Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chiều ngày 6-7, Đức Thánh Cha đã từ Guayaquil bay về thủ đô Quito để tiếp tục chương trình viếng thăm.
Khác với Guayaquil ẩm thấp và nóng, Quito mưa lạnh và sương mù. Dầu vậy vẫn có hàng trăm ngàn người đứng dọc theo hai bên đường từ Phi trường về trung tâm thành phố để chào đón Đức Thánh Cha. Thật là một biển người mênh mông.
Thăm Tổng thống
Ngài về trung tâm thủ đô để thăm xã giao Tổng thống Correa của Ecuador tại dinh Carondelet. Một ca đoàn hát mừng vị thượng khách, rồi Đức Thánh Cha gặp riêng tổng thống với gia đình Ông, gồm phu nhân, bà mẹ, và các con của ông.
Trong dịp này Đức Thánh Cha tặng tổng thống bức tranh khảm Đức Mẹ đang bồng Chúa Con, bản sao bức ảnh cổ kính được giữ tại Nhà Nguyện Mình Thánh Chúa ở Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma. Trước bức ảnh này, ngày 22-8 năm 1541, thánh Ignaxio cùng với các tu sĩ đầu tiên của dòng Tên đã khấn dòng. Ngài cũng tặng tổng thống hai văn kiện: trước tiên là Tông huấn 'Niềm vui Phúc Âm' và tiếp đến là Thông điệp Laudato sì về việc bảo vệ môi trường. Tổng thống đã tặng Đức Thánh Cha một bức tranh rất đẹp diễn tả mặt tiền Nhà thờ dòng Tên ở thủ đô Quito.
Trong khi Đức Thánh Cha gặp tổng thống, thì Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin, Đức Sứ Thần và Đức Hồng Y Vela hội kiến với một số quan chức chính quyền Ecuador.
Chào thăm các tín hữu
Sau khi gặp gỡ Tổng thống, Đức Thánh Cha đã tiến ra bao ơn dinh Carondelet để chào thăm hàng ngàn tín hữu tụ tập trước dinh này, rồi ngài đi bộ đến viếng nhà thờ chính tòa Quito chỉ cách đó 50 mét. Sau khi kính viếng Mình Thánh Chúa, ngài tiến ra quảng trường bên ngoài để chào thăm rất đông tín hữu tụ tập tại đây và chúc lành cho họ và nói rằng: “Tôi chúc lành cho toàn thể nhân dân Ecuador, để họ không còn phân biệt nhau, để không còn ai bị loại trừ, để không ai bị gạt bỏ, để không ai phải ở ngoài lề đại quốc này”.
Đức Thánh Cha ám chỉ đến tình trạng 2% dân Ecuador là giới đại điền chủ và chủ các xí nghiệp, và 20% dân chúng sống trong nghèo đói. Cách đây 5 năm, tỷ số người nghèo này là 40%. Ngài chúc lành cho những cải tổ xã hội tại nước này.
Trong lời chào đã dọn sẵn cho dịp này, Đức Thánh Cha viết:
“Tôi đến Quito này như người lữ hành, để chia sẻ với anh chị em niềm vui loan báo Tin Mừng.
Tôi đã cầu nguyện với thánh Marianna Chúa Giêsu người Ecuador có tượng ở phía sau Đền thờ Thánh Phêrô và phó thác cho thánh nữ thành quả chuyến viếng thăm này, và xin cho tất cả chúng ta biết noi gương thánh nữ: sự hy sinh và nhân đức anh hùng của Thánh nữ được tượng trưng bằng một hoa huệ.
