Chúa Nhật III MÙA VỌNG NĂM C

Niềm Vui Trong Chúa

Chúa Nhật III Mùa Vọng còn được gọi là Chúa Nhật màu hồng, là Chúa Nhật vui. Vui vì “Chúa sắp đến”. Vui vì ngày lễ Giáng Sinh gần kề. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa!”(Pl 4,4). Niềm vui mà Thánh Phaolô nhắc tới là niềm vui trong Chúa. Niềm vui có Chúa. Niềm vui được gặp gỡ Chúa. Niềm vui “đặc thù” của người Kitô hữu. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là “Niềm vui của Tin Mừng”. Ngài nói: “Niềm vui của Tin Mừng đổ tràn đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu”(x. Tông thư Niềm Vui Tin Mừng, số 1). Và để chứng minh điều đó, trong số 5 của Tông thư vừa nêu, Đức Thánh Cha đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể của người có niềm vui Tin Mừng: Đó là niềm vui mà thiên thần mời gọi Đức Maria trong biến cố truyền tin “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”(Lc 1,28). Đó là niềm vui của Gioan Tẩy Giả nhảy mừng trong lòng bà thánh Êlizabét khi Đức Mẹ đến thăm(x. Lc 1,41). Đó là “Niềm vui trọn vẹn” của Gioan Tẩy Giả khi Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ (x. Ga 3,29). Đó là niềm vui mà Đức Giêsu hứa với các môn đệ: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”(Ga 16,20). Đó là niềm vui của các môn đệ khi nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh(x.Ga 20,20). Đó là niềm vui gặp gỡ của các kitô hữu đầu tiên, họ “Dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ”(Cv 2,46). Đặc biệt, các môn đệ đi đến đâu họ đem niềm vui tới đó(x. Cv 8,8); ngay cả giữa cơn bách hại, họ vẫn “Ngập tràn niềm vui”(13,52)…

Trong tập sách "Bước qua ngưỡng cửa hy vọng", Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã khẳng định Tin Mừng là tin vui, Ngài nói: "Tin Mừng có nghĩa là tin mang đến niềm vui mừng và Tin Mừng luôn là một lời mời gọi con người sống vui tươi”.

Thật vậy, Tin Mừng là tin mang đến niềm vui mừng. Nhờ Tin Mừng chúng ta mới biết Chúa. Nhờ Tin Mừng chúng ta mới trở thành người Kitô hữu. Nhờ Tin Mừng chúng ta gặp được Chúa qua các bí tích: Bí tích Rửa tội, bí tích Giao Hoà, Bí tích Thánh Thể…Nhờ Tin Mừng chúng ta gặp được Chúa qua cầu nguyện, qua việc đọc và suy niệm Lời Chúa, qua đời sống bác ái yêu thương. Nhờ gặp Chúa qua Tin Mừng cuộc đời của chúng ta được biến đổi và từ đó chúng ta gặp gỡ mọi người trong tình yêu thương như lời bài hát: “Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh”.

Để có được niềm vui trong Chúa, niềm vui Tin Mừng, tâm hồn chúng ta cần phải trong sạch, không vướng mắc tội lỗi. Lời Chúa hôm nay phần nào giúp chúng ta có được điều đó: Hãy giữ đức công bằng và hãy thực thi bác ái.

1. Hãy giữ đức công bằng: Khi những người thu thuế và các binh lính hỏi Thánh Gioan phải làm gì để đón chờ Chúa đến. Thánh Gioan mời gọi họ hãy giữ đức công bằng, Ngài nói: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh"(Lc 3,13); "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình" (Lc 3, 14). Tuy lời mời gọi này dành riêng cho những người thu thuế và binh lính nhưng rất thích hợp với tất cả mọi người qua mọi thời đại. Bởi vì, ai cũng có thể lỗi đức công bằng. Điều răn thứ bảy trong mười điều răn của Chúa đã liệt kê những tội lỗi đức công bằng như sau:

Thứ nhất, tội lấy của người khác cách bất công: Trộm cướp, gian lận, cho vay ăn lời quá đáng, nhận của hối lộ hoặc tham lam của công và đầu cơ tích trữ hoặc bắt chẹt người tiêu dùng.

Thứ hai, tội giữ của người khác cách bất công: Không trả nợ, không hoàn lại của đã mượn hay lượm được, không trả tiền công xứng đáng, trốn thuế, oa trử của gian.

Thứ ba, tội làm hư hại của người khác: Trực tiếp hay gián tiếp làm hư hại tài sản người khác, vu cáo hay là nói xấu khiến người ta làm ăn thất bại, lỗi các hợp đồng đã được thoả thuận cách công bằng.

