Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ số áp đảo 173-71, Thượng viện Ý đã thông qua luật hợp thức hóa “hôn nhân đồng tính”.
Dự luật được thông qua sau khi những người bảo trợ cho dự luật loại bỏ một điều khoản theo đó các cặp đồng tính được nhận con nuôi hợp pháp.
2. Các nhà ngoại giao Vatican đối diện với những thách đố chưa từng có
Các nhà ngoại giao Vatican sẽ phải “thực hiện những nỗ lực chưa từng có” để đạt được hòa bình trong những điều kiện mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả như là một “thế chiến thứ ba từng mảnh”, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với Catholic News Service.
Vị Tổng Giám Mục người Anh, là Tổng Trưởng Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước, đã nói về vai trò của các sứ thần Tòa Thánh, và sự tham gia của Vatican trong các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Phát biểu đặc biệt về cuộc chiến tại Syria và Iraq, ngài bày tỏ hy vọng một thỏa thuận ngừng bắn mong manh ở Syria có thể được thực hiện, “và trong những ngày sắp tới sẽ có một cuộc ngưng bắn để tạo ra các hành lang nhân đạo” cho phép cứu trợ dân thường.
Các thỏa thuận ngừng bắn ở Syria không ảnh hưởng đến cuộc chiến chống lại quân khủng bố Hồi Giáo IS. “Chúng ta không đàm phán với Daesh,” Đức Tổng Giám Mục nói. Daesh là từ Ả rập chỉ quân khủng bố Hồi Giáo IS.
Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng các nhà ngoại giao Vatican là những người lo lắng thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo với các bên có trách nhiệm, để giúp họ tránh “sự diệt vong và hủy diệt quê hương mình.”
3. Đức Thánh Cha tiếp Đức Thượng Phụ Chính Thống Etiopi
Đức Thánh Cha đề cao chứng tá tử đạo của Giáo Hội Chính Thống Etiopi và kêu gọi các nhà cầm quyền chính trị thăng tiến sự sống chung hòa bình.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29 tháng Hai, dành cho Đức Thượng Phụ Chính Thống Etiopi, Abuna Matthias I, và phái đoàn đến viếng thăm Tòa Thánh.
Sau khi nhắc đến bao nhiêu yếu tố chung giữa Công Giáo và Chính Thống Etiopi trong đức tin, truyền thống đan tu và phụng vụ, Đức Thánha Cha nói rằng:
“Giáo Hội anh chị em là một Giáo Hội của các vị tử đạo ngay từ đầu, và ngày nay anh chị em vẫn còn chứng kiến bạo lực tàn phá chống các tín hữu Kitô và các nhóm thiểu số khác tại Trung Đông và một số miền ở Phi châu. Một lần nữa chúng ta không thể không yêu cầu những người nắm vận mạng chính trị và kinh tế thế giới thăng tiến một sự sống chung hòa bình dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hòa giải, trên sự tha thứ và liên đới”.
Đức Thánh Cha ca ngợi nỗ lực của đất nước Etiopi đang thực hiện để cải tiến cuộc sống của dân chúng và xây dựng một xã hội ngày càng công bằng hơn, dựa trên chế độ Nhà nước pháp quyền, và trên sự tôn trọng vai trò của phụ nữ. Ngài đặc biệt nhắc đến vấn đề thiếu nước với những hậu quả trầm trọng về mặt xã hội và kinh tế.
Sau cùng Đức Thánh Cha nói thêm: “Chúng ta ý thức rằng lịch sử đã để lại một gánh nặng với những hiểu lầm đau thương và nghi kỵ, chúng ta xin Chúa tha thứ và chữa lành. Chúng ta cầu nguyện cho nhau, cầu xin sự phù hộ của các vị tử đạo và của các thánh trên tất cả những tín hữu được ủy thác cho sự chăm sóc mục vụ của chúng ta”
Giáo Hội Chính Thống Etiopi hiện có khoảng 35 triệu tín hữu, và giao hảo với Giáo Hội Công Giáo từ lâu.
4. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về bác ái
Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu và các tổ chức từ thiện bác ái của Giáo Hội ngày càng biểu lộ chân lý Thiên Chúa yêu thương con người!
Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 26 tháng 2, dành cho 200 tham dự viên Hội nghị quốc tế do Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, nghĩa là Đồng Tâm, tổ chức tại Vatican, với chủ đề “Đức bác ái không bao giờ tàn. Các viễn tượng 10 năm sau Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là tình thương), của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Thông điệp 'Thiên Chúa là Tình Thương' nhắc nhở chúng ta rằng đức bác ái muốn được phản ánh ngày càng nhiều hơn trong đời sống của Giáo Hội. Tôi mong ước sao cho mỗi người trong Giáo Hội, mỗi tổ chức, mỗi hoạt động đều biểu lộ sự kiện Thiên Chúa yêu thương con người! Sứ mạng mà các tổ chức bác ái chúng ta thi hành là điều quan trọng, vì giúp đưa bao nhiêu người nghèo tiến tới một cuộc sống xứng đáng hơn, nhân bản hơn, đó là điều rất cần thiết, nhưng sứ mạng này cũng đặc biệt quan trọng, vì không phải bằng lời nói, nhưng bằng tình thương cụ thể, làm cho mỗi người cảm thấy mình được Thiên Chúa Cha, Chúa Con yêu thương, và vận mạng của họ là được sự sống đời đời cùng với Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Mỗi hình thức yêu thương, liên đới, chia sẻ của chúng ta chỉ là một phản ánh tình thương là chính Thiên Chúa. Chúa không bao giờ mệt mỏi đổ trong việc tràn tình thương của Người trong chúng ta và chúng ta được kêu gọi trở thành chứng nhân về tình thương ấy trên thế giới. Vì thế chúng ta phải nhìn tình thương của Thiên Chúa như địa bàn hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, trước khi dấn thân trong mỗi hành động. Tại đó chúng ta tìm được phương hướng, từ đó chúng ta học cách phải nhìn anh chị em và thế giới như thế nào”.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót với mục đích cứu xét và đào sâu những viễn tượng thần học và mục vụ của Thông điệp đối với thế giới ngày nay, đặc biệt trong tương quan với công việc của những người hoạt động trong lãnh vực từ thiện bác ái của Giáo Hội. Tham dự Hội nghị này có đại diện của các Hội Đồng Giám Mục và các tổ chức bác ái Công Giáo quốc tế. Từ Việt Nam có Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, Giám Mục Phụ tá giáo phận Long Xuyên.
Lúc 9 giờ sáng 25 tháng 2, trong buổi khai mạc, sau lời chào của Đức Ông Giampietro Dal Toso, Tổng thư ký Hội đồng Cor Unum, Đức Hồng Y Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, đã thuyết trình mở đầu về đề tài: “Thông điệp Thiên Chúa là Tình Thương: đọc dưới khía cạnh thần học”. Tiếp theo đó là các bài tham luận của một số nhân vật như ông Michel Thio, Chủ tịch Liên hiệp quốc tế các Hội bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô. Ban chiều có những bài tham luận của các vị đại diện các tôn giáo độc thần như Do thái giáo, Hồi giáo, v.v.
Ngày 26 tháng 2, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, Chủ tịch Caritas quốc tế, nói về đề tài: “Tầm quan trọng của Thông điệp “Thiên Chúa là tình thương” đối với việc phục vụ bác ái của Giáo Hội ngày nay”. Sau đó là phần trình bày chứng từ.
Ban chiều ngày 26 tháng 2, có một số bài tham luận khác, trước khi có thánh lễ tại nhà nguyện Học viện Đức quốc ở Nội thành Vatican do Đức Hồng Y Paul Cordes, nguyên chủ tịch Hội đồng Cor Unum chủ sự.
5. Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Ấn Độ tìm cách xin trả tự do cho tối thiểu 1,000 tù nhân trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
Như một cử chỉ cụ thể trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Ấn đã thông qua một dự án tìm cách bảo lãnh cho tối thiểu 1,000 tù nhân được trả tự do trong năm 2016 này.
Trong các cuộc đàm phán với các quan chức dân sự, các tu sĩ Phanxicô sẽ tập trung vào những “người sống mòn mỏi trong các nhà tù trong nhiều năm qua vì những tội không nghiêm trọng như tội trộm cắp”. Trang tin tức trực tuyến MattersIndia.com đã cho biết như trên.
6. Đức Thánh Cha viếng thăm Trung Tâm cai nghiện “Thánh Carlo”
Chiều thứ Sáu 26 tháng 2, Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm một trung tâm cai nghiện ma túy và nói chuyện trong 2 tiếng đồng hồ với 60 người gồm các bạn trẻ đang cai nghiện, các nhân viên và những người thiện nguyện.
Cuộc viếng thăm không được thông báo trước cho báo chí và nằm trong khuôn khổ một việc bác ái Đức Thánh Cha thực hiện mỗi tháng 1 lần vào ngày thứ 6 trong Năm Thánh Lòng thương xót.
Trung tâm cai nghiện mang tên thánh Carlo và tọa lạc gần Castel Gandofo, cách Roma khoảng 25 cây số và thuộc tổ chức “Trung tâm Italia Liên đới”, gọi tắt là CES, của cha Mario Picchi. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 cũng đã viếng thăm tại đây.
Tháp tùng Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng là cơ quan đặc trách về Năm Thánh Lòng thương xót.
Cuối cuộc viếng thăm, Đức Thánh Cha đã tặng cho mỗi người hiện diện tấm ảnh Đức Mẹ Lujan bổn mạng Á Căn Đình. Biến cố này gây ngạc nhiên và vui mừng rất lớn cho mọi người ở Trung Tâm.
Một tham dự viên kể với phái viên đài Vatican: “Đức Giáo Hoàng bước vào cổng Trung Tâm mà không ai biết gì. Đó thực là một cuộc gặp gỡ rất cảm động, cùng với những tiếng cười vui, những câu hỏi của các bạn trẻ và những câu trả lời sâu xa của Ngài về đức tin, về Tin Mừng, sự đau khổ. Ngài đã thực sự mang lại lòng từ bi thương xót, lòng can đảm và khích lệ vào Trung tâm này, từ nhiều năm vẫn hoạt động để giúp các bạn trẻ nghiện ngập cai nghiện và tái hội nhập vào xã hội.”
Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ đừng để “ung thư ma túy” chiếm đoạt và làm tiêu hao. Ngài nhắc nhở họ rằng con đường họ đã bắt đầu ở trung tâm này là một cơ hội đích thực để bắt đầu lại một cuộc sống đáng sống.
Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha cũng ăn pizza với mọi người.
7. Giáo Hội Chính thống Nga muốn mở cửa các địa điểm hành hương cho người Công Giáo.
Người ta thường chỉ nhận định cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Ðức Thượng phụ Kirill hôm 12 tháng Hai vừa qua tại La Havana, Cuba theo góc độ địa chính trị, nhưng cuộc gặp gỡ lịch sử này có thể có những hệ quả khác về mặt thiêng liêng. Cụ thể là các Ðền thánh của Giáo Hội Chính thống Nga sẽ được mở cửa vào cuối năm nay cho khách hành hương Công Giáo kính viếng.
Ðài phát thanh Vatican đã trích lại tuyên bố trên của Tổng giám mục Hilarion trong một cuộc phỏng vấn. Tổng giám mục Hilarion hiện đang là Trưởng ban Ðối ngoại của Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, trách vụ do chính Ðức Thượng phụ Kirill đảm nhiệm từ năm 1989 đến năm 2009.
Theo gương của Bari ở miền Nam Italia, nơi lưu giữ thánh tích của Thánh Nicôla được nhiều người Chính thống đến kính viếng, Tổng giám mục Hilarion cũng mong muốn có thêm nhiều cuộc hành hương qua lại giữa Chính thống giáo và Công Giáo. “Chúng ta cần phải đẩy mạnh các làn sóng hành hương này, ngài nhấn mạnh, bởi vì điều quan trọng là các tín hữu của hai Giáo Hội gặp gỡ nhau và đến viếng các Ðền thánh của nhau”.
Các Giáo Hội Ðông phương rất có lòng sùng kính Thánh Nicôla. Nhiều bàn thờ của các nhà thờ tại Nga đã được dâng kính Thánh Nicôla. Thánh Nicôla từng là giám mục Myra trên bờ biển phía Tây Nam của Anatolia vào thế kỷ IV. Khi Thổ Nhĩ Kỳ bị người Seljuk Hồi giáo xâm chiếm, các cư dân thành phố Bari của Italia quyết định đưa thánh tích của Thánh Nicôla về Bari để bảo đảm an toàn.
Ngày nay, thành phố Bari thu hút rất nhiều khách hành hương Chính thống giáo, đặc biệt là từ Nga. Mỗi năm, có nhiều phái đoàn của Giáo Hội Chính thống cùng tham gia hành hương với người Công Giáo Roma trong khuôn khổ một cuộc gặp gỡ đại kết; điều này đóng vai trò thúc đẩy việc xây dựng sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính thống Nga.
8. Cha Raniero Cantalamessa trình bày bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ hai cho các thành viên của Giáo triều Rôma
Sáng thứ Sáu 26 tháng Hai, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng là Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchin Phanxicô đã trình bày bài giảng Mùa Chay thứ hai cho các thành viên của Giáo triều Rôma tại nhà nguyện Redemptoris Mater.
Tiếp tục những suy tư của ngài về các tài liệu quan trọng của Công đồng Vatican II, Cha Cantalamessa nói về ý nghĩa của Lời Chúa qua các văn bản của Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa có tựa đề là “Dei Verbum”.
Thứ Sáu tuần trước, cha Raniero Cantalamessa, đã dành bài giảng tĩnh tâm tuần thứ Nhất Mùa Chay của ngài cho chủ đề “Thờ phượng trong thần khí và trong sự thật: Những suy tư về Hiến Chế Sacrosanctum Concilium,” nghĩa là Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công đồng Vatican II.
Dei Verbum là một trong bốn Hiến Chế của Công Đồng Vatican II, bàn về Mặc Khải, được bỏ phiếu ngày 8 tháng Chín, 1965 và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục long trọng công bố ngày 18 tháng 11 năm 1965. Hiến Chế gồm sáu chương bàn về : Bản tính Mặc Khải, Truyền thông Mặc Khải, Linh hứng và chú giải Kinh Thánh, Cựu Ước, Tân Ước, Kinh thánh trong đời sống Giáo Hội.
Bắt đầu với việc tìm hiểu cách thế Thiên Chúa đã phán qua các tiên tri trong Cựu Ước, Cha Raniero Cantalamessa đã đi dần đến cách thức Lời đã trở nên nhục thể nơi Chúa Giêsu Kitô.
Ngài đã tập trung những suy tư của ngài về việc đọc Kinh Thánh như một con đường để thánh hóa cá nhân, đặc biệt là thông qua việc thực hành “lectio divina” – nghĩa là “đọc sách thánh trong tinh thần cầu nguyện” vừa đọc vừa suy gẫm Thánh Kinh và đưa Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống của chúng ta.
9. Một nhà lãnh đạo phò sinh Mễ Tây Cơ bị bắt ngay sau khi Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du nước này
Một trong những nhà lãnh đạo phò sinh nổi bật nhất của Mễ Tây Cơ đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc tội tham ô tiền từ tổ chức phò sự sống của mình.
Jorge Serrano Limon bị cáo buộc biển thủ quỹ của Ủy ban Pro-Life quốc gia. Đây là lần thứ ba ông bị cáo buộc tôi danh này. Hai lần đầu là vào năm 2003 và 2012. Cà hai lần trước ông đều được trắng án.
Lời buộc tội của chính phủ chống lại ông Serrano xuất phát từ một đơn khiếu nại rằng nhà lãnh đạo phò sự sống đã sử dụng kinh phí cho các hình thức ủng hộ sự sống chưa có giấy phép hoạt động của chính phủ. Đơn này được nộp vào tháng 10 năm 2015. Tuy nhiên, ông đã không bị bắt cho đến hôm 17 tháng 2 là ngày cuối cùng trong chuyến tông du Mễ Tây Cơ của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Sau khi trải qua ba ngày trong tù, ông Serrano đã được tại ngoại.
10. Các Giám Mục Công Giáo Canada âu lo về dự luật cho phép trợ tử
“Tự tử không phải là một phần của chăm sóc sức khỏe,” các giám mục Công Giáo Canada nói như trên trong một phản ứng trước một báo cáo của chính phủ đề xuất việc hợp pháp hóa trợ tự.
Bản báo cáo của một ủy ban liên ngành, đưa ra vào ngày 25 tháng Hai đã kêu gọi một hệ thống mới cho phép các bác sĩ hỗ trợ tự tử cho những bệnh nhân đang phải chịu những đau khổ về thể lý hay tâm lý. Ủy ban đề nghị cả việc mở rộng trợ tử cho các thanh thiếu niên được đánh giá là “còn vị thành niên chưa trưởng thành.” Cuối cùng, trong cố gắng tấn công các bệnh viện Công Giáo tại Canada; cũng như các nhân viên y tế có niềm tin tôn giáo chống lại việc trợ tử, báo cáo cho rằng tất cả các nhân viên y tế phải bị bắt buộc đề xuất với bệnh nhân lựa chọn được trợ tử, và tất cả các bệnh viện được chính phủ tài trợ phải cung cấp việc hỗ trợ tự tử.
Đức Giám Mục Douglas Crosby của giáo phận Hamilton, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Canada, đã đưa ra một câu trả lời thay cho hàng giáo phẩm nước này. Tuyên bố của ngài cho rằng bất cứ chính sách quốc gia nào cũng đều phải dựa trên sự bảo vệ cuộc sống con người và tôn trọng lương tâm cá nhân. Bản tuyên bố nhận thấy rằng ủy ban liên ngành đã không đánh giá đúng mức hiệu quả của việc chăm sóc làm giảm nhẹ những đau đớn và việc chăm sóc tại gia trong việc cung cấp sự thoải mái cho những người bị bệnh nan y.
Các giám mục kêu gọi một nỗ lực toàn quốc để ngăn ngừa tự tử. Trong khi lưu ý rằng vấn đề chủng tộc có một tương quan rất lớn với tỷ lệ tự tử, các Giám Mục nhận xét rằng: “Tỷ lệ tự sát là 5 đến 7 lần cao hơn trong số những thanh niên thổ dân so với các sắc dân khác, trong khi tỷ lệ tự tử trong giới trẻ thổ dân Inuit là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới, và ở mức 11 lần cao hơn so với mức trung bình tại Canada.”
11. Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn doanh nhân Italia
Đức Thánh Cha kêu gọi các doanh nhân và chủ xí nghiệp đặt con người ở trọng tâm các hoạt động của mình và cổ võ sự can dự của nhiều người vào công trình chung, kể cả những người yếu thế.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27 tháng 2, tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho 7 ngàn doanh nhân và chủ xí nghiệp Italia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập Liên hiệp các công nghệ Italia (Confindustria), một vị Giáo Hoàng tiếp kiến các thành viên tổ chức này.
Chiều thứ sáu 26-2 trước đó, cách doanh nhân đã tham dự một hội nghị tại Học viện Augustinianum cạnh Vatican về chủ đề “cùng nhau hành động”, do Liên hiệp các công nghệ Italia tổ chức, bàn về tương quan giữa luân lý đạo đức và lao công.
Đi từ chủ đề đó, Đức Thánh Cha nói: “cùng nhau hành động”, có nghĩa là đầu tư vào những dự án biết làm cho cả những người nhiều khi bị lãng quên hoặc lơ là được tham gia. Trong số những người ấy có các gia đình, và những thành phần yếu thế nhất và bị gạt ra ngoài lề, như những người già vẫn còn có thể diễn tả tài năng và nghị lực để cộng tác tích cực, nhưng nhiều khi họ bị gạt bỏ như những người vô ích và không sản xuất được... Và phải nói gì về tất cả những công nhân trong tiềm năng, nhất là những người trẻ, nhiều khi phải chịu tình trạng công ăn việc làm bấp bênh, hoặc bị thất nghiệp dài.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tất cả những lực lượng ấy có thể tạo nên sự khác biệt đối với một xí nghiệp đặt con người ở nơi trung tâm hoạt động của mình, đặt chất lượng tương quan của mình, sự dấn thân chân thành trong việc xây dựng một thế giới công bằng hơn, cho tất cả mọi người. Thực vậy, “Cùng nhau hành động” có nghĩa là bố trí công việc không phải trên một thiên tài đơn độc của một cá nhân, nhưng trên sự cộng tác của nhiều người, nói khác đi, đó là liên kết với nhau để đề cao những năng khiếu của tất cả mọi người, không bỏ qua đặc tính có một không hai của mỗi người. Nơi trung tâm của mọi xí nghiệp của anh chị em, cần có con người, không phải con người trừu tượng, lý thuyết, nhưng con người cụ thể với những ước mơ, những nhu cầu, hy vọng và cơ cực của họ”.
Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Đứng trước bao nhiêu hàng rào bất công, cô đơn, nghi kỵ và ngờ vực vẫn còn được người ta dựng lên thời nay, thế giới lao động, nơi mà anh chị em chiếm vị thế hàng đầu, được kêu gọi thực hiện những bước can đảm, để khẩu hiệu “họp nhau và cùng nhau hành động” không phải chỉ là một khẩu hiệu, nhưng là một chương trình cho hiện tại và tương lai.
“Ước gì con đường chủ yếu của anh chị em luôn luôn là công lý, từ bỏ mọi những lối đi tắt với những thứ tiến cử và thiên vị, những lệch lạc nguy hiểm do sự bất lương và thái độ thỏa hiệp dễ dàng. Ước gì qui luật tối thượng trong mọi sự là quan tâm đến phẩm giá của tha nhân, là giá trị tuyệt đối và không thể tùy tiện sử dụng. Ước gì chân trời vị tha này là đặc điểm trong sự dấn thân của anh chị em: nó sẽ làm cho anh chị em quyết liệt không để phẩm giá con người bị chà đạp nhân danh những đòi hỏi của việc sản xuất, che đậy sự thiển cận cá nhân chủ nghĩa, sự ích kỷ buồn thảm và sự khao khát lợi lộc. Ước gì xí nghiệp mà anh chị em đại diện luôn cởi mở đối với ý nghĩa bao quát của cuộc sống, giúp nó thực sự phục vụ công ích, với nỗ lực làm gia tăng và làm cho mọi người được hưởng những thiện ích của thế giới này”
12. Nhận định của cha Federico Lombardi, Phát ngôn viên Toà Thánh, về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Mễ Tây Cơ
Trong phần sau chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài nhận định của Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Mễ Tây Cơ
Hỏi: Thưa cha, ngày 16 tháng 2 Đức Thánh Cha đã viếng thăm giáo phận Morelia là vùng đất đang sống thảm cảnh của bạo lực và tệ nạn buôn bán ma tuý. Cha có nhận xét gì về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha?
Đáp: Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đã là một cuộc gặp gỡ lớn của ngài với nhân dân Mễ Tây Cơ, không phải chỉ trong các biến cố lớn, nhưng cả dọc các đường phố và qua các phương tiện truyền thông xã hội đã theo dõi chuyến viếng thăm với rất nhiều chú ý tới tất cả những gì Đức Thánh Cha làm, từng phút một. Khẩu hiệu mà Đức Thánh Cha đã chọn cho chuyến công du này là “thừa sai của lòng thương xót và của hoà bình” tương xứng hoàn toàn với điều Đức Thánh Cha đang làm, bởi vì đây thực sự là một việc phục vụ tinh thần, mục vụ lớn lao, bao gồm cả các thực tại thê thảm mà người dân Mễ Tây Cơ đang sống trong xã hội hiện nay. Đó cũng là các vấn đề chúng ta đã nhắc tới nhiều lần và Đức Thánh Cha cũng liên tục đề cập tới: chúng liên hệ tới các cuộc di cư, tệ nạn buôn bán ma túy, buôn người, bạo lực… Nhưng Đức Thánh Cha nhắc tới chúng trong một viễn tượng của một mục tử. Đức Thánh Cha đã đưa ra một sứ điệp rất là trung thực với sứ mệnh của ngài, chú ý tới sự cụ thể của các vấn đề, và ngài phó thác giải pháp cho các giới chức trách nhiệm, mỗi người tuỳ theo chỗ đứng và nhiệm vụ của mình.
Hỏi: Thưa cha, trong buổi gặp gỡ giới trẻ Đức Thánh Cha đã định nghĩa họ là “niềm hy vọng và sự giầu có” của đất nước Mễ Tây Cơ. Đề tại này được lập đi lập lại nhiều lần trong chuyến viếng thăm. Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ tới giới trẻ cả trong việc rao giảng Tin Mừng một cách tốt đẹp hơn cho xã hội Mễ Tây Cơ. Riêng cha thì cha nghĩ sao?
Đáp: Tại Mễ Tây Cơ có các sinh hoạt mục vụ rất sinh động cho giới trẻ, nhưng cũng sinh động cho trẻ em nữa, với các dụng cụ, các phụ đới, các phương pháp tông đồ thích hợp. Và cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các trẻ em trong nhà thờ chính toà đã mang ý nghĩa này. Giới trẻ nằm trong viễn tượng của đức tin và cuộc sống kitô, của việc tham dự vào Giáo Hội, hay ngày mai Giáo Hội không còn nữa. Vì thế dấn thân và sự hiện diện của người trẻ cũng quan trọng cả trên bình diện Giáo Hội nữa, cũng như nó quan trọng trên bình diện xã hội.
Hỏi: Trong thánh lễ cử hành với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Đức Thánh Cha khuyến khích các vị “đừng chịu trận”. Các vị đã tiếp nhận sứ điệp này của Đức Thánh Cha như thế nào? Thưa Cha.
Đáp: Cũng rất giống như diễn văn Đức Thánh Cha đã nói với giới trẻ, nghĩa là vấn đề trong một xã hội có các khó khăn lớn, đó là phải tránh nản lòng và để cho mình bị thống trị bởi các sức mạnh đang tàn phá xã hội, đang khiến cho nó trở thành thối nát, người ta đang kiếm lời trên cái chết, trên bạo lực và việc sử dụng sai quyền lực. Vì thế với đề tài cầu nguyện, nhớ lại quá khứ tích cực và ơn gọi phục vụ tha nhân, Đức Thánh Cha khích lệ các tu sĩ: cả hai diễn văn cũng ít nhiều giống nhau.
13. Nhận định của Đức Cha Filipe Arizmendi Esquivel, Giám Mục giáo phận San Cristobal de las Casas về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Mễ Tây Cơ
Chúng tôi cũng xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài nhận định của Đức Cha Filipe Arizmendi Esquivel, Giám Mục giáo phận San Cristobal de las Casas nơi Đức Thánh Cha đã viếng thăm hôm 15 tháng Hai.
Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha nghĩ gì về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha?
Đáp: Đây thật là một món quà Chúa ban. Một sự tế nhị của lòng thương xót Chúa đối với các dân tộc bị khinh miệt, lãng quên và gạt bỏ ngoài lề xã hội này. Họ đã tiếp nhận sứ điệp của Đức Thánh Cha với sức mạnh của con tim. Chính họ đã nói: “Chúng con cảm thấy được khích lệ tiến bước. Cám ơn Đức Thánh Cha đã nói rằng chúng con quan trọng, chúng con có giá trị, chúng con không phải là các đồ vật”. Chính Đức Thánh Cha đã nói rằng cần phải xin lỗi các thổ dân, bởi vì quá thường khi nền văn hóa của họ bị khinh rẻ. Các anh chị em thổ dân của chúng tôi đã đánh giá rất cao sự hiện diện của Đức Thánh Cha, các cử chỉ của ngài, kiểu ngài tiếp xúc với họ. Đã là sự kiện rất rất quan trọng các bài đọc, các văn bản và thánh ca đã được đọc và hát bằng các thứ tiếng của thổ dân. Đây là điều đã được các anh chị em thổ dân đánh giá rất cao. Chúng tôi cảm tạ Chúa vì chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha.
Hỏi: Giáo Hội Mễ Tây Cơ có được chuẩn bị để đương đầu với các thách đố Đức Thánh Cha đã đề nghị hay không, thưa Đức Cha?
Đáp:: Trong chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ Đức Thánh Cha đã đưa ra rất nhiều đề nghị, khích lệ và thách đố khác nhau. Đặc biệt là việc hội nhập văn hóa của Giáo Hội trong các cộng đoàn thổ dân; thách đố bảo vệ các quyền của các dân tộc thổ dân và bảo vệ quyền của Mẹ Đất. Đó là các thách đố mà chúng tôi sẵn sàng đương đầu. Chúng tôi đang làm việc… nhưng tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi là một Giáo Hội dáp trả lại một cách toàn vẹn các thách đố mà Đức Thánh Cha để lại cho chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để đương đầu với chúng như việc sống gần gũi với thổ dân. Chúng tôi sống với họ. Đó là cuộc sống thường ngày của chúng tôi. Và Đức Thánh Cha đã tới khích lệ chúng tôi tiến bước, bởi vì ngài biết là chúng tôi đang thực hiện điều này. Không phải chỉ trong giáo phận San Cristobal de las Casas mà thôi, nhưng trong rất nhiều vùng đất của châu Mỹ Latinh đều có nỗ lực lớn để đáp ứng mục vụ cho các thổ dân. Còn hơn thế nữa, Đức Thánh Cha cũng đã khích lệ chúng tôi bằng cách nói với chúng tôi rằng, từ nay trở đi việc chấp nhận bản văn phụng vụ sẽ không còn tuỳ thuộc giới chức của Bộ Phụng Tự nữa, nhưng tuỳ thuộc Hội Đồng Giám Mục chắc chắn là gần gũi hơn và sống các thực tại của các thổ dân. Điều này khích lệ chúng tôi rất nhiều. Đức Thánh Cha đã tới để trao một sắc lệnh chấp thuận tiếng nói Nahuatl là ngôn ngữ được nhiều ngưởi sử dụng nhất tại Mễ Tây Cơ như là tiếng mẹ đẻ. Sự kiện này khích lệ chúng tôi tất cả! Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục con đường sống gần gũi với các cộng đoàn thổ dân có một nền văn hóa ngàn đời, trong đó có sự khôn ngoan lớn và một sự hiện diện lớn của Thiên Chúa.
14. Đức Thánh Cha tiếp tân tổng thống Á Căn Đình
Hôm thứ Bẩy 27 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tân tổng thống Á Căn Đình là ông Mauricio Macri.
Một tuyên bố từ văn phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết các cuộc thảo luận của hai vị đã diễn ra thân mật. Tổng thống Macri nhậm chức vào tháng Mười Hai năm ngoái, và trước đây là Trưởng phòng chính phủ của thành phố tự trị Buenos Aires từ năm 2007 đến năm 2015. Trước đó, ông đại diện cho thành phố Buenos Aires trong Hạ Viện Á Căn Đình từ năm 2005 đến năm 2007. Đức Thánh Cha Phanxicô từng là Tổng Giám mục Buenos Aires từ năm 1998 cho đến khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng tháng Ba năm 2013.
Các vấn đề quan tâm chung như bảo vệ sự sống con người, giáo dục và an toàn xã hội đã được đề cập. Hai vị đã nhấn mạnh đến vai trò và sự đóng góp tích cực của các tổ chức và hàng giáo phẩm Công Giáo trong xã hội Á Căn Đình, đặc biệt là liên quan đến việc thăng tiến con người, giáo dục và giúp đỡ cho những người cần được trợ giúp.
Hai vị cũng đã trao đổi một cái nhìn tổng quan về tình hình ở châu Mỹ Latinh, với một tham chiếu đặc biệt tới những thách thức khác nhau đang ảnh hưởng đến châu lục này.
Trong cuộc gặp gỡ, Tổng thống Macri tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một số quà tặng, bao gồm một poncho, một CD với âm nhạc truyền thống của Á Căn Đình và nhạc tango, một thánh giá gỗ từ vùng Matara biểu tượng của việc truyền giáo ở Mỹ Latinh.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng tổng thống một huy chương Hòa Bình, với biểu tượng là một cây ô liu.
Sau cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha, tổng thống đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao.
15. Thay đổi trong Ban Lãnh Đạo Radio Vatican
Từ ngày 29 tháng 2 vừa qua, cha Federico Lombardi đã thôi giữ chức giám đốc Radio Vatican. Ông Giacomo Ghisani, một giáo dân người Ý và hiện là phó giám đốc đã giữ chức giám đốc hành chính và đại diện hợp pháp “lâm thời” của Radio Vatican bắt đầu từ ngày 1 tháng 3 vừa qua. Được biết, ông Ghisani đã từng giữ chức trưởng ban quan hệ quốc tế và các vấn đề pháp lý của Radio Vatican trong nhiều năm qua.
Cha Federico Lombardi là Linh mục Dòng Tên, năm nay 73 tuổi vẫn tiếp tục giữ chức vụ Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh và đồng thời là phát ngôn viên của Tòa Thánh. Những thay đổi về nhân sự này đã được Vatican công bố hôm Thứ Hai 22 tháng 02.
Sinh năm 1942 ở miền bắc nước Ý gần Turino, Cha Lombardi được bổ nhiệm làm giám đốc chương trình của Đài Phát Thanh Vatican vào năm 1990. Sau đó vào năm 2001, ngài được bổ nhiệm thêm chức tổng giám đốc Trung Tâm Truyền Hình Vatican gọi tắt là CTV.
Khi tổ chức lại các cơ quan của Vatican, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Cha Lombardi làm tổng giám đốc của đài phát thanh Vatican vào năm 2005 và Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh thay cho tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls vào năm 2006, trong khi vẫn tiếp tục lãnh đạo CTV. Trước khi nghỉ hưu hồi năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức Ông Dario Viganò giám đốc mới cho CTV.
Trong một nỗ lực cải cách để làm cho truyền thông của Vatican hoạt động hiệu quả hơn, tromg năm 2015 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập Quốc vụ viện Truyền thông với mục đích hợp nhất và điều phối nhiều cơ quan truyền thông của Tòa Thánh. Đức Ông Viganò làm trưởng ban thư ký của Quốc vụ viện Truyền thông đồng thời vẫn lãnh đạo CTV.