“Các thánh mời gọi chúng ta noi gương các vị, theo học tại trường các vị như thánh nữ Narcisa Chúa Giêsu và chân phước Mercedes di Gesù Molina noi gương thánh nữ Marianna. Với những người đang ở đây, chịu đau khổ hoặc đã chịu đau khổ như cô nhi, và những người tuy còn nhỏ, đã phải chăm sóc các em mình, những người dấn thân hằng ngày chăm sóc các bệnh nhân hoặc người già, tôi nói rằng thánh nữ Marianna cũng đã làm như vậy và thánh Narcisa cũng như chân phước Mercedes đã noi gương ấy. Không phải là khó khăn nếu Chúa ở cùng chúng ta. Các ngài không làm những điều ngoại thường, trước mặt thế gian. Các ngài đã yêu mến nhiều và chứng tỏ điều ấy trong cuộc sống hằng ngày đến độ động chạm đến thân mình đau khổ của Chúa Kitô trong dân (Ev. Gaudium 24).
Đức Thánh Cha nhắc đến công trình xây cất nhà thờ Chính tòa này với bao nhiêu vất vả theo phương pháp và thói quen của các thổ dân: đó là một công việc của tất cả mọi người để giúp cộng đoàn, một công việc vô danh, không có bảng quảng cáo cũng chẳng có vỗ tay. “Ước gì Chúa làm cho những viên đá của nhà thờ chính tòa này, chúng ta cũng đặt trên vai các nhu cầu của người khác, giúp kiến tạo hoặc tái thiết cuộc sống của bao nhiêu anh chị em không có sức lực để kiến tạo hoặc thấy sức lực bị hao mòn”.
Sau khi ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 40 cây số về dùng bữa tối và nghỉ đêm.
2. Đức Thánh Cha gặp gỡ giới Đại Học Ecuador
Lúc 16 giờ ngày thứ Ba 7 tháng 7, Đức Thánh Cha đã tới Đại học giáo hoàng Công Giáo Ecuador cách tòa sứ thần Tòa Thánh 3 cây số. Hai bên đường đã có rất đông tín hữu chào đón Đức Thánh Cha.
Đại học giáo hoàng Công Giáo Ecuador được thành lập năm 1946 thuộc tổng giáo phận Quito do các cha Dòng Tên điều khiển. Đại học gồm 14 học viện và phân khoa gồm Kiến trúc, Quản trị, Sư phạm, Khoa học, Triết học, Thần học, Khoa học nhân văn, Truyền thông, Văn chương, Kinh tế, Y tá, Kỹ sư, Luật, Y khoa, Sinh học, Trợ giúp xã hội. Có tất cả 30.000 sinh viên.
Vào thời thực dân Giáo Hội đã thành lập Đại học San Fulgencio do các cha dòng Agostino điều khiển; đại học thánh Gregorio do các cha dòng Tên điều khiển cho tới khi các vị bị trục xuất; và đại học San Tomas do các cha dòng Đa Minh điều khiển.
Đức Thánh Cha đã được viện trưởng César Fabián Carrasco Castro tiếp đón trong khuôn viên đại học có chỗ cho 5.000 người. Sau lời chào của ĐC Alfredo José Espinoza Mateus, GM Loja và là chủ tịch Ủy ban giáo dục và văn hóa của HĐGM Ecuador, các sinh viên học sinh đã tặng qùa cho Đức Thánh Cha. Tiếp đến mọi người đã nghe chứng từ của một nữ sinh viên, một giáo sư và viện trưởng đại học.
