CN 27 TN B – KÍNH TRỌNG THỂ LỄ MÂN CÔI
Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38
(26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai Sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (27) gặp một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. (28) Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”. (29) Nghe lời ấy, Bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (30) Sứ thần liền nói: “Thưa Bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. (31) Và này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. (32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. (34) Bà Ma-ri-a thưa với Sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với Bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. (38) Bấy giờ Bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói”. Rồi Sứ thần từ biệt ra đi.
2. Ý CHÍNH:
Câu chuyện Sứ thần Gáp-ri-en được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Trinh nữ Ma-ri-a giúp chúng ta nhận biết tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong việc thực hiện lời hứa cứu độ loài người. Thiên Chúa luôn đi bước trước bằng việc ban ơn cứu độ và muốn cho loài người đón nhận ơn ấy. Qua câu chuyện truyền tin hôm nay, thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và mau mắn “Xin vâng” của Đức Ma-ri-a chính là thái độ mà các tín hữu cần làm khi đọc kinh lần hạt trong tháng Mân Côi này
3. CHÚ THÍCH:
- C 26-27: + Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng: Cách đây sáu tháng, ông Da-ca-ri-a đã được Sứ thần Gáp-ri-en hiện đến truyền tin khi ông đang thi hành chức vụ tư tế trong Đền thờ. Sứ thần hứa với ông rằng bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai. Sứ mệnh của nó là dọn đường cho Đấng Thiên Sai.. Quả vậy, bà Ê-li-sa-bét đã có thai trong lúc tuổi già. Bà đã ở trong nhà không tiếp xúc với ai suốt 5 tháng trời (x. Lc 1,5-25). Đến tháng thứ sáu thì Sứ thần Gáp-ri-en tiếp tục được sai đến truyền tin cho Trinh nữ Ma-ri-a. + Gáp-ri-en: Là một trong bảy Tổng lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 10,13-21;12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (x. Đn 8,16). + Trinh nữ: hay thiếu nữ, là một cô gái chưa lấy chồng. Riêng về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a đã được gián tiếp đề cập đến qua câu ngài thưa với Sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Theo lời tuyên sấm của Ngôn sứ I-sai-a thì: Việc một hài nhi do một bà mẹ đồng trinh thụ thai là dấu chỉ của Đấng Thiên Sai (x. Is 7,14). + đã đính hôn: khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này là con chính thức. Tuy nhiên, theo phong tục Do thái thì việc kết hôn chỉ hoàn tất khi bên họ đàng trai tổ chức lễ cưới để đón rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + thuộc nhà Đa-vít: chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế thuộc hoàng tộc Đa-vít, để ứng nghiệm lời các Ngôn sứ đã tiên báo như: Người phát xuất từ gốc tổ phụ Giêsê là cha của vua Đa-vít (x.1 Sm 16,3.12) ; Người sẽ sinh ra tại Bê-lem là quê hương của vua Đa-vít (x. mk 5,1). + Ma-ri-a: hay my-ri-am là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt khi trùng tên, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Ma-ri-a mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và Trinh nữ Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Ga 19,25).
- C 28-29: + “mừng vui lên”: Đây không phải là kiểu chào thông thường của người Do thái, nhưng là lời chào trong những trường hợp đặc biệt, dành riêng cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “đầy ân sủng”: một tước hiệu dành riêng cho Ma-ri-a, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân vô nhiễm nguyên tội và được Chúa luôn ở cùng. + “Bà bối rối và tự hỏi”: khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của Dacaria (x. Lc 1,12), Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của Lời Chúa vừa được Sứ thần mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).
- C 30-33: + Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su: Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a biết về sứ mệnh làm mẹ của Hài nhi Giê-su. Giê-su nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay là “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2,11). + “Con Đấng Tối Cao”: Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các vị vua dòng tộc Đa-vít. Sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là Vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ lên ngôi cai trị dân Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.
- C 34: + so sánh thắc mắc của Ma-ri-a với thắc mắc của Dacaria (x. Lc 1,18): Tuy cả hai cùng đưa ra câu hỏi, nhưng phát xuất từ hai tâm trạng khác nhau: câu hỏi của Dacaria biểu lộ sự hoài nghi về quyền năng Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt câm, không nói được. sự cấm khẩu này là dấu chỉ cho ông thấy việc bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh con là điều chắc chắn sẽ xảy ra (x. Lc 1,20). còn lời thắc mắc của Ma-ri-a thì biểu lộ lòng tin: Ma-ri-a muốn tìm biết rõ thánh ý Chúa thế nào để xin vâng. do đó, Ma-ri-a đã được Sứ thần ca tụng là đấng “đầy ân phúc hằng làm đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1,30) và bà Ê-li-sa-bét cũng khen ngợi Ma-ri-a là người “diễm phúc” vì đã tin Lời Chúa phán sẽ được thực hiện (x. Lc 1,45).+ “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến người nam!”: “biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”. Thắc mắc của Ma-ri-a ở đây không chứng minh Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh, vì động từ “biết” ở đây thì hiện tại. Qua câu này, Ma-ri-a chỉ thắc mắc là: làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay bây giờ được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ đính hôn với Giu-se để nên vợ chồng về luật đời, chứ chưa được Giu-se tổ chức lễ cưới đón rước về nhà chồng như phong tục Do thái?
- C 35: + Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a hiểu rằng: Vì được Chúa tuyển chọn để làm mẹ Đấng Thiên Sai, nên Ma-ri-a sẽ được thụ thai cách đặc biệt nhờ quyền năng Thánh Thần, đúng như I-sai-a đã tuyên sấm về việc Đấng Cứu Thế sẽ do một trinh nữ thụ thai và sinh hạ (x. Is 7,14). + “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà”: Kiểu nói “rợp bóng” nhắc lại sự kiện xảy ra vào thời Xuất hành, khi dân Do thái đi trong hoang địa trên đường về Đất Hứa. Bấy giơ Đức Chúa luôn hiện diện ở giữa dân Người, qua hình ảnh của một cột mây rợp bóng che phủ nhà tạm và lều hội ngộ (x. Xh 40,34-38). Rợp bóng cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa. Như chim phượng hoàng giang rộng đôi cánh để bao phủ che chở đàn chim con, thì Thiên Chúa cũng giang rộng tay hùng mạnh để bang trợ Ít-ra-en là con dân của Người (x. Tv 17,8). + “Đấng thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh” nghĩa là thuộc về Thiên Chúa. Hài nhi sắp sinh sẽ được hiến “thánh”, được dâng cho Thiên Chúa để chu toàn sứ mệnh cứu thế.
- C 36-37: + kìa Bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với Bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Để cho Ma-ri-a thấy quyền năng cao cả của Thiên Chúa, Sứ thần đã báo cho Ma-ri-a biết tin về bà chị họ Ê-li-sa-bét: tuy đã cao niên và hiếm hoi, thế mà cũng đã được Thiên Chúa cho thụ thai con trai, đến nay thai nhi đã được sáu tháng rồi.
- C 38: + “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a đã biểu lộ một nhân đức khiêm nhường và một lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói”: Qua câu này, Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ do Thiên Chúa ban. Thực vậy, ngay sau lời thưa “xin vâng” này, Thánh Thần đã tác động làm cho Trinh nữ Ma-ri-a thụ thai mà không cần phải tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy để thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con” hay “Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính là Thiên Chúa và người phàm.
4. CÂU HỎI:
1) Gio-an Tẩy Giả hơn Đức Giê-su bao nhiêu tuổi?
2) Thánh kinh kể tên 3 vị Tổng lãnh thiên thần là những vị nào? Tên gọi của mỗi vị có nghĩa thế nào?
3) Câu nói nào của Đức Ma-ri-a cho thấy ngài là thiếu nữ đồng trinh? Tại sao phải nhấn mạnh sự kiện đồng trinh trong việc Đức Ma-ri-a thụ thai Hài Nhi Cứu Thế Giê-su?
4) Việc kết hôn giữa thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a làm cho hai người nên vợ chồng thật hay chỉ là vợ chồng giả để che mắt người đời?
5) Tin Mừng muốn ám chỉ gì khi viết Giu-se “thuộc nhà Đa-vít”?
6) Hãy kể ra một số tên gọi Ma-ri-a trong Tin Mừng kèm theo tên phụ Thêm tên phụ sau tên gọi như vậy nhằm mục đích gì?
7) Khi chào kèm tước hiệu “đầy ân sủng” của Sứ thần nhằm ám chỉ đặc ân nào trong 4 đặc ân Thiên Chúa ban cho Đức Ma-ri-a?
8) Tên gọi Giê-su mà Sứ thần ra lệnh cho Ma-ri-a đặt cho con trẻ mang ý nghĩa gì?
9) Tước hiệu “Con Đấng Tối Cao” được gán cho Hài nhi Giê-su có ý nghĩa thế nào?
10) Thắc mắc của ông Da-ca-ri-a trong Đền thờ (x Lc 1,18) và thắc mắc của Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay có giống nhau không? Ông Da-ca-ri-a và Đức Ma-ri-a đã gặp sự cố gì sau lời thắc mắc?
11) Khi nói “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà”, Sứ thần muốn ám chỉ điều gì?
12) Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể xảy ra vào lúc nào trong biến cố Truyền tin?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Bấy giờ Bà Ma-ri-a nói: ”Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,46.49).
2. CÂU CHUYỆN:
1) Sức mạnh chữa lành bệnh tật thể xác tâm hồn của chuỗi Mân Côi:
Cách đây ít lâu, tạp chí Reader’s Digest có kể lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ TÊRÊXA CALCUTTA và một thương gia người Mỹ như sau:
Trên chuyến máy bay từ CHRITIAMY về THANASITY, thương gia trẻ tên là JIM CAISO ngồi kề bên Mẹ TÊRÊSA và một nữ tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người nữ tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng ngồi vào yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai người nữ tu từ từ rút chuỗi ra khỏi áo và lâm râm cầu kinh. Tuy không phải là một người Công Giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi sự cầu kinh của hai người nữ tu. Khi máy bay đã lên cao, Mẹ Têrêsa quay nhìn người thanh niên và hỏi:
- Anh có thường lần chuỗi không?
Anh trả lời:
- Thưa không.
Anh vừa trả lời thì Mẹ cầm tay anh, trao cho anh tràng chuỗi rồi mỉm cười nói:
- Vậy thì hãy bắt đầu lần chuỗi đi.
Ra khỏi phi trường Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận như sau: “Tôi có cảm tưởng như mình đã được gặp một người nữ tu đích thực của Chúa”.
Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà đã từng là bạn của hai người từ nhiều năm qua. Người đàn bà này bác sĩ cho biết đã bị ung thư tử cung. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng lo ngại. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, rút ra tràng chuỗi của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta và trao cho người bạn và nói:
- Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp chị.
Mặc dù không phải là người Công Giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay ra và trân trọng đón nhận món quà quí giá ấy. Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã mang trong mình tràng chuỗi trong suốt năm qua và đã được khỏi bệnh. Giờ đây chị trả lại cho Jim để may ra có thể còn giúp đỡ được cho người nào khác. Trong thời gian đó, bà chị vợ của Jim đang bị khủng hoảng tinh thần sau cuộc ly dị, bà cũng muốn được mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà kể lại rằng:
- Hằng đêm, tôi đeo chuỗi vào người. Tôi rất cô đơn và sợ hãi, nhưng khi mang chuỗi vào người, tôi cảm thấy như đang cầm lấy một bàn tay thân yêu.
Tràng chuỗi mầu nhiệm ấy không mấy chốc đã được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp khủng hoảng hay bệnh tật, người ta thường gọi điện thoại đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi ấy và đều được ơn lành như ý.
Jim suy nghĩ: phải chăng tràng chuỗi có một sức mạnh lạ lùng, hay đúng hơn, tràng chuỗi có sức mạnh giúp tất cả những ai mang tràng chuỗi ấy canh tân tâm hồn và đã nhận được ơn do việc canh tân mang lại. Jim chỉ biết rằng, hễ có ai ngỏ ý mượn tràng chuỗi, anh đều vui vẻ cho mượn, và luôn căn dặn họ: “Khi nào không cần dùng nữa thì vui lòng cho tôi xin lại, vì có thể sẽ có người khác cần đến tràng chuỗi ấy”.
Cuộc sống của Jim cũng thay đổi kể từ cuộc gặp gỡ với Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta, và Jim hay chia sẻ với bạn bè như sau: “Mẹ Têrêsa đã mang tất cả hành lý của Mẹ chỉ trong một cái xách tay nhỏ, Tôi cũng cảm thấy được thôi thúc để làm cho cuộc sống của mình được đơn giản hơn. Tôi luôn nhớ rằng: điều quan trọng trong cuộc sống không phải là tiền bạc, danh vọng mà chính là tình yêu chúng ta dành cho người khác”.
2) Đức tin của Phun-tơn Ao-dơ-lơ (fulton oursler) được hồi phục nhờ Mẹ MA-RI-A:
Vào một buổi chiều đông lạnh giá, Phun-tơn, một người đã mất đức tin và bỏ không đến nhà thờ nhiều năm, đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp nhiều vấn đề khó khăn nan giải. khi đi qua đại lộ nhà thờ chính toà của thành phố Nữu Ước, tự nhiên ông cảm thấy có một sức mạnh vô hình cuốn hút ông vào trong nhà thờ và đến quỳ trước tượng Đức Mẹ. Sau một hồi im lặng, tự nhiên Phun-tơn cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, có thể chỉ một giây lát nữa thôi là con lại thay đổi ý nghĩ lúc này để tiếp tục bài bác chế diễu việc đạo đức con đang làm và quay trở lại con đường vô tín của con. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con đang gặp rất nhiều khó khăn. Xin Mẹ giúp con thêm đức tin”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy một điều gì đó kỳ diệu vừa xảy ra nơi ông và biến ông trở thành một người mới: Ông đã có đức tin! Từ đó, ông luôn kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm chứng cho Chúa bằng một cuộc sống khiêm nhường, cậy trông phó thác và đầy vị tha bác ái.
3. THẢO LUẬN:
Hai câu chuyện trên cho thấy chuỗi kinh mân côi có vai trò nào trong việc chữa lành bệnh tật và việc trở lại với Chúa của ông Phun-tơn?
4. SUY NIỆM:
1) Vai trò của Mẹ MA-RI-A trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa:
Thiên Chúa đã ban cho loài người chúng ta một Đấng Cứu Độ duy nhất là Chúa Giê-su. Nhưng bên cạnh Đức Giê-su, Thiên Chúa còn ban cho chúng ta một bà mẹ hiền đầy tình thương và tích cực cộng tác với Đức Giê-su trong công cuộc cứu độ loài người là Thánh Mẫu Ma-ri-a.
Thực vậy, Mẹ Ma-ri-a luôn yêu thương và cầu bầu cho những ai đang gặp khốn khó như Mẹ đã dạy các người giúp việc hãy làm theo lời Đức Giê-su tại tiệc cưới thành Ca-na (x Ga 2,1-11). Mẹ đã được chính Chúa Giê-su trăn trối làm Mẹ của Hội Thánh mà tông đồ Gio-an là đại diện, trước khi Chúa tắt thở trên thập giá (x Ga 19,26-27); Mẹ cũng thi hành nhiệm vụ của một bà mẹ hiền khi hiệp cùng Hội Thánh sơ khai cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống sau khi Chúa Giê-su lên trời (x Cv 1,14).
