bình an. Lão ngước mắt lên trời tuyên xưng cả tiếng rằng : Tất cả là ơn Chúa ! Hồi tưởng lại năm xưa, cùng với các bạn đồng lớp chịu chức linh mục, phủ phục trước mặt Đức Giám Mục cao giọng tuyên bố : chọn Chúa làm gia nghiệp mình, trót cuộc đời. Lúc sốt sắng, lão cũng đã ngậm ngùi suy nghĩ :

Thân phận hèn này... diễm phúc thay !

CHÚA là gia nghiệp... ơn tràn đầy.

Được trao ban Thiên Chức Linh Mục,

Dâng Thánh Lễ thượng tiến hằng ngày.

Thắm thoát đã 60 năm. Ngó tới thì xa như trời vực, nhìn lại thì gần như gang tấc. Thăng trầm, vinh nhục trong cuộc sống, vấp ngã chỗi dậy cũng lắm phen, tuy nhiên lão cảm thấy mình còn đây... trong bổn niềm linh mục «Tu es sacerdos in eternum », con là Linh Mục đời đời. Cảm tạ ơn trên vô cùng (CĐ tr.5) ».

Đại Hội III của Liên Tu Sĩ VN Pháp năm 1989, Cha Phaolô Huỳnh Ngọc Tiên giúp anh chị em suy nghĩ về đề tài «Những căn bản về đời sống tận hiến ». Cha khẳng định : «Đời sống tận hiến phải "trong suốt" (transparence), nghĩa là phải chân thành đối với Thiên Chúa, đối với chính mình và đối với anh em. Sống chân thành là sống theo lời khuyên Phúc Âm : vâng lời khó nghèo và thanh khiết. Có thì ra có, không thì nói không, không che đậy, không giả hình, không nước đôi. Trong suốt như phalê trước mặt Thiên Chúa... Chân thành với chính mình : Thuở nhỏ cha Tiên rất thích câu chuyện của thánh Bênađô, câu hỏi của ngài : «Tôi là ai». Hỏi tức là trả lời... khi là linh mục, cha vẫn thường hỏi mình «mi là ai». Linh mục trở thành bạn của Chúa Kitô... Chân thành với anh em : Người của Chúa luôn luôn phải sống trong suốt, chân thành. Chân thành với bạn đồng liêu... phải thành tâm thương yêu nhau, lá lành đùm lá rách... » (Biên bản ĐHLTS, 1989).

Để kết thúc một vài suy nghĩ về đời sống tận hiến của cha Phaolô Huỳnh Ngọc Tiên, có lẽ không gì thích hợp hơn những lời sách Ai Ca sau đây : «Nhớ lại mà suy chuỗi ngày đã qua, con thêm lòng cậy trông vững chắc : Lượng từ bi Đức Chúa đâu đã cạn, lòng thương xót của Ngài mãi không vơi ! Sáng nào Ngài cũng ban ơn huệ mới, lòng trung tín của Ngài cao cả biết bao ! Tôi tự nhủ : Đức Chúa là phần sản nghiệp của tôi. Vì thế tôi luôn trông cậy nơi Ngài ! (Ac 3, 21-24).