Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ những đau khổ của Giáo Hội Chính Thống Syriac và cầu mong những thử thách đau thương này càng cũng cố mối liên hệ thân hữu và huynh đệ giữa hai Giáo Hội.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 19 tháng 6, dành cho Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II, và phái đoàn Giáo Hội Chính Thống Syriac đến viếng thăm Tòa Thánh. Giáo Hội này có khoảng 1 triệu 800 ngàn tín hữu trên thế giới.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắc đến tiến trình đối thoại giữa Công Giáo và Chính Thống Syriac từ 44 năm nay tức là từ sau cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Ignatius Jacob III tại Roma năm 1971. Ngài đặc biệt mô tả “Giáo Hội Chính Thống Syriac như một Giáo Hội tử đạo, nhất là trong tình trạng Trung Đông ngày nay: Giáo Hội này cùng với các cộng đoàn Kitô và các nhóm thiểu số khác đang phải chịu những đau khổ kinh khủng do chiến tranh, bạo lực và bách hại gây ra! Bao nhiêu đau thương! Bao nhiêu nạn nhân vô tội! Đứng trước tất cả những điều đó, dường như các nước hùng mạnh của thế giới này không có khả năng tìm ra những giải pháp”.
Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Máu các vị tử đạo là hạt giống tạo nên sự hiệp nhất của Giáo Hội và là dụng cụ xây dựng nước Thiên Chúa là nước an bình và công chính. Đức Thượng Phụ và anh em thân mến, trong lúc thử thách cam go và đau thương này, chúng ta hãy củng cố hơn nữa các mối liên hệ thân hữu và huynh đệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Syriac. Chúng ta hãy mau tiến bước trên con đường chung, mắt hướng nhìn về ngày mà chúng ta có thể cử hành sự kiện chúng ta cùng thuộc về Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô quây quần quanh cùng một bàn thờ Hy Tế và chúc tụng. Chúng ta hãy trao đổi các kho tàng truyền thống chúng ta như những hồng ân thiêng liêng, vì điều liên kết chúng ta trổi vượt hơn những gì chia rẽ chúng ta”
2. Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn Hiệp sĩ Lao động Italia
Trong buổi tiếp kiến sáng 20 tháng Sáu dành cho 150 thành viên Liên đoàn quốc gia các Hiệp sĩ Lao Động Italia, Đức Thánh Cha tái lên án nạn thất nghiệp giới trẻ.
Hiệp sĩ Lao động là những người nổi bật trong giới chủ xí nghiệp và kinh tế, được Tổng thống Italia tưởng thưởng Huân công quốc gia vì đã góp phần kiến tạo công ăn việc làm và làm tăng trưởng giá trị các sản phẩm Italia trên thế giới.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói đến tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay trong một bối cảnh xã hội với những chênh lệch và nạn thất nhiệp, nhất là nơi người trẻ. Ngài gọi tình trạng thất nghiệp này của người trẻ là một triệu chứng cho thấy có những gì bất ổn trầm trọng, mà người ta không thể chỉ qui trách cho những nguyên nhân trên bình diện hoàn cầu và quốc tế.
Đức Thánh Cha nhắc lại một điều mà giáo huấn xã hội Công Giáo liên tục nhấn mạnh đó là tiêu chuẩn căn bản, theo đó con người ở trung tâm sự phát triển, và bao lâu còn có những người nam nữ thụ động hoặc ở ngoài lề, thì công ích không thể được coi là đã hoàn toàn đạt được.
Đức Thánh Cha ca ngợi sáng kiến mà Liên đoàn toàn quốc các Hiệp sĩ lao động Italia đang làm nổi bật, đó là ngoài vai trò xã hội của lao động, còn có chiều kích luân lý đạo đức nữa. Thực vậy, chỉ khi nào ăn rễ trong công lý và tôn trọng luật pháp thì nền kinh tế mới góp phần vào sự phát triển đích thực, không gạt cá nhân và các dân tộc ra ngoài lề, tránh được nạn tham ô và bất lương, cũng như không lơ là với việc bảo vệ môi trường tự nhiên.
3. Đại diện của Vatican tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York kêu gọi hành động quốc tế có hiệu quả hơn để bảo vệ trẻ em trong chiến tranh.
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza nói trong một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng năm qua, 2014, “là năm tồi tệ nhất đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột vũ trang”, với ước tính khoảng 230 triệu trẻ em sống trong các khu vực chiến tranh tàn phá.
Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng tỷ lệ thương vong dân sự trong các cuộc xung đột vũ trang đã tăng vọt trong thế kỷ qua, từ 5% tổng số tử vong đã lên hơn 90%. Trẻ em, cố nhiên, là một phần đông đảo trong số những thường dân vô tội bị ảnh hưởng.
Đức Tổng Giám mục Auza cũng kêu gọi sự chú ý đến việc sử dụng trẻ em trong chiến tranh, vi phạm các công ước quốc tế. Một số trẻ em được sử dụng làm lá chắn để tránh bị ném bom, trong khi những trẻ khác bị đào tạo để đánh bom tự sát. Vẫn còn những người khác bị bắt cóc và bị ép buộc thực thi các nhiệm vụ như những người lính.
