Chương Năm Ơn Cứu-Chuộc và tội nguyên-tổ
(bài 24)
____________________________________________________

Đã từ lâu, tôi vẫn ưu-tư nhiều về sự thể, là: làm thế nào để ta tạo cơ-hội đặt lại câu hỏi về “Tội nguyên tổ” hay còn gọi là: “Tội tổ tông”. Ý của tôi, là: dấy lên vấn-đề như thế, tôi chỉ muốn trưng ra đây một số sự việc ta thường cảm-nghiệm, để rồi mình sẽ tư-duy lại về các sự việc không mấy thông-thoáng/cởi-mở, ngõ hầu thảo-luận một cách thoải-mái mà không sợ bị chụp cho cái mũ nào đó, cũng khó chịu. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn đến hỏi xem: tôi có còn tin vào những chuyện như thế nữa, hay không? Thật ra, tôi cũng không biết phải trả lời sao cho rõ ràng, thật đúng cách. Thôi thì, hôm nay, xin chia-sẻ với anh em đôi điều về sự thể còn đó cũng buồn, là: tự mình thấy không chắc cho lắm về cái-gọi-là “tội nguyên-tổ” hoặc “tội tổ tông”, sau đó lại sẽ đề-nghị anh em hãy cùng tôi, ta suy-tư thêm về những điều cần tư-duy.

Lập trường của Đức Hồng Y Josef Ratzinger:

Năm 1985, qua bài viết có tựa-đề, là: “The Ratzinger Report”, Đức Bênêđíchtô 16 có nói: “Tội Nguyên Tổ’, là một trong các vấn-đề khó-khăn nhất cho thần-học và mục-vụ, hôm nay!” Điểm chính thấy rõ nơi Giáo-huấn của Hội-thánh, vốn dĩ bàn về “tội nguyên tổ” lại vẫn bảo: nhân-loại lâu nay cần đến Ơn Cứu-Chuộc là bởi, nơi ta, nhiều người có khuynh-hướng hay vi-phạm nhiều lỗi/tội, cả vào lúc trước khi có chọn-lựa luân-lý hoặc đạo-đức. Đồng ý, là ta cần tạo ý-nghĩa cho những gì gọi là lòng đạo-đức sốt-sắng (hoặc: tội-lệ), trước cả vào lúc có luân-lý/đạo-đức, tức: trước khi con người thực-sự vi-phạm những lỗi cùng tội, nữa.

Thần-học-gia khoa-học Teihard de Chardin:

Là nhà thần-học có lập-trường rất sáng về “tội nguyên tổ”, Lm Teihard de Chardin, sj từng coi sự việc này như cách diễn-tả khá giản-đơn về thứ giáo-lý “hơi chênh”, thôi. Ông thấy: đây là một trong các trở-ngại chính cho việc hiện-thực một đối-thoại cởi-mở giữa khoa-học và niềm tin của ta. Không những thế, ông còn thấy nơi văn-bản giáo-lý vốn dĩ dạy ta về việc này, đã có mâu-thuẫn ngay ở niềm tin và ở khoa-học nền-tảng, của cuộc sống.

Bằng vào sự việc được coi như lời nhắn-nhủ gửi anh em đồng môn trong Dòng, khiến Toà Thánh đã ra tay tạo rối-rắm cho ông không ít, khi ông bảo: mọi người chúng ta nên tư-duy lại về giáo-điều này, để rồi chỉnh-sửa nó cho đúng với quan-niệm về “tội nguyên-tổ”, cách hợp lý.

Khoa-học-gia Teihard de Chardin, coi “tội nguyên tổ” như động-thái vụng-về cốt diễn-tả hiện-trạng nhân-loại có đó từ lâu lắm, tức: một thứ bất-toàn nơi con người được định-danh cách sai-lạc, nên gọi đó là những “lỗi” và “tội”. Là nhà cổ sinh-vật-học lỗi-lạc, Lm Teihard de Chardin sj từng chủ-trương: ta cần nhấn mạnh nhiều lên động-thái nào khả dĩ giúp nhân-loại vinh-thăng đi vào cuộc sống đích-thực của mình, thì tốt hơn. Rồi từ đó, ta lại sẽ dấn thân vào sự sống rất tràn-đầy của Đức Kitô.

