Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau vài tháng lắng đọng, tháng Chín vừa qua, đột nhiên có hai người Hồi Giáo bị giết chết ngay tại thủ đô Bangui. Bạo lực lập tức bùng lên làm hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trước khi một lực lượng quốc tế khôi phục lại được trật tự.
Đầu tháng Mười, đột nhiên lại có hai người Hồi Giáo bị giết chết. Bạo động lại nổ ra làm 4 Kitô hữu bị giết và khoảng 20 người bị thương tại Bangui trong một cuộc tấn trả thù cho cái chết của hai người Hồi giáo này. Vụ bạo động đã khiến cuộc bầu cử Quốc Hội lập hiến và cuộc bầu cử tổng thống được dự trù vào ngày 4 tháng 10 và 18 tháng 10 phải dời đến 6 và 13 tháng 12.
Hôm thứ Năm 29 tháng 10, tổng thống lâm thời Samba Penza đã sa thải hai vị Bộ trưởng quốc phòng và an ninh công cộng vì tình trạng bất ổn kéo dài.
Đêm thứ Bẩy 31 tháng 10, giao tranh dữ dội đã xảy ra tại các quận có đông người Kitô hữu tại thủ đô Bangui. Phát ngôn viên chính phủ cho biết:
“Một số ngôi nhà bị đốt cháy và tiếng súng hạng nặng vang lên tại các quận Kitô Giáo đang bị bao vây bởi những người Hồi giáo vũ trang.” Ông nói thêm: “Chưa rõ có bao nhiêu người bị thiệt mạng.”
Các nhân chứng cho biết hàng trăm người bỏ chạy khỏi thủ đô Bangui. “Đàn ông, phụ nữ và trẻ em chạy tứ tán”.
Một nhà ngoại giao cho biết một số đơn vị của Liên Hiệp Quốc và các lực lượng Pháp đã can thiệp nhằm giải cứu các Kitô hữu và bảo vệ cho một tu viện dòng Comboni nơi dân chúng chạy loạn đang tá túc.
Nữ tổng thống lâm thời Samba Penza cho biết chính phủ của bà hiện chỉ còn biết trông cậy vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và binh lính Pháp để “ngăn chặn bạo lực hiện nay và đặc biệt là để bảo vệ những người cảm thấy bị bỏ rơi.”
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 1 tháng 11, kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị em thân mến, những biến cố đau thương trong những ngày gần đây làm cho tình hình ở nước Cộng hòa Trung Phi trở nên căng thẳng hơn và làm dấy lên trong tôi một sự quan tâm rất lớn. Tôi tha thiết kêu gọi các bên liên quan chấm dứt tình trạng bạo lực đang diễn ra tại đây. Tôi đặc biệt hiệp thông cách thiêng liêng với các cha Dòng Thánh Comboni thuộc giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Bangui, đã đón nhận một số lượng lớn những người tị nạn. Tôi muốn diễn tả tình hữu nghị đoàn kết của tôi đối với Giáo Hội, với các tôn giáo khác và tất cả mọi người ở Trung Phi. Chúng ta hãy cố gắng hết sức để vượt qua sự chia cắt và quay trở về con đường hòa bình. Và để diễn tả sự liên đới thân mật của toàn thể Giáo Hội với Cộng hòa Trung phi, chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong đất nước ấy, tuy đang chịu những đau đớn, khổ cực của chiến tranh bao lực; nhưng luôn cố gắng trở nên chứng tá của lòng thương xót và sự hòa giải. Chúa Nhật ngày 29 tháng 11, tôi dự định sẽ mở Cửa Thánh của thánh đường ở Bangui, và tôi hy vọng sẽ thực hiện được điều đó trong cuộc viếng thăm mục vụ sắp tới ở Trung Phi.”
Trong quá khứ các vị Giáo Hoàng đôi khi đã phải hủy bỏ các chuyến tông du vì tình trạng an ninh ở các nước sở tại. Năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phải hủy bỏ chuyến tông du tới Ái Nhĩ Lan sau khi Lord Louis Mountbatten bị ám sát chết hôm 27 tháng 8 năm 1979, chỉ không đầy một tháng trước chuyến viếng thăm của ngài. Năm 1994, ngài cũng phải hủy bỏ chuyến tông du Bosnia vì tình hình an ninh trong chiến tranh Bosnia. Khi ngài đến Sarajevo vào ngày 13 tháng Tư 1997, người ta khám phá kịp thời một quả bom được đặt trên lộ trình của ngài.
2. Tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục dù Trung Quốc nới lỏng chính sách một con
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã quyết định nới lỏng chính sách một con rất tàn bạo của họ và cho phép các bậc cha mẹ có hai con.
Chính sách một con đã được áp dụng từ năm 1979 để ngăn chặn sự tăng trưởng dân số của Trung Quốc. Chính sách này dẫn đến những vi phạm nhân quyền trầm trọng và tràn lan bao gồm cả phá thai, triệt sản cưỡng bức và giết chết các trẻ sơ sinh.
Hiện nay, một mặt Trung Quốc phấn chấn trước một nền kinh tế đang phát triển. Mặt khác quốc gia này âu lo về áp lực ngày càng tăng của tình trạng dân số bị lão hóa, tức là tình trạng người già chiếm phần lớn dân số. Trung Quốc cũng đang phải đối diện với sự mất cân bằng trong xã hội vì nam giới đông hơn nữ giới; và nước này có một nhu cầu cần nhiều công nhân trẻ trong lao động.
Trong bối cảnh này cộng sản Trung Quốc đã từng bước nới lỏng chính sách một con tàn bạo của mình trong một số trường hợp. Trong diễn biến mới nhất, Tân Hoa Xã chính thức công bố rằng, nói chung, các gia đình có thể có hai đứa con.
Tuy nhiên, ông Steven Mosher của Viện Nghiên cứu Dân số Hoa Kỳ, người đã từng phơi bày những hành vi tàn bạo trong chính sách dân số “một con” của Trung Quốc, dự đoán rằng những vi phạm nhân quyền sẽ tiếp tục ngay cả khi chế độ Bắc Kinh cho phép các gia đình lớn như trong xã hội Đài Loan.
Ông Steven Mosher nói: “Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng những hạn chế của nó về việc sinh con, ta cần lưu ý rằng sự thay đổi chính sách này không phải bởi vì các quan chức cấp cao đã đột nhiên hình thành một lương tâm ngay thẳng. Động lực chính cho sự thay đổi này là trình trạng lực lượng lao động đang bị thu hẹp lại, trong khi số lượng người về hưu không ngừng tăng cao.”
“Để đối phó với sự suy giảm nhân khẩu học đó”, Mosher nói tiếp, “chính phủ Bắc Kinh sẽ di chuyển nhanh chóng từ việc cho phép các cặp vợ chồng có đứa con thứ hai tới việc ép buộc dân chúng phải có những gia đình đông đúc hơn. Một chính phủ xăm xoi vào việc kiểm soát khả năng sinh sản của người dân sẽ làm bất cứ điều gì nó có thể làm để sản xuất số lượng trẻ em nó nghĩ rằng cần thiết.”
Theo Mosher ước tính, chính sách một con, từ năm 1979 đến nay đã dẫn đến 336 triệu ca phá thai hàng năm.
3. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa lên án việc công nhân “hôn nhân đồng tính” tại Mỹ
Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Kirill của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoan nghênh những cố gắng bảo vệ các các nguyên tắc luân lý Kitô giáo của Hiệp hội truyền giáo Billy Graham. Ngài đưa ra lập trường trên trong cuộc gặp gỡ ông William Franklin Graham, chủ tịch của Hiệp hội truyền giáo này.
Đức Thượng Phụ 4- nhận xét rằng:
“Cuộc sống tâm linh và tôn giáo ở phương Tây đã trải qua những thay đổi căn bản trong những năm gần đây. Nền văn minh phương Tây và các nước phương Tây không còn đồng hóa với truyền thống Kitô giáo nhưng theo đuổi một ý tưởng xây dựng một xã hội trong đó các giá trị đạo đức của Kitô giáo không thể chiếm ưu thế nữa.”
“Và sau đó, các chính sách lập pháp được ban hành ở nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, cho phép hôn nhân đồng tính, coi nó ngang bằng với hôn nhân tự nhiên mà Chúa đã ban cho chúng ta trong các điều răn. Những người không muốn tuân theo những chính sách này có thể bị đàn áp, bị ngồi tù. Hôm nay, các Kitô hữu nào nêu cao tầm quan trọng của các giá trị luân lý Kitô giáo phải sẵn sàng trở thành những chứng tá anh hùng của đức tin sống động dưới các hình thức bách hại khác nhau... Tuy nhiên, những chứng tá này cho chúng tôi một dấu chỉ của hy vọng, đó là ngày nay vẫn còn có những Kitô hữu phương Tây chia sẻ những nguyên tắc đạo đức này với Giáo Hội Chính thống Nga”
4. Ơn toàn xá đặc biệt cho các thành viên của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô
Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định ban một ơn toàn xá đặc biệt cho các thành viên của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô và cả các thành viên giáo dân trong phong trào Regnum Christi, tức “Vương quốc Chúa Kitô”, nhân dịp năm thánh kỷ nhiệm năm thứ 75 ngày thành lập.
Các thành viên có thể được một ơn toàn xá, nếu, trong ngoài việc hoàn thành các điều kiện thông thường, họ lặp lại lời thề của mình, tham gia vào các hoạt động thể hiện lòng từ bi về tâm linh hay thể xác, tham gia vào việc truyền giáo, hoặc dạy bảo và tìm hiểu giáo lý Kitô giáo.
Phong trào Đạo Binh Chúa Kitô đã được cha Marcial Maciel Degollado người Mễ Tây Cơ thành lập vào năm 1941 khi ngài mới 21 tuổi. Phong trào đã phát triển rất nhanh chóng và trở thành một dòng tu. Cha Maciel có thời đã có được một ảnh hưởng rất mạnh mẽ tại Rôma. Tuy nhiên, tháng Năm năm 2006, một số báo chí tại Italia đã cáo buộc cuộc sống hai mặt của ngài.
Sau những cuộc điều tra, ngày 1 tháng 5 năm 2010, Tòa Thánh công bố cha Maciel đã phạm vào những hành vi “nghiêm trọng và vô luân” và bị buộc phải lui về ẩn dật để sám hối tại Hoa Kỳ và sau đó qua đời năm 2008 thọ 87 tuổi.
Tháng 7 năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã chỉ định Đức Hồng Y Velasio De Paolis, dòng Scalabrini, giám đốc sở tài chính Tòa Thánh, làm đặc sứ của ngài để giải quyết các vấn đề của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô.
Ngoài nhiệm vụ giám đốc Sở tài chính Tòa Thánh Đức Hồng Y De Paolis cũng là thành viên Tòa Thượng Thẩm của Tòa Thánh, cố vấn của 3 cơ quan trung ương. Ngài cũng là chuyên viên giáo luật, đặc biệt trong lãnh vực đời tu
Đức Hồng Y De Paolis kết thúc công việc của mình vào tháng 2 năm 2014, sau cuộc bầu cử vị tổng quyền mới của dòng. Tháng Bảy năm ngoái, Tòa Thánh đã cử thêm cha Gianfranco Ghirlanda, chuyên viên giáo luật của Tòa Thánh giúp đỡ trong việc chuẩn bị hiến chế mới của dòng. Hiến chế này đã được chuẩn y vào tháng 11 năm ngoái. Dòng đang từng bước hoạt động bình thường và phát triển trở lại.
Theo thống kê vào cuối tháng 12 năm 2014, dòng hiện có 4 Giám Mục, 944 linh mục, 781 thầy, 734 chủng sinh hoạt động tại 22 quốc gia.
Tại Mễ Tây Cơ, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô điều hành mạng lưới trường Đại Học Anahuac. Ngoài ra, dòng còn có các trung tâm giáo dục khác như tiểu chủng viện, chủng viện, các trường từ tiểu học đến đại học tại Venezuela, Colombia, Chí Lợi, Ba Tây, Á Căn Đình, Israel, Hàn Quốc, Ba Lan, Ireland, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Canada, và Phi Luật Tân.
5. Giáo Hội tại Ấn hoan nghênh quyết định của chính phủ Ấn Độ hạn chế việc đẻ thuê
Chính phủ Ấn Độ vừa đưa ra một chính sách mới nhằm hạn chế sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp đẻ thuê đang phát đạt tại tiểu lục địa này.
Theo đề xuất của chính phủ, phải được quốc hội phê duyệt, chỉ những cặp vợ chồng Ấn Độ vô sinh mới được phép mướn người đẻ thuê. Người nước ngoài sẽ không còn được phép thuê một phụ nữ Ấn Độ mang thai hộ.
Ấn Độ có những yếu tố dẫn đầu thế giới trong ngành “công nghiệp” đẻ thuê. Đất nước này có quá nhiều những phụ nữ nghèo - những người cả đời cũng không thể kiếm được số tiền $7.500 Mỹ Kim khi nhận mang thai mướn. Bên cạnh số tiền lớn đó, họ còn được chăm sóc y tế. Vì thế, mỗi năm có ít nhất 1,000 phụ nữ Ấn Độ trở thành những bà mẹ thay thế.
Đức Cha Thomas Dabre, Giám Mục giáo phận Poona, là chủ tịch ủy ban giáo lý Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, chào đón đề xuất này của chính phủ. Ngài nói: “Việc thuê mướn cơ thể không phù hợp về mặt đạo đức theo giáo huấn Công Giáo bởi vì nó thương mại hóa cơ thể con người. Đẻ mướn vi phạm sự thánh thiện của hôn nhân và chinh sự sống con người vì nó là điều trái tự nhiên”
6. Đức Thánh Cha ca ngợi liên minh quốc tế chống lại nạn buôn người
Trong một thông điệp gởi nhóm Santa Marta, một liên minh quốc tế được thiết lập để chống lại nạn buôn người, Đức Thánh Cha Phanxicô đã điểm qua những tiến bộ của sáng kiến này và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các nỗ lực nhằm “giải thoát các nạn nhân của các hình thức nô lệ mới, đưa họ về với gia đình, trả tự do cho những người bị giam cầm, lột mặt nạ những kẻ buôn người và những ai tạo ra thị trường này.”
Nhóm Santa Marta được chính Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào năm ngoái, tập hợp các nhà lãnh đạo tôn giáo và quan chức cảnh sát từ các quốc gia khác nhau. Nhóm đang họp trong tuần này ở Tây Ban Nha, theo lời mời của Nữ hoàng Sofia.
Trong thông điệp, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi sự chú ý đến các cam kết quốc tế nhằm diệt trừ nạn buôn người, trong đó có một tuyên bố được đưa ra trong cuộc gặp gỡ các thị trưởng tại Vatican vào tháng Bảy vửa qua, cũng như một kế hoạch đã được Liên Hiệp Quốc phê duyệt cho những mục tiêu phát triển bền vững trong đó bao gồm một nỗ lực nhằm chấm dứt mọi hình thức nô lệ, lao động trẻ con, và buôn bán người.
7. Năm Thánh kỷ niệm 100 năm ngày mất của Chân phước Charles de Foucauld.
Cha Charles de Foucauld qua đời ngày 01 tháng 12 năm 1916 tại Tamanrasset, miền nam Algérie. Tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày mất của ngài, tại Nazareth đã khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Chân phước Charles de Foucauld.
Cha đã sống trong đan viện Xitô Ðức Bà Thánh Tâm ở Akbès, Syria, sau đó đến sống tại Thánh Ðịa. Thông thạo tiếng Ả Rập và Do Thái, cha luôn cầu nguyện với sách Tin Mừng bằng tiếng Ả Rập. Tại Nazareth, cha đào sâu đời sống tu đức vốn sẽ hướng dẫn cuộc đời cha, một đời sống tu đức lấy mầu nhiệm Nhập Thể làm trung tâm, để từ đó khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống thường ngày, mọi lúc và mọi nơi. Ðối với Chân phước Charles de Foucauld, chìa khoá để sống nền tu đức đó chính là tình huynh đệ.
Ngày nay, tại Nazareth, có một cộng đoàn Tiểu Ðệ Chúa Giêsu hiện diện ngay trong ngôi nhà mà Chân phước Charles de Foucauld từng sống. Họ chuyên cần đào sâu và thực hành huấn lệnh của Tin Mừng. Các Tiểu Ðệ này phục vụ tại bệnh viện Thánh Gia Nazareth với nhiệm vụ đồng hành thiêng liêng cho các bệnh nhân và nhân viên của bệnh viện.
Trong Năm Thánh sẽ có nhiều hoạt động như: học sinh trong các trường Kitô giáo sẽ được mời thăm viếng ngôi nhà của Chân phước Charles de Foucauld, 24 giờ cầu nguyện cho hoà bình - dự kiến được tổ chức vào đầu tháng Mười Hai năm 2015, một cuộc gặp gỡ liên tôn vào tháng Ba năm 2016. Ngoài ra còn nhiều sáng kiến và cử hành khác trong Năm Thánh này cũng được công bố tại nhiều quốc gia, nơi có sự hiện diện của gia đình thiêng liêng của Chân phước Charles de Foucauld, trong đó có các Tiểu Ðệ và Tiểu Muội Chúa Giêsu.
