Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Một ủy ban các nhà thần học được Tòa Thánh bổ nhiệm đã xác nhận rằng Đức Tổng Giám mục Oscar Romero bị giết "vì sự thù ghét đức tin". Nhật báo Avvenire của Ý đã cho biết như trên.
Với quyết định này án phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Romero tiến một bước rất đáng kể. Avvenire nói các nhà thần học do Bộ Phong Thánh bổ nhiệm đã tuyên bố rằng Đức Tổng Giám mục Salvador đã chết như một người tử vì đạo. Đức Tổng Giám mục Romero như thế đủ điều kiện cho việc Chân Phước.
Tháng Tám vừa qua, khi được hỏi về triển vọng trong việc phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Romero, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phóng viên rằng ngài đã chờ đợi kết quả của một cuộc điều tra nghiêm ngặt vào vấn đề là liệu Đức Tổng Giám Mục Romero có phải đã bị giết chết vì hận thù đức tin hay không. Đó là câu hỏi mà ủy ban các nhà thần học vừa có câu trả lời.
Án phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Romero đã vấp phải những quan ngại cho rằng ngài đã bị giết vì tham gia chính trị, chứ không phải vì đức tin của mình. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã khai thông mọi bế tắc trong tiến trình phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám Mục Romero. Ngài nói rằng Đức Tổng Giám Mục Romero “đáng được phong Chân Phước, tôi không bao giờ hồ nghi về điều đó”.
Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero đã bị giết ngay tại Vương Cung Thánh Đường San Salvador trong khi ngài đang cử hành thánh lễ hôm 24/3/1980.
Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero là chứng nhân can đảm đã tố cáo các tội ác dã man của giới quân nhân nước này trong thời gian nội chiến. Cuộc chiến tại El Salvador đã kết thúc với hiệp định ngưng bắn vào năm 1992 chấm dứt 12 năm nội chiến. Tuy nhiên, mãi cho đến nay, xã hội El Salvador vẫn còn nhiều chia rẽ và bạo lực vì bao nhiêu oan khiên không được giải tỏa. Cái chết của Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero là tiêu biểu cho thế giới thấy các thủ đoạn tàn bạo của Biệt Đội Tử Thần do nhóm quân nhân El Salvador dựng lên.
Thiếu tá Alvaro Rafael Saravia, người trực tiếp nhúng tay vào vụ sát hại Đức Tổng Giám Mục Romero đã di cư sang Mỹ vào giữa thập niên 1980 để chạy tội nhưng y bị bắt và bị đưa ra tòa. Trước tòa án tại California, Alvaro Rafael Saravia không nói một lời nào nhằm bác bỏ hay công nhận trách nhiệm của mình trước cáo buộc đã giết hại Đức Cha Romero. Y cũng không thèm mướn luật sư cãi lại. Tòa án tại California đã trưng ra những bằng cớ không thể phủ nhận được về vai trò trực tiếp giết hại Đức Cha Romero của ông Saravia, vai trò ông này trong Biệt Đội Tử Thần El Salvador cũng như liên hệ giữa ông này và cố đại tá Roberto D'Aubuisson, người đã thành lập đảng ARENA. Tòa đã truyền cho ông Saravia phải đền cho thân nhân Đức Cha Romero 10 triệu Mỹ Kim.
2. Những phản ứng khác nhau tại Ý về vụ thảm sát ở Paris
Tại Ý đã có những phản ứng rất khác biệt về vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris diễn ra hôm thứ Tư 7 tháng Giêng.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý là Đức Hồng Y Angelo Bagnasco đã thách thức các nhà lãnh đạo Hồi giáo có trách nhiệm phải lên án tất cả các hình thái bạo lực chính trị, trong khi một nhà lãnh đạo chính trị dân sự có khuynh hướng bảo thủ đã cho rằng Vatican không nên tiếp tục đối thoại với Hồi giáo.
"Cộng đồng Hồi giáo ôn hòa thực sự phải tránh xa những hình thái bạo lực tàn bạo này," Đức Hồng Y Angelo Bagnasco nói. Ngài cũng nói thêm rằng người dân châu Âu nói chung phải giữ bình tĩnh và nên "khắc phục các nguy cơ phản ứng dữ dội lại với những cuộc tấn công của một thiểu số Hồi Giáo quá khích.”
Trong khi đó, Mattw Salvini, người đứng đầu tổ chức Liên Minh Phương Bắc của Italia nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang "làm hại" Giáo Hội bằng cách cố gắng thiết lập một cuộc đối thoại với Hồi giáo. "Hồi giáo là một vấn đề," Salvini nói. "Họ đang chém giết, đang cắt cổ họng người ta nhân danh Allah. Đức Giáo Hoàng nên thúc đẩy hòa bình, đúng thế, nhưng ngài cũng nên quan tâm đến những người đang bị sát tế trên toàn thế giới."
Thực ra, một trong những mục tiêu của Tòa Thánh trong các cuộc đối thoại với Hồi Giáo là cố gắng tách các thành phần cực đoan Hồi Giáo ra khỏi khối Hồi Giáo nói chung để cô lập, và do đó hạn chế những tác hại của trào lưu bạo lực Hồi Giáo.
Cộng đồng Hồi giáo trên thế giới đã có những phản ứng trái ngược về vụ thảm sát tại tòa báo Charlie Hebdo.
Tại Vatican, 4 vị giáo trưởng Hồi Giáo tại Pháp là Tareq Oubrou, Azzedine Cami, Mohammed Moussaoui, Djelloul Seddiki đang đi cùng Đức Giám Mục Michel Dubost, chủ tịch Ủy Ban Đối Thoại Liên Tôn của Hội Đồng Giám Mục Pháp, và là Giám Mục giáo phận Evry-Corbeil et Essonnes dự buổi triều yết chung với Đức Thánh Cha hôm 7 tháng Giêng đã lập tức ký vào một tuyên ngôn cùng với Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn cực lực lên án vụ thảm sát.
Trong khi đó, tại Úc Đại Lợi giáo trưởng Junaid Thorne thẳng thừng tuyên bố ủng hộ vụ thảm sát. Ông nói: “Nếu người ta chấp nhận tự do nói không có giới hạn, người ta cũng phải chấp nhận quyền phản ứng lại vô giới hạn”.
3. Boko Haram thảm sát 2,000 người tiêu hủy nhiều nhà thờ Công Giáo
Trong bản tin đánh đi hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nói ít nhất 2,000 người đã thiệt mạng, hầu hết là các Kitô hữu, và nhiều nhà thờ bị đốt cháy trong các cuộc tấn công mới nhất của Boko Haram vào một làng Kitô Giáo ở Đông Bắc Nigeria hôm 8 tháng Giêng.
Trước đó, một căn cứ quân sự của quân đội Nigeria ở thị trấn Baga đã bị quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram tràn ngập vào ngày thứ Bẩy 3 tháng Giêng. Quân Nigeria đã phải rút lui sang phía biên giới Cameroon xin lánh nạn.
Hôm 8 tháng Giêng, Boko Haram lại đánh bại một lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia đang trấn đóng tại thị trấn Baga của người Kitô Giáo. Hàng ngàn cư dân của thị trấn và khu vực xung quanh đã chạy trốn.
Cha Patrick Tor Alumuki, một phát ngôn viên của Tổng Giáo phận Abuja, nói với Fides rằng các báo cáo thương vong đã bị chính phủ cố ý giảm bớt đi vì cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Hai sắp tới.
Ngài quan ngại rằng quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram giờ đây đã được tăng cường các tân binh từ các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Libya và Mali.
4. Hàng triệu người Phi tham gia cuộc kiệu tượng Chúa Kitô vác thánh giá tại Manila
Hôm thứ Tư 7 tháng Giêng, hơn một triệu người Phi Luật Tân đã đi chân đất tham gia cuộc rước tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Đây là một truyền thống đã có từ hơn một thế kỷ qua tại Manila, thủ đô của quốc gia Á Châu có đông người Công Giáo nhất.