2) Sức mạnh của Kinh Mân Côi trong các biến cố lịch sử của Hội Thánh:
Trong lịch sử Hội Thánh, mỗi khi con thuyền Hội Thánh gặp cơn phong ba có nguy cơ bị chìm đắm, chúng ta lại thấy có bàn tay trợ giúp của Mẹ Ma-ri-a.
Vào thế kỷ 12, thánh Đa-minh đã được Đức Mẹ hiện ra ban cho phép lần hạt Mân Côi, như một thứ vũ khí thiêng liêng nên đã chặn đứng được làn sóng lạc giáo An-bi-doa ở Miền Nam nước Pháp đang đe dọa tiêu diệt Hội Thánh.
Rồi dưới triều đại Đức Thánh Cha Piô V, cũng nhờ phép lần hạt Mân Côi mà Hội Thánh một lần nữa lại tránh được làn sóng xâm lược của đạo quân Hồi Hồi tại vịnh Lê-păng vào đầu thế kỷ 16.
Ngày nay, Đức Ma-ri-a trở thành sứ giả được Thiên Chúa sai đến đã hiện ra tại nhiều nơi trên thế giới vào nhiều thời điểm khác nhau, để nhắc nhở Hội Thánh đi đúng đường lối của Chúa Giê-su và giúp các tín hữu cải thiện đời sống, đón nhận ơn cứu độ do Chúa Giê-su đem đến. Ta có thể kể ra một số địa danh Mẹ đã hiện ra như: Lộ Đức (Pháp), Pha-ti-ma (Bồ Đào Nha), La Vang (Việt Nam), Mễ du (Nam Tư)...
3) Việc tông đồ truyền giáo trở nên hữu hiệu nhờ kinh Mân Côi:
Thực ra, việc biến đổi lòng những kẻ tội lỗi và vô tín để họ quay về nhận biết tôn thờ Thiên Chúa, và việc xóa bỏ các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, đĩ điếm, cướp giật...trong đời sống mỗi người sẽ khó lòng thực hiện thành công nếu chỉ dựa vào khả năng giới hạn của chúng ta. Tuy nhiên điều tưởng chừng không thể thực hiện ấy lại không khó chút nào đối với Thiên Chúa, vì: “Không có gì mà Chúa không làm được” (Lc 1,37).
Vậy để việc tông đồ truyền giáo đạt được kết quả, các tín hữu chúng ta cần noi gương Mẹ Ma-ri-a kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su (x Ga 15,5). Rồi cùng với Mẹ, chúng ta sống đức Tin bằng việc thực thi đức Cậy và đức Mến trong cuộc sống đời thường như Mẹ khi xưa. Kinh Mân Côi chính là phương cách hữu hiệu giúp các tín hữu chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su và Đức Mẹ để chiến thắng ba thù là ma quỷ thế gian và tính xác thịt của mỗi người.
4) Canh tân kinh Mân Côi bằng thêm Lời Chúa lời cầu kèm theo việc lành:
Tuy nhiên, việc đọc kinh Mân Côi chỉ mang lại hiệu quả tích cực nếu chúng ta biết suy niệm 20 biến cố Vui Sáng Thương Mừng trong cuộc đời Chúa Giê-su kèm theo lời cầu nguyên quyết tâm sống theo gương Chúa làm và lời Người dạy, như Mẹ đã làm xưa: “Còn MA-RI-A thì ghi nhớ những sự kiện đó và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Mỗi ngày chúng ta hãy thực hành các việc tốt cụ thể kèm theo đọc một chục kinh Mân Côi theo một trong 20 mầu nhiệm. Nhờ đó chúng ta sẽ ngày một nên tốt hơn và có thể chu toàn được sứ vụ loan báo Tin Mừng đã được Chúa Phục Sinh trao cho Hội Thánh trước khi lên trời.
TÓM LAI: Nhờ quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy noi theo gương mẫu và lời dạy của Người như Mẹ Ma-ri-a, chắc chắn chúng ta sẽ làm được những việc lạ lùng kỳ diệu vượt quá khả năng giới hạn của mình. Vì bấy giờ chúng ta làm không bằng sức riêng, nhưng bằng sức mạnh của ơn Chúa giúp qua lời cầu bầu đắc lực của Mẹ, như lời thánh Phao-lô dã dạy: ”Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). Chúng ta cũng sẽ noi gương Mẹ MA-RI-A ca tụng ngợi khen tình thương cứu độ của Thiên Chúa trong bài kinh Ma-nhi-phi-cát: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…” (Lc 1,46).
5. NGUYỆN CẦU:
Lạy Chúa. Mỗi lần gặp phải những khó khăn hoạn nạn xảy tới, chúng con thường chỉ biết kêu trời trách đất, hoặc tệ hơn lại tìm đến với mê tín dị đoan như coi bói toán, cầu cơ, tin đồng cốt... để tìm sự giúp đỡ an ủi, đang khi lẽ ra chúng con phải cậy vào ơn Chúa trợ giúp và sự phù trợ của Mẹ Ma-ri-a, như Mẹ đã cầu bầu cho đôi tân hôn tại tiệc cưới thành Ca-na xưa. Xin Chúa giúp chúng con biết nghe lời Mẹ dạy là hãy lắng nghe Lời Chúa Giê-su, tìm hiểu ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng như các người giúp việc trong tiệc cưới xưa đã làm.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. – Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38
(26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai Sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (27) gặp một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. (28) Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”. (29) Nghe lời ấy, Bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (30) Sứ thần liền nói: “Thưa Bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. (31) Và này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. (32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. (34) Bà Ma-ri-a thưa với Sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với Bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. (38) Bấy giờ Bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói”. Rồi Sứ thần từ biệt ra đi.
2. Ý CHÍNH:
Câu chuyện Sứ thần Gáp-ri-en được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Trinh nữ Ma-ri-a giúp chúng ta nhận biết tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong việc thực hiện lời hứa cứu độ loài người. Thiên Chúa luôn đi bước trước bằng việc ban ơn cứu độ và muốn cho loài người đón nhận ơn ấy. Qua câu chuyện truyền tin hôm nay, thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và mau mắn “Xin vâng” của Đức Ma-ri-a chính là thái độ mà các tín hữu cần làm khi đọc kinh lần hạt trong tháng Mân Côi này
3. CHÚ THÍCH:
- C 26-27: + Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng: Cách đây sáu tháng, ông Da-ca-ri-a đã được Sứ thần Gáp-ri-en hiện đến truyền tin khi ông đang thi hành chức vụ tư tế trong Đền thờ. Sứ thần hứa với ông rằng bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai. Sứ mệnh của nó là dọn đường cho Đấng Thiên Sai.. Quả vậy, bà Ê-li-sa-bét đã có thai trong lúc tuổi già. Bà đã ở trong nhà không tiếp xúc với ai suốt 5 tháng trời (x. Lc 1,5-25). Đến tháng thứ sáu thì Sứ thần Gáp-ri-en tiếp tục được sai đến truyền tin cho Trinh nữ Ma-ri-a. + Gáp-ri-en: Là một trong bảy Tổng lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 10,13-21;12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (x. Đn 8,16). + Trinh nữ: hay thiếu nữ, là một cô gái chưa lấy chồng. Riêng về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a đã được gián tiếp đề cập đến qua câu ngài thưa với Sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Theo lời tuyên sấm của Ngôn sứ I-sai-a thì: Việc một hài nhi do một bà mẹ đồng trinh thụ thai là dấu chỉ của Đấng Thiên Sai (x. Is 7,14). + đã đính hôn: khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này là con chính thức. Tuy nhiên, theo phong tục Do thái thì việc kết hôn chỉ hoàn tất khi bên họ đàng trai tổ chức lễ cưới để đón rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + thuộc nhà Đa-vít: chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế thuộc hoàng tộc Đa-vít, để ứng nghiệm lời các Ngôn sứ đã tiên báo như: Người phát xuất từ gốc tổ phụ Giêsê là cha của vua Đa-vít (x.1 Sm 16,3.12) ; Người sẽ sinh ra tại Bê-lem là quê hương của vua Đa-vít (x. mk 5,1). + Ma-ri-a: hay my-ri-am là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt khi trùng tên, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Ma-ri-a mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và Trinh nữ Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Ga 19,25).
- C 28-29: + “mừng vui lên”: Đây không phải là kiểu chào thông thường của người Do thái, nhưng là lời chào trong những trường hợp đặc biệt, dành riêng cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “đầy ân sủng”: một tước hiệu dành riêng cho Ma-ri-a, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân vô nhiễm nguyên tội và được Chúa luôn ở cùng. + “Bà bối rối và tự hỏi”: khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của Dacaria (x. Lc 1,12), Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của Lời Chúa vừa được Sứ thần mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).
- C 30-33: + Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su: Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a biết về sứ mệnh làm mẹ của Hài nhi Giê-su. Giê-su nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay là “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2,11). + “Con Đấng Tối Cao”: Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các vị vua dòng tộc Đa-vít. Sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là Vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ lên ngôi cai trị dân Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.
- C 34: + so sánh thắc mắc của Ma-ri-a với thắc mắc của Dacaria (x. Lc 1,18): Tuy cả hai cùng đưa ra câu hỏi, nhưng phát xuất từ hai tâm trạng khác nhau: câu hỏi của Dacaria biểu lộ sự hoài nghi về quyền năng Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt câm, không nói được. sự cấm khẩu này là dấu chỉ cho ông thấy việc bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh con là điều chắc chắn sẽ xảy ra (x. Lc 1,20). còn lời thắc mắc của Ma-ri-a thì biểu lộ lòng tin: Ma-ri-a muốn tìm biết rõ thánh ý Chúa thế nào để xin vâng. do đó, Ma-ri-a đã được Sứ thần ca tụng là đấng “đầy ân phúc hằng làm đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1,30) và bà Ê-li-sa-bét cũng khen ngợi Ma-ri-a là người “diễm phúc” vì đã tin Lời Chúa phán sẽ được thực hiện (x. Lc 1,45).+ “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến người nam!”: “biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”. Thắc mắc của Ma-ri-a ở đây không chứng minh Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh, vì động từ “biết” ở đây thì hiện tại. Qua câu này, Ma-ri-a chỉ thắc mắc là: làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay bây giờ được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ đính hôn với Giu-se để nên vợ chồng về luật đời, chứ chưa được Giu-se tổ chức lễ cưới đón rước về nhà chồng như phong tục Do thái?
- C 35: + Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a hiểu rằng: Vì được Chúa tuyển chọn để làm mẹ Đấng Thiên Sai, nên Ma-ri-a sẽ được thụ thai cách đặc biệt nhờ quyền năng Thánh Thần, đúng như I-sai-a đã tuyên sấm về việc Đấng Cứu Thế sẽ do một trinh nữ thụ thai và sinh hạ (x. Is 7,14). + “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà”: Kiểu nói “rợp bóng” nhắc lại sự kiện xảy ra vào thời Xuất hành, khi dân Do thái đi trong hoang địa trên đường về Đất Hứa. Bấy giơ Đức Chúa luôn hiện diện ở giữa dân Người, qua hình ảnh của một cột mây rợp bóng che phủ nhà tạm và lều hội ngộ (x. Xh 40,34-38). Rợp bóng cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa. Như chim phượng hoàng giang rộng đôi cánh để bao phủ che chở đàn chim con, thì Thiên Chúa cũng giang rộng tay hùng mạnh để bang trợ Ít-ra-en là con dân của Người (x. Tv 17,8). + “Đấng thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh” nghĩa là thuộc về Thiên Chúa. Hài nhi sắp sinh sẽ được hiến “thánh”, được dâng cho Thiên Chúa để chu toàn sứ mệnh cứu thế.
- C 36-37: + kìa Bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với Bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Để cho Ma-ri-a thấy quyền năng cao cả của Thiên Chúa, Sứ thần đã báo cho Ma-ri-a biết tin về bà chị họ Ê-li-sa-bét: tuy đã cao niên và hiếm hoi, thế mà cũng đã được Thiên Chúa cho thụ thai con trai, đến nay thai nhi đã được sáu tháng rồi.
- C 38: + “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a đã biểu lộ một nhân đức khiêm nhường và một lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói”: Qua câu này, Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ do Thiên Chúa ban. Thực vậy, ngay sau lời thưa “xin vâng” này, Thánh Thần đã tác động làm cho Trinh nữ Ma-ri-a thụ thai mà không cần phải tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy để thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con” hay “Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính là Thiên Chúa và người phàm.
4. CÂU HỎI:
1) Gio-an Tẩy Giả hơn Đức Giê-su bao nhiêu tuổi?
2) Thánh kinh kể tên 3 vị Tổng lãnh thiên thần là những vị nào? Tên gọi của mỗi vị có nghĩa thế nào?
3) Câu nói nào của Đức Ma-ri-a cho thấy ngài là thiếu nữ đồng trinh? Tại sao phải nhấn mạnh sự kiện đồng trinh trong việc Đức Ma-ri-a thụ thai Hài Nhi Cứu Thế Giê-su?
4) Việc kết hôn giữa thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a làm cho hai người nên vợ chồng thật hay chỉ là vợ chồng giả để che mắt người đời?
5) Tin Mừng muốn ám chỉ gì khi viết Giu-se “thuộc nhà Đa-vít”?
6) Hãy kể ra một số tên gọi Ma-ri-a trong Tin Mừng kèm theo tên phụ Thêm tên phụ sau tên gọi như vậy nhằm mục đích gì?
7) Khi chào kèm tước hiệu “đầy ân sủng” của Sứ thần nhằm ám chỉ đặc ân nào trong 4 đặc ân Thiên Chúa ban cho Đức Ma-ri-a?
8) Tên gọi Giê-su mà Sứ thần ra lệnh cho Ma-ri-a đặt cho con trẻ mang ý nghĩa gì?
9) Tước hiệu “Con Đấng Tối Cao” được gán cho Hài nhi Giê-su có ý nghĩa thế nào?
10) Thắc mắc của ông Da-ca-ri-a trong Đền thờ (x Lc 1,18) và thắc mắc của Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay có giống nhau không? Ông Da-ca-ri-a và Đức Ma-ri-a đã gặp sự cố gì sau lời thắc mắc?
11) Khi nói “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà”, Sứ thần muốn ám chỉ điều gì?
12) Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể xảy ra vào lúc nào trong biến cố Truyền tin?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Bấy giờ Bà Ma-ri-a nói: ”Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,46.49).
2. CÂU CHUYỆN:
1) Sức mạnh chữa lành bệnh tật thể xác tâm hồn của chuỗi Mân Côi:
Cách đây ít lâu, tạp chí Reader’s Digest có kể lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ TÊRÊXA CALCUTTA và một thương gia người Mỹ như sau:
Trên chuyến máy bay từ CHRITIAMY về THANASITY, thương gia trẻ tên là JIM CAISO ngồi kề bên Mẹ TÊRÊSA và một nữ tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người nữ tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng ngồi vào yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai người nữ tu từ từ rút chuỗi ra khỏi áo và lâm râm cầu kinh. Tuy không phải là một người Công Giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi sự cầu kinh của hai người nữ tu. Khi máy bay đã lên cao, Mẹ Têrêsa quay nhìn người thanh niên và hỏi:
- Anh có thường lần chuỗi không?
Anh trả lời:
- Thưa không.
Anh vừa trả lời thì Mẹ cầm tay anh, trao cho anh tràng chuỗi rồi mỉm cười nói:
- Vậy thì hãy bắt đầu lần chuỗi đi.