8. Hội nghị các tôn giáo vì Hoà bình của châu Âu
“Ðón nhận nhau, từ sợ hãi đến tin tưởng”: đó là chủ đề của Hội nghị các tôn giáo vì Hoà bình của châu Âu diễn ra tại Castel Gandolfo từ ngày 28 tháng 10 và kết thúc vào ngày 1 tháng 11. Hội nghị này nằm trong khuôn khổ của kỷ niệm năm mươi năm Tuyên ngôn Nostra Aetate.
Các thách đố châu Âu ngày nay phải đối diện kể ra không ít: sợ mất căn tính cá nhân, căn tính văn hoá và tôn giáo do hiện tượng toàn cầu hoá, sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái, gia tăng chứng sợ Hồi giáo, những tình cảm chống Kitô giáo và bài ngoại. Ðể trả lời, chúng ta cần những dấu hiệu tích cực, xuất phát từ những hành động tốt, từ những ý tưởng khôn ngoan và sáng tạo.
Trong ngày thứ hai của Hội nghị, Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại liên tôn, đã có bài phát biểu với các tham dự viên.
Ðức Hồng Y Tauran nhắc nhở: Theo Nostra Aetate, “chúng ta không thể yêu mến Chúa mà lại không yêu thương đồng loại, chúng ta cũng không thể yêu đồng loại mà lại không mến Chúa”; và ngài nói tiếp: “Chúng ta không thể yêu mến Chúa hay đồng loại mà lại không biết Chúa, không biết đồng loại; và chúng ta không thể biết Chúa và đồng loại mà lại không hiệp thông với Chúa và với đồng loại. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau là do thiếu hiểu biết nhau”.
Những khẳng định này chỉ có thể hiểu được với đầy đủ ý nghĩa của chúng trong bối cảnh chung của châu Âu đang mang nặng dấu ấn của sự lo sợ đánh mất căn tính của mình, của sự gia tăng tinh thần bài ngoại và kỳ thị chủng tộc dưới mọi hình thức. Chủ tịch Hội đồng Toà thánh về Ðối thoại liên tôn muốn đem lại thuốc chữa cho những căn bệnh này.
Ðức Hồng Y giải thích: “Sứ vụ đích thực của tôn giáo là hoà bình bởi vì tôn giáo và hoà bình đi đôi với nhau. Không một nhà lãnh đạo tôn giáo nào lại không biết đến thứ văn hoá của sự phi nhân hoá và của bạo động, hay lại đi rao giảng và ủng hộ thứ văn hoá ấy”.
“Cầu nguyện, các thực hành đạo đức và các hành động vì công lý và hoà bình, có thể đánh thức tâm can chúng ta để vượt qua cái nhìn bị phân cực nhìn các đồng loại của mình như những con người khác biệt”. Ðức Hồng Y Tauran khẳng định: “Chính vì vậy mà thách đố khẩn thiết ngày nay, đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo, là biến nghi kỵ, thiếu tin tưởng, thiếu khoan dung thành một nền văn hoá mới đặt nền tảng trên sự tôn trọng, và thấu hiểu lẫn nhau, trên sự bất bạo động, trên tình liên đới và trên việc giải quyết các mâu thuẫn một cách hoà bình”.
Kết thúc bài phát biểu, Ðức Hồng Y Tauran mời gọi: “Vì di sản thiêng liêng của chúng ta thật lớn lao, chúng ta hãy cùng nhau làm việc để chữa lành những chứng bệnh xã hội và văn hoá này, thông qua đối thoại và hợp tác”.
9. Hội Đồng Giám Mục Pháp khích lệ việc chào đón những người di cư và tị nạn
Giữa các tin tức theo đó Pháp sẽ đón nhân thêm hơn 30,000 người tị nạn, Ủy Ban Liên Đới Quốc Gia của Hội Đồng Giám Mục Pháp đã kêu gọi các giáo phận tại Pháp cung cấp các dịch vụ cho các gia đình nhập cư.
Trong thông cáo Hội đồng nhắc lại rằng “lịch sử thiêng liêng của chúng ta bắt đầu với một người nhập cư, đó là tổ phụ Abraham, rồi đến cuộc Xuất Hành và Thời Lưu Đày, và cuối cùng ngay trung tâm lịch sử của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Đấng không có chỗ gối đầu”.
Từ đầu năm cho đến ngày 10 tháng 9 năm nay, 432,761 người, phần lớn là người Syria, đã lũ lượt tràn vào Âu Châu. Ít nhất có tới 2,748 người bị thiệt mạng trên đường vượt biển Địa Trung Hải. Số người di cư và tị nạn vẫn tiến tục tràn vào Âu Châu.