CON TÀU ĐÃ RA KHƠI

(Mến tặng anh em linh mục khóa III đại Chủng viện thánh Giuse sài Gòn)

Cách đây đúng một tuần, hai ngày thứ hai và thứ ba 20-21.10.2014, như truyền thống, suốt mười lăm năm, kể từ ngày ra trường (tháng 7.1999), anh em linh mục Khóa III Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn họp mặt tại khu nhà nghỉ của Tổng giáo phận Sài Gòn (Bãi Dâu, Vũng Tàu).

Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An, cây bút quen thuộc của nhiều trang beb, và là người anh em cùng khóa chúng tôi, đã có những thông tin và hình ảnh trong bài “Hội ngộ anh em Linh mục Khóa III Đại Chủng viện Sài Gòn” (http://vietcatholic.net/News/Html/131287.htm).

…Mười lăm năm: Một hành trình. Nhìn lại hành trình vụt qua ấy, chúng tôi mượn hình ảnh con tàu và biển rộng, xin chia sẻ vài suy nghĩ từ cảm nhận ra khơi của đời dâng hiến.

Tàu nào cũng phải ra khơi. Không có tàu neo mãi bến đậu. Tàu không ra khơi mà chỉ dừng lại ở bến là tàu hỏng, tàu chết. Dù có to, có bề thế đến đâu, tàu ấy vô dụng, vô bổ.

Đời linh mục thừa tác, nhất là những ai sống ơn gọi linh mục giáo phận, khi phải nhập cuộc với đời, nhất là phải nêu cao chất Thánh trong đời, và đem chất Thánh ấy vào đời, sẽ không lạ gì những cam go, khắc khoải, trầy trụa…

Chúa Giêsu ví cuộc đời người gieo chất Thánh sẽ phải nát tan như hạt lúa gieo xuống đất: “Thầy bảo thật các con, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).

Sóng gió trên biển đời, sóng gió trong lòng sứ vụ, sóng gió trong Giáo Hội, ngoài xã hội… là những thực tế, mà con – tàu – linh – mục, dẫu lắm lúc tròng trành, vẫn phải kiên cường vượt thắng, vẫn không được dừng lại, không được đầu hàng những nghiệt ngã. Bởi càng lướt thắng, con tàu mới càng chứng minh sự vững chãi, sự dẻo dai, sức mạnh của mình.

Và như thế, làm linh mục, một khi đáp tiếng mời gọi sống chết cho sứ vụ, người linh mục, dù thấy rõ đường đi phía trước lắm khúc khuỷu, vẫn vững tâm tiến bước, vẫn chấp nhận đương đầu và chiến đấu như thánh Phaolô xưa: “Giờ đây, bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: Xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi nhận được từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng và ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20, 2-24).

Mười lăm năm cho một con tàu là một hải trình dài. Nếu đó là hành trình của ơn gọi, mười lăm năm đủ để nhìn lại, để lượng giá, để nhận ra bao nhiêu nỗi niềm, để thấy một mớ thăng trầm vừa không ít những vết thương, vừa dày lên những kiên định, những sẵn sàng, những quyết tâm…

Một hành trình, với những nỗi niềm như thế, sao thấy ơn gọi của mình quý báu biết chừng nào, giá trị thật nhiều, đáng trân đáng trọng không thể nói hết.

Vì thế, nhìn lại hành trình mười lăm năm của mình, không linh mục nào xuất thân từ khóa III Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, không xác tín tận thâm tâm: Ơn gọi của tôi là mối Phúc thật Chúa ban: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5, 5).

Chúng tôi, con – tàu – linh – mục đã ra khơi. Một khi lướt trên hải trình của mình, chắc chắn tàu sẽ va vào sóng, gió, đá, bão tố, và nhiều thương đau khác… Cảm nhận chuyến hải trình ơn gọi đời mình, xưa thánh Phaolô bật thốt: “Tôi phục vụ Chúa với tất cả lòng khiêm nhường và đã nhiều lần trong nước mắt” (Cv 20, 19).

Cũng vậy, tôi biết nhiều anh em linh mục của tôi vì sứ vụ, vì nhiệt thành lao tác, đã phải rơi nước mắt. Có những nước mắt mà người khác có thể nhận ra, có những nước mắt có thể sớt chia, nhưng cũng đầy những nước mắt âm thầm, câm nín, chịu đựng…

Lớp chúng tôi có những độ tuổi chênh lệch. Sau hành trình mười lăm năm, có người đã về Nhà Cha, có người đã ngoài sáu mươi, người nhỏ nhất cũng đã vượt con số bốn mươi. Chúng tôi ngồi lại bên nhau, không còn những mái đầu xanh, mà là những mái đầu điểm sương gió bên những mái đầu trắng phơ.