Ông từng bảo: “Giả như ta nhấn mạnh nhiều vào tầm-kích khốn-khổ của thập-giá, ắt hẳn ta sẽ bị tha-hoá một cách dễ-dàng để rồi lại sẽ nhanh chóng để mất đi định-hướng rất đúng của mình, thôi”. Dĩ nhiên, khi nghe thế, nhiều người sẽ thấy: chuyện này cũng không thuyết-phục được nhiều người, cho lắm! Và họ cứ cho rằng: có cố-gắng làm thế, cũng chỉ tạo lợi-lộc cho việc giảng rao hoặc bồi-dưỡng các truyền-thống trong Đạo, mà thôi.


Ý-kiến thần-học-gia A.M. Dubarle

Đứng từ lập-trường thần-học do thánh Tôma Akinô lập, thần-học-gia A.M. Dubarle lại quả quyết: tín-lý hoặc giáo-điều về “tội nguyên tổ” vốn xuất từ trạng-huống suy-tư thần-học lại cứ thắt chặt ta vào vũ-trụ tư-riêng/đặc-biệt mà khoa-học hôm nay không thể chấp-nhận. Thành thử, ta cần trở về tư-duy lại một lần nữa những gì mang tính “con người” theo cung-cách của khoa-học lịch-sử, tức: hiểu vũ-trụ/vạn-vật theo phương-án khác, mới được.

Thoạt khi sinh ra, ta đã dự phần vào vũ-trụ/vạn-vật, trong đó: mỗi người và mọi người đều hành-động ở bên trên, có cùng một tổng-thể gồm các nguyên-nhân/hậu-quả tạo thế khó xử, cho muôn loài. Chính vì thế, ta không nên gọi đó là những lỗi và tội của bậc tiên-tổ, mới đúng.

Nói đến đây, tôi lại nhớ đến giáo-huấn của Hội-thánh về “tội nguyên tổ”, mà đa số dân thường ở huyện vẫn cứ hiểu. Tôi không chắc, là: mình có nên giải-thích và giải-thích ra sao về chuyện ấy. Đặc-biệt hơn, tôi lại vẫn nghĩ: làm sao ta có thể kết-hợp hài-hoà giữa Kinh-thánh và Khoa-học được. Dựa vào nền-tảng đặt trên sự việc, tôi chỉ muốn nói lên một điều, là: hôm nay, tôi đã bắt đầu “hiểu” được đôi chút về cung-cách khiến cho “tội nguyên tổ” chui lọt được vào ngôn-ngữ của ta, ra như thế. Và từ đó, có thể nói: tôi hy-vọng và luôn nguyện-cầu để rồi: ngày nào đó, có lẽ ta cũng chẳng cần đến thể-loại ngôn-ngữ nào khác, hầu nói lên những gì mình muốn nói. Tôi vẫn muốn bám vào những gì khiến con người có thể diễn-đạt ý-niệm này. Ngẫm lại, mới thấy: nếu khôn-ngoan hơn, có lẽ ta cũng không nên nói lên điều ấy. Và, ta cũng chỉ nên nói những gì khả dĩ diễn-tả cho mọi người hiểu rõ, thì tốt hơn. Thành thử, tôi sẽ không trực-tiếp nói về “tội nguyên tổ” theo đúng nghĩa của nó, mà chỉ đề-cập sơ qua đến cung-cách làm sao tôi bắt đầu “hiểu” được chuyện ấy, một đôi chút. Đây, không là những điều tôi muốn nói ra, mà là cách-thức để ta đưa mọi sự vào đề-tài này, suốt nhiều thế-kỷ qua.

Trước hết, phải nói ngay đây, rằng: tôi đồng ý với các nhà chú-giải Kinh-thánh về sự việc mà ai cũng thấy rõ. Đó, là đặc-trưng thi-ca nơi giòng kể ở sách Sáng Thế, khi tác-giả bàn về khoảnh-khắc đầu đời, của loài người. Tôi muốn nói thêm đây, rằng: nhiều thần-học-gia, xem ra, không mấy thuận-thảo với các nhà chú-giải Kinh-thánh về nhiều điều, chẳng hạn như chuyện: họ phải đối-xử với nhau như thế, mới đúng cách. Thêm nữa, một số vị chuyên-chăm đi Đạo và sống Đạo cũng không đồng-ý với các nhà khoa-học, nói chung. Bản thân tôi, lại vẫn tin là: các vị có xử như thế, cũng chí-lý thôi. Nay, tôi đem đến cho anh em lập-trường của các nhà kinh-điển chính-qui hoặc chính-mạch, để anh em tự lo mà tạo lấy cho mình phương-án nào phù-hợp với mình nhất.