Ra khỏi phi trường Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận như sau: “Tôi có cảm tưởng như mình đã được gặp một người nữ tu đích thực của Chúa”.
Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà đã từng là bạn của hai người từ nhiều năm qua. Người đàn bà này bác sĩ cho biết đã bị ung thư tử cung. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng lo ngại. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, rút ra tràng chuỗi của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta và trao cho người bạn và nói:
- Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp chị.
Mặc dù không phải là người Công Giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay ra và trân trọng đón nhận món quà quí giá ấy. Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã mang trong mình tràng chuỗi trong suốt năm qua và đã được khỏi bệnh. Giờ đây chị trả lại cho Jim để may ra có thể còn giúp đỡ được cho người nào khác. Trong thời gian đó, bà chị vợ của Jim đang bị khủng hoảng tinh thần sau cuộc ly dị, bà cũng muốn được mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà kể lại rằng:
- Hằng đêm, tôi đeo chuỗi vào người. Tôi rất cô đơn và sợ hãi, nhưng khi mang chuỗi vào người, tôi cảm thấy như đang cầm lấy một bàn tay thân yêu.
Tràng chuỗi mầu nhiệm ấy không mấy chốc đã được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp khủng hoảng hay bệnh tật, người ta thường gọi điện thoại đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi ấy và đều được ơn lành như ý.
Jim suy nghĩ: phải chăng tràng chuỗi có một sức mạnh lạ lùng, hay đúng hơn, tràng chuỗi có sức mạnh giúp tất cả những ai mang tràng chuỗi ấy canh tân tâm hồn và đã nhận được ơn do việc canh tân mang lại. Jim chỉ biết rằng, hễ có ai ngỏ ý mượn tràng chuỗi, anh đều vui vẻ cho mượn, và luôn căn dặn họ: “Khi nào không cần dùng nữa thì vui lòng cho tôi xin lại, vì có thể sẽ có người khác cần đến tràng chuỗi ấy”.
Cuộc sống của Jim cũng thay đổi kể từ cuộc gặp gỡ với Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta, và Jim hay chia sẻ với bạn bè như sau: “Mẹ Têrêsa đã mang tất cả hành lý của Mẹ chỉ trong một cái xách tay nhỏ, Tôi cũng cảm thấy được thôi thúc để làm cho cuộc sống của mình được đơn giản hơn. Tôi luôn nhớ rằng: điều quan trọng trong cuộc sống không phải là tiền bạc, danh vọng mà chính là tình yêu chúng ta dành cho người khác”.
2) Đức tin của Phun-tơn Ao-dơ-lơ (fulton oursler) được hồi phục nhờ Mẹ MA-RI-A:
Vào một buổi chiều đông lạnh giá, Phun-tơn, một người đã mất đức tin và bỏ không đến nhà thờ nhiều năm, đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp nhiều vấn đề khó khăn nan giải. khi đi qua đại lộ nhà thờ chính toà của thành phố Nữu Ước, tự nhiên ông cảm thấy có một sức mạnh vô hình cuốn hút ông vào trong nhà thờ và đến quỳ trước tượng Đức Mẹ. Sau một hồi im lặng, tự nhiên Phun-tơn cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, có thể chỉ một giây lát nữa thôi là con lại thay đổi ý nghĩ lúc này để tiếp tục bài bác chế diễu việc đạo đức con đang làm và quay trở lại con đường vô tín của con. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con đang gặp rất nhiều khó khăn. Xin Mẹ giúp con thêm đức tin”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy một điều gì đó kỳ diệu vừa xảy ra nơi ông và biến ông trở thành một người mới: Ông đã có đức tin! Từ đó, ông luôn kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm chứng cho Chúa bằng một cuộc sống khiêm nhường, cậy trông phó thác và đầy vị tha bác ái.
3. THẢO LUẬN:
Hai câu chuyện trên cho thấy chuỗi kinh mân côi có vai trò nào trong việc chữa lành bệnh tật và việc trở lại với Chúa của ông Phun-tơn?
4. SUY NIỆM:
1) Vai trò của Mẹ MA-RI-A trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa:
Thiên Chúa đã ban cho loài người chúng ta một Đấng Cứu Độ duy nhất là Chúa Giê-su. Nhưng bên cạnh Đức Giê-su, Thiên Chúa còn ban cho chúng ta một bà mẹ hiền đầy tình thương và tích cực cộng tác với Đức Giê-su trong công cuộc cứu độ loài người là Thánh Mẫu Ma-ri-a.
Thực vậy, Mẹ Ma-ri-a luôn yêu thương và cầu bầu cho những ai đang gặp khốn khó như Mẹ đã dạy các người giúp việc hãy làm theo lời Đức Giê-su tại tiệc cưới thành Ca-na (x Ga 2,1-11). Mẹ đã được chính Chúa Giê-su trăn trối làm Mẹ của Hội Thánh mà tông đồ Gio-an là đại diện, trước khi Chúa tắt thở trên thập giá (x Ga 19,26-27); Mẹ cũng thi hành nhiệm vụ của một bà mẹ hiền khi hiệp cùng Hội Thánh sơ khai cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống sau khi Chúa Giê-su lên trời (x Cv 1,14).
2) Sức mạnh của Kinh Mân Côi trong các biến cố lịch sử của Hội Thánh:
Trong lịch sử Hội Thánh, mỗi khi con thuyền Hội Thánh gặp cơn phong ba có nguy cơ bị chìm đắm, chúng ta lại thấy có bàn tay trợ giúp của Mẹ Ma-ri-a.
Vào thế kỷ 12, thánh Đa-minh đã được Đức Mẹ hiện ra ban cho phép lần hạt Mân Côi, như một thứ vũ khí thiêng liêng nên đã chặn đứng được làn sóng lạc giáo An-bi-doa ở Miền Nam nước Pháp đang đe dọa tiêu diệt Hội Thánh.
Rồi dưới triều đại Đức Thánh Cha Piô V, cũng nhờ phép lần hạt Mân Côi mà Hội Thánh một lần nữa lại tránh được làn sóng xâm lược của đạo quân Hồi Hồi tại vịnh Lê-păng vào đầu thế kỷ 16.
Ngày nay, Đức Ma-ri-a trở thành sứ giả được Thiên Chúa sai đến đã hiện ra tại nhiều nơi trên thế giới vào nhiều thời điểm khác nhau, để nhắc nhở Hội Thánh đi đúng đường lối của Chúa Giê-su và giúp các tín hữu cải thiện đời sống, đón nhận ơn cứu độ do Chúa Giê-su đem đến. Ta có thể kể ra một số địa danh Mẹ đã hiện ra như: Lộ Đức (Pháp), Pha-ti-ma (Bồ Đào Nha), La Vang (Việt Nam), Mễ du (Nam Tư)...
3) Việc tông đồ truyền giáo trở nên hữu hiệu nhờ kinh Mân Côi:
Thực ra, việc biến đổi lòng những kẻ tội lỗi và vô tín để họ quay về nhận biết tôn thờ Thiên Chúa, và việc xóa bỏ các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, đĩ điếm, cướp giật...trong đời sống mỗi người sẽ khó lòng thực hiện thành công nếu chỉ dựa vào khả năng giới hạn của chúng ta. Tuy nhiên điều tưởng chừng không thể thực hiện ấy lại không khó chút nào đối với Thiên Chúa, vì: “Không có gì mà Chúa không làm được” (Lc 1,37).
Vậy để việc tông đồ truyền giáo đạt được kết quả, các tín hữu chúng ta cần noi gương Mẹ Ma-ri-a kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su (x Ga 15,5). Rồi cùng với Mẹ, chúng ta sống đức Tin bằng việc thực thi đức Cậy và đức Mến trong cuộc sống đời thường như Mẹ khi xưa. Kinh Mân Côi chính là phương cách hữu hiệu giúp các tín hữu chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su và Đức Mẹ để chiến thắng ba thù là ma quỷ thế gian và tính xác thịt của mỗi người.
4) Canh tân kinh Mân Côi bằng thêm Lời Chúa lời cầu kèm theo việc lành:
Tuy nhiên, việc đọc kinh Mân Côi chỉ mang lại hiệu quả tích cực nếu chúng ta biết suy niệm 20 biến cố Vui Sáng Thương Mừng trong cuộc đời Chúa Giê-su kèm theo lời cầu nguyên quyết tâm sống theo gương Chúa làm và lời Người dạy, như Mẹ đã làm xưa: “Còn MA-RI-A thì ghi nhớ những sự kiện đó và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Mỗi ngày chúng ta hãy thực hành các việc tốt cụ thể kèm theo đọc một chục kinh Mân Côi theo một trong 20 mầu nhiệm. Nhờ đó chúng ta sẽ ngày một nên tốt hơn và có thể chu toàn được sứ vụ loan báo Tin Mừng đã được Chúa Phục Sinh trao cho Hội Thánh trước khi lên trời.
TÓM LAI: Nhờ quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy noi theo gương mẫu và lời dạy của Người như Mẹ Ma-ri-a, chắc chắn chúng ta sẽ làm được những việc lạ lùng kỳ diệu vượt quá khả năng giới hạn của mình. Vì bấy giờ chúng ta làm không bằng sức riêng, nhưng bằng sức mạnh của ơn Chúa giúp qua lời cầu bầu đắc lực của Mẹ, như lời thánh Phao-lô dã dạy: ”Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). Chúng ta cũng sẽ noi gương Mẹ MA-RI-A ca tụng ngợi khen tình thương cứu độ của Thiên Chúa trong bài kinh Ma-nhi-phi-cát: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…” (Lc 1,46).
5. NGUYỆN CẦU:
Lạy Chúa. Mỗi lần gặp phải những khó khăn hoạn nạn xảy tới, chúng con thường chỉ biết kêu trời trách đất, hoặc tệ hơn lại tìm đến với mê tín dị đoan như coi bói toán, cầu cơ, tin đồng cốt... để tìm sự giúp đỡ an ủi, đang khi lẽ ra chúng con phải cậy vào ơn Chúa trợ giúp và sự phù trợ của Mẹ Ma-ri-a, như Mẹ đã cầu bầu cho đôi tân hôn tại tiệc cưới thành Ca-na xưa. Xin Chúa giúp chúng con biết nghe lời Mẹ dạy là hãy lắng nghe Lời Chúa Giê-su, tìm hiểu ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng như các người giúp việc trong tiệc cưới xưa đã làm.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. – Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.