Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao những ích lợi thiêng liêng mà Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh đã đem lại cho Giáo Hội và ngài khích lệ các thành viên đoàn kết, say mê Lời Chúa và loan báo Tin Mừng.
Chiều Chúa Nhật 1 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Sân vận động Olympic ở Roma để gặp gỡ 52 ngàn thành viên Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, thuộc phân bộ Italia, nhân dịp họ nhóm Đại hội toàn quốc lần thứ 37 từ 10 giờ rưỡi sáng ngày mùng 1 cho đến chiều ngày thứ Hai 2 tháng 6.
Trong số các tham dự viên có 47 ngàn người đến từ các nhóm và các cộng đoàn canh tân trong Thánh Linh, hơn 1300 thiện nguyện viên, một ngàn linh mục, 150 chủng sinh, 350 nữ tu, 3 ngàn trẻ em và thiếu niên.
Tham dự và phát biểu trong Đại hội này cũng có Ông Salvatore Martinez, Chủ tịch Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, Đức Hồng Y Angelo Comastri, Tổng đại diện của Đức Thánh Cha tại thành Vatican, Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma, Đức Hồng Y Rylko, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, và Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng, cùng với nhiều nhân vật khác.
Tại đại hội, có các phần cầu nguyện Chúa Thánh Linh, hát thánh ca, hoạt cảnh, thuyết trình, thánh lễ, trình bày những chứng từ trong bầu không khí rất hân hoan và sốt sắng.
Lúc 5 giờ chiều Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã đến Sân vận động, ngài đi bộ vòng quanh thao trường để chào mọi người, giữa làn sóng các tiếng vỗ tay vui mừng của cử tọa, trước khi tiến lên lễ đài, nơi có 1,200 chỗ dành riêng cho các khách mời, và các chức sắc.
Huấn từ của Đức Thánh Cha
Lên tiếng sau các phần trình bày chứng từ, Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói với mọi người rằng:
Tôi cám ơn Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, Hội đồng trung ương (ICCRS) và Huynh Đoàn Công Giáo (Catholic Fraternity) vì cuộc gặp gỡ này với anh chị em mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui... Anh chị em phát sinh từ ý muốn của Chúa Thánh Linh như “một dòng thác ơn thánh trong Giáo Hội và cho Giáo Hội”. Thật vậy, phong trào của anh chị em có thể được định nghĩa chính xác là: “một dòng thác ơn thánh.”
Hồng ân đầu tiên của Chúa Thánh Linh là gì? Thưa đó là sự hiến dâng chính mình, là tình yêu và làm cho anh chị em yêu mến Chúa Giêsu. Và tình yêu này thay đổi cuộc sống. Vì thế người ta nói là “Tái sinh để sống trong Thánh Linh”. Chúa Giêsu đã nói với Ông Nicôđêmô như thế. Anh chị em đã lãnh nhận hồng ân cao cả gồm nhiều đoàn sủng, sự khác biệt đưa tới sự hòa hợp trong Thánh Linh, phục vụ Giáo Hội.
Khi tôi nghĩ đến anh chị em là những người thuộc Phong trào Thánh Linh, tôi nghĩ đến chính hình ảnh của Giáo Hội, nhưng đặc biệt là tôi nghĩ đến một ban nhạc đại hợp xướng, trong đó mỗi nhạc khí khác với nhạc khí khác, và cả các âm thanh cũng khác nhau, nhưng tất cả đều cần thiết để có sự hòa âm. Thánh Phaolô nói với chúng ta như vậy trong chương 12 của thư thứ I gửi tín hữu Corinto. Vì thế, giống như trong một ban nhạc, không người nào trong Phong trào Canh tân trong Thánh Linh có thể nghĩ mình quan trọng hơn hoặc lớn hơn người khác! Xin đừng như vậy. Vì khi một người nào trong anh chị em tưởng mình quan trọng hơn người khác hoặc lớn hơn người khác, thì nạn dịch bắt đầu! Không ai có thể nói: “Tôi là đầu”. Anh chị em, cũng như toàn thể Giáo Hội, chỉ có một đầu, một Chúa, đó là Chúa Giêsu! Xin anh chị em hãy lập lại với tôi: ai là đầu của Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh? Thưa là Chúa Giêsu! Và chúng ta có thể nói điều này với quyền năng mà Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta, vì không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa” nếu không có Chúa Thánh Linh trong họ.
Có lẽ anh chị em đã biết - vì tin tức truyền đi mau lẹ - trong những năm đầu tiên của Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh tại Buenos Aires, tôi không thích những người thuộc phong trào này lắm. Tôi nói về họ: 'Họ có vẻ như một trường vũ điệu samba!’ Tôi không đồng ý về cách họ cầu nguyện và bao nhiêu điều mới xảy ra trong Giáo Hội. Sau đó, tôi bắt đầu biết họ và sau cùng tôi hiểu thiện ích mà Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh làm cho Giáo Hội. Và lịch sử này, bằt đầu từ “trường vũ điệu Samba” và kết thúc một cách đặc biệt: nghĩa là vài tháng trước khi tham dự mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng, tôi đã được Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình bổ nhiệm làm tổng tuyên úy Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh tại nước tôi.
Sức mạnh phục vụ
Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh là một sức mạnh to lớn phục vụ việc loan báo Tin Mừng, trong niềm vui của Chúa Thánh Linh. Anh chị em đã lãnh nhận Chúa Thánh Linh làm cho anh chị em khám phá tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả các con cái Chúa và tình yêu đối với Lời Chúa. Trong những năm đầu tiên người ta nói những người thuộc Phong trào Thánh Linh luôn mang một cuốn Kinh Thánh, cuốn Tân Ước. Anh chị em còn làm như vậy ngày nay nữa không?
Đám đông đáp: Có!
Đức Thánh Cha tiếp:
Tôi không chắc chắn lắm! Nếu không mang, thì anh chị em hãy trở lại với tình yêu ban đầu, luôn mang trong túi, trong sắc, Lời Chúa! Và đọc một đoạn ngắn. Luôn luôn với Lời Chúa.”
Anh chị em là Dân Chúa, Dân thuộc Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, hãy chú ý đừng đánh mất tự do mà Chúa Thánh Linh đã ban cho chúng ta! Nguy hiểm đối với Phong trào này, như cha Raniero Cantalamessa yêu quí của chúng ta thường nói: đó là nguy cơ tổ chức thái quá.
Đúng vậy, anh chị em cần có tổ chức, nhưng đừng đánh mất ơn để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa! Tuy nhiên không có tự do nào lớn hơn là tự do để cho mình được Thánh Linh mang đi, từ bỏ sự tính toán và kiểm soát tất cả, để cho Chúa soi sáng, dìu dắt, hướng dẫn, thúc đẩy chúng ta tới nơi Ngài muốn. Chúa biết rõ điều gì cần thiết trong mỗi thời đài và mỗi lúc. Điều này được gọi là được phong phú một cách huyền nhiệm (Tông Huấn ”Niềm vui Phúc âm, 280)
Một nguy hiểm khác là trở thành những người “kiểm soát” ơn thánh của Chúa. Bao nhiêu lần, những vị trách nhiệm, - tôi thích danh từ “những người phục vụ” hơn - của một vài nhóm hoặc vài cộng đoàn có thể vô tình trở thành những người quản trị ơn thánh, quyết định xem ai có thể nhận kinh nguyện Thánh Linh hoặc nhận phép rửa trong Thánh Linh, và ai là người không thể nhận. Nếu có vài người làm như thế, tôi xin các anh chị em ấy đừng làm như vậy nữa. Anh chị em là những người phân phát ơn Chúa, chứ không phải là những người kiểm soát! Đừng làm các nhân viên hải quan đối với Chúa Thánh Linh!
Trong các văn kiện làm tại Malines, anh chị em có một chỉ nam, một hành trình chắc chắn để không lạc đường. Văn kiện đầu tiên là “Đường hướng thần học và mục vụ”, văn kiện thứ hai là: “Canh tân trong Thánh Linh và đại kết” do chính Đức Hồng Y Suenens biên soạn, một vị đã giữ vai trò chính trong Công Đồng chung Vatican 2. Văn kiện thứ ba là “Canh tân trong Thánh Linh và phục vụ con người” do Đức Hồng Y Suenes và Đức Cha Helder Camara soạn.
Đó là hành trình của anh chị em trong việc loan báo Tin Mừng, đại kết linh đạo, chăm sóc người nghèo và những người túng thiếu, đón tiếp những người bị gạt ra ngoài lề. Tất cả những điều đó dựa trên căn bản sự thờ lạy. Nền tảng của Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh là tôn thờ Thiên Chúa!
Mong đợi của Đức Thánh Cha nơi Phong trào
Người ta yêu cầu tôi nói với Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh xem đâu là điều Giáo Hoàng mong đợi anh chị em?
- Điều đầu tiên là hoán cải, trở về với lòng yêu mến Chúa Giêsu có sức thay đổi đời sống và biến Kitô hữu thành một chứng nhân Tình Yêu Thiên Chúa. Giáo Hội chờ đợi chứng tá cuộc sống Kitô như thế và Chúa Thánh Linh giúp chúng ta sống hợp với Tin Mừng để nên thánh.
- Tôi mong đợi anh chị em chia sẻ với mọi người, trong Giáo Hội, ơn phép rửa trong Thánh Linh, như đọc trong sách Tông đồ công vụ.
- Tôi mong đợi anh chị em truyền giáo bằng Lời Chúa, loan báo Chúa Giêsu hằng sống và yêu mến tất cả mọi người.
- Anh chị em hãy nêu chứng tá đại kết linh đạo cho tất cả những anh chị em thuộc các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô khác, cũng tin nơi Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Thế.
- Tôi mong anh chị em tiếp tục hiệp nhất trong tình yêu mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải có đối với tất cả mọi người, và hiệp nhất trong việc cầu nguyện với Chúa Thánh Linh để tiến tới sự hiệp nhất này là điều cần thiết để loan báo Tin Mừng nhân danh Chúa Giêsu. Anh chị em hãy nhớ rằng “Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh tự bản chất có đặc tính đại kết Kitô.. Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh Công Giáo vui mừng vì những gì Chúa Thánh Linh đang thực hiện trong các Giáo Hội khác” (1 Maline 5,3).
- Anh chị em hãy đến gần người nghèo, người túng thiếu, để động chạm đến thân mình bị thương của Chúa Giêsu. Xin vui lòng đến gần họ
- Hãy tìm kiếm sự hiệp nhất trong Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh vì sự hiệp nhất đến từ Chúa Thánh Linh và nảy sinh từ sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự chia rẽ đến từ ma quỉ. Hãy tránh những cuộc tranh đấu nội bộ, giữa anh chị em không được có những điều như thế...
- Anh chị thân mến, hãy nhớ, hãy thờ lạy Thiên Chúa là Chúa. Đây chính là nền tảng. Hãy thờ lạy Thiên Chúa, tìm kiếm sự thánh thiện trong cuộc sống mới nơi Chúa Thánh Linh. Hãy trở thành những người phân phát ơn thánh Chúa, tránh nguy hiểm tổ chức thái quá.
- Anh chị em hãy đi ra ngoài đường để loan báo Tin Mừng. Hãy nhớ rằng Giáo Hội sinh ra khi đi ra ngoài, vào sáng ngày Lễ Ngũ Tuần. Hãy đến gần người nghèo, nơi họ anh chị em hãy động chạm đến những vết thương của thân mình Chúa Giêsu. Hãy để Chúa Thánh Linh hướng dẫn, với thứ tự do ấy, và đừng đóng khung Chúa Thánh Linh!
Hỡi tất cả các thành viên Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh trên thế giới, tôi chờ đợi tất cả anh chị em, để cùng với Đức Giáo Hoàng mừng năm đại kỷ niệm vào Lễ Hiện Xuống năm 2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
2. Đức Thánh Cha tiếp các giám mục Zimbabwe
“Giáo Hội tại đất nước của anh em đã đứng về phía người dân cả trước và sau khi độc lập, và cả bây giờ trong những năm đau khổ cùng cực với hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi trong thất vọng và tuyệt vọng, vì nhiều người bị thiệt mạng, và quá nhiều những giọt nước mắt rơi”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói như trên với giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Công Giáo Zimbabwe sáng thứ Hai 2 tháng 6, vào cuối chuyến thăm ad Limina của các ngài.
Đức Thánh Cha đã đề cập đến sự phát triển của Giáo Hội trong cả nước như một cây đại thụ nhưng trẻ trung, tràn đầy sức sống và đầy hoa trái với "bao thế hệ các nhà lãnh đạo chính trị của Zimbabwe đã được giáo dục trong các trường Công Giáo. Đức Thánh Cha cũng ca ngợi các Giám mục về sứ vụ tiên tri của các ngài vì đã đưa ra tiếng nói cho tất cả những vấn nạn khó khăn của đất nước nhân danh tất cả những người bị áp bức và những người tị nạn.
Đức Thánh Cha đặc biệt đề cập đến Thư Mục Vụ 2007 của Hội Đồng Giám Mục Zimbabwe với tiêu đề "Thiên Chúa nghe tiếng kêu của những kẻ bị áp bức", trong đó mô tả "nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tinh thần và đạo đức, trải dài từ thời kỳ thuộc địa thông qua thời điểm hiện tại", và cách thế "cơ cấu tội lỗi" đã ghi dấu ấn sâu xa trong trật tự xã hội, đã bắt nguồn như thế nào từ tội lỗi cá nhân, và đòi hỏi tất cả phải hoán cải sâu sắc ".
"Cả hai bên trong các cuộc xung đột hiện nay tại Zimbabwe đều có các tín hữu Kitô, vì vậy tôi mong anh em hướng dẫn tất cả mọi người với sự dịu dàng hướng đến sự hiệp nhất và chữa lành. Đây là một dân tộc gồm người da đen và da trắng, một số giàu có hơn nhưng đông nhất là những người nghèo, gồm nhiều bộ lạc; những người theo Chúa Kitô thuộc về tất cả các đảng chính trị, một số nắm các vị trí của chính quyền, nhiều người là thành phần đối lập. Nhưng cùng với nhau, họ là những người hành hương của Thiên Chúa, họ cần hoán cải và chữa lành, để trở thành hơn bao giờ hết một nhiệm thể trong Chúa Kitô. Thông qua giảng dạy và các công tác tông đồ, cầu xin cho Giáo Hội địa phương của anh em chứng minh rằng hòa giải không phải là một hành động đơn lẻ mà là một quá trình lâu dài mà tất cả các bên phải tham gia để thiết lập lại tình yêu - một tình yêu chữa lành thông qua các hoạt động của Lời Chúa".
"Trong khi các tín hữu Zimbabwe đã dấn thân chữa lành những vết thương quốc gia, tôi biết rằng nhiều người đã đạt đến giới hạn của con người của họ, và không biết phải làm gì. Trong tất cả những điều này, tôi xin anh em khuyến khích các tín hữu đừng bao giờ đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, là Đấng đang nghe tiếng van nài của họ và đáp trả lời cầu nguyện của họ, như anh em đã viết: ‘Ngài không thể bỏ qua không nghe tiếng kêu của người nghèo’. Trong mùa Phục Sinh này, khi Giáo Hội trên toàn thế giới đang kỷ niệm chiến thắng của Chúa Kitô trên sức mạnh của tội lỗi và sự chết, Tin Mừng sự phục sinh mà anh em được giao phó để công bố phải được rao giảng rõ ràng và sống động tại Zimbabwe.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng cách trích dẫn từ Tông Huấn Evangelii Gaudium của ngài: " Mỗi ngày trong thế giới chúng ta, vẻ đẹp được tái sinh lần nữa, tăng trưởng qua các cơn bão lịch sử ".
3. Đức Thánh Cha đau buồn vì sự dửng dưng đối với thảm trạng Syria
Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ đau buồn vì sự dửng dưng của thế giới đối với thảm trạng tại Syria và kêu gọi các tổ chức từ thiện Công Giáo tiếp tục các hoạt động cứu trợ.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các đại diện của 25 tổ chức từ thiện Công Giáo nhóm họp hôm 30 tháng 5, tại Vatican, với Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, để phối hợp các hoạt động cứu trợ các nạn nhân chiến tranh Syria. Đức Thánh Cha đích thân đến chào thăm và khích lệ các tham dự viên.
Trong sứ điệp Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chúng ta phải đau lòng nhận thấy cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa được giải quyết, trái lại cứ tiếp tục và có nguy cơ người ta quen với thảm trạng này: quên các nạn nhân hằng ngày, những đau khổ khôn tả, hàng ngàn người tị nạn, trong đó có người già và trẻ em, đang chịu đau khổ và nhiều khi đang chết vì đói và bệnh tật do chiến tranh gây ra. Sự dửng dưng này làm đau lòng! Một lần nữa chúng ta phải lập lại cái tên của căn bệnh làm cho chúng ta rất đau buồn trên thế giới ngày nay, đó là sự toàn cầu hóa sự dửng dưng”.
Đức Thánh Cha đề cao hoạt động kiến tạo hòa bình và cứu trợ nhân đạo mà các cơ quan bác ái Công Giáo đang thi hành trong bối cảnh này chính là một sự biểu lộ trung thực tình thương của Thiên Chúa các con cái Người đang bị áp bức và lo âu.
Đức Thánh Cha tái kêu gọi lương tâm của những nhân vật chủ chốt trong cuộc xung đột tại Syria, các tổ chức thế giới và công luận. Ngài viết: “Tất cả chúng ta đều ý thức rằng tương lai nhân loại được xây dựng với hòa bình chứ không phải bằng chiến tranh: chiến tranh tàn phá, giết hại, làm cho dân chúng và các nước nghèo nàn. Tôi xin tất cả các phe hãy nhìn đến công ích, cho thực hiện cấp thời những hoạt động cứu trợ nhân đạo và làm cho võ khí sớm im tiếng, đồng thời dấn thân thương thuyết, đặt lên hàng đầu thiện ích của Syria và toàn dân nước này, và cả những người đang phải tị nạn ở nơi khác, và họ có quyền được sớm trở về quê hương”.
Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ đến các cộng đoàn Kitô, là khuôn mặt của một Giáo Hội đang chịu đau khổ và hy vọng. Ngài viết: “Sự sống còn của họ trên toàn vùng Trung Đông là mối lo lắng sâu đậm của Giáo Hội hoàn vũ: Kitô giáo phải được tiếp tục sống tại nơi nguyên gốc của mình”.
Sau cùng Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức từ thiện Công Giáo và nói rằng “Hoạt động bác ái và cứu trợ cảu anh chị em là một dấu hiệu quan trọng nói lên sự gần gũi của toàn thể Giáo Hội, đặc biệt của Tòa Thánh đối với nhân dân Syria và các dân tộc khác ở Trung Đông”.
Khóa họp hôm 30 tháng 5 có mục đích tiếp tục hành trình từ hai năm nay của Tòa Thánh và nối tiếp cuộc gặp gỡ trong hai ngày mùng 4 và 5-6 năm ngoái để trợ giúp Syria, cũng như kiểm điểm hoạt động cho đến nay của các cơ quan từ thiện Công Giáo trong việc trợ giúp Syria.
