Nhiều khách hành hương Việt Nam đến Roma, trong đó có cả các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân, khi cư ngụ tại Foyer Phát Diệm (trú quán Tổ Ấm Phát Diệm) đều muốn biết qua về lịch sử hình thành và xây dựng lên
Foyer Phát Diệm như thế nào? Nay nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày giỗ Cha cố Phero Maria Vũ Kim Điện, người có công xây dựng nên ngôi nhà này, chúng tôi xin tạm ghi mấy dòng để tưởng nhớ ngài, người con rất ưu tú của Phát Diệm.
Cha Cố Phero Maria Vũ Kim Điện sinh 02/02/1914 tại giáo xứ Dưỡng Điềm thuộc giáo phận Phát Diệm, ngài qua đời tại Roma vào ngày 13/07/1985.
Người Công Giáo VN đến thăm quan Roma dễ đồng lòng với Đức Ông Trần Ngọc Thụ, thư ký riêng của ĐGH Gioan Phaolo II đã từng nói với giọng thán phục: "Cha Cố Điện qua đi, để lại cả một ĐÀI KỶ NIỆM đồ sộ tại Giáo Đô La Mã, Foyer Phát Diệm". Đó là ngôi nhà 4 tầng rộng lớn, chứa nổi trên 100 khách hành hương mà ta tạm dịch là Tổ Ấm Phát Diệm gần Vatican.
Dầu không phải là người bắt đầu xây dựng, vì đó là công lao của Cha Cố Luca Trần Văn Huy khởi sự từ năm 1949, nhưng sau đó từ năm 1964 trở đi, cũng do Đức Cha Lê Hữu Từ sai tới, Cha Điện nối tiếp việc Cha Huy, đã nới rộng nhà gấp đôi, và lo tân trang, lập nên trú quán như ta thấy ngày nay.
Công việc xem ra giản dị, nhưng trong hoàn cảnh lúc đó, mọi sự không phải dễ dàng chút nào. Trở ngại chính yếu là thiếu tài chính và khó khăn pháp luật.
Vì là người ngoại quốc nên bị luật nước Ý sở tại hạn chế nhiều mặt, rồi thuế má lại cao, mà tài chính thì không có: ta có thể tưởng tượng ra bao rào cản. Trong hoàn cảnh đó, Cha Cố đành chạy đi vay nợ mọi nơi. Nơi dễ hơn là các đại gia VN quen biết tại Thụy Sĩ và Pháp, nhưng với phân lãi cao, tới 20% mỗi tháng, mà bó buộc phải nhận để có vốn hầu khởi đầu. Theo kiểu đó, khi nhà xây gần tới nóc, thì nhà băng Ý, trước đã từ chối vì không thấy có triển vọng hoàn trả, nay rõ ràng ngược lại, mới mở đại két cho vay với lãi xuất 5% mỗi năm. Qúa vui mừng, Cha Điện dốc toàn lực để đạt đích và lo trang trải nợ nần, cái nặng trả trước, cái nhẹ trả sau nhưng đúng thời hạn, kẻo ngân hàng sẽ thi hành điều kiện cam kết là tịch thu cơ sở.
Thật may phúc là ngài đã thành đạt ước nguyện. Ngày 19/03/1969 Cha Vũ Kim Điện đã khánh thành nhà mới, nhận Thánh Giuse làm Quan Thày và hăng say đi vào hoạt động trú quán.
Trước mặt Thành Phố, đây là một "Pensione" (có nghĩa là Trú Quán), như cả trăm trú quán khác của các Sơ, nhưng trong Giáo Hội đó là nơi cho người Công Giáo VN tụ tập, dâng lễ Chúa Nhật, đón tiếp các giám mục, linh mục, tu sĩ tới viếng Roma, các cha sinh viên và các chủng sinh VN du học lui tới, hầu sống lại những giờ phút VN thân thương.
Quả thật, Cha Cố Điện rất được anh em quý chuộng vì tính hiếu khách, bình dân và đại lượng của ngài. Tiêu biểu là ai tới thăm, ngài cũng mời cơm và khuyến khích "ăn cho Giáo Hội, cho các linh hồn!". Rồi các dịp như Tết hoặc lễ lớn thì lại thêm đánh bài với anh em, để bị các người trẻ ăn gian mà vui cười cho ra ngày tưng bừng hội ngộ. Trong số những người được ưu đãi này, ngài đặc biệt quý chuộng các thày Trường Truyền Giáo Roma, coi họ như tương lai Hội Thánh và cũng để âm thầm nhớ lại thời mình đã là chủng sinh nơi đó, rồi chịu chức linh mục cùng nơi vào năm 1939, là cuộc du học thứ nhất, sau khi mãn Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc.
Sau năm 1950 ngài còn được giử đi Ý du học lần nữa, rồi về Sài Gòn sau 1955 làm giáo sư thần học và triết học, cộng thêm 2 tủ sách mà ngài để lại, một tại Phú Nhuận và một tại Roma với những bộ sách quý đắt tiền, nói lên trí thông minh và tính hiếu học đáng trân trọng của ngài.
Đối với tha nhân, thì lòng bác ái của ngài tỏ lộ rõ nét với người gặp hoạn nạn. Xin trưng vài tỉ dụ. Dịp cả vùng tây Roma bị thiếu nước vì vỡ ống hồi tháng 8/1965: Nhà có giếng sâu đầy nước nên ngài đã bơm nó lên, phát không cho dân. Sau nữa, khi người Do Thái phải bỏ Nga về Israel cần trú ngụ tại đây để chờ làm thủ tục và chuyến bay, rồi các thuyền nhân VN ồ ạt tới Ý sau năm 1975: tất cả đều được ngài tiếp đón phục vụ ân cần. Thêm vào đó, vì là cơ sở VN bền vững duy nhất tại Roma, nên lúc có việc gì liên quan tới tiếng Việt, hoặc văn hóa nước ta, hay chuyện cần liên hệ với Vatican, ngài đều thường được trọng dụng, như làm thông dịch viên cho ĐGH Phaolo VI khi người gặp ông đặc sứ hòa đàm VN Lê Đức Thọ năm 1973, hoặc những kỳ thi tiếng Việt cho thí sinh tú tài Pháp tại Roma và dịch thuật các văn bản quan trọng do Tòa Thánh nhờ, hay giúp xin giấy tờ phép tắc của Vatican.
Đó là các chuyện đặc biệt thỉnh thoảng mới có, còn công việc thông thường là chăm lo cho trú quán Foyer Phat Diem, sao cho là "tổ ấm" đích thực, lo cho các nữ tu cộng tác, những người làm việc cho Nhà, phục vụ khách trọ VN cũng như ngoại quốc, giúp cư dân đồng bào ta sống ở Roma: nhiệm vụ thật đa dạng, mặt nào cũng có lúc rất khó khăn tế nhị, nhưng với ơn Chúa, ngài đã giải quyết mọi điều ổn thỏa.
Niềm vui lớn của Cha Cố Điện là tiếp đón các Đức Cha VN, cách riêng những đợt "Visita ad Limina", mà có dịp kéo dài tới hơn 2 tháng: cung ứng mọi nhu cầu cần thiết như cư trú, di chuyển, tiếp khách, thăm viếng đó đây; thêm vào đó còn lo khám chữa bệnh đặc biệt cho những đấng lớn tuổi, tìm giúp đỡ tài chính từ các hội thiện, mua các trang bị cần thiết cho các giáo phận, và gửi đồ về VN giùm các ngài...
Và dịp vui khôn tả, hằng chờ đợi từ lâu: tiếp đón và tận tình phục vụ Đức Cha Nhà Phaolo Bùi Chu Tạo.
Trong sổ vàng có ghi lại những lời trịnh trọng khen ngợi, biết ơn đầy cảm động của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội.
Thật đúng là đỉnh điểm của vui mừng và hãnh diện là ngày 22/06/1980: trước mặt Hội Đồng Giám Mục VN do ĐHY Trịnh Văn Căn đứng đầu, với sự hiện diện của Đức Cha Tạo, ĐGH Gioan Phaolo II đột phát tự ý đến thăm Nhà. Thế là Cha Cố Điện hân hạnh dẫn Người từ ngoài vào trong và sau hết dâng sổ vàng, xin chữ ký kỷ niệm. Không chút do dự, ĐGH tươi cười đặt bút: "CUM BENEDICTIONE JOANNES PAULUS PP. II" (Cha Ban Phúc Lành ĐGH Gioan Phaolo II).
Về mặt đạo đức thì cũng như trước năm 1964 khi còn làm giáo sư chủng viện ở Sài Gòn và giám đốc đầu tiên Tiểu Chủng Viện Long Xuyên mới được thiết lập tại Xóm Mới Sài Gòn, ngài hằng chăm lo việc luyện tập nhân đức: đơn sơ, thanh bần, khiêm nhường, trong sạch, hiền lành, vui vẻ, chăm làm, ham mê đọc sách, mực thước với việc cầu nguyện, đặc biệt có lòng sùng mộ Chúa Thánh Thể và Đức Mẹ Maria. Tại bàn ăn, ngài còn hay kể lại chuyện xa xưa hơn nữa: là linh mục trẻ, mới tự Roma về, rất hăng say hoạt động mục vụ giúp Bố là Cha Già Huyền, xứ Hướng Đạo và Ứng Luật, rồi làm quản lý Nhà Chung Phát Diệm, trước khi được sai đi Ý du học lần thứ hai, như đã nói trên, nhưng lần này chính yếu về canh nông để chuẩn bị làm việc lớn hơn cho Điạ Phận. Với nhiệt huyết tông đồ sẵn có, nay tại Roma,ngài thi thố trong việc làm tuyên úy cho một cộng đoàn lớn các Sơ, nơi có cả nhà chính lẫn nhà tập, bằng thánh lễ mỗi ngày, giải tội và huấn đức với các bài giảng viết dọn kỹ càng. Khi gặp khó khăn, ngài thường đi hành hương khẩn cầu, như đến Đất Thánh, Lộ Đức, Fatima và những nơi nổi tiếng hay được phép lạ. Phép lạ mong chờ chính yếu là cho Nhà Foyer hay gặp gian nan khốn khó tùy theo vận mệnh Tổ Quốc VN, còn với bản thân thì ngài chẳng quan tâm nhiều, vì từ lâu đã quen sống hy sinh. Chỉ vài điều tiêu biểu cũng đủ nói lên đặc điểm này. Những năm xây nhà, ngài đã chịu cảnh nghèo nàn cơ cực tuyệt đối: nhà trống trải, mùa đông 0 độ, mùa hè thì 40, môt mình tự làm mọi chuyện từ đi chợ, nấu bếp, giặt ủi, tới giữ nhà, coi thợ xây, chạy ngược xuôi với đôi chân mỏi mệt dùng xe công cộng ban đầu, rồi sau khá hơn, cũng chỉ có Fiat nhỏ mua lại và hay hư hỏng...
Hình ảnh xe cũ này có thể áp dụng khá thích đáng cho thân xác ngài những năm cuối đời. Thời thanh xuân, không là lực sĩ nhưng cũng dư sức đi du học 2 kỳ, thế mà rồi quá lao lục trong hoạt động, nên mau tới chỗ kiệt sức. May thay, nhờ lòng đạo đức đơn sơ chân thành sẵn có, ngài đã nêu cao gương mẫu chịu bệnh trong thời kỳ sau hết: nằm nhiều nhà thương, thuyên chuyển từ chỗ này tới nơi khác tùy theo các bác sĩ chuyên khoa, khởi đầu từ cao máu, tim mạch, đến bại liệt và đứt mạch máu não...
