Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Khoảng 1.5 triệu người đã tham dự cuộc triển lãm tấm khăn liệm Turin dành cho công chúng.
Đức Tổng Giám mục Nosiglia nói rằng cuộc triển lãm năm nay, được khai mạc ngày 19 tháng 4 và kết thúc vào ngày 24 tháng 6 đã là “một kinh nghiệm choáng ngợp” cho hàng trăm ngàn khách hành hương. Ngài nói rằng điểm nổi bật trong cuộc triển lãm lần này là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha đã cầu nguyện trước Khăn Liệm trong chuyến thăm của ngài đến Turin trong hai ngày 21 và 22 tháng 6.
2. Một nhà báo người Ý lo ngại rằng một phán quyết tiêu cực về Medjugorje có thể gây chia rẽ trong Giáo Hội
Trong khi có những tin đồn lan rộng tại Rôma theo đó Tòa Thánh sẽ sớm đưa ra một tuyên bố chính thức về những lời đồn đại cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra tại Medjugorje, một nhà báo người Ý cảnh báo rằng một phán quyết tiêu cực có thể gây ra “một cái gì đó giống như là ly giáo.”
Theo nhà báo Vittorio Messori, sau Công Đồng Chung Vatican II, đạo Công Giáo đã phải gánh chịu những tấn kích tơi tả. Trong bối cảnh ấy hiện tượng Medjugorje đã hình thành nên một phong trào đạo đức bình dân lớn nhất từ sau Công Đồng. Ông trích dẫn nhiều người mà niềm tin đã được nhen nhóm trở lại sau khi đến thăm thị trấn bé nhỏ ở Bosnia-Herzegovina nơi những lần Đức Mẹ hiện ra đầu tiên được báo cáo.
Messori đề nghị Đức Thánh Cha Phanxicô nên thận trọng đừng đưa ra một lập trường chính thức về tính xác thực của các cuộc hiện ra, nhưng chỉ đơn giản là ghi nhận những hoa trái thiêng liêng.
Năm 1991, các giám mục Nam Tư lúc đó đã ban hành một tuyên bố chính thức theo đó các cuộc hiện ra được báo cáo lại “không thể nào khẳng định được là siêu nhiên”. Lời tuyên bố ấy vẫn là phán quyết có thẩm quyền nhất của Giáo Hội cho đến nay. Vatican đã cảnh báo các mục tử không được ủng hộ những sự kiện mặc nhiên nhìn nhận tính xác thực của các báo cáo cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra.
Một ủy ban quốc tế, được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 để nghiên cứu về hiện tượng này, đã hoàn thành công việc của mình và chuyển giao kết quả điều tra cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các nhà báo hồi đầu tháng này rằng Vatican đã “gần đi đến một quyết định” về vấn đề này.
Trong một diễn biến có liên quan chặt chẽ, một cuốn sách mới của một linh mục Brazil, dựa trên một cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô, tường thuật rằng ngài rõ ràng đã bày tỏ thái độ hoài nghi về tính xác thực của các cuộc hiện ra được báo cáo và động cơ của những người được cho là đã nhìn thấy Đức Mẹ tại Medjugorje.
Trong cuốn sách “She’s My Mother: Encounters of Pope Francis with Mary”, cha Alexander Awi Mello - người đã thực hiện một cuộc phỏng vấn dài với Đức Thánh Cha trong chuyến tông du của ngài tại Brazil nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, cho biết Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự nghi ngờ của ngài rằng những người tuyên bố đã nhìn thấy Đức Mẹ thực ra có vấn đề về tâm lý, và những người khác đang cố tình lừa dối công chúng. Đức Giáo Hoàng được cho rằng đã chế giễu ý tưởng mà các thị nhân Medjugorje đưa ra là Đức Trinh Nữ Maria sẽ hiện ra theo đúng một thời biểu được ấn định trước.
Tuy nhiên, theo linh mục Brazil này, Đức Thánh Cha ghi nhận những hoa trái thiêng liêng của các hiện tượng tại Medjugorje, và nói: “Tôi biết ở giữa những hành động điên rồ của con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm phép lạ; không phải sao?”
3. Một Giám Mục lo sợ có sự gia tăng trong bạo lực chống Kitô giáo của các thành phần cực đoan Do Thái
Một Giám Mục Công Giáo cảnh báo rằng những vụ tấn công vào các nhà thờ Kitô Giáo ở Israel do những thành phần cực đoan Do Thái gây ra phản ánh một xu hướng nguy hiểm thiên về bạo lực nhiều hơn
Đức Giám Mục William Shomali, một trong những Giám Mục Phụ Tá của Đức Thượng Phụ nghi lễ La Tinh tại Jerusalem, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng việc đốt phá gần đây tại nhà thờ Hoá Bánh Ra Nhiều ở Tabgha là một dấu hiệu cảnh báo. “Có một sự leo thang thực sự trong những vụ bạo lực chống Kitô giáo, từ một ngọn lửa nhỏ gây ra ít thiệt hại cho đến một ngọn lửa lớn hơn và cuối cùng là một dự định đốt phá nhằm gây ra những thiệt hại rất lớn và thậm chí là giết người. Chúng tôi muốn được hỏi: điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây?”
Ghi nhận những phản ứng nhanh chóng từ chính phủ Israel, Đức Giám Mục Shomali nói rằng ngài tin tưởng rằng các hành động này chỉ là “do một nhóm rất nhỏ và hung hăng gây ra.” Nhưng ngài bày tỏ quan ngại rằng “những nhóm quá khích này đang gia tăng về số lượng và mức độ bất bao dung.”
4. Chính phủ Ấn Độ có hành động chống lại Caritas
Chính phủ Ấn Độ đã đặt Caritas Ấn Độ vào danh sách cần theo dõi vì cho rằng tổ chức bác ái Công Giáo này có thể "tham gia vào các hoạt động chống Ấn Độ."
Tờ The Indian Express đưa tin rằng từ nay "bất kỳ giao dịch nào của tổ chức này thông qua các ngân hàng Ấn Độ sẽ cần phải được phê chuẩn bởi Bộ Nội vụ”. Tờ The Indian Express trích dẫn một quan chức cao cấp của chính phủ nói rằng Caritas Ấn Độ bị đặt vào danh sách cần theo dõi vì Caritas đã trợ giúp cho một số tổ chức phi chính phủ bị cáo buộc là tham gia vào các hoạt động chống Ấn Độ.
Caritas Ấn Độ là cơ quan chống đói nghèo và phát triển của Giáo Hội tại Ấn Độ.
Diễn biến này không gây ngạc nhiên cho người Công Giáo Ấn. Từ khi Narendra Modi, là một thành viên của đảng Ấn Giáo cực đoan - Bharatiya Janata Party – lên làm thủ tướng vào ngày 26 tháng Năm năm 2014 đến nay, tình trạng bách hại Kitô Giáo đã gia tăng với hàng chục nhà thờ Công Giáo bị đốt phá và hôi của, nhiều vụ tấn công vào các linh mục, nữ tu và anh chị em đã ồ ạt diễn ra.
5. Nhà ngoại giao Tòa Thánh đánh giá dự thảo chương trình nghị sự phát triển mới của Liên Hợp Quốc
Đức Tổng Giám mục Bernard Auza, sứ thần Tòa Thánh và là quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc, đã đưa ra một tuyên bố liên quan đến "dự thảo sơ khởi" một tài liệu mà một khi hoàn thành, sẽ hướng dẫn các chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc từ 2015 đến 2030.
Đức Tổng Giám mục Auza nói rằng phái đoàn Tòa Thánh “tin tưởng rằng chúng ta sẽ đi đến một chương trình nghị sự phát triển mới với tham vọng là tìm cách đạt được sự phát triển bền vững và một cuộc sống xứng đáng cho tất cả mọi người. Thông qua chương trình mới này, cộng đồng quốc tế sẽ mạnh dạn giải quyết những thách đố lớn nhất trước đó, như tình trạng nghèo đói cùng cực, sự loại trừ ngày càng tăng những người yếu thế và dễ bị tổn thương, và sự xuống cấp dần ‘ngôi nhà chung của chúng ta’ là môi trường”.
Ngài nói thêm: “Phái đoàn của tôi cho rằng chương trình mới này nên đặt con người tại trung tâm của nó, không chỉ là người thụ hưởng chính của sự phát triển bền vững, mà còn là tác nhân và là người quản lý của nó, trong khi hoạt động trong tình liên đới với những người có nhu cầu lớn nhất đối với thiện ích chung của xã hội và môi trường”.
Đức Tổng Giám mục Auza ca ngợi dự thảo đầu tiên này "cũng được sắp xếp và đã bao gồm các quan điểm từ tất cả các thành phần và các bên liên quan." Đồng thời, ngài chỉ trích là tài liệu còn rườm rà và nói thêm, "Chúng tôi sẽ phản đối việc áp đặt trên các nước và các dân tộc các mục tiêu và những tiêu chí trái với pháp luật và các giá trị của họ”
6. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: Cần làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người tị nạn chạy trốn khủng bố Hồi Giáo
Chủ tịch của Ủy ban Di cư thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Obama làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người tị nạn Syria và Iraq, đặc biệt là những người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ trước sức tiến công của bọn khủng bố trong cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”.
Nhà nước Hồi giáo hiện đang kiểm soát một nửa Syria và một phần tư của Iraq. Theo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 11.6 triệu người Syria và 3 triệu người Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa của mình, nhưng chưa đến 1,000 người tị nạn Syria đã được cho phép định cư ở Hoa Kỳ.
"Đây là một cuộc khủng hoảng đang tiếp tục phát triển và chưa thấy hồi kết thúc", Đức Cha Eusebio Elizondo, là Giám mục phụ tá của tổng giáo phận Seattle, nói. "Chúng ta không còn có thể ngoảnh mặt trước những đau khổ của anh chị em chúng ta ở Trung Đông."
Đức Cha nói thêm: "Rõ ràng là các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả các Kitô hữu và người Yazidis, đang là mục tiêu và cần sự hỗ trợ tinh thần và vật chất của chúng ta". Ngài kêu gọi Hoa Kỳ đưa ra thêm những hỗ trợ, với nhiều hơn những cơ hội được tái định cư tái Hoa Kỳ.
7. Chị Nirmala, người kế vị Mẹ Teresa qua đời ở tuổi 81
Chị Nirmali Joshi, người đã kế vị Mẹ Teresa Calcutta trong tư cách người lãnh đạo Dòng Thừa Sai Bác Ái, đã qua đời vào ngày 22 tháng Sáu , thọ 81 tuổi.
Chị Nirmala được sinh ra ở Ranchi, Ấn Độ. Cha mẹ chị là người theo Ấn Giáo. Được giáo dục bởi các giáo sĩ Công Giáo, chị đã gặp Mẹ Teresa và xúc động trước công việc của Mẹ, chị đã tham gia vào dòng. Chị đã thành lập chi nhánh chiêm niệm của dòng, và năm 1997 được bầu vào chức vụ lãnh đạo Dòng Thừa Sai Bác Ái.
Ngày 19 tháng Sáu vừa qua, do ảnh hưởng của bệnh tim, chị Nirmala bị suy thận. Không đồng ý với phương pháp điều trị tốn kém là lọc máu, chị trở về nhà để dành ra những giờ sau cùng của mình với cộng đoàn của mình ở Calcutta.
8. Công báo Vatican thảo luận về ảnh hưởng của Á Căn Đình trên thông điệp của Đức Giáo Hoàng
Viết trên tờ Quan Sát Viên Rôma, nhà báo Silvina Perez đã thảo luận về ảnh hưởng của Á Căn Đình trên thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Cô Silvina Perez cho biết lưu vực sông Matanza của Á Căn Đình được “xếp hạng thứ tám trong số mười địa điểm ô nhiễm nhất thế giới”. Vùng đất kéo dài đến 60 km này là nơi tập trung nhiều nhà máy, đặc biệt là các nhà máy sản xuất hóa học. Chúng gây ô nhiễm môi trường, đầu độc bầu không khí với đủ loại chất độc. Mặc dù được coi là không thích hợp cho con người cư trú, khu vực này là một khu dân cư đông đúc.
Perez cũng ghi nhận rằng “hiện nay vẫn còn 130 triệu người khắp Mỹ Châu La tinh không được tiếp cận với nguồn nước sạch”. Thông điệp, do đó, là “một tài liệu bao gồm những trang từ thực tế cuộc sống, kết hợp với nhau trên một sợi thép dài những câu chuyện của những người tị nạn trốn khỏi những nơi mà phẩm giá xã hội của họ bị từ chối; những nạn nhân của việc khai thác các nguồn lực, và những nạn nhân của ‘nền văn hóa vứt bỏ’”.
Perez cũng đã đề cập đến những nhân vật người Á Căn Đình mà Đức Thánh Cha đã lắng nghe khi ngài phác thảo thông điệp này, bao gồm học giả Andean Clelia Luro, chính trị gia và đạo diễn phim Pino Solanas, và Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández.
Đức Hồng Y Peter Turkson và các chuyên gia của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình thu thập các tư liệu hình thành nên thông điệp từ các miền khác nhau của thế giới, phát triển các bản thảo đó trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đọc và sửa đổi. Ngài đã gửi dự thảo cho Bộ Giáo Lý Đức Tin, phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và các nhà thần học của Đức Giáo Hoàng góp ý thêm. Đức Giáo Hoàng có ý muốn cho thông điệp được công bố trước khi hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris khai diễn.
9. Chính phủ Ai Cập đang trong chiến dịch có hệ thống nhằm loại bỏ văn học Hồi giáo cực đoan
Chính phủ Ai Cập đang loại bỏ văn học Hồi giáo cực đoan khỏi các thư viện, các nhà sách, và các nhà thờ Hồi giáo. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên.
Giáo sĩ Mohammed Abdel Razek, một quan chức của Bộ tôn giáo chính phủ, nói rằng văn phòng của ông đang phối hợp với Bộ an ninh quốc gia nhằm loại bỏ thứ văn học thánh chiến.
Văn phòng của ông đã mở các cuộc hội thảo để chống lại ảnh hưởng của trào lưu cực đoan, và cảnh báo các quan chức Hồi giáo rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về các thứ được sử dụng trong nhà thờ Hồi giáo của họ.