Theo tin Catholic World News, ngày 14 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa dành cho Đài Phát Thanh Renascenca, Bồ Đào Nha, một cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề thời sự đang diễn ra tại Âu Châu nói chung.

Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn của Aura Miguel (Vatican):


Trong tư cách một vị Giáo Hoàng đến “từ tận cùng thế giới”, Đức Thánh Cha thấy Bồ Đào Nha và dân chúng Bồ Đào Nha ra sao?

Tôi chỉ mới tới Bồ Đào Nha có một lần, tại phi trường, lâu lắm rồi. Lúc đó tôi đang bay tới Rôma với Varig và máy bay dừng tại Lisbon, thành thử tôi chỉ biết có phi trường. Nhưng tôi biết rất nhiều người Bồ Đào Nha. Ở chủng viện tại Buenos Aires, nhiều nhân viên là di dân Bồ Đào Nha. Họ là những người tốt lành, rất gần gũi với các chủng sinh. Và cha tôi có một đồng nghiệp người Bồ. Tôi còn nhớ tên của ông là Adelina, một người tốt lành. Điều tôi muốn nói là tôi chưa gặp người Bồ nào xấu xa cả.

Trong diễn văn của Đức Thánh Cha với các giám mục Bồ Đào Nha, ngoài việc khen ngợi người Bồ và đưa ra cái nhìn thanh thản đối với hiện tình của Giáo Hội, Đức Thánh Cha có nói tới hai quan tâm: một liên quan tới tuổi trẻ và quan tâm kia liên quan tới giáo lý. Đức Thánh Cha sử dụng một hình ảnh để nói rằng “trang phục lúc rước lễ lần đầu không còn thích hợp với người trẻ nữa”, nhưng một số cộng đồng “vẫn nằng nặc đòi họ phải mặc chúng”… Vấn đề là gì ạ?

Đó chỉ là cách nói ví von. Người trẻ ít lễ nghi hơn và họ muốn theo cách riêng của họ. Ta phải để họ tiến thôi, nhưng nên đồng hành với họ, đừng để họ cô đơn, mà phải đồng hành với họ. Và biết cách đồng hành với họ một cách khôn ngoan, biết lúc nào cần nói với họ, và biết cách lắng nghe họ. Người trẻ rất hiếu động. Họ không muốn bị làm phiền và theo nghĩa đó, cô có thể nói “trang phục rước lễ lần đầu không còn thích hợp với người trẻ nữa”. Trẻ em, ngược lại, thích trang phục rước lễ lần đầu khi lên rước lễ. Đó là một thứ ảo giác. Nhưng người trẻ thí thích những thứ ảo giác khác, vì họ đang thay đổi, đang lớn lên, đang tìm tòi, phải không? Đó là lý do tại sao cô cần để họ phát triển, đồng hành với họ, kính trọng họ và nói năng với họ theo cách một người cha.

Vì cùng một lúc, có những tiêu chuẩn cần đề xuất, nhưng những tiêu chuẩn này thường lại không hấp dẫn!

Đó chính là lý do khiến cô phải tìm hiểu điều gì lôi cuốn người trẻ ấy. Thí dụ, điều này xẩy ra khắp nơi, nếu cô đề nghị với họ một cuộc quá giang xe, hay đi cắm trại hoặc đi truyền giáo hay đi thăm một viện tế bần (cotolengo) để chăm sóc người bệnh trong một tuần lễ, hay trong hai tuần lễ, thì chắc anh ta sẽ rất thú vị vì anh ta muốn làm một điều gì cho người khác. Anh ta sẽ cảm thấy mình được bao bọc.

Bao bọc?

Đúng, anh ta được cuốn vào, được dấn thân. Anh ta không còn đứng ngoài nhìn vào nữa. Anh ta để mình can dự vào, nghĩa là, dấn thân cam kết.

Như thế không còn lý do gì để anh ta không lưu lại?

Vì anh ta được làm theo cách của anh ta mà.

Như thế thì Giáo Hội phải tiếp nhận thách thức nào? Đức Thánh Cha cũng có nói tới lối dạy giáo lý, đôi khi quá lý thuyết và không thể đề xuất được cuộc gặp gỡ bản thân nào…

Đúng, điều quan trọng là giáo lý đừng chỉ có tính lý thuyết. Điều ấy không đem lại hiệu quả. Giáo lý là đem lại cho người ta một lý thuyết sống và, do đó, nó phải bao gồm ba ngôn ngữ: ngôn ngữ của trí, ngôn ngữ của tâm và ngôn ngữ của tay.

Giáo lý phải bao gồm ba điều ấy: để người trẻ không những nghĩ và biết đức tin là gì, mà đồng thời, trái tim họ phải cảm nhận được ý nghĩa của đức tin ấy và đàng khác, họ phải làm sao thực hiện được sự việc nữa. Nếu giáo lý thiếu một trong ba thứ ngôn ngữ này, nó sẽ ứ đọng. Ba ngôn ngữ: nghĩ về việc phải cảm nhận ra sao và phải làm gì, cảm nhận điều cô nghĩ và điều cô làm, làm điều cô cảm nhận và điều cô nghĩ.

Lắng nghe Đức Thánh Cha nói, xem ra điều gì cũng rõ ràng cả… nhưng, nhìn chung quanh, nhất là nhìn vào Âu Châu cũ, thế giới Kitô Giáo cũ, thì thấy sự việc không hẳn thế. Điều gì đang thiếu ở đây? Thay đổi não trạng? Đức Thánh Cha có thể nói gì về tình thế này?

Tôi không biết các não trạng đang thay đổi, vì tôi không quen thuộc hết mọi sự, đúng không? Nhưng quả thực, phương pháp học thì đôi khi không hoàn hảo. Ta phải tìm ra một phương pháp giáo lý có thể liên kết được ba điều: các sự thật cần phải tin, những điều cần cảm nhận và những điều cần phải làm, nên làm.

Thưa Đức Thánh Cha, chúng con mong đợi Đức Thánh Cha tại Bồ Đào Nha dịp bách chu niên ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Ba vị giáo hoàng đã tới thăm chúng con, riêng Đức Gioan Phaolô II thì đã thăm chúng con đến ba lần. Đức Thánh Cha hết lòng sùng kính Đức Nữ Trinh Diễm Phúc, Đức Thánh Cha mong muốn gì ở chuyến đi năm 2017?

Rồi, ta cần phải thẳng thắn về chuyện này. Tôi rất muốn đi Bồ Đào Nha dự lễ kỷ niệm bách chu niên. Năm 2017 cũng là năm kỷ niệm 300 năm ngày khám phá ra tượng Đức Mẹ Aparecida, tại Ba Tây.

Do đó, tôi cũng muốn tới đó nữa và tôi đã hứa là sẽ tới đó rồi. Còn về Bồ Đào Nha, tôi từng nói tối muốn đi, tôi rất muốn đi. Đi Bồ Đào Nha thì dễ dàng hơn, ta có thể đi về trong cùng một ngày hoặc, tốt nhất, đi một ngày rưỡi hay hai ngày. Đi gặp Nữ Trinh Diễm Phúc nữa. Ngài là một bà mẹ, hết sức là một bà mẹ, và sự hiện diện của ngài luôn đồng hành với dân Chúa. Nên tôi muốn được đến Bồ Đào Nha, vốn là một đất nước được nhiều ưu đãi.

Đức Thánh Cha mong đợi gì nơi người Bồ Đào Nha chúng con? Chúng con có thể chuẩn bị chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha ra sao mà vẫn tuân theo các yêu cầu của Đức Mẹ một cách tốt nhất?

Đức Trinh Nữ Maria luôn yêu cầu chúng ta cầu nguyện, chăm sóc gia đình và tuân theo các giới răn. Ngài không yêu cầu những điều xa lạ. Ngài yêu cầu ta cầu nguyện cho những người lạc đường, cho những người tự nhận mình có tội, há tất cả chúng ta không phải là những người có tội hay sao? Tôi là người có tội trước hết. Nhưng ngài quả yêu cầu điều ấy, và những lời yêu cầu này nên được sử dụng để chuẩn bị, qua các lời nhắn nhủ đầy tình mẫu tử, hết sức mẫu tử… và để làm cho ngài được mọi con cái biết đến. Điều lạ là ngài luôn đoái nhìn những linh hồn đơn sơ, đúng không? Rất đơn sơ.

Lúc chúng ta đang nói đây, thì có cuộc khủng hoảng tỵ nạn. Đức Thánh Cha trải nghiệm tình thế này ra sao?

Đây chỉ là đầu nhô của ngọn núi băng ngầm. Những người khốn khổ này trốn chạy chiến tranh, nghèo đói, nhưng đây chỉ là đầu nhô của ngọn núi băng ngầm. Vì nguyên nhân của nó nằm sâu bên dưới; và nguyên nhân này chính là một hệ thống kinh tế xã hội xấu xa và bất công, trong mọi sự, khắp thế giới, nói về vấn đề môi sinh, trong xã hội hệ thống kinh tế xã hội, trong chính trị, con người phải luôn chiếm vị trí trung tâm. Hệ thống kinh tế đang nổi bật ngày nay lấy con người ra khỏi trung tâm, đặt thần tài, ngẫu thần thời trang thay thế vào đó. Có những con số thống kê, tôi không nhớ chính xác, nên rất có thể sai, nhưng 17% dân số thế giới đang sở hữu 80% của cải hoàn cầu.

Và việc bóc lột các nước thế giới thứ ba này, về trung kỳ, đang mang lại các hậu quả sau đây: người nào cũng muốn tới Âu Châu…
Và cùng một điều đó đang xẩy ra tại các đô thị lớn. Tại sao các khu ổ chuột lại xuất hiện tại các đô thị lớn?

Cùng một tiêu chuẩn…

Đúng, cùng một tiêu chuẩn… Những người đến từ vùng quê này, vì vùng quê đã bị phá rừng, vì nạn độc canh. Họ không có việc làm, thành thử họ phải lên các đô thị lớn thôi.

Ở Phi Châu cũng thế…

Ở Phi Châu, cũng cùng một hiện đượng đó. Thành thử, các di dân đang kéo nhau tới Âu Châu cũng cùng là một việc, tức việc đi kiếm một chỗ nào đó (để sống). Và, dĩ nhiên, vào lúc này, đối với Âu Châu, quả là điều bất ngờ, vì chúng ta ít khi tin rằng những việc này có thể xẩy ra, có đúng không? Nhưng chúng đã xẩy ra.

Nhưng khi Đức Thánh Cha tới Strasbourg, Đức Thánh Cha từng nói rằng điều cần thiết là hành động giải quyết các nguyên nhân, chứ không chỉ giải quyết các hậu quả. Hình như không có ai lắng nghe Đức Thánh Cha lúc đó và, bây giờ, các hậu quả thì thấy thật gần…

Ta phải tìm tới các nguyên nhân…

Nhưng có lẽ không ai lắng nghe Đức Thánh Cha …

Nơi nào đói kém là nguyên nhân, ta phải tạo công ăn việc làm, phải đầu tư. Nơi nào chiến tranh là nguyên nhân, hãy tìm kiếm hòa bình, hãy làm việc cho hòa bình. Ngày nay, thế giới đang gây chiến với chính mình, nghĩa là thế giới đang có chiến tranh, như tôi từng nói, từng mảng, chút chút một, nhưng thế giới cũng đang chiến tranh chống lại đất đai, hủy diệt đất đai, căn nhà chung của chúng ta, tức môi trường. Các núi băng đang nóng chẩy ra, tại bắc cực, các con gấu bắc cực phải tiếp tục lên cực bắc để sống còn…

Và hình như ta không còn lưu tâm tới con người và số phận họ nữa… Đức Thánh Cha thấy phản ứng của Âu Châu vào lúc này ra sao, với quá nhiều chủ trương khác nhau: một số đang xây tường ngăn cản, số khác thì nhận người tỵ nạn theo tôn giáo của họ, số khác nữa lợi dụng tình thế để đưa ra các tuyên bố mị dân…

Mỗi người đều giải thích ý nghĩa nền văn hóa riêng của họ. Và, đôi khi, việc giải thích theo ý thức hệ, hay giải thích bằng ý niệm, dễ dàng hơn việc thực hiện sự việc, điều vốn là thực tại. Bên ngoài Âu Châu, có một hiện tượng khác đang làm tôi rất đau lòng: Người Rohingya (sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo, có lẽ xuất phát từ Miến Điện. Bị đẩy qua bên lề và bị bách hại vì các lý do sắc tộc và tôn giáo. Liên Hiệp Quốc đã đơn cử người Rohingya như là một trong các sắc dân thiểu số bị bách hại hơn cả trên thế giới) bị đuổi khỏi xứ sở của họ, phải lên thuyền và ra đi. Họ tới một hải cảng hay một bờ biển, được cho ăn cho uống rồi lại bị đuổi ra ngoài khơi, chứ không được lên bờ. Quả đang thiếu khả năng tình người chào đón.

Vì không hẳn là nói về khoan dung, mà đúng hơn là khoan dung: là chào đón…!

Chào đón, chào đón người khác và họ có thế nào chào đón họ như thế. Tôi là con trai người di dân và tôi thuộc lớp di dân năm 1929. Nhưng ở Á Căn Đình, từ năm 1884, người Ý và người Tây Ban Nha bắt đầu tới… Tôi không biết lúc nào thì đợt người Bồ Đào Nha tới. Nhưng người di dân tới từ ba quốc gia này. Và khi họ tới, một số có tiền, số khác phải tới các trại tiếp cư di dân và từ đó, họ được chuyển tới các đô thị. Họ đi làm hay đi tìm việc làm. Quả thực lúc đó có việc làm, nhưng những người thuộc gia đình tôi, đã có việc ngay khi mới tới năm 1929, nhưng, do cuộc khủng hoảng kinh tế thập niên 1930, năm 1932 phải lang thang ngoài đường, không còn gì cả. Ông nội tôi mua một nhà kho với 2000 pesos mượn của người ta, còn cha tôi, vốn là một kế toán viên, phải đi bán các sản phẩm từ một chiếc thúng. Như thế, họ có ý chí chiến đấu, để thành công… Tôi thấm thía cảnh di dân! Rồi xẩy ra các cuộc di dân trong Thế Chiến II, nhất là từ Trung Âu, nhiều người Ba Lan, Tiệp Khắc, Crôát, Slôvian và cả người Syria và Lebanon nữa. Còn chúng tôi thì an ổn ở đó. Không hề có chuyện bài ngoại tại Á Căn Đình. Còn hiện nay, đang có các cuộc di dân nội bộ ngay bên trong Mỹ Châu, họ từ nhiều nước Mỹ Châu tới Á Căn Đình, dù đã giảm đi trong ít năm qua, vì càng ngày càng ít việc làm hơn tại Á Căn Đình.

Và cũng từ Mễ Tây Cơ vào Hiệp Chúng Quốc…

Hiện tượng di dân này là một thực tế. Nhưng tôi muốn nói về hiện tượng này không phải để đổi lỗi cho bất cứ ai cách riêng. Khi có chỗ trống, thì người ta ráng lấp đầy nó. Nếu một quốc gia không có trẻ em, thì các di dân sẽ tới và chiếm chỗ của chúng. Tôi nghĩ tới sinh suất tại Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Tôi tin sinh suất này hiện gần tới 0%. Thành thử, nếu không có trẻ nhỏ, thì sẽ có nhiều chỗ trống. Và, theo giải thích rất có thể không đúng của tôi, việc không muốn có con này, một phần, do nền văn hóa chuộng tiện nghi dễ chịu tạo nên, há không phải sao? Trong chính gia đình tôi, mấy năm trước đây, tôi nghe các anh em họ người Ý của tôi nói rằng “Con cái ư? Xin miễn. Chúng tôi thích đi du lịch nghỉ hè, hay mua biệt thự, hoặc điều này điều nọ hơn”… Còn người già thì càng ngày càng cô đơn hơn. Tôi tin thách đố lớn nhất của Âu Châu là trở lại với việc làm bà mẹ Âu Châu…

… Ngược với …

… Làm bà nội Âu Châu. Mặc dù có những nước Âu Châu trẻ tỷ dụ như Albani. Nước này gây ấn tượng nơi tôi, những người khoảng 40, 45… và cả Bosnia lẫn Herzegovina nữa, nghĩa là các nước tự tái thiết sau chiến tranh.

Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha thăm nước này…

Dĩ nhiên đúng như thế. Đây là dấu chỉ của Âu Châu.

Nhưng thách đố chào đón các người tỵ nạn đang kéo vào Âu Châu hiện nay, theo quan điểm của Đức Thánh Cha, có là điều tích cực đối với Âu Châu hay không?Nó có mang lại ích lợi không, hay chỉ là một khiêu khích? Liệu cuối cùng Âu Châu có tỉnh thức không, có thay đổi đường đi không?

Có thể. Đã đành, tôi nhìn nhận rằng hiện nay các điều kiện an toàn biên giới không giống như trước đây. Sự thật là cách đây chừng 400 cây số tính từ Sicily, có một nhóm khủng bố rất tàn ác. Thành thử có nguy cơ bị xâm nhập, điều này có thật.

Có thể vào cả Rôma…

Đúng, không ai dám nói Rôma được miễn nhiễm khỏi đe dọa này. Nhưng cô có thể đề phòng và lo liệu cho những người này làm việc. Nhưng còn một vấn đề nữa, đó là: Âu Châu sắp trải qua một cuộc khủng hoảng rất lớn về lao động. Có một nước… Thực ra, tôi xin nhắc tới 3 nước, dù không nêu đích danh, nhưng một số thuộc những nước quan trọng nhất tại Âu Châu, trong đó nạn thất nghiệp nơi những người dưới 25 tuổi lên tới nước thì 40%, nước thì 47% và nước thì 50%. Quả đang có cuộc khủng hoảng lao động, người trẻ không kiếm ra việc làm. Thành thử, sự việc đang có nhiều xáo trộn, không thể nói là đơn giản được. Hiển nhiên, nếu một người tỵ nạn tới, bất chấp mọi phòng ngừa về an ninh, chúng ta vẫn phải chào đón họ, vì đây là giới răn từ trong Thánh Kinh. Môsê từng nói với dân của ông rằng “anh em hãy chào đón ngoại kiều, vì chính anh em từng là ngoại kiều trên đất Ai Cập”.

Nhưng lý tưởng là họ không cần phải trốn chạy, họ có thể ở lại trên lãnh thổ của họ?

Đúng như thế, vâng đúng thế.

Thưa Đức Thánh Cha, trong kinh truyền tin hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã đưa ra thách thức rất cụ thể này nhằm chào đón người tỵ nạn. Đã có phản ứng nào chưa? Đức Thánh Cha đúng ra đang mong mỏi điều gì?

Điều tôi yêu cầu là tại mỗi giáo xứ và tu viện, mỗi đan viện, nên tiếp nhận một gia đình. Một gia đình, chứ không phải một người. Một gia đình sẽ bảo đảm an ninh và an toàn nhiều hơn, tránh được các vụ xâm nhập của những phần tử khác. Khi nói một giáo xứ nên chào đón một gia đình, tôi không cố ý nói họ nên vào sống tại nhà của vị linh mục, trong chính nhà xứ, nhưng mỗi cộng đồng giáo xứ nên lo liệu cho có nơi nào đó, một góc nào đó trong trường có thể biến thành một căn hộ nhỏ hay, nếu cần, họ có thể cho gia đình thuê một căn hộ nhỏ; nhưng họ nên được cung cấp một mái che đầu, được chào đón và hội nhập vào cộng đồng. Tôi đã nhận được rất nhiều phản ứng. Hiện có những tu viện gần như trống rỗng…

Hai năm trước đây, Đức Thánh Cha đã đưa ra yêu cầu này rồi, Đức Thánh Cha đã nhận được trả lời nào chưa?

Chỉ mới có bốn. Một trong các trả lời này là của các cha Dòng Tên (cười); Dòng tên, khá lắm! Nhưng đây là một đề tài nghiêm túc, vì cũng có cơn cám dỗ của tiền tài nữa. Một số dòng tu nói “không, hiện nay tu viện trống nhưng chúng con sắp biến nó thành một khách sạn và chúng con có khách, nhờ thế có thể tự lập được hoặc kiếm thêm chút tiền”. Được, nếu đó là điều anh chị em muốn, thì chịu trả thuế đi! Một trường tôn giáo được miễn thuế vì là tôn giáo, nhưng nếu điều hành như một khách sạn, thì nên trả thuế giống như các cơ sở hàng xóm. Nếu không đâu phải kinh doanh đàng hoàng.

Và Đức Thánh Cha từng nói rằng Đức Thánh Cha sẽ nhận hai gia đình, ngay tại Vatican…

Đúng, hai gia đình. Hôm qua tôi đã được bá cáo là hai gia đình ấy đã được nhận diện, và hai giáo xứ tại Vatican đã đảm nhiệm việc đi tìm họ.

Họ đã được nhận diện rồi ư?

Đúng, đúng, đúng thế, họ đã được nhận diện. Đức Hồng Y Comastri lo việc này; ngài là tổng đại diện Vatican của tôi, cùng với Đức Cha Konrad Krajewski, người giữ chức Từ Thiện Tông Tòa (Apostolic Almoner), vốn làm việc cho người vô gia cư và đặc trách việc đặt nhà tắm dưới chân Hàng Cột, cũng như các thợ hớt tóc, quả là tuyệt diệu. Ngài là người đã dẫn các người vô gia cư đi thăm các viện bảo tàng và Nhà Nguyện Sistine…

Thế các gia đình này sẽ ở lại bao lâu?

Bao lâu Chúa còn muốn. Chúng ta không biết việc này sẽ kết thúc ra sao, đúng không? Tuy nhiên, tôi muốn nói điều này: Âu Châu đã mở mắt họ ra, và tôi xin cám ơn về điều đó. Tôi cám ơn các nước Âu Châu đã mở mắt trước việc này.

Nhóm truyền thông của chúng con đã tham gia cương lĩnh với các định chế Kitô Giáo khác cũng như với các tôn giáo khác, với mục đích giúp chào đón người tỵ nạn. Đức Thánh Cha có lời nào hỗ trợ đối với những người đang giúp đỡ và đối với cả các thính giả và nhân viên của chúng con không?

Tôi khen ngợi nhóm của cô và xin cám ơn về những gì nhóm của cô đang làm, và cho phép tôi đưa ra một vài ý kiến cho nhóm: vào Ngày Phán Xét, chúng ta vốn biết chúng ta sẽ bị phán xét. Điều này được viết tại chương 25 Tin Mừng Thánh Mátthêu. Khi Chúa Giêsu hỏi cô: “Ta đói, con có cho Ta ăn không?” Cô sẽ trả lời “Thưa có”… “và khi Ta là người tỵ nạn, con có giúp Ta không?”, “thưa có”. Do đó, tôi khen ngợi cô, cô đã đáp đúng bài thi! Và tôi cũng muốn nói một điều về tuổi trẻ đang rảnh rỗi. Tôi nghĩ điều đang rất khẩn trương, nhất là đối với các dòng tu có sứ mệnh giáo dục, nhưng cũng đối với người giáo dân nữa, là phải đầu tư vào các khóa học, vào những trường khẩn trương dạy ngắn hạn. Nếu một người trẻ rảnh rỗi học được việc nấu ăn hay làm thợ ống nước trong sáu tháng để có khả năng làm những công việc nhỏ: luôn luôn có những mái nhà phải sửa chữa, hay làm thợ sơn, thì với kinh nghiệm ấy họ sẽ dễ dàng tìm được việc làm hơn, dù chỉ là việc bán thời gian hay tạm thời. Anh ta sẽ có thể làm những công việc mà ta vốn coi là vặt vãnh và nhờ thế anh ta hết rảnh rỗi. Nay ta đang sống trong thời đại của nền giáo dục khẩn trương. Đó là điều Don Bosco vốn làm. Khi thấy số lượng lớn các trẻ em ngoài đường phố, Don Bosco nói: “phải có giáo dục”, nhưng ngài không đưa các em tới các lớp trung học ngay, mà tới các lớp dạy nghề. Nên ngài sắp xếp để một số thợ mộc và thợ ống nước dạy chúng một chút tay nghề, nhờ thế, chúng luôn có cách kiếm kế sinh nhai.

Bây giờ, tôi muốn kể một câu truyện về Don Bosco, ngay tại đây, gần Trastevere, nơi…

… Là khu nghèo nàn…

… Đúng, một khu rất nghèo, nhưng nay nó là khu hoàn toàn thời trang để người trẻ lui tới. Lúc ấy, Don Bosco ngồi xe thổ mộ do ngựa kéo, hay trong một xe hơi, tôi không biết nữa, và bị một ai đó liệng đá khiến cửa xe bị bể. Do đó, ngài bảo những người cùng đi dừng lại mà nói: “Đây là nơi chúng ta nên ở lại!” Cô thấy chưa, trước một hành vi tấn công, ngài đã coi đó như một cơ hội để giúp đỡ người ta, các trẻ em, các người trẻ chỉ biết phá phách. Và ngày nay, có một giáo xứ của dòng Salêdiêng tại địa điểm từng giáo dục thanh thiếu niên và trẻ em, với đủ trường học và nhiều điều khác. Và thế là ta nên trở lại với tuổi trẻ: điều quan trọng là phải đem lại cho tuổi trẻ ngày nay, nhất là những người không tìm được việc làm, một nền giáo dục khẩn trương trong một lãnhvực nào đó giúp họ kiếm được kế sinh nhai.

Còn 1 kỳ