Ban sáng, sau lời dẫn nhập của Đức Hồng Y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Cor Unum, điều hợp viên của khóa họp, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tường trình vấn đề, rồi đến các bài tham luận của Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria, và Đức Cha Antoine Audo, chủ tịch tổ chức Caritas tại nước này.
Sau cùng có bản tường trình về hoạt động của Văn phòng thông tin ở Beirut, thủ đô Liban, được thiết lập hồi năm ngoái để thu thập và phổ biến các dữ kiện về hoạt động của các tổ chức bác ái Công Giáo.
Ban chiều, các tham dự viên thảo luận về những khía cạnh cụ thể trong việc cộng tác giữa các cơ quan từ thiện khác nhau ở Syria và các nước láng giềng.
Theo thống kê mới mất, 3 năm chiến tranh đã làm cho 160 ngàn người chết tại Syria và hơn 2 triệu người nước này tị nạn sang các nước láng giềng, không kể 6 triệu người phải di tản trong nội địa.
4. Đức Thánh Cha tấn phong Giám Mục cho cha Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới
Trong bài giảng thánh lễ truyền chức cho Đức tân Giám Mục Fabio Fabene, Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, chiều ngày 30 tháng 5 tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói đến nghĩa vụ của các Giám Mục, nối tiếp các thánh Tông Đồ trong việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và thánh hóa các tín hữu nhờ các bí tích đức tin.
Ngài đặc biệt nhắn nhủ tiến chức về nghĩa vụ chủ chăn: đừng bao giờ để sự háo danh và kiêu ngạo xảy đến trong tâm hồn: Giám Mục được chọn để phục vụ con người và phải luôn có thái độ phục vụ như Chúa Giêsu. Chức Giám Mục là danh xưng của một sự phục vụ, không phải là một vinh dự, vì Giám Mục có nhiệm vụ phục vụ hơn là thống trị, như lời Chúa dạy: “Ai là kẻ lớn nhất trong các con, thì hãy trở thành người bé nhỏ nhất, ai cai quản thì hãy trở thành như người phục vụ”.
Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng Giám Mục là người canh chừng chính mình và dân Chúa. Sự canh chừng này có nghĩa là tỉnh thức, chú ý bảo vệ bản thân khỏi bao nhiêu tội lỗi và những thái độ trần tục, và để bảo vệ dân Chúa khỏi những chó sói.. Canh chừng trên dân Chúa cũng có nghĩa là cầu nguyện, như Môisê đã làm xưa kia, giơ hai tay lên cao, chuyển cầu cho dân Chúa.
Tham dự thánh lễ truyền chức có hàng ngàn tín hữu, cùng với hàng chục Hồng Y, Giám Mục và hơn 100 linh mục đồng tế với Đức Thánh Cha.
Đức tân Giám Mục Fabene sinh tại Roma cách đây 55 năm (1959) nhưng nhập tịch giáo phận Viterbo ở mạn bắc Roma, thụ phong linh mục năm 1984, và từng giữ chức chánh văn phòng tại Bộ giám Mục. Hồi đầu tháng 2 năm nay, cha được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới. Ngày 8 tháng Tư vừa qua, Đức Thánh Cha nâng cha lên hàng Giám Mục.
Cho đến nay vị giữ chức vụ này thường không phải là Giám Mục, nhưng trong thư gửi đến Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, để thông báo việc nâng Đức Ông Fabio Fabene lên hàng Giám Mục, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng việc bổ nhiệm này muốn đề cao chức năng của Thượng Hội Đồng Giám Mục như phương tiện góp phần vào cuộc đối thoại giữa người kế nhiệm thánh Phêrô và giám mục đoàn.
5. Kết thúc tháng Hoa tại Vatican
Tối thứ Bẩy 31 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc Tháng Hoa Kính Đức Mẹ tại Vườn Vatican. Đức Hồng Y Angelo Comastri, giám quản Rôma đã dẫn đầu một đoàn rước từ nhà thờ Thánh Stêphanô thành Abyssinian đến hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Tại đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón các tín hữu.
Trình bày những suy tư của ngài, Đức Thánh Cha nhận xét rằng "Maria đã vội vã ra đi" để thăm người chị họ Elizabeth của mình. Mẹ không chần chừ nhưng ngay lập tức lên đường để giúp người chị em của mình. Đức Trinh Nữ cũng sẵn sàng giúp đỡ chúng ta khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta thỉnh cầu sự giúp đỡ và bảo vệ của Mẹ.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết có "rất nhiều" những khoảnh khắc trong cuộc sống mà chúng ta cần sự giúp đỡ, Đức Mẹ không chần chừ nhưng ngay lập tức sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.
6. Ông Lech Walesa tha thứ cho Wojciech Jaruzelski
Radio Vatican cho biết ông Lech Walesa, người đứng đầu của phong trào Công đoàn Đoàn kết có công chấm dứt chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan, đã quỳ cầu nguyện tại một tang lễ Công Giáo dành cho trùm cộng sản Wojciech Jaruzelski, là kẻ trong nhiều thập kỷ đã là kẻ thù nguy hiểm nhất của ông. Jaruzelski đã qua đời ngày 25 tháng Năm 2014.
Tang lễ đã được tổ chức sáng 31 tháng Năm tại nhà thờ quân đội của thủ đô Warsaw giữa những tiếng la ó phản đối dữ dội của dân chúng tụ tập đông đảo bên ngoài nhà thờ. Tại thủ đô nước láng giềng Tiệp cũng có những cuộc biểu tình phản đối những lễ nghi long trọng dành cho Jaruzelski.
Người biểu tình đã hô vang những khẩu hiệu chống báng và nhục mạ người quá cố vì những đau khổ mà ông ta đã gây ra cho họ và đòi hỏi rằng " danh dự và vinh quang phải thuộc về các nạn nhân của hắn ta", Hơn 100 người đã chết khi Jaruzelski áp đặt Thiết Quân Luật trong âm mưu đàn áp phong trào Công đoàn Đoàn Kết.
Mặc một bộ đồ màu đen và cà vạt đen, ông Lech Walesa, cựu lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết và sau đó là tổng thống đầu tiên của nước Ba Lan tự do, đã quỳ cầu nguyện tại nhà thờ quân đội của thủ đô Warsaw trong tang lễ của Jaruzelski. Tổng thống đương nhiệm Bronislaw Komorowski cũng đến dự.
Khi Đức Giám Mục Jozef Guzdek mời cộng đoàn trao đổi những lời chúc bình an, ông Walesa đã bước qua lối đi để bắt tay với bà góa phụ Barbara Jaruzelski, và đám con cháu của ông trùm cộng sản.
13 ngày trước khi qua đời, Jaruzelski đã xin một linh mục Công Giáo ban các phép bí tích cuối cùng cho ông ta.
Jaruzelski sinh ngày 6 tháng 7 năm 1923 tại Kurów trong một gia đình thượng lưu và được theo học tại một trường Công Giáo trong suốt thập niên 1930.
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Hitler tấn công Ba Lan, gia đình Jaruzelski chạy sang Lithuania, ở đó gia đình ông bị cộng sản Liên Xô bắt đày đi Siberia. Năm 1940, ở tuổi 16, Jaruzelski bị cộng sản Nga đày sang Cộng Hòa Kazakhtan lao động khổ sai trong một mỏ than. Dưới những điều kiện sinh sống tồi tệ, cặp mắt thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím, Jaruzelski mắc chứng Photokeratitis, tức là chảy nước mắt, đau đớn khi gặp phải ánh sáng chan hòa, nên Jaruzelski luôn phải đeo mắt kính đen.
Để sống còn, Jaruzelski gia nhập đoàn thanh niên cộng sản và năm 1943 tình nguyện gia nhập đoàn quân Ba Lan do Liên xô thành lập để đi đầu chết thay cho lính Nga trên các mặt trận Tây tiến. Cuối năm 1945, Jaruzelski mang quân hàm thiếu uý và bắt đầu can dự vào những cuộc hành quân chống lại Quân Đội Ba Lan Tự Do.
Nhờ những thành tích nịnh bợ ngoại bang, giết hại đồng bào, Jaruzelski được gia nhập đảng cộng sản Ba Lan và đầu năm 1960 nắm chức Chính Ủy Quân Đội Ba Lan. Năm 1964, được chọn là Tổng Tham Mưu Trưởng quân Ba Lan và năm 1968 kiêm luôn chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng Ba Lan. Tháng 8 năm 1968, Jaruzelski ra lệnh cho quân Ba Lan xâm lược Tiệp Khắc để tiếp tay với Liên xô đàn áp cuộc nổi dậy của dân chúng nước này.
Ngày 11 tháng Hai năm 1981, Jaruzelski được đảng cộng sản Ba Lan chỉ định làm thủ tướng. Tổng Bí Thư đảng cộng sản Ba Lan lúc bấy giờ là Stanisław Kania tỏ ra mềm dẻo với Công đoàn Đoàn Kết và chủ trương đối thoại với Giáo Hội Công Giáo. Ngày 18 tháng 10 năm 1981, ông bị KGB của Liên xô bắt giữ vì cho là chửi bới các nhà lãnh đạo tại điện Cẩm Linh.
Jaruzelski được đưa lên thay. Hai tuần sau, Jaruzelski gặp Đức Hồng Y Józef Glemp và lãnh tụ Công đoàn Đoàn Kết Lech Wałęsa để “thương thảo”. Jaruzelski dọa Đức Hồng Y Glemp và ông Wałęsa về nguy cơ Liên xô đưa quân vào Ba Lan và hứa sẽ cải tổ chính trị từng bước.
Hai tuần trước lễ Giáng Sinh năm đó, chính xác là ngày 13 tháng 12 năm 1981, Jaruzelski bất ngờ ban hành Thiết Quân Luật, thành lập Ủy Ban Cứu Nguy Dân Tộc do mình làm chủ tịch và ra lệnh lùng bắt các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết vì cho rằng phong trào này dự định cướp chính quyền. Hơn 100 người bị giết và hàng ngàn người bị cầm tù.
Sau khi cộng sản bị lật đổ, Jaruzelski không bị giết như tên trùm cộng sản Nicolae Ceaușescu của Rumani vì nhiều người trong xã hội Ba Lan tin vào câu chuyện do Jaruzelski đưa ra là việc ban hành Thiết Quân Luật đã cứu Ba Lan khỏi bị Liên Xô xâm lược.
Tại cuộc họp báo vào tháng Chín năm 1997, tướng Viktor Georgiyevich Kulikov, từng là tham mưu trưởng Hiệp Ước Warsaw từ 1977 đến 1989 nói rằng cộng sản Liên Xô loại bỏ ngay từ đầu khả năng xâm lược Ba Lan nếu Công đoàn Đoàn Kết lên nắm chính quyền.
Các cuộc điều tra được thực hiện dưới thời tổng thống Nga Boris Yeltsin tìm thấy biên bản cuộc họp Bộ Chính Trị của đảng cộng sản Liên Xô ngày 10 tháng 12 năm 1981, trong đó Yuri Andropov, Tổng Bí Thư Trung Ương Đảng cộng sản Liên Xô nói "Chúng ta không có ý định đưa quân vào Ba Lan. Đó là đường lối thích hợp, và chúng ta phải tuân thủ như thế cho đến cùng. Tôi không biết mọi sự sẽ diễn ra như thế nào tại Ba Lan, nhưng ngay cả khi Ba Lan rơi vào sự kiểm soát của Công đoàn Đoàn kết, thì mặc kệ nó đi."
Các cuộc điều tra này còn đi xa hơn đến mức chỉ ra rằng chính Jaruzelski còn xúi Liên Xô đưa quân vào Ba Lan.
Năm 1997, Jaruzelski đưa ra một huyền thoại khác là ông ta đã sai Eugeniusz Molczyk đến Washington gặp tổng thống George H. W Bush để thuyết phục rằng trong hai cái xấu thì Thiết Quân Luật đỡ tồi tệ hơn là để Nga xâm lược; và tổng thống George H. W Bush đã bật đèn xanh cho Jaruzelski. Mark Kramer sử gia Đại Học Harvard cũng bác bỏ huyền thoại này.
Cho nên, trong xã hội Ba Lan có những ý kiến khác nhau về con người này. Ông Walesa, chắc chắn đã không tin những gì Jaruzelski nói nhưng là người Công Giáo, ông chỉ muốn làm một cử chỉ tha thứ sau cùng cho kẻ đã làm khốn mình.
7. Giáo Hội tại Ai cập chào mừng kết quả bầu cử tổng thống
Các xướng ngôn viên đài truyền hình lắc lư theo điệu nhạc, dân chúng nhảy múa ngoài đường và còi xe hơi rộn rã, đó là phản ứng của người dân Cairo sau khi tướng Abdel Fattah al- Sisi thắng áp đảo với tỷ số 93% trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong 3 ngày 26, 27 và 28 tháng Năm.
Cha Rafic Greiche phát ngôn viên cho Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ai Cập hoan nghênh chiến thắng của tướng Sisi. Ngài nói rằng kết quả bầu cử này là "thể hiện cụ thể khuynh hướng xã hội chính trị và dân sự của Ai Cập chống lại trào lưu chính thống Hồi giáo."
Cha Rafic Greiche nói với thông tấn xã AsiaNews rằng Sisi "biết rằng các Kitô hữu là một phần quan trọng của Ai Cập và ông muốn bảo vệ việc chung sống hòa bình giữa các tôn giáo." Ngài nói thêm rằng, " cho đến nay ông đã giữ lời hứa và tỏ ra là một người thành tín. "
Cùng quan điểm với cha Greiche, Đức Cha Adel Zaky, giám quản tông tòa tổng giáo phận Alexandria nói: "Sisi là người xuất hiện đúng đúng thời điểm. Thắng lợi trong cuộc bầu cử của ông đem lại cho tất cả người Ai Cập, cả người Hồi giáo và các tín hữu Kitônhiều hy vọng. "
Đức Cha Zaky nói tướng al- Sisi đã cam kết duy trì quốc gia Ai Cập như là một xã hội dân sự. Ông đã hành động có trách nhiệm khi cầm đầu quân đội lật đổ chính phủ do Mohamed Morsi và nhóm Huynh Đệ Hồi giáo lãnh đạo. Đức Cha nhận xét rằng “Nếu Tướng al- Sisi đã không lãnh đạo quân đội thì ắt đã có một cuộc nội chiến".
Nhóm Huynh Đệ Hồi giáo đã từ chối không tham gia cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng Cha Greiche nói rằng " họ không thể bỏ qua một thực tế là cả nước đang điêu đứng do bạo lực gần đây." Ngài bày tỏ hy vọng các chiến binh Hồi giáo sẽ sớm nhận ra được sự thật.
8. Các tổ chức nhân quyền Pakistan chống lại luật Hồi Giáo “Giết người vì danh dự”
Cảnh sát đã thản nhiên đứng nhìn một phụ nữ đang mang thai bị đánh đập và ném đá đến chết bởi gia đình mình trước một tòa án tối cao Pakistan tại Lahore hôm 27 tháng 5 vì tội đã dám kết hôn với người đàn ông mà cô yêu thương, trái với sự dàn xếp của gia đình
Quan chức cảnh sát Naseem Butt cho biết gần 20 thành viên trong gia đình của Farzana Parveen, 25 tuổi, trong đó có cha và các anh em của cô, đã tấn công cô và chồng cô bằng gậy gộc và gạch đá giữa ban ngày trước một đám đông ngay trước tiền đình của tòa án tối cao Lahore.
Luật sư của cô là Mustafa Kharal nói ông Mohammad Azeem là cha của nạn nhân đã ra trình diện cảnh sát và yêu cầu được miễn truy tố dựa theo luật Hồi Giáo “giết người vì danh dự”. Luật Umdat al- Salik chương 1, triệt 1 và triệt 2, quy định “người cha hay người mẹ có quyền giết chết con cái hay cháu chắt mình vì danh dự gia đình”.
Tuy nhiên, cảnh sát nói tham gia trong vụ giết người này không chỉ có ông Mustafa mà còn có những người khác và họ phải bị trừng phạt. Các nhân chứng cho hay ngoài ông Mustafa, các con ông và người bà con đã có hôn ước với cô cũng đã tích cực tham gia vào việc đánh đập và ném đá cô đến chết.
Cô Farzana Parveen đang mang thai 3 tháng đã kết hôn với Mohammad Iqbal, người mà cô yêu thương trong nhiều năm và đã bỏ nhà ra đi chung sống với Iqbal.
Iqbal, 45 tuổi, đã có 5 đứa con với người vợ trước khai là gia đình cô Farzana Parveen đã làm tiền anh ta nhưng anh ta không đưa tiền và đã dắt cô Farzana Parveen bỏ trốn sau khi đã làm giấy hôn thú trước tòa.
Ông Mohammad Azeem đã thưa Iqbal ra tòa vì tội bắt cóc con gái ông. Hôm 27 tháng 5, khi Iqbal và vợ ra tòa để trả lời những cáo buộc của ông Mohammad Azeem thì họ bị tấn công. Iqbal đã chạy thoát và kêu cứu với cảnh sát nhưng không nhận được sự can thiệp kịp thời.
Ủy ban Nhân quyền của Pakistan, cho biết là trong năm 2013 đã có 869 phụ nữ bị giết vì danh dự gia đình. Tuy nhiên, hình thức ném đá đến chết vẫn là họa hiếm. Thông thường, những người phụ nữ phạm tội ngoại tình, hay có thai trước hôn nhân, hay không theo những hôn ước đã được dàn xếp bị xem là làm mất mặt gia đình và bị buộc uống thuốc độc chết.
Tổ chức Jihad Watch nói người Hồi Giáo phải chịu trách nhiệm đến 91 phần trăm các vụ giết người vì danh dự trên toàn thế giới.
Sau cái chết của Farzana Parveen hàng chục cuộc biểu tình đã nổ ra đòi thay đổi luật “giết người vì danh dự” của Pakistan. Như các quốc gia Hồi Giáo xây dựng luật theo luật Sharia, Pakistan không trừng phạt những kẻ giết người vì danh dự.
Nhiều quốc gia Hồi Giáo cũng đã có những cố gắng để thay đổi luật “giết người vì danh dự”. Tuy nhiên, các nhà làm luật thường vấp phải những chống đối dữ dội từ phía các giáo sĩ Hồi Giáo.
Năm 2003, Quốc hội Jordan đã bỏ phiếu dựa trên cơ sở một điều khoản khác của luật Hồi giáo nhằm cố gắng áp đặt các hình phạt cho những người tuyên bố giết người vì danh dự. Tuy nhiên, những nhân vật Hồi giáo bảo thủ tố cáo luật mới của Jordan “vi phạm truyền thống tôn giáo và sẽ phá hủy gia đình và các giá trị của gia đình”.
9. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Sáu
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Dưới đây là những ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Sáu:
Ý chung: Cầu cho những người thất nghiệp nhận được sự trợ giúp và tìm được công ăn việc làm để sống xứng với phẩm giá của mình.
Ý truyền giáo: Cầu cho Âu Châu tái khám phá ra căn cội Kitô giáo của mình qua chứng tá đức tin của các tín hữu.
10. Seleka được sự tăng viện của Hồi Giáo quốc tế đang trở lại Cộng Hoà Trung Phi
Hôm thứ Tư 28 tháng 5, quân Hồi Giáo Seleka đã bất ngờ tấn công vào một nhà thờ Công Giáo tại thủ đô Bangui giết chết ít nhất là 60 người.
