Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015

TÌNH YÊU LÀ SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TA
ĐỂ GIA ĐÌNH SỐNG DỒI DÀO
BÀI NĂM: TẠO DỰNG TƯƠNG LAI


Mục đích của hôn nhân là sự sống phong nhiêu và đón nhận sự sống mới. Con cái định hình nên tương lai y như chính chúng được định hình trong gia đình của chúng. Không có con cái, không thể nào có tương lai được. Trẻ được nuôi nấng trong tình yêu thương và sự dìu dắt là nền tảng cho một tương lai đượm thắm tình người. Trẻ bị tổn thương báo hiệu một tương lai bị thương tổn. Gia đình là nền tảng cho mọi cộng đồng lớn hơn. Các gia đình là những Hội thánh tại gia, là nơi cha mẹ giúp cho con cái khám phá được rằng Thiên Chúa yêu thương chúng và Ngài có một kế hoạch cho cuộc đời của từng đứa trẻ.

Hôn nhân mang lại một bối cảnh tinh thần cho những khả năng do khoa sinh học có thể tạo ra

68. Hôn nhân bao hàm tình yêu, lòng trung tín, và sự cam kết. Nhưng nhiều mối quan hệ đáng trọng khác cũng bao hàm như vậy. Hôn nhân là một cái gì khác biệt. Hôn nhân là giao ước xây dựng trên khả năng truyền sinh của người nam và người nữ. Khoa sinh học của chúng ta đặt ra những giới hạn và những khả năng nào đó, còn hôn nhân là một giải đáp để sống tình trạng ấy trong sự thánh thiện.

69. Chúng ta sẽ bàn đến giải đáp kia (tức là bậc sống độc thân) trong chương kế tiếp. Chúng ta sẽ bàn luận những thách đố đối với ý tưởng về tính phong nhiêu trong hôn nhân, những thách đố sẽ xuất hiện từ những vấn đề về hôn nhân tránh thụ thai và những mối quan hệ đồng tính, trong Chương 7. Trong phần này, chúng ta cần bàn luận xem tình yêu trong hôn nhân hòa nhập tính phong nhiêu của người nam và người nữ thế nào với bí tích của giao ước Thiên Chúa.

70. Hôn nhân là lời đáp trả cho khả năng truyền sinh giữa người nam và người nữ. Khi một người nam và một người nữ kết hôn bằng cách chủ động nói lời tự do ưng thuận và thề hứa sẽ trung thành và mãi mãi bên nhau,[1] hôn nhân đặt việc truyền sinh trong bối cảnh của phẩm giá và tự do con người. Những lời giao ước hôn phối tương tự như giao ước của Thiên Chúa với Dân Israel và Hội Thánh. Hôn nhân, như Hội Thánh dạy, là “giao ước hôn phối, qua đó người nam và người nữ tạo nên với nhau một sự thông hiệp trọn cả cuộc sống, và tự bản tính, giao ước này hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái, đã được Chúa Kitô nâng lên hàng Bí tích giữa những người đã chịu phép rửa tội”[2]. Tóm lại, hôn nhân là một cộng đồng của cả tình yêu và sự sống[3].

71. Bí tích Hôn phối ban cho ta sức mạnh để có thể sống trung thành giao ước của Thiên Chúa, cũng như ban sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là Cha, Con, và Thánh Thần, cho đôi vợ chồng. Nền tảng thiêng liêng này là căn nguyên mới mẻ và sâu xa hơn cho tính phong nhiêu sinh học, vì được đón nhận con cái là một ân huệ do lòng quảng đại của Thiên Chúa. Nhờ vậy chúng ta mới hiểu được thế nào là “ba điều thiện hảo của hôn nhân” kinh điển của thánh Augustinô (con cái, sự trung tín, và bí tích) đều bắt nguồn từ kế hoạch của Thiên Chúa[4].

