Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Điều kiện kinh tế thê thảm đang thúc bách người dân Phi Châu liều chết đổ sang Âu Châu

Ngoài những nạn nhân của chiến tranh do khủng bố Hồi Giáo gây nên tại Trung Đông, nhiều người tỵ nạn, phần đông đến từ Phi Châu, là những người chạy trốn cuộc sống quá cơ cực tại quê nhà. Điều này phản ánh một tình trạng bất quân bình trong guồng máy kinh tế thế giới. Nhiều nước giàu lên rất nhanh và nhiều nước đang chịu cảnh bần cùng hóa thê thảm.

Salat Ahmed, một người Somali đang mưu tính chuyện bỏ nước ra đi liều mình vượt biên Địa Trung Hải nói:

“Cuộc sống ở châu Âu 100 phần trăm rất là được. Những người bạn của tôi đã đặt chân đến Châu Âu gọi về và nói mọi sự đều rất tốt ở đó và tôi tin họ. Và tôi đã thấy như thế trên truyền hình.”

Đề cập đến những nguy hiểm trong cuộc hành trình vượt Địa Trung Hải, anh nói:

“Tôi hiểu những nguy hiểm của cuộc hành trình đến châu Âu, nhưng bạn không thể sống một cuộc sống huy hoàng nếu bạn không thử. Tôi đã nghe nói về những người chết trong cuộc hành trình, nhưng đó là giá mà bạn phải trả cho một cuộc sống tốt đẹp.”

Noor Hussein, một giáo viên người Somali cũng đang tính đường vượt biển Địa Trung Hải cho biết:

“Tôi không phải là một người cô đơn. Bạn thấy đấy, tôi có cha và mẹ, tôi có anh chị em, tôi có người thân. Tôi phải giúp họ hết sức có thể, như những người khác. Nhưng mục tiêu chính là để thay đổi cuộc sống của tôi; đất nước này không sống nổi. Tôi phải đi nơi khác để thoát khỏi cái đất nước hắc ám này”.

2. Địa Trung Hải trở thành cửa ngõ chủ yếu dẫn vào châu Âu

Từ đầu năm 2014, đã xảy ra những thay đổi rất lớn về dân số tại châu Phi và Trung Đông với hàng triệu người phải chạy giặc Hồi Giáo bên cạnh một làn sóng những người chạy trốn nghèo đói.

Các chuyên gia nhận xét rằng Địa Trung Hải đã trở thành cửa ngõ vào châu Âu mà người di cư ưa chuộng.

Trong năm 2014, 283,000 người di cư bất hợp pháp đã bị bắt tại Liên minh châu Âu, sau khi họ liều chết cố gắng băng qua các đại dương với những chiếc thuyền chật chội và thường là ọp ẹp. Các quan chức Liên Hiệp Châu Âu ước tính hơn 220,000 trong số này đã đến châu Âu qua Địa Trung Hải.

Phần đông những người tị nạn Syria từ thủ đô Damascus của Syria và các vùng Trung Đông khác chạy đến thủ đô Tripoli của Lybia trước khi xuống thuyền với Địa Trung Hải đổ xô vào Lampedusa, Malta và Italia. Chỉ riêng từ đầu năm tới nay đã có hơn 1500 người bị thiệt mạng.

Nhiều người tị nạn Syria tìm cách băng qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ đến Istanbul từ đó tìm cách vào Hy Lạp hay Bảo Gia Lợi.

Những người tìm cách tránh các cuộc xung đột và tình trạng nghèo đói tại Bắc Phi và vùng Sa mạc Sahara tìm cách vượt biển vào Tây Ban Nha, Pháp và Italia cũng phải vượt Địa Trung Hải từ các cảng Ceuta và Mellila là những nơi họ thường phải gánh chịu tù đày và cả những trường hợp bị cướp bóc bằng bạo lực.

3. Một nhà báo Ái Nhĩ Lan tố cáo cuộc trưng cầu dân ý về kết hiệp đồng tính do thủ tướng Enda Kenny bày ra sẽ tạo ra những vết thương không hàn gắn được

Một nhà báo có uy tín tại Ái Nhĩ Lan đã cáo buộc Thủ tướng Enda Kenny đang tiến hành một chiến dịch “liều lĩnh và xuất phát từ những suy nghĩ dại dột” trong cuộc trưng cầu cho phép công nhận về mặt pháp lý những “kết hiệp đồng tính”.

Cuộc trưng cầu dân ý “có nguy cơ chia rẽ đất nước một cách không thể hàn gắn được” Bruce Arnold nhận định như trên trong một bức thư ngỏ gửi đến Kenny. Ông cho biết:

“Nếu trưng cầu dân ý được tiến hành, tôi thấy rằng điều này sẽ gây ra những tổn hại không thể sửa chữa được cho đời sống đạo đức ở đất nước này, cho cuộc sống gia đình và tương lai của các gia đình, và dẫn đến các phương pháp vô luân cho sự ra đời và phát triển của trẻ em.”

Arnold cáo buộc chính phủ của Kenny đang đẩy đất nước vào một cuộc trưng cầu trong khi không cho phép bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về câu hỏi: “Các bộ trưởng nước này thề sẽ bỏ phiếu thuận nhưng đồng thời lại từ chối nói rõ ra lý do tại sao họ bỏ phiếu thuận. Họ không trả lời bất kỳ câu hỏi đang được đặt cho họ. Phần lớn là vì họ không biết câu trả lời.”

Trong một bài báo khác chống lại cuộc trưng cầu dân ý này, nhà báo David Quinn nói rằng nếu hôn nhân đồng tính được cho phép, chính phủ có thể cắt đứt nguồn tài trợ cho các cơ quan tư vấn hôn nhân Công Giáo, vì các cơ quan này không bao gồm các cặp vợ chồng đồng tính. Ông Quinn cũng cho rằng mặc dù một dự luật đang được thảo luận để bảo đảm rằng cho dù hôn nhân đồng tính có được hợp pháp hóa đi chăng nữa các linh mục sẽ không bị buộc phải cử hành nghi thức “hôn phối” đồng giới, bảo đảm đó có thể bị hủy bỏ trong một sớm một chiều.

84.7% trong tổng số 4,832,800 người Ái Nhĩ Lan là người Công Giáo. Tuy nhiên, Giáo Hội tại quốc gia này đang trải qua nhiều thách đố cam go chủ yếu vì những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ và khuynh hướng duy đời cực đoan do thủ tướng Enda Kenny lèo lái từ tháng Ba năm 2011 đến này.

Tuy là người Công Giáo, Enda Kenny theo đuổi một đường lối chống báng Giáo Hội rất cực đoan. Không phải chỉ chống Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan mà thôi. Enda Kenny chống Giáo Hội tới cấp hoàn vũ. Thật vậy, ngày 20 tháng 7 năm 2011, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Enda Kenny tấn công Tòa Thánh trong một động thái chưa từng có từ hàng lãnh đạo cao cấp của quốc gia này. Kenny lên án mơ hồ nhưng rất nghiêm trọng rằng Giáo Hội đã cản trở việc điều tra các vụ lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Ái Nhĩ Lan và đe dọa rằng “các mối quan hệ lịch sử giữa Giáo Hội và nhà nước Ái Nhĩ Lan có thể không được như trước nữa”.

Năm ngày sau đó, Tòa Thánh đã triệu hồi sứ thần Tòa Thánh tại nước này là Đức Tổng Giám Mục Leanza về Vatican như một cử chỉ biểu lộ “sự kinh ngạc, và thất vọng trước những phản ứng thái quá” của Enda Kenny.

4. Đức Thượng Phụ Gregory Laham Đệ Tam: Khủng bố Hồi Giáo tìm cách phá vỡ các mối quan hệ thân thiện giữa Kitô hữu Syria và người Hồi giáo

Ngay tại thời điểm này, quân khủng bố Hồi Giáo IS đang mở một chiến dịch tạo ra căng thẳng giữa các cộng đồng tôn giáo tại Syria. Đức Thượng Phụ Gregory Laham Đệ Tam của Giáo Hội Công Giáo Nghi Lễ Melkite tại Syria cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ biết như trên. Ngài nói:

“Mục tiêu hiện nay của quân thánh chiến Hồi Giáo là gây hận thù giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo”.

Đức Thượng Phụ cho biết các nhà lãnh đạo Giáo Hội Syria cố làm việc với các đối tác Hồi giáo ôn hòa để duy trì quan hệ hữu nghị bất chấp các chiến dịch gây bất hòa của quân thánh chiến.

Ngài cảnh báo:

“Chúng tôi đang có nguy cơ mất đi những mối quan hệ tốt đẹp này, nếu cuộc chiến này vẫn tiếp tục như hiện nay. Lúc đó, tình hình sẽ trở nên càng nguy hiểm hơn”

Cho đến khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011, các Kitô hữu và người Hồi giáo sống với nhau rất thân thiện ở Syria, nhà lãnh đạo Công Giáo Melkite bùi ngùi nói. Nhưng sau nhiều năm đổ máu, các tín hữu Kitô có nguy cơ bị diệt vong. Theo Đức Thượng Phụ hơn 100 nhà thờ thuộc Giáo Hội ngài đã bị phá hủy; hàng trăm ngàn người Kitô hữu đã phải bỏ chạy vì sự an toàn của mình.

Ngỏ lời với các tín hữu Kitô tại Syria, Đức Thượng Phụ nói:

“Anh chị em Kitô hữu chúng ta có một ơn gọi ở đây. Chúng ta phải là động lực cho sự đa nguyên trong thế giới Ả Rập.”

5. Mỹ loan báo huấn luyện cho các nhóm phiến quân “ôn hòa” tại Syria, ý kiến của các nhà lãnh đạo Giáo Hội

Hôm thứ Năm 7 tháng Năm, Ashton Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Hoa Kỳ bắt đầu huấn luyện cho các nhóm phến quân “ôn hòa” tại Syria. Ông nói:

“Chúng tôi muốn công bố rằng ngày hôm nay chúng tôi đã bắt đầu huấn luyện chiến đấu cho một nhóm có kích thước đại đội thuộc lực lượng Tân Syria. Chương trình này là một phần quan trọng và phức tạp trong các nỗ lực chống quân khủng bố Hồi Giáo IS của chúng tôi.”

Ông nói thêm:

“Họ không được chúng tôi yêu cầu tấn công vào các lực lượng của Assad [tên tổng thống Syria] và đó cũng không phải là chủ ý trong chương trình của chúng tôi. Vì vậy, câu hỏi đặt ra nếu các lực lượng Assad tấn công họ thì chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ họ hay không, thì tôi khẳng định là chúng tôi sẽ đánh trả. Nhưng họ không được huấn luyện nhằm vào mục đích đó. Họ đang được chuẩn bị để chiến đấu với quân khủng bố Hồi Giáo IS.”

Đức Thượng Phụ Gregory Laham Đệ Tam của Giáo Hội Công Giáo Nghi Lễ Melkite tại Syria bày tỏ sự dè dặt trước diễn biến mới này.

Ngài nhấn mạnh rằng “Các lãnh đạo phương Tây thật là sai lầm nếu nghĩ rằng đó họ có thể giúp các Kitô hữu bằng cách cung cấp vũ khí và các khóa huấn luyện cho các phe phái ở Syria. Giải pháp duy nhất là hòa bình.”

Không có một lằn ranh rõ rệt giữa quân nổi dậy “ôn hòa” và “quá khích” tại Syria. Các nhóm ở bên này có thể dễ dàng ngả theo bên kia và trong các điều kiện cụ thể của chiến trường, sự hợp tác giữa hai bên là điều vẫn thường xảy ra.

6. Giáo Hội tại Nigeria vừa bị khủng bố vừa bị cướp

Chiến tranh do bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram gây ra đã khiến cho hàng mấy trăm ngôi nhà thờ tại quốc gia này bị đốt phá thành tro bụi. Trong 56 giáo phận tại nước này, giáo phận Maiduguri được xem là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc chiến do quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram gây ra tại Nigeria. Chỉ riêng trong hai tháng 8 và 9 năm 2014, 185 nhà thờ đã bị đốt cháy và gần 200,000 tín hữu đã phải bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo.

Cuộc chiến do bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram gây ra còn đẩy đất nước vào tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng khiến nảy sinh nhiều tệ nạn nghiêm trọng khác trong đó có nạn bắt cóc đòi tiền chuộc mà một lần nữa Giáo Hội tại nước này lại là nạn nhân.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trong bản tin đánh đi ngày 8 tháng Năm cho biết cha Innocent Umor, đã bị bắt cóc vào mờ sáng ngày 04 tháng 5 tại giáo xứ của ngài tại Ikanepo, thuộc giáo phận Idah, thuộc bang Kogi, ở miền nam Nigeria. Hai ngày sau khi bị bắt cóc ngài đã được trả tự do sau khi giáo phận trả tiền chuộc mạng cho ngài.

Cha Patrick Tor Alumuku, Giám đốc Văn phòng Truyền thông Xã hội của Tổng Giáo phận Abuja, đã cho Fides biết như trên và nói rằng vụ bắt cóc này một hành động tội phạm chứ không phải là một hành vi khủng bố.

7. Radio Vatican lên tiếng ca ngợi việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney vào Bộ Giáo Lý Đức Tin

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Úc Đại Lợi, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, không né tránh các vấn đề gây tranh cãi thần học. Radio Vatican đã lên tiếng ca ngợi quyết định bổ nhiệm này và đưa ra nhận định như trên về vị Tổng Giám Mục dòng Đa Minh, là người thay thế Đức Hồng Y George Pell cai quản tổng giáo phận Sydney.

Nói về các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về hôn nhân và gia đình, Đức Tổng Giám Mục Fisher đã đưa ra một câu hỏi rất hùng hồn: “Chẳng lẽ toàn bộ ý tưởng về hôn nhân là một cái gì đó có thể tháo thứ đến vô hạn? Hay thực ra là có một ý nghĩa nội tại về hôn nhân, hay một cái gì đó về nhân chủng học con người và cách chúng liên quan với nhau một cách đúng đắn khiến chúng ta phải đặt ra một giới hạn về những gì chúng ta có thể đề cập đến khi nói về hôn nhân?”

Đức Tổng Giám Mục Fisher, có bằng tiến sĩ đạo đức sinh học tại Đại Học Oxford, cho biết những vấn nạn đầy thách đố về đạo đức trong lĩnh vực này phát sinh “hằng tháng, hằng năm”, và Giáo Hội phải được chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả.

Đức Tổng Giám Mục Fisher đã được bổ nhiệm là một thành viên mới của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin trong cùng một sắc lệnh với Đức Tổng Giám mục Ronald Minnerath của giáo phận Dijon, bên Pháp.

8. Israel tiến hành xây dựng nhà cho người định cư Do Thái ở Đông Jerusalem bất chấp phản đối của thế giới

Chính phủ Israel đã phê chuẩn việc khởi công xây dựng 900 ngôi nhà cho người định cư Do Thái ở Đông Jerusalem, trong một dự án gây ra căng thẳng giữa Israel và Palestine, và làm sâu rộng thêm mối bất hòa trong quan hệ vốn đã không mấy tốt đẹp giữa chính phủ Netanyahu và Hoa Kỳ.

Một kế hoạch xây dựng tổng cộng 1,600 ngôi nhà trong khu phố Ramat Shlomo, là vùng người định cư Do Thái giờ đây chiếm đa số, đã làm nổ ra một cuộc trao đổi ngoại giao căng thẳng nhất giữa Israel và Mỹ vào năm 2010.

Dự án đó đã bị đình trệ trong nhiều năm. Giờ đây, Do Thái cương quyết tiến hành dự án này. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ cho biết phía Mỹ đang "rất lo ngại."

"Xây dựng ở Đông Jerusalem là trái với cam kết và làm hại đến giải pháp hai nhà nước," phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ nói.

9. Giáo Hội tại Giêrusalem chuẩn bị cho việc phong thánh hai người Palestine

Hôm Chúa Nhật 17 tháng Năm, tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho hai nữ tu người Palestine là hai chị Marie Alphonsine Ghattas là người Giêrusalem và chị Mariam Bawardy là người Galilê. Cả hai chị đã sống vào thế kỷ thứ 19 trong lãnh thổ Palestine bị đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ cai trị.

Trong cuộc họp báo diễn ra tại Giêrusalem, Đức Giám Mục William Shomali, thuộc Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem cho biết:

“Tôi tin rằng không chỉ các Kitô hữu, nhưng cả người Hồi giáo và Do Thái Giêrusalem cũng cảm thấy hạnh phúc vì hai người từ đất nước của chúng ta, từ vùng đất này, từ Thánh Địa này, đã đạt đến mức độ cao nhất của công chính nhân loại, của trí tuệ tâm linh và kinh nghiệm thần bí về Thiên Chúa.”

Ngài nhận xét thêm:

“Cả hai đều được gọi là Mary, Mariam, và điều này là ngoại thường vì tên Mary và Mariam là những tên phổ biến của người Do Thái, của các Kitô hữu và người Hồi giáo. Cầu xin cho cả hai vị có thể trở thành một cầu nối giữa tất cả chúng ta.”