Phần 1:
Kinh-thánh nói gì
và không nói những gì:

Thông thường thì, các tín-hữu Do-thái-giáo và Kitô-giáo (đương nhiên là vào thời xưa) vẫn từng nại vào Kinh-thánh, mỗi khi các vị muốn tìm-hiểu những gì mà mọi người lâu nay định-danh là “con người”. Các vị thường viện-dẫn đến sách Sáng Thế, đặc biệt từ chương 1 đến chương 3, để hiểu rõ về gốc-gác con người. Đây là một viện-dẫn có giá trị và hữu lý. Các vị, lại cũng nại vào những chuyện như thế, xuất từ truyện dài đầy thơ-văn, truyện dân-gian về con người vào thời-đại rất sớm. Sự việc này, lại là những viện-dẫn không hữu lý, chút nào hết.

Có vị, lại nghĩ: Kinh Thánh hàm-ẩn một động-thái muốn hình-dung vũ-trụ có tuổi đời khá ngắn-ngủi. Nhiều vị khác, lại cứ bảo: cách đây không lâu, nơi vũ-trụ/vạn-vật đã thấy xuất-hiện hai nhân-vật lịch-sử khá đặc-trưng, là Ađam và Eva, có lẽ xuất-hiện vào thời gian cách nay khoảng chừng 4,000 hoặc 6,000 năm, ở “Địa-đàng” nguyên-thủy mà tất cả mọi sinh-vật sống ở đó, đều sẽ không chết hoặc mắc phải bất cứ tật-bệnh gì; và họ lại có đủ mọi thứ ưu-đãi, thật dễ sống.

Các vị, lại những tưởng: do thủy-tổ loài người từng mắc phải một thứ “lỗi” hoặc “tội” rất lớn, nên mới xảy ra cái-gọi-là “Sự sa ngã” mang tính dã-sử (?); rồi từ đó, kéo theo nhiều hệ-lụy, đem đến cho họ. Các ưu-đãi mà họ có vào thời ấy, tự dưng biến mất. Và, sự chết cũng như tật bệnh, lại đã đi vào giòng sử của loài người. Kể từ đó, con người, lại khao-khát đủ thứ, nên mới rối-loạn tâm thần, khó ổn-định. Bậc cha mẹ đầu đời và các vị khác, đã bắt đầu sinh-sôi nảy-nở đem đến cho ta cung-cách tính-dục xuất-phát từ bản-chất nhân-loại bị tổn thương, dễ chết, náo loạn. Và từ đó, ta cần có nghi-lễ này khác để tẩy-lọc và “Cứu chuộc”. Với truyền-thống Kitô-giáo, điều này được gọi là ‘Thánh-tẩy’ và ‘Giáo-dục lòng Đạo’.

Khoa-học ngày nay, thật khó cảm-thông lối giải-thích gốc-nguồn của nhân-loại mang tính thơ-văn, răn đời như thế. Thành thử, khoa-học lâu nay vẫn đồng lòng là sẽ không coi đây như văn-bản kể về nguồn-gốc nhân-loại có tính sử-học, chút nào hết.

Các phê-bình-gia thơ-văn lịch-sử ở Thánh-kinh cũng thấy khó, khi phải đọc các văn-bản kinh-thánh theo chiều hướng ấy. Hệt như thế, các nhà chú-giải Thánh-kinh lại vẫn đồng-lòng quả-quyết rằng: văn vẻ của Kinh-thánh kể cho ta nghe rất nhiều truyện dân-gian đời thường, nhưng không mang tính lịch sử chút nào hết.

Thật ra thì, tác-giả viết lên các chương đoạn ở sách Sáng Thế không có dụng-đích đưa truyện dân-gian hoang-dã vào cổ-sử, thế nên ta cũng đừng đọc và hiểu các chương/đoạn ấy rất từng chữ, theo nghĩa đen. Hơn nữa, con người thời tiền-sử cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng: họ nên đưa “bộ nhớ” của mình vào giòng cổ-sử theo cách truyền-khẩu hoặc truyện kể dân-gian, bao giờ hết. 4,000 năm dân-dã đã trôi qua, hai nhân-vật đầu đời là: Ađam-và-Eva thời-tiền-sử, lại chẳng bao giờ mắc phải lỗi-lầm nào mang tính lịch-sử hết. Và, chẳng có sự-kiện nào ghi trong sử-sách lại nói về chuyện nhị “vị” này đã xa rời chốn địa-đàng vì trót “sa ngã”; và, trở-thành hữu-thể đầy thương-tật, để từ đó, mặc lấy thân-phận chết chóc, dễ cuốn hút vào bản-chất rất “người” thật rối-rắm. Và còn sản-sinh “con đàn cháu đống”, và chịu tội giống như vậy. Với sử-học, chẳng bao giờ có cái-gọi-là thời của thủy-tổ loài người được ưu-đãi cách tuyệt-đối; và cũng chẳng có cái-gọi-là “sự sa-ngã” của tổ-tiên con người, từ lúc đó. Thật ra, Kinh-thánh kể truyện này, cũng không hàm-ý hoặc dụng-đích nào như thế, cả.

Nói đúng hơn, ngày nay dân con mọi người, đều đã hiểu: sách Sáng Thế chỉ bao gồm những “mẩu vụn” văn-chương, không hơn không kém. Muốn hiểu rõ những điều ghi trong đó, người đọc phải đóng vai nhà phê-bình văn-học rất nền-tảng. Bởi, Sách đây chỉ là tập-hợp gồm các bài thơ/văn nhằm kể cho ta biết về chính con người của ta, vào lúc này, chứ tuyệt-nhiên không là truyện dã-sử ghi chép các nhân-vật giả-tưởng, sống vào thời trước. Nói cách khác, Sách đây chỉ muốn nói về gốc-gác sự-việc từng thấy xảy ra một thất-bại về luân-lý và đạo-giáo nơi con người, mọi thời; đặc biệt là người Do-thái. Tác-giả sách Sáng Thế, đã chế ra các giòng thơ/văn như thế cốt đưa về với người mình, thứ lý-lẽ đạo-đức mà người đọc thời hôm nay sẽ hiểu thêm.

Đôi khi, có người lại thắc-mắc, những hỏi rằng: “Ađam – Eva có là người thực hay không?” Trả lời câu hỏi đầy ngớ-ngẩn này, tôi chỉ muốn nói: “Có thực đấy chứ! Nó cũng rất thực như bạn và tôi đang hiện-diện ở đây, chốn đời này! Bởi, bạn và tôi, cũng như tất cả mọi người vào mọi thời, đều ‘là’ những Ađam-và-Eva, cũng rất thực. Nhân-vật chính trong thể thơ/văn này, là: Ađam, một nhân-vật giả-tưởng được kể là đã làm thay cho mỗi người và mọi người chúng ta. Ađam, chỉ là nhân-vật của phim truyện hoạt-hoạ đóng thay cho ta, mà thôi. Danh xưng “Ađam”, là từ-vựng được người Do-thái dùng để chỉ lớp bụi trần mầu đỏ, tức “Adamah”.

Nếu dùng ngôn-ngữ thời-đại của phim dài nhiều tập, bạn và tôi, ta sẽ gọi anh là “Charlie Brown”, bởi tất cả mọi lãng-tử mang tên “Charlie” trên đời này, đều bước dần vào chốn miền nhiều bụi “đỏ”. Hoặc, nếu có ai ở Úc này, lại muốn gọi anh là chàng trai tên “Ocker”, tức “Đất đỏ”, hoặc chất đất mịn mầu “đỏ” cứ bám dính vào người của ta, hôm nay, cũng vẫn được. Sách Sáng-Thế còn dùng biểu-tượng và thi-ca để tả cảnh/tả tình về các chàng trai ở chốn miền “Đất đỏ” ấy, theo giòng sử của nước Úc, vẫn cứ cười dù anh có rơi vào hoàn-cảnh nào đi nữa, cũng thế thôi.

Một ví-dụ cụ-thể về sự thể như thế, là: trong mọi giòng chảy lịch-sử của loài người, đặc biệt hơn, là: ngay vào lúc và kể từ thời-kỳ “Đồ đá” đến bây giờ, con người đã thay-đổi rất nhiều, có như thế mới tồn tại. Dù cảm thấy hứng-chí hay chỉ muốn bác-bỏ những gì là mới mẻ, con người đều phản-ứng rất mạnh-bạo. Mạnh và bạo, đột phá mọi chức-năng làm nên con người mình và mạnh-bạo cả với những gì định-vị tương-lai cho mình nữa. Sách Sáng Thế mặc-khải cho ta biết: khi ta ra như thế, và khi ta làm những sự việc giống như thế, tức là ta đã hành-xử như con người, giống hệt các Ađam và Eva và hệt như các chàng Charlies, hay Ockers khi xưa từng làm và sẽ còn làm mãi, như thế.

Sách Sáng Thế còn tỏ cho ta thấy huyền-nhiệm cao cả của Thiên-Chúa, Đấng Tốt-Lành-Tử-Tế cũng sẽ hiểu và thứ tha cho ta và đưa ta ngang qua giòng sử mới để đi vào cuộc sống đích-thực của chính sự tử-tế ta có với Chúa và với người đồng-loại. Trong nền văn-hoá có quá nhiều tiêu-cực về lịch-sử và xã hội như hôm nay, ta vẫn có thể nghe được tiếng mời gọi trở-thành con người tử-tế/tốt-lành, đó là lời mời gọi sống đích-thực các giá-trị mà Chúa tặng ta. Thông-điệp Chúa đưa ra, không nói về những lỗi và tội ngoại-lệ hoặc sự méo-mó do ta dựng, mà về những gì Chúa ban để ta sống-thực con người mình từng có giới-hạn nhưng rất thực, mà ta có được từ quá-trình sống với môi-trường và với lịch-sử nhân-loại.

Các nhà chú giải Thánh-kinh cũng tái-tạo lại ý-nghĩa của văn-bản như thế, bằng việc sử-dụng những phương-án rất bài bản do chính họ đặt ra. Khoa-học nói chung, có khả-năng sống với tầm-nhìn có từ Sách Sáng Thế. Nhiều nhà kinh-điển trong cộng-đồng Kitô-giáo cũng thấy nơi tầm-nhìn này, một đường-lối chính-đáng để tiếp-tục con đường truyền-thống của Giáo-hội về căn-nguyên và lịch-sử loài người.

Dưới ánh-sáng toả lan như thế, giáo-điều về “Tội Nguyên Tổ” cần được diễn-giải theo chiều-hướng hiện-đại, có cảnh-giác với khoa-học và cả ngành bình-luận thơ/văn, nữa. Đương nhiên, giáo-điều này vẫn có giá-trị mà ta không nghi-ngờ gì hết. Thế nhưng, cũng cần định-vị cho rõ, bằng danh-xưng mới về thế-gian và lịch-sử như nhân-loại. Cốt lõi của giáo-điều cần được duy-trì; nhưng, ngày nay ta cũng cần đóng-gói-bao-bì lại cho hợp lý. Công việc đóng-gói-bao-bì như thế, cho đến nay vẫn chưa hoàn-thành.

Giáo-Lý Hội-Thánh Công-Giáo, lại nói nước đôi về sách Sáng Thế và “Tội Nguyên Tổ” vốn chế-ngự giòng-sử ấy. Nói, là nói về sự-kiện có một cặp nam-nữ đầu đời, xuất-hiện ở vườn Địa-đàng. Một mặt, Sách lại kể về sự-kiện “Sa ngã” ở Kinh-thánh theo nghĩa bóng. Đằng khác, Sách lại khẳng-định truyện “giả-tưởng” này xảy ra ngay thời đầu lịch-sử của con người, tức: một hành-xử từng khống-chế giòng sử ấy. Giòng sử này, thoạt đầu có nói về cặp nam-nữ đầu đời, hiện-diện trong thế-giới cực-lạc không ngu-dốt, cũng chẳng đớn đau, không tật bệnh hoặc chết chóc, gì hết. Rõ ràng là, các Ủy-ban này/khác đã đưa ra các chương/đoạn khác nhau ở Sách Giáo-lý; và cũng có thể, vì còn bối rối về “tội nguyên tổ”, nên các ủy-ban này không trao-đổi với nhau, nhiều cho lắm!

Sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo được xuất-bản như một dẫn dắt/chỉ-đạo hầu chuẩn-bị cho một nền Giáo-lý chung trên khắp nước. Các nhà chuyên ngành trong Khoa-học (và cả ngành phê-bình văn-học nữa) vẫn hy-vọng rằng: các Giám-mục từng cho phép xuất-bản Sách này cũng sẽ làm thế trong tình-trạng hiểu-biết các dữ-kiện khoa-học hiện-đại và biết rõ phương-án chung của nhà chú-giải Kinh-thánh, hôm nay (x. Joan Acker, Creationism and the Catechism, America, 16/12/2000).

Tài-liệu này phải được phối-hợp với các nhu-liệu vốn có trong tập hồ-sơ của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh khi muốn diễn-giải Kinh-thánh. Tài-liệu này, xuất bản vào năm 1993, do Đức Hồng Y Ratzinger thành-lập và ký giấy phép, trong đó phương-cách biểu-tượng/biểu-trưng được rút từ Sách Sáng Thế, mà ra.

Chương đầu Sách Sáng Thế nói gì về lịch-sử của tiên-tổ chúng ta: Các chương này đem đến cho ta cơ-cấu về cổ-sinh-vật-học để ta biết rằng mình là ai. Giá-trị của nó chỉ làm sáng-tỏ sự-thật về người phàm vào lúc này, và về chính chúng ta nữa.


Đức Giêsu nói gì về con người

Nơi niềm-tin Kitô-giáo, sự tin tưởng chính-yếu nói về Đức Giêsu thành Nadarét là Thiên-Chúa đích-thật. Ngài đã xuống thế mặc lấy thân-phận làm người. Thiên-Chúa yêu-thương tính-chất rất “người” nhiều đến độ khiến Chúa cũng muốn sống một cuộc sống của con người rất thông-minh, có đức độ và cảm-nhận nhiều về tương-quan với Ngài. Ngài yêu thương con người qua cung-cách rất “người”, theo đường-lối con người tương-tác với nhau. Đây là ý-nghĩa chính-đáng của mầu-nhiệm Nhập-Thể. Bởi, với Kitô-hữu có niềm tin xuyên suốt, thì các giá-trị của con người lại cũng là giá trị rất “người” của Thiên-Chúa, đồng thời là giá-trị của Đức Giêsu. Ý-nghĩa của Đức-Giêsu-Thiên-Chúa-làm-người trong con người là cốt-lõi sự sống của Kitô-hữu. Ý-nghĩa việc Đức Kitô hiện-diện, có ảnh-hưởng đích-thực và mang tính-chất rất con người. Ngài hiện-diện trong thế-giới của ta, đó là niêm-tin. Đó là cốt lõi của sự tin-tưởng ta có, với Chúa.



Con người làm được gì và làm gì được:

May mắn thay, con người có khả-năng hiểu được ý-định của Đấng Tạo Dựng qua việc sống đúng chức-năng con người thật của họ. Và, Chúa đã đáp-ứng lại sự hợp-tác đó, dù con người không có chút quyền-uy nào để làm thế. Nhờ tính thông-minh của mình, con người hiểu biết chính mình, nên mới cảm-nhận mình là người có quan-hệ hỗ-tương ấy. Tư-tưởng này, thật sâu-sắc. Sâu-sắc đến độ khiến con người có chất-liệu thoả-đáng để thấy rằng: chính ở đây, đã thấy có tầm-kích linh-thiêng của con người được như thế. Chất-liệu thoả-đáng, nói lên mối suy-tư về sự công-chính, đạo-đức, lẫn phẩm-giá và trách-nhiệm, vv... Và, trên hết mọi sự, con người có khả-năng làm được thế, bằng vào tình thương-yêu đích-thực họ có đối với nhau, và bằng sự thủy-chung ở lại mãi trong tình thương yêu dịu-hiền mình từng có.

Tác-giả Maritain có lần nói: “Hồn-linh con người lúc nào cũng hít thở suốt mọi thời. Điều này vượt quá khả-năng của khoa-học, bởi khoa-học đứng trụ cách khiêm-tốn nơi ngưỡng cửa huyền-nhiệm mà triết-lý và thần-học vẫn âm-thầm nghĩ suy”.


(còn tiếp)


____________________
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch