LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Lời kinh hoà bình và lời kinh của gia đình

Trong phần kết thúc Tông Thư về Kinh mân côi năm 2003, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi mọi thành phần trong Giáo Hội như sau : “Tôi hướng về tất cả anh chị em, thuộc mọi bậc sống, hướng tới tất cả anh chị em trong các gia đình Kitô hữu, đến anh chị em là những người đau yếu và cao niên, đến các con là những người trẻ : Xin tất cả một lần nữa hãy cầm lại Chuỗi mân côi với lòng tin tưởng. Hãy khám phá lại Kinh mân côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà của Phụng Vụ, và trong bối cảnh hằng ngày của anh chị em”.

Tại sao Đức Giáo Hoàng tha thiết kêu mời chúng ta đọc Kinh cân côi như vậy ? Có nhiều lý do, nhân ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, tôi xin nêu lên hai lý do quan trọng sau đây :

1. Kinh mân côi là lời kinh hoà bình

Ngày 13 tháng 05 năm 1917, Đức Mẹ nói với ba trẻ ở Fatima rằng: « Hãy ăn năn đền tội, cải thiện đời sống. Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày để đem hòa bình cho nhân loại và để chấm dứt chiến tranh (…). Nếu các con thi hành các điều Ta phán dạy thì rất nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình. (…) Nếu các điều Mẹ mong ước được thực thi, nước Nga sẽ trở lại, và sẽ có Hòa Bình. Nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc các tà thuyết trên khắp thế giới, chiến tranh sẽ xảy ra, Giáo Hội sẽ bị bách hại, người lành sẽ bị tử đạo…” (x. Tiếp tục thực hiện sứ điệp Fatima cho Hòa bình và Công lý của UBCL và HB). Sau đó, nhờ cha ông chúng ta vâng nghe lời Mẹ dạy, chăm chỉ đọc Kinh mân côi mà nước Nga và toàn bộ Khối Đông Âu đã trở lại.

Thật vậy, Kinh mân côi chính là lời kinh hoà bình. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói “Tự bản chất, Kinh mân côi là lời kinh cầu cho hoà bình”. Ngài giải thích : Thứ nhất, vì nó hệ tại ở việc chiêm ngưỡng Đức Kitô, Hoàng tử Hoà bình, là sự bình an của chúng ta(x. Ep 2,14). Bất cứ ai đồng hoá với mầu nhiệm Đức Kitô và rõ ràng đó là mục tiêu của Kinh mân côi thì sẽ học được bí quyết của hoà bình và biến nó thành dự phóng của đời sống mình. Thứ hai, nhờ tính chất suy niệm của nó, với sự tiếp nối thanh thản các Kinh kính mừng, Kinh mân côi đem lại sự an bình nơi người cầu nguyện, tạo điều kiện cho họ đón nhận và cảm nghiệm tận đáy lòng, và gieo vãi ra chung quanh, hoà bình đích thật vốn là quà tặng đặc biệt của Chúa Phục Sinh (x. Ga 14,27; 20,21). Thứ ba, vì những hoa trái bác ái mà nó sản sinh. Khi được thực hiện tốt theo một thể thức suy ngắm đích thực, Kinh mân côi dẫn ta đến gặp gỡ Đức Kitô trong các Mầu nhiệm của Người, và vì thế, ta không thể không quan tâm tới dung nhan Đức Kitô nơi những người khác, nhất là nơi những người đau khổ nhất. Và Ngài kết luận: Kinh mân côi cho phép chúng ta hy vọng rằng, cả ngày hôm nay nữa, trận chiến cam go vì hoà bình có thể dành thắng lợi. (x. Tông thư Rosarium Virginis Mariae về Kinh mân côi).

Như vậy, muốn có hoà bình thực sự trong tâm hồn, trong gia đình, trong tổ quốc và trên thế giới, chúng ta hãy lẫn hạt mân côi.

2. Kinh mân côi là lời kinh của gia đình

Kinh Mân côi không những là lời kinh cầu cho hoà bình mà còn là lời kinh của gia đình và cho gia đình. Các gia đình truyền thống Việt Nam thường lần chuỗi chung với nhau trong gia đình vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi vừa mới thức dậy. Nhiều giáo dân có thói quen lần chuỗi trên đường đến nhà thờ, trên đường đến nơi làm việc, khi rảnh rỗi...Đó là những thói quen tốt. Nhờ thế, Đức Mẹ đã gìn giữ họ được bình an, nhiều gia đình đã vượt qua được những sóng gió trong cuộc đời. Cho nên, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhắc nhở những người làm công tác mục vụ các gia đình phải có trách nhiệm khuyên nhủ họ duy trì thói quen đọc Mân côi trong gia đình. Ngài nói : “Kinh mân côi cũng là và vẫn luôn luôn là lời kinh của gia đình và cho gia đình”.

Ngài đưa ra một số các lợi ích khi các gia đình đọc Kinh mân côi: Làm cho các gia đình gần gũi nhau hơn. Lôi kéo các gia đình xích lại gần nhau. Thông hiệp với nhau. Tỏ tình liên đới. Tha thứ cho nhau, và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong thần khí của Thiên Chúa.

Đặc biệt, trước những thách đố của xã hội, các gia đình lại cần trở về với Kinh mân côi hơn. Đức Thánh Giáo Hoàng nói tiếp: “Nhiều vấn đề đang thách thức các gia đình hiện nay, đặc biệt trong xã hội có nền kinh tế phát triển, xuất phát từ việc càng ngày người ta càng khó hiệp thông với nhau. Các gia đình ít khi thu xếp để gặp gỡ nhau, và những cơ hội hiếm hoi để gặp gỡ được nhau lại bị những hình ảnh truyền hình xen vào phá hỏng. Trở về với việc đọc kinh Mân côi trong gia đình có nghĩa là lấp đầy cuộc sống hằng ngày những hình ảnh hoàn toàn khác, những hình ảnh trình bày Mầu nhiệm cứu độ : hình ảnh Đấng Cứu chuộc, hình ảnh Mẹ Rất Thánh của Người. Gia đình cùng đọc Kinh mân côi là làm sống lại phần nào bầu khí của gia đình Nagiarét : các thành viên gia đình đặt Đức Giêsu ở trung tâm để họ chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, đặt những nhu cầu và dự tính của họ trong tay Người, kín múc từ Người niềm hy vọng và sức mạnh để tiến bước”.

Khi nói về con cái, Đức Thánh Giáo Hoàng cũng mời gọi các bậc cha mẹ hãy cầu nguyện bằng Kinh mân côi với con cái và cho con cái, vì đó là một trợ lực thiêng liêng mà chúng ta không thể coi thường. Ngài nói: “Việc cầu nguyện bằng Kinh mân côi cho con cái mình, khi và hơn nữa, với con cái mình, dạy dỗ chúng ngay từ những năm đầu đời, biết ngừng lại mỗi ngày để cầu nguyện với gia đình, phải thú nhận rằng đó không phải là một giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng đó là một trợ giúp thiêng liêng mà ta không thể coi thường”. (x. Tông thư Rosarium Virginis Mariae về Kinh mân côi).

Để thêm lòng tin tưởng vào Kinh mân côi, chúng ta hãy nghe câu chuyện sau đây:

Cha Patrick Joseph Gillard-Peyton là vị Linh Mục tông đồ của Tràng Chuỗi Mân Côi. Cha chào đời ngày 9-1-1909 tại County Mayo trong gia đình Công Giáo nghèo bên nước Ái-nhĩ-lan. Năm 18 tuổi, Patrick cùng với bào huynh Tom sang Hoa Kỳ tìm kế sinh nhai. Nhưng rồi Chúa gọi, Patrick từ giã anh, gia nhập chủng viện.

Lúc gần chịu chức Linh mục, thầy Patrick bỗng lâm bệnh lao phổi trầm trọng. Các bác sĩ cho biết vô phương cứu chữa! Giấc mơ Linh mục trong phút chốc tan thành mây khói .. Thầy Patrick chán nản buông tay bỏ cuộc. Một vị Linh Mục lão thành bất ngờ đến thăm và nói với Thầy: Hãy kêu xin Đức Mẹ MARIA chữa lành bệnh. Đức Mẹ là nguồn sự sống. Hãy tin tưởng nơi Đức Mẹ và yêu mến Đức Mẹ như Người Mẹ thật. Hãy kiên trì van nài và tin chắc chắn Đức Mẹ sẽ chữa lành. Đức Mẹ sẽ tỏ ra vô cùng nhân hậu với Thầy. Chính vì chúng ta tin tưởng quá ít nơi Đức Mẹ nên Đức Mẹ không ban cho chúng ta nhiều ơn!

Nghe vị Linh mục lão thành nói thế, Thầy Patrick bỗng nhớ lại chuỗi ngày niên thiếu nơi quê hương Ái-nhĩ-lan thân yêu. Thầy cũng nhớ đến “liều thuốc thần” hiền mẫu Thầy vẫn dùng trong cơn gian nan khốn khó. Đó là Tràng Chuỗi Mân Côi. Cứ chiều đến, cả gia đình tụ họp và cùng nhau sốt sắng lần hạt Mân Côi.

Giờ đây, vì hết hy vọng nơi các phương thuốc chữa trị trần gian, Thầy Patrick hướng về Trời Cao và kêu van Hiền Mẫu MARIA Thiên Quốc qua Kinh mân côi. Và Thầy được lành bệnh thật.

Năm 1941 - 32 tuổi - Thầy Patrick Peyton hân hoan lãnh thiên chức Linh mục trong dòng Thánh Giá. Từ đó Cha xác tín rằng: Thế giới cầu nguyện là thế giới hòa bình. Gia đình cầu nguyện là gia đình hiệp nhất. Nếu mỗi người, mỗi gia đình dành ít thời gian trong ngày để đọc Kinh mân côi thì các tổ ấm sẽ trở thành vườn địa đàng. (x. Phép lạ của Tràng chuỗi Mân Côi, Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt)

Vì những lý do trên đây, mỗi người chúng ta hãy quyết tâm siêng năng đọc Kinh mân côi theo lời Mẹ dạy, để cầu cho bản thân, gia đình và cầu cho hoà bình thế giới. Amen

Lm. Anthony Trung Thành