Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Người Công Giáo tại Pháp đã có những hoạt động kêu gọi công luận chú ý đến tình cảnh bi đát của các tín hữu Kitô Iraq. Bên cạnh đó, họ còn thực hiện những vận động pháp lý để ban cấp quy chế tị nạn cho anh chị em Iraq.
Pascal Vigneron, chủ tịch một nhóm hỗ trợ cho các Kitô hữu Trung Đông cho biết:
“Từ tháng Sáu năm ngoái, các Kitô hữu tại Mosul đã phải bỏ nhà cửa chạy đến Erbil thủ đô của Iraq Kurdistan để xin tị nạn. Tại đây có Lãnh sự quán Pháp và lãnh sự quán đã tràn ngập những yêu cầu thị thực cho tất cả những người tị nạn. Chúng tôi đã và đang vận động để giúp họ”
Oday Alkatub, một người Công Giáo Chanđê tị nạn cho biết:
“Tôi đã đến Pháp ngày 20 tháng 9 năm 2014. Từ Erbil bay thẳng đến Charles de Gaulle và cuối cùng định cư tại Lourdes.”
Anh cho biết thêm:
“Ở thành phố quê hương của tôi, trong số 50,000 dân, 95% theo Công Giáo. Hôm nay, chỉ còn 0%”
Anh Amer cũng là một người tị nạn Iraq nói:
“Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó thành phố và làng mạc của chúng tôi sẽ được trả tự do và mọi người sẽ có thể trở về và đòi lại tài sản của họ và sống cuộc sống bình thường như trước đây.”
2. Video phỏng vấn một linh mục trở thành siêu sao ca nhạc toàn cầu ở tuổi 62
Sự nghiệp ca nhạc bất ngờ đã đến với cha Ray Kelly, năm nay đã 62 tuổi, đang coi sóc một giáo xứ ở làng quê Old Castle, bên Ái Nhĩ Lan.
Mười hai tháng trước đây, cha Kelly đã hát bài Hallelujah của Leonard Cohen trong một lễ cưới của một cặp vợ chồng trong giáo xứ nhỏ của mình 100 km về phía tây bắc của Dublin. Cha vẫn thường hát như vậy trong các lễ cưới để diễn tả sự vui mừng của Giáo Hội trước mối lương duyên được Chúa chúc phúc. Cha thường không “tặng” cho các đôi tân hôn những bài giảng dài, nhưng cha hát để chúc mừng họ và bày tỏ lòng trân trọng của Giáo Hội trước một gia đình mới được thành lập.
Cha vẫn thường làm như thế, tuy nhiên, lần này cặp tân hôn này đã tung phần cha hát trong thánh lễ hôn phối của họ lên YouTube. Video đó nhanh chóng được nhiều người xem, đến nay đã được 42 triệu người xem và trung bình mỗi ngày có thêm 35,000 người xem.
Trong thánh lễ ở làng quê Old Castle của cha, người ta bắt đầu thấy những người lạ. Họ là những người hâm mộ tiếng hát cha từ bốn phương trời.
Một studio thu thanh dã chiến được thành lập với sự trợ giúp của anh chị em trong giáo xứ. Và Universal Music lập tức ký hợp đồng với cha để xuất bản một dĩa platinum ở Hoa Kỳ và ngày 4 tháng 5 bắt đầu được phát hành rộng rãi tại Úc.
Cha Kelly nói với phóng viên AFP:
“Thật là điên. Tôi không bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra ở giai đoạn này của cuộc đời tôi. Tôi đã nghĩ đến việc về hưu và bây giờ bất ngờ tôi lại có một sự nghiệp âm nhạc.”
Đây là những gì cha Kelly nói trong video phỏng vấn của AFP
Cha Ray Kelly:
“Chẳng bao lâu sau khi bài Hallelujah được tung lên YouTube, tôi nhận được những cú điện thoại và email từ khắp nơi trên thế giới để cử hành các lễ cưới tại Mỹ, Úc, Croatia, Nam Phi và mọi người muốn tôi bay đến bốn phương trời.”
“Thật bất thường khi thấy một linh mục Công Giáo, trước hết là ca hát trên bàn thờ, thứ hai là nhấp nháy đôi lông mày của mình và nháy mắt với cô dâu và chú rể. Bình thường ra thì tôi cũng không làm như thế đâu, nhưng trong trường hợp cụ thể này, tôi nghĩ rằng tôi làm thế bởi vì tôi có thể thấy họ cảm động thế nào khi đang ngồi trên ghế.”
Cha Kelly cho biết câu chuyện xảy ra thế nào sau khi bài Hallelujah trên YouTube đã có số người xem lên đến mấy chục triệu người.
“Sony Music và Universal Music đã gọi cho tôi và các đại diện của họ ở Ái Nhĩ Lan xuống gặp đây tôi trò chuyện và đề nghị những hợp đồng thu âm.”
Cha Kelly cũng được mời xuất hiện trong những show truyền hình, một điều có lẽ các đấng bản quyền có thể hơi băn khoăn. Tuy nhiên, cha Kelly cho biết:
“Đức Giám Mục Michael Smith rất ủng hộ và khích lệ tôi. Sau thành công vang dội trong chương trình Late Show vào ngày 11 Tháng 4 vừa qua, ngài gọi điện cho tôi và chúc mừng tôi và hỏi ‘Đã có bao nhiêu lượt truy cập cái show của cha rồi?’ tôi nói ‘11 triệu.’ Ngài đáp lại ‘Lạy Chúa tôi, xin Chúa chúc lành cho chúng ta!’”
3. Nhiều di sản văn hóa thế giới bị hủy diệt trong trận động đất tại Nepal
Một số ngôi chùa nổi tiếng nhất trên thế giới đã bị chôn vùi trong đống đổ nát sau trận động đất ngày 25 tháng Tư.
Patan Durbar là một trong số các di sản thế giới ở Kathmandu đã bị phá hủy trong trận động đất 7.8 độ richter. Đây là một điểm nóng du lịch, và cũng là trái tim của cộng đồng địa phương
Ông Sujan Shrestha, chủ một cửa hàng cho biết:
“Tôi sinh năm 1987, tôi đã lớn lên ở đây, và công việc của tôi cũng ở đây. Hàng chục lễ hội được tổ chức hàng năm dưới những hàng cột được trạm trỗ này. Do đó, bất chấp sự tàn phá khốc liệt, nhiều người vẫn làm việc chăm chỉ, cố gắng để cứu vãn những gì có thể.”
Prakash Sharma, Phó Giám Đốc công an thủ đô Kathmandu nói:
“Mỗi vật thể ở đây đều quan trọng với những đặc điểm và giá trị của nó, ngay cả khi nhìn vào chúng ta thấy nó chẳng khác gì một miếng gỗ cũ. Những vật này rất cổ xưa và đầy nghệ thuật. Những viên gạch này quá cũ vì vậy chúng tôi đang lấy ra những vật quan trọng và đưa đến một chỗ an toàn và những miếng gạch lịch sử này được xếp thành một đống riêng. “
Năm 1934 một trận động đất đến 8 đô, Richter đã tàn phá 3 thành phố của Nepal. Do đó, nhiều người ở Kathmandu hy vọng rằng thành phố cổ xưa của họ sẽ lại một lần nữa được phục hồi.
4. Biểu tình đòi xóa bỏ nạn nô lệ tại Mauritania
Mauritania là quốc gia toàn tòng Hồi Giáo nằm ở Tây Bắc Phi Châu, bắc giáp Algeria, Nam giáp Senegal và Tây giáp Mali. Đây có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới trong đó nạn nô lệ dù đã được chính thức xóa bỏ vào năm 1981 vẫn là thực tế hiển nhiên trong đời sống xã hội.
Điều oái oăm là những người nô lệ là những người thuộc sắc dân Haratin (hay còn gọi là người Moor đen) và người Phi Châu bản địa lại chiếm đa số dân; cụ thể là hơn 70% trong tổng số 3.5 triệu dân. Khối đa số người Phi Châu này bị buộc phải làm nô lệ - theo đúng nghĩa đen của từ này – cho khối thiểu số người Ả rập. Từ ngày 29 tháng Tư năm ngoái, họ bắt đầu những cuộc biểu tình đòi bình đẳng, bình quyền với người Ả rập.
Said Hamody, lãnh đạo cuộc biểu tình nói:
“Chúng tôi đang yêu cầu chính phủ và các tòa án chấm dứt tình trạng nô lệ, phân biệt đối xử, bảo vệ sự thống nhất quốc gia, độc lập, bình đẳng, tự do”
Samory Ould Beye, nguyên đại sứ của Mauritania nói:
“Cuộc diễu hành này diễn ra vì chúng tôi cảm thấy đây là thời điểm cần tố cáo về thực trạng nô lệ và những bất công mà cộng đồng này đã phải chịu từ khi Mauritania được thành hình.
Mọi người đều biết rằng người Haratin chiếm đa số tại quốc gia này, nhưng họ lại chịu nhiều thiệt thòi, trong tất cả các khía cạnh, chính trị, kinh tế, xã hội. Chúng tôi phản đối và yêu cầu chấm dứt những điều này ngay lập tức. Chúng tôi phản đối tất cả các thứ chính trị và ý thức hệ đang cố gắng biến người Haratin thành một thứ công cụ thuận tiện cho một nhóm thiểu số được độc quyền làm giàu ở đất nước này.”
5. Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê suy tư về tội diệt chủng người Armenia và sự hững hờ trước tình cảnh các tín hữu Kitô Iraq
Đức Hồng Y Louis Raphaël Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê tại Iraq, đã bày tỏ những lo ngại của ngài trước một thế giới thống trị bởi một thứ chính trị lắt léo, mạnh được yếu thua.
“Một trăm năm trước đây, tại sao thế giới này đã không đối phó với vụ thảm sát khủng khiếp người Armenia một cách thích hợp?”, ngài nêu câu hỏi.
“Và ngày hôm nay, sau một trăm năm, bất chấp sự tiến hóa của các phương tiện truyền thông, tại sao thế giới không nghiêm túc phản ứng trước thảm kịch của 120,000 Kitô hữu Iraq bị bứng khỏi các thị trấn và ngôi nhà của mình, trước những bi kịch của Syria và trước các tội ác chống lại các tín hữu Kitô Coptic và Ethiopia là những người đã bị tàn sát tại Libya?”
6. Một Giám Mục cảnh cáo về sự có mặt của khủng bố Hồi Giáo IS tại Benin
Sự hiện diện của các thành phần khủng bố Hồi giáo có thể cảm nhận được tại Benin, Đức Tổng Giám Mục Pascal N'Koue của tổng giáo phận Parakou đã đưa ra lời cảnh cáo như trên với thông tấn xã Fides.
Đức Tổng Giám Mục Pascal, là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Benin, cho biết thêm “Sự xâm nhập của thứ Hồi giáo cực đoan vào Hồi giáo truyền thống châu Phi đang ngăn cản người Hồi giáo và người không theo đạo Hồi sống chung với nhau một cách hòa bình.” Ngài cho biết đã có những thế lực bên ngoài, được tài trợ bởi các nguồn tài chính Arab, kích động người Hồi Giáo địa phương đưa ra các thông điệp chống Kitô giáo rất dữ dội.
Đức Tổng Giám mục N'Knoue cho biết thêm là các cuộc bầu cử quốc hội ở Benin đã diễn ra “trong một bầu không khí bình tĩnh” với vài khó khăn. Bầu không khí chính trị đã căng thẳng sau khi có những lo ngại rằng Tổng thống Thomas Boni Yayi sẽ tìm cách sửa đổi hiến pháp để cho phép mình làm thêm một nhiệm kỳ thứ 3.
Các giám mục tại Benin đã phản đối sự thay đổi hiến pháp này.
7. Bất chấp những nguy hiểm, nhiều người vẫn tiếp tục hành hương Thánh Địa
Opera Romana Pellegrinaggi, gọi tắt là OPR, là một tổ chức tài trợ cho các cuộc hành hương tại Thánh Địa và các trung tâm hành hương trên thế giới. Tổ chức này cho biết bất chấp những nguy hiểm ngày càng gia tăng vì xung đột trong vùng, nhiều đoàn hành hương vẫn hướng về Thánh Địa, đặc biệt là trong Tuần Thánh vừa qua.
Đức Ông. Liberio Andreatta, người đứng đầu của OPR, nói với thông tấn xã ANSA rằng hơn 75% các cuộc hành hương được tài trợ bởi OPR có liên quan đến các chuyến thăm Israel, Jordan, và các vùng lãnh thổ Palestine. Ngài hy vọng rằng miền Nam Iraq sớm được thêm vào danh sách các cuộc hành hương.
Theo Đức Ông, những người hành hương đi du lịch đến những vùng đất này không chỉ cung cấp những hỗ trợ kinh tế cho người dân địa phương, mà quan trọng hơn, còn thể hiện tình đoàn kết với các nhóm thiểu số Kitô hữu đang sống giữa muôn vàn thử thách.
Đức Ông Andreatta nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự hiện diện Kitô giáo đặc biệt tại Thánh Địa. Các cuộc xung đột Israel-Palestine sẽ càng khó vượt qua hơn nếu không có sự hiện diện của các Kitô hữu. Ngài lập luận: “Israel và Palestine là hai chân của một cái bàn: Cái bàn mà chỉ có hai chân thì không đứng vững. Sự hiện diện của Kitô hữu địa phương và của những người hành hương Kitô giáo là chân thứ ba và chân thứ tư”
8. Đức Hồng Y Leonardo Sandri so sánh sự dửng dưng và thụ động của cộng đồng quốc tế với thái độ của Philatô
Một nữ tu Công Giáo người Iraq đã bị từ chối cho phép nhập cảnh vào Mỹ, nơi chị được mời để điều trần trước một Ủy ban Quốc hội về tình cảnh của các Kitô hữu trong các vùng do cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” kiểm soát.
Chị Momeka, nữ tu Dòng Đa Minh, đã xin visa để thăm Hoa Kỳ trong một tuần, trong thời gian đó chị đã sắp xếp để trình bày trước các ủy ban của Quốc hội, các quan chức trong guồng máy hành pháp Hoa Kỳ, và các tổ chức phi chính phủ ở Washington. Đơn xin thị thực của chị đã được cẩn thận đính kèm một lá thư từ Trường Cao đẳng Babel ở Erbil, Kurdistan, xác nhận rằng chị vẫn còn hợp đồng giảng dạy tại trường này trong năm học tới.
Tuy nhiên, đơn xin thị thực nhập cảnh của chị đã bị tòa lãnh sự Mỹ tại Erbil cương quyết từ chối.
Bình luận về sự kiện này, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, đã bày tỏ sự bất mãn của ngài trước sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế đối với số phận của các Kitô hữu ở Trung Đông.
Ngài nói rằng các Kitô hữu trong khu vực “xứng đáng nhận được sự đoàn kết của chúng ta, lòng biết ơn của chúng ta, và mọi hỗ trợ có thể”. Đức Hồng Y Sandri lưu ý rằng quân khủng bố trong cái gọi là Nhà nước Hồi giáo được “hỗ trợ với vũ khí tối tân và các nguồn tài nguyên khác từ nhiều phe phái khác nhau.”
Ngài so sánh “sự thờ ơ và thụ động” của cộng đồng quốc tế với việc rửa tay của quan Phongxiô Philatô trong cuộc thương khó của Chúa Kitô.