Diễn biến này xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quốc gia này. Thể hiện lòng sùng kính nhiệt thành, đám đông vĩ đại gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã hô vang "Viva!" (Vạn tuế!) khi họ diễn hành qua các đường phố trong cuộc rước hàng năm tượng El Nazareno Negro dưới mưa nhẹ.
Tượng El Nazareno Negro là theo tiếng Tây Ban Nha, được biết trong các bản tin Anh Ngữ là Black Nazarene, là một bức tượng to bằng người thật Chúa Giêsu đang vác thánh giá lên đồi Canvê. Bức tượng này được đặt thường xuyên tại nhà thờ Quiapo và hàng năm đúng ngày 7 tháng Giêng thì được rước đi một vòng quanh thủ đô Manila.
Đám rước đã tiến hành suôn sẻ vào buổi trưa sau khi ban tổ chức đã phải mất gần hai giờ đồng hồ để kiểm soát đám đông khổng lồ lao vào phía bức tượng cố gắng lau khăn tay của mình vào thánh giá. Nhiều thanh niên còn cố lao mình đu vào thánh giá được đặt trên một chiếc xe.
Nhiều người Phi Luật Tân tin rằng bức tượng có sức mạnh chữa lành diệu kỳ và nhiều người thực sự đã được chữa khỏi khiến họ cam kết rằng mỗi năm vào ngày này, nếu còn sống trên đời, họ là tham gia cuộc diễn hành này.
Nhiều người mặc áo T-shirt có hình Chúa Kitô đội mão gai. Isko Moreno, Phó Thị trưởng thành phố Manila, nói với truyền hình ABS-CBN rằng khoảng một triệu người đã tham gia vào lúc bắt đầu cuộc rước, nhưng càng lúc sẽ càng có nhiều người tham gia hơn bức tượng du hành một vòng quanh khu phố cổ của Manila.
5. Đức Tổng Giám mục về hưu Paulinus Costa của Dhaka, Bangladesh qua đời
Đức Tổng Giám mục về hưu Paulinus Costa của Dhaka, Bangladesh, đã qua đời ở tuổi 78 hôm 3 tháng Giêng sau một cơn đau tim. Vị giám mục đang bị bệnh kêu khó chịu sau khi dùng bữa trưa hôm thứ Bảy, ngài được đưa đến bệnh viện và qua đời. Ngài được nhớ đến như là một vị lãnh đạo tôn giáo và tinh thần không chỉ đối với người Công Giáo mà còn đối với tín hữu của các tôn giáo khác ở các quốc gia Nam Á này.
Đức Tổng Giám mục Costa sinh ngày 19/10/1936 tại Rangamatia và được phong chức linh mục ngày 21/12/1963. Sau khi được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục Rajshahi vào ngày 11/01/1996, ngài được tấn phong Giám mục vào ngày 26/04 cùng năm. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Dhaka vào ngày 09 tháng 7 năm 2005, sau khi Đức Tổng Giám Mục Michael Rozario về hưu. Đức Tổng Giám mục Costa đã nghỉ hưu vào ngày 22/10/2011.
Đức Tổng Giám mục Costa nổi tiếng vì dấn thân của ngài cho sự chung sống hoà bình giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau trong một đất nước mà người Hồi giáo chiếm hơn 90 phần trăm dân số. Do những nỗ lực của mình mà ngài được vinh danh với giải thưởng Hòa bình Mahatma Gandhi vào năm 2007 và Hội Trợ giúp Pháp lý Nhân quyền đã trao tặng giải thưởng cho ngài vì những đóng góp đáng kể của ngài để bảo vệ nhân quyền ở Bangladesh.
Trong thư chia buồn, cựu Thủ tướng Bangladesh và là lãnh đạo phe đối lập Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP), bà Khaleda Zia nói rằng Đức Tổng Giám mục Costa có lòng khoan dung với tất cả các tôn giáo. Bà cầu nguyện cho linh hồn quá cố của ngài được bình an đời đời và chuyển lời thương cảm sâu sắc đến gia đình tang quyến, các tín hữu và những người thiện chí.