Ngỏ lời trong dịp này Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa của dụ ngôn người gieo giống và lệnh Thiên Chúa truyền cho con người phải vun trồng và giữ gìn thụ tạo. Đức Thánh Cha nói:
Thiên Chúa không chỉ ban cho con người sự sống, nhưng cũng ban cho con người trái đất, thụ tạo. Ngài không chỉ ban cho con người một người bạn đường và các khả thể vô tận. Nhưng Ngài cũng đưa ra một lời mời gọi, và trao ban cho con người một sứ mệnh nữa. Ngài mời gọi họ tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài và nói: hãy vun trồng! Ta ban cho con các hạt giống, trái đất, nước, mặt trời, Ta ban cho con đôi bàn tay và tay của anh em con. Nó cũng là của con. Nó là một món quà, một ơn, một sự cống hiến. Nó không phải là cái gì được chiếm hữu, được mua. Nó đi trước chúng ta và sẽ tiếp nối chúng ta… Thụ tạo là một ơn phải được chia sẻ. Nó là không gian Thiên Chúa ban cho chúng ta để xây dựng với chúng ta, để xây dựng một “chúng ta”. Thế giới, lịch sử, thời gian là nơi chúng ta đi xây dựng chúng ta với Thiên Chúa, với người khác và với trái đất. Cuộc sống của chúng ta luôn dấu ẩn lời mời gọi này, một lời mời gọi ít nhiều ý thức nhưng tồn tại luôn mãi. Tuy nhiên, chúng ta ghi nhận một điểm đặc biệt. Trong trình thuật của sách Sáng Thế, cùng với từ “vun trồng” Thiên Chúa nói ngay một lời khác “giữ gìn”, chăm sóc. Từ này được hiểu nhờ từ kia. Một bàn tay giơ ra cho một bàn tay khác. Ai không vun trồng thì không chăm sóc, ai không chăm sóc thì không vun trồng. Chúng ta không chỉ được mời gọi là phần của công trình sáng tạo bằng cách vun trồng nó, làm cho nó lớn lên, phát triển nó, nhưng chúng ta cũng được mời gọi chăm sóc, che chở, giữ gìn nó nữa. Ngày nay lời mời gọi này càng mạnh mẽ hơn nữa. Không phải chỉ như là một lời nhắn nhủ, nhưng như là một đòi buộc nảy sinh từ “sự dữ mà chúng ta đã gây ra, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dùng các tài nguyên Thiên Chúa đã đặt để trong trái đất. Chúng ta lớn lên và nghĩ rằng chúng ta là chủ và là kẻ thống trị, được phép cướp bóc nó, vì thế giữa các người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất có trái đất của chúng ta bị áp bức và tàn phá” (Laudato sì, 2).
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Có một tương quan giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của mẹ đất, giữa sự hiện hữu của chúng ta và ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. “Môi sinh nhân bản và môi sinh thiên nhiên cùng nhau trở nên đồi tệ, và chúng ta không thể đương đầu với sự suy đồi môi sinh một cách thích hợp, nếu không chú ý tới các lý do có tương quan với sự suy đồi nhân bản và xã hội” (ibid., 48). Nhưng chúng cũng nâng đỡ nhau và có thể thay đổi hình dạng. Đó là một tuơng quan giữ gìn một khả thể của sự rộng mở, thay đổi, của sự sống cũng như của tàn phá và chết chóc.
Có một điều chắc chắn: đó là chúng ta không thể tiếp tục quay lưng lại với thực tại của mình, với các anh em mình, với mẹ đất. Chúng ta không được phép không biết điều đang xảy ra chung quanh chúng ta, làm như thể là các tình trạng xác định không hiện hữu hay không liên quan gì tói thực tại của chúng ta. Một lần nữa câu Thiên Chúa hỏi lại vang lên: “Em ngươi đâu?”. Tôi tự hỏi không biết câu trả lời của chúng ta có tiếp tục là “Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (St 4,9).
Trong bối cảnh đại học này, sẽ rất đẹp nếu chúng ta tự vấn liên quan tới nền giáo dục của chúng ta trước trái đất đang kêu lên tới trời. Các trường học của chúng ta là một vườn ương cây, một khả thể, là đất phì nhiêu mà chúng ta phải chăm sóc, kích thích, và che chở. Đất phì nhiều khát sự sống.