Xã hội chúng ta đang sống có rất nhiều người tham ô tham nhũng, trộm cắp gian tham, ức hiếp của người, bỏ vạ cáo gian. Họ phải hoàn trả lại những tài sản đã chiềm đoạt và bồi thường cân xứng những thiệt hại đã gây ra. Về vấn đề này, Tin Mừng cho chúng ta thấy gương của ông Giakêu. Ông là một người thu thuế, đã từng tham ô tham nhũng, nhưng khi gặp được Chúa Giêsu, ông đã quyết định phân chia phần nữa của cải của mình cho người nghèo và nếu ông chiếm đoạt của ai cái gì thì ông xin đền trả gấp bốn (x. Lc 19,8).

2. Hãy thực thi bác ái: Bác ái là bản chất của Đạo Công Giáo. Thực thi bác ái là bổn phận của mỗi người kitô hữu. Có nhiều cách để thực thi bác ái. Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta thực thi bác ái bằng cách cho đi: “Ai có hai áo hãy cho người không có”(Lc 3,11). Cho đi không phải nơi môi miệng mà phải bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê nói: “Nếu có anh em hoặc chị em bị ở trần, hoặc nếu họ không có của ăn hằng ngày và nếu có ai trong anh em bảo họ: ‘Hãy đi bằng an, hãy mặc ấm và hãy ăn no’ mà không cho họ những gì cần thiết cho thân xác họ, thì có ích lợi gì đâu?” (Gc 2,15-16).

Khi biết thực thi bác ái là chúng ta gặp gỡ Chúa. Chính Chúa Giêsu đã đồng hoá Ngài nơi những người nghèo, những người bệnh tật, những người tù tội(x. Mt 25,40). Chính vì vậy, khi mẹ của Thánh Rosa thành Lima trách Ngài vì đã đưa những người nghèo và những người tàn tật về trong gia đình để săn sóc, Ngài thưa với mẹ Ngài rằng: “Khi chúng ta phục vụ những người nghèo và những bệnh nhân, đó là chúng ta phục vụ Chúa Giêsu. Chúng ta phải không ngừng giúp đỡ người đồng loại, bởi vì chúng ta phục vụ Chúa Giêsu ở nơi họ”.

Khi biết thực thi bác ái chúng ta sẽ gặp được niềm vui. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy điều đó: Khi cho ai cái gì với lòng bác ái chân thật chúng ta sẽ cảm thấy an vui.

Tại văn phòng của một cố vấn tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ đẹp vừa giàu sang bước vào giải bày tâm sự:

- Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho tất cả. Tôi có đủ mọi “sự” nhưng lòng của tôi lúc nào cũng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên.

Nhà cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể lại chuyện đời cô cho người phư nữ này nghe. Cô thư ký kể:

- Chồng tôi đã chết cách nay 3 tháng; con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả. Tôi không ngủ được. Tôi không muốn ăn uống. Tôi không bao giờ cười. Rồi một hôm, tôi đi làm về hơi khuya. Một chú mèo con cứ lẽo đẽo đi theo tôi. Trời lạnh. Tôi thấy tội nghiệp nó quá, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên từ sau những thảm kịch bi đát của gia đình... tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là ngay ngày hôm sau, tôi nướng vài ổ bánh đem sang cho bà cụ hàng xóm đang nằm bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp, được vui vẻ. Và quả thực, tôi đã tìm thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không có hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình. Ngược lại, ta sẽ hạnh phúc thật, khi ta làm cho người khác hạnh phúc.

Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì mà đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ (Câu chuyện trích từ bài chia sẻ của Lm. Giuse Đinh Tất Quý).

Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta thấy có rất ít người tìm kiếm niềm vui trong Chúa. Trái lại, có rất nhiều người tìm kiếm những thú vui trần gian nơi chức quyền danh vọng, nơi tiền bạc của cải, nơi tình cảm ngang trái. Vui nơi cờ bạc rượu chè. Đó là niềm vui tạm bợ, niềm vui chóng qua mau hết. Chỉ có niềm vui trong Chúa mới là niềm vui đích thực. Niềm vui trọn vẹn. Niềm vui “Không ai lấy mất được”(Ga 16,20). Mỗi người chúng ta hãy tự xét mình xem: Tôi đang có niềm vui nào? Niềm vui trong Chúa hay niềm vui của thế gian?

Lạy Chúa, trong khi chờ đợi Chúa đến, xin cho chúng con biết siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, suy gẫm Lời Chúa. Đặc biệt, xin Chúa cho chúng con biết sống công bằng, biết thực thi bác ái, biết cho đi hơn là lãnh nhận, để chúng con có được niềm vui trong Chúa, niềm vui của Tin Mừng. Amen

Lm. Anthony Trung Thành