Thật đáng buồn khi thấy những Kitô hữu vừa muốn “theo Chúa Giêsu vừa muốn những sự thuộc về thế gian này”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 26 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài nhấn mạnh rằng Kitô hữu được mời gọi đưa ra sự chọn lựa quyết liệt trong cuộc sống: anh chị em không thể là một Kitô hữu “nửa vời”, muốn “cả thiên đàng lẫn thế gian”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha trình bày những suy tư trên câu hỏi thánh Phêrô đưa ra với Chúa Giêsu: ông và các tông đồ sẽ được hồi đáp những gì khi theo Chúa Giêsu? Thánh Phêrô đã đưa ra câu hỏi này sau khi Chúa bảo người thanh niên giàu có hãy bán hết của cải của anh và phân phát cho người nghèo.

Một Kitô hữu không thể có cả thiên đàng lẫn thế gian; đừng để mình dính bén vào của cải

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng, Chúa Giêsu đã trả lời trái với sự mong đợi: Ngài không hứa ban giàu có cho các môn đệ, nhưng là hứa ban Nước Trời đi kèm với “bách hại và thập giá”.

“Vì thế khi một Kitô hữu dính bén vào của cải thế gian, người ấy đưa ra một ấn tượng rất xấu về người Kitô hữu muốn được cả hai: cả thiên đàng lẫn thế gian. Tiêu chí lựa chọn [của người môn đệ Chúa] chính xác là điều Chúa Giêsu đã nói: thập giá và bách hại, là từ bỏ mình và vác thánh giá mỗi ngày... Các môn đệ bị cám dỗ để vừa muốn theo Chúa nhưng lại muốn mặc cả. Cuộc mặc cả này kết thúc như thế nào đây?”

Đức Thánh Cha nhắc đến một đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu kể lại việc bà mẹ của hai tông đồ Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu bảo đảm cho hai người con bà được hầu cận hai bên Ngài.

Đức Thánh Cha khôi hài rằng: “À! cho đứa này làm thủ tướng cho tôi - còn đứa kia làm bộ trưởng kinh tế… Bà đã chọn lợi lộc trần thế khi theo Chúa Giêsu”.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống “tâm hồn các môn đệ được thanh tẩy, họ mới hiểu mọi sự. Theo Chúa Giêsu một cách nhưng không là sự đáp lại tình yêu và ơn cứu độ nhưng không của Ngài ban cho chúng ta”. Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng “Khi ta muốn cùng đi cùng ở với cả Chúa Giêsu và thế gian, với cả sự khó nghèo và sự giàu sang thì đó là Kitô giáo nửa vời còn mải mê thu tích của cải đời này. Đó là tinh thần thế gian”

Sự giàu có, phù hoa và kiêu ngạo làm cho chúng ta xa Chúa Giêsu

Lặp lại những lời của tiên tri Êlia, Đức Thánh Cha Phanxicô ám chỉ những kitô hữu loại này là người “khập khễnh trên hai chân” vì người ấy “không biết mình muốn gì”. Đức Thánh Cha khẳng định rằng để hiểu điều này, chúng ta phải nhớ điều Chúa nói “kẻ trước hết sẽ nên chót hết và người sau hết sẽ nên trước hết”, nghĩa là “ai tin hay ai là người cao trọng nhất” phải là “người tôi tớ và trở nên nhỏ bé nhất”.

“Theo Chúa Giêsu, theo quan điểm người ta thường tình, không phải là lựa chọn tốt vì đó là phục vụ như Ngài đã làm. Nếu Chúa ban cho anh chị em cơ hội trở nên người ‘trước hết’, thì anh chị em phải hành động giống như người chót hết, nghĩa là, phục vụ anh chị em mình. Và nếu Chúa ban cho anh chị em khả năng có nhiều của cải, thì anh chị em phải phục vụ, nghĩa là trao ban cho tha nhân. Có ba thứ, ba bước làm cho chúng ta xa Chúa Giêsu là sự giàu có, phù hoa và lòng kiêu ngạo. Đó là tại sao ba điều này rất nguy hiểm! Sự giàu có ngay lập tức tạo nên hư danh và anh chị em nghĩ rằng mình quan trọng. Và khi anh chị em nghĩ mình quan trọng như thế thì anh chị em đánh mất đi cái đầu của mình và đánh mất chính mình”.

Một Kitô hữu trần tục là một dấu chỉ phản chứng.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Điều Chúa muốn nơi chúng ta là ‘lột sạch’ những bám víu trần tục. Chúa Giêsu đã mất nhiều thời gian mới làm cho các tông đồ hiểu được điều này ‘bởi vì họ không hiểu’. Chúng ta cũng phải xin Ngài dạy chúng ta “khoa học phục vụ này”, “khoa học về sự khiêm nhường, khoa học để trở nên chót hết hầu phục vụ anh chị em mình trong Giáo Hội”.

“Thật là buồn khi thấy một kitô hữu nửa vời cho dù đó là một giáo dân, một linh mục, hay một giám mục. Thật buồn khi anh chị em thấy một người vừa theo Chúa Giêsu vừa đam mê những sự thế gian. Và đây là một dấu chỉ phản chứng làm cho người ta xa Chúa Giêsu. Giờ đây, chúng ta tiếp tục cử hành Hy Tế Thánh Thể, trong khi suy gẫm về câu hỏi của Phêrô. ‘Chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy thì chúng con sẽ nhận được gì?’ Và hãy nghĩ về câu trả lời của Chúa Giêsu. Phần thưởng Ngài sẽ ban cho chúng ta là trở nên giống như Ngài. Đây là “ân thưởng” của chúng ta. Ân thưởng to lớn là được nên giống như Chúa Giêsu!”