Ơn gọi thiêng liêng làm cha làm mẹ

72. Cũng như với bất cứ vấn đề ơn gọi nào, vấn đề có nên chăng và khi nào có con không phải là điều để người ta quyết định chỉ theo chuẩn mực qui về bản thân của con người. Có những điều kiện “thể lý, kinh tế, tâm lý, và xã hội” có thực và hợp pháp, nhân bản, mà người chồng và người vợ cần phải xem xét khi phân định[5]. Nhưng, rốt cuộc, vấn đề làm cha làm mẹ vẫn đặt trên cùng một nền tảng hôn nhân bí tích: tình yêu biểu lộ qua sự phục vụ, hy sinh, tín thác và sẵn sàng mở ra đón nhận lòng quảng đại của Thiên Chúa. Hôn nhân Công Giáo đặt nền tảng trên bí tích và sự nâng đỡ của cộng đoàn Kitô hữu, và như thế, khi đôi vợ chồng Công Giáo xét định có làm cha làm mẹ Công Giáo hay không, họ vẫn luôn ở trong cùng một bối cảnh cộng đoàn và thiêng liêng đó.

73. Khi đôi vợ chồng trở thành cha mẹ, năng động nội tại của tạo thành của Thiên Chúa và Bí tích Hôn phối tỏ hiện ra một cách tuyệt vời và đặc biệt rõ ràng. Khi vợ chồng sinh con cái theo mẫu mực của tình yêu Chúa Kitô dành cho chúng ta, thì chính tình yêu ấy cũng sẽ chỉ đường dẫn lối cho các bậc cha mẹ mới biết giáo dục và huấn luyện đức tin cho con cái mình[6]. “Những người con đó là những mắt xích liên kết thành một chuỗi,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như thế khi mới đây ngài ban phép Thanh tẩy cho 32 em bé. Ngài còn nói: “Anh chị em là cha mẹ có một đứa con trai hay con gái để lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, nhưng trong một số năm nữa, sẽ là chính chúng lại có một đứa con hay một đứa cháu để lãnh nhận bí tích Thanh tẩy; và như thế đó, là một chuỗi đức tin!”[7].

74. Chuỗi liên tục các thế hệ con cái và các cha mẹ trải dài qua các thiên niên kỷ. Cứ hai lần mỗi ngày (và vẫn còn cho tới hôm nay) kinh nguyện Do thái bắt đầu bằng lời kinh Sh’ma cổ xưa, một lời kinh thấy có trong sách Đệ nhị luật, như sau:

“Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy”[8].

75. Ta nhắc lại: Anh em hãy lặp lại những lời ấy cho con cái anh em. Trọng tâm của lệnh truyền này, trách nhiệm căn bản, là việc khẳng định lại hằng ngày giao ước giữa Thiên Chúa và Israel. Cha mẹ cần phải nuôi dưỡng và dẫn dắt con cái đi vào mối tương quan của cộng đoàn mình với Thiên Chúa. Vì thế, sách Đệ nhị luật dạy: Hãy lặp lại và chia sẻ vinh quang Thiên Chúa với con cái anh em. Chúa Giêsu cũng dạy điều tương tự cho các môn đệ Người: “Hãy để trẻ em đến với Ta” (Mt 19,14). Cả Đệ nhị luật và Chúa Giêsu đều đang nói với chúng ta. Cả hai đều nói: Hãy lo liệu làm sao để con cái, trong vòng tay yêu thương chăm sóc của mình, có một tương quan với Thiên Chúa và với dân Ngài. Hãy dạy cho trẻ cầu nguyện và chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Hãy nuôi dưỡng điều này hằng ngày ngay tại nhà anh em và đừng có gì cản trở việc này.

76. Ơn gọi này xác định mục đích của việc làm cha làm mẹ của người Công Giáo. Cũng tình yêu này qui tụ người nam và người nữ lại, dạy cho họ biết đường lối của giao ước và mang họ tới Bí tích Hôn phối, dẫn dắt đôi bạn trở thành một gia đình[9]. Người chồng và người vợ trở thành người cha và người mẹ: “Sự kết hợp của các đôi vợ chồng đã làm nên gia đình, trong đó những công dân mới của xã hội loài người được sinh ra và được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ ơn Thánh Thần nhận được trong bí tích Thanh tẩy, dân Chúa được tồn tại mãi qua các thế hệ”[10]. Kitô hữu có con cái không phải chỉ để tiếp tục duy trì loài người và kiến tạo xã hội, nhưng còn để làm cho toàn thể gia đình được trở thành cộng đồng hiệp thông của các thánh. Trong ngôn từ của Thánh Augustinô, tình yêu phái tính giữa nam và nữ “là thủa đất cho hạt giống được ươm mầm và phát triển của một thành đô”[11] và ngài không chỉ nghĩ đến thành đô trần thế hay xã hội dân sự, nhưng ngài còn nghĩ đến thành đô trên trời sẽ trổ sinh hoa trái sum sê.

Sự sống trong Hội thánh tại gia

77. Công đồng Vatican II gọi gia đình là một “Hội thánh tại gia,” ecclesia domestica:

Trong Gia đình, như là Hội thánh tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ phải là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, và phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới thánh đức[12].

Bản chất của ơn gọi đời sống gia đình đòi hỏi phải sống một cách trân trọng. “Đời sống mỗi người đều được Thiên Chúa mời gọi đảm nhiệm một trách vụ nào đó”[13], nhưng, giống như khi xây dựng một cuộc hôn nhân, việc phân định một ơn gọi không “từ trên không trung rơi xuống”[14]. Thói quen phân định có thể được dạy dỗ và vun xới. Trách nhiệm của cha và của mẹ là ở bên con cái, lúc ở nhà cũng như khi ở nhà thờ, cùng cầu nguyện chung với nhau thường xuyên. Trẻ sẽ không biết phân định thế nào nếu chúng không được chỉ dạy. Các bậc cha mẹ có thể tìm kiếm nơi cha mẹ đỡ đầu, ông bà nội ngoại, thầy cô giáo, các linh mục, và tu sĩ sự tiếp tay hỗ trợ để làm tròn trách nhiệm của mình, và nhờ đó cả họ nữa cũng có thể lớn lên và biết cầu nguyện. Đức Thánh Cha Phanxicô, một tu sĩ dòng Tên với bao năm được huấn luyện về nghệ thuật phân định, đã mô tả cho biết việc cầu nguyện và ý thức ơn gọi đi song hành với nhau như thế nào: “Điều quan trọng là giữ mối tương quan hằng ngày với Chúa, biết lắng nghe Ngài trong thinh lặng trước Nhà Tạm, và lắng sâu trong nội tâm, thân thưa với Ngài, năng lãnh nhận các bí tích. Khi giữ tương quan thân thiết như thế với Chúa thì giống như ta để mở ngỏ cánh cửa sổ cuộc đời hầu Chúa cho chúng ta nghe được tiếng Ngài và nghe được điều Ngài muốn chúng ta thực hiện”[15].

78. Việc thực hành và huấn luyện sự phân định trong gia đình đòi hỏi sự kiên nhẫn và cầu nguyện, một ước muốn thường xuyên muốn thanh luyện các động lực, xưng thú tội lỗi và ăn năn sám hối, kiên nhẫn đi đàng nhân đức, mở trí mở lòng trước Lời Kinh Thánh và chứng từ của Hội thánh, và hiểu biết đời sống nội tâm của đối tượng.

Học biết cách phân định cho chính bản thân chúng ta và để truyền lại kỹ năng ấy cho con cái là trách vụ đòi hỏi đức khiêm tốn, cởi mở đón nhận sự phê bình xây dựng, trao đổi để tìm hiểu Thiên Chúa có thể hành động trong cuộc đời chúng ta thế nào. Để nhận biết được ơn gọi cho đời mình, cần có thiện ý sẵn sàng trung thực trước những ước vọng của mình, nhưng nhất là sẵn sàng dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận những phiêu lưu và kế hoạch mới mẻ có thể xảy đến khi chúng ta thân thưa: “Xin thánh Ý Cha, chứ không phải ý con, được thể hiện”[16]. Thánh Têrêsa thành Lisieux đã cầu nguyện theo lối này như một bé thơ, ngài nói: “Lạy Thiên Chúa của con, con chọn lấy hết. Con không muốn làm thánh nửa vời. Con không sợ đau khổ vì Chúa đâu. Con chỉ sợ một điều – đó là con vẫn còn giữ lấy ý riêng của con. Vậy xin Chúa hãy cất nó đi, vì con chọn tất cả những gì Chúa muốn”[17].

79. Nhất là khi một gia đình gồm nhiều con còn nhỏ, cha mẹ phải đối diện với hàng loạt những căng thẳng. Làm cha mẹ rất là khó. Tuy nhiên, nếu mục đích của đời sống gia đình kitô giáo là mở ra cho ân sủng Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày, thì dẫu ngay giữa những mỏi mệt và lộn xộn trong gia đình, cha mẹ vẫn có thể để cho lòng mình mở ra cho Thần Khí. Không ai muốn chất nặng thêm cho các bậc cha mẹ cả. Nhưng “tình yêu Thiên Chúa không phải là một điều gì chỉ để dành riêng cho những vấn đề quan trọng thôi đâu, nhưng còn phải được theo đuổi một cách chủ yếu trong cả những hoàn cảnh của đời thường”[18]. Chính trong tính cách mỏng dòn mong manh của những khoảnh khắc đó, bậc cha mẹ mới khám phá ra được điều Thánh Phaolô ngụ ý khi ngài nói: “Khi tôi yếu, lại là lúc tôi mạnh mẽ” (2Cr 12,10).

80. Làm cha mẹ có một cách để giảm thiểu những kỳ vọng, làm cho chúng ta thấy rằng chúng ta không tự cung, tự túc được, mà chúng ta cần đến sự trợ giúp và sức mạnh của Chúa, của gia đình, giáo xứ, và bạn hữu. Cách thức một gia đình phản ứng lại một nghịch cảnh và bệnh tật, hoặc tập hợp lại để dùng bữa, để làm việc đạo đức, hoặc đưa ra những quyết định tài chính, hoặc đặt ra những ưu tiên; hoặc cách thức gia đình chọn lựa thời gian nhàn rỗi, việc làm và nghề nghiệp của cha mẹ, sự học hành của con cái, thậm chí cả thời gian ngủ nghỉ - những điều này và cả nhiều sự việc hằng ngày khác của “kinh tế gia đình” sẽ định hình cho những khả năng sáng tạo và tầm hiểu biết của con cái. Những lề thói trong gia đình có thể là những “nơi chốn mỏng manh”, nơi Thần Khí có thể chiếu rọi qua, ở đó một thái độ ân cần và hiếu khách theo Phúc âm làm cả cuộc sống dậy men.

Bối cảnh văn hóa của chúng ta đòi hỏi các gia đình phải biết phân định

81. Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả nhiều ý tưởng loại này một cách rất thực tế :

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể cải thiện một chút theo khía cạnh này: bằng cách trở nên những người biết lắng nghe Lời Chúa hơn, chúng ta sẽ ít dung ngôn từ của mình mà sẽ dung lời Chúa nhiều hơn…Tôi nghĩ đến những người cha và những người mẹ, vốn là những nhà giáo dục đầu tiên [cho con cái mình] : làm thế nào họ có thể giáo dục con cái họ nếu lương tâm họ không được soi sáng bởi Lời Chúa? Nếu cung cách suy nghĩ và hành động của họ không được hướng dẫn bởi Lời Chúa thì họ sẽ có thể cho con cái họ loại mẫu gương nào? Điều này rất quan trọng, bởi vì khi đó các người cha người mẹ phàn nàn: “Ồ, đứa trẻ này…” Nhưng, còn anh chị, anh chị đã làm chứng thế nào cho đứa trẻ? Anh chị đã ăn nói thế nào với chúng? Anh chị đã nói với chúng về Lời Chúa hay về tin tức trên TV? Cha mẹ cần nói chuyện với con cái về Lời Chúa! Và tôi nghĩ đến các giáo lý viên và đến tất cả những ai đã dấn thân vào giáo dục: nếu con tim của họ không được sưởi ấm bởi Lời Chúa, thì làm thế nào họ sưởi ấm con tim của những người khác, của trẻ em, của người trẻ, của những người trưởng thành được? Mà mới chỉ đọc Kinh Thánh thôi thì cũng chưa đủ, chúng ta cần lắng nghe Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Kinh Thánh: chính Chúa Giêsu đích thân nói với chúng ta trong Kinh Thánh, chính Chúa Giêsu nói trong đó … Chúng ta hãy tự vấn bản thân xem Lời Chúa chiếm vị trí nào trong đời sống của tôi, trong đời sống hằng ngày của tôi? Tôi đã tự điều chỉnh để nghe được tiếng Chúa hay để nghe cho nhiều những lời rù rì hoặc để nghe được chính bản thân tôi? Đây là một vấn đề mà mọi người chúng ta cần phải tự hỏi chính mình[19].

82. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói bóng gió đến tin tức trên truyền hình, mà chúng ta có thể áp dụng một cách tổng quát hơn cho cả vấn đề thông tin đại chúng, mạng truyền thông xã hội, và những hình thức văn hóa đại chúng khác. Tham gia vào các hình thức văn hóa này không phải là một cái gì có thể xảy ra theo chế độ điều khiển tự động; tham gia các hình thức văn hóa này một cách xây dựng cũng đòi hỏi có sự phân định. Sách Giáo lý Hội thánh, khi đề cập về Hội thánh tại gia đã lưu ý rằng thế giới ngày nay “thường xa lạ và thậm chí thù nghịch với đức tin”[20] . Trong một nền văn hóa bị tan nát rã rời, trong đó môi trường xã hội và thông tin có nguy cơ làm xói mòn quyền bính cha mẹ nói chung, và cha mẹ Công Giáo nói riêng, các bậc cha mẹ và con cái cần phải suy nghĩ ra cách thức để gia đình ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian[21].

83. Khi bất cứ ai trong chúng ta (nhất là trẻ em) tiếp xúc với văn hóa, văn hóa sẽ định hình trí tưởng tượng và những ước vọng của chúng ta. Đa phần, tất cả chúng ta (nhưng nhất là trẻ em) đều nhiễm lấy những kỳ vọng về một đời sống tốt đẹp trong chừng mực nào đó từ những hình ảnh, phim, âm nhạc, và những câu chuyện trong đời sống chúng ta. Cho nên, tất cả là tùy thuộc cha mẹ, gia đình lớn, những người đỡ đầu, những người dìu dắt, và các nhà giáo dục theo dõi giám sát quá trình tiếp xúc này, và bảo đảm cho trí tưởng tượng của trẻ được củng cố và nuôi dưỡng bởi những lương thực lành mạnh, bởi những chất liệu có khả năng bảo vệ sự ngây thơ trong trắng của chúng, giúp chúng yêu thích sự phiêu lưu mạo hiểm của đời sống Kitô hữu, và khơi dậy sự dấn thân theo ơn gọi. Cái đẹp và sự chiêm ngưỡng phải là một phần của môi trường thường ngày của trẻ để trẻ học biết nhận thức chiều kích bí tích của thực tại. Cha mẹ, người lớn, người đỡ đầu, họ hàng, tín hữu trong giáo xứ, giáo lý viên, thày cô giáo đều phải làm gương mẫu những thái độ này cho trẻ. Việc huấn luyện người trẻ nhất thiết phải bao gồm “kiến thức sách vở.” Đọc sách thiêng liêng là biết được những gì về đức tin. Nhưng điều còn thiết yếu hơn chính là dạy cho trẻ biết cầu nguyện và cung cấp cho trẻ những gương sống động, những con người mẫu mực để chúng chứng nghiệm và khao khát bắt chước.

84. Những trẻ lớn hơn và lứa tuổi thiếu niên có thể tự ý thức và suy nghĩ thích đáng về môi trường văn hóa chung quanh, cũng như khởi sự hình thành một tầm nhìn chín chắn hơn về cầu nguyện và việc phân định ơn gọi. Những vấn đề quan trọng này phải là một phần của việc chuẩn bị cho trẻ lãnh nhận Bí tích Thêm sức, vốn ban cho ân sủng để có thể làm môn đệ trung thành trong những vấn đề này[22].

Gia đình và giáo xứ tùy thuộc lẫn nhau

85. Dĩ nhiên, Hội thánh tại gia không thể tồn tại nếu không có Hội thánh. Hội thánh tại gia bao hàm một tương quan với Hội thánh hoàn vũ: “Gia đình, để là một ‘Hội thánh thu nhỏ,’ thì phải hòa nhập, hợp nhất hoàn toàn với ‘Hội thánh lớn,’ tức là hợp nhất với gia đình Thiên Chúa mà Đức Kitô đã đến thành lập”[23]. Sự tham dự thường xuyên Thánh lễ Chúa Nhật cùng với Hội thánh phổ quát là điều kiện thiết yếu để Hội thánh tại gia thể hiện trọn vẹn tên gọi của mình. Hội thánh phổ quát là người đảm trách và là thày dạy giao ước Thiên Chúa với dân Ngài, cũng là giao ước thiết lập và bảo vệ đời sống hôn nhân gia đình.

86. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gọi giáo xứ là “gia đình của các gia đình”, vốn có “khả năng chia sẻ với nhau, không chỉ những niềm vui mà cả những khó khăn không thể tránh khỏi khi bước vào đời sống gia đình”.[24]. Chắc hẳn các Bí tích, và rất thường khi những việc lành phúc đức đáp lại nhu cầu thể xác, có thể được giáo xứ tạo điều kiện giúp thực hiện. Trong đời sống các em, trẻ cần được trông thấy cha mẹ và các người lớn khác bày tỏ tình liên đới với người nghèo và làm những việc phục vụ cho người nghèo. Giáo xứ và giáo phận có thể giúp cung cấp những cơ hội này[25]. Hội thánh tại gia phục vụ giáo xứ và giáo xứ phục vụ Hội thánh tại gia.

87. Giáo xứ, giáo phận, và các cơ sở Công Giáo khác như trường học, các phong trào, đoàn thể, và các hiệp hội, là lời giải đáp đặc biệt cho những trẻ chỉ có cha hay mẹ đơn thân. Trẻ có thể thiếu cha hay mẹ hoặc thiếu cả hai vì nhiều lý do khác nhau, kể cả đang bệnh tật, hay đã chết, ly dị, di cư, chiến tranh, nghiện rượu hay ma túy, bạo hành gia đình, xâm hại, bách hại chính trị, và thất nghiệp hoặc vì hoàn cảnh làm việc lưu động do nghèo khổ[26]. Đáng buồn là đôi khi vợ và chồng, cha và mẹ phải bị chia tách, thường bởi những lý do khiến chúng ta động lòng trắc. “Sự xáo trộn cảm xúc nơi những trẻ mà cha mẹ chia tay nhau đột ngột, phải sống với cha hay mẹ đơn thân, hoặc trong một gia đình ‘mới,’ đặt ra một thách đố cho các vị giám mục, giáo lý viên, giáo viên, và tất cả những ai có trách nhiệm với trẻ…. Đây không phải là vấn đề thay thế cho cha mẹ chúng mà là cộng tác với họ”[27].

88. Một giáo xứ muốn thực sự là một “gia đình của các gia đình” thì cần phải có những hành động cụ thể của lòng hiếu khách và sự quảng đại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng: “mở cánh cửa ngôi nhà mình, và còn hơn thế nữa, cánh cửa lòng mình”, chính là cách thức theo gương Chúa Kitô[28]. Giúp đỡ và đón nhận sự giúp đỡ đều là những điều nghĩa thiết. Không một ai, nhất là con trẻ, các bậc cha mẹ đang phải vật lộn với những khủng hoảng bất ngờ, người cao niên yếu đuối mong manh, hay bất cứ ai đang gặp khổ đau, lại có thể rơi vào hoàn cảnh cô đơn trong một gia đình giáo xứ. Không một ai hay điều gì có thể thay thế những tín hữu bình thường của giáo xứ trong việc đối xử tử tế và phục vụ lẫn nhau trong tuần, và mở rộng Hội thánh vượt ra khuôn viên thánh đường những buổi lễ sáng Chúa Nhật. Cách thức giáo dân đối xử với nhau như thế nào sẽ xác định một giáo xứ có chu toàn sứ mệnh của mình theo đường hướng này hay không. Lối nhìn này về đời sống một giáo xứ phải được hướng dẫn và nêu gương bởi các linh mục, đặc biệt có lẽ trong các giáo xứ lớn, vì ở đó có thể có một cám dỗ theo lối sống vô danh. Nhưng, cuối cùng, làm cho một giáo xứ được nên sinh động theo cách này không thể bị giáo sĩ hóa. Đây là một lối nhìn về đời sống Hội thánh vốn đòi hỏi phải có nơi các giáo dân. Thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Galata rằng nếu anh chị em “mang vác gánh nặng của nhau”, thì anh chị em “sẽ chu toàn lề luật của Đức Kitô” (Gl 6,2). Như thế, một cách ám tàng, nếu chúng ta không mang vác những gánh nặng của nhau, nếu chúng ta bỏ mặc những gia đình đang trong tình trạng yếu đuối mong manh và những người đơn thân phải tự lo liệu lấy trong nỗi cô đơn, là chúng ta đang hạ thấp giá trị chính bản thân chúng ta. Nếu lối sống chúng ta không đặt cơ sở trên sự hiệp thông và phục vụ, chúng ta sẽ không thể nào phát triển được. Chúng ta được tạo dựng nên cho nhau, và sống như thể điều ấy không thực là như thế thì quả thật là điều đáng buồn, là một thất bại trong việc thực hiện luật hiến tế của Đức Kitô.

89. Lòng hiếu khách đối với những trẻ cô đơn sẽ đương nhiên đặt ra vấn đề nhận con nuôi. Đức Gioan - Phaolô II, trong buổi triệu tập các gia đình có nhận con nuôi, đã nói:

Nhận nuôi một đứa trẻ là một công trình vĩ đại của tình thương. Khi thực hiện điều đó, người ta đã cho đi rất nhiều, nhưng cũng được nhận lại rất nhiều. Đó là một trao đổi thực sự các quà hiến tặng.

Trong lãnh vực này, tiếc thay, thời đại chúng ta có rất nhiều điều mâu thuẫn. Mặc dù rất nhiều trẻ em bị bơ vơ không có lấy một mái ấm gia đình, vì cha mẹ chết hoặc tàn tật, bất lực, thì lại có rất nhiều đôi vợ chồng quyết định không sinh con, thường vì lý do ích kỷ. Những đôi vợ chồng khác lại buông mình thất vọng vì những khó khăn kinh tế, xã hội, hay hành chánh quan liêu. Lại còn có những đôi khác nữa, trong ước vọng được có con của “chính mình” bằng mọi giá, vượt ra khỏi sự trợ giúp hợp pháp mà y khoa có thể đem lại cho việc sinh sản, lại còn tìm đến những thực hành đáng khiển trách về mặt luân lý. Đối với những khuynh hướng này, cần phải nói rằng những chuẩn mực của luật luân lý không chỉ là những nguyên tắc trừu tượng thôi đâu, nhưng bảo tồn điều thiện hảo đich thực của con người, và trong trường hợp này, điều thiện hảo của đứa trẻ cùng với sự tôn trọng đối với những lợi ích của cha mẹ đứa trẻ[29].

Đức Gioan - Phaolô II hi vọng rằng “các gia đình Kitô giáo sẽ có thể chứng tỏ sự sẵn sàng quảng đại hơn để nhận con nuôi và nhận nuôi những đứa trẻ đã mất cha mẹ hoặc bị cha mẹ bỏ rơi”[30]. Đức Thánh Cha đã có thể bạo dạn nói lên niềm hi vọng này, bởi vì tình yêu vốn tạo nên sức sống cho một cuộc hôn nhân Kitô giáo là chính giao ước của Thiên Chúa, một tình yêu vốn đời đời mang tính cách hiếu khách và tràn đầy sự sống.

90. Sự ái ân giữa người nam và người nữ đưa đến khả năng có con cái. Không có mối quan hệ nào khác có khả năng cơ bản, hữu cơ, sinh học này. Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ mang tiềm năng phong nhiêu này vào trong một bối cảnh thiêng liêng. Làm cha làm mẹ là một ơn gọi thiêng liêng, vì ý nghĩa tối hậu của thiên chức này là chuẩn bị cho con cái chúng ta trở thành những con người thánh thiện. Ước vọng dạn dĩ này đòi hỏi những thực hành khiêm nhượng nhưng rất quan trọng ở trong gia đình, như cầu nguyện và nuôi dưỡng, trau dồi một nhân đức thiêng liêng. Ước vọng đó đòi hỏi cha mẹ phải phân định thế nào để biết làm sao cho gia đình tham gia vào nền văn hóa rộng lớn hơn. Dẫn đưa con cái đến cùng Chúa có nghĩa là Hội thánh tại gia muốn hòa nhập vào giáo xứ cũng như với Hội thánh phổ quát rộng lớn hơn. Những thách đố của đời sống gia đình cần phải được nâng đỡ - không một gia đình nào có thể tự thân phát triển được. Để được triển nở, các gia đình cần đến các giáo xứ của mình, và các giáo xứ cũng cần đến các gia đình. Rất cần có những giáo dân để tạo lập nên những thừa tác vụ và để phục vụ trong các sứ vụ ấy.

Câu Hỏi Thảo Luận

a. Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ khác biệt với những quan hệ bằng hữu thân thiết khác như thế nào?
b. Bạn có khi nào cầu nguyện với một em nhỏ không? Và có khi nào cùng đọc Kinh Thánh với một em nhỏ, hoặc thảo luận về một khía cạnh nào đó của đức tin không? Nếu bạn chưa ở bậc cha mẹ, trong đời bạn đã từng làm bạn hay làm người dìu dắt cho một trẻ nào chưa?
c. Những nhân đức phân định có nghĩa gì? Cách thức tìm hiểu ơn gọi trong cuộc sống như thế nào?
d. Hội thánh tại gia nghĩa là gì? Giáo xứ phục vụ gia đình như thế nào và gia đình phục vụ giáo xứ ra sao? Gia đình và giáo xứ có thể “thực hiện lề luật Đức Kitô” như được mô tả trong Gl 6,27 như thế nào ?

[1] Giáo luật 1983 (GL), 1056-1057.
[2] GL, 1055.
[3] GS, 47.
[4] Th. Augustinô, De bono conjugali 32; De Genesi ad Litteram 9.7.12; De nuptiis et concupiscentia, 1.10.11, 17.19, 21.23.
[5] Cf. HV, 10.
[6] Cf. GLHTCG, 1652-1653. Cf. GS 48, 50.
[7] ĐGH Phanxicô, Bài Giảng lễ “Lễ CG chịu phép Rửa”, Nhà Nguyện Sistine (12.01.2014).
[8] Đnl 6,4-7; chữ in nghiêng do được thêm vào.
[9] Cf. FC, 14.
[10] CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen gentium (LG) (1964), 11.
[11] Th. Augustine, The City of God Against the Pagans, Cambridge University Press, Cambridge, 1988, 667, §15.16.
[12] LG 11; cf. GLHTCG, 1655-1658.
[13] ĐGH Phaolô VI, Tđ.Populorum Progressio (PP) (1967), 15.
[14] Xem như trên số 60.
[15] ĐGH Phanxicô, Diễn văn “Gặp gỡ giới trẻ tại Umbria”, Assisi, 04.10.2013.
[16] Cf. Mt 6,10; 7,21; 12,50; 21,31; 26,39.
[17] Th. Têrêxa thành Lisieux, The Autobiography of Saint Thérèse of Lisieux: The Story of a Soul, bản dịch Anh ngữ John Beevers, Doubleday 2001, 9.
[18] GS, 38.
[19] ĐGH Phanxicô, Diễn văn “Gặp gỡ các linh mục, những người sống đời thánh hiến, và các thành viên Hội Đồng Mục vụ các địa phận”, Assisi, 04.10.2013.
[20] GLHTCG, 1656.
[21] Cf. Ga 15,19; Rm 12,2.
[22] GLHTCG, 1303, 1308.
[23] ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn “Gia đình dạy cho biết ý nghĩa của đời sống”, 04.10.2010.
[24] ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn “Hãy làm cho giáo xứ trở thành Gia đình của các gia đình”, 21.03.2011.
[25] Cf. FC¸44.
[26] Cf. FC, 71.77.
[27] Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, Enchiridion of the Family (2004), 1303-1304.
[28] Cf. FC, 44.
[29] ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn “Gặp gỡ với các gia đình nhận con nuôi do tổ chức Các Thừa Sai Bác Ái”, 05.09.2000.
[30] FC,41.