Để chuyển mình, rồi lồng lộng giữa ngàn khơi, với thời gian, với công sức đổ ra, chắc chắn con tàu sẽ hao mòn. Chúng tôi ra đi, tung mình trên biển đời mênh mông, chỉ mong sống với đời, làm lợi cho đời, cho Hội Thánh, cho các linh hồn và cho Nước Chúa.

Sẽ đến một ngày tàu cập bến yên bình. Ước mong sau chuyến hành trình dài, mỗi con – tàu – linh – mục đều cảm nhận niềm hạnh phúc, sự chiến thắng vì đã vượt ngàn khơi, đã kết thúc hành trình, đã vượt qua trong tin yêu, đã khải hoàn trong hy vọng.

Giờ đây, trở về bến đổ, cũng là nơi mình đã xuất phát, nơi lòng Cha nhân hậu từ bi, chúng tôi những linh mục của chính người Cha ấy, vui mừng thốt lên như Chúa Giêsu, trong ơn Thánh Thần rằng: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30).

Ước mong, giờ phút bình yên ấy, trong lòng Cha nhân ái, chúng tôi sẽ hạnh phúc mà thưa lên như thánh Phaolô: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy…Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. Amen” (2Tm 16, 13-19).

Tạ ơn Cha, vì mọi con – tàu – linh – mục đều có bến xuất phát là lòng Cha xót thương.

Tạ ơn Cha, vì mọi con – tàu – linh – mục đều có ngàn khơi để thi thố tài năng bằng nhiệt huyết băng mình phục vụ.

Tạ ơn Cha, vì không con tàu nào sau khi lướt sóng mà không mang về kết quả.

Tạ ơn Cha, vì chính ơn Cha gọi là động cơ để mỗi con tàu có thể ra khơi.

Tạ ơn Cha, vì chính tình yêu và ân sủng luôn bao phủ là nhiên liệu tốt để con tàu giữ mãi vị thế của mình trên biển đời mênh mông sóng gió.

Tạ ơn Cha, vì dù bão bùng giăng mắc, mỗi con tàu đều có Cha là hoa tiêu hướng dẫn từ khởi sự đến hoàn thành trên vạn nẻo hành trình.

Tạ ơn Cha, vì lòng Cha bao dung, tình Cha triều mến, để dù có lúc mỏi mệt nơi ngàn sóng, mỗi con tàu như tiếp thêm sức vươn xa trên lối trùng dương.

Tạ ơn Cha, vì nơi Cha, nguồn hạnh phúc không ngưng, để mỗi con tàu có thể dựa dẫm mà sống, mà múc lấy nghị lực cho đời hoạt động của mình.

Tạ ơn Cha, vì mỗi khi tựa đầu vào Cha, mỗi con tàu, dù rã rời, dù sinh lực mòn hao, lại bùng lên sức sống, lại thắm đến vô cùng niềm can đảm vượt đầu sóng ngọn gió.

Tạ ơn Cha, vì niềm tín thác Cha ban, đỡ nâng từng lối hành trình của mỗi con tàu.

Và tạ ơn Cha, vì nếu từ nơi Cha, con tàu xuất phát, thì cũng chính nơi lòng Cha âu yếm xót thương, mỗi con tàu sẽ về đỗ bến sau mọi thời gian tung mình trên mọi lối đời. Ước mong được Cha tha thứ và đón nhận. Ước mong lòng Cha từ ái, sẽ là bến bờ bình yên, nguồn sống vĩnh cửu, hạnh phúc miên trường.

Xin chúc tụng và tạ ơn Cha. Từng anh em khóa III đoan kết đi đến cùng sứ vụ. Rồi đến một ngày, từng con người ấy, những con người của hôm nay, sẽ bước vào ngày mai vinh thắng. Đó là những con người một đời cao rao Danh Cha, sẽ đi về Nhà Cha, sống trong tình Cha miên viễn, hưởng ngàn thu êm ái, dịu ngọt, an hòa.

Mãi muôn đời xin chúc tụng và tạ ơn Cha.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG