LTS: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Bảo, nguyên giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô, Phát Diệm, đã qua đời tại Hoa Kỳ. Nhân dịp này học trò cũ của Ngài là anh Trần Văn Huyến và LM. Phạm Bá Lãm ghi lại những kỷ niệm đối với vị ân sư. Việtcatholic trân trọng giới thiệu những kỷ niệm này với độc giả Việtcatholic và nhất là những cựu chủng sinh Chủng Viện Phát Diệm.
Những kỷ niệm về một vị ân sư: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Bảo
Trong căn phòng nhỏ đơn sơ tại viện Dưỡng Lão Bellevue Health & Rehabilitation, Oklahoma City buổi trưa hè đó, một ông già 70 quỳ xuống trước một Vị Đại Lão ngoài 90 với khuôn mặt nhân hậu, tóc trắng như bông. Ông già nghẹn ngào xúc động thì thầm bên vị “Nhân Tiên” (cửu thập như nhân tiên): Cám ơn Thầy đã khai trí cho con những ngày niên thiếu để con có đủ hành trang vào đời. Sau hơn 50 năm xa cách, những tưởng không có ngày gặp lại Thầy nữa. Không ngờ hôm nay Chúa cho con có cơ hội đến đây thăm Thầy nơi đất khách quê người. Trước khi trở về với gia đình, một lần nữa, xin Thầy nhận nơi con lòng vô cùng biết ơn, và xin Thầy chúc lành cho con. Vị Đại Lão cũng không kém phần xúc động, giơ tay chúc lành cho trò, miệng lẩm bẩm: Thầy chúc lành cho con. Sáng nay, Thầy đã dâng Thánh Lễ cầu cho các con. Gói thực phẩm Thầy gửi mua, các con đem theo để ăn trên đường. Hiện diện trong căn phòng, còn có một học trò khác cũng tới quỳ bên chân vị Đại Lão và xin chúc lành trước khi giã biệt. Hai trò cất bước ra đi mà còn ngoái đầu lại nhiều lần để nhìn Thầy, không nỡ rời bước, như cố ghi lại trong tâm trí hình ảnh người Thầy thân yêu.
Sau 2 ngày ở Oklahoma City (ngày 1 và 2 tháng 7 năm 2011) thăm Cha Giáo Antôn Nguyễn Ngọc Bảo, một trong 4 vị ân sư còn tại thế của Tiểu Chủng Viện Phát Diệm, Phú Nhuận (Cha Nguyễn Ngọc Bảo, Cha Trần Văn Kiệm, Cha Phạm Năng Trí và Cha Trần Phúc Vỵ), Trần Vinh và tôi đã phải từ giã Cha Giáo trong một khung cảnh đầy cảm động như trên trước khi trở về Dallas.
Đối với riêng tôi, Cha Giáo Bảo là một người Thầy đặc biệt. Nhờ phương pháp truyền dạy của Ngài, ngay từ năm lớp 9, tôi đã học rất thành công môn La ngữ và Pháp văn. Năm cuối cùng ở TCV, sau giờ cơm tối, Ngài thường đi bách bộ với tôi từ tượng Thánh Phaolô tới cổng trường, tập cho tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp. Ngoài ra, Ngài còn dạy tôi nhạc lý và đàn harmonium (một loại keyboard), không ngờ lại là những hành trang cần thiết tôi đem vào đời để sau này, khi vào Quân đội, tôi hội đủ kiến thức chuyên môn và được gởi sang Hoa Kỳ năm 1967, học khoá Nhạc trưởng tại School of Music, Virginia. Rồi sau này, khi vượt biên sang sống ở Hoa Kỳ năm 1986, tôi đã đậu kỳ thi hành nghề giáo chức (teacher certification), dạy Pháp văn, đồng thời theo chương trình “Master of French” tại University of North Texas. Tất cả những hành trang quý hoá đó, phần lớn, đều do Cha giáo truyền thụ cho tôi. Đúng như câu thường nói: “Không Thầy đố mày làm nên”.
Cha giáo Antôn Nguyễn Ngọc Bảo sinh ngày 20/5/1919 tại Qui Hậu, thuộc giáo xứ Tôn Đạo. Xuất thân từ một gia đình đạo hạnh và đặc biệt là Cha rất thương mẹ. Năm 1930, khi mới 11 tuổi, Cha được gửi vào Trường Thử Ba Làng, Thanh Hoá, học trong thời gian 3 năm và học tiếng Pháp với các “cố Tây” nên Cha nói tiếng Pháp như “Tây chính gốc”. Cha tâm sự: “Tôi nhớ mẹ và nhớ nhà lắm, cứ muốn bỏ về với mẹ, nhưng Ba Làng cách Qui Hậu những 80 cây số, lại không có tiền nên không thể trốn về được. Một hôm bố mẹ đi thuyền tới thăm, tôi đòi về theo. Bố hỏi tại sao, tôi nói con nhớ em quá, nhưng thực ra là nhớ mẹ, muốn về với mẹ”. Sau 3 năm ở Ba Làng, chú Bảo được về TCV Phúc Nhạc, học cùng lớp với các Cha Kiệm, Cha Điệu, Cha Lương, Cha Văn, Đức Ông Thiều v v… Thế hệ hậu sinh được nghe khá nhiều “huyền thoại” về lớp của các vị này. Các vị mãn trường năm 1939. Đứng đầu là Cha Kiệm, rồi đến Cha Điệu, Cha Lương, Cha Bảo (hạng tư), v.v… Cha Kiệm và Cha Điệu được gửi ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut để luyện thi Tú Tài Pháp. Các vị còn lại phải đi giúp xứ.
Giáo xứ Ninh Bình lúc đó cần một thầy giúp xứ giỏi đàn và nói tiếng Pháp lưu loát, nhưng cha chính xứ, cha già Phạm ngọc Lâm, lại là một trong các vị luôn đọc “kinh cầu KẺO”, nghĩa là rất khó tính, giống như các Cha Thạc, Tri …. Thậm chí có người còn kêu các cha già đó là “Đức Chúa Lời!”. Vì thế, không thầy nào muốn về làm việc dưới “trướng” của cha già Lâm… Tại chủng viện, trong khi thầy Điệu điều khiển ca đoàn thì thầy Bảo là “tay phong cầm” ngoại hạng, lại nói tiếng Pháp “như nước chảy”, ngang ngửa với thầy Văn, và hơn hẳn thầy Kiệm, thầy Điệu. Để tránh phải về giúp giáo xứ Ninh Bình, thầy Bảo giả vờ không biết đàn và không giỏi tiếng Pháp. Tuy nhiên “hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều người nói thầy Bảo “hypocrite” nên sau cùng thầy “trúng tuyển” về giúp xứ Ninh Bình, dưới quyền “sinh sát” của Cha già Lâm! Cũng may, nhờ sự khôn ngoan, biết ứng dụng thuật “savoir vivre”, (khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống), sau 2 năm “trường kỳ chiến đấu”, thầy Bảo “thoát nạn”, được chuyển về giúp xứ Hướng Đạo. Trong thời gian thầy Bảo giúp xứ Ninh Bình, Đức Cha Thành mất. và muốn được an táng tại Nhà thờ Phát Diệm. Quan tài Đức Cha đi qua Ninh Bình về Phát Diệm, có quan Chánh sứ Pháp ra tiễn đưa. Thầy Bảo được giao nhiệm vụ liên lạc với vị quan đầu tỉnh người Pháp này. Quan Sứ hết sức ngạc nhiên khi thấy một thanh niên ăn mặc “nhà quê” (Thầy Bảo) mà nói tiếng Pháp thông thạo và đúng giọng như người Pháp. Quan Sứ muốn mời chàng thanh niên này về làm việc cho Toà Sứ, nhưng Thầy Bảo từ tốn cho quan biết mình là một chủng sinh (séminariste), đã hiến trọn đời để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Sau 1 năm giúp xứ Hướng Đạo, thầy Bảo được gọi về Đại Chủng viện Thượng Kiệm học 2 năm Triết học và 4 năm Thần học. Và cũng như thời còn ở Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, thầy Điệu “coi” hát, thầy Bảo phụ trách đàn.
Sau khi hoàn tất năm thứ 4 Thần học, và với sự chứng nhận khá tốt của cha già Lâm, thầy Bảo được thụ phong linh mục năm 1948 và nhận “bài sai” làm cha phó xứ Như Sơn. Sáu tháng sau, cha Bảo lại được “bài sai” đi làm phó Xứ Nam Biên. Làm phó Nam Biên được 6 tháng thì cuộc đời linh mục của cha rẽ sang một khúc quanh quan trọng: thay vì phục vụ các xứ đạo, Cha lãnh sứ mạng đào tạo các linh mục tương lai.
Cha Mai Văn Điệu, cùng lớp với cha Bảo, người đang phụ trách môn Nhạc và La ngữ tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, được lệnh thuyên chuyển về Phát Diệm làm Hiệu trưởng trường Trần Lục. Cha Điệu đề nghị ngay Cha Nguyễn Ngọc Bảo thay thế, nhưng cha Mai Học Lý, Giám đốc Chủng viện, không chấp thuận vì lý do, khi còn học ở Chủng viện, cha Bảo chỉ đứng hạng thứ tư trong lớp, do đó không đủ tiêu chuẩn! Cha Điệu phải nêu thành tích trội vuợt của Cha Bảo trong lãnh vực Âm nhạc, và chính cha Bảo phải trình sổ điểm cho thấy cha luôn luôn đứng nhất về La ngữ ngay từ năm đầu Tiểu Chủng viện cho đến năm “mãn trường”. Lý do Cha đứng hạng tư trong lớp chỉ vì Cha không thích những môn Toán, Lý hoá, Khoa học mà thôi. Còn những môn như Histoire, Géographie, Traduction, Analyse, Rédaction, etc… thì không ai qua mặt được, đặc biệt trí nhớ và trí thông minh của cha thì ngoại hạng. Điều ngạc nhiên là ngày nay, ở tuổi ngoài 90, trí óc cha giáo Bảo vẫn không suy giảm. Chính cô điều dưỡng viên tại Bellevue Nursing Home đã nói với người viết: “Reverend Anthony is very intelligent, and he likes to speak French”. Sau cùng, Cha Giám đốc Luca Lý quyết định nhận Cha Bảo về dạy Nhạc và La văn tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc. Cha giáo Bảo sẽ còn tiếp tục dậy Chủng viện khi Chủng viện di cư vào Nam, ở tại Phú Nhuận, Saigon. Cũng nhờ quyết định trên mà biết bao học trò mới may mắn được học với cha giáo và đã tiến bộ rất đáng kể trong 2 bộ môn Âm nhạc và La ngữ. Một trong số các học trò của cha giáo sau này trở thành Giám mục Quy Nhơn, đó là Giám mục Nguyễn Soạn.
Về La ngữ, nhiều chủng sinh học với Cha Giáo Bảo mà khi sang Trường Truyền Giáo Rôma, hoặc lên Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt (GHHV), đã không gặp trở ngại phải sử dụng La văn như ngôn ngữ chính khi học Triết học, Thần học và các môn khác. Người viết còn nhớ năm 1961, một Linh mục Dòng Tên từ Hoa Kỳ đến, vì không nói được tiếng Pháp trong khi phần lớn các thầy không thông thạo tiếng Anh, nên đã phải dùng La ngữ để dạy về Nguyên tử.
Phuơng pháp dạy La văn của Cha Giáo Bảo thật đặc biệt. Ngài dạy rất tỉ mỉ, và không bỏ qua những “mẹo gầm sàn”. Nhạc sĩ Trần Anh Linh, trong cuốn “Trường Phúc Nhạc và các vị ân sư” đã có cùng nhận xét: “Cha Bảo chú trọng nhiều đến văn phạm, nhất là những luật trừ có ghi chú ở cuối trang nên có danh từ “mẹo gầm sàn”. Lm. Trần Công Nghị, Giám đốc Thông tấn xã Công Giáo Việt Nam, rất thích “mẹo gầm sàn” số 201 trong cuốn văn phạm Petitmangin mà Cha Giáo nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Caesar pontem fecit. Cha Giáo nhấn mạnh động từ “fecit” ở đây không có nghĩa là tự tay Caesar đã xây cầu, nhưng chỉ ra lệnh cho xây cầu. Khi qua Rôma du học năm 1967, Thầy Nghị mới thấy Cha Giáo thật “chí lý” vì cầu Rôma được xây bằng những tảng đá khổng lồ nặng tới cả tấn, Caesar dù có sức “voi” cũng không mang nổi. Cựu (ex) Vũ Văn Long, cùng lớp với Lm. “võ sư” Vũ Sĩ Hoằng, phó tỉnh trưởng Quảng Tín rồi phó tỉnh trưởng Hậu Nghĩa trước khi Saigon thất thủ, bao nhiêu năm sau thời gian thọ giáo tại TCV Phúc Nhạc vẫn còn nhớ câu mẹo đầu trong cuốn Grammaire Latine Cha Giáo dạy: Natus obscuro patre et matre. Ngoài ra, cựu Long cũng nhắc đến chủ đề bài giảng của Cha Giáo ngày Lễ Thánh Giuse, quan thầy Cha Bề Trên Nguyễn Duy Phượng với câu “đối”, tuy nói là câu đối nhưng lại có 3 vế. Cha Giáo đã cẩn thận đưa sẵn cho “các chú” cắt, dán và treo bên trên và hai bên tượng Thánh Giuse trong gian cung thánh để minh hoạ sự vĩ đại và cao sang của Thánh Cả “ Magnus ut Justus”, “Major ut Sponsus”, “Maximus ut Pater”.
Môn Pháp văn Ngài cũng dùng phương pháp giảng dạy như thế. Khi đọc một bài mới, Cha Giáo giải thích cặn kẽ từng chữ, cắt nghĩa nguồn gốc của từ ngữ (étymologie), rồi “mots de famille”, tiếp theo là phân tích văn phạm, phân tích cú pháp (analyse grammaticale & logique) và cách ứng dụng. Chính nhờ vậy mà chúng tôi “học một biết mười”. Khi viết bài Pháp văn, nếu áp dụng những gì Cha Giáo dạy, hoặc sử dụng lối hành văn theo kiểu “stylistic” hay những thành ngữ mà Cha Giáo “phải” tra tự điển Larousse thì chắc chắn sẽ được điểm ưu. “Cựu” (ex) Vũ Văn Long, nhớ mãi niềm sung sướng khi được Cha Giáo xoa đầu vì đã khéo sử dụng từ “incarnation” để diễn ý tưởng người cha trong gia đình là “hiện thân” của lao động cực khổ để nuôi con cái và gia đình. Niềm tự hào được Thầy khích lệ đã khiến “cựu” Long suốt đêm không nhắm mắt nổi vì quá sung sướng đến nỗi sáng hôm sau “ngủ gà ngủ gật” trong giờ Lễ, bị thầy Đốc Trác kéo tai đau điếng. Riêng người viết thì nhờ “kỹ thuật” sử dụng “mẹo gầm sàn” trong bài La văn và bắt chước lối hành văn cuốn “stylistic” trong bài Pháp văn nên thường được điểm cao. Lần gặp Cha Giáo vừa rồi, người viết đã “xưng tội” với Cha Giáo, và thay vì Cha bắt làm “việc đền tội” thì Ngài chỉ cười nhân hậu, ra chiều tha thứ. Nhân tiện cũng xin các bạn cùng lớp, các “Đức Thầy” An, Châu, Đẩu, Kế, Khoan, Lợi, Thức, Tự, Vũ, Yêng và bố đời Hạnh (nghĩa tử của Cha Trần Phúc Long) xá lỗi cho vì “kẻ hèn” này đã dùng “mánh mung” để đoạt hạng nhất môn La văn và Pháp văn.
Cũng nhân dịp này, xin được giới thiệu một chút về các bạn cùng lớp. Lớp của người viết nhập trưòng Thử Trì Chính năm lớp 4 Tiểu học, lúc đó gọi là lớp Nhì, gồm lớp Nhì A và B, sĩ số khoảng 100, Lm. Đỗ Xuân Quế là thầy dạy Việt văn năm đó. Sau khi đậu bằng Tiểu học thì kỳ hè năm 1954, một số học giỏi được gửi đi Hà Nội vì nghe rằng Việt Minh sẽ chiếm Phát Diệm. Ra tới Hải Phòng, “các chú” nhập vào Tiểu chủng viện Phúc Nhạc và được lệnh lên “tàu há mồm” vào trong Nam vì hiệp định chia đôi đất nước. Sau thời gian tạm trú tại trường Mossard Thủ Đức, TCV Phát Diệm được chuyển về Phú Nhuận, và một số “các chú” từ trường Đạo Sĩ như Vũ Phương Chuẩn, Phạm Đình Kế, Mai Trí Thức… cũng được sát nhập vào TCV. TCV Phát Diệm lúc đó gồm các lớp từ đệ Thất đến đệ Nhất. Nhà văn Trà Lũ Trần Trung Lương và Ts. Nguyễn Tiến Hưng học lớp đệ Nhất, nguời viết mới lớp đệ Thất, lớp có 46 nguời. Tuy nhiên, sĩ số giảm dần vì nhiều “chú” hoặc vì hạnh kiểm, hoặc không có ơn gọi, nên bỏ cuộc. Năm mãn trường, 1960, lớp chỉ còn 12 người, (không kể 3 thầy do Đức Cha Phạm Ngọc Chi gởi vào từ Đà Nẵng) trong đó có 10 “tông đồ” về núp bóng Thánh Giuse tại đường Cường Để Saigon (ĐCV Thánh Giuse) làm linh mục, 2 người còn lại là Hạnh và Huyến được gởi “lầm” lên GHHV Đà Lạt, làm uổng công dạy dỗ của các Cha Dòng Tên.
Riêng 3 Thầy được Đức Cha Phạm Ngọc Chi gửi từ Qui Nhơn vào học năm lớp 12 là các Thầy Nguyễn Soạn, Huỳnh Đắc Nhì và Nguyễn Thông Phúc, đặc biệt thầy Nguyễn Soạn có tướng mạo rất phi phàm và người viết thật có “duyên” với thầy Nguyễn Soạn. Quả thực, suốt năm lớp 12, người viết được hân hạnh ngồi bên cạnh thầy Soạn trong nhà Học chung, gọi là nhà Khảo, rồi lại theo thầy Soạn lên GHHV Đà Lạt và sau một thời gian lại có dịp gặp Cha Soạn cùng học tại Đại học Văn Khoa Saigon. Rồi bẵng đi một thời gian khá dài nổi trôi theo vận nước, năm 1998, người viết lại được diện kiến Đức Cha Soạn khi Ngài ghé thăm nhà thờ Thánh Phêrô tại Dallas, nơi có rất nhiều giáo dân gốc Qui Nhơn. Cả hai gặp nhau trong niềm vui khôn tả với những kỳ niệm thời sinh viên, và không ngờ Đức Cha còn nhắc tới việc người viết dạy nhạc và đàn tại GHHV cho các Thầy chuẩn bị đi giúp xứ sau 3 năm Triết học. Cũng cần nói thêm là vào thời gian đầu mới thành lập GHHV Đà Lạt, mỗi địa phận miền Nam chỉ được gửi lên GHHV một năm 2 thầy ưu tú nhất. Và nói theo thi sĩ Cao Bá Quát thì dĩ nhiên các Thầy người nào trong bụng cũng đầy “2 bồ chữ”, nhưng lại không có chỗ cho môn âm nhạc, nên khi ra giúp xứ, các Thầy đều băn khoăn khi nghĩ đến việc phải tập hát hay đàn cho ca đoàn. Vì thế, người viết mới có hân hạnh được hướng dẫn các Thầy về đàn và nhạc lý như Đức Cha vừa nhắc tới.
Việc Đức Cha Phạm Ngọc Chi gởi 3 thầy ưu tú từ Qui Nhơn vào TCV Phát Diệm/Phú Nhuận học đã nói lên niềm tự hào của Phát Diệm trong việc đào tạo các thế hệ Linh mục cả về văn hoá lẫn tu đức. Thành phần ban giảng huấn gồm các cha có học lực cao và nhiều kinh nghiệm, hoặc đã từng du học ngoại quốc về như: các Cha Nguyễn gia Đệ, Trần Hoàng, Trần Phúc Long, Trần Phúc Vỵ du học Âu châu về dạy Anh văn, Cha Trần Văn Kiệm du học Huê kỳ dạy toán, khoa học, cha Vũ Kim Điện du học Ý dạy Triết, cha Linh hướng Nguyễn Minh Nhật du học Canada (sau làm giám mục giáo phận Xuân Lộc) v.v... Thực ra, tất cả các địa phận từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, đều có gửi các chủng sinh lớp lớn về Phú Nhuận để được đào tạo.
Về Pháp văn, Cha Giáo cho biết những năm cuối cùng trước khi các TCV ngoài Bắc di cư hoàn toàn đóng cửa, cha đã dậy Pháp văn lớp Tú Tài toàn phần cho các chủng sinh TCV Piô XII Hà Nội chuyển sang, vì chủng viện Hà Nội chọn Pháp văn làm ngoại ngữ chính thay vì Anh văn như những chủng viện khác. TCV Phát Diệm là chủng viện sau cùng đóng cửa để sát nhập toàn diện vào các giáo phận địa phương.
Trở lại La văn, kiến thức của Cha Giáo về cổ sử La Mã hết sức uyên thâm. Khi học về Caesar và Cicero, mọi người đều say mê nghe Cha Giáo kể về cái chết của hai nhân vật thời danh này. Nghĩ lại “mưu đồ” lật đổ và hạ sát Caesar của các thượng nghị sĩ La Mã cổ xưa không khác gì âm mưu lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm của các phản tướng Việt Nam Cộng Hoà trước đây. Nếu so sánh những chi tiết giữa hai biến cố này, chúng ta thấy đúng là “lịch sử lập lại” dù bài học đã hơn 2000 năm và một bên trời Tây, một bên trời Đông. Người viết còn nhớ như in Cha Giáo kể rằng hôm bị sát hại, vợ của Caesar, Calpurnia Pisonis, đã ngăn cản ông không nên đến Thượng viện vì giấc mộng không lành trong đêm của bà. Tuy nhiên Brutus đã đến “dụ” Caesar tới, và chính Ceasar cũng nghĩ rằng mình “bất khả xâm phạm” vì đã được Thượng viện phong làm “Dictator perpetuus” và được coi là “Pater Patriae”. Khi Ceasar tới nghị trường, Tillius Cimber trao cho ông một thỉnh nguyện thư xin cho người em bị lưu đầy được trở về. Các thượng nghị sĩ đồng mưu đến vây quanh Caesar, làm như để ủng hộ thỉnh nguyện thư của Cimber. Caesar vẫy tay ra hiệu cho mọi người giang ra, nhưng Cimber đấm vào vai Caesar và kéo áo mặc ngoài (tunic) của ông xuống. Caesar la lên “Ista quidem vis est?” (tại sao lộn xộn thế này?). Ngay lúc đó, Casca rút dao găm ra đâm vào gáy Caesar, Caesar quay người lại, chộp cánh tay Casca quát to: “Thằng khốn kiếp, mày làm gì vậy?”. Lập tức cả đám xông vào tấn công, trong đó có Brutus, người mà Caesar nghĩ là con ngoại hôn của mình với Servilla là người tình lâu năm của ông, nên trong chúc thư, Caesar đã chọn Brutus làm thừa kế, sau Octavius, và chính Brutus cũng nghĩ mình là con của Caesar. Caesar định chạy thoát, nhưng máu ra quá nhiều và ông trượt ngã. Cả bọn (khoảng 60 người) tiếp tục đâm ông tới 23 nhát, nhưng chỉ có nhát đâm thứ 2 là chí tử vì trúng ngực của Caesar. Trong khi giãy chết và trông thấy Brutus, Caesar đã thốt lên “Tu quoque, fili mi” (cả con nữa sao, hỡi con), theo lời kể của Cha Giáo. Tuy nhiên, sử gia Suetonius thì cho rằng lời cuối cùng của Caesar là “Et tu, Brute”. Còn theo Plutarch, khi thấy Brutus trong đám sát nhân, Caesar không nói gì cả, chỉ kéo áo khoác ngoài (toga) che mặt không muốn nhìn đứa “nghịch tử” giết cha.
Riêng về cái chết của Cicero, một nhà hùng biện, một đại văn hào và chính trị gia đương thời, thì Cha Giáo kể như sau: Cicero đố kỵ với Antonius, một người ủng hộ Caesar trước đây, và là một trong đệ nhị “Tam đầu chế”. Cicero lúc đó là phát ngôn viên của Thượng viện và đã vận động để Thượng viện kết án Antonius là “kẻ thù của quốc gia”. Ngoài ra, ông còn viết một loạt bài gọi là Philippics mạt sát Antonius. Sau khi trở thành một trong đệ nhị “Tam đầu chế” gồm Antonius, Octavius và Lepidus, đến lượt Antonius tuyên bố Cicero là “kẻ thù của quốc gia”, đặt Cicero ra “ngoài vòng pháp luật” và truy sát ông ta. Trên đường bôn tẩu, Cicero bị Philologus, nguyên là nô lệ của Quintus Cicero, anh em với Cicero, giao nộp. Cicero bị chặt đầu, và chính Antonius đã ra lệnh chặt luôn 2 bàn tay vì đã dùng để viết những bài công kích mình. Ngoài ra, Fulvia, vợ của Antonius, còn kéo lưỡi Cicero ra, lấy kim cài tóc đâm lưỡi Cicero nhiều lần vì đã dùng tài hùng biện để thóa mạ chồng bà.
Viết tới đây, Người viết lại nhớ năm 1960, trong một lớp La ngữ do Cha Bobbio, người Ý phụ trách. Nhân dịp bình luận về cuốn De Bello Gallico, người viết đã đề cập đến cái chết của Caesar và Cicero với những chi tiết do Cha Giáo Bảo kể năm xưa. Cha Bobbio, người Ý, bậc đại khoa Dòng Tên, dĩ nhiên nói tiếng Latinh như “thác đổ”, trình độ La ngữ của Ngài ít nhất cũng ngang ngửa như trình độ võ công của Nhậm Ngã Hành, hay trình độ kiếm pháp của Độc Cô Cầu Bại, hay Lệnh Hồ đại ca của ni cô Nghi Lâm. Cha Bobbio hết sức ngạc nhiên và hỏi ai đã dạy các anh La ngữ tại chủng viện. Người viết trả lời Cha Antôn Bảo và khi biết Cha Bảo không học tại Rôma mà chỉ học La ngữ tại Việt Nam, Cha Bobbio lẩm bẩm: Lạ thật, một người học La ngữ tại Việt Nam mà có trình độ La ngữ giỏi như thế. Thú thực, chưa bao giờ người viết cảm thấy tự hào về Thầy Bảo của mình như vậy. Cũng vì thế, mọi người đều hoan nghênh quyết định của Bộ Giáo Dục mời Cha Giáo Bảo làm Giám khảo kỳ thi Tú Tài II Ban Cổ ngữ La văn.
Về âm nhạc, Cha Giáo Bảo là Thầy của rất nhiều nhạc sĩ Công Giáo hiện nay, đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo và truyền đạt kiến thức chuyên môn cho nhiều môn sinh họ. Cuốn nhạc bình ca (Chant Grégorien) cả ngàn bài được dùng trong chủng viện là nền tảng cho những ai muốn bước hẳn vào lãnh vực âm nhạc. Nhớ lại những khoá Do 1, Do 2, khóa Fa, v.v… rồi cách thành lập các “modes” Dorian, Phrygian, Lydian, Mixolydian, Hypodorian, Hypophrygian, Hypolydian đã làm cho các bạn người Mỹ “la trời”. Trái lại, do Cha Giáo chỉ dạy và thực hành khi tập hát, người viết “bơi” một cách “thoải mái” trong các lớp Nhạc sử thời Trung cổ và Phục Hưng (Middle Ages & Renaissance), các lớp hoà âm và đối âm, sáng tác và phối khí (instrumentation), nhất là khi phải sử dụng các khoá Do bình ca để viết cho một số nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng. Riêng Lm. Trần Mạnh Duyệt, hiện là Cha Sở của một giáo xứ lớn ở Rôma, nhờ học nhạc với Cha Giáo mà ngay năm lớp 9, khi thi môn nhạc để lấy bằng Trung học đệ I cấp, đã làm cho cô giáo giám khảo tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên, vì không ngờ cậu học trò nhỏ đẹp trai với cái miệng xinh xinh, đã hát dễ dàng và đúng cung 2 bài nhạc có 3 bémoles và 4 dièses. Không ngần ngại, cô giáo đã cho trò Duyệt điểm 10/10, lại còn hỏi tên của vị Giáo sư đã dạy nhạc. Rất tiếc cô giáo này không biết rằng Gs. Bảo có ở chủng viện, cha giáo Bảo điều khiển cả một ca đoàn 150 ca viên, hát những bài đa âm đủ cả 4 bè soprano, alto, tenor và basse mà người nào cũng hát hay, hát đúng cung vì đều có trình độ, lại giỏi nhạc lý vững vàng.
Về phương diện sáng tác, cha giáo Bảo thuộc nhóm nhạc sĩ Ca Thánh Phát Diệm. Những bài Cha viết vào thập niên 50 dưới bút hiệu Đồng Châu được phổ biến rộng rãi một thời, như các bài Lậy Nữ Vương, Cất tiếng cao rao, Đức Mẹ Hộ Phù… có thể được liệt vào loại “legacy” của Thánh ca Việt Nam. Cựu sinh Trần Vinh, cũng như Nguyễn Long Thao, hai nhà văn, nhà báo và nhà nghiên cứu, cùng lớp với Lm. Duyệt Rôma, Lm. Trần Công Nghị, Giám Đốc Thông tấn xã Công Giáo, vẫn còn “enjoy” hát bài “Lạy Nữ Vương Mẹ Chúa Trời, vầng phúc tinh soi ngời trên khơi. Thuyền con theo sóng chơi vơi, Bước hiểm nguy con nhờ ai cứu. Ba đào lôi cuốn, Gió đảo thuyền con, Mẹ cứu mau cánh buồm đang đắm đuối. Mẹ cứu mau chiếc bách chìm trong khơi.” Và một “cựu” khác Trần Văn Nhượng lại say mê bài “Hoàng hôn tàn, muôn sắc tan, ngàn tinh tú trang điểm trời thu. Kìa khách sao dừng buớc mau… Tiếng lao xao ngàn lau than thở, như tim ta cùng ca Thiên Chúa…” Nhạc sĩ Trần Anh Linh thì cho rằng bài “Xin Chúa ở lại đây…vì trời đã xế chiều” do Cha Giáo cảm tác từ bài “Mane nobiscum, Domine” mới là bài thịnh hành thời đó. “Cựu” Vũ Văn Long lại nhớ bài Cha Giáo sáng tác khi cả TCV Phúc Nhạc xuống Toà Giám Mục Phát Diệm hát mừng sinh nhật Đức Cha Lê Hữu Từ: “Đức Cha Lê Hữu Từ muôn muôn thuở, Đức Cha Lê Hữu Từ muôn muôn thuở…. Phát Diệm, Phát Diệm tường chăng hạnh phúc ngươi?”. Tất cả những nhạc phẩm của Ngài đều in trong 4 tập Ca Thánh Phát Diệm vẫn được lưu hành khắp nơi. Hiện nay, ở tuổi ngoài 90, Cha Giáo còn tiếp tục sáng tác. Bài Mẹ La Vang Ngài mới sáng tác và hoà âm sắp được phổ biến.
Đặc biệt môn Hoà âm, Cha Giáo còn đang dạy hoà âm cho một số nhạc sĩ cư ngụ tại Oklahoma City. Có lần hầu chuyện Cha Giáo qua điện thoại, Cha Giáo nói: “về hoà âm, tôi chỉ “nể” những anh tốt nghiệp Đại học nhạc, còn tôi “Chấp hết”. Người viết giật mình vì suýt nữa bị lọt vào danh sách các người Cha Giáo ‘chấp hết”. Quả thực khi gửi cho Cha Giáo một số bài Thánh Ca do mình sáng tác để Cha Giáo “chấm điểm”, Thầy khen và hát một số “mélodies, nói có phần giống như “mélodies” của anh “Cảnh” nào đó, học trò nhạc của Ngài ngày xưa. Còn về hoà âm thì Ngài nói: tôi đã thấy “ngón nghề” của anh rồi. Người xưa thường nói: hậu sinh khả uý. Thế mà trải qua bao nhiêu năm “tầm sư học đạo”, tới nay người viết vẫn không “qua mặt” Thày được. Thấy Thầy như vậy, mình vui và “bái phục” tài của Thầy, nhưng lại thấy mình “trí thiển tài sơ”, không biết khi nào mới theo kịp Thầy.
Về kỹ thuật “đàn phong cầm” của Cha Giáo thì ít người sánh kịp. Bộ sách Louis Raffy (người viết “xuống núi” đã lâu nên không còn nhớ tên tác giả viết đúng hay sai) gồm hàng trăm bài mà không bài nào Cha Giáo không đàn một cách tuyệt hảo. Đặc biệt khi đệm theo bài hát, Cha Giáo khéo ứng dụng lối hoà âm các bài nhạc trong bộ Louis Raffy, nhất là kỹ thuật đặc trưng của thời tiền cổ điển ((Baroque) và cổ điển (Classical). Vào những ngày đại lễ, cả nhà thờ vang dội tiếng phong cầm, và phải nghe Cha Giáo đàn “grand choeur” mới thấy và cảm được hết tài ba cũng như ngón đàn điêu luyện của Ngài. Người viết có may mắn được đứng bên Cha Giáo đàn để lật trang sách đã “mở to 2 mắt, vểnh rộng 2 tai” học hỏi “ngón đàn và tiếng đàn” của Ngài, rồi sau đó bỏ cả giờ ngủ trưa, bỏ cả giờ chơi chiều, “trốn” vào nhà thờ để “luyện” ngón đàn của Thầy. Do khổ luyện như vậy mà ngón đàn của người viết có phần giống Thầy đến nỗi “chú” Nguyễn Như Yêng, người “đánh nhịp” trong Nhà Thờ, đang quỳ cầu nguyện mà mỗi lần nghe tiếng đàn đã phải “quay xuống” xem ai đang đàn, Cha Giáo hay trò Huyến. Chuyện cũ nhớ lại, người viết vui vui với nhận xét của Cha Yêng ngày ấy.
Kiến thức nhạc sử của Cha Giáo thì bàng bạc qua khắp các thời kỳ, nhưng Cha thích nhất Palestrina thời Renaissance với Bộ Lễ Le Pope Marcellus mà Ngài nói nhờ Bộ Lễ này, Công Đồng Tridentinô (Council of Trent) cho phép duy trì các Bộ Lễ đa âm được sử dụng trong Phụng Vụ. Ngoài ra, trong những cuộc điện đàm hàng giờ vào các buổi tối với Cha Giáo, Ngài nhắc đến rất nhiều nhạc sư thời tiền cổ (Baroque) như George Frideric Handel với nhạc phẩm Messiah viết năm 1741. Ngài còn nhớ đại nhạc phẩm này trình diễn khoảng 2 giờ rưỡi mà Handel chỉ viết trong 24 ngày. Rồi các bài Fugue của Johann Sebastian Bach, Orfeo của Monteverdi, Dido and Aeneas của Henry Purcel, Four seasons của Vivaldi. Sang thời Cổ điển thì Ngài nói đến Joseph Haydn, nhất là Wolfgang Amadeus Morzart và Ludwig Van Beethoven. Về 2 đại nhạc sư này, vẩn với phương pháp mở mang kiến thức “trò” như xưa, Ngài “đố” người viết Mozart sáng tác bao nhiều concertos, Beethoven viết bao nhiêu symphonies. Cũng may người viết có qua các lớp nhạc sử, sáng tác nên trả lời được, nhưng bị “fail” khi có lần cha giáo hỏi: Vậy anh có biết Palestrina viết bao nhiêu Bộ Lễ không? Đến đây thì “trò” đành chịu thua và xin xem lại sách. Không ngờ “sách” ngay trong đầu Thầy: Palestrina viết tất cả 94 Bộ Lễ từ 4 đến 12 bè! Cha Giáo cũng không quên nhắc đến một số nhạc sư thời lãng mạng thế kỷ 19 như Schubert, Mendelssohn, v.v...
Năm 1966, TCV Phát Diệm, Phú Nhuận giải tán và trở Cha Đinh Đắc Nhuận phụ trách xây dựng, biến cơ sở thành trường nội trú và Cha Phạm Công Tứ thiết kế hệ thống điện. Cha Bề Trên Nguyễn Duy Phượng nhờ Cha Giáo Bảo được phân công làm Tổng Giám Thị cho đến 30 tháng 4 năm 1975, ngày Miền Nam mất chủ quyền. Trong ngày bi thảm này, Cha Giáo Bảo “lang thang” ra bến cảng Saigon và kịp xuống một chiếc tàu còn neo lại. Không may chiếc tàu hỏng máy và người trung sĩ hải quân đang hì hục sửa. Nản chí vì máy tàu không nổ, người trung sĩ bỏ ra về. Tuy nhiên lên bờ rồi anh lại lo sợ bị bắt vì anh đi xe đạp, chân không mang giầy. Theo kinh nghiệm cho biết, khi chặn xe đò trên các lộ trình trước đây, bộ đội cụ Hồ thường bắt đàn ông cởi giầy ra hết, và khi thấy người nào bàn chân trắng là bắt đem đi. Họ cho rằng những người bàn chân trắng là sĩ quan hoặc quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, vì chỉ quân nhân mới mang giầy nên bàn chân trắng. Nghĩ như vậy nên anh trở xuống tầu tiếp tục sửa máy. Thật may mắn, máy tầu nổ. Cha Bảo và Cha Trần Đức Huynh cùng đoàn người trên tầu thoát ra cửa Vũng Tầu vào giờ thứ 25, được chuyển sang tầu Hải quân, qua Phi luật tân rồi tới đảo Guam.
Tại Guam, Cha Giáo được cử làm Tuyên uý vì Cha nói tiếng Anh giỏi, trong khi có nhiều Linh mục trẻ hơn nhưng không biết tiếng Anh. Thực ra, khi dạy tại TCV Phúc Nhạc, Cha đã bắt đầu học tiếng Anh qua bộ “Anglais sans peine” và đã có những Cha du học về muốn dạy Ngài tiếng Anh, nhưng vì giọng đọc khó quá, Cha Giáo không chịu học. Mặt khác tiếng Anh theo Ngài, phát âm không “kêu” và “explosible” bằng tiếng Pháp. Mãi tới năm 43 tuổi, Cha Giáo mới thực sự học Anh văn tại trường London School, mỗi tuần 1 giờ rưỡi.
Trong thời kỳ học Anh văn ở trường này thường ban chiều sau giờ chơi thể thao và trước giờ kinh chiều, Cha Giáo thường hay gọi một số học trò vào thử tài Anh văn của các trò như, Nguyễn văn Quy, Trần Mạnh Duyệt, Trần Công Nghị, Chu văn Chi… Ngài mở đài tiếng Anh cho nghe rồi hỏi Có hiểu gì không? … Nếu không hiểu hết thì Ngài nói: “Còn phải ăn 3 cót lúa nữa mới khá được” … Có nghĩa là các trò còn phải thực tập lậu nữa mới nghe lọt tiếng Anh nói trên đài… Đó là những kỉ niệm vui mà Cha Giáo muốn các học trò tiến thân, vì từ thập niên 1960 trở đi, cao trao học tiếng Anh bắt đầu thịnh hành tại miền Nam Việt Nam.
Ngài học hết lớp 18 là lớp cao nhất trường London School ở Saigòn, thi đậu bằng Cambridge Lower Certificate trước, rồi đậu tiếp bằng Proficency. Đối với người Việt, bằng này rất khó: 1000 người thi thì chỉ có 100 người đậu mà thôi. Giáo sư người Anh còn cho Cha Giáo biết, cùng học với Ngài, có anh sinh viên đang học chương trình Cử nhân Anh văn mà vẫn không thi đậu bằng Cambridge Lower Certificate. Điều này chứng tỏ năng khiếu về ngoại ngữ cũng như sự thông minh của Cha Giáo, đồng thời cũng là tấm gương kiên nhẫn và hiếu học cho người viết cũng như nhũng thế hệ mai sau noi theo.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, Cha Giáo gia nhập địa phận Mỹ, phục vụ các giáo xứ địa phương, đồng thời giúp cộng đồng tín hữu Việt Nam cho đến ngày về hưu tại Bellvue Health & Rehabilitation.
Nói về Cha Giáo Antôn Nguyễn Ngọc Bảo thì học trò nào cũng có những kỷ niệm đẹp về Ngài.”Cựu” (ex.) Trần Vinh nhớ đến những bài hát do Cha Giáo đã sáng tác và dự định sẽ đưa những bài này vào “legacy” của Phát Diệm. “Cựu” Vũ Văn Long thì nhắc đến những lần được vinh dự “khiêng” chiếc xe môtô, hỗn danh là xe “bình bịch” của Cha Giáo lên lầu 2 TCV Phúc Nhạc mỗi lần Ngài từ Phát Diệm về. Được biết trong thời gian đó tại trường Phúc Nhạc, Cha Giáo là người duy nhất có chiếc xe “De luxe” này, có thể coi như Limousine thời nay. Các “chú” cứ “rình” lúc nào Cha Giáo chuẩn bị đi Phát Diệm là giành nhau khiêng xe xuống để có dịp xuýt xoa “sờ” vào chiếc xe và thưởng thức tiếng máy xe kêu bình bịch, vì nếu đợi Cha Giáo về thì nhiều kẻ sẽ “chớp” mất cơ hội khiêng xe lên. “Cựu” Trần Anh Linh thì mô tả Cha Giáo như sau: “Cha Bảo dáng người khoẻ mạnh, cao lớn, tiếng nói dõng dạc và âm vang. Giọng Cha thích hợp với bè trầm. Cha Bảo thích đờn những bài cổ điển trong tập Louis Raffy và chịu ảnh hưởng nhiều của lối hoà âm thời trung cổ Âu châu, nhất là của Palestrina.” Nhạc sĩ Trần Anh Linh cũng nhắc đến một loại kẹo đặc biệt mà Cha Giáo cho học trò để luyện giọng, gọi là “kẹo credo”. Hãy đọc đoạn văn lý thú của Ns. Trần Anh Linh viết về thầy mình trước khi từ giã cõi đời.
“Cha Bảo rất thích hợp ca, nên Cha đã thành lập một ban hợp ca để hát những bài hợp ca của Palestrina. Tôi còn nhớ có bài Credo của Palestrina rất khó hát, vừa dài lại âm vực rất chênh lệch. Bè soprano phải lên đến nốt La, còn bè basse phải xuống tới nốt Mi thấp, những ngưòi có giọng ọ ẹ như tụi tôi thì không thể hát được. Do đó Cha Bảo tuyển chọn một số chú có giọng tốt để hát. Lớp tôi có chú Bích và Tích có giọng tốt nên được Cha tuyển vào hát bè soprano. Chú Nhượng em cùng Cha với Cha Bảo cũng được Cha cho hát bè tenor… Mấy chú đi tập hát vất vả nên Cha Bảo thường dành cho gói kẹo để ngậm cho đỡ mệt … từ đó trong chúng tôi nảy sinh ra 1 từ mới “kẹo credo” để chỉ kẹo của Cha Bảo tặng riêng cho các chú trong Ban Hợp Ca Credo.”
“Kẹo Credo” khiến người viết nhớ năm 1958, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm xuống thăm khu dinh điền gần sông Ông Đốc và khánh thành tượng Đức Mẹ đặt tại Cà Mau, Cha Giáo đã đem Ban Hợp Ca TCV Phát Diệm xuống hát lễ, có Tổng Thống tham dự. Để giữ giọng hát, Cha mang theo nhiều gói ô mai phân phát cho các chú trong Ban Hợp Ca để lên tới nốt “La” và xuống tới nốt “Mi” thấp trong bài Credo của Palestrina mà Ns. Trần Anh Linh vừa nhắc đến. Tuy nhiên, lần này không nghe chú nào gọi là “ô mai credo”. Việc này cũng cho thấy một đức tính khác của Cha Giáo: đó là lòng thương yêu và chăm lo cho học trò. Trần Vinh cũng như người viết thật bất ngờ ngay ngày đầu tới thăm Cha Giáo đã thấy “Thầy” để sẵn 1 hộp lớn nuớc cam cho 2 trò. Rồi hôm sau khi đến từ giã Thầy trở về, chúng tôi lại vô cùng xúc động khi thấy một gói thức ăn để sẵn trên giường ngủ của Thầy (vì phòng của Thầy nhỏ, chỉ có một chiếc giường ngủ và một chiếc bàn rất nhỏ kê bên cửa sổ). Trước khi chia tay, Thầy Bảo ân cần dặn: hai trò đem theo gói này để ăn dọc đường. Đúng là cử chỉ của bậc đại ân sư lo lắng cho “đệ tử”, mặc dầu cả hai đã “già đầu”, có cháu nội cháu ngoại cả rồi.
Riêng Lm. Trần Mạnh Duyệt có khá nhiều kỷ niệm về sinh hoạt ca hát tại TCV. Hãy nghe Cha Duyệt kể lại: “Mỗi buổi lễ lớn như lễ Thánh Phaolô trở lại, lễ Ba Vua, Cha Giáo lại cho hát bài: hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên … Vì bài này được hát quá nhiều nên có chú than phiền với Cha linh hướng Nguyễn Minh Nhật (sau là Giám Mục Xuân Lộc) khiến Cha linh hướng phải trả lới: ngày nào mà chẳng là ngày Thiên Chúa dựng nên. Sau này, khi đối chiếu với sách Liber Usualis, và thấy vào những ngày đó đều có bài “Haec dies quam fecit Dominus”. Điều này cho thấy Cha Giáo theo rất sát lịch phụng vụ và có tầm nhìn rất xa, đem ngôn ngữ địa phương vào phụng vụ, trước cả Công Đồng. Và cũng như Ns. Trần Anh Linh, Lm. Duyệt xác nhận Cha Giáo rất thích những bài đa âm. Cha quan niệm ca đoàn là một cộng đoàn và việc hát đa âm cho thấy một ca đoàn đã đạt tới trình độ hoàn hảo, mọi người theo thứ tự, nhịp nhàng đảm trách vai trò của mình, rầm rập vâng theo quyền điều khiển của nhạc trưởng. Một trong những bài được trình diễn nhiều nhất vào những dịp đại lễ là trích đoạn từ đại nhạc phẩm Messiah của Haendel, do chú Thế, nghĩa tử của Cha Giáo, đặt lời rất công phu, mang tựa đề “Tiến Lên”, cũng có nickname là “Tếu Lêu”. Phải nghe ca đoàn hát và xem Cha Giáo múa nhịp điều khiển mới cảm hết được giá trị của nhạc phẩm và thấy tài điều khiển của Cha Giáo như “rồng bay phượng múa”.
Đặc biệt Cha Duyệt rất hãnh diện được Cha Giáo giao nhiệm vụ kẻ nhạc và in thành nhiều bản cho ca đoàn tập hát. Cha Duyệt tâm sự: “Để chu toàn công tác này, Duyệt phải hy sinh rất nhiều giờ chơi ban chiều để lên phòng Cha Giáo, ngồi trong phòng tối mà kẻ nhạc, rồi lo quay ronéo bản mhạc, kịp cho ca đoàn sử dụng. Để thưởng công, khi xong việc thì Cha Giáo cho một ly nước đậu xanh ngọt bùi. Quả thực, sau hơn nửa thế kỷ, Duyệt đã đi qua nhiều châu lục, từ Á sang Âu, rồi qua Mỹ nhiều lần, thưởng thức bao nhiêu của ngon vật lạ, “sơn hào hải vị” mà vẫn không quên được vị ngọt bùi của ly nước đậu xanh mà Cha Giáo thưởng cho khi xưa”.
Ngoài ra, Cha Duyệt còn nhớ đến một kỷ niệm “đau thương”mà mặc dù đã sống 40 năm với bao nhiêu niềm vui bên cạnh Thánh Đô La Mã, vẫn không quên được. Cha Duyệt cho biết lớp của Cha mang danh “Lớp Đặt Tên” và năm đệ Thất, chú Duyệt là ca trưởng của lớp. Theo thông lệ, vào mùa Lễ Giáng Sinh, mỗi lớp theo ngày được chỉ định, phải trình diễn một bài thánh ca trước Hang Đá mừng Chúa Hài Đồng. Trước giờ trình diễn, chú Duyệt lục lọi trong rương quần áo ở cuối giường để tìm đôi vớ trắng vì ca trưởng bắt buộc phải ăn mặc chỉnh tề, mang vớ trắng. Thật không may, chỉ có một đôi vớ mua từ hồi còn nhỏ mang khi giúp lễ, nên không vừa chân nữa. Đôi chân thì phát triển mà đôi vớ thì “đứng yên”. Chú Duyệt phải cố gắng hết sức, kéo mãi bàn chân mới lọt vào trong vớ. Mới được một chân thì “cố vấn” Đỗ Đức Minh và Trần Minh Phú lớp đệ Nhất (chủng sinh lớp đệ Nhất được chỉ định xuống hướng dẫn lớp đệ Thất, gọi là cố vấn, tiếng lóng gọi là Hoa mọn) hối thúc quá nên chú Duyệt không kịp xỏ chiếc thứ 2, đành theo lớp ra Nhà Thờ trình diễn vì nghĩ rằng mọi người chỉ theo dõi đánh nhịp và nghe hát, chắc chắn không ai nhìn xuống dưới chân. Không ngờ mặc dù lớp “em út” hát khá hay, nhưng bàn chân không vớ của ca trưởng cũng “lọt vào mắt xanh” của khán thính giả đứng hàng đầu, khiến mọi người sửng sốt, kẻ nhạo người cười vì hai bàn tay ca trưởng hoà nhịp mà hai bàn chân thì “chống đối” nhau. Hậu quả là Cha Giáo Việt văn Trần Trung Lương (nổi tiếng hát hay), Cha Giáo La văn Đinh Đắc Nhuận cũng là Cha Giáo phụ trách, Cha Đốc Nguyễn Văn Tra, Thầy Già Trác, tất cả đều nhíu mày, nhăn mặt, tỏ ra rất khó chịu, không thể chấp nhận “kiểu” ăn mặc như thế trước quần chúng. Còn các Cha Đinh Long Điện, Cha Trần Hoàng, Cha Phạm Ngọc Miện, Cha Trần Ngọc Phan, Thầy Già Khôi và Cụ Bốn Ngự thì tỏ ra thông cảm. Chỉ có Cha Antôn, Cha Giáo Nhạc, là nở nụ cười nhân hậu, khuyến khích. Cha Duyệt tâm sự: Cái nhíu mày, nhăn mặt của các Vị kể trên là bài học nhắc nhở Duyệt suốt đời phải chuẩn bị công việc thật chu đáo, nhưng nụ cười Cha Giáo Bảo mới là nguồn động viên, khích lệ theo Duyệt cả cuộc đời, khiến Duyệt không bao giờ nản chí, luôn luôn cố gắng đạt tới thành công. Khi còn nhỏ, Duyệt nghĩ đó chỉ là lối giáo dục giản dị, nhưng khi lớn lên theo dòng đời, mới thấy đây là phương pháp giáo dục có hiệu quả, nhằm đào tạo tinh thần cộng đoàn, tấm lòng phục vụ, tư cách, trách nhiệm và tạo hoàn cảnh phát huy năng khiếu.
Đối với Chú Thực thì lại rất luyến tiếc “kỷ niệm” một thời được đặc tuyển bê ghế cho Cha Giáo đánh nhịp. Nhà văn Nguyễn Long Thao cũng rất hãnh diện được bê ghế cho Cha Giáo năm lớp đệ Lục, mà phải đoạt hạng nhất môn âm nhạc mới “chiếm” được vinh dự này. Công tác “bê ghế đánh nhịp” chỉ được “truyền lại” cho người kế tiếp theo kiểu “dynasty”, tương tự như nhóm đặc tuyển khiêng kiệu Đức Giáo Hoàng (Sedaria) khi Người ngồi trên ghế cao (Sedia Gestatoria Papale) đi qua đám đông ban phép lành, và cũng để mọi người có thể nhìn ĐGH rõ ràng hơn. Tập tục này bắt nguồn từ thời Trung cổ. kéo dài qua nhiều thế kỷ. Các người khiêng kiệu (Sediari) lập thành một Hội đoàn kỳ cựu, có tiếng tăm, tổ chức lớp lang như Giáo Triều, có cơ sở vật chất lớn lao và hội viên cha truyền con nối. Năm 1978, ĐGH Phaolô đệ VI bãi bỏ tập tục này vì không muốn “người khiêng người”, thế là các “Sediari” thất nghiệp. Biết được chuyện này, Chú Thực, sau khi mãn TCV, có lên ĐCV một thời gian, hiện nay là cụ Chánh Trương Giáo xứ Thánh Tâm tại Bảo Lộc, dự định bán mấy mẫu trà lấy tiền sang Rôma để bàn với các Sediari lập kiến nghị xin tái lập truyền thống khiêng kiệu ĐGH. Cụ Chánh Thực lập luận rằng khi ĐGH đi bộ, lễ phục lụng thụng, phải đi chậm và nhiều người muốn hôn nhẫn, hoặc xin phép được bắt tay ĐGH, vì thế cuộc rước kéo quá dài, Lễ Đại Trào sẽ bị trễ giờ. Lại nữa, phần lớn giáo dân, nhất là những khách hành hương không được nhìn thấy ĐGH.
Đang bàn tính với bà Chánh đi Saigon xin visa xuất cảnh thì đùng một cái, hãng Ford Motor chế ra chiếc xe Popemobile để ĐGH ngồi hoặc đứng trên cao, xe di chuyển nhanh và mọi người đều thấy ĐGH. Sau khi ĐGH Gioan Phaolô đệ II bị Ali Agca mưu sát năm 1981, Popemobile được gắn thêm kiếng chắn đạn. Thế là cụ Chánh Thức hết hy vọng, và cũng “từ đó…cụ Chánh …buồn”. Bà Chánh cho biết nhiều hôm cụ Chánh ngồi thẫn thờ, mắt nhìn về nơi xa xăm, có hỏi thì cụ thở dài, chậm rãi nhắc lại những năm tháng sống trong chủng viện, nhất là những dịp lễ trọng, được bê ghế cho Cha Giáo đánh nhịp. Quả thật không sai, người già thường sống với quá khứ. Bà Chánh rất lo ngại, chạy chữa thuốc tây thuốc ta mà bệnh cụ Chánh vẫn không thuyên giảm. Sau cùng bà Chánh phải tìm đến Lm. Kế, nổi tiếng khắp tỉnh Lâm Đồng về môn châm cứu.
Lm. Kế, cùng lớp với người viết, xuất thân từ trường Đạo Sĩ, Phát Diệm, khi di cư vào miền Nam năm 1954 thì được nhập vào TCV Phát Diệm Phú Nhuận. Sau khi mãn trường năm 1960, thầy Kế vào ĐCV thánh Giuse Saigon, còn “thầy” Huyến lên học Đà Lạt, rồi từ đó không bao giờ gặp lại nhau. Hoàn cảnh trớ trêu, năm 1980, sau 3 tháng bị giam trong phòng tối, người viết bị chuyển qua trại tù Bến Tranh tỉnh Bến Tre trước khi phải đi lao động khổ sai biệt xứ. Buổi chiều đầu tiên khi đến trại, người viết ra đầu trại đứng nhìn trời mây với tâm trạng lo lắng buồn phiền, không biết tương lai sẽ đi về đâu. Bất chợt từ xa, một đoàn người gầy còm, tiều tuỵ, ăn mặc rách rưới, kẻ cầm cuốc, người vác xẻng, đang lầm lũi đi vào trại. Thấy người mà nghĩ đến thân phận sắp tới của mình. Đang nhìn từng người xiêu vẹo bước qua cổng trại xem có quen ai không thì (lại) bất chợt, Cha Kế đi tới. Không hẹn mà gặp lại cố nhân, cả hai nhận ra nhau trong hoàn cảnh thật bẽ bàng. Cha Kế chỉ kịp ra hiệu tối nay sẽ gặp, rồi tiếp tục lủi thủi vô “chuồng”. Tối hôm đó, nhờ buổi văn nghệ mà 2 bạn đồng môn có dịp tâm sự với nhau.
Cha Kế cho biết Ngài đã ở tù từ năm 1975 và nhờ mượn cái đầu của người viết để học nghề “thợ hớt” trong Chủng viện nên ngày nay được trại giao cho công tác cắt tóc cho các tù nhân. Cũng do công việc này mà Cha Kế có cơ hội “rao giảng lời Chúa”, rồi âm thầm rửa tội cho nhiều anh em tù trong trại. Bị phát giác lợi dụng công tác để truyền đạo, Cha Kế bị trừng phạt rất nặng, bị cùm biệt giam, nhưng vì không đủ chỗ nên Cha Kế bị giam chung với một người Tàu. Âu cũng là cơ duyên trời định, Cha Kế nói, vì người Tàu này là chân truyền thứ 14,499 (ba số 9) của Hoa Đà nên kỹ thuật châm cứu của ông rất cao minh. Biết tù nhân bị giam chung với mình là 1 linh mục Công Giáo, luôn lấy từ bi bác ái phụng sự đời nên người Tàu đã truyền hết kỹ thuật châm cứu cho Cha Kế, nhờ vậy, khi ra khỏi khu biệt giam, Cha Kế đã có một phương tiện “cứu nhân độ thế”. Quả thực, từ ngày đó, Cha Kế dùng những cây kim chữa lành cho tất cả những bệnh nhân trong trại, không người nào cần đến “xuyên tâm liên” nữa. Sau khi được phóng thích, Cha Kế tiếp tục hành nghề, tiếng tăm lừng lẫy khắp tỉnh Lâm Đồng cũng như các vùng phụ cận, và vì say mê với sứ mệnh cứu đời, Cha Kế không sang Hoa Kỳ theo diện H.O. Để biết tài châm cứu của Cha Kế, truyền nhân thứ 14,500 của Hoa Đà, xin phép dài dòng trưng thêm bằng chứng sau đây:
Qua một đêm ở nhà tù Bến Tranh, và chỉ tâm sự với Cha Kế được 1 tiếng đồng hồ, người viết âm thầm từ giã người bạn đồng môn. Nghĩ cũng tủi thân và đau lòng vì sau 7 năm “mài đũng quần” trên ghế nhà trường với nhau tại TCV Phát Diệm, Phú Nhuận mà tới nay, gần nửa thế kỷ, 2 người chỉ gặp lại nhau trong 1 tiếng đồng hồ, rồi lại ngàn trùng xa cách, không hẹn ngày tái ngộ. Sáng sớm hôm sau, người viết bị áp tải xuống bến sông, đi ghe đến chiều mới tới trại lao động Thạnh Phú, ngay bên bờ biển. Trại lao động Thạnh Phú gồm 5 dãy nhà tranh ọp ẹp, người viết bị đưa vào dãy nhà trong cùng. Vừa bước vào nhà thì thấy một bác nông dân gầy còm đen đủi, mặc áo bao cát, đang nằm tòng teng trên võng vì bị bệnh. Hỏi ra mới biết là Lm. Phạm Văn Chính, xuất thân từ trại định cư Đông Hoà, Thủ Đức. Cha Chính cũng học tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, nhưng lên Đà Lạt sau khi người viết đã hồi tục nên không biết nhau. Từ đó, hai người thành một cặp bài trùng, cùng lao động và nhất là cùng cầu nguyện với nhau. Ngày nào cũng thế, vào khoảng 3 giờ sáng, Cha Chính đến chỗ nằm của người viết, khẽ lay dậy rồi nói nhỏ: anh Sáu (tục danh của người viết trong trại lao động), có thuốc bổ này. Người viết ngồi dậy, cung kính rước Mình Thánh Chúa. Đêm nào Cha Chính cũng thức dậy lúc nửa đêm để dâng lễ, và đặt Mình Thánh Chúa vào trong một chiếc hộp nhỏ dành cho người viết.
Sau 6 tháng lao động khổ sai, người viết được thả về, còn Cha Chính bị kỷ luật, chuyển về trại Bến Tranh nên gặp được Cha Kế. Cha Chính cho biết chỉ trong thời gian 3 ngày, nhờ Cha Kế chỉ dạy, Ngài đã có thể dùng những cây kim để chữa cho anh em tù nhân. Sau khi được thả về với mẹ tại Đông Hoà, Cha Chính đã dùng cây kim, đi khắp vùng chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, nhiều người khỏi bệnh, nhất là những bệnh nhân nan y, đã biếu Ngài đủ tiền vượt biên qua Mỹ. Cha Chính hiện nghỉ hưu tại tiểu bang Florida, và độc giả muốn kiểm chứng những chi tiết trên, có thể liên lạc theo địa chỉ Rev. Pierre Phạm Văn Chính, 8928-91st Terrace N., Seminole, FL 33777.
Trở lại câu chuyện cụ Chánh Thực, bà Chánh mời được Cha Kế đến chữa bệnh cho cụ Chánh với niềm tin chắc chắn Cụ sẽ khỏi. Tuy nhiên, sau 3 tháng dùng hết sở học chân truyền cùng với kinh nghiệm hơn 30 năm đi “khắp bốn phương thiên hạ” hành nghề châm cứu, lại sử dụng hết kim dài kim ngắn, kim bạc, kim vàng, Cha Kế đành thú nhận: bệnh cụ Chánh không chữa được vì là tâm bệnh, do lòng thương mến Cha Giáo và sự luyến tiếc thời vàng son khi được bê ghế cho Cha Giáo đánh nhịp.
Tóm lại, Cha Giáo Antôn Nguyễn Ngọc Bảo, nói theo Trần Vinh, là một cây “Đại Thụ” còn sót lại sau bao trận cuồng phong vùi dập địa phận Phát Diệm cũng như Đất nước. Còn theo người viết thì Cha Giáo, như tên “tiền định” Ngọc Bảo của Ngài, là “Bửu Ngọc”, là viên ngọc quý, là hạt minh châu mãi chiếu sáng cho các lớp hậu sinh. Quả thực, với đời sống đạo hạnh của một Linh Mục gương mẫu, với kiến thức uyên bác của một học giả và với tài năng trội vượt trong nhiều lãnh vực như đã đề cập ở trên, Cha Nguyễn Ngọc Bảo đúng là niềm tự hào của địa phận Phát Diệm và luôn được sự ngưỡng mộ cũng như thương mến của hàng hàng lớp lớp học trò của Ngài và là thần tượng của các thế hệ mai sau.
Nguyện xin Thiên Chúa toàn năng, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ và thánh Antôn, bổn mạng của Ngài, đổ tràn đầy ân sủng cho Ngài.
Trần Văn Huyến
Vài giai thoại:
Năm 2001 chị Vũ Thị Liên là em của cha Vũ Đức đưa bỉ nhân đến thăm cha giáo Bảo tại Nhà hưu dưỡng ở Oklahoma City. Được báo trước, nên ngài xuống thang ra tận bãi xe để đón một học trò cũ khá về La văn và Pháp văn, cũng khá về tinh nghịch. Tính tình cha giáo không thay đổi, nhất là về tính đơn sơ và bối rối.
Ngài đưa chúng tôi lên lầu, mở cửa phòng cho chúng tôi vào, không quên đóng cửa lại, khoá cửa cẩn thận và giật mấy cái cho chắc ăn. Sau đó đến màn chỉ chỗ: “Tôi chủ nhà ngồi chỗ này, cha Lãm ngồi đây, còn cô Liên ngồi kia !” Truyện trò thật rôm rả với nhiều tiếng cười, thỉnh thoảng ngài lấy khăn mùi-xoa (mouchoir) nhẹ nhàng chùi góc miệng theo thói quen.
Tôi cao hứng “Con xin hát một bài của nhạc sĩ Đồng Châu: Lộ Đức”. Cha giáo ngạc nhiên nghe tôi trình bày: Lộ Đức ngày xưa, đang đắm đuối say sưa
Dương thế truỵ sa, Mẹ nhắn nhủ cải chừa
Tội lỗi Evà, Mẹ không hề vướng
Ngước mắt về xa, Mẹ còn nhủ thiết tha
Hương sắc lòng ta, gìn giữ lấy mầu hoa.
Cha giáo khen tôi có trí nhớ tốt và hát khá hơn ngày trước ! Rất tiếc ngày xưa còn bé tôi không được nhận chức “xách ghế”, tuy rằng cũng có vài lần được ghi trong sổ “Proemium Seminarii Sancti Pauli” về Musica sacra: 1 ex “sắc sít” (tôi quên chữ rồi, ai biết chỉ giùm), tức: sau phần thưởng I và II, thứ đến là vòng sít sao.
Để tưởng thưởng, cha giáo cho tôi mấy chục lễ béo, thòng thêm một câu: “Cha Yêng không được như vậy đâu”, làm cho cha giáo Yêng buồn 5 phút !
Về tính cách của cha giáo Bảo “đơn sơ và bối rối”, ai cũng hào hứng kể, nhất là hai nghĩa tử của ngài là cha Nguyễn Thế và cha Nguyễn Như Yêng là đầu têu kể chuyện cười của bố mình. Mỗi lần họp mặt, chúng tôi nhắc nhớ những giai thoại của các cha giáo. Riêng với cha giáo Bảo, chúng tôi thường giả dạng đóng vai cha giáo chọc cười thiên hạ ! Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò ! Xin cha giáo tha lỗi và một nén hương lòng dâng về cha giáo thân yêu.
Joseph Phạm Bá Lãm
Những kỷ niệm về một vị ân sư: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Bảo
Sau 2 ngày ở Oklahoma City (ngày 1 và 2 tháng 7 năm 2011) thăm Cha Giáo Antôn Nguyễn Ngọc Bảo, một trong 4 vị ân sư còn tại thế của Tiểu Chủng Viện Phát Diệm, Phú Nhuận (Cha Nguyễn Ngọc Bảo, Cha Trần Văn Kiệm, Cha Phạm Năng Trí và Cha Trần Phúc Vỵ), Trần Vinh và tôi đã phải từ giã Cha Giáo trong một khung cảnh đầy cảm động như trên trước khi trở về Dallas.
Đối với riêng tôi, Cha Giáo Bảo là một người Thầy đặc biệt. Nhờ phương pháp truyền dạy của Ngài, ngay từ năm lớp 9, tôi đã học rất thành công môn La ngữ và Pháp văn. Năm cuối cùng ở TCV, sau giờ cơm tối, Ngài thường đi bách bộ với tôi từ tượng Thánh Phaolô tới cổng trường, tập cho tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp. Ngoài ra, Ngài còn dạy tôi nhạc lý và đàn harmonium (một loại keyboard), không ngờ lại là những hành trang cần thiết tôi đem vào đời để sau này, khi vào Quân đội, tôi hội đủ kiến thức chuyên môn và được gởi sang Hoa Kỳ năm 1967, học khoá Nhạc trưởng tại School of Music, Virginia. Rồi sau này, khi vượt biên sang sống ở Hoa Kỳ năm 1986, tôi đã đậu kỳ thi hành nghề giáo chức (teacher certification), dạy Pháp văn, đồng thời theo chương trình “Master of French” tại University of North Texas. Tất cả những hành trang quý hoá đó, phần lớn, đều do Cha giáo truyền thụ cho tôi. Đúng như câu thường nói: “Không Thầy đố mày làm nên”.
Cha giáo Antôn Nguyễn Ngọc Bảo sinh ngày 20/5/1919 tại Qui Hậu, thuộc giáo xứ Tôn Đạo. Xuất thân từ một gia đình đạo hạnh và đặc biệt là Cha rất thương mẹ. Năm 1930, khi mới 11 tuổi, Cha được gửi vào Trường Thử Ba Làng, Thanh Hoá, học trong thời gian 3 năm và học tiếng Pháp với các “cố Tây” nên Cha nói tiếng Pháp như “Tây chính gốc”. Cha tâm sự: “Tôi nhớ mẹ và nhớ nhà lắm, cứ muốn bỏ về với mẹ, nhưng Ba Làng cách Qui Hậu những 80 cây số, lại không có tiền nên không thể trốn về được. Một hôm bố mẹ đi thuyền tới thăm, tôi đòi về theo. Bố hỏi tại sao, tôi nói con nhớ em quá, nhưng thực ra là nhớ mẹ, muốn về với mẹ”. Sau 3 năm ở Ba Làng, chú Bảo được về TCV Phúc Nhạc, học cùng lớp với các Cha Kiệm, Cha Điệu, Cha Lương, Cha Văn, Đức Ông Thiều v v… Thế hệ hậu sinh được nghe khá nhiều “huyền thoại” về lớp của các vị này. Các vị mãn trường năm 1939. Đứng đầu là Cha Kiệm, rồi đến Cha Điệu, Cha Lương, Cha Bảo (hạng tư), v.v… Cha Kiệm và Cha Điệu được gửi ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut để luyện thi Tú Tài Pháp. Các vị còn lại phải đi giúp xứ.
Giáo xứ Ninh Bình lúc đó cần một thầy giúp xứ giỏi đàn và nói tiếng Pháp lưu loát, nhưng cha chính xứ, cha già Phạm ngọc Lâm, lại là một trong các vị luôn đọc “kinh cầu KẺO”, nghĩa là rất khó tính, giống như các Cha Thạc, Tri …. Thậm chí có người còn kêu các cha già đó là “Đức Chúa Lời!”. Vì thế, không thầy nào muốn về làm việc dưới “trướng” của cha già Lâm… Tại chủng viện, trong khi thầy Điệu điều khiển ca đoàn thì thầy Bảo là “tay phong cầm” ngoại hạng, lại nói tiếng Pháp “như nước chảy”, ngang ngửa với thầy Văn, và hơn hẳn thầy Kiệm, thầy Điệu. Để tránh phải về giúp giáo xứ Ninh Bình, thầy Bảo giả vờ không biết đàn và không giỏi tiếng Pháp. Tuy nhiên “hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều người nói thầy Bảo “hypocrite” nên sau cùng thầy “trúng tuyển” về giúp xứ Ninh Bình, dưới quyền “sinh sát” của Cha già Lâm! Cũng may, nhờ sự khôn ngoan, biết ứng dụng thuật “savoir vivre”, (khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống), sau 2 năm “trường kỳ chiến đấu”, thầy Bảo “thoát nạn”, được chuyển về giúp xứ Hướng Đạo. Trong thời gian thầy Bảo giúp xứ Ninh Bình, Đức Cha Thành mất. và muốn được an táng tại Nhà thờ Phát Diệm. Quan tài Đức Cha đi qua Ninh Bình về Phát Diệm, có quan Chánh sứ Pháp ra tiễn đưa. Thầy Bảo được giao nhiệm vụ liên lạc với vị quan đầu tỉnh người Pháp này. Quan Sứ hết sức ngạc nhiên khi thấy một thanh niên ăn mặc “nhà quê” (Thầy Bảo) mà nói tiếng Pháp thông thạo và đúng giọng như người Pháp. Quan Sứ muốn mời chàng thanh niên này về làm việc cho Toà Sứ, nhưng Thầy Bảo từ tốn cho quan biết mình là một chủng sinh (séminariste), đã hiến trọn đời để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Sau 1 năm giúp xứ Hướng Đạo, thầy Bảo được gọi về Đại Chủng viện Thượng Kiệm học 2 năm Triết học và 4 năm Thần học. Và cũng như thời còn ở Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, thầy Điệu “coi” hát, thầy Bảo phụ trách đàn.
Sau khi hoàn tất năm thứ 4 Thần học, và với sự chứng nhận khá tốt của cha già Lâm, thầy Bảo được thụ phong linh mục năm 1948 và nhận “bài sai” làm cha phó xứ Như Sơn. Sáu tháng sau, cha Bảo lại được “bài sai” đi làm phó Xứ Nam Biên. Làm phó Nam Biên được 6 tháng thì cuộc đời linh mục của cha rẽ sang một khúc quanh quan trọng: thay vì phục vụ các xứ đạo, Cha lãnh sứ mạng đào tạo các linh mục tương lai.
Cha Mai Văn Điệu, cùng lớp với cha Bảo, người đang phụ trách môn Nhạc và La ngữ tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, được lệnh thuyên chuyển về Phát Diệm làm Hiệu trưởng trường Trần Lục. Cha Điệu đề nghị ngay Cha Nguyễn Ngọc Bảo thay thế, nhưng cha Mai Học Lý, Giám đốc Chủng viện, không chấp thuận vì lý do, khi còn học ở Chủng viện, cha Bảo chỉ đứng hạng thứ tư trong lớp, do đó không đủ tiêu chuẩn! Cha Điệu phải nêu thành tích trội vuợt của Cha Bảo trong lãnh vực Âm nhạc, và chính cha Bảo phải trình sổ điểm cho thấy cha luôn luôn đứng nhất về La ngữ ngay từ năm đầu Tiểu Chủng viện cho đến năm “mãn trường”. Lý do Cha đứng hạng tư trong lớp chỉ vì Cha không thích những môn Toán, Lý hoá, Khoa học mà thôi. Còn những môn như Histoire, Géographie, Traduction, Analyse, Rédaction, etc… thì không ai qua mặt được, đặc biệt trí nhớ và trí thông minh của cha thì ngoại hạng. Điều ngạc nhiên là ngày nay, ở tuổi ngoài 90, trí óc cha giáo Bảo vẫn không suy giảm. Chính cô điều dưỡng viên tại Bellevue Nursing Home đã nói với người viết: “Reverend Anthony is very intelligent, and he likes to speak French”. Sau cùng, Cha Giám đốc Luca Lý quyết định nhận Cha Bảo về dạy Nhạc và La văn tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc. Cha giáo Bảo sẽ còn tiếp tục dậy Chủng viện khi Chủng viện di cư vào Nam, ở tại Phú Nhuận, Saigon. Cũng nhờ quyết định trên mà biết bao học trò mới may mắn được học với cha giáo và đã tiến bộ rất đáng kể trong 2 bộ môn Âm nhạc và La ngữ. Một trong số các học trò của cha giáo sau này trở thành Giám mục Quy Nhơn, đó là Giám mục Nguyễn Soạn.
Về La ngữ, nhiều chủng sinh học với Cha Giáo Bảo mà khi sang Trường Truyền Giáo Rôma, hoặc lên Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt (GHHV), đã không gặp trở ngại phải sử dụng La văn như ngôn ngữ chính khi học Triết học, Thần học và các môn khác. Người viết còn nhớ năm 1961, một Linh mục Dòng Tên từ Hoa Kỳ đến, vì không nói được tiếng Pháp trong khi phần lớn các thầy không thông thạo tiếng Anh, nên đã phải dùng La ngữ để dạy về Nguyên tử.
Phuơng pháp dạy La văn của Cha Giáo Bảo thật đặc biệt. Ngài dạy rất tỉ mỉ, và không bỏ qua những “mẹo gầm sàn”. Nhạc sĩ Trần Anh Linh, trong cuốn “Trường Phúc Nhạc và các vị ân sư” đã có cùng nhận xét: “Cha Bảo chú trọng nhiều đến văn phạm, nhất là những luật trừ có ghi chú ở cuối trang nên có danh từ “mẹo gầm sàn”. Lm. Trần Công Nghị, Giám đốc Thông tấn xã Công Giáo Việt Nam, rất thích “mẹo gầm sàn” số 201 trong cuốn văn phạm Petitmangin mà Cha Giáo nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Caesar pontem fecit. Cha Giáo nhấn mạnh động từ “fecit” ở đây không có nghĩa là tự tay Caesar đã xây cầu, nhưng chỉ ra lệnh cho xây cầu. Khi qua Rôma du học năm 1967, Thầy Nghị mới thấy Cha Giáo thật “chí lý” vì cầu Rôma được xây bằng những tảng đá khổng lồ nặng tới cả tấn, Caesar dù có sức “voi” cũng không mang nổi. Cựu (ex) Vũ Văn Long, cùng lớp với Lm. “võ sư” Vũ Sĩ Hoằng, phó tỉnh trưởng Quảng Tín rồi phó tỉnh trưởng Hậu Nghĩa trước khi Saigon thất thủ, bao nhiêu năm sau thời gian thọ giáo tại TCV Phúc Nhạc vẫn còn nhớ câu mẹo đầu trong cuốn Grammaire Latine Cha Giáo dạy: Natus obscuro patre et matre. Ngoài ra, cựu Long cũng nhắc đến chủ đề bài giảng của Cha Giáo ngày Lễ Thánh Giuse, quan thầy Cha Bề Trên Nguyễn Duy Phượng với câu “đối”, tuy nói là câu đối nhưng lại có 3 vế. Cha Giáo đã cẩn thận đưa sẵn cho “các chú” cắt, dán và treo bên trên và hai bên tượng Thánh Giuse trong gian cung thánh để minh hoạ sự vĩ đại và cao sang của Thánh Cả “ Magnus ut Justus”, “Major ut Sponsus”, “Maximus ut Pater”.
Môn Pháp văn Ngài cũng dùng phương pháp giảng dạy như thế. Khi đọc một bài mới, Cha Giáo giải thích cặn kẽ từng chữ, cắt nghĩa nguồn gốc của từ ngữ (étymologie), rồi “mots de famille”, tiếp theo là phân tích văn phạm, phân tích cú pháp (analyse grammaticale & logique) và cách ứng dụng. Chính nhờ vậy mà chúng tôi “học một biết mười”. Khi viết bài Pháp văn, nếu áp dụng những gì Cha Giáo dạy, hoặc sử dụng lối hành văn theo kiểu “stylistic” hay những thành ngữ mà Cha Giáo “phải” tra tự điển Larousse thì chắc chắn sẽ được điểm ưu. “Cựu” (ex) Vũ Văn Long, nhớ mãi niềm sung sướng khi được Cha Giáo xoa đầu vì đã khéo sử dụng từ “incarnation” để diễn ý tưởng người cha trong gia đình là “hiện thân” của lao động cực khổ để nuôi con cái và gia đình. Niềm tự hào được Thầy khích lệ đã khiến “cựu” Long suốt đêm không nhắm mắt nổi vì quá sung sướng đến nỗi sáng hôm sau “ngủ gà ngủ gật” trong giờ Lễ, bị thầy Đốc Trác kéo tai đau điếng. Riêng người viết thì nhờ “kỹ thuật” sử dụng “mẹo gầm sàn” trong bài La văn và bắt chước lối hành văn cuốn “stylistic” trong bài Pháp văn nên thường được điểm cao. Lần gặp Cha Giáo vừa rồi, người viết đã “xưng tội” với Cha Giáo, và thay vì Cha bắt làm “việc đền tội” thì Ngài chỉ cười nhân hậu, ra chiều tha thứ. Nhân tiện cũng xin các bạn cùng lớp, các “Đức Thầy” An, Châu, Đẩu, Kế, Khoan, Lợi, Thức, Tự, Vũ, Yêng và bố đời Hạnh (nghĩa tử của Cha Trần Phúc Long) xá lỗi cho vì “kẻ hèn” này đã dùng “mánh mung” để đoạt hạng nhất môn La văn và Pháp văn.
Cũng nhân dịp này, xin được giới thiệu một chút về các bạn cùng lớp. Lớp của người viết nhập trưòng Thử Trì Chính năm lớp 4 Tiểu học, lúc đó gọi là lớp Nhì, gồm lớp Nhì A và B, sĩ số khoảng 100, Lm. Đỗ Xuân Quế là thầy dạy Việt văn năm đó. Sau khi đậu bằng Tiểu học thì kỳ hè năm 1954, một số học giỏi được gửi đi Hà Nội vì nghe rằng Việt Minh sẽ chiếm Phát Diệm. Ra tới Hải Phòng, “các chú” nhập vào Tiểu chủng viện Phúc Nhạc và được lệnh lên “tàu há mồm” vào trong Nam vì hiệp định chia đôi đất nước. Sau thời gian tạm trú tại trường Mossard Thủ Đức, TCV Phát Diệm được chuyển về Phú Nhuận, và một số “các chú” từ trường Đạo Sĩ như Vũ Phương Chuẩn, Phạm Đình Kế, Mai Trí Thức… cũng được sát nhập vào TCV. TCV Phát Diệm lúc đó gồm các lớp từ đệ Thất đến đệ Nhất. Nhà văn Trà Lũ Trần Trung Lương và Ts. Nguyễn Tiến Hưng học lớp đệ Nhất, nguời viết mới lớp đệ Thất, lớp có 46 nguời. Tuy nhiên, sĩ số giảm dần vì nhiều “chú” hoặc vì hạnh kiểm, hoặc không có ơn gọi, nên bỏ cuộc. Năm mãn trường, 1960, lớp chỉ còn 12 người, (không kể 3 thầy do Đức Cha Phạm Ngọc Chi gởi vào từ Đà Nẵng) trong đó có 10 “tông đồ” về núp bóng Thánh Giuse tại đường Cường Để Saigon (ĐCV Thánh Giuse) làm linh mục, 2 người còn lại là Hạnh và Huyến được gởi “lầm” lên GHHV Đà Lạt, làm uổng công dạy dỗ của các Cha Dòng Tên.
Riêng 3 Thầy được Đức Cha Phạm Ngọc Chi gửi từ Qui Nhơn vào học năm lớp 12 là các Thầy Nguyễn Soạn, Huỳnh Đắc Nhì và Nguyễn Thông Phúc, đặc biệt thầy Nguyễn Soạn có tướng mạo rất phi phàm và người viết thật có “duyên” với thầy Nguyễn Soạn. Quả thực, suốt năm lớp 12, người viết được hân hạnh ngồi bên cạnh thầy Soạn trong nhà Học chung, gọi là nhà Khảo, rồi lại theo thầy Soạn lên GHHV Đà Lạt và sau một thời gian lại có dịp gặp Cha Soạn cùng học tại Đại học Văn Khoa Saigon. Rồi bẵng đi một thời gian khá dài nổi trôi theo vận nước, năm 1998, người viết lại được diện kiến Đức Cha Soạn khi Ngài ghé thăm nhà thờ Thánh Phêrô tại Dallas, nơi có rất nhiều giáo dân gốc Qui Nhơn. Cả hai gặp nhau trong niềm vui khôn tả với những kỳ niệm thời sinh viên, và không ngờ Đức Cha còn nhắc tới việc người viết dạy nhạc và đàn tại GHHV cho các Thầy chuẩn bị đi giúp xứ sau 3 năm Triết học. Cũng cần nói thêm là vào thời gian đầu mới thành lập GHHV Đà Lạt, mỗi địa phận miền Nam chỉ được gửi lên GHHV một năm 2 thầy ưu tú nhất. Và nói theo thi sĩ Cao Bá Quát thì dĩ nhiên các Thầy người nào trong bụng cũng đầy “2 bồ chữ”, nhưng lại không có chỗ cho môn âm nhạc, nên khi ra giúp xứ, các Thầy đều băn khoăn khi nghĩ đến việc phải tập hát hay đàn cho ca đoàn. Vì thế, người viết mới có hân hạnh được hướng dẫn các Thầy về đàn và nhạc lý như Đức Cha vừa nhắc tới.
Việc Đức Cha Phạm Ngọc Chi gởi 3 thầy ưu tú từ Qui Nhơn vào TCV Phát Diệm/Phú Nhuận học đã nói lên niềm tự hào của Phát Diệm trong việc đào tạo các thế hệ Linh mục cả về văn hoá lẫn tu đức. Thành phần ban giảng huấn gồm các cha có học lực cao và nhiều kinh nghiệm, hoặc đã từng du học ngoại quốc về như: các Cha Nguyễn gia Đệ, Trần Hoàng, Trần Phúc Long, Trần Phúc Vỵ du học Âu châu về dạy Anh văn, Cha Trần Văn Kiệm du học Huê kỳ dạy toán, khoa học, cha Vũ Kim Điện du học Ý dạy Triết, cha Linh hướng Nguyễn Minh Nhật du học Canada (sau làm giám mục giáo phận Xuân Lộc) v.v... Thực ra, tất cả các địa phận từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, đều có gửi các chủng sinh lớp lớn về Phú Nhuận để được đào tạo.
Về Pháp văn, Cha Giáo cho biết những năm cuối cùng trước khi các TCV ngoài Bắc di cư hoàn toàn đóng cửa, cha đã dậy Pháp văn lớp Tú Tài toàn phần cho các chủng sinh TCV Piô XII Hà Nội chuyển sang, vì chủng viện Hà Nội chọn Pháp văn làm ngoại ngữ chính thay vì Anh văn như những chủng viện khác. TCV Phát Diệm là chủng viện sau cùng đóng cửa để sát nhập toàn diện vào các giáo phận địa phương.
Trở lại La văn, kiến thức của Cha Giáo về cổ sử La Mã hết sức uyên thâm. Khi học về Caesar và Cicero, mọi người đều say mê nghe Cha Giáo kể về cái chết của hai nhân vật thời danh này. Nghĩ lại “mưu đồ” lật đổ và hạ sát Caesar của các thượng nghị sĩ La Mã cổ xưa không khác gì âm mưu lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm của các phản tướng Việt Nam Cộng Hoà trước đây. Nếu so sánh những chi tiết giữa hai biến cố này, chúng ta thấy đúng là “lịch sử lập lại” dù bài học đã hơn 2000 năm và một bên trời Tây, một bên trời Đông. Người viết còn nhớ như in Cha Giáo kể rằng hôm bị sát hại, vợ của Caesar, Calpurnia Pisonis, đã ngăn cản ông không nên đến Thượng viện vì giấc mộng không lành trong đêm của bà. Tuy nhiên Brutus đã đến “dụ” Caesar tới, và chính Ceasar cũng nghĩ rằng mình “bất khả xâm phạm” vì đã được Thượng viện phong làm “Dictator perpetuus” và được coi là “Pater Patriae”. Khi Ceasar tới nghị trường, Tillius Cimber trao cho ông một thỉnh nguyện thư xin cho người em bị lưu đầy được trở về. Các thượng nghị sĩ đồng mưu đến vây quanh Caesar, làm như để ủng hộ thỉnh nguyện thư của Cimber. Caesar vẫy tay ra hiệu cho mọi người giang ra, nhưng Cimber đấm vào vai Caesar và kéo áo mặc ngoài (tunic) của ông xuống. Caesar la lên “Ista quidem vis est?” (tại sao lộn xộn thế này?). Ngay lúc đó, Casca rút dao găm ra đâm vào gáy Caesar, Caesar quay người lại, chộp cánh tay Casca quát to: “Thằng khốn kiếp, mày làm gì vậy?”. Lập tức cả đám xông vào tấn công, trong đó có Brutus, người mà Caesar nghĩ là con ngoại hôn của mình với Servilla là người tình lâu năm của ông, nên trong chúc thư, Caesar đã chọn Brutus làm thừa kế, sau Octavius, và chính Brutus cũng nghĩ mình là con của Caesar. Caesar định chạy thoát, nhưng máu ra quá nhiều và ông trượt ngã. Cả bọn (khoảng 60 người) tiếp tục đâm ông tới 23 nhát, nhưng chỉ có nhát đâm thứ 2 là chí tử vì trúng ngực của Caesar. Trong khi giãy chết và trông thấy Brutus, Caesar đã thốt lên “Tu quoque, fili mi” (cả con nữa sao, hỡi con), theo lời kể của Cha Giáo. Tuy nhiên, sử gia Suetonius thì cho rằng lời cuối cùng của Caesar là “Et tu, Brute”. Còn theo Plutarch, khi thấy Brutus trong đám sát nhân, Caesar không nói gì cả, chỉ kéo áo khoác ngoài (toga) che mặt không muốn nhìn đứa “nghịch tử” giết cha.
Riêng về cái chết của Cicero, một nhà hùng biện, một đại văn hào và chính trị gia đương thời, thì Cha Giáo kể như sau: Cicero đố kỵ với Antonius, một người ủng hộ Caesar trước đây, và là một trong đệ nhị “Tam đầu chế”. Cicero lúc đó là phát ngôn viên của Thượng viện và đã vận động để Thượng viện kết án Antonius là “kẻ thù của quốc gia”. Ngoài ra, ông còn viết một loạt bài gọi là Philippics mạt sát Antonius. Sau khi trở thành một trong đệ nhị “Tam đầu chế” gồm Antonius, Octavius và Lepidus, đến lượt Antonius tuyên bố Cicero là “kẻ thù của quốc gia”, đặt Cicero ra “ngoài vòng pháp luật” và truy sát ông ta. Trên đường bôn tẩu, Cicero bị Philologus, nguyên là nô lệ của Quintus Cicero, anh em với Cicero, giao nộp. Cicero bị chặt đầu, và chính Antonius đã ra lệnh chặt luôn 2 bàn tay vì đã dùng để viết những bài công kích mình. Ngoài ra, Fulvia, vợ của Antonius, còn kéo lưỡi Cicero ra, lấy kim cài tóc đâm lưỡi Cicero nhiều lần vì đã dùng tài hùng biện để thóa mạ chồng bà.
Viết tới đây, Người viết lại nhớ năm 1960, trong một lớp La ngữ do Cha Bobbio, người Ý phụ trách. Nhân dịp bình luận về cuốn De Bello Gallico, người viết đã đề cập đến cái chết của Caesar và Cicero với những chi tiết do Cha Giáo Bảo kể năm xưa. Cha Bobbio, người Ý, bậc đại khoa Dòng Tên, dĩ nhiên nói tiếng Latinh như “thác đổ”, trình độ La ngữ của Ngài ít nhất cũng ngang ngửa như trình độ võ công của Nhậm Ngã Hành, hay trình độ kiếm pháp của Độc Cô Cầu Bại, hay Lệnh Hồ đại ca của ni cô Nghi Lâm. Cha Bobbio hết sức ngạc nhiên và hỏi ai đã dạy các anh La ngữ tại chủng viện. Người viết trả lời Cha Antôn Bảo và khi biết Cha Bảo không học tại Rôma mà chỉ học La ngữ tại Việt Nam, Cha Bobbio lẩm bẩm: Lạ thật, một người học La ngữ tại Việt Nam mà có trình độ La ngữ giỏi như thế. Thú thực, chưa bao giờ người viết cảm thấy tự hào về Thầy Bảo của mình như vậy. Cũng vì thế, mọi người đều hoan nghênh quyết định của Bộ Giáo Dục mời Cha Giáo Bảo làm Giám khảo kỳ thi Tú Tài II Ban Cổ ngữ La văn.
Về âm nhạc, Cha Giáo Bảo là Thầy của rất nhiều nhạc sĩ Công Giáo hiện nay, đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo và truyền đạt kiến thức chuyên môn cho nhiều môn sinh họ. Cuốn nhạc bình ca (Chant Grégorien) cả ngàn bài được dùng trong chủng viện là nền tảng cho những ai muốn bước hẳn vào lãnh vực âm nhạc. Nhớ lại những khoá Do 1, Do 2, khóa Fa, v.v… rồi cách thành lập các “modes” Dorian, Phrygian, Lydian, Mixolydian, Hypodorian, Hypophrygian, Hypolydian đã làm cho các bạn người Mỹ “la trời”. Trái lại, do Cha Giáo chỉ dạy và thực hành khi tập hát, người viết “bơi” một cách “thoải mái” trong các lớp Nhạc sử thời Trung cổ và Phục Hưng (Middle Ages & Renaissance), các lớp hoà âm và đối âm, sáng tác và phối khí (instrumentation), nhất là khi phải sử dụng các khoá Do bình ca để viết cho một số nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng. Riêng Lm. Trần Mạnh Duyệt, hiện là Cha Sở của một giáo xứ lớn ở Rôma, nhờ học nhạc với Cha Giáo mà ngay năm lớp 9, khi thi môn nhạc để lấy bằng Trung học đệ I cấp, đã làm cho cô giáo giám khảo tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên, vì không ngờ cậu học trò nhỏ đẹp trai với cái miệng xinh xinh, đã hát dễ dàng và đúng cung 2 bài nhạc có 3 bémoles và 4 dièses. Không ngần ngại, cô giáo đã cho trò Duyệt điểm 10/10, lại còn hỏi tên của vị Giáo sư đã dạy nhạc. Rất tiếc cô giáo này không biết rằng Gs. Bảo có ở chủng viện, cha giáo Bảo điều khiển cả một ca đoàn 150 ca viên, hát những bài đa âm đủ cả 4 bè soprano, alto, tenor và basse mà người nào cũng hát hay, hát đúng cung vì đều có trình độ, lại giỏi nhạc lý vững vàng.
Về phương diện sáng tác, cha giáo Bảo thuộc nhóm nhạc sĩ Ca Thánh Phát Diệm. Những bài Cha viết vào thập niên 50 dưới bút hiệu Đồng Châu được phổ biến rộng rãi một thời, như các bài Lậy Nữ Vương, Cất tiếng cao rao, Đức Mẹ Hộ Phù… có thể được liệt vào loại “legacy” của Thánh ca Việt Nam. Cựu sinh Trần Vinh, cũng như Nguyễn Long Thao, hai nhà văn, nhà báo và nhà nghiên cứu, cùng lớp với Lm. Duyệt Rôma, Lm. Trần Công Nghị, Giám Đốc Thông tấn xã Công Giáo, vẫn còn “enjoy” hát bài “Lạy Nữ Vương Mẹ Chúa Trời, vầng phúc tinh soi ngời trên khơi. Thuyền con theo sóng chơi vơi, Bước hiểm nguy con nhờ ai cứu. Ba đào lôi cuốn, Gió đảo thuyền con, Mẹ cứu mau cánh buồm đang đắm đuối. Mẹ cứu mau chiếc bách chìm trong khơi.” Và một “cựu” khác Trần Văn Nhượng lại say mê bài “Hoàng hôn tàn, muôn sắc tan, ngàn tinh tú trang điểm trời thu. Kìa khách sao dừng buớc mau… Tiếng lao xao ngàn lau than thở, như tim ta cùng ca Thiên Chúa…” Nhạc sĩ Trần Anh Linh thì cho rằng bài “Xin Chúa ở lại đây…vì trời đã xế chiều” do Cha Giáo cảm tác từ bài “Mane nobiscum, Domine” mới là bài thịnh hành thời đó. “Cựu” Vũ Văn Long lại nhớ bài Cha Giáo sáng tác khi cả TCV Phúc Nhạc xuống Toà Giám Mục Phát Diệm hát mừng sinh nhật Đức Cha Lê Hữu Từ: “Đức Cha Lê Hữu Từ muôn muôn thuở, Đức Cha Lê Hữu Từ muôn muôn thuở…. Phát Diệm, Phát Diệm tường chăng hạnh phúc ngươi?”. Tất cả những nhạc phẩm của Ngài đều in trong 4 tập Ca Thánh Phát Diệm vẫn được lưu hành khắp nơi. Hiện nay, ở tuổi ngoài 90, Cha Giáo còn tiếp tục sáng tác. Bài Mẹ La Vang Ngài mới sáng tác và hoà âm sắp được phổ biến.
Đặc biệt môn Hoà âm, Cha Giáo còn đang dạy hoà âm cho một số nhạc sĩ cư ngụ tại Oklahoma City. Có lần hầu chuyện Cha Giáo qua điện thoại, Cha Giáo nói: “về hoà âm, tôi chỉ “nể” những anh tốt nghiệp Đại học nhạc, còn tôi “Chấp hết”. Người viết giật mình vì suýt nữa bị lọt vào danh sách các người Cha Giáo ‘chấp hết”. Quả thực khi gửi cho Cha Giáo một số bài Thánh Ca do mình sáng tác để Cha Giáo “chấm điểm”, Thầy khen và hát một số “mélodies, nói có phần giống như “mélodies” của anh “Cảnh” nào đó, học trò nhạc của Ngài ngày xưa. Còn về hoà âm thì Ngài nói: tôi đã thấy “ngón nghề” của anh rồi. Người xưa thường nói: hậu sinh khả uý. Thế mà trải qua bao nhiêu năm “tầm sư học đạo”, tới nay người viết vẫn không “qua mặt” Thày được. Thấy Thầy như vậy, mình vui và “bái phục” tài của Thầy, nhưng lại thấy mình “trí thiển tài sơ”, không biết khi nào mới theo kịp Thầy.
Về kỹ thuật “đàn phong cầm” của Cha Giáo thì ít người sánh kịp. Bộ sách Louis Raffy (người viết “xuống núi” đã lâu nên không còn nhớ tên tác giả viết đúng hay sai) gồm hàng trăm bài mà không bài nào Cha Giáo không đàn một cách tuyệt hảo. Đặc biệt khi đệm theo bài hát, Cha Giáo khéo ứng dụng lối hoà âm các bài nhạc trong bộ Louis Raffy, nhất là kỹ thuật đặc trưng của thời tiền cổ điển ((Baroque) và cổ điển (Classical). Vào những ngày đại lễ, cả nhà thờ vang dội tiếng phong cầm, và phải nghe Cha Giáo đàn “grand choeur” mới thấy và cảm được hết tài ba cũng như ngón đàn điêu luyện của Ngài. Người viết có may mắn được đứng bên Cha Giáo đàn để lật trang sách đã “mở to 2 mắt, vểnh rộng 2 tai” học hỏi “ngón đàn và tiếng đàn” của Ngài, rồi sau đó bỏ cả giờ ngủ trưa, bỏ cả giờ chơi chiều, “trốn” vào nhà thờ để “luyện” ngón đàn của Thầy. Do khổ luyện như vậy mà ngón đàn của người viết có phần giống Thầy đến nỗi “chú” Nguyễn Như Yêng, người “đánh nhịp” trong Nhà Thờ, đang quỳ cầu nguyện mà mỗi lần nghe tiếng đàn đã phải “quay xuống” xem ai đang đàn, Cha Giáo hay trò Huyến. Chuyện cũ nhớ lại, người viết vui vui với nhận xét của Cha Yêng ngày ấy.
Kiến thức nhạc sử của Cha Giáo thì bàng bạc qua khắp các thời kỳ, nhưng Cha thích nhất Palestrina thời Renaissance với Bộ Lễ Le Pope Marcellus mà Ngài nói nhờ Bộ Lễ này, Công Đồng Tridentinô (Council of Trent) cho phép duy trì các Bộ Lễ đa âm được sử dụng trong Phụng Vụ. Ngoài ra, trong những cuộc điện đàm hàng giờ vào các buổi tối với Cha Giáo, Ngài nhắc đến rất nhiều nhạc sư thời tiền cổ (Baroque) như George Frideric Handel với nhạc phẩm Messiah viết năm 1741. Ngài còn nhớ đại nhạc phẩm này trình diễn khoảng 2 giờ rưỡi mà Handel chỉ viết trong 24 ngày. Rồi các bài Fugue của Johann Sebastian Bach, Orfeo của Monteverdi, Dido and Aeneas của Henry Purcel, Four seasons của Vivaldi. Sang thời Cổ điển thì Ngài nói đến Joseph Haydn, nhất là Wolfgang Amadeus Morzart và Ludwig Van Beethoven. Về 2 đại nhạc sư này, vẩn với phương pháp mở mang kiến thức “trò” như xưa, Ngài “đố” người viết Mozart sáng tác bao nhiều concertos, Beethoven viết bao nhiêu symphonies. Cũng may người viết có qua các lớp nhạc sử, sáng tác nên trả lời được, nhưng bị “fail” khi có lần cha giáo hỏi: Vậy anh có biết Palestrina viết bao nhiêu Bộ Lễ không? Đến đây thì “trò” đành chịu thua và xin xem lại sách. Không ngờ “sách” ngay trong đầu Thầy: Palestrina viết tất cả 94 Bộ Lễ từ 4 đến 12 bè! Cha Giáo cũng không quên nhắc đến một số nhạc sư thời lãng mạng thế kỷ 19 như Schubert, Mendelssohn, v.v...
Năm 1966, TCV Phát Diệm, Phú Nhuận giải tán và trở Cha Đinh Đắc Nhuận phụ trách xây dựng, biến cơ sở thành trường nội trú và Cha Phạm Công Tứ thiết kế hệ thống điện. Cha Bề Trên Nguyễn Duy Phượng nhờ Cha Giáo Bảo được phân công làm Tổng Giám Thị cho đến 30 tháng 4 năm 1975, ngày Miền Nam mất chủ quyền. Trong ngày bi thảm này, Cha Giáo Bảo “lang thang” ra bến cảng Saigon và kịp xuống một chiếc tàu còn neo lại. Không may chiếc tàu hỏng máy và người trung sĩ hải quân đang hì hục sửa. Nản chí vì máy tàu không nổ, người trung sĩ bỏ ra về. Tuy nhiên lên bờ rồi anh lại lo sợ bị bắt vì anh đi xe đạp, chân không mang giầy. Theo kinh nghiệm cho biết, khi chặn xe đò trên các lộ trình trước đây, bộ đội cụ Hồ thường bắt đàn ông cởi giầy ra hết, và khi thấy người nào bàn chân trắng là bắt đem đi. Họ cho rằng những người bàn chân trắng là sĩ quan hoặc quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, vì chỉ quân nhân mới mang giầy nên bàn chân trắng. Nghĩ như vậy nên anh trở xuống tầu tiếp tục sửa máy. Thật may mắn, máy tầu nổ. Cha Bảo và Cha Trần Đức Huynh cùng đoàn người trên tầu thoát ra cửa Vũng Tầu vào giờ thứ 25, được chuyển sang tầu Hải quân, qua Phi luật tân rồi tới đảo Guam.
Tại Guam, Cha Giáo được cử làm Tuyên uý vì Cha nói tiếng Anh giỏi, trong khi có nhiều Linh mục trẻ hơn nhưng không biết tiếng Anh. Thực ra, khi dạy tại TCV Phúc Nhạc, Cha đã bắt đầu học tiếng Anh qua bộ “Anglais sans peine” và đã có những Cha du học về muốn dạy Ngài tiếng Anh, nhưng vì giọng đọc khó quá, Cha Giáo không chịu học. Mặt khác tiếng Anh theo Ngài, phát âm không “kêu” và “explosible” bằng tiếng Pháp. Mãi tới năm 43 tuổi, Cha Giáo mới thực sự học Anh văn tại trường London School, mỗi tuần 1 giờ rưỡi.
Trong thời kỳ học Anh văn ở trường này thường ban chiều sau giờ chơi thể thao và trước giờ kinh chiều, Cha Giáo thường hay gọi một số học trò vào thử tài Anh văn của các trò như, Nguyễn văn Quy, Trần Mạnh Duyệt, Trần Công Nghị, Chu văn Chi… Ngài mở đài tiếng Anh cho nghe rồi hỏi Có hiểu gì không? … Nếu không hiểu hết thì Ngài nói: “Còn phải ăn 3 cót lúa nữa mới khá được” … Có nghĩa là các trò còn phải thực tập lậu nữa mới nghe lọt tiếng Anh nói trên đài… Đó là những kỉ niệm vui mà Cha Giáo muốn các học trò tiến thân, vì từ thập niên 1960 trở đi, cao trao học tiếng Anh bắt đầu thịnh hành tại miền Nam Việt Nam.
Ngài học hết lớp 18 là lớp cao nhất trường London School ở Saigòn, thi đậu bằng Cambridge Lower Certificate trước, rồi đậu tiếp bằng Proficency. Đối với người Việt, bằng này rất khó: 1000 người thi thì chỉ có 100 người đậu mà thôi. Giáo sư người Anh còn cho Cha Giáo biết, cùng học với Ngài, có anh sinh viên đang học chương trình Cử nhân Anh văn mà vẫn không thi đậu bằng Cambridge Lower Certificate. Điều này chứng tỏ năng khiếu về ngoại ngữ cũng như sự thông minh của Cha Giáo, đồng thời cũng là tấm gương kiên nhẫn và hiếu học cho người viết cũng như nhũng thế hệ mai sau noi theo.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, Cha Giáo gia nhập địa phận Mỹ, phục vụ các giáo xứ địa phương, đồng thời giúp cộng đồng tín hữu Việt Nam cho đến ngày về hưu tại Bellvue Health & Rehabilitation.
Nói về Cha Giáo Antôn Nguyễn Ngọc Bảo thì học trò nào cũng có những kỷ niệm đẹp về Ngài.”Cựu” (ex.) Trần Vinh nhớ đến những bài hát do Cha Giáo đã sáng tác và dự định sẽ đưa những bài này vào “legacy” của Phát Diệm. “Cựu” Vũ Văn Long thì nhắc đến những lần được vinh dự “khiêng” chiếc xe môtô, hỗn danh là xe “bình bịch” của Cha Giáo lên lầu 2 TCV Phúc Nhạc mỗi lần Ngài từ Phát Diệm về. Được biết trong thời gian đó tại trường Phúc Nhạc, Cha Giáo là người duy nhất có chiếc xe “De luxe” này, có thể coi như Limousine thời nay. Các “chú” cứ “rình” lúc nào Cha Giáo chuẩn bị đi Phát Diệm là giành nhau khiêng xe xuống để có dịp xuýt xoa “sờ” vào chiếc xe và thưởng thức tiếng máy xe kêu bình bịch, vì nếu đợi Cha Giáo về thì nhiều kẻ sẽ “chớp” mất cơ hội khiêng xe lên. “Cựu” Trần Anh Linh thì mô tả Cha Giáo như sau: “Cha Bảo dáng người khoẻ mạnh, cao lớn, tiếng nói dõng dạc và âm vang. Giọng Cha thích hợp với bè trầm. Cha Bảo thích đờn những bài cổ điển trong tập Louis Raffy và chịu ảnh hưởng nhiều của lối hoà âm thời trung cổ Âu châu, nhất là của Palestrina.” Nhạc sĩ Trần Anh Linh cũng nhắc đến một loại kẹo đặc biệt mà Cha Giáo cho học trò để luyện giọng, gọi là “kẹo credo”. Hãy đọc đoạn văn lý thú của Ns. Trần Anh Linh viết về thầy mình trước khi từ giã cõi đời.
“Cha Bảo rất thích hợp ca, nên Cha đã thành lập một ban hợp ca để hát những bài hợp ca của Palestrina. Tôi còn nhớ có bài Credo của Palestrina rất khó hát, vừa dài lại âm vực rất chênh lệch. Bè soprano phải lên đến nốt La, còn bè basse phải xuống tới nốt Mi thấp, những ngưòi có giọng ọ ẹ như tụi tôi thì không thể hát được. Do đó Cha Bảo tuyển chọn một số chú có giọng tốt để hát. Lớp tôi có chú Bích và Tích có giọng tốt nên được Cha tuyển vào hát bè soprano. Chú Nhượng em cùng Cha với Cha Bảo cũng được Cha cho hát bè tenor… Mấy chú đi tập hát vất vả nên Cha Bảo thường dành cho gói kẹo để ngậm cho đỡ mệt … từ đó trong chúng tôi nảy sinh ra 1 từ mới “kẹo credo” để chỉ kẹo của Cha Bảo tặng riêng cho các chú trong Ban Hợp Ca Credo.”
“Kẹo Credo” khiến người viết nhớ năm 1958, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm xuống thăm khu dinh điền gần sông Ông Đốc và khánh thành tượng Đức Mẹ đặt tại Cà Mau, Cha Giáo đã đem Ban Hợp Ca TCV Phát Diệm xuống hát lễ, có Tổng Thống tham dự. Để giữ giọng hát, Cha mang theo nhiều gói ô mai phân phát cho các chú trong Ban Hợp Ca để lên tới nốt “La” và xuống tới nốt “Mi” thấp trong bài Credo của Palestrina mà Ns. Trần Anh Linh vừa nhắc đến. Tuy nhiên, lần này không nghe chú nào gọi là “ô mai credo”. Việc này cũng cho thấy một đức tính khác của Cha Giáo: đó là lòng thương yêu và chăm lo cho học trò. Trần Vinh cũng như người viết thật bất ngờ ngay ngày đầu tới thăm Cha Giáo đã thấy “Thầy” để sẵn 1 hộp lớn nuớc cam cho 2 trò. Rồi hôm sau khi đến từ giã Thầy trở về, chúng tôi lại vô cùng xúc động khi thấy một gói thức ăn để sẵn trên giường ngủ của Thầy (vì phòng của Thầy nhỏ, chỉ có một chiếc giường ngủ và một chiếc bàn rất nhỏ kê bên cửa sổ). Trước khi chia tay, Thầy Bảo ân cần dặn: hai trò đem theo gói này để ăn dọc đường. Đúng là cử chỉ của bậc đại ân sư lo lắng cho “đệ tử”, mặc dầu cả hai đã “già đầu”, có cháu nội cháu ngoại cả rồi.
Riêng Lm. Trần Mạnh Duyệt có khá nhiều kỷ niệm về sinh hoạt ca hát tại TCV. Hãy nghe Cha Duyệt kể lại: “Mỗi buổi lễ lớn như lễ Thánh Phaolô trở lại, lễ Ba Vua, Cha Giáo lại cho hát bài: hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên … Vì bài này được hát quá nhiều nên có chú than phiền với Cha linh hướng Nguyễn Minh Nhật (sau là Giám Mục Xuân Lộc) khiến Cha linh hướng phải trả lới: ngày nào mà chẳng là ngày Thiên Chúa dựng nên. Sau này, khi đối chiếu với sách Liber Usualis, và thấy vào những ngày đó đều có bài “Haec dies quam fecit Dominus”. Điều này cho thấy Cha Giáo theo rất sát lịch phụng vụ và có tầm nhìn rất xa, đem ngôn ngữ địa phương vào phụng vụ, trước cả Công Đồng. Và cũng như Ns. Trần Anh Linh, Lm. Duyệt xác nhận Cha Giáo rất thích những bài đa âm. Cha quan niệm ca đoàn là một cộng đoàn và việc hát đa âm cho thấy một ca đoàn đã đạt tới trình độ hoàn hảo, mọi người theo thứ tự, nhịp nhàng đảm trách vai trò của mình, rầm rập vâng theo quyền điều khiển của nhạc trưởng. Một trong những bài được trình diễn nhiều nhất vào những dịp đại lễ là trích đoạn từ đại nhạc phẩm Messiah của Haendel, do chú Thế, nghĩa tử của Cha Giáo, đặt lời rất công phu, mang tựa đề “Tiến Lên”, cũng có nickname là “Tếu Lêu”. Phải nghe ca đoàn hát và xem Cha Giáo múa nhịp điều khiển mới cảm hết được giá trị của nhạc phẩm và thấy tài điều khiển của Cha Giáo như “rồng bay phượng múa”.
Đặc biệt Cha Duyệt rất hãnh diện được Cha Giáo giao nhiệm vụ kẻ nhạc và in thành nhiều bản cho ca đoàn tập hát. Cha Duyệt tâm sự: “Để chu toàn công tác này, Duyệt phải hy sinh rất nhiều giờ chơi ban chiều để lên phòng Cha Giáo, ngồi trong phòng tối mà kẻ nhạc, rồi lo quay ronéo bản mhạc, kịp cho ca đoàn sử dụng. Để thưởng công, khi xong việc thì Cha Giáo cho một ly nước đậu xanh ngọt bùi. Quả thực, sau hơn nửa thế kỷ, Duyệt đã đi qua nhiều châu lục, từ Á sang Âu, rồi qua Mỹ nhiều lần, thưởng thức bao nhiêu của ngon vật lạ, “sơn hào hải vị” mà vẫn không quên được vị ngọt bùi của ly nước đậu xanh mà Cha Giáo thưởng cho khi xưa”.
Ngoài ra, Cha Duyệt còn nhớ đến một kỷ niệm “đau thương”mà mặc dù đã sống 40 năm với bao nhiêu niềm vui bên cạnh Thánh Đô La Mã, vẫn không quên được. Cha Duyệt cho biết lớp của Cha mang danh “Lớp Đặt Tên” và năm đệ Thất, chú Duyệt là ca trưởng của lớp. Theo thông lệ, vào mùa Lễ Giáng Sinh, mỗi lớp theo ngày được chỉ định, phải trình diễn một bài thánh ca trước Hang Đá mừng Chúa Hài Đồng. Trước giờ trình diễn, chú Duyệt lục lọi trong rương quần áo ở cuối giường để tìm đôi vớ trắng vì ca trưởng bắt buộc phải ăn mặc chỉnh tề, mang vớ trắng. Thật không may, chỉ có một đôi vớ mua từ hồi còn nhỏ mang khi giúp lễ, nên không vừa chân nữa. Đôi chân thì phát triển mà đôi vớ thì “đứng yên”. Chú Duyệt phải cố gắng hết sức, kéo mãi bàn chân mới lọt vào trong vớ. Mới được một chân thì “cố vấn” Đỗ Đức Minh và Trần Minh Phú lớp đệ Nhất (chủng sinh lớp đệ Nhất được chỉ định xuống hướng dẫn lớp đệ Thất, gọi là cố vấn, tiếng lóng gọi là Hoa mọn) hối thúc quá nên chú Duyệt không kịp xỏ chiếc thứ 2, đành theo lớp ra Nhà Thờ trình diễn vì nghĩ rằng mọi người chỉ theo dõi đánh nhịp và nghe hát, chắc chắn không ai nhìn xuống dưới chân. Không ngờ mặc dù lớp “em út” hát khá hay, nhưng bàn chân không vớ của ca trưởng cũng “lọt vào mắt xanh” của khán thính giả đứng hàng đầu, khiến mọi người sửng sốt, kẻ nhạo người cười vì hai bàn tay ca trưởng hoà nhịp mà hai bàn chân thì “chống đối” nhau. Hậu quả là Cha Giáo Việt văn Trần Trung Lương (nổi tiếng hát hay), Cha Giáo La văn Đinh Đắc Nhuận cũng là Cha Giáo phụ trách, Cha Đốc Nguyễn Văn Tra, Thầy Già Trác, tất cả đều nhíu mày, nhăn mặt, tỏ ra rất khó chịu, không thể chấp nhận “kiểu” ăn mặc như thế trước quần chúng. Còn các Cha Đinh Long Điện, Cha Trần Hoàng, Cha Phạm Ngọc Miện, Cha Trần Ngọc Phan, Thầy Già Khôi và Cụ Bốn Ngự thì tỏ ra thông cảm. Chỉ có Cha Antôn, Cha Giáo Nhạc, là nở nụ cười nhân hậu, khuyến khích. Cha Duyệt tâm sự: Cái nhíu mày, nhăn mặt của các Vị kể trên là bài học nhắc nhở Duyệt suốt đời phải chuẩn bị công việc thật chu đáo, nhưng nụ cười Cha Giáo Bảo mới là nguồn động viên, khích lệ theo Duyệt cả cuộc đời, khiến Duyệt không bao giờ nản chí, luôn luôn cố gắng đạt tới thành công. Khi còn nhỏ, Duyệt nghĩ đó chỉ là lối giáo dục giản dị, nhưng khi lớn lên theo dòng đời, mới thấy đây là phương pháp giáo dục có hiệu quả, nhằm đào tạo tinh thần cộng đoàn, tấm lòng phục vụ, tư cách, trách nhiệm và tạo hoàn cảnh phát huy năng khiếu.
Đối với Chú Thực thì lại rất luyến tiếc “kỷ niệm” một thời được đặc tuyển bê ghế cho Cha Giáo đánh nhịp. Nhà văn Nguyễn Long Thao cũng rất hãnh diện được bê ghế cho Cha Giáo năm lớp đệ Lục, mà phải đoạt hạng nhất môn âm nhạc mới “chiếm” được vinh dự này. Công tác “bê ghế đánh nhịp” chỉ được “truyền lại” cho người kế tiếp theo kiểu “dynasty”, tương tự như nhóm đặc tuyển khiêng kiệu Đức Giáo Hoàng (Sedaria) khi Người ngồi trên ghế cao (Sedia Gestatoria Papale) đi qua đám đông ban phép lành, và cũng để mọi người có thể nhìn ĐGH rõ ràng hơn. Tập tục này bắt nguồn từ thời Trung cổ. kéo dài qua nhiều thế kỷ. Các người khiêng kiệu (Sediari) lập thành một Hội đoàn kỳ cựu, có tiếng tăm, tổ chức lớp lang như Giáo Triều, có cơ sở vật chất lớn lao và hội viên cha truyền con nối. Năm 1978, ĐGH Phaolô đệ VI bãi bỏ tập tục này vì không muốn “người khiêng người”, thế là các “Sediari” thất nghiệp. Biết được chuyện này, Chú Thực, sau khi mãn TCV, có lên ĐCV một thời gian, hiện nay là cụ Chánh Trương Giáo xứ Thánh Tâm tại Bảo Lộc, dự định bán mấy mẫu trà lấy tiền sang Rôma để bàn với các Sediari lập kiến nghị xin tái lập truyền thống khiêng kiệu ĐGH. Cụ Chánh Thực lập luận rằng khi ĐGH đi bộ, lễ phục lụng thụng, phải đi chậm và nhiều người muốn hôn nhẫn, hoặc xin phép được bắt tay ĐGH, vì thế cuộc rước kéo quá dài, Lễ Đại Trào sẽ bị trễ giờ. Lại nữa, phần lớn giáo dân, nhất là những khách hành hương không được nhìn thấy ĐGH.
Đang bàn tính với bà Chánh đi Saigon xin visa xuất cảnh thì đùng một cái, hãng Ford Motor chế ra chiếc xe Popemobile để ĐGH ngồi hoặc đứng trên cao, xe di chuyển nhanh và mọi người đều thấy ĐGH. Sau khi ĐGH Gioan Phaolô đệ II bị Ali Agca mưu sát năm 1981, Popemobile được gắn thêm kiếng chắn đạn. Thế là cụ Chánh Thức hết hy vọng, và cũng “từ đó…cụ Chánh …buồn”. Bà Chánh cho biết nhiều hôm cụ Chánh ngồi thẫn thờ, mắt nhìn về nơi xa xăm, có hỏi thì cụ thở dài, chậm rãi nhắc lại những năm tháng sống trong chủng viện, nhất là những dịp lễ trọng, được bê ghế cho Cha Giáo đánh nhịp. Quả thật không sai, người già thường sống với quá khứ. Bà Chánh rất lo ngại, chạy chữa thuốc tây thuốc ta mà bệnh cụ Chánh vẫn không thuyên giảm. Sau cùng bà Chánh phải tìm đến Lm. Kế, nổi tiếng khắp tỉnh Lâm Đồng về môn châm cứu.
Lm. Kế, cùng lớp với người viết, xuất thân từ trường Đạo Sĩ, Phát Diệm, khi di cư vào miền Nam năm 1954 thì được nhập vào TCV Phát Diệm Phú Nhuận. Sau khi mãn trường năm 1960, thầy Kế vào ĐCV thánh Giuse Saigon, còn “thầy” Huyến lên học Đà Lạt, rồi từ đó không bao giờ gặp lại nhau. Hoàn cảnh trớ trêu, năm 1980, sau 3 tháng bị giam trong phòng tối, người viết bị chuyển qua trại tù Bến Tranh tỉnh Bến Tre trước khi phải đi lao động khổ sai biệt xứ. Buổi chiều đầu tiên khi đến trại, người viết ra đầu trại đứng nhìn trời mây với tâm trạng lo lắng buồn phiền, không biết tương lai sẽ đi về đâu. Bất chợt từ xa, một đoàn người gầy còm, tiều tuỵ, ăn mặc rách rưới, kẻ cầm cuốc, người vác xẻng, đang lầm lũi đi vào trại. Thấy người mà nghĩ đến thân phận sắp tới của mình. Đang nhìn từng người xiêu vẹo bước qua cổng trại xem có quen ai không thì (lại) bất chợt, Cha Kế đi tới. Không hẹn mà gặp lại cố nhân, cả hai nhận ra nhau trong hoàn cảnh thật bẽ bàng. Cha Kế chỉ kịp ra hiệu tối nay sẽ gặp, rồi tiếp tục lủi thủi vô “chuồng”. Tối hôm đó, nhờ buổi văn nghệ mà 2 bạn đồng môn có dịp tâm sự với nhau.
Cha Kế cho biết Ngài đã ở tù từ năm 1975 và nhờ mượn cái đầu của người viết để học nghề “thợ hớt” trong Chủng viện nên ngày nay được trại giao cho công tác cắt tóc cho các tù nhân. Cũng do công việc này mà Cha Kế có cơ hội “rao giảng lời Chúa”, rồi âm thầm rửa tội cho nhiều anh em tù trong trại. Bị phát giác lợi dụng công tác để truyền đạo, Cha Kế bị trừng phạt rất nặng, bị cùm biệt giam, nhưng vì không đủ chỗ nên Cha Kế bị giam chung với một người Tàu. Âu cũng là cơ duyên trời định, Cha Kế nói, vì người Tàu này là chân truyền thứ 14,499 (ba số 9) của Hoa Đà nên kỹ thuật châm cứu của ông rất cao minh. Biết tù nhân bị giam chung với mình là 1 linh mục Công Giáo, luôn lấy từ bi bác ái phụng sự đời nên người Tàu đã truyền hết kỹ thuật châm cứu cho Cha Kế, nhờ vậy, khi ra khỏi khu biệt giam, Cha Kế đã có một phương tiện “cứu nhân độ thế”. Quả thực, từ ngày đó, Cha Kế dùng những cây kim chữa lành cho tất cả những bệnh nhân trong trại, không người nào cần đến “xuyên tâm liên” nữa. Sau khi được phóng thích, Cha Kế tiếp tục hành nghề, tiếng tăm lừng lẫy khắp tỉnh Lâm Đồng cũng như các vùng phụ cận, và vì say mê với sứ mệnh cứu đời, Cha Kế không sang Hoa Kỳ theo diện H.O. Để biết tài châm cứu của Cha Kế, truyền nhân thứ 14,500 của Hoa Đà, xin phép dài dòng trưng thêm bằng chứng sau đây:
Qua một đêm ở nhà tù Bến Tranh, và chỉ tâm sự với Cha Kế được 1 tiếng đồng hồ, người viết âm thầm từ giã người bạn đồng môn. Nghĩ cũng tủi thân và đau lòng vì sau 7 năm “mài đũng quần” trên ghế nhà trường với nhau tại TCV Phát Diệm, Phú Nhuận mà tới nay, gần nửa thế kỷ, 2 người chỉ gặp lại nhau trong 1 tiếng đồng hồ, rồi lại ngàn trùng xa cách, không hẹn ngày tái ngộ. Sáng sớm hôm sau, người viết bị áp tải xuống bến sông, đi ghe đến chiều mới tới trại lao động Thạnh Phú, ngay bên bờ biển. Trại lao động Thạnh Phú gồm 5 dãy nhà tranh ọp ẹp, người viết bị đưa vào dãy nhà trong cùng. Vừa bước vào nhà thì thấy một bác nông dân gầy còm đen đủi, mặc áo bao cát, đang nằm tòng teng trên võng vì bị bệnh. Hỏi ra mới biết là Lm. Phạm Văn Chính, xuất thân từ trại định cư Đông Hoà, Thủ Đức. Cha Chính cũng học tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, nhưng lên Đà Lạt sau khi người viết đã hồi tục nên không biết nhau. Từ đó, hai người thành một cặp bài trùng, cùng lao động và nhất là cùng cầu nguyện với nhau. Ngày nào cũng thế, vào khoảng 3 giờ sáng, Cha Chính đến chỗ nằm của người viết, khẽ lay dậy rồi nói nhỏ: anh Sáu (tục danh của người viết trong trại lao động), có thuốc bổ này. Người viết ngồi dậy, cung kính rước Mình Thánh Chúa. Đêm nào Cha Chính cũng thức dậy lúc nửa đêm để dâng lễ, và đặt Mình Thánh Chúa vào trong một chiếc hộp nhỏ dành cho người viết.
Sau 6 tháng lao động khổ sai, người viết được thả về, còn Cha Chính bị kỷ luật, chuyển về trại Bến Tranh nên gặp được Cha Kế. Cha Chính cho biết chỉ trong thời gian 3 ngày, nhờ Cha Kế chỉ dạy, Ngài đã có thể dùng những cây kim để chữa cho anh em tù nhân. Sau khi được thả về với mẹ tại Đông Hoà, Cha Chính đã dùng cây kim, đi khắp vùng chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, nhiều người khỏi bệnh, nhất là những bệnh nhân nan y, đã biếu Ngài đủ tiền vượt biên qua Mỹ. Cha Chính hiện nghỉ hưu tại tiểu bang Florida, và độc giả muốn kiểm chứng những chi tiết trên, có thể liên lạc theo địa chỉ Rev. Pierre Phạm Văn Chính, 8928-91st Terrace N., Seminole, FL 33777.
Trở lại câu chuyện cụ Chánh Thực, bà Chánh mời được Cha Kế đến chữa bệnh cho cụ Chánh với niềm tin chắc chắn Cụ sẽ khỏi. Tuy nhiên, sau 3 tháng dùng hết sở học chân truyền cùng với kinh nghiệm hơn 30 năm đi “khắp bốn phương thiên hạ” hành nghề châm cứu, lại sử dụng hết kim dài kim ngắn, kim bạc, kim vàng, Cha Kế đành thú nhận: bệnh cụ Chánh không chữa được vì là tâm bệnh, do lòng thương mến Cha Giáo và sự luyến tiếc thời vàng son khi được bê ghế cho Cha Giáo đánh nhịp.
Tóm lại, Cha Giáo Antôn Nguyễn Ngọc Bảo, nói theo Trần Vinh, là một cây “Đại Thụ” còn sót lại sau bao trận cuồng phong vùi dập địa phận Phát Diệm cũng như Đất nước. Còn theo người viết thì Cha Giáo, như tên “tiền định” Ngọc Bảo của Ngài, là “Bửu Ngọc”, là viên ngọc quý, là hạt minh châu mãi chiếu sáng cho các lớp hậu sinh. Quả thực, với đời sống đạo hạnh của một Linh Mục gương mẫu, với kiến thức uyên bác của một học giả và với tài năng trội vượt trong nhiều lãnh vực như đã đề cập ở trên, Cha Nguyễn Ngọc Bảo đúng là niềm tự hào của địa phận Phát Diệm và luôn được sự ngưỡng mộ cũng như thương mến của hàng hàng lớp lớp học trò của Ngài và là thần tượng của các thế hệ mai sau.
Nguyện xin Thiên Chúa toàn năng, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ và thánh Antôn, bổn mạng của Ngài, đổ tràn đầy ân sủng cho Ngài.
Trần Văn Huyến
Vài giai thoại:
Năm 2001 chị Vũ Thị Liên là em của cha Vũ Đức đưa bỉ nhân đến thăm cha giáo Bảo tại Nhà hưu dưỡng ở Oklahoma City. Được báo trước, nên ngài xuống thang ra tận bãi xe để đón một học trò cũ khá về La văn và Pháp văn, cũng khá về tinh nghịch. Tính tình cha giáo không thay đổi, nhất là về tính đơn sơ và bối rối.
Ngài đưa chúng tôi lên lầu, mở cửa phòng cho chúng tôi vào, không quên đóng cửa lại, khoá cửa cẩn thận và giật mấy cái cho chắc ăn. Sau đó đến màn chỉ chỗ: “Tôi chủ nhà ngồi chỗ này, cha Lãm ngồi đây, còn cô Liên ngồi kia !” Truyện trò thật rôm rả với nhiều tiếng cười, thỉnh thoảng ngài lấy khăn mùi-xoa (mouchoir) nhẹ nhàng chùi góc miệng theo thói quen.
Tôi cao hứng “Con xin hát một bài của nhạc sĩ Đồng Châu: Lộ Đức”. Cha giáo ngạc nhiên nghe tôi trình bày: Lộ Đức ngày xưa, đang đắm đuối say sưa
Dương thế truỵ sa, Mẹ nhắn nhủ cải chừa
Tội lỗi Evà, Mẹ không hề vướng
Ngước mắt về xa, Mẹ còn nhủ thiết tha
Hương sắc lòng ta, gìn giữ lấy mầu hoa.
Cha giáo khen tôi có trí nhớ tốt và hát khá hơn ngày trước ! Rất tiếc ngày xưa còn bé tôi không được nhận chức “xách ghế”, tuy rằng cũng có vài lần được ghi trong sổ “Proemium Seminarii Sancti Pauli” về Musica sacra: 1 ex “sắc sít” (tôi quên chữ rồi, ai biết chỉ giùm), tức: sau phần thưởng I và II, thứ đến là vòng sít sao.
Để tưởng thưởng, cha giáo cho tôi mấy chục lễ béo, thòng thêm một câu: “Cha Yêng không được như vậy đâu”, làm cho cha giáo Yêng buồn 5 phút !
Về tính cách của cha giáo Bảo “đơn sơ và bối rối”, ai cũng hào hứng kể, nhất là hai nghĩa tử của ngài là cha Nguyễn Thế và cha Nguyễn Như Yêng là đầu têu kể chuyện cười của bố mình. Mỗi lần họp mặt, chúng tôi nhắc nhớ những giai thoại của các cha giáo. Riêng với cha giáo Bảo, chúng tôi thường giả dạng đóng vai cha giáo chọc cười thiên hạ ! Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò ! Xin cha giáo tha lỗi và một nén hương lòng dâng về cha giáo thân yêu.
Joseph Phạm Bá Lãm