Ngày 31 tháng 12 năm 2014, vợ chồng tôi theo gia đình con gái thứ hai qua Honolulu 10 ngày. Các cháu tự lo liệu mọi chuyện, từ mua vé máy bay, tới giữ nhà trọ và thuê xe đi tham quan, cũng như chương trình tham quan Đảo. Thoạt đầu, tôi hơi ái ngại. Vì trước đây, đi đâu, chúng tôi cũng đi theo “tour”, không phải lo lắng gì. Nhưng đến cuối cuộc hành trình, mới hay, đi độc lập thế này, thỏai mái hơn đi theo “tour” nhiều.

Honolulu đi sau Sydney 21 tiếng đồng hồ. Xuất hành từ Phi Trường Sydney lúc 5 giờ 55 ngày 31 tháng 12, tới Phi Trường Honolulu lúc 6 giờ 40 sáng cũng ngày 31 tháng 12, sau gần 10 giờ bay. Lấy xe thuê ở hãng Alamo, gần phi trường Honolulu, xong, vì chưa tới giờ được lấy nhà trọ, nên chúng tôi vào trung tâm Honolulu, tới khu China Town kiếm phở lót lòng và tiện thể mua sắm một số vật dụng và thức ăn. Trên đường tới lui khu China Town này, cảm tưởng đầu tiên của tôi là không thiếu người đồng hương tại đây. Nhưng, phở thì không được ngon lắm và khung cảnh của tiệm phở không được “hoành tráng” như của tiệm phở Sydney. Sau mới vỡ lẽ do mình chưa “điều nghiên” kỹ, chứ phở Honolulu không đến nỗi nào.

Địa điểm thứ hai phải tới là Walmart. Chính ở đây, chúng tôi không tìm mà gặp hai gia đình của hai đứa em nhà tôi từ Quận Cam cùng sang ngụ tại một nhà trọ. Đoàn chúng tôi vì thế lên tới 11 người: chúng tôi 6, các em nhà tôi 5. Và dù chưa tới giờ được lấy nhà trọ, chúng tôi cũng cứ trực chỉ số 2555 Pacific Heights Place mà tiến, mục đích chỉ là để biết địa hình địa vật vì nghe đâu chỗ đậu xe của nhà này chỉ chứa được một xe hơi của chúng tôi thôi, xe thứ hai phải đậu ngoài đường, mà đường ở chỗ này hơi hẹp và dốc soải vì ở trên một sườn núi. Không biết sẽ đậu xe thứ hai ở đâu. Không ngờ, địa điểm này chỉ cách trung tâm Honolulu khoảng 20 phút lái xe, và chỗ đậu xe hai bên đường không đến nỗi nào hiếm. Điều vui thêm là chủ nhà cho chúng tôi nhận nhà ngay lúc đó, không cần chờ giờ như đã thông báo trước.

Có điều từ ngoài nhìn vào, căn nhà gỗ thấp lè tè, không toát ra bất cứ nét quyến rũ nào giữa khu vực chung quanh. Điều nản thứ hai: chúng tôi không được chiếm trọn căn nhà vì người chủ vẫn thường xuyên ngụ ở tầng trệt. Vả lại, khi giữ chỗ, chúng tôi chỉ khai 6 người, bây giờ nhân số lên gần gấp đôi, cho một tầng lầu chỉ có 3 phòng ngủ! Không biết tính sao!

Nhưng lúc đã bước vào căn nhà, 11 người chúng tôi đều thở ra nhẹ nhõm: Honolulu trải rộng trước mắt gần như hết một vòng cung hơn 180 độ, thấy trọn cả phi trường phía tay mặt và khu trung tâm Honolulu phía tay trái, giữa bị án ngữ bởi một ngọn núi hình lòng chảo chắc chắn nguyên thủy là một ngọn núi lửa. Căn lầu thuê chiếm hết ngọn một đỉnh đồi với những nhà chung quanh ở sâu dưới thung lũng, khiến tầm mắt chúng tôi phóng ra thật xa, thật rộng, thật dài. Trời Honolulu xanh trong, khí hậu mùa đông êm dịu, gió mát miên man từ biển thổi vào, nhìn đàng trước là đồng bằng, nhìn đàng sau là dẫy núi, không khí hoàn toàn êm ả. Đúng là thiên đàng hạ giới. Thiên đàng hơn nữa là khi chủ nhà, thấy nhiều bước chân đi lại trên lầu hơn dự tưởng, bèn lên thăm, nhưng chỉ để chào hỏi, xem mọi sự có O.K. hay không thôi.

Lòng Chảo

Sau này mới biết ngọn núi phía trước nhà trọ của chúng tôi chính là Núi Lòng Chảo, The Punchbowl, nơi đặt Nghĩa Trang Tưởng Niệm Quốc Gia Vùng Thái Bình Dương (National Memorial Cemetery of the Pacific). Người ta vẫn gọi tắt Nghĩa Trang này là The Punchbowl.

Tên Hawai của ngọn núi này là Puowaina, mà người ta thường dịch là “Ngọn Đồi Hy Lễ”, nơi ngày xưa có bàn thờ để tổ tiên người Hawai dâng người làm hy lễ cho các thần minh và giết những ai vi phạm các cấm kỵ đối với văn hóa Hawaii hồi ấy.

Nó vốn là miệng núi lửa được thành hình cách nay 75,000 năm, thuộc loại monogenetic, nghĩa là chỉ phun một lần, vì tương đối nhỏ, nhưng lại tạo ra một miệng lòng chảo khổng lồ. Ngày nay, nó là nơi tọa lạc của Nghĩa Trang Tưởng Niệm Quốc Gia Vùng Thái Bình Dương. Tưởng không đâu bằng ngọn núi này dùng làm Nghĩa Trang Tưởng Niệm Quốc Gia. Đứng trên nó, người ta thấy khắp Honolulu và Thái Bình Dương, nơi diễn ra nhiều trận đánh đẫm máu hồi Thế Chiến II và không biết bao người con thân yêu của quê hương Hoa Kỳ bát ngát đã bỏ mình tại đó.

Đây là nơi an nghỉ của hài cốt những người Hoa Kỳ từng hy sinh trong thế chiến II, nhất là một số chiến binh bỏ mình trong trận Nhật đánh sập chiến hạm Arizona tại Pearl Harbour năm 1941. Nó cũng là nơi an nghỉ của hài cốt 800 chiến binh Hoa Kỳ bỏ mình trong Chiến Tranh Triều Tiên, và từ 1986, nó cũng được dành cho những người đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.

Đài kỷ niệm tại đây gồm 8 bức tường đá hoa cương ghi tên của 26,280 người Hoa Kỳ mất tích trong Thế Chiến II và trong Chiến Tranh Triều Tiên; thêm hai khu vực ghi tên 2,503 binh sĩ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Tóm lại, ngọn Lòng Chảo này trở thành linh thiêng không những đối với người bản gốc Hawaii mà còn đối với nhiều sắc dân khác của Hoa Kỳ.

Đón Giao Thừa

Ngọn núi linh thiêng trên sừng sững trước mắt chúng tôi, án ngữ một phần thành phố Honolulu khỏi tầm nhìn. Có lẽ đó là nét đáng tiếc duy nhất của căn nhà trọ. Nhưng vẫn không đâu bằng địa điểm này để đón giao thừa xa nhà. Thực vậy, sau một chuyến bay gần 10 tiếng đồng hồ qua đêm không ngủ và sau một ngày quanh quẩn khắp Honolulu, vợ chồng tôi đi ngủ sớm. Mấy tay “sung sức” thì kéo nhau đi Waikiki mong được chứng kiến bắn pháo bông ở đó. Tuy nhiên khoảng 10 giờ đêm, mọi người đều kéo nhau về nhà trọ. Hỏi thì được biết Waikiki chưa chắc bằng ban công nhà này.

Đúng như vậy, đó cũng là lúc thành phố bừng lên sôi động với đủ thứ pháo: pháo bông trên cao, pháo bông dưới thấp, pháo đùng tà tà mặt đất. Tất cả chúng tôi kéo nhau ra ban công. Tha hồ “ngắm hỏa châu” xa! Honolulu có khi điệu nghệ hơn Sydney: bắn liên tục cả hàng tiếng đồng hồ không chán, bắn không ngừng, bắn hoài bắn hủy, liên tục, khắp thành phố, tạo ra cả một vòng cung hơn 180 độ, lọt trọn vào tầm nhìn của chúng tôi, trừ phần bị án ngữ bởi Núi Lòng Chảo. Trong khi ở Sydney, cuộc bắn pháo bông tống năm cũ nghinh năm mới thường chỉ tập trung ở khu vực Harbour Bridge vào kéo dài chừng 15 tới 30 phút. Vừa ngắm pháo bông, anh em chúng tôi vừa nhâm nhi vừa chúc tuổi mới nhau, có lẽ lần đầu sau 3, 4 chục năm xa nhau.

Thực thế, tôi rời Việt Nam năm 1980. Sau năm 2000, thỉnh thoảng có về thăm quê hương và gặp được hầu hết các em cột chèo. Có năm tôi về ăn tết âm lịch. Nhưng chưa năm nào được dịp mừng tuổi dương lịch lẫn nhau. Đặc biệt năm nay, tôi được gặp chú em cột chèo mà tôi chưa hề bao giờ được gặp từ ngày chú ấy cưới cô em gái áp út của nhà tôi. Vì lúc tôi vượt biên, chú ấy chưa lò rò tới gõ cửa nhà nhạc phụ. Và khi tôi trở về thăm quê hương lần đầu, chú ấy đang bị kẹt ở trại tỵ nạn Palawan, Phi Luật Tân. Chú ấy qua Mỹ tháng 12 năm 2005, sau khi vợ chồng tôi qua đó tháng 9 cùng năm trong chuyến đi hành hương 14 nước với Cha Chu Văn Chi trong hơn một tháng. Chú ấy cũng nhiều lần về Việt Nam, nhưng các chuyến đi của chúng tôi không giao thoa nhau. Thành thử giao thừa 2014-2015 là lần đầu hai anh em chúng tôi gặp nhau trên đất Hạ Uy Cầm, giữa tiếng pháo hân hoan giã từ năm cũ và đón chào năm mới.

Thấy khác

Chính nhờ chú em cột chèo này tôi biết bài hát ngày lễ Hiển Linh tại nhà thờ Chính Tòa Honolulu là bài hát tiếng Phi. Họ hát hay quá dù tôi không hiểu gì. Vâng, chúng tôi dự Lễ Hiển Linh năm nay tại nhà thờ này. Có điều khi thấy ngôi thánh đường, chú em cột chèo của tôi không tin là nhà thờ chính tòa, chú ấy bảo hình như nhà thờ chính tòa “ở phía kia, em thấy hai tháp cao lắm”. Nhìn tới, quả thực cái tháp chuông ngắn ngủn và cái dáng dấp cùng địa điểm khiêm tốn, nằm giữa các tòa nhà cao ngất, của nhà thờ này khiến người ta không thể nào tin nó là nhà thờ chính tòa của một thủ phủ Hoa Kỳ được. Nhưng anh con rể tôi nhất quyết nói nó là nhà thờ chính tòa của Honolulu. Đành bước theo anh ta. Vào bên trong, cái muốn không tin trên lại trở lại. Nhà thờ có thứ ánh sáng âm u, mờ mờ ảo ảo, với các hàng ghế dài kê theo chiều dọc lấy lòng nhà thờ làm trung tâm, trong khi Bàn Thờ ở phía trên hẳn, phía sau là tòa của giám mục giáo phận.

Được một điều khi đọc Sách Thánh và lời cầu nguyện giáo dân, thì ai cũng nghe rõ và thấy mặt người đọc, vì bục đọc kê ở giữa lòng nhà thờ. Linh mục chủ lễ cũng xuống dưới đó giảng lễ. Và qúy vị tin hay không tùy ý, nhưng bài giảng hôm ấy làm tôi bỗng chẩy nước mắt. Cho đến hôm nay, tôi cũng không rõ có phải bài giảng của linh mục xoáy vào tận tâm hồn làm tôi xúc động hay vì lý do nào khác. Ngài nói đơn giản thôi. Dáng người của ngài chẳng khắc khổ gì, người Phi, hình như có đến hai hay ba ngấn cổ. Nhưng khi nói, ngài có cái thứ bộ điệu như muốn rút từ ruột ra những điều muốn nói. Ngài bảo rằng điều đáng lưu ý ở Ba Vua là sau khi gặp Đức Kitô, các ông thấy cái gì cũng khác, nhất là thấy cần phải đi theo một con đường khác.

Hẳn bạn đọc thấy con đường khác ấy là con đường nào rồi, là con đường của Hêrốt, con đường nham hiểm giết người vừa bằng âm mưu, lừa lọc vừa bằng gươm đao, tàn sát. Và ngài hỏi cử tọa: chúng ta có thấy gì khác sau khi gặp Chúa Kitô chưa. Bỗng tôi thưa với ngài “trong trí khôn” rằng đến gặp Chúa Kitô, con cũng chưa gặp, thì làm sao thấy được điều gì khác. Nước mắt bỗng trào ra hai khoé mắt của ông già 76 tuổi, đi đạo từ lúc nằm nôi và từng “ăn cơm Nhà Đức Chúa Trời”.

Gặp Dân Làng Hồ

Nhưng khoảng gần một tuần lễ sau, cũng tại nhà thờ này, cũng linh mục này chủ sự Thánh Lễ và cũng giảng, thì tôi lại như khúc gỗ, không hề cảm động chứ đừng nói đến chẩy nước mắt. Có lẽ một phần do việc khám phá ra nhà thờ chính tòa này không có phòng vệ sinh cho giáo dân.

Hôm đó là ngày chúng tôi sắp sửa rời Honolulu. Các người em nhà tôi đã trở lại đất liền Hoa Kỳ mấy hôm trước. Chỉ còn lại cánh Sydney 6 người chúng tôi thôi. Các cháu mải mua sắm, mua sắm hết ở trung tâm Honolulu, rồi các “outlets”, tới Aloha Market, vẫn chưa chán, hôm đó còn đi thêm một trung tâm nữa không xa nhà thờ chính tòa bao xa. Tiện đường, các cháu chở vợ chồng tôi trở lại Nhà Thờ Chính Tòa dự Thánh Lễ lúc 12 giờ trưa, theo lời “rủ rê” của một cư dân Honolulu gốc Việt, nơi bà ngày nào cũng đến đây tham dự Thánh Lễ, dù phải đón xe buýt từ Pearl City.

Đến nơi, chưa tới giờ và chưa thấy “bà chị”, vợ chồng tôi dạo quanh đường Bishop một lúc, rồi rẽ vào một trung tâm bán quần áo gần đó mua thêm hai chiếc quần “short” giá phải chăng, gần 20 dollars một chiếc. Trở lại nhà thờ chính tòa, thì cũng gần tới giờ Thánh Lễ. Nhưng khốn cho thân tôi, vốn là người sáng nào cũng phải nốc nửa viên Uremide 20 mgr, thành thử rất dễ “mót” tiểu tiện. Yên trí, giống như mọi nhà thờ ở Sydney, và tin chắc Hoa Kỳ văn minh hơn Úc, vợ chồng tôi cứ nhà thờ chính tòa mà tiến. Gặp được một phụ nữ đầu tiên, bà ta “hoan hỉ” bảo: đúng rồi, cứ đến cạnh nhà thờ là có. Tôi lục cả hai bên nhà thờ, đầu và cuối nhà thờ, không thấy dấu chỉ “restroom” ở đâu. Toan tính nhào vô Tòa Giám Mục bên cạnh. May quá thấy một người đàn ông dáng mặt gốc Trung Hoa đang xăm xăm bước gần vào cửa nhà thờ, chặn ông hỏi, ông trả lời vắn gọn: chúng tôi không cung cấp “restroom” ở đây!

Không có thì giờ lưu ý tới câu trả lời trên, tôi vội chạy xuống cuối nhà thờ, gặp một nhân viên an ninh đứng “xớ rớ” ở đấy, tưởng là người Phi, giống như phần đông giáo dân và linh mục chủ lễ trong nhà thờ chính tòa, tôi hỏi bằng tiếng Anh. Chắc anh ta thấy giọng Anh của tôi không đúng điệu và đoán là người đồng hương, nên anh ta nói bằng tiếng Việt: bác vào tòa nhà trước mặt, lên lầu, rẽ tay trái, có “toilet” ở đấy. Tôi chạy vội vào, thấy tấm bảng đề là Pacific University (Đại Học Thái Bình Dương), mặc, lên lầu, rẽ tay trái, băng qua nhiều lớp học, trút được “bầu tâm sự” nặng đến ngàn cân, ôi thoải mái làm sao! Lúc ấy mới kịp cám ơn anh bạn an ninh người Việt!

Thành thử hình như đầu óc tôi bị “rửa tội” ngược. Lúc vào nhà thờ, cứ quanh quẩn với câu trả lời của người đồng đạo. Không hiểu có phải thực sự Nhà Thờ Chính Tòa không cung cấp “restroom” hay không, hay đó chỉ là do “suy diễn” của người đồng đạo? Và tại sao lại có thể có chuyện không ăn có gì giữa việc cung cấp “restroom” và việc thờ phượng. Tôi thờ phượng bằng cả con người thể xác và tâm linh của tôi. Thân xác tôi nặng “bầu tâm sự”, làm sao tôi thờ phượng thích đáng được? Hệ quả trước mắt là hôm đó, tôi không biết linh mục kia giảng gì.

Nhưng điều “bà chị” cư dân Honolulu gốc Việt nói hôm đó, thì tôi hiểu rất rõ và để lại ấn tượng cho tôi đến bây giờ. Năm 2008, nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới, bà có theo một người bạn của em họ nhà tôi qua Sydney tham dự và ngụ tại nhà tôi. Nhà tôi chẳng rộng rãi gì, nhưng ngoài nhà trên gồm 3 phòng ngủ, một phòng khách và một phòng sinh hoạt lớn, phía sau còn một “game room” và chiếc garage đã biến thành phòng ngủ, tổng cộng dài hơn 12 thước, đủ để chứa phái đoàn từ Hoa Kỳ gồm gần 10 người, một linh mục tới từ Hoa Kỳ và một linh mục tới từ Việt Nam.

Sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới, phần lớn tản mác đi nơi khác tham quan, nhưng “bà chị” thì vẫn tiếp tục ở lại thêm gần tuần lễ nữa mới trở về Honolulu. Chúng tôi cố gắng thù tiếp “bà chị” cho phải lẽ. Trong thời gian này, “bà chị” có kể một vài câu truyện liên quan tới việc làm trước đây tại trại cấm Hồng Kông và một số câu truyện giúp các trẻ em tật nguyền Việt Nam mới đây tại Hoa Kỳ. Chúng tôi nghe với những lỗ tai hờ hững, một phần vì hình ảnh “đến các con của bà, bà cũng còn từ nữa là” của người bạn bà. Thế mới biết sức mạnh ghê gớm của những điều tiêu cực nói về người khác hoặc xẩy ra cho mình! Dịp này, bà có tặng vợ chồng tôi một tấm “quilt” do người tỵ nạn Việt Nam ở Hồng Kông thực hiện và thêu tay gồm hình ảnh sinh hoạt miền quê ở Việt Nam.

Bẵng đi một thời gian dài, cuối năm 2014, nhận được một e-mail của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Kontum, vốn cùng lớp với bần đạo ở Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X năm nào. Trong số người nhận, có tên “bà chị”. Hỏi thì Đức Cha Oanh xác nhận, đúng, đúng Bà Ann-Marie Trần, ở Honolulu. Lúc ấy, kế hoạch đi Honolulu đã lên khuôn đầy đủ rồi, bèn hứa với Đức Cha Oanh sẽ tới thăm “bà chị”.

Gọi điện thoại không thấy ai trả lời. Bèn gửi e-mail, cũng không thấy hồi âm. Rất may, hôm trước ngày rời Honolulu, thì nhận được hồi đáp: “tôi mới từ Kontum về hôm nay, được e-mail của cô chú, vội hồi âm, ở đâu, cho biết tôi tới thăm”.

Nơi hẹn, như đã nói ở trên, là nhà thờ chính tòa Honolulu. Sau Thánh Lễ, bà mời chúng tôi đáp xe búyt trở lại China Town để dùng phở. Lại phở! Nhưng quả phở ở đây ngon hơn, không thua phở Sydney, và dĩ nhiên đắt tiền hơn. Chủ tiệm phở biết rõ khẩu vị của bà và tiếp đãi như người nhà.

Thiên thần của lòng từ bi

Câu đầu tiên tôi hỏi lại bà là: năm nay chị đã 80 chưa? Đâu có, 88 rồi! Câu thứ hai: nghe nói chị có 8 cháu? Đâu có, tất cả là 13! Lưng bà vẫn rất thẳng, như một nhà báo Mỹ đã nhận xét về bà khoảng năm 2001, lúc bà 74 tuổi, thị lực rất bình thường, trí óc vẫn minh mẫn, nói năng hoạt bát, không một lần hụt hơi. Bà đi phom phom, bỏ cả tôi ở phía sau để trở lại chỗ đón xe búyt đưa vợ chồng tôi về Pearl City, thăm “tệ xá” là căn hộ một phòng, trong một căn nhà nói theo kiểu của Úc là thuộc “housing commission” (ủy ban nhà ở của chính phủ). Bà ở một mình, với người “cháu gái”, thực ra là người bà đem từ Việt Nam qua để chữa bệnh “xương thủy tinh”.

Em là một trong số gần một trăm trẻ em tàng tật do đủ thứ nguyên nhân ở Việt Nam gây nên, phần lớn là osteogenesis imperfecta (xương dễ gẫy ngay từ bẩm sinh) và spina bifida (vùng quanh xương sống không khép lại ngay từ lúc mới sinh) được bà đưa sang điều trị tại Hoa Kỳ. Bệnh viện Shriners ở Honolulu, Hawaii, cũng như ở Portland, Oregon chữa miễn phí, còn chi phí vận chuyển và ăn ở, do một tay bà lo. Chữa khỏi, các em phải trở lại Việt Nam. Bà cũng là người tháp tùng các em trở lại quê hương bằng phí tổn do một mình bà lo vận động.

Tờ Catholic Sentinel ở Portland, Oregon, số ngày 2 tháng Sáu, năm 2000 gọi bà là “one woman charity crusade” (thập tự chinh bác ái chỉ có một người đàn bà). Bà xông xáo từ Honolulu, qua Portland, Boston… dùng con mắt tinh tường nhận diện những người có thể giúp bà. Nhận diện rồi, thường những người này dâng tặng tiền mặt, được bà biến thành thuốc men, bàn học, luơng giáo viên, giếng nước, mái rơm và nhiều phương tiện khác giúp người nghèo tại Việt Nam.

Song song với chương trình trên là chương trình giúp đưa các trẻ em tàng tật qua Hoa Kỳ chữa bệnh với những cuộc giải phẫu miễn phí cấp cao của hệ thống bệnh viện Shriners rải rác khắp các thành phố lớn của Hoa Kỳ. Các bệnh viện Shriners ở Honolulu, Portland và Los Angeles đã nhận mổ xẻ và điều trị miễn phí cho các trẻ em được bà mang từ Việt Nam qua.

Nhiều tớ báo Việt Mỹ khác cũng đã nói về bà. Tờ Island Scene, chắc của Honolulu, số Mùa Thu năm 2000, có một bài dài kể lại tiểu sử của bà và những việc bà đang làm cho trẻ em Việt Nam cũng như nhiều việc từ thiện và tôn giáo khác. Điều nổi bật nhất là sau khi một mình, vì chồng bà qua đời năm 1974, đem đủ 13 đứa con và 11 đứa cháu tới Hoa Kỳ an toàn trước ngày Sài Gòn thất thủ, và song song với việc nuôi dạy chúng nên người, bà đã ghi danh học ở Đại Học Williamette ở Portland và đậu Cao Học về văn chương Pháp. Liền sau khi các con đã đủ tự lập, bà qua Hồng Kông vừa làm thông ngôn vừa làm cán sự xã hội cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại các trại cấm chứa người tị nạn Việt Nam. Tiếp xúc với những người này, bà nẩy sinh ý nghĩ trở lại quê mẹ năm 1989 và từ đó cho tới nay, 2015, hoàn toàn và liên tục dấn thân cho việc trợ giúp các chương trình nhân đạo và tôn giáo (Công Giáo) tại Việt Nam.

“Chú biết không, từ Việt Nam, tôi phải đi thật cong để về đây, nên khá mệt”. “Cong làm sao?” “Từ Sàigòn, qua Hồng Kông, xuống Manila, qua Guam rồi mới về Honolulu”. “Chi cho mệt?” “Rẻ hơn, còn dành tiền giúp người nghèo”. Trương Vĩ Lan, 47 tuổi, hồi năm 2000, con gái của bà, nhận định về mẹ với nhà báo: “chúng tôi tin mẹ có thể làm bất cứ điều gì”. Kể cả cái điều đi cong ở cái tuổi 88 này. Không lạ gì, tờ The Oregon, năm 2000, gọi bà là “Resolute angel”. Nhìn người đàn bà 74 tuổi với “lũ cháu hờ” mới đem từ Việt Nam qua, tờ báo này nhận xét: “cao khoảng 5 feet, nhưng ngồi hay đứng, tư thế của bà lúc nào cũng thẳng, giống như các chỉ thị của bà (cho các trẻ em lúc tham dự Thánh Lễ): Ngồi ở đây! Quỳ gối nếu có thể! Cầu nguyện cho tới lúc Thánh Lễ bắt đầu!”.

Linh mục Karl Schray, cha xứ Nhà Thờ Holy Redeemer ở Portland nhận xét về bà: “Bà có trái tim vàng và ý chí thép, bà không cho phép bất cứ trở ngại nào”. Cả sự chết chăng? Ký giả Kristen Hannum của tờ Catholic Sentinel (đã nhắc) thuật lại nhận định của linh mục dòng Biển Đức Kenneth Jacques, người từng gặp bà Trần năm 1975: “Bà lớn hơn cả sự sống. Bà không hề nghĩ đến chuyện có ngày bà sẽ chết. Thực vậy, tôi cho rằng nếu thần chết có đến đập vào vai bà, hẳn bà sẽ bảo hắn ngồi đợi, vì bà đang bận!”.

Tờ The Asian Report, vùng Pacific Northwest, năm 2001, gọi bà là “Angel of Mercy”, người coi việc giúp các trẻ em là “một lao công của tình yêu” qua tổ chức vô vị lợi “Vietnam Rehabilitation Connection” (VRC) thiết lập năm 1997, cao điểm của chiến dịch đem trẻ em tàng tật từ Việt Nam qua Hoa Kỳ giải phẫu và điều trị. Chiến dịch này, như lời bà kể lại, trong 11 năm liên tục, đã giúp đỡ được gần 100 trẻ em. Nổi nhất trong các trường hợp này là hai em: Minh Thu, phỏng nước sôi lúc 5 tuổi, 12 tuổi được bà đem qua Hoa Kỳ chữa trị, các bác sĩ tại Bệnh Viện Shriners ở Portland đã cấy da, đắp vào những chỗ da chết, đậu tú tài Mỹ, về Việt Nam, đậu cử nhân năm 2012, trở lại Boston, đậu cao học tài chánh năm 2014; Trung Hoàng, mắc chứng xương thủy tinh, được Bệnh Viện Shriners ở Portland chữa trị từ năm 2000, lúc 10 tuổi, mãi tới năm 2008 mới khỏi, nay đã có "tú tài" Mỹ và 2 năm đại học kế tóan, hiện đang ở cùng căn hộ với bà Trần tại Pearl City…

Ký giả Mặc Bích của Bán Nguyệt San Tự Do, trong một bài báo dài, dựa vào báo chí Mỹ, cũng gọi bà là “Sứ Giả Của Tình Yêu”. Ông cũng thuật lại hầu hết các chi tiết đã được các báo chí Mỹ viết về bà, dĩ nhiên bằng những biểu thức không Tây Phương. Tựa bài báo là như thế, nhưng trong bài, ông ví bà như thiên thần “ở quanh ta mà chính ta chẳng hay biết”, “một bà tiên có thật ở cõi đời”. Tờ Việt Báo Daily News ở Orange County, năm 2001, cũng có một bài về bà do linh mục Jos. Nguyễn Thanh Sơn, Dòng Chúa Cứu Thế viết. Cha Sơn chỉ vắn tắt kể lại việc làm của bà với các trẻ em tàn tật tới Hoa Kỳ chữa bệnh. Một bài báo khác ở Việt Nam, có lẽ của Dòng Chúa Cứu Thế, nhắc đến bà và 34 trẻ tàn tật sẽ qua Hoa Kỳ, một số chụp hình chung với linh mục Trần Hữu Thanh tại Nhà Thờ Nam Đồng, Thái Hà Ấp. Tuy không gọi bà bằng những danh xưng như báo Mỹ, nhưng tờ này có nhắc tới nhận định của Linh Mục Kenneth Jacques trên đây.

Dân Làng Hồ chính hiệu

Nhiều công việc tình thương khác của bà không được báo chí nhắc đến. Danh sách được chính bà liệt kê, gửi cho các bằng hữu cuối tháng 3 năm 2014, cho thấy nhiều công việc đa dạng, thực hiện ở nhiều nơi trên khắp Bắc Trung Nam của Việt Nam. Chúng tôi đếm được ít nhất 30 chương trình.

Nhưng từ tháng 12 năm 2013, chiều hướng hoạt động của bà Trần có một khúc rẽ đáng lưu ý. Trong chuyến về Việt Nam năm đó, bà được cùng Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Kontum, người từng đến thăm các trẻ khuyết tật của bà tại Portland, năm 2005, và một số nữ tu Mến Thánh Giá của giáo phận Vinh, tham quan vùng truyền giáo bao la của giáo phận ngài, nhất là địa sở nay đã trở thành nổi tiếng Kong Chro, được tác giả "Hạt Nắng Đồi Trọc" gọi là Kống Rò.

Hãy nghe bà tạm kể qua về địa sở này: chỉ cách Tòa Giám Mục Kontum “hơn 100 km nhưng đường đi thật cam go, núi đèo khúc khuỷu quanh co, gập ghềnh hang hố, tệ hại nhất là khi có xe ngược chiều bụi đất bay ngợp trời, thật kinh khủng đối với người không có kinh nghiệm về rừng núi”. Nhưng mà đấy chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là khi bà gặp tác giả "Hạt Nắng Đồi Trọc", dân Làng Hồ chính hiệu:
“‘Kính thưa Đức Cha và phái đoàn, đây là Kong Chro, vùng đất Trắng Tôn Giáo’, rồi chỉ mấy đống gạch nằm chình ình trên sân và nói ‘đây là di tích căn nhà của chúng con. Công an cho đập phá tan tành khi biết anh Sáu (nhân vật vô sản đến làng làm thuê) có tên trong danh sách các thầy sắp chịu chức linh mục và hai chúng con là tu sĩ’. Sau đó, các chị dẫn phái đoàn lò rò từng bước một, tuột dốc (quá cao) để đến con suối nhỏ từng cung cấp nước bùn cho các chị… uống”.

Anh Sáu đây là Thầy Sáu Phêrô Nguyễn Hữu Phú, dòng Đa Minh. Xin ngả mũ không những chào Anh Sáu mà còn xin lạy anh một lạy. Vì anh đã đi đúng con đường mà cách nay hơn 160 năm, một anh sáu khác đã đi tiên phong, mở đường khai sinh ra Giáo Phận Kontum: anh sáu Do, người Việt đầu tiên trở thành Dân Làng Hồ chính hiệu. Cũng như anh sáu Do giả vờ làm thương nhân người Kinh, hạng người có giá hồi đó, tới buôn bán với người nguyên khởi Làng Hồ (Kon=Làng, Tum=Hồ) thế nào, anh sáu Phú cũng giả vờ làm người vô sản, hạng người được coi là giai cấp chuyên chính, như thế, để được trở thành Dân Làng Hồ chính hiệu, không hẳn để truyền đạo cho bằng chia sẻ cuộc nhân sinh với họ.

“Hai chúng con là tu sĩ” có tên Maria Phạm Thị Đức và Maria Cao Thị Nhiên, thuộc Nữ Tu Viện Đa Minh Tam Hiệp, Biên Hòa, nhưng nay đã trở thành Dân Làng Hồ chính hiệu. Nữ Tu Nhiên thuật lại kinh nghiệm chia sẻ nói trên trong “Hạt Nắng Đồi Trọc”, một tác phẩm “lưu hành nội bộ”, nhưng hiện đã được quảng bá khắp nơi. Bà Trần tặng vợ chồng tôi một cuốn, cùng với cuốn “Mùa Đông Ấm Áp” của Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Đông. Tuy đã có cuốn của Cha Đông rồi, dưới dạng ảo, với tựa đề “Những Điều Chia Sẻ”, nhưng tôi vẫn nhận để nhà tôi đọc trên đường trở lại Sydney sáng sớm hôm sau. Bà còn muốn tặng vợ chồng tôi cuốn thứ ba tựa là “Dân Làng Hồ” dịch từ cuốn “Les Sauvages Bahnars” (Những Người Hoang Dã Bana) của Linh Mục P. Dourisboure (1825-1890), thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (MEP). Nhưng cuốn này tôi đã được Đức Cha Oanh tặng hồi ngài sang Sydney tháng Năm năm ngoái, vả lại, các vali của chúng tôi đã đầy đồ mua từ Honolulu rồi, nên xin cám ơn bà.

Tôi nhường cho nhà tôi đọc cuốn của Cha Đông, còn tôi đọc cuốn “Hạt Nắng Đồi Trọc” của Nữ Tu Nhiên. Cả hai chúng tôi mải miết đọc và sau 10 giờ bay từ Honolulu trở lại Sydney, kể như tạm gọi là đọc xong hai tác phẩm này. Dĩ nhiên, tôi thích lối văn kể chuyện dí dỏm của Nữ Tu Nhiên: cái dí dỏm này phản ảnh lối sống đầy ánh sáng (hạt nắng) dù trong đêm tối (đồi trọc) của bà, nó toát ra một thứ hân hoan của những bước chân rao giảng, nhẩy nhót qua khắp núi đồi, mang tin vui đến cho mọi người, dù xa cách mình bao nhiêu cả về địa dư, lối sống lẫn tâm tư, phong tục, tín ngưỡng. Nhưng điều làm tôi ngưỡng mộ hơn cả là phương thức rao giảng tin vui của Dân Làng Hồ, một phương thức tôi cho là có tính cách mạng.

Thực vậy, theo “Hạt Nắng Đồi Trọc”, khi đặt chân tới Kống Rò, hai “lão bà bà” của Tam Hiệp được “Ngoại (Đức Cha Oanh) dặn dò: ‘quên đi sứ vụ truyền giáo, mà chỉ chuyên chăm lao động giữa người lao động, ẩn mình để cầu nguyện’. Ngày ra đi, Ngoại bảo: ‘cần phải có nữ tu bám trụ dọc biên cương’, đến vòng đai trường sơn để thể hiện tính cách hiện diện, thì Ngoại lại nhắn nhủ: ‘mặc lấy thân phận nông dân để được nên giống nông dân’” (tr.25).

Cụ thể hơn, “định hướng sống: ‘hiện diện, cầu nguyện, lao động’ còn mọi việc khác để Chúa Thánh Thần hoạt động. Định hướng được đi kèm với 4 không:

“-Không đi về phía giáo dân, nhưng nhắm tới lương dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số.
“-Không vào làng dân tộc ngay.
“-Không hoạt động từ thiện bác ái.
“-Không sống với cung cách của một tu sĩ mà là một nông dân bình thường” (tr.9)

Có lẽ không cái không nào được thi hành thành công bằng cái không thứ tư. Đến nỗi, “vì xa đường (40km), chị em không biết đi xe honda, nên không thể đi dâng Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật. Đức Giám Mục Micae đã chước chuẩn cho chị em khoản luật này”. Chưa hết, “đây là một cộng đoàn ghép có lẽ chưa từng có trong lịch sử Đaminh. Một cộng đoàn có cả nam và nữ tu sĩ… cùng sống một nhà, cùng giữ một nội vi: chúng em ở phòng trong, Thầy ở phòng ngoài… Thầy coi chúng em như người Dì của mình và chúng em coi Thầy như người cháu”. Cộng đoàn này có sự chúc phúc của cả bề trên Dòng lẫn của giám mục sở tại.

Sự thành công của cái không ấy thật thần kỳ. Theo “Hạt Nắng Đồi Trọc”, sau “dự án” trồng đậu bất thành: “đậu người ta đứng hái, đậu mình thì ngồi nhặt quả rụng”, chính lòng thèm thuồng đĩa thịt gà thơm phức lâu ngày chưa được hưởng khiến đầu óc sáng tạo của những bước chân rao giảng Đaminh Tam Hiệp nghĩ ra cách nuôi gà không mời mà anh em dân tộc cứ thế mà đến. “Hai lão bà bà” quyết định làm chuồng nuôi một đàn 10 con. Mục đích là “lão không vào làng (dân) tộc được, chỉ quanh quẩn cấy chuối, chăm tre; còn gà thì… để vào làng thay lão” (tr.224). Đúng thật, khởi đầu là 3 phụ nữ Bahnar, thấy đàn gà “nhanh nhẹn, đẹp mã, bèn sà vào hỏi mua về nuôi”, rồi một ‘bok Bahnar mình trần khố rách tới mua gà về cúng Yang, và già làng Hle Ktu mua gà về cúng cho làng, cô giáo Mlih đổi phân bò lấy gà, gây nên cảnh “người làng mình vào ra mua gà nhộn nhịp"…

Rồi đến trồng tre. Cây tre bắt đầu cho măng, “mụt măng thi nhau chồi lên khỏi mặt đất. Con cháu nhà Bahnar thấy măng thì mê tít mắt vào… Một người mon men vào xin, xin được về dẫn anh em đến xin, anh em đến xin được về loan báo cho buôn làng, kẻ trước người sau dẫn nhau đến viếng vườn tre của yă… Từ ngày có măng, mỗi khi con cháu tộc Bahnar đến mua gà lại xin măng về nấu gà. Hai lão tuy mất của mất công đào nhưng lại khấp khởi vui mừng vì đàn gà bảo nhau lũ lượt gùi măng vào làng” (tr.228).

Đối với những người “khôn ngoan” cho mình là dại, “hai lão bà bà” chỉ nghĩ thầm: “tiền thì lão lúc nào cũng có, không có nhiều thì có ít, lão đi làm mướn cũng có tiền, còn tình người và tình Chúa với người dân tộc thì lão không có, mà có tiền cũng không mua được tình, lão lấy măng bác cầu chuyển tình vậy”.

Trắng Tôn Giáo nơi các buôn làng dân tộc

Nhưng, chính sách Trắng Tôn Giáo thì vẫn còn đó, người Kinh chỉ có thể mon men ở đàng xa, không vào được làng dân tộc, nơi số người chưa biết Chúa vẫn còn nhiều vô kể. Nhu cầu đào tạo các nhà truyền giáo người dân tộc khẩn cấp được đặt ra. Bà Trần nhận định “nhờ những gì mắt thấy tai nghe, tôi mới dần dần hiểu nỗi thao thức của ĐC Micae, trong việc cố gắng tìm ơn gọi cũng như sự hăng say quyết tâm vượt khó trong việc đào tạo Tông Đồ Truyền Giáo, tìm người sẵn sàng hy sinh đem Chúa đến với anh, chị, em dân tộc sống tận vùng sâu, vùng xa, trong rừng sâu, núi thẳm”.

Chính vì thế từ nay, bà dốc toàn lực vào công tác truyền giáo này qua việc yểm trợ nuôi ăn cho các trung tâm huấn luyện người dân tộc cho công việc truyền giáo trong tương lai. Bắt đầu, bà tiếp xúc với các nhà nội trú cho học sinh dân tộc do linh mục hoặc tu sĩ đảm trách: các em được ở miễn phí hoặc chỉ đóng phần nào tiền ăn, ở và đi học trường công… Xong tú tài (bà Trần vẫn thích dùng kiểu nói xưa), các em có thể xin nhập dòng tu hoặc chủng viện nếu có ơn gọi hay vào đại học (rất hiếm vì thiếu tài chính) hoặc về lại buôn làng lập gia đình, làm Yao Phu dạy giáo lý. “Họ sẽ là những người đem Chúa vào núi rừng, thực thi công tác Truyền Giáo trong những buôn làng mà người Kinh không được phép bén mảng”.

Kết quả cụ thể “trước khi trở lại Kontum-Pleiku lần thứ ba, tôi liên lạc với bạn bè các tiểu bang trình bầy những gì mắt thấy tai nghe và được các bạn ủng hộ nhiệt liệt với số tiền 13,000 dollars đóng góp trong năm qua (2014) (tôi góp vé máy bay và tổn phí). Danh sách ân nhân cũng như chi, thu đều được trình lên Đức Cha và Đức Cha có thư cám ơn ân nhân. Tôi đã trực tiếp chuyển tiền đến các vị đặc trách 5 nhà nội trú: Phan Sinh (Cha Hải và thầy Phát), Hiếu Đức (nữ sinh nên có thêm Sr Nương MTG Cái Mơn tiếp tay), Kim Phước (Sr Ana Trương thị Nữ dòng Chúa Quan Phòng), Trung Tâm Hướng Nghiệp Thăng Tiến (Sr Marie Kim dòng St Paul de Chartres) và giáo xứ Dak Jak (Cha Đaminh Trần Văn Vũ). Với số tiền trên, chúng ta đã giúp trên 200 cháu có cơ hội tiếp tục học”.

Bà Trần đặt mục tiêu mỗi năm về Việt Nam hai lần, bằng phí tổn của mình, để trực tiếp nuôi ăn các em tại các trung tâm huấn luyện nói trên. Tháng Năm này bà sẽ vào Đất Liền Hoa Kỳ để vận động và tháng Sáu bà sẽ lên đường trở lại Kontum đem những “hạt nắng” tiếp tục sưởi ấm “đồi trọc”. Tất nhiên, Bà Trần mong nhận được những “hạt nắng” của mọi người hảo tâm xa gần. Địa chỉ của bà: Ann-Marie Trần, 950 LUEHU St. Apt 504, Pearl City, Hawaii 96782, Phone (808) 456-5975, E-mail annemarietran@gmail.com