Chuyện đó xẩy ra ngày 13/07/1985 tại bệnh viện CRISTO RE (Chúa Kito Vua), với tuổi thọ 71 và 46 năm linh mục, trong sự thương tiếc, mến phục và nhớ ơn của mọi người.
Để xem thêm về Foyer Phát Diệm xin nhấn vào đây www.foyerphatdiem.com
Cha Cố Phero Maria Vũ Kim Điện sinh 02/02/1914 tại giáo xứ Dưỡng Điềm thuộc giáo phận Phát Diệm, ngài qua đời tại Roma vào ngày 13/07/1985.
Người Công Giáo VN đến thăm quan Roma dễ đồng lòng với Đức Ông Trần Ngọc Thụ, thư ký riêng của ĐGH Gioan Phaolo II đã từng nói với giọng thán phục: "Cha Cố Điện qua đi, để lại cả một ĐÀI KỶ NIỆM đồ sộ tại Giáo Đô La Mã, Foyer Phát Diệm". Đó là ngôi nhà 4 tầng rộng lớn, chứa nổi trên 100 khách hành hương mà ta tạm dịch là Tổ Ấm Phát Diệm gần Vatican.
Dầu không phải là người bắt đầu xây dựng, vì đó là công lao của Cha Cố Luca Trần Văn Huy khởi sự từ năm 1949, nhưng sau đó từ năm 1964 trở đi, cũng do Đức Cha Lê Hữu Từ sai tới, Cha Điện nối tiếp việc Cha Huy, đã nới rộng nhà gấp đôi, và lo tân trang, lập nên trú quán như ta thấy ngày nay.
Vì là người ngoại quốc nên bị luật nước Ý sở tại hạn chế nhiều mặt, rồi thuế má lại cao, mà tài chính thì không có: ta có thể tưởng tượng ra bao rào cản. Trong hoàn cảnh đó, Cha Cố đành chạy đi vay nợ mọi nơi. Nơi dễ hơn là các đại gia VN quen biết tại Thụy Sĩ và Pháp, nhưng với phân lãi cao, tới 20% mỗi tháng, mà bó buộc phải nhận để có vốn hầu khởi đầu. Theo kiểu đó, khi nhà xây gần tới nóc, thì nhà băng Ý, trước đã từ chối vì không thấy có triển vọng hoàn trả, nay rõ ràng ngược lại, mới mở đại két cho vay với lãi xuất 5% mỗi năm. Qúa vui mừng, Cha Điện dốc toàn lực để đạt đích và lo trang trải nợ nần, cái nặng trả trước, cái nhẹ trả sau nhưng đúng thời hạn, kẻo ngân hàng sẽ thi hành điều kiện cam kết là tịch thu cơ sở.
Thật may phúc là ngài đã thành đạt ước nguyện. Ngày 19/03/1969 Cha Vũ Kim Điện đã khánh thành nhà mới, nhận Thánh Giuse làm Quan Thày và hăng say đi vào hoạt động trú quán.
Trước mặt Thành Phố, đây là một "Pensione" (có nghĩa là Trú Quán), như cả trăm trú quán khác của các Sơ, nhưng trong Giáo Hội đó là nơi cho người Công Giáo VN tụ tập, dâng lễ Chúa Nhật, đón tiếp các giám mục, linh mục, tu sĩ tới viếng Roma, các cha sinh viên và các chủng sinh VN du học lui tới, hầu sống lại những giờ phút VN thân thương.
Quả thật, Cha Cố Điện rất được anh em quý chuộng vì tính hiếu khách, bình dân và đại lượng của ngài. Tiêu biểu là ai tới thăm, ngài cũng mời cơm và khuyến khích "ăn cho Giáo Hội, cho các linh hồn!". Rồi các dịp như Tết hoặc lễ lớn thì lại thêm đánh bài với anh em, để bị các người trẻ ăn gian mà vui cười cho ra ngày tưng bừng hội ngộ. Trong số những người được ưu đãi này, ngài đặc biệt quý chuộng các thày Trường Truyền Giáo Roma, coi họ như tương lai Hội Thánh và cũng để âm thầm nhớ lại thời mình đã là chủng sinh nơi đó, rồi chịu chức linh mục cùng nơi vào năm 1939, là cuộc du học thứ nhất, sau khi mãn Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc.
Sau năm 1950 ngài còn được giử đi Ý du học lần nữa, rồi về Sài Gòn sau 1955 làm giáo sư thần học và triết học, cộng thêm 2 tủ sách mà ngài để lại, một tại Phú Nhuận và một tại Roma với những bộ sách quý đắt tiền, nói lên trí thông minh và tính hiếu học đáng trân trọng của ngài.
Đối với tha nhân, thì lòng bác ái của ngài tỏ lộ rõ nét với người gặp hoạn nạn. Xin trưng vài tỉ dụ. Dịp cả vùng tây Roma bị thiếu nước vì vỡ ống hồi tháng 8/1965: Nhà có giếng sâu đầy nước nên ngài đã bơm nó lên, phát không cho dân. Sau nữa, khi người Do Thái phải bỏ Nga về Israel cần trú ngụ tại đây để chờ làm thủ tục và chuyến bay, rồi các thuyền nhân VN ồ ạt tới Ý sau năm 1975: tất cả đều được ngài tiếp đón phục vụ ân cần. Thêm vào đó, vì là cơ sở VN bền vững duy nhất tại Roma, nên lúc có việc gì liên quan tới tiếng Việt, hoặc văn hóa nước ta, hay chuyện cần liên hệ với Vatican, ngài đều thường được trọng dụng, như làm thông dịch viên cho ĐGH Phaolo VI khi người gặp ông đặc sứ hòa đàm VN Lê Đức Thọ năm 1973, hoặc những kỳ thi tiếng Việt cho thí sinh tú tài Pháp tại Roma và dịch thuật các văn bản quan trọng do Tòa Thánh nhờ, hay giúp xin giấy tờ phép tắc của Vatican.
Đó là các chuyện đặc biệt thỉnh thoảng mới có, còn công việc thông thường là chăm lo cho trú quán Foyer Phat Diem, sao cho là "tổ ấm" đích thực, lo cho các nữ tu cộng tác, những người làm việc cho Nhà, phục vụ khách trọ VN cũng như ngoại quốc, giúp cư dân đồng bào ta sống ở Roma: nhiệm vụ thật đa dạng, mặt nào cũng có lúc rất khó khăn tế nhị, nhưng với ơn Chúa, ngài đã giải quyết mọi điều ổn thỏa.
Niềm vui lớn của Cha Cố Điện là tiếp đón các Đức Cha VN, cách riêng những đợt "Visita ad Limina", mà có dịp kéo dài tới hơn 2 tháng: cung ứng mọi nhu cầu cần thiết như cư trú, di chuyển, tiếp khách, thăm viếng đó đây; thêm vào đó còn lo khám chữa bệnh đặc biệt cho những đấng lớn tuổi, tìm giúp đỡ tài chính từ các hội thiện, mua các trang bị cần thiết cho các giáo phận, và gửi đồ về VN giùm các ngài...
Và dịp vui khôn tả, hằng chờ đợi từ lâu: tiếp đón và tận tình phục vụ Đức Cha Nhà Phaolo Bùi Chu Tạo.
Trong sổ vàng có ghi lại những lời trịnh trọng khen ngợi, biết ơn đầy cảm động của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội.
Thật đúng là đỉnh điểm của vui mừng và hãnh diện là ngày 22/06/1980: trước mặt Hội Đồng Giám Mục VN do ĐHY Trịnh Văn Căn đứng đầu, với sự hiện diện của Đức Cha Tạo, ĐGH Gioan Phaolo II đột phát tự ý đến thăm Nhà. Thế là Cha Cố Điện hân hạnh dẫn Người từ ngoài vào trong và sau hết dâng sổ vàng, xin chữ ký kỷ niệm. Không chút do dự, ĐGH tươi cười đặt bút: "CUM BENEDICTIONE JOANNES PAULUS PP. II" (Cha Ban Phúc Lành ĐGH Gioan Phaolo II).
Về mặt đạo đức thì cũng như trước năm 1964 khi còn làm giáo sư chủng viện ở Sài Gòn và giám đốc đầu tiên Tiểu Chủng Viện Long Xuyên mới được thiết lập tại Xóm Mới Sài Gòn, ngài hằng chăm lo việc luyện tập nhân đức: đơn sơ, thanh bần, khiêm nhường, trong sạch, hiền lành, vui vẻ, chăm làm, ham mê đọc sách, mực thước với việc cầu nguyện, đặc biệt có lòng sùng mộ Chúa Thánh Thể và Đức Mẹ Maria. Tại bàn ăn, ngài còn hay kể lại chuyện xa xưa hơn nữa: là linh mục trẻ, mới tự Roma về, rất hăng say hoạt động mục vụ giúp Bố là Cha Già Huyền, xứ Hướng Đạo và Ứng Luật, rồi làm quản lý Nhà Chung Phát Diệm, trước khi được sai đi Ý du học lần thứ hai, như đã nói trên, nhưng lần này chính yếu về canh nông để chuẩn bị làm việc lớn hơn cho Điạ Phận. Với nhiệt huyết tông đồ sẵn có, nay tại Roma,ngài thi thố trong việc làm tuyên úy cho một cộng đoàn lớn các Sơ, nơi có cả nhà chính lẫn nhà tập, bằng thánh lễ mỗi ngày, giải tội và huấn đức với các bài giảng viết dọn kỹ càng. Khi gặp khó khăn, ngài thường đi hành hương khẩn cầu, như đến Đất Thánh, Lộ Đức, Fatima và những nơi nổi tiếng hay được phép lạ. Phép lạ mong chờ chính yếu là cho Nhà Foyer hay gặp gian nan khốn khó tùy theo vận mệnh Tổ Quốc VN, còn với bản thân thì ngài chẳng quan tâm nhiều, vì từ lâu đã quen sống hy sinh. Chỉ vài điều tiêu biểu cũng đủ nói lên đặc điểm này. Những năm xây nhà, ngài đã chịu cảnh nghèo nàn cơ cực tuyệt đối: nhà trống trải, mùa đông 0 độ, mùa hè thì 40, môt mình tự làm mọi chuyện từ đi chợ, nấu bếp, giặt ủi, tới giữ nhà, coi thợ xây, chạy ngược xuôi với đôi chân mỏi mệt dùng xe công cộng ban đầu, rồi sau khá hơn, cũng chỉ có Fiat nhỏ mua lại và hay hư hỏng...
Hình ảnh xe cũ này có thể áp dụng khá thích đáng cho thân xác ngài những năm cuối đời. Thời thanh xuân, không là lực sĩ nhưng cũng dư sức đi du học 2 kỳ, thế mà rồi quá lao lục trong hoạt động, nên mau tới chỗ kiệt sức. May thay, nhờ lòng đạo đức đơn sơ chân thành sẵn có, ngài đã nêu cao gương mẫu chịu bệnh trong thời kỳ sau hết: nằm nhiều nhà thương, thuyên chuyển từ chỗ này tới nơi khác tùy theo các bác sĩ chuyên khoa, khởi đầu từ cao máu, tim mạch, đến bại liệt và đứt mạch máu não...
Chuyện đó xẩy ra ngày 13/07/1985 tại bệnh viện CRISTO RE (Chúa Kito Vua), với tuổi thọ 71 và 46 năm linh mục, trong sự thương tiếc, mến phục và nhớ ơn của mọi người.
Để xem thêm về Foyer Phát Diệm xin nhấn vào đây www.foyerphatdiem.com