Cùng anh chị em là các giáo sư tôi tự hỏi: Anh chị em có thức tỉnh trên các sinh viên học sinh bằng cách trợ giúp họ phát triển một óc phê bình, một tinh thần tự do có khả năng chăm sóc thế giới ngày nay hay không? Một tinh thần có khả năng tìm ra các câu trả lời mới cho nhiều thách đố mà xã hội ngày nay đưa ra hay không? Anh chị em có khả năng khích lệ họ đừng không biết tới thực tại bao quanh họ hay không? Làm thế nào để bước vào trong các chương trình khác nhau của đại học hay trong các lãnh vực khác nhau của công việc giáo dục cuộc sống chung quanh chúng ta với các đòi hỏi, các vấn nạn và các cật vấn của nó? Chúng ta làm nảy sinh ra và đồng hành với cuộc thảo luận xây dựng này việc đối thoại sinh tử cho một thế giới nhân bản hơn như thế nào?
Tiếp đến Đức Thánh Cha khẳng định như sau:
Có một suy tư lôi cuốn tất cả chúng ta: các gia đình, học đường và nhà giáo, đó là làm thế nào để người trẻ đừng đồng hóa bằng biếu đại học với địa vị cao hơn, với tiền bạc và uy tín xã hội. Chúng ta làm thế nào để giúp họ nhận diện việc chuẩn bị này như dấu chỉ của một trách nhiệm lớn hơn đối với các vấn đề ngày nay, tôn trọng và săn sóc người nghèo, tôn trọng việc cứu vãn môi sinh. Và với các các bạn trẻ thân mến, là hiện tại và tương lại của Ecuador, là hạt giống biến đổi của xã hội này, tôi muốn tự hỏi: các bạn có biết thời gian học hành các bạn có không phải chỉ là một quyền lợi mà cũng là một đặc ân không? Biết bao nhiêu bạn bè, quen và không quen, muốn có một chỗ trong nơi này, mà vì các hoàn cảnh khác nhau đã không có được? Việc học hành của chúng ta giúp liên đới với họ trong mức độ nào?
Các cộng đoàn giáo dục có một vai trò sinh động, nòng cốt trong việc xây dựng xã hội và nền văn hóa. Phân tích, miêu tả thực tại thôi không đủ, cần phải trao ban sự sống cho các môi trường, nơi chốn nghiên cứu đích thật, cho các thảo luận làm nảy sinh ra các giải pháp cho các vấn đề hiện hữu đặc biệt ngày nay.
Trước sự toàn cầu hóa của mô thức kỹ thuật hướng tới chỗ tin rằng mỗi chiếm hữu quyền lực là tiến bộ, gia tăng an ninh, hữu ích, hạnh phúc, sức sống, gia trị tràn đầy, làm như thể thực tại, thiện ích và sự thật phát sinh một cách tự phát từ chính quyền lực của kỹ thuật và kinh tế” (Laudato si’, 105), chúng ta được hỏi một cách cấp thiết mau chóng suy tư, tìm tòi, thảo luận về tình trạng của chúng ta hiện nay. Chúng ta muốn và yêu sách cho con cháu chúng ta loại văn hóa nào đây? Trái đất này mà chúng ta đã nhận như gia tài, như một ơn, một món quà, chúng ta muốn để lại nó như thế nào? Chúng ta muốn in các chỉ dẫn nào trên cuộc sống? “Chúng ta đi qua trái đất này với mục đích nào? Chúng ta đến trên trái đất này với mục tiêu nào? Chúng ta làm việc và chiến đấu cho mục đích nào? (ibid., 160). Các sáng kiến cá nhân luôn luôn tốt và nền tảng, nhưng chúng ta phải nhìn thực tại một cách tổng quát, có trật tự và không rời rạc, đưa ra các vấn nạn bao gồm tất cả mọi người. Như là đại học, như là các cơ cấu, các giáo sư và sinh viên cuộc sống thách đố các bạn trả lời cho câu hỏi này: tại sao chúng ta cần trái đất này? Người anh em con ở đâu? Ước chi Chúa Thánh Thần linh hứng và đồng hành với các bạn và ban cho chúng ta sức mạnh và ánh sáng cần thiết để chu toàn sứ mạng giáo dục này.
3. Ngày cuối của Đức Thánh Cha tại Ecuador
Ngày thứ tư mùng 8 tháng 7 Đức Thánh Cha đã chỉ có hai sinh hoạt : thăm viện dưỡng lão do các nữ tu Thừa Sai Bác Ái trông coi, và gặp gỡ hàng giáo sĩ tu sĩ chủng sinh tại đền thánh Đức Bà El Quinche. Trung tâm Đức Bà El Quinche đưọc xây năm 1928 và được tuyên bố là trung tâm thánh mẫu quốc gia năm 1985. Tượng Đức Bà el Quinche bằng gỗ trắc bá cao 60 cm, do ông Don Diego de Robles thuộc trường phái Quito tạc năm 1586, theo lời xin của các thổ dân Lumbici. Vì các thổ dân không có tiền trả công, nên nhà điêu khắc nhường tượng lại cho các thổ dân Oyacachi muốn có bức tượng này vì giống hình Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với họ.
Sau khi dâng thánh lễ riêng lúc 7 giờ rưỡi và điểm tâm, Đức Thánh Cha đã từ giã Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đi xe đến nhà dưỡng lão tại Tumbaco là một vùng phụ cận cách xa Quito 21 cây số.
Ngài đã được nữ tu bề trên và 10 nữ tu tiếp đón. Đức Thánh Cha đã gặp các cụ già trong sân nhà dưỡng lão, bắt tay và hỏi chuyện từng người.
Sau khi từ biệt các cụ lúc 10 giờ Đức Thánh Cha đi xe đến đền thánh Đức Bà El Quinche cách đó 27 cây số. Đã có hàng chục ngàn người quy tụ về đây để chào đón ngài. Khi xe vào thành phố tín hữu đứng hai bên đường đã tung hoa chào mừng Đức Thánh Cha trong một bầu khí lễ hội tươi vui. Mui chiếc xe papamobil đầy cánh hoa hồng. Đức Thánh Cha đã được linh mục quản đốc đền thánh tiếp đón tại thềm đền thờ và đưa vào trong để Đức Thánh Cha dâng hoa kính Đức Mẹ. Ngài đã đứng cầu nguyện một lát trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã vào nhà dòng và viết vào sổ lưu niệm lời cầu sau đây : « Lạy Me là Đức Trinh Nữ đền thánh Quinche, xin chăm sóc nhân dân Ecuador. Họ là con cái Mẹ, Mẹ ơi » Ký tên Phanxicô Giáo Hoàng.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ra khán đài bên ngoài đền thánh để gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh. Sau lời chào mừng của ĐC Celmo Lazzari, đặc trách những người sống đời thánh hiến của HĐGM Ecuador, đã có phần chứng từ của cha Silvino Mina, thuộc Toà Giám quản tông toà Esmeraldes và nữ tu Marisol Sandoval dòng Agostino.
Đức Thánh Cha đã không đọc diễn văn dọn sẵn nhưng ứng khẩu. Ngài cám ơn các linh mục tu sĩ và chủng sinh đã quảng đại đáp lại lời kêu mời của Chúa dấn thân trong các hoạt động khác nhau lo cho dân Chúa. Ngài khích lệ mọi người sống thân tình với Chúa, biết săn sóc sức khoẻ thể lý, nhưng nhất là săn sóc sức khỏe tinh thần và đời sống thiêng liêng, không bị bệnh lão hóa tinh thần, luôn biết tin yêu phó thác, cậy dựa vào ơn thánh Chúa, ý thức mình là người phục vụ, và tận dụng các tài khéo Chúa ban cho công tác rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa lòng trần gian, tránh bệnh lão hóa tinh thần và khuynh hướng tìm chức tước. Vì không phải là người làm thuê ăn lương, nên công tác mục vụ phải nhưng không. Đừng để người ta trả tiền cho ơn thánh.
Trong diễn văn dọn sẵn Đức Thánh Cha phó thác cho trái tim Mẹ Sầu Bi người già, người bệnh và mọi cuộc gặp gỡ trong chuyến công du của ngài. Ngài cũng để tất cả mọi thành phần dân Chúa trong con tim của những người sống đời thánh hiến. Dựa trên trình thuật Đức Mẹ dang mình vào đền thánh, Đức Thánh Cha rút tỉa ra vài suy tư và áp dụng vào đời sống thánh hiến. Trước hết ơn gọi thánh hiến là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban. Ngài tuyển chọn và sai chúng ta đi. Sự kiện này giải thoát chúng ta khỏi nguy hiểm lấy mình làm điểm tham chiếu, vì chúng ta không thuộc về mình nữa, và ơn gọi xin chúng ta từ bỏ mọi ích kỷ, tìm lợi lộc vật chất hay bù trừ tình cảm. Chúng ta là những người phục vụ, chứ không phải là lính đánh thuê, không phải đến để đuợc hầu hạ nhưng để phục vụ, hoàn toàn không dính bén, không gậy, không bị, không chạy theo vinh quang giả tạo và tinh thần thế tục, xa lánh các tham vọng, các lợi lộc thấp hèn ích kỷ, các chú ý tới mình một cách thái quá.
Cũng như quyền bính của các Tông Đồ các ơn chúng ta nhận được là để canh tân và xây dựng Giáo Hội. Không khước từ chia sẻ, cho đi và khép kín trong tiện nghi dễ dãi, biết là suối mát bổ dưỡng, đặc biệt cho những người bị tội lỗi, thất vọng và thù hận đè bẹp.
Điểm thứ hai là sự kiên trì. Cũng như Mẹ Maria đã không quay lại đàng sau, nhưng cương quyết tiến vào đền thánh, người sống đời thánh hiến cũng phải kiên trì trong sứ mệnh, không lang thang tìm nơi dễ dãi tiện nghi hơn, kiên trì cả khi có gặp đêm đen và lạc lối hay nguy hiểm, vì biết rằng dân thánh Chúa đồng hành với chúng ta, những người thân thương và Giáo Hội đồng hành và đỡ nâng chúng ta. Cần tiến buớc trong hiệp nhất, tương trợ lẫn nhau và sống tươi vui vì được sống trong nhà Chúa, tham dự cuộc sống thân tình với Chúa, dấn thân loan báo Tin Mừng và đem ơn cứu độ đến cho mọi ngưòi. Ý thức được trách nhiệm của mình đối với các dân tộc Mỹ châu la tinh, vun trồng, linh họat và giáo dục lòng đạo đức bình dân, để tín hữu biết biểu lộ đức tin với ngôn ngữ và kiểu cách riêng của họ, thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ để Giáo Hội là căn nhà chung cho mọi người, một Giáo Hội ra đi, một Giáo Hội tới gần và thích ứng để không xa cách con người, một Giáo Hội ra khỏi tiện nghi dễ dãi của mình và có can đảm tới với mọi vùng ngoại biên cần đến ánh sáng Tin Mừng.
Đức Thánh Cha đã ban phép lành và từ giã mọi người để ra phi trường đáp máy bay sang thủ đô La Paz của Bolivia, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm ba nước Eucador, Bolivia và Paraguay.
4. Tổng Giám Mục Canterbury bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc" trước sự kiện Anh Giáo tại Mỹ chấp thuận việc kết hôn đồng tính
Tổng Giám Mục Canbtury đã lên tiếng quan ngại về quyết định của Giáo Hội tại Mỹ, cho cử hành nghi thức kết hôn đồng tính.
Tiến sĩ Justin Welby, vị lãnh đạo Anh giáo trên toàn thế giới nói rằng, quyết định của Giáo Hội Anh Giáo tại Mỹ "sẽ làm phiền lòng một số người và gây ra sự chia rẽ trong Anh Giáo nói chung, cũng như cho mối quan hệ đại kết và liên tôn của Giáo Hội".
Mặc dù thừa nhận những "đặc quyền của Anh Giáo trong khi giải quyết những vấn đề phù hợp với bối cảnh riêng của Giáo Hội", vị tổng giám mục cho biết ông đã xem xét các quyết định này với mối "quan ngại sâu sắc."
5. Thủ tướng Úc sẽ chống lại nỗ lực nhằm hợp pháp hóa việc kết hôn đồng tính
Thủ Tướng Úc, ông Tony Abbott đã công bố ý định giữ vững lập trường của Đảng Tự Do của ông rằng “hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ”. Ông cho hay sẽ hoàn toàn không hỗ trợ cho việc hợp pháp hóa việc kết hôn đồng tính.
Vị lãnh đạo Úc cũng nói rằng, việc kết hôn đồng tính không phải là vấn đề ưu tiên cho chính phủ. Do đó, Uỷ Ban lập pháp sắp xếp lịch trình tranh luận, cũng khó có thể sắp xếp một dự luật kêu gọi sự công nhận của công đoàn đồng tính.
6. Biểu tình chống chính phủ ở Ecuador trước chuyến thăm viếng của Đức Thánh Cha
Ngày 1 tháng Bảy vừa qua,Tổng thống Ecuador Rafael đã phải đối mặt với những người biểu tình đòi loại bỏ ông ra khỏi chức vụ nguyên thủ quốc gia, chỉ vài ngày trước cuộc viếng thăm đã được sắp xếp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Hàng ngàn người biểu tình, đã tuần hành qua các thành phố lớn của Ecuador, nhằm phản đối chính sách của ông Correa về kế hoạch khai thác hầm mỏ cho mục đích thương mại ở khu vực Amazon. Chính phủ nước này đã mất đi sự ủng hộ của quần chúng vì những vấn đề kinh tế gây ra bởi sự sụt giảm của giá dầu, và tổng thống Correa đã phải đối mặt với những cuộc biểu tình công khai thường xuyên diễn ra trong tháng trước.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Ecuador vào Chúa Nhật ngày 5 tháng Bảy, bắt đầu cho chuyến tông du dài một tuần ở khu vực Nam Mỹ này.
7. Philadelphia, New York gấp rút chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha
Công nhân thành phố Philadelphia, đang xây dựng một hàng rào an ninh, cao gần 2 mét rưỡi tạm thời bao quanh trung tâm thành phố, cho chuyến công du của Đức Thanh Cha Phaxicô vào tháng Chín sắp tới.
Hàng rào này sẽ được dựng lên vào ngày 21 tháng Chín, bao quanh khu vực nơi Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ. Nhân viên an ninh sẽ kiểm tra chặt chẽ thường xuyên khu vực này. Vào ngày 25 tháng Chín, khi Đức Thánh Cha xuất hiện, xe cộ sẽ bị cấm lưu thông trong phạm vi cách hàng rào bốn khu phố.
Trong khi đó, tại New York, công việc phục hồi Thánh Đường St Patrick’s đã được tăng cường với mọi nỗ lực, để hoàn tất trước khi Đức Thánh Cha viếng thăm thành phố này. Dự án phục hồi thánh đường $175 triệu này đã khởi hành 3 năm trước đây.
8. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher: Peter Saunders muốn mạ lỵ Đức Hồng Y George Pell
Những nhà phê bình Đức Hồng Y George Pell đang nhắm tới việc mạ lỵ một vị giám mục Úc, theo lời vị kế nhiệm của Ngài là Tổng Giám Mục Sydney.
Tổng Giám Mục Anthony Fisher nói với thông tấn xã Cruz rằng, những cáo buộc Đức Hồng Y Pell đã che đậy những lạm dụng tình dục trẻ em đã “rất là không công bằng”. Ngài nói, trên thực tế, chính Đức Hồng Y là vị Giám Mục đầu tiên trong nước đã đề cập đến việc lạm dụng tình dục trẻ em.
Tổng Giám Mục Fisher nói, Ngài tin rằng Đức Hồng Y Pell sẽ chứng tỏ được trước Ủy Ban Điều Tra Hoàng Gia về những vụ lạm dụng tình dục trẻ em, và Ủy Ban cuối cùng cũng sẽ đưa ra những kết quả bất lợi, tuy nhiên Ngài cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng sẽ không có những bằng chứng mới nào nữa. Ngài nói, Đức Hồng Y hiện là Trưởng Bộ Phận Kinh Tế Tòa Thánh, đang là mục tiêu của những thử nghiệm về những ứng xử của Ngài.
“Họ ước ao chiến thắng bằng cách hạ bệ một nhân vật có tên tuổi” theo lời Tổng Giám Mục Fisher!
Tưởng cũng nên nhắc lại, các Giám Mục Úc Châu đã bày tỏ sự ngỡ ngàng, và thất vọng trước việc Peter Saunders, một thành viên người Anh trong ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em gay gắt lên án Đức Hồng Y George Pell, trong chương trình truyền hình tối Chúa Nhật 31 tháng 5 rằng Đức Hồng Y có một thái độ “gần như là bất lương” khi giải quyết các cáo buộc lạm dụng tính dục.
Peter Saunders, người chưa từng gặp Đức Hồng Y, sống ở một đất nước cách xa nước Úc hơn nửa vòng trái đất, không biết gì đến những thành tích chống lạm dụng tính dục của một vị Hồng Y được nhiều người Úc yêu mến đã tấn công Đức Hồng Y dưới chiêu bài là “cố vấn của Đức Giáo Hoàng”. Điều này đã mở đường cho truyền thông thế tục chà đạp Đức Hồng Y nói riêng và Giáo Hội Công Giáo tại Úc nói chung, cũng như gây hoang mang trong anh chị em giáo dân.
Vì thế, ngày 3 tháng 6, các Giám Mục tại Úc đã đưa ra tuyên bố chung sau đây:
“Hôm thứ Hai Đức Tổng Giám Mục Denis Hart đã đưa ra một tuyên bố về Đức Hồng Y George Pell, là những điều sau đó ngài đã trả lời các cuộc phỏng vấn. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những ý kiến này.
Chúng tôi biết rõ Đức Hồng Y Pell, qua sự cộng tác chung với ngài trong nhiều năm qua, dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Ngài là một người liêm chính dấn thân cho sự thật, và luôn giúp đỡ người khác, nhất là những người dễ bị tổn thương, hay những người đang phải vất vả vật lộn với cuộc sống. Phong cách của ngài có thể là mạnh mẽ, thẳng thắn, và bộc trực. Nhưng bên trong, ngài có một trái tim vĩ đại dành cho người dân.
Đức Hồng Y Pell là một trong những vị giám mục đầu tiên trên thế giới, đề ra và áp dụng một chương trình phản ứng toàn diện của Giáo Hội, nhằm điều tra những cáo buộc về lạm dụng tình dục của các linh mục, và trợ giúp cho những nạn nhân với những bồi thường và tư vấn. Ngài đã đáp lại những lời chỉ trích cách thức ngài giải quyết các vấn đề này trong những năm qua, thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, và xin lỗi về những điều đó.
Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ mạnh mẽ và bền bỉ của Đức Hồng Y cho các công việc quan trọng của Ủy ban Hoàng gia và thiện chí luôn sẵn sàng hỗ trợ Ủy ban Hoàng gia bất cứ khi nào ngài được yêu cầu.”
Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, Tổng Giám mục của Brisbane
Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe SDB, Tổng Giám Mục Perth
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher OP, Tổng Giám Mục Sydney
Đức Tổng Giám Mục Julian Porteous, Tổng Giám mục của Hobart
Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse, Tổng Giám mục của Canberra-Goulburn
Đức Giám Mục Peter Comensoli, Giám Mục Broken Bay
Đức Giám Mục Terence Brady, Giám mục phụ tá của Sydney