Tình yêu hoàn hảo của Đời Thánh Hiến

Người sống đời thánh hiến là người được thánh hiến chứ không phải là thánh nhân. Họ muốn nên thánh và phải làm thánh. Người sống đời thánh hiến mà không nên thánh thì thật là phí công, phí của. Phí của Chúa và phí công của người đó. Họ nên thánh trong việc tuân giữ ba lời khuyên phúc âm. Không chỉ tuân giữ ba lời khuyên đó như một lề luật, như một cái máy mà bằng một tình yêu, một tình yêu hoàn hảo. Người sống đời thánh hiến phải có một tình yêu hoàn hảo qua việc yêu mến và sống ba lời khuyên phúc âm.

1.Yêu mến và sống đức thanh bần.

2.Yêu mến và sống đức thanh tịnh.

3.Yêu mến và sống đức thanh tuân.

1.Yêu mến và sống đức thanh bần.

Đó là yên mến sự thanh bần và sống sự thanh bần trong cuộc sống của mình. Bần mà thanh chứ không phải bần tiện. Tức là người có tinh thần nghèo khó. Đó là mối phúc thứ nhất trong tám mối phúc thật:”Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ”(x.Mt5,3).

Sự thanh bần hệ tại ở cái tâm, ở tâm hồn chứ không phải là nghèo xác nghèo xơ; không có nhà để ở, không có áo mà mặc; không có gì để ăn hay không có tiền để xài. Không. Đó là một cái tâm siêu thoát, không dính bén đến của cải, tiền tài hay danh vọng trần thế. Thánh Gio-an nói:”Người yêu mến thế gian, nơi kẻ đó không có lòng mến Chúa”(x.1Ga2,15). Ai mà yêu mến tiền tài, của cải hay danh vọng thì đừng nói đến lòng yêu mến Thiên Chúa. Nếu có chỉ nói cái miệng thôi.

Người sống thanh bần là người biết dùng tiền của để sống, để phục vụ và để yêu mến Chúa. Họ quí trọng chúng như là những ơn lành Chúa ban. Quí trọng là một chuyện; còn dính bén lại là chuyện khác. Quí trọng là ta biết dùng và dùng cho nên; dùng cho đúng và có ích lợi. Còn dính bén là coi chúng như là cứu chúa, là cứu cánh, là chúa của mình vậy.

Yêu mến đức thanh bần là yêu mến sự đơn sơ, giản dị và đạm bạc. Không chú ý đến những vẻ bên ngoài và số lượng, mà để ý tới cái tâm, tới chất lượng. Đạm bạc trong ăn uống; giản dị trong cách ăn mặc; đơn sơ trong lời nói. Có thì xài, không có cũng chẳng sao. Có ít xài ít, có nhiều xài vừa, không có khỏi xài. Không có đua đòi hay ghen tị.

Yêu mến đức thanh bần là yêu mến Chúa. Vì yêu mến Chúa nên sống đức thanh bần. Sống đời thánh hiến mà không yêu mến, không sống đức thanh bần thì có gì để nói và chắc chắn sẽ không nên thánh được. Càng tu lại càng dính bén; càng ham tiền ham của; càng ham danh vọng thì coi như công toi, vô ích.

Ai mà yêu mến và sống đức thanh bần sẽ coi mọi sự là “rơm rác”, danh vọng là phù vân. Cái quan trọng là được biết Đức Giê-su và sống như Đức Ky-tô(x.Pl 3,7-8).

2.Yêu mến và sống đức thanh tịnh.

Tu là để yêu; sống đức thanh tịnh là để “mến Chúa và yêu người”. Tu mà sợ yêu người khác thì đâu có được. Đâu phải cứ yêu là lỗi đức thanh tịnh đâu. Tu mà đòi yêu như người đời, như người sống đời hôn nhân thì lỗi đức thanh tịnh còn gì. Còn mến Chúa và yêu mọi người làm sao mà lỗi.

Yêu mến đức thanh tịnh là yêu mến cách chân tình và chân thành. Sống đức thanh tịnh là làm cho tâm hồn và trí óc của ta thanh cao, vượt lên trên những gì là “xác thịt”. Yêu mến đức thanh tịnh là yêu mến vị tha, yêu mến vì tha nhân, vì người khác. Thánh Gio-an nói :”Người anh em mình nhìn thấy mà không yêu thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mình không thấy”(x.1Ga4,20). Nếu sợ yêu người, lỗi đức thanh tịnh và không yêu ai thì có nguy cơ vị kỷ, tức là yêu mình; yêu cái tôi của mình; yêu con người của mình. Càng tu thì cái tôi càng lớn; đầu có sạn, con tim thì chai cứng như đá, không còn cảm động gì hết. Không lỗi đức thanh tịnh mà lỗi đức yêu người thì còn “quá cha”. Một khi đã yêu mình, không yêu người khác thì cũng sẽ

không yêu mến Chúa. Không yêu mến Chúa, cũng không yêu người, chỉ yêu mình thì làm sao gọi là người sống đời thánh hiến được; làm sao nên thánh được.

Sống đời thánh hiến là mở lòng chứ không khép lòng. Mở lòng ra cho Thiên Chúa và cho mọi người. Có một tình yêu phong phú và rộng mở. Vì mến Chúa nên yêu người; vì yêu người nên mến Chúa.

Yêu mến đức thanh tịnh là yêu mến Chúa; sống đức thanh tịnh là yêu mến con người. Yêu mến và sống đức thanh tịnh là mến Chúa và yêu người. Ai ta cũng có thể mến, cũng có thể yêu được. Mà yêu mến như thế thì đời thánh hiến của ta sẽ phong nhiêu và hạnh phúc. Người ta nói “Yêu và được yêu là hạnh phúc nhất” mà. Đó là một tình yêu thánh thiện và làm cho ta nên thánh.

3.Yêu và sống đức thanh tuân.

Đức thanh tuân là đức tuân phục, là vâng phục, vâng lời. Yêu mến đức thanh tuân là yêu thích sự khiêm nhu, âm thầm, hạ mình, “coi người khác trọng hơn mình”(x.Pl 2,3). Quả vậy, người sống đời thánh hiến không chỉ vâng phục Người Trên mà còn tuân phục Người Dưới nữa. Vâng phục Người Trên vì ta là người dưới. Người dưới vâng phục Người Trên là điều đương nhiên, khỏi phải bàn. Còn tuân phục Người Dưới là vâng phục sự thật; vâng phục những điều hay lẽ phải.

Như thế yêu mến đức thanh tuân là yêu mến sự thật; yêu mến điều hay, lẽ phải. Yêu mến kiểu này chắc không gánh nặng hay khó khăn gì cho người sống đời thánh hiến. Có yêu mến đức thanh tuân thì mới sống đức thanh tuân cách nhẹ nhàng và thoải mái được.

Ngày này người ta dựa vào tự do để rồi cảm thấy khó khăn khi phải vâng phục. Nhất là những người có chức, có quyền; có bằng này, cấp nọ; hoặc làm được việc này, việc kia. Nó khó như “ con lạc đà chui qua lỗ kim” vậy. Những người này khó mà vâng phục, khó mà nên thánh được. Khó bởi vì người ta không yêu thôi; chứ yêu rồi thì chẳng có gì là khó cả.

Sống đức thanh tuân đòi hỏi ta phải bỏ mình, bỏ tự ái, bỏ cái tôi của ta đi mới được. Chứ càng tu lại càng “cứng đầu, cứng cổ” thì có ích lợi chi, có nên thánh được không? Ngày nay không còn là vâng phục “tối mặt” nữa mà là vâng phục trong “đối thoại”. Không phải cứ đúng hay hợp tình, hợp lý mới tuân phục, không thì thôi. Đúng, hợp tình, hợp lý thì đâu cần đến đức tuân phục làm chi nữa. Có những trái ý, nghịch lý mới vần đến sự tuân phục. Tuân phục là coi người khác trọng hơn mình; coi Người Trên trọng hơn mình. Tuân phục là chấp nhận những trái ý, những nghịch lý với mục đích là rèn luyện con người của ta; bắt chúng phải theo ý ta chứ không theo ý nó; bắt ta phải theo ý người khác chứ không theo ý riêng của ta.

Rèn luyện là để ta nên thánh, nên thiện; nên người khiêm nhu, nên người hạ mình. Người khiêm nhu, người hạ mình là người thánh thiện. Nếu ta nghĩ đến việc rèn luyện con người của ta như thế thì đâu có gì là không thể vượt qua; đâu có gì là khó khăn. Ta tu là để nên thánh chứ không vì kinh tế; vì đồng tiền, bát gạo.

Quả thực, lời khuyên thanh tuân là khó khăn nhất trong ba lời khuyên. Vì nó đụng chính con người, đụng chính cái tôi của ta. Có thể nói Trái khó ăn nhất là “trái ý”. Trái này chỉ dễ ăn và ăn ngon khi ta có lòng yêu mến đức thanh tuân. Sống đức thanh tuân thì làm cho ta nên giống Đức Giê-su, Đấng đã “vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá”(x.Pl2,8).

Yêu mến đức thanh tuân là yêu mến Chúa; sống đức thanh tuân làm cho ta nên giống Chúa.

Như vậy, yêu mến và sống ba lời khuyên phúc âm là “mến Chúa và yêu người” và sống ba lời khuyên phúc âm là làm cho ta nên thánh, nên thiện. Người sống đời thánh hiến yêu mến ba lời khuyên phúc âm sẽ có tình yêu hoàn hảo; sống ba lời khuyên phúc âm là một con người tuyệt vời của Thiên Chúa.

Lm. Bosco Dương Trung Tín