Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Vị Giáo Hoàng đã nghỉ hưu là một trong ba giám mục còn sống tới ngày nay đã được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục tấn phong Hồng Y. Hai vị kia là Đức Hồng Y Paulo Evaristo Arns, Tổng Giám Mục về hưu của Sao Paulo; và Đức Hồng Y William Baum, nguyên Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao. Cả hai vị cũng tham dự thánh lễ hôm nay.
Giờ đây Đức Thánh Cha đang kêu gọi anh chị em tín hữu chuẩn bị tâm hồn để cử hành thánh lễ.
Anh chị em, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh này.
Chúa yêu thương chúng con và cứu chúng con khỏi tội lỗi. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
Chúa đã dẫn đưa chúng con vào một vương quốc, cho chúng con được làm tư tế cho Thiên Chúa là Cha toàn năng. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Chúa là Alpha và Omega, là nguyên thủy và là cùng đích. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót chúng ta, tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
Đức Cha Luciano Monari, là Giám Mục giáo phận Brescia, quê hương của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, tiến lên trước Đức Thánh Cha để xin ngài tôn phong Chân Phước cho vị Giáo Hoàng.
Ngài nói:
Trọng kính Đức Thánh Cha, con là Giám Mục miền Brescia, khẩn khoản xin Đức Thánh Cha tôn phong Chân Phước cho vị Tôi Tớ Đáng Kính của Thiên Chúa, là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố như sau:
Thể theo yêu cầu của chư huynh Giám Mục Luciano Monari, là chủ chăn miền Brescia, của nhiều chư huynh khác trong hàng giám mục, và nhiều tín hữu, sau khi tham khảo với các Bộ Phong Thánh, với năng quyền tông đồ của mình, chúng tôi tuyên bố rằng Tôi Tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, từ nay về sau được gọi tôn kính trong hàng Chân Phước và truyền rằng ngày lễ kính trong toàn Giáo Hội sẽ được cử hành hàng năm vào ngày 26 tháng Chín, theo những thứ bậc và chuẩn định được quy định bởi giáo luật.
Nhân danh Cha và Con và Chúa Thánh Thần.
Đức Cha Luciano Monari đã cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài nói:
Trọng kính Đức Thánh Cha, con là Giám Mục miền Brescia, chân thành cám ơn Đức Thánh Cha vì ngày hôm nay ngài đã tôn phong Chân Phước cho Người Tôi Tớ Đáng Kính của Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.
Tiểu sử Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục
Tiểu sử của Tân Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục – Văn Phòng Nghi Lễ Phủ Giáo Hoàng
Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tục danh là Giovanni Battista Montini. Ngài chào đời tại Concesio (Brescia, nước Ý) vào ngày 26 tháng 9 năm 1897. Ngài đã theo học dòng Tên và là thành viên của Tu Hội Thánh Philip Neri tại Brescia. Ngài được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 5 năm 1920.
Ngài hoàn tất chương trình triết học và luật dân sự tại Rôma, và giáo luật tại Milan. Ngài được bổ nhiệm làm tùy viên tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Warsaw, Ba Lan vào năm 1923, và năm sau, 1924, ngài trở lại Rôma để phục vụ trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Ngài là tuyên úy cho Liên Đoàn Sinh Viên Đại Học Công Giáo Ý tại Rôma (FUCL - "Federazione Universitaria Cattolica Italiana"), và từ năm 1923 đến 1925, ngài là tuyên úy của Liên Đoàn cấp quốc gia. Trong hai thập niên 1920 và 1930, ngài đã có nhiều hoạt động về tôn giáo và văn hóa tại Ý và cả bên ngoài nữa.
Thời gian làm việc tại Tòa Thánh của ngài đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI và Đức Giáo Hoàng Piô XII đánh giá cao. Giữa những năm 1930 và 1937, ngài giảng dạy môn lịch sử ngoại giao Tòa Thánh tại Đại học Latêranô, cho đến ngày 13 tháng 12 năm 1937, khi Đức Giáo Hoàng Piô XI bổ nhiệm ngài làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Dù phục vụ chủ yếu trong ngành ngoại giao, ngài đã thực hiện mọi nỗ lực để có thể tham gia trực tiếp vào các công tác mục vụ và chăm sóc cho các linh hồn; ngài cũng đã có nhiều hoạt động bác ái trong các vùng ngoại ô Rôma và đã tham gia vào tổ chức Saint Vincent De Paul.