9. Tình trạng tuyệt vọng khiến người tị nạn chấp nhận liều mạng trên biển Địa Trung Hải
Ngày 19 tháng Tư, trên con tàu chở gần 900 người từ Lybia vượt Địa Trung Hải sang Ý, 850 người đã thiệt mạng, chỉ có 28 người được cứu.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã có một phiên họp khẩn cấp tại Brussels nhằm tìm ra một cách thức chấm dứt thảm hoạ nhân đạo đã cướp đi sinh mạng của ít nhất là 1750 người từ đầu năm đến nay. Quyết nghị sau cùng họ đưa ra khá tàn bạo là tăng cường hoạt động của các máy bay tuần tra trong khu vực và dội bom vào các con tàu khả nghi để ngăn cản người tị nạn đổ vào châu Âu.
Tuy nhiên, làn sóng người tị nạn vượt Địa Trung Hải sang Âu Châu vẫn không ngơi.
Mỗi năm, hàng nghìn du khách đổ xô đến thành phố cảng Alexandria ở Ai Cập, một nơi nghỉ mát rất được ưa chuộng vì các bãi biển đẹp và lịch sử phong phú của thành phố này.
Nhưng đối với một số người, nó chỉ đơn giản là một phòng chờ lớn.
Fares al-Bashawat đến đây với gia đình để thoát khỏi cuộc xung đột ở Syria.
Ngồi trong một căn phòng nhỏ của một chung cư, ông cho cậu con trai 10 tuổi của ông là Nemr thấy hình ảnh người mẹ và hai người chị của cậu bé giờ đây đang được hưởng một cuộc sống mới ở Ý.
Vợ và hai đứa con gái ông đã thực hiện một hành trình nguy hiểm qua Địa Trung Hải. Giờ đây Fares al-Bashawat và cậu con trai đang chờ tới lượt mình băng qua bão tố để vào Ý.
Fares al-Bashawat nói:
“Tôi rời Syria với vợ và các con gái của mình để bọn khủng bố không thể hãm hiếp họ, sau đó từ giã họ ở Ai Cập này. Tại sao tôi có thể làm như vậy? Chẳng thà họ chết trên biển trong danh dự hơn là chết ô nhục trong tay bọn người man rợ ấy.”
Cuối năm 2014, người tị nạn Iraq và Syria đã phải trải qua một mùa Đông giá buốt trước sự dửng dưng của cộng đồng thế giới. Vì thế, đã có sự gia tăng đột ngột những người di cư sẵn sàng mạo hiểm cuộc sống của họ trên biển để tìm nơi trú ẩn ở châu Âu.
Abu Baraa, một người tị nạn Syria khác, cho biết mánh khoé của anh để có thể đưa vợ và bốn đứa con sang Âu Châu vào năm ngoái. Mỗi người đi trên tàu phải trả 2,200 đô la một chỗ. Nhưng cứ khi nào anh dẫn mối cho 10 người thì anh có một chỗ miễn phí cho gia đình anh.
Abu Baraa nói:
“Tôi phải tìm đủ người tị nạn để tôi có thể gửi con tôi chung với họ. Cứ 10 người, thì có thể gửi thêm một cháu miễn phí.”
Vợ và 4 con anh đã đi thoát, một mình anh đang lang thang ở Ai Cập tìm đường đi chuyến chót.
Các nhà hoạt động nhân quyền lo lắng tình hình sẽ tồi tệ hơn, khi tới mùa cao điểm vượt biển.
Ahmed El-Chazly, một nhà hoạt động nhân quyền ở Alexandria nói:
“Khi thời tiết bắt đầu tốt hơn vào tháng Sáu, con số người di cư cố gắng vượt biển bắt đầu gia tăng đáng kể và tiếp tục như thế cho đến cuối tháng Chín. Con số người vượt biển trong mùa này tăng đều đặn hàng năm, nhưng năm nay, chúng tôi lo con số này sẽ tăng vọt”.
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 35,000 người tị nạn đã đặt chân đến miền nam châu Âu từ đầu năm đến nay.