4. Hội Đồng các đấng bản quyền tại Thánh Điạ lên án vụ đốt nhà thờ tại Giêrusalem
Các đấng bản quyền tại Thánh Địa đã lên án các cuộc tấn công đốt phá diễn ra hôm 18 Tháng 6 tại nhà thờ “Hoá Bánh và Cá ra nhiều” được xây dựng trên bờ biển Galilê.
Các Giám Mục ghi nhận rằng “Đây là lần thứ ba cộng đồng Biển Đức của Thánh Địa đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công tương tự”.
“Vào ngày 27 tháng 4 năm 2014 tại cùng một điạ điểm tại Tabgha, những thanh niên trẻ cực đoan người Do Thái đã báng bổ thánh giá và đập phá một bàn thờ. Tại tu viện Đức Mẹ Dormition trên núi Sion gần phòng Tiệc Ly, một đám cháy đã xảy ra vào ngày 26 Tháng Năm năm ngoái, 2014, chỉ một vài phút sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc chuyến viếng thăm Do Thái và lên máy bay trở về Rôma. Các tu sĩ Biển Đức của núi Sion cũng không ngừng gánh chịu những hành vi khinh miệt và bạo lực.”
Hội Đồng các đấng bản quyền nói thêm:
Trong những tháng gần đây, các cuộc tấn công khác cũng đã nổ ra đối với các điạ điểm Kitô giáo hay nhà thờ Hồi giáo và chẳng có cuộc điều tra nào được thực hiện. Với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng, chúng tôi yêu cầu điều tra ngay lập tức và những thủ phạm của những hành vi phá hoại này phải bị đưa ra trước công lý. Chúng tôi cảm ơn các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo đã lên án hành động này và bày tỏ tình đoàn kết của họ với chúng tôi.
5. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hoan nghênh thông điệp Laudato Sí
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố thay mặt các giám mục anh em chào đón thông điệp thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô “với một trái tim rộng mở và với lòng biết ơn.”
Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville viết: “Trong những suy tư đẹp đẽ và phong phú này về việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, Đức Thánh Cha đã kêu gọi tất cả mọi người hãy xem xét mối quan hệ sâu sắc và gắn bó của chúng ta với Thiên Chúa, anh chị em chúng ta, và những ân sủng mà Đấng Tạo Hóa đã trao cho chúng ta quản lý”.
Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng “những nỗ lực để đối thoại đích thực sẽ đòi hỏi những hy sinh và lòng can đảm dám đương đầu với những bất đồng đức tin. Xin cho chúng ta có thể giúp đáp lại những lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong khi đón nhận thông điệp của ngài và tăng trưởng trách nhiệm đối với ngôi nhà chung mà Thiên Chúa đã giao phó cho tất cả chúng ta.”
6. Đức Hồng Y chủ tịch Caritas nhận định về thông điệp Laudeto Sí
Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục thủ đô Manila của Phi Luật Tân, chủ tịch Caritas International nói rằng thông điệp thứ hai của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ “truyền cảm hứng cho các công việc của tổ chức Caritas trong nhiều năm tới.”
“Tôi đã đến thăm cộng đồng những người đang sống trên những đống rác. Trẻ em được sinh ra trong những thùng rác, lớn lên và chết ở đó. Họ cảm thấy mình như rác rưởi.”
“Đây không phải là sự sáng tạo của Thiên Chúa, đây là sự bần cùng hóa nhân loại. Đức Thánh Cha đang mời tất cả mọi người phải suy nghĩ về thực tại này. Ngài kêu gọi chúng ta hãy có một phong cách sống mới, để thay đổi cơ cấu kinh tế đã gây ra rất nhiều tác hại, và đón nhận lại trách nhiệm của chúng ta đối với những người khác và đối với thế giới.”
7. Đức Hồng Y Peter Turkson chỉ trích những nhận định của ứng cử viên tổng thống Jeb Bush
Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, đã chỉ trích ý kiến của cử viên tổng thống Jeb Bush khi ông bình luận về thông điệp Laudato Sí của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ông Bush, một người Công Giáo nói: “Tôi không đưa ra những chính sách kinh tế dựa theo ý kiến của các giám mục hay Hồng Y của tôi, hoặc từ Đức Giáo Hoàng của tôi. Tôi nghĩ rằng tôn giáo chỉ nên về làm cho chúng ta thành những con người tốt hơn về mặt, chứ đừng hướng nhiều về những điều mà cuối cùng đi vào lĩnh vực chính trị.”
Đức Hồng Y Turkson bày tỏ sự bất bình trước những nhận xét này. Ngài nói:
“Đạo đức có liên hệ đến các quyết định và lựa chọn chúng ta đưa ra trong các tình huống cụ thể, bao gồm cả phương diện kinh tế. Tôi ao ước rằng chúng ta đừng tạo ra thêm những phân cách giả tạo giữa các vấn đề đạo đức, thần học, và các vấn đề kinh tế.”
Tại buổi họp báo trình bày thông điệp Laudeto Sí, Đức Hồng Y Turkson nói rằng “chúng tôi đề cập về nhiều vấn đề không phải vì chúng tôi là những chuyên gia về những vấn đề ấy, nhưng chúng tôi đả động đến chúng bởi vì chúng liên quan đến các tác động đến cuộc sống của chúng ta.”
“Đảng Cộng hòa và nhân vật tranh cử tổng thống nói họ sẽ không lắng nghe Đức Giáo Hoàng, đó là tự do của họ. Quyết định của họ không muốn lắng nghe Đức Giáo Hoàng dựa trên điều họ nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đang nói về một cái gì đó mà ngài không phải là một chuyên gia về lãnh vực ấy.”
8. Nhận định của một thần học gia Á Căn Đình về thông điệp Laudato Sí
Cha Augusto Zampini, một linh mục dòng Tên và là thần học gia luân lý người Á Căn Đình, là người làm việc nhiều năm với Đức Hồng Y Jorge Bergoglio ở Buenos Aires. Ngài nói thông điệp “Laudato Si” phản ánh tính cách của Đức Giáo Hoàng và kinh nghiệm của ngài về phục vụ người nghèo trong các khu ổ chuột của thủ đô Á Căn Đình.
Cha Zampini cho biết khi đọc thông điệp này ngài có thể nghe thấy giọng nói của Đức Giáo Hoàng và cách thế ngài nói “thay mặt cho những người bị gạt ra ngoài lề” và cũng cảm nhận được “hy vọng của ngài cho một thế giới tốt đẹp hơn.” Ngài cho biết kinh nghiệm làm việc với người nghèo của Đức Giáo Hoàng ở Buenos Aires rất quan trọng và giúp định hình suy nghĩ của ngài trong thông điệp về những vấn đề như sự bất bình đẳng toàn cầu, nghèo đói và loại trừ.
Khi được hỏi về mong muốn Đức Giáo Hoàng đưa ra thông điệp của ngài nhiều tháng trước khi hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris, cha Zampini nói rằng Đức Giáo Hoàng cố ý muốn “có tiếng nói” tại hội nghị này, không chỉ tiếng nói của ngài mà còn bao gồm “những tiếng nói của những người không có tiếng nói” trong các cuộc đàm phán quan trọng quyết định tương lai của hành tinh chúng ta. Tuy nhiên, cha Zampini thừa nhận rằng một số người ở các vị trí quyền lực sẽ không chấp nhận những lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về vấn đề biến đổi khí hậu và thay vào đó họ sẽ đấu tranh tới cùng cho quyền lợi của chính họ.
Khi nói đến tác động lâu dài của thông điệp, Cha Zampini tin này “tài liệu đầy cảm hứng” này sẽ có tác động hai mặt: cả về các cuộc đàm phán sắp tới tại Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cũng như trong lòng Giáo Hội nơi ngài hy vọng thông điệp này sẽ kích hoạt một “sự hoán cải .. . và khởi đầu một sự chuyển đổi nhận thức và hành động liên quan đến sinh thái trong các cộng đồng Công Giáo trên toàn thế giới.”
9. Hàn quốc cử hành ngày Hòa bình và Hòa giải bằng cách ăn chay và cầu nguyện
Ăn chay và cầu nguyện thầm lặng cho hòa bình: đây là cách Giáo Hội Hàn Quốc kỷ niệm Ngày Hòa bình và Hòa giải. Theo một sáng kiến đã có từ năm 1965 đến nay, ngày 25 tháng 6 hàng năm, ngày khởi đầu cuộc chiến tranh Triều Tiên, được Giáo Hội Hàn quốc chọn là ngày toàn quốc ăn chay và cầu nguyện cho Hòa bình và Hòa giải tại bán đảo Triều Tiên.
Các sự kiện diễn ra trong năm nay có một ý nghĩa đặc biệt vì năm 2015 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 70 việc chia cắt Hàn Quốc, trong khi ngày 25 tháng 6 đánh dấu kỷ niệm 65 năm chiến tranh giữa hai miền.
Hôm 21 tháng Sáu, Tổng Giáo phận Seoul đã kỷ niệm ngày hòa bình và hoà giải với một thánh lễ bế mạc những ngày chay tịnh và cầu nguyện diễn ra từ hôm 17 tháng 6 để nhớ đến các anh chị em ở miền Bắc và thúc đẩy tình đoàn kết tại Hàn Quốc. Những người tham gia ăn chay cũng cam kết quyên góp một số tiền lớn để viện trợ nhân đạo cho miền Bắc.
Tổng Giáo Phận Seoul còn có nhiều sáng kiến khác nhau như phong trào kinh Mân Côi từ tháng Giêng đến cuối năm 2015, với ý chỉ đặc biệt cho hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.