Trong Thế chiến thứ II, ngài tích cực giúp đỡ người tị nạn và người Do Thái và lãnh đạo phòng Báo Chí Tòa Thánh. Trong giai đoạn cuối chiến tranh, ngài đã giúp hình thành Hiệp hội Công Giáo của người lao động Ý (ACLI - "Associzioni Cattoliche Lavoratori Italiani"). Ngài quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của phong trào đảng Dân chủ Kitô Giáo và cổ vũ việc hình thành các tổ chức quốc tế của giáo dân.
Ngày 29 tháng 11 năm 1952, ngài được bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách hành chánh sự vụ. Ngày 01 Tháng Mười Một năm 1954, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Milan và được tấn phong vào ngày 12 Tháng 12 cùng năm.
Trong giáo phận rộng lớn và phức tạp này, ngài đã sử dụng những phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng hầu đối phó với sự gia tăng nhập cư và giúp người dân vượt qua chủ nghĩa duy vật và ý thức hệ Mác-xít, đặc biệt là ở những nơi làm việc. Ngài đã viết chín thư mục vụ cho Giáo Hội nghi lễ Ambrosiô, đã phê duyệt việc xây dựng trên 123 nhà thờ mới, và lãnh đạo một chương trình truyền giáo đô thị lớn nhất chưa từng có trong thế giới Công Giáo. Ngài đã thực hiện các chuyến đi đến Hoa Kỳ, Brazil và nhiều miền truyền giáo ở Châu Phi do tổng giáo phận Milan đảm trách.
Ngày 15 tháng 12 năm 1958, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, người đã từng là một người bạn thân thiết với ngài từ năm 1925, đã tấn phong Hồng Y cho ngài. Ngài đã tích cực tham gia vào công tác chuẩn bị cho Công Đồng Chung Vatican II và sau đó tham gia vào đại Công Đồng này.
Vào ngày 21 Tháng Sáu 1963, ngài được bầu làm giáo hoàng với Tông Hiệu là Phaolô Đệ Lục. Trong bối cảnh nhiều thách đố trong xã hội, ngài đã đưa Công Đồng gồm 3 thời kỳ đến kết thúc thành công, khuyến khích các Giáo Hội địa phương mở cửa cho thế giới hiện đại đồng thời bảo tồn truyền thống của mình, trong khi luôn luôn tìm kiếm sự hiệp thông giữa các nghị phụ của Công Đồng.
Ngài đã thực hiện những chuyến tông du đến khắp các lục địa, bắt đầu từ vùng Thánh Địa, nơi đã xảy ra cuộc gặp lịch sử giữa ngài với Đức Thượng Phụ Chính Thống Athenagoras. Những chuyến tông du đã đưa ngài đến Ấn Độ và Liên Hiệp Quốc (1965), Fatima và Thổ Nhĩ Kỳ (1967), Columbia (1968), Geneva và Uganda (1969), và xa hơn về phía đông là Úc và Châu Đại Dương (1970). Ngài cũng thực hiện nhiều chuyến viếng thăm khắp nơi trên lãnh thổ Ý.
Thông điệp đầu tiên của ngài, Ecclesiam Suam (1964), đề cao phương pháp "đối thoại cứu độ" trong Giáo Hội và giữa Giáo Hội với toàn thế giới. Thông điệp khác của ngài là Mysterium Fidei – “Mầu Nhiệm Đức Tin” bàn về bí tích Thánh Thể (1965); Mense Maio – “Tháng Năm" (1965) và Christi Matri - "Mẹ Chúa Kitô" (1966) khẩn cầu Đức Mẹ ban hòa bình cho thế giới; Populorum Progressio - "Sự phát triển của các dân tộc" (1967); Sacerdotalis Caelibatus - "Về đời sống độc thân linh mục" (1967); Humanae vitae "di truyền cuộc sống con người" (1968).
Ngài đã áp dụng các văn bản của Công Đồng và thực hiện các cải tổ do Công Đồng đề xướng. Ngài đưa ra những giáo huấn về hòa bình và thiết lập ngày hòa bình thế giới.
Ngài phải chịu nhiều đau khổ vì các cuộc khủng hoảng liên tục ảnh hưởng đến Giáo Hội trong thời gian đó, nhưng ngài đã tìm thấy niềm an ủi lớn lao trong việc thông truyền đức tin, và bảo đảm nền móng tín lý của Giáo Hội trong một khoảng thời gian đầy những biến động về ý thức hệ (“Năm đức tin”: 1967-1968 và "Kinh Tin Kính của Dân Chúa": 1968). Ngài đã cho thấy một khả năng đáng kể trong việc hòa giải ở mọi lĩnh vực. Ngài thận trọng trong các quyết định của mình, kiên trì những nguyên tắc đã được khẳng định, và hiểu biết sự yếu đuối của con người.
Bằng cách viếng thăm thường xuyên những nơi làm việc và với tông thư Octogesima Adveniens (1971), ngài đã chứng minh cho thế giới thấy mối quan tâm thận trọng và chu đáo của Giáo Hội trước các vấn đề xã hội. Ngài thử nghiệm những cách thức mới để truyền bá đức tin (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 1975), và chia sẻ cách trìu mến những đau khổ của người nghèo. Ngài bảo vệ các giá trị của gia đình và của chính cuộc sống, chống lại ly dị và phá thai. Ngài phải đối diện với những căng thẳng chính trị và xã hội ở một số nước lên đến mức tạo ra những hình thức bạo lực và chủ nghĩa khủng bố; sự phản đối chân thành của Đức Phaolô Đệ Lục đối với bạo lực này được cảm nhận trên thế giới.
Ngài có một cá tính thâm trầm, khiêm tốn và dịu dàng, tin tưởng và chân thành, và có một sự nhạy cảm nhân bản đặc biệt. Ngài là một người có tâm linh sâu sắc - được hình thành trên Kinh Thánh, và trên giáo huấn của các nghị phụ, cũng như các nhà thần học lừng danh trong Giáo Hội. Ngài đã cho thấy đức tin mạnh mẽ, niềm hy vọng vững vàng, và một cuộc sống hàng ngày đầy tình bác ái, thận trọng và đơn giản. Lời cầu nguyện của ngài, đâm rễ sâu trong lời Chúa, phụng vụ và chầu Mình Thánh, tập trung vào Chúa Kitô và được củng cố bởi một lòng sùng kính gương mẫu dành cho Đức Mẹ (Tông huấn Marialis Cultis, 1974).
Từ khi bắt đầu sứ vụ thánh Phêrô của mình, ngài đặc biệt quan tâm đến thệ hệ trẻ, chia sẻ với họ, và với tất cả các tín hữu niềm vui đức tin (Tông huấn Gaudete in Domino, 1975) và "nền văn minh tình yêu" (Năm Thánh, 1975).
Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã qua đời tại Castel Gandolfo sau một thời gian ngắn nhiễm bệnh vào ngày 6 tháng 8 năm 1978 đang khi đọc kinh Lạy Cha.
Hai kiệt tác của ngài về tâm linh và tình yêu dành cho Giáo Hội vẫn còn là những tác phẩm thời danh, đó là cuốn Pensiero alla Morte ("Một suy niệm về cái Chết") và Testamento ("Chứng tá").
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã công bố rằng Đức Phaolô Đệ Lục đã "sống một cuộc sống với nhân đức anh hùng" vào ngày 20 Tháng Mười Hai 2012.
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ kết thúc Thượng Hội Đồng và tôn phong Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục
Chúng ta vừa nghe một trong những câu nói lừng danh nhất trong toàn bộ Tin Mừng: "Hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar, hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa" (Mt 22:21).
Bị thúc giục bởi những người Pharisêu, là những người như muốn đặt ra cho Ngài một bài sát hạch về tôn giáo để bắt lỗi Ngài, Chúa Giêsu đã đưa ra câu trả lời mỉa mai và thông minh này. Đây là một cụm từ nổi bật Chúa đã để lại cho tất cả những ai cảm thấy bối rối lương tâm, đặc biệt là khi đang có những nghi vấn về sự thoải mái của họ, sự giàu có, uy tín, uy quyền và danh tiếng của họ. Điều này xảy ra trong mọi thời; thời nào cũng có.
Chắc chắn Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến phần thứ hai của câu nói này: " hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa". Điều này đòi hỏi phải nhìn nhận và tuyên xưng - khi đối mặt với bất kỳ thứ quyền bính nào - rằng chỉ có Thiên Chúa là Chúa của nhân loại, ngoài ra không có Chúa nào khác. Đây là sự mới mẻ dù đã có từ muôn thửa vẫn được phát hiện mỗi ngày, và nó đòi hỏi chúng ta phải làm chủ được nỗi sợ hãi thường cảm thấy khi đứng trước những bất ngờ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không sợ những điều mới mẻ! Đó là lý do tại sao Ngài liên tục gây ngạc nhiên cho chúng ta, trong khi mở lòng chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong những cách thế thật bất ngờ. Ngài đổi mới chúng ta: Ngài liên tục làm "mới" chúng ta. Một Kitô hữu sống Tin Mừng là "một sự mới mẻ của Thiên Chúa" trong lòng Giáo Hội và thế giới. Thiên Chúa yêu mến sự "mới mẻ" này biết bao!
"Trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa" có nghĩa là ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Ngài, cống hiến cuộc sống của chúng ta cho Ngài và làm việc cho vương quốc đầy lòng thương xót, tình yêu và hòa bình của Ngài.
Đây là nơi mà sức mạnh thực sự của chúng ta được tìm thấy; đây là men của phát triển và muối mang đến hương vị cho tất cả những nỗ lực của chúng ta chống lại sự bi quan tràn lan mà thế giới đề xuất với chúng ta. Đây cũng là nơi mà hy vọng của chúng ta được tìm thấy. Khi chúng ta đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa, chúng ta không chạy trốn thực tại cũng không tìm kiếm một chứng cứ ngoại phạm: thay vào đó, chúng ta đang cố gắng để trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Kitô hữu chúng ta nhìn về tương lai, tương lai của Thiên Chúa. Như thế chúng ta có thể sống cuộc sống này viên mãn nhất - với bàn chân của chúng ta đạp trên mặt đất - và can đảm đáp trả bất cứ thách đố mới nào ập đến với chúng ta.
Trong những ngày này, trong Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường, chúng ta đã thấy điều này thật là đúng như thế nào. "Thượng Hội Đồng" có nghĩa là "cuộc hành trình với nhau". Và quả thực như thế, các mục tử và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới đã đến Rôma, đem theo tiếng nói của Giáo Hội địa phương mình để giúp các gia đình ngày nay đi con đường Tin Mừng với cái nhìn cố định vào Chúa Giêsu. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời, trong đó chúng ta đã sống tinh thần công đồng và đồng đoàn, và cảm thấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn và liên tục đổi mới Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi để nhanh chóng tìm kiếm và hàn gắn những vết thương, đồng thời nhen nhóm lại hy vọng đã tàn lụi trong lòng nhiều người.
Trước ân sủng là Thượng Hội Đồng này và trước tinh thần xây dựng mà tất cả mọi người đã thể hiện, hiệp cùng Thánh Tông Đồ Phaolô "Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện " (1 Th 1: 2). Xin Chúa Thánh Thần, là Đấng mà trong những ngày bận rộn này đã giúp chúng ta làm việc quảng đại, trong tự do đích thực và trong sự sáng tạo khiêm tốn, tiếp tục hướng dẫn cuộc hành trình đó, trong các Giáo Hội trên toàn thế giới, và dẫn đưa chúng ta đến Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ vào tháng 10 năm 2015. Chúng ta đã gieo và chúng ta tiếp tục gieo, trong kiên nhẫn và bền đỗ, trong niềm xác tín rằng chính Chúa là Đấng làm cho những gì chúng ta đã gieo được tăng trưởng (xem 1 Cor 3: 6).
Trong ngày tôn phong Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục này, tôi nghĩ đến những lời qua đó ngài đã thiết định cơ cấu Thượng Hội Đồng Giám Mục: "bằng cách cẩn thận khảo sát các dấu chỉ của thời đại, chúng ta đang nỗ lực để thích nghi với những cách thức và phương pháp ... với nhu cầu ngày càng tăng của thời đại chúng ta và những tình trạng thay đổi của xã hội "(Tông Thư Motu proprio Apostolica Sollicitudo).
Khi chúng ta hướng nhìn về Đức Giáo Hoàng vĩ đại này, người Kitô hữu can đảm này, vị tông đồ không mệt mỏi này, chúng ta không thể không nói trước mặt Thiên Chúa một từ đơn giản nhưng chân thành và quan trọng là cảm ơn! Cảm ơn! Cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thân thiết và yêu quý của chúng con! Cảm ơn những chứng tá khiêm tốn và tiên tri trong tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người!
Trong ghi chú cá nhân của mình, người cầm lái vĩ đại của Công Đồng đã viết, vào lúc kết thúc phiên cuối cùng rằng: "Có lẽ Chúa đã gọi tôi và dành tôi cho sứ vụ này không phải vì tôi đặc biệt thích hợp với nó, hay là vì tôi có thể chi phối và cứu Giáo Hội khỏi những khó khăn hiện tại, nhưng là để tôi có thể gánh chịu một cái gì đó cho Giáo Hội, và vì thế mọi sự trở nên tỏ tường rằng chính Ngài, chứ không ai khác, là Đấng hướng dẫn và là vị cứu tinh của Giáo Hội "(P. Macchi, Paolo VI Nella sua Parola , Brescia, 2001, tr. 120-121). Trong sự khiêm nhường này, sự hùng vĩ của Chân Phước Phaolô Đệ Lục sáng chói: trước sự ra đời của một xã hội tục hóa và thù địch với Giáo Hội, ngài vẫn có thể vững vàng, với viễn kiến và trí tuệ - và đôi khi đơn độc – lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô, trong khi không bao giờ đánh mất đi niềm vui và niềm tin vào Chúa.
Đức Phaolô Đệ Lục thực sự đã "trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa" bằng cách dành toàn bộ cuộc đời mình cho "nhiệm vụ thánh thiêng, trang trọng và nặng nề là tiếp tục theo dòng lịch sử việc mở rộng trên trái đất này sứ vụ của Chúa Kitô" (Bài giảng nghi lễ đăng quang: Insegnamenti I, 1963 , p. 26), trong khi yêu thương Giáo Hội và dẫn dắt để Giáo Hội có thể là "một người mẹ yêu thương của gia đình nhân loại và đồng thời là thừa tác viên ơn cứu độ của thế giới" (Tông thư Ecclesiam Suam, Prologue).
Lời nguyện giáo dân
Mở đầu phần lời nguyện giáo dân, Đức Thánh Cha nói:
Anh em thân mến, chúng ta dâng lên Chúa lời cầu xin để với sự trợ giúp của ân sủng Người, Thiên Chúa có thể được tôn vinh trong mọi sự.
Lạy Chúa, xin soi sáng cho hiền thê của Ngài là Giáo Hội, để nhờ ánh sáng Biến Hình của Chúa; vẻ đẹp của thiên nhan Ngài chiếu rọi trên mọi dân nước.
Lạy Chúa, xin nâng đỡ công việc của các nhà truyền giáo để nhờ đức tin mạnh mẽ mà các ngài rao truyền tất cả mọi người nhận biết rằng Chúa là điều cần thiết duy nhất cho cuộc sống của chúng con.
Lạy Chúa, xin thánh hóa sự kết hợp những cặp vợ chồng Kitô giáo với ân sủng là sự hiện diện của Chúa; để trong tất cả các gia đình nhân phẩm của trẻ em và người cao niên được tôn trọng.
Lạy Chúa, xin gieo vào lòng các nghệ sĩ, các nhà khoa học, và những người nam nữ của văn hóa ước muốn sự thật; để tất cả có thể tham gia trong việc xây dựng một nền văn minh tình thương.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời cầu bầu của Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI, người đã dạy chúng con bằng chính cuộc sống của ngài và một tình yêu nhiệt thành cho Chúa và Giáo Hội, xin nghe lời cầu nguyện của chúng tôi và đổ đầy trong chúng con với sự hiện diện của Chúa. Người là Đấng hằng sống hằng trị đến muôn đời.