Bên ngoài nước Úc, Ngày ANZAC được cử hành long trọng nhất tại Gallipoli, Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng năm, Úc và Tân Tây Lan tổ chức 3 lễ tưởng niệm ngày này tại đây: Lễ chung Lúc Hừng Đông (Dawn Service) tại địa điểm Tưởng Niệm ANZAC, tiếp theo là Lễ Tưởng Niệm của Úc tại Lone Pine, và Lễ Tưởng Niệm của Tân Tây Lan tại Chnuk Bair.

Cha đẻ ra nước Úc hiện đại

Họ đến đây để tưởng niệm các chiến binh hy sinh tại Gallipoli và tại nhiều nơi khác, tổng số lên tới 36,141 người Úc và Tân Tây Lan. Riêng tại Gallipoli năm 1915 là hơn 10,000 chiến binh Úc và Tân Tây Lan. Buổi Lễ Lúc Hừng Đông phản ảnh thói quen của của Quân Đội Úc: lúc tranh tối tranh sáng của hừng đông là lúc thích hợp nhất để phát động cuộc tấn công. Các chiến binh trong các vị trí phòng ngự được đánh thức sớm để tới lúc những tia sáng đầu tiên xuất hiện, là lúc họ tỉnh hoàn toàn và sẵn sàng chiến đấu.

Đó là trường hợp đã diễn ra với cuộc đổ bộ tại Gallipoli. Lúc 1 giờ sáng ngày 25 tháng Tư năm 1915, các chiến binh Úc leo thang giây khỏi tầu chiến Anh xuống các tầu nhỏ để chèo vào địa điểm đổ bộ. Tuy nhiên, Đồng Minh đã đi quá địa điểm dự tính đổ bộ: đáng lẽ là bãi biển cách đó chừng vài cây số, họ đã đổ bộ lên bãi biển sỏi đá được các sử gia mô tả chỉ rộng bằng một khung chơi cricket (rộng chừng 20.2 mét x 3.05 mét).

Lúc ấy vào khoảng 4.30 sáng và các đội quân phòng ngự của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra các tầu đổ bộ, thành thử các chiến binh Úc lọt vào các ổ súng trường và súng máy của họ. Đến sớm chiều, thì kế hoạch hoàn toàn thất bại, cuộc xâm lăng biến thành cuộc bị bao vây kéo dài tám tháng rưỡi với tổn thất hơn 10,000 chiến bịnh thiệt mạng.

Nói trong buổi lễ sáng nay tại Gallipoli, Thủ Tướng Tony Abbott của Úc cho rằng: cuộc đổ bộ hoàn toàn thất bại, chỉ thành công ở lúc di tản. Nhưng sự thất bại này đã là cơ hội khai sinh nền cộng hòa của Thổ Nhĩ Kỳ và căn tính quốc gia của cả Úc lẫn Tân Tây Lan. Và những người chiến binh Gallipoli không phải chỉ là những người lính mà là cha đẻ ra nước Úc hiện đại.

Những người Công Giáo nổi danh tại Gallipoli

Trong thánh lễ vọng ngày Anzac tối qua, 24 tháng Tư, tại Nhà Thờ Chính Tòa St Mary, Đức TGM Anthony Fisher, O.P., nhắc tới 2 người Công Giáo nổi danh tham gia chiến dịch tại Gallipoli, cách nay 100 năm. Người đầu tiên là linh mục John Faye (1883–1959). Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, cha Faye rời bỏ quê hương Ái Nhĩ Lan lên đường qua Úc phục vụ và ngày 8 tháng 9, năm 1914, trở thành đại úy tuyên úy cho tiểu đoàn 11, thuộc Lực Lượng Đế Quốc Úc, sẵn sàng trực chỉ Gallipoli.

Tới Gallipoli ngày 25 tháng Tư, năm 1915, đúng 100 năm trước, và mặc dù các tuyên úy được lệnh ở lại tầu, cha Fahey bất tuân lệnh, đã lao vào chiến tuyến để được ở cạnh các binh sĩ. Ngài xông xáo lo an ủi thương binh, chôn cất người chết và khích lệ người sống. Từ Gallipoli, ngài viết: ngài “bị bắn hai lần vào áo khoác nhưng không hề bị đụng tới da. Một cuốn sách bị bắn khỏi tay tôi, hộp mứt tôi đang ăn bị bắn thủng”. Tháng Bẩy, vì bệnh, ngài được di tản khỏi Gallipoli nhưng trở lại đó vào tháng Chín và ở lại đó tới 7 tháng Mười Một, được huân chương Phục Vụ Xuất Sắc (Distinguished Service Order) vì “can đảm dưới lằn đạn”.

Tháng Tư năm 1916, ngài theo Tiểu Đoàn 11 qua Pháp. Ở đây, ngài viết như sau về hỏa lực pháo binh: “Trong khoảng một giờ, đạn pháo đủ cỡ rót xuống một phạm vi nhỏ của chiến tuyến… Quả là kinh hoàng, quả là qủy ma, và quả là kỳ diệu cho bất cứ ai sống thoát”. Ngài ở lại Pháp cho tới 14 tháng Mười một năm 1917, trở thành tuyên úy phục vụ lâu nhất ở tuyến đầu. Ngài trở về Úc ngày 16 tháng Ba, năm 1918, hết lời ca ngợi tinh thần người chiến binh Úc: “càng biết họ tôi càng thương yêu và cảm phục họ… Lòng can đảm của họ đã được viết bằng việc làm, những việc làm sẽ sống tới ngày tận thế”.

Người thứ hai là chàng thanh niên 18 tuổi tên Normal Thomas Gilroy (1896-1977), sau này trở thành Hồng Y bản xứ đầu tiên của Úc. Ngài tình nguyện tham gia quân vụ với tư cách điện tín viên (telegraphist) vốn là nghề của ngài tại Tổng Nha Bưu Điện Úc. Được cử làm Vô Tuyến Viên Cấp Thấp (Junior Wireless Officer) trên tầu vận tải Hessen, ngài lên đường qua Alexandria đầu tháng Giêng năm 1915. Tháng Tư cùng năm, tầu Hessen qua Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc tấn công tại Gallipoli, cùng với 40 tầu vận tải khác. Hôm trước ngày đổ bộ, ngài vắn tắt ghi trong nhật ký tác phong của các sĩ quan chỉ huy: “Dù họ tới gần, có lẽ, gần kề giai đoạn biến động nhất và nguy hiểm nhất trong đời, các sĩ quan quân đội của chúng ta tỏ ra hoàn toàn bất cần. Lúc dùng trà tối nay, họ ăn nói hết sức khinh xuất, và thoải mái tranh luận với nhau như thể họ đang du lịch trên một du thuyền cách xa vùng nguy hiểm cả hàng ngàn dặm”.

Dù chỉ là một quan sát viên ở trên tầu, ngài cũng hiểu rất rõ tầm nghiêm trọng của cuộc đổ bộ ngày 25 tháng Tư, vì tầu Hessen ở lại khu đổ bộ tại Gallipoli khoảng ba tuần lễ và bị nhiều đạn pháo. Ngài được chứng kiến nhiều tầu chiến, tầu vận tải và một số thương vong. Ngài ghi lại: “Một tầu bệnh viện lớn… và một tầu nhỏ của Hồng Thập Tự chạy qua, đi về hướng Nam, hiển nhiên chở một số người yêu nước bất hạnh, hy sinh mạng sống mình vì quê hương trong khi chúng tôi đứng nhìn từ trên boong tầu của mình với một sự an toàn tương đối, 'vui vẻ' một cách vị kỷ, để người khác thực hiện công việc khó khăn và nguy hiểm”.

Óc quan sát tinh tường khiến ngài nhận định sự kỳ dị của địa điểm đổ bộ như sau: “Nó làm phần lớn chúng tôi, những người chưa được khai tâm về chiến thuật quân sự, phải ngạc nhiên tại sao một vị trí khó khăn như thế đã được chọn để thực hiện cuộc đổ bộ, trong khi, hai bên sườn đồi, thế đất hoàn toàn bằng phẳng”.

Nan đề Ngày ANZAC

Tháng Năm, tầu Hessen được lệnh trở lại Alexandria, rồi qua Anh và sau cùng trở về Úc ngày 8 tháng Mười cùng năm. Mấy tuần lễ tại Gallipoli đã để lại trong ngài những ấn tượng hết sức sâu đậm và đã thúc đẩy ngài giải quyết một nan đề liên quan tới ngày ANZAC sau này.

Ta biết, ngày 25 tháng Tư năm 1916, một năm sau ngày đổ bộ lên Gallipoli, các binh sĩ Úc và Tân Tây Lan tại London đã diễn hành tới Westminster Abbey để dự lễ tưởng niệm dưới sự chủ tọa của Vua George V và thủ tướng Úc W.H Hughes. Sau đó, các buổi lễ tưởng niệm hàng năm mau chóng trở thành một khuôn mẫu tại khắp các tiều bang Úc và năm 1923, một đạo luật của quốc hội liên bang đã chính thức thêm Ngày ANZAC vào lịch các ngày tưởng niệm của Úc. Kể từ đó, nghi lễ chính của Ngày ANZAC thường bắt đầu bằng một nghi lễ hừng đông và sau đó là cuộc diễn hành của các nam nữ cựu phục vụ viên qua các đường phố của thủ phủ, và chấm dứt bằng một buỗi lễ tôn giáo. Cuộc diễn hành và nghi thức tưởng niệm đều được tổ chức bởi Hội Returned Sailors, Soldiers and Airmen’s Imperial League of Australia (RSL).

Nghi thức hừng đông và cuộc diễn hành không gây tranh cãi chi. Nhưng đến nghi thức tôn giáo thì có vấn đề. Tại Sydney chẳng hạn, vừa tới địa điểm tưởng niệm có tính tôn giáo, thường là khu Domain, thì các cựu phục vụ viên Công Giáo thường tách ra để tới Nhà Thờ Chính Tòa St Mary gần đó, dự Thánh Lễ Trọng Thể cầu cho những người nằm xuống. Họ không được tham dự buổi tưởng niệm tại Domain vì nó được hướng dẫn bởi các hệ phái khác, không phải là Công Giáo.

Buổi lễ tôn giáo chung nói trên xem ra vô thưởng vô phạt. Trước đây, nó thường diễn biến như sau: câu “Ôi Lạy Chúa, Đấng Phù Hộ chúng con trong mọi thời quá khứ” được ca đoàn và công chúng cùng hát lên, tiếp theo là lời cầu nguyện của vị giáo sĩ chủ trì, cầu cho đức vua và quốc gia, và bài diễn văn về ANZAC của cùng vị giáo sĩ này; kết thúc dân chúng đáp “Kẻo chúng ta quên” (Lest we forget), rồi hai bản Last Post Reveille được thổi lên và bài “God Save the King” được hát lên.

Các Giáo Hội lần lượt được mời chủ trì buổi lễ. Riêng các giáo sĩ Công Giáo thì giữ khoảng cách khá xa. Đối với họ, tham gia một nghi thức tôn giáo trên căn bản ngang hàng với các giáo sĩ Thệ Phản bị coi là theo “chủ nghĩa dửng dưng”, một chủ nghĩa bị Đức Giáo Hoàng Piô XI lên án trong thông điệp Mortalium Animos năm 1928: “Tông Tòa không thể tham dự các cuộc tụ họp của họ, trong bất cứ trường hợp nào, và người Công Giáo cũng không được phép ủng hộ hay làm việc cho những cuộc tụ họp ấy; vì họ sẽ đem lại một bộ mặt cho thứ Kitô Giáo giả hiệu này… Bởi thế, thưa các hiền huynh, nay đã rõ lý do tại sao Tông Tòa không bao giờ cho phép các bề tôi của mình tham dự các cuộc tụ họp của người không Công Giáo: vì sự hợp nhất của các Kitô hữu chỉ có thể được cổ vũ qua việc trở về của những người ly khai với Giáo Hội đích thực của Chúa Kitô ”.

Như thế, lý do giữ khoảng cách đối với việc cử hành Ngày ANZAC của người Công Giáo Úc là để tôn trọng “kỷ luật” của Giáo Hội, chứ không hẳn họ không tôn trọng ANZAC. Nhưng những người ngoài Công Giáo không nghĩ vậy. Họ coi người Công Giáo là nguyên nhân gây chia rẽ xã hội, và chỉ biết trung thành với Ái Nhĩ Lan và Rôma.

Bầu khí căng thẳng trên bắt đầu thay đổi khi người cựu phục vụ viên của Gallipoli là Norman Thomas Gilroy đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám Mục Sydney. Năm 1957, hai thư ký của ngài là linh mục Henry Kennedy và Ian Bums cho hay: Đức TGM Gilroy muốn hình thức cử hành tại Domain thay đổi để người Công Giáo cảm thấy có thể tham dự được. Muốn thế phải có các cuộc thương thảo với RSL. Nhưng hai bên không định được ngày thương thảo. Trong khi ấy, dấu hiệu hòa dịu đầu tiên đã được phía Công Giáo đưa ra: từ năm 1959, Thánh Lễ Trọng Thể tưởng niệm ANZAC đã được chuyển xuống giữa trưa, để người Công Giáo dự diễn hành và dự luôn buổi lễ ở Domain, trước khi dự Thánh Lể Trọng Thể. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Công Giáo thì vẫn “chưa thể” tham dự buổi lễ ở Domain.

Thế rồi, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Giáo Hội Công Giáo biểu lộ một sự cởi mở mới mẻ đối với các Giáo Hội và tôn giáo khác. Đức Hồng Y Gilroy, người can dự vào cả việc bầu Đức Gioan XXIII lẫn việc chuẩn bị Công Đồng Vatican II, ý thức rất rõ nhu cầu đối thoại và cởi mở. Việc này có ảnh hưởng dứt khoát tới thái độ của ngài đối với việc giải quyết tình thế bế tắc của hai buổi lễ tôn giáo tưởng niệm ANZAC được cử hành cùng một lúc, thay vì một buổi lễ thống nhất.

Tuy nhiên, công khai thông bế tắc, theo sử liệu hiện có, lại là của RSL, tiểu bang NSW, với tân thư ký Warren G. Osmond, được cử nhiệm năm 1961. Ông cùng chủ tịch William Yeo tới thảo luận với TGM Anh Giáo là Hugh Gough nhằm thay đổi nghi thức tưởng niệm để mọi Giáo Hội, nhất là Công Giáo, có thể chấp nhận được. Họ đề nghị như sau: mọi lời cầu nguyện sẽ được hướng dẫn bởi các nhà lãnh đạo của RSL và quân lực; một giáo sĩ sẽ đọc Diễn Văn ANZAC, nhưng chỉ có tính yêu nước, không nói tới tôn giáo; một luân phiên hàng năm sẽ giúp các Giáo Hội lần lượt đọc bài diễn văn này.

TGM Gough nhận vai trò tiếp xúc với các Giáo Hội và bắt đầu bằng việc đến gặp Đức HY Gilroy và được Đức HY chấp thuận trên nguyên tắc. Được lời như cởi tấm lòng, RSL chính thức mời Đức HY Gilroy tới Anzac House để thương lượng. Ngày 2 tháng Mười Một, Đức HY Gilroy chính thức chấp nhận Lệnh Phục Vụ mới và đồng ý tham gia việc luận phiên hàng năm bằng cách cử một giáo sĩ tới đọc Diễn Văn Tưởng Niệm. Thoả thuận này sau đó đã được các giám mục khác của NSW chấp nhận vào năm 1962. Nhờ thế, ngày 29 tháng Ba, 1962, chủ tịch RSL tiểu bang NSW đã ra thông báo: lần đầu tiên sẽ có buổi lễ “thống nhất” tại Domain, “được mọi người chấp nhận, bất kể tín ngưỡng”.

Năm này, buổi lễ tại Domain, lần đầu tiên, có sự hiện diện của Đức Hồng Y Gilroy trên lễ đài cùng với các giáo sĩ của các Giáo Hội khác. Sau buổi lễ, ngài mới trở lại Nhà Thờ Chính Tòa St Mary để chủ tọa Thánh Lễ Trọng Thể cầu cho người nằm xuống.

Năm sau, 1963, các Giáo Hội Thệ Phản đã bỏ qua luân phiên thường lệ để nhường cho Đức HY Gilroy đọc Diễn Văn Tưởng Niệm. Bài diễn văn của ngài dựa vào kinh nghiệm bản thân, lòng yêu nước và ưu tư đối với hiện tại. Ngài nói: “hôm nay, chúng ta tụ họp nơi đây để tôn vinh và để đoan hứa với chính ta sẽ giữ cho tinh thần chân chính của ANZAC sống mãi. Chúng ta không hiện diện ở đây để tôn vinh chiến tranh. Những người đã chiến đấu tại Gallipoli cũng ghét chiến tranh như chúng ta. Họ có một nhiệm vụ phải chu toàn và họ chu toàn một cách kỳ diệu… Vì tôi từng ở với họ, dù không được hân hạnh là thành phần của họ, tôi có thể nói về sự cao cả của họ do chính kinh nhgiệm bản thân của tôi. Như một nhân viên vô tuyến cấp nhỏ trên một con tầu vận tải Úc đến rất gần bờ biển đổ bộ, tôi đã mục kích lòng can đảm không lay chuyển của những người ANZAC nguyên thuỷ”.

Ngài nói thêm: lòng can đảm và quyết tâm của họ cũng là các đức tính nội tại trong nhiều thế hệ người Úc và ngài mong muốn thế hệ hiện nay duy trì tinh thần này. Không minh nhiên nói tới chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng ngài kết luận rằng “dù có hòa bình bên trong các bờ biển của ta và ta không đe dọa ai ở bên ngoài chúng, vẫn có những phần tử trong các hàng ngũ ta và ở ngoài hàng ngũ ta đang ngầm phá hoại lối sống của ta và tiêu diệt hòa bình và tự do chân chính ta đang được hưởng. Ta có nhiệm vụ đối với đồng bào Úc của ta, cả hiện tại lẫn tương lai. Ta cũng có nhiệm vụ đối với đồng loại thuộc các quốc gia khác. Ta có thể chu toàn nhiệm vụ kép này bằng cách duy trì sống động tinh thần cao thượng của các người tiên phong của ta, tinh thần từng sinh động hóa các người phục vụ nam nữ, bằng cách sống cuộc sống hàng ngày của ta, thấm nhiễm tinh thần ANZAC”.

Diễn văn của Đức HY không hề nói tới tôn giáo. Nhưng tinh thần tôn giáo vẫn là nét chủ động trong bất cứ buổi lễ ANZAC nào: các lời cầu nguyện vẫn ngỏ với “Cha Trên Trời”, với “Thượng Đế Toàn Năng”, tuy không nói tới Chúa Kitô.

Người Công Giáo khai sinh tinh thần ANZAC

Linh mục sử gia Edmund Campion, trong cuốn Australian Catholics (Viking, 1987), có cái nhìn khác về tinh thần ANZAC, khi cho rằng vấn đề đi tìm bản sắc Úc có sự đóng góp đầu hết và quan trọng nhất của người Công Giáo.

Thực vậy, câu truyện khởi đi từ thời có những cánh đồng vàng ở Ballarat. Thống đốc Hotham ra lệnh lùng bắt các thợ mỏ nào không có giấy phép. Các linh mục Công Giáo đã khuyến khích người tìm vàng coi thường lệnh nhà cầm quyền. Họ đốt bỏ giấy phép và thề chỉ trung thành với lá cờ Sao Phương Nam. Người ta bắt đầu nói tới nền cộng hòa. Và khi được hỏi về mục tiêu, Peter Lalor, lãnh tụ các người tìm vàng và là một người Công Giáo, thưa: độc lập! Rồi ra đời tập san Bulletin, mà sáng lập viên là J.F. Archibald, từng hướng dẫn độc giả tìm hiểu thế nào là một người Úc: “người Úc và người Cộng Hòa là hai chữ đồng nghĩa”. Cha mẹ Archibald vốn là người Công Giáo thuần thành và tờ Freeman’s Journal của Trưởng Phó Tế McEncroe vốn gây ảnh hưởng mạnh đối với ông; ông từng gọi tờ này là “cái nôi của nền văn chương Úc”.

Sau đó là sự xuất hiện của Đức Cha Moran, Tổng Giám Mục Sydney, vào năm 1884. Nhân dịp Tiểu Bang NSW phái đoàn quân viễn chinh qua Sudan, ngài cho hay: họ phải lên đường vì chính nghĩa quốc gia chứ không phải chính nghĩa đế quốc Anh: “lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, lá cờ xanh dương của Úc, lóng lánh với Sao Phương Nam, sẽ chiếm chỗ đứng trên các trận tuyến của các quốc gia”. Thấy Úc lệ thuộc sức mạnh của Hải Quân Anh, ngài khuyến khích các tiểu bang đồng lòng xây dựng hải quân riêng của Úc. Ngài cũng là người tích cực vận động thành lập Liên Bang Úc. Để đả phá Ngày Đế Quốc, ngài cổ vũ Ngày Nước Úc, cũng rơi vào 24 tháng Năm, nhưng thay vì mừng Sinh Nhật Nữ Hoàng Victoria, người Công Giáo Úc mừng Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, vốn là Bổn Mạng Nước Úc. Ngày này, các trường Công Giáo chào cờ Úc, chứ không chào cờ Anh. Thay vì khẩu hiệu “Nước Úc Vì Đế Quốc”, ngài đưa ra khẩu hiệu “Nước Úc Vì Người Úc”.

Rồi Thế Chiến I bùng nổ và Ngày ANZAC ra đời. Những người chối bỏ căn tính Úc muốn kết hợp nó với Ngày Đế Quốc, viện lẽ: các chiến binh ANZAC đáp lại “tiếng gọi bổn phận” của “mẫu quốc vì ích lợi của Đế Quốc”. Nhưng linh mục John Roche, tốt nghiệp chủng viện Manly, không nghĩ thế. Ngài muốn Ngày ANZAC là ngày hãnh diện và tự nhận ra mình của người Úc. Năm 1917, giảng về ngày này, ngài nói: “Trước ngày các chiến binh ANZAC làm các quốc gia khác kính phục, tình cảm quốc gia của chúng ta có đặc điểm ủy mị và ngổn ngang. Chúng ta là Úc cho có tên và tuy có lá cờ nhưng các chính trị gia của ta bảo ta đừng tin tưởng ở chính mình: chúng ta không ngừng được các tạp chí hàng ngày khuyên phải nhớ rằng ta chẳng là gì ngoại trừ khúc nối trong cái đuôi của Đế Quốc vĩ đại. Có những nhà yêu nước lên tiếng phản đối cái thứ lý thuyết nô dịch và bợ đỡ đó. Nhưng nói chung, người ta cho rằng Úc chỉ sống được nhờ hồng phúc của Anh; và các nhà diễn giả (phần lớn là giáo sĩ Anh Giáo) của Ngày Đế Quốc được nhiều người nghe hơn là những linh hồn trung thành với Ngày Nước Úc và tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với lá cờ sao của họ.

“Ngày ANZAC đã thay đổi tất cả. Lá cờ Úc đã được đem ra khỏi gác xép và kéo lên tháp cao để nhân dân của nó trông thấy trọn vẹn… Ngày ANZAC và Ngày Nước Úc, được hàng trăm ngàn người đầy cảm xúc sâu xa tôn kính, quả là một thay đổi lớn lao! Quả là một phép lạ đối với những ai, chỉ mới đây thôi, còn buồn bã nhận định rằng tên của đất nước ta không hề có ý nghĩa”.