6. Phái đoàn các Giám mục Quốc tế đến thăm Gaza
Cộng đoàn Kitô hữu của Gaza lại là tâm điểm của chuyến thăm Thánh Địa năm nay của các Giám mục từ khắp Âu Châu, Bắc Mỹ và Nam Phi nhằm hỗ trợ các cộng đoàn Kitô giáo địa phương và sứ vụ của Giáo Hội nhằm phục vụ tất cả mọi người ở Thánh Địa. Chuyến thăm Thánh Địa của các giám mục diễn ra từ ngày 11 đến 15 tháng Giêng năm 2015.
Các Giám mục có thể sẽ thẩm tra những hậu quả lâu dài của chiến dịch quân sự "bảo vệ biên giới" của Israel gây ra cho người dân Dải Gaza với hơn 2,000 nạn nhân, trong đó có hơn 500 trẻ vị thành niên. Sau khi cử hành Thánh Lễ với cộng đoàn Công Giáo, các Giám mục sẽ đến thăm các trường học và bệnh viện Kitô giáo để hỗ trợ cho các giáo viên và nhân viên y tế.
Sau chuyến thăm hai ngày tới Dải Gaza, các Giám mục sẽ đến Sderot, một thị trấn của Israel bị hỏa tiễn từ Gaza bắn trúng trong trong cuộc xung đột. Các ngài cũng sẽ đến thăm thung lũng Cremisan, nơi kế hoạch xây dựng bức tường an ninh của Israel đang đe dọa đời sống của hơn 50 gia đình Kitô hữu Palestine.
Trong số các Giám mục tham gia phái đoàn thăm Thánh Địa năm nay, do Đức Giám Mục người Anh Declan Ronan Lang dẫn đầu, có Đức Tổng Giám Mục Ý Riccardo Fontana, Đức Tổng Giám mục Tây Ban Nha Joan Enric Vives i Sicilia và Đức Giám Mục Stephen Ackermann của Đức.
7. Trường Công Giáo: Các cộng đoàn Đức tin, Kiến thức và Phục vụ
"Tuần lễ Trường học Công Giáo Quốc gia 2015" sẽ được tổ chức ở cấp giáo phận trên khắp Hoa Kỳ từ ngày 25 đến 31 tháng Giêng. Chủ đề năm nay là: "Trường học Công Giáo: Các cộng đoàn Đức tin, Kiến thức và Phục vụ", chú trọng vào việc học tập, xây dựng đức tin và đóng góp vào xã hội trên nền tảng giáo dục Công Giáo.
Trong thông cáo gửi đến hãng Thông tấn Công Giáo Fides thay mặt cho Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Đức Cha George Lucas của Omaha, Nebraska, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục cho biết: "Các trường Công Giáo là một khía cạnh quan trọng trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô của Giáo Hội và vì thế là một khía cạnh quan trọng của sứ mạng giảng dạy của chúng ta".
Khoảng 2,1 triệu sinh viên hiện đang học trong gần 6,600 trường học Công Giáo ở các thành phố, vùng ngoại ô, các thị trấn nhỏ và các cộng đồng nông thôn trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Học sinh được hấp thụ một nền giáo dục chuẩn bị cho họ những thách thức của nền giáo dục đại học và môi trường làm việc cạnh tranh. Ước tính có khoảng 99 phần trăm học sinh tốt nghiệp trung học và 85 phần trăm học sinh tốt nghiệp trường Công Giáo học tiếp lên đại học.
8. Đức Tổng Giám mục Niamey nói "Ngày càng có nhiều người trẻ Niger gia nhập phong trào Boko Haram, nhất là ở khu vực Diffa"
Ngày càng có nhiều người trẻ Niger gia nhập phong trào Boko Haram. Lời cảnh báo này đã được đưa ra bởi Đức Cha Michel Cartatéguy, Tổng Giám Mục Niamey, thủ đô của Niger, trong thông điệp đầu năm của ngài. Trong tài liệu gửi đến thông tấn xã Công Giáo Fides, Đức Tổng Cartatéguy đã tường trình về các tuyên bố được đưa ra bởi các nghị sĩ của vùng Diffa, thuộc miền viễn đông Niger, giáp biên giới với Nigeria: "Các nghị sĩ cho biết họ lo ngại về số lượng ngày càng gia tăng những người trẻ Niger, trai cũng như gái, gia nhập vào hàng ngũ của phiến quân Boko Haram".
Đức Cha Cartatéguy nhấn mạnh: "Theo Nghị sĩ Nassirou, giới trẻ của chúng ta ở Diffa được tuyển dụng mỗi ngày, và những người trẻ này hiểu biết về Diffa tốt hơn các thành viên của Boko Haram và có thể chỉ cho chúng các địa điểm để chúng thực hiện các cuộc tấn công".
Một thực tế không thể không thể không đề cập đến là việc Boko Haram đã chiếm được căn cứ của các lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia Baga, trên bờ Hồ Chad, Nigeria. Căn cứ này trên lý thuyết là căn cứ quân đội của Nigeria, Chad, Niger và Cameroon, giờ đây được phiến quân Hồi giáo Boko Haram sử dụng không chỉ để tấn công vào vùng đông bắc Nigeria, mà còn tấn công vào các nước láng giềng, gây ra cuộc xung đột mở rộng trên quy mô khu vực.
Theo Đức Cha Cartatéguy, quan điểm phổ biến ở Niger là hầu hết người trẻ Niger gia nhập hàng ngũ Boko Haram vì lý do kinh tế chứ không vì lý do tôn giáo. Đức Tổng Giám Mục cũng ước tính rằng trong khu vực Diffa hiện nay có 150,000 người tị nạn từ Nigeria và những người tản cư nội địa, do tình trạng bạo lực của Boko Haram gây ra. Tình hình đang trầm trọng hơn do bệnh dịch tả gần đây lây lan trong người tị nạn. Đức Cha nói: "Mặc dù là nước nghèo trong khu vực, nhưng người dân địa phương tiếp tục đón tiếp những người tị nạn với tình huynh đệ và lòng hiếu khách", ngài lấy làm tiếc rằng "báo chí quốc tế nói rất ít về tình hình ở Diffa".
9. Đức Tổng Giám mục của Bangui của Cộng Hoà Trung Phi bị dọa giết trong khi hỗ trợ người tản cư
Đức Cha Dieudonné Nzapalainga, Tổng Giám Mục Bangui, Chủ tịch Caritas Trung Phi, dẫn đầu sứ mạng hỗ trợ cho cư dân trong làng Gbangou, nơi nhiều nhà cửa bị đốt cháy hôm 21 tháng Chín bởi một nhóm anti-Balaka, chống các cựu phiến quân Seleka, trong cuộc nội chiến tàn phá nước Cộng hòa Trung Phi trong những năm gần đây.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, Đức Cha Nzapalainga cho biết ngài đã cảm thấy bị xúc phạm "khi thấy con người bị hạ thấp xuống trạng thái của động vật bởi vì họ đã lang thang trong rừng suốt hai tháng mà không có sự trợ giúp nào, không ai can thiệp để hỗ trợ họ, để những người này phải chết".
Nhiệm vụ của Caritas là mang thực phẩm, thuốc men và quần áo cho những người di dời. "Tôi thấy mọi người phải lấy lại phẩm giá của mình. Và tôi đã thấy các cô gái rạng rỡ sau khi mặc quần áo mới", Đức Cha Nzapalainga yêu cầu nhà chức trách quan tâm đến số phận của dân làng dọc theo đường Damara-Bouca.
Trên đường đi trợ giúp, Đức Tổng Giám mục bị dọa giết bởi một lãnh đạo nhóm anti-Balaka, khi ngài cố lấy lại một chiếc xe máy bị đánh cắp. Đức Cha Nzapalainga nhận xét vụ việc: "Qua người đàn ông này, tôi nhìn thấy tất cả người trẻ Trung Phi phiêu bạt, những người cần được giáo dục. Tôi không có gì để chống lại ông ta. Tôi là một vị mục tử sẵn sàng chết vì đàn chiên". Đức Tổng Giám Mục kết luận bằng cách đưa ra lời kêu gọi nhóm anti-Balaka hạ vũ khí và góp phần vào công cuộc tái thiết đất nước.