TÌNH YÊU CỦA CHÚA CHO TA NGHỊ LỰC

Chúa Nhật THỨ IV MÙA CHAY NĂM C

Tuần rồi, dựa trên Lời Chúa Giêsu: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, các ngươi sẽ bị hủy diệt”, chúng ta đề nghị nhau, mỗi người tự tin nơi bản thân, để hun đúc nghị lực, hun đúc ý chí, trở về với Thiên Chúa.

Hôm nay chúng ta hướng tới một đề nghị cao quý hơn, làm cơ sở cho sự ăn năn thống hối, đó là: Hãy cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa, mà trở về với Người. Một mặt tin vào khả năng sám hối của chính mình, nhưng mặt khác, hãy nhớ lại lòng thương xót của Chúa để làm cho nghị lực nơi ta dồi dào hơn, ý chí mạnh mẽ hơn.

Tình thương của Thiên Chúa là một tình yêu chờ đợi, tình yêu tha thứ. Chỉ cần con người mở lòng ra đón nhận là gặp được tình yêu đó thôi. Dụ ngôn người cha nhân hậu được suy niệm trong Chúa Nhật thứ IV mùa Chay này là bằng chứng cho tình yêu ấy.

Một người cha có hai đứa con. Một hôm đứa con thứ đòi chia gia tài cho nó. Thế là gói trọn gia tài cha chia cho, người con thứ đã quên tất cả tình yêu, sự chiều chuộng của cha, bỏ đi biệt tăm. Thái độ bỏ đi ấy cho thấy lòng phản bội của người con thứ.

Từ bỏ cha đã vậy, anh còn lao mình vào những trò chơi xa xỉ, đầy tội lỗi. Cuối cùng, không còn một đồng nào dính túi. Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Anh ta trở thành một kẻ tự đánh mất hết giá trị con người của mình: đói quá, đi xin người ta để được chăn heo!

Nhưng giá trị của một con người bị đánh mất ấy vẫn chưa dừng, nó càng tuột dốc và lao nhanh. Nó lao tới một nỗi nhục lớn hơn: thọc tay vào máng heo ăn, lấy cám heo bỏ vào miệng, muốn cùng ăn chung với heo, vậy mà một miếng, người ta cũng không cho.

Đọc Tin Mừng, tôi thấy thánh Luca dùng danh từ còn nặng nề hơn hai từ “cám heo”, để diễn tả nỗi nhục nhã quá sức, không thể tưởng tượng. Một nỗi nhục khôn cùng: “cặn bã”. Thánh Luca viết: “Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho”!

Đó là bài học đáng giá để ta lưu tâm suy nghĩ. Vì khi lìa bỏ Chúa, trầm mình trong tội lỗi, khoái lạc, dục vọng, người ta chỉ chuốc lấy nỗi nhục nhã ê chề, chuốc lấy sự mất bình an không thể có gì bù đắp được.

Nỗi nhục nhã này quá lớn. Nó cướp mất tất cả những gì là nhân vị của một con người. Biến kẻ lao mình vào làm bạn với nó trở nên ngang hàng với thú vật. Thậm chí còn không bằng. Bởi muốn ngang hàng với thú khi cùng ăn “cặn bã” với nó mà “cũng không ai cho”.

Nhưng rất may cho người con thứ. Anh có một người cha quá nhân từ, để trong lúc ngặt nghèo này, anh còn có chỗ mà dựa dẫm. Tình yêu của người cha nung nấu nghị lực và làm sống lại ý chí nơi người con thứ. Đó là sức mạnh vững chắc để anh tìm về gặp cha của anh.

Người con thứ có dư kinh nghiệm về lòng yêu thương của cha. Người con thứ biết rằng, dù anh có bỏ cha, bỏ nhà ra đi, sống một đời sống bê tha tội lỗi, thì tình yêu nơi cha của anh còn lớn hơn, mạnh hơn mọi sự phản bội, mọi vong ân, mọi tội lỗi mà anh đã gây ra.

Trong khi người con thứ ngụp lặn trong thế giới tự do xấu xa của riêng mình, người cha vẫn một lòng chờ đợi không mệt mỏi, một lòng hy vọng nơi con không hề hối tiếc. Rồi khi người con nghịch phản ấy trở về, từ đàng xa, người cha đã nhìn thấy con trai ông trước khi nó nhìn thấy cha nó. Người cha không hề nhớ tội của con mà chỉ nhớ con. Người cha không mảy may nghĩ tới việc con làm, điều con sống, mà chỉ nhất mực tha thứ. Con trai mình còn chưa kịp nói một lời xin lỗi, người cha đã đon đả đón chào.

Kinh nghiệm lớn lao về tình yêu của cha, đúng hơn, người con thứ quá kinh nghiệm về một biển trời yêu thương, anh đã cậy dựa vào biển trời yêu thương ấy mà có đủ sức mạnh để hồi tâm, đủ can đảm và nghị lực trở về cùng cha. Tình yêu của người cha chính là ý chí, là nghị lực của đứa con. Trong cơn tủi nhục ê chề, người con thứ đã hối hận. Và trong cơn hối hận, người con thứ nhìn thấy tình yêu của cha sáng như ngọn hải đăng rọi chiếu tâm hồn anh, để với ngọn đèn tình yêu ấy, lòng anh bừng lên ý chí trở về với cha. Phúc thật cho người con thứ vì lòng cha yêu anh.

Hình ảnh người cha vô cùng nhân hậu ấy, chính là Thiên Chúa. Hai người con chính là hình ảnh của chúng ta. Nơi bản thân mỗi người mang vóc dáng của cả hai người con. Có lúc mình trung thành lắm, nhưng cũng có lúc chẳng trung thành chút nào.

Nhưng với hình ảnh người con thứ là một bài học lớn về ý chí, nghị lực và sự hồi tâm, ta hãy học lấy mà nhận ra tình yêu cao vời vợi của Thiên Chúa, một tình yêu không hề so đo, tính toán, nhưng luôn là tình yêu chung thủy, rộng lượng và khoang dung đến mức chúng ta không thể hiểu nổi, chỉ có thể cảm nghiệm và cố gắng sống sao cho xứng đáng…

Tình yêu của người cha trong dụ ngôn đã nắn đúc nên nghị lực, rèn lại ý chí nơi người con thứ. Cũng vậy, tình yêu của Thiên Chúa hãy là chỗ dựa của chúng ta, làm dậy lên ý chí và nghị lực cho cả một kiếp sống làm người của mình. Vì phúc thật của người con trong dụ ngôn, cũng chính là phúc thật của bạn và tôi trong thân phận mong manh của một kiếp người: phúc thật cho chúng ta vì Thiên Chúa yêu chúng ta.

Vậy, nhận lãnh mối phúc ấy, dù biết rằng, đã nhiều lần mình yếu lòng, nhiều lúc không đủ nghị lực thắng cám dỗ, bạn và tôi hãy nhớ lại dụ ngôn người cha nhân hậu này, để khám phá lại lòng thương xót của Chúa mà cậy dựa vào lòng thương xót ấy, trở về với Người.

Chính khi ta hồi tâm nhớ lại lòng Chúa yêu thương, rồi tin tưởng, cậy dựa vào tình yêu ấy, chắc chắn, tâm hồn mình sẽ tăng thêm nghị lực, giàu thêm ý chí, giúp ta can đảm làm lại tương quan với Chúa và với anh em, bằng sự nỗ lực xa tránh cám dỗ, xa tránh dịp tội.

Chỉ cần trở về với Chúa, qua việc lãnh nhận bí tích giao hòa, Chúa sẽ tha thứ hết. Không chỉ tha thứ, Người còn quên hết quá khứ của ta, giống như người cha tha thứ và đón nhận đứa con hư hỏng của mình.

Phúc thật cho bạn và cho tôi, vì Chúa yêu chúng ta!

Lm. VŨ XUÂN HẠNH