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trong bản tin đánh đi hôm thứ Sáu 30 tháng 5 cho biết phiến quân Hồi giáo Seleka đã tấn công vào nhà thờ Công Giáo Fatima ngay tại thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi hai ngày trước đó, tức là hôm thứ Tư 28 tháng 5. Chúng quăng lựu đạn vào nhà thờ và xả súng vào thường dân.
Dân chúng đã tháo chạy vào nhà thờ sau khi nghe nhiều tiếng súng nổ ngoài đường. Cơ quan thông tấn của Bộ Truyền Giáo cho biết tổng giáo phận Bangui đã xác nhận rằng cha Paul-Emile Nzale /pâul ê-mi nơ-dêu/, 76 tuổi đã bị giết cùng 17 người khác ngay bên trong nhà thờ.
Quân khủng bố Hồi Giáo đã bắt 42 người khác làm con tin. Sau đó, xác của những người này đã được tìm thấy trong khu vực lân cận.
Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga /đi-ơ đon-nê nơ-za-pa-lai-nga/, tổng giám mục Bangui, nói với thông tấn xã Fides rằng những người sống sót báo cáo với cảnh sát là bọn khủng bố đã xô cửa nhà thờ và hét lên “Mở cửa ra” không phải bằng tiếng Pháp, cũng chẳng phải là tiếng địa phương Sango. Ngài nói: "Những kẻ tấn công hét lên bằng tiếng Anh: Open the door ".
Chi tiết này cho thấy quân Hồi Giáo Seleka đã được tăng viện bởi các nhóm khủng bố quốc tế bởi vì Cộng Hòa Chad, nơi dung thân của quân Seleka là một nước nói tiếng Pháp như Cộng Hòa Trung Phi.
Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã khởi sự từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia /mi-sen dô-tô-đi-a/ được đưa lên làm tổng thống.
Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô lớn đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm nay để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.
Từ tháng Hai năm nay, quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad. Cuộc tấn công mới nhất tại thủ đô Bangui cho thấy nhóm Hồi Giáo cực đoan này đang nhận được tăng viện cả về khí tài chiến tranh lẫn nhân sự và đã có khả năng trở lại gây chiến ngay tại thủ đô Cộng Hòa Trung Phi.
11. Hồi Giáo cực đoan Mã Lai Á đánh chết một nữ tu, một nữ tu khác vẫn còn đang hôn mê
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Sơ Juliana Lim, 69 tuổi, thuộc Dòng Chúa Giêsu Hài Đồng, đã chết hôm 21 tháng 5 sau một thời gian cầm cự với những vết thương trí mạng từ một cuộc tấn công bạo lực xảy ra một tuần trước đó tại quận Seremban, gần thủ đô Kuala Lumpur.
Đức Tổng Giám Mục Murphy Pakiam, Giám Quản Tông Tòa của thủ đô Kuala Lumpur đã cử hành thánh lễ an táng cho sơ hôm thứ Sáu 23 tháng 5. Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục không dấu được nỗi phẫn uất của ngài trước tình trạng leo thang bạo lực nhắm vào người Công Giáo thiểu số tại Mã Lai Á.
Trong khi đó, sơ Mary Rose Teng, 79 tuổi, vẫn đang hôn mê trong nhà thương.
Hai nữ tu đã bị một người bịt mặt tấn công khi hai sơ đang chuẩn bị bàn thờ cho một thánh lễ tại nhà thờ Đức Mẹ Thăm Viếng trong quận Seremban.
Cha Augustine Julian, thuộc cộng đoàn Lasan ở Kuala Lumpur nói với thông tấn xã Fides: "Giáo Hội Malaysia bị sốc và lo lắng trước những vụ tấn công ngay bên trong nhà thờ như vậy",
Thủ tướng Najib Razak, đã bày tỏ lời chia buồn đến gia đình và cộng đoàn của các nữ tu. Theo một số thành viên quốc hội, và các thành viên của phe đối lập, những cuộc tấn công này không nên bị đánh giá thấp vì chúng là kết quả của "sự phát triển chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và tình cảm chống Kitô giáo đang được hình thành trong xã hội bởi những nhóm cực đoan Hồi giáo liên kết với đảng Umno là đảng của thủ tướng Najib”
12. Lần đầu tiên một vị Hồng Y Tổng Giám Mục Hán Thành thăm Bắc Hàn
Lần đầu tiên trong lịch sử, một Hồng Y Nam Hàn đã vượt qua biên giới phân cách hai miền Triều Tiên tại làng Bàn Môn Điếm. Ngày 21 tháng 5, Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục Hán Thành đã đặt chân lên Bắc Triều Tiên.
Mục tiêu của chuyến đi là đến thăm các khu công nghiệp trong vùng Kaesong, nơi một nhóm công dân của cả hai miền Triều Tiên đang làm việc chung với nhau nhờ vào một thỏa thuận giữa hai nước.
Đức Hồng Y Yeom Soo-jung, người cũng là Giám Quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng, đã được phép đến thăm Bắc Triều Tiên, một điều mà người tiền nhiệm của ngài mơ ước nhưng không bao giờ đạt được. Chuyến thăm của ngài chỉ vỏn vẹn trong một ngày, tuy nhiên, nó để lại một số hình ảnh đáng nhớ, chẳng hạn khi Đức Hồng Y cầu nguyện ở phía trước của hàng rào ngăn cách hai miền Triều Tiên.
Chuyến thăm thuần tuý là vì công việc mục vụ của ngài trong tư cách là Giám Quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng, nhưng một số nguồn tin lạc quan nói rằng Đức Hồng Y cũng đã thăm dò xem liệu Bắc Hàn có sẵn sang đón Đức Thánh Cha Phanxicô hay không.
Chính phủ Nam Hàn, thông qua Bộ Thống nhất đất nước phủ nhận các báo cáo này.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Hàn Quốc vào dịp Đại Hội Giới Trẻ Châu Á, tức là từ 14 đến 18 tháng 8 năm nay. Theo chương trình, ngài sẽ phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn Quốc.
13. Từ sau vụ bắt cóc các nữ sinh Hồi Giáo cực đoan Boko Haram đã giết thêm 450 thường dân vô tội
Đức Hồng Y John Onaiyekan của tổng giáo phận Abuja đã mạnh mẽ lên án tổ chức khủng bố Hồi Giáo Boko Haram về một loạt các vụ bắt cóc và tàn sát dân lành vô tội mới đây; và kêu gọi chính phủ Nigeria phải có các hành động cụ thể.
Như tin chúng tôi đã loan gần nửa đêm ngày 14 tháng Tư, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bắt cóc hơn 300 nữ sinh tại một trường nội trú ở thị trấn Chibok. Cho đến hôm thứ Sáu 8 tháng 5, 53 nữ sinh đã trốn thoát trong khi 276 nữ sinh khác vẫn còn bị giam giữ.
Phát ngôn viên chính phủ Nigeria cho biết hôm thứ Sáu 23 tháng Năm nói một ngày trước đó quân Hồi giáo Boko Haram đã bắn chết 29 công nhân nông trại tại một làng phía đông bắc Nigeria trong bang Borno. Nguồn tin cảnh sát tại bang Borno cho biết, những kẻ tấn công cũng đã phá hủy hầu hết các làng mạc Kitô Giáo ở Chukku Nguddoa và làm bị thương 10 người khác hôm thứ Tư.
Reuters cho biết thêm từ sau vụ bắt cóc các nữ sinh, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã giết chết thêm ít nhất 450 thường dân vô tội trong đó nghiêm trọng nhất là vụ tàn sát 118 Kitô hữu tại thành phố Jos hôm thứ Ba 20 tháng 5.
Theo BBC, trước đà gia tăng bạo lực nhằm đạt đến mục tiêu Hồi Giáo Nigeria trong vòng 5 năm tới của nhóm này, hôm thứ Năm 22 tháng 5, Liên Hiệp Quốc đã quyết định đưa Boko Haram vào danh sách các tội phạm chiến tranh nguy hiểm như al-Qaeda theo yêu cầu của Nigeria.
14. Hơn 20,000 người Trung Hoa gia nhập Giáo Hội Công Giáo trong Mùa Phục Sinh
Hơn 20,000 người đã được rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc vào lễ Phục sinh năm nay. AsiaNews đã cho biết như trên hôm thứ Sáu 23 tháng 5.
Hầu hết những tân tòng mới được rửa tội là người lớn. Bất chấp nỗ lực của chế độ Bắc Kinh muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Giáo Hội, số lượng người gia nhập Giáo Hội đang phát triển, mạnh.
Số liệu thống kê người rửa tội vừa kể chưa tính đến con số người được rửa tội trong Giáo Hội Thầm Lặng vì những khó khăn trong việc thu thập thông tin.
Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, số tín hữu Kitô tại Trung Quốc đã lên tới 67 triệu người vào năm 2010, đứng hàng thứ hai sau Phi Luật Tân trong phạm vi Châu Á.
Hốt hoảng trước sự gia tăng nhanh chóng của Kitô Giáo, nhiều biện pháp bách hại đã được nhà cầm quyền Trung quốc đưa ra.
Mới đây nhất, vào ngày Lễ Lao Động 1 tháng 5, một ngôi thánh đường lớn ở Ôn Châu Trung Quốc đã bị chính quyền dùng xe ủi đất phá bình điạ. Ôn Châu là một thành phố ven biển có biệt danh là "Jerusalem của phương Đông" vì có đông người Kitô giáo cư ngụ tại đây.
Thánh đường bị phá hủy đã được xây dựng trong 12 năm và tốn vào khoảng 30 triệu nhân dân tệ. Ban đầu chính quyền cho phép xây dựng ngôi thánh đường này và tháng Chín năm 2013 chính quyền địa phương còn ca ngợi ngôi thánh đường này là một mô hình kiến trúc tân kỳ
Khi ra lệnh phá hủy ngôi thánh đường, chính quyền cho rằng kiến trúc thánh đường đã to hơn gấp bốn lần diện tích cho phép. Tuy nhiên, anh chị em giáo dân ở đây nói rằng chính quyền muốn giới hạn ảnh hưởng người Thiên Chúa Giáo vì số người tin ở Thiên Chúa đã tăng vọt trong những năm vừa qua. Số giáo dân chiếm 15% trong tổng số dân cư của thành phố.
Năm quan chức chính quyền địa phương liên quan đến việc trước đây đã cho phép xây dựng nhà thờ đang bị điều tra và một người đã bị bắt.
15. Tỷ lệ người Công Giáo tăng nhanh hơn tỷ lệ dân số trên toàn cầu
Theo thống kê mới nhất từ Vatican, hiện nay có 1.229 tỷ người Công Giáo trên thế giới, tức là gia tăng 10% theo thống kê năm 2005. Giáo Hội đã phát triển nhanh nhất ở châu Phi, nơi số người Công Giáo đã tăng 29% Trong khi đó, châu Âu là khu vực duy nhất số người Công Giáo sụt giảm.
Các con số thống kê này dựa vào số liệu Tòa Thánh có được từ các Hội Đồng Giám Mục các nước vào tháng Mười Hai năm 2012.
Thống kê mới cho thấy số lượng các linh mục đã tăng từ 406,000 vào năm 2005, lên 414,000 ngàn vào cuối năm 2012. Con số các vị Giám Mục cũng tăng với một tốc độ tương tự và đã lên đến 5,000 Giám Mục, trong khi đó số các chủng sinh lên đến 120,000.
Trong giai đoạn 7 năm từ 2005 đến 2012, số lượng những vị sống đời thánh hiến giảm 7% và chỉ còn 703,000 nữ tu và nam tu.
Sự thay đổi lớn nhất là con số các phó tế vĩnh viễn. Năm 2005, Giáo Hội có khoảng 33,000 phó tế vĩnh viễn. Bảy năm, con số đã tăng lên đến 42,000. Hoa Kỳ là nước có nhiều phó tế vĩnh viễn nhất. Gần đây, cũng bắt đầu có sự tăng trưởng đáng kể con số các phó tế vĩnh viễn ở châu Âu.
16. Đức Thánh Cha và hai vị Tổng Thống Israel và Palestine sẽ cùng cầu nguyện cho hòa bình vào ngày 8 tháng Sáu
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Năm 29 tháng Năm, cha Federico Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết cả hai vị Tổng Thống Israel là Shimon Peres, và Tổng Thống Palestine, là Mahmoud Abbas đã nhận lời mời của Đức Thánh Cha để cùng tham dự trong buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Santa Marta vào chiều Chúa Nhật 08 tháng 6 năm 2014.
Trong buổi hát Kinh Lậy Nữ Vương Thiên đàng trưa Chúa Nhật 25/5 tại Bethlehem, trước khi ban phép lành cuối lễ Đức Thánh Cha đã đưa ra một sáng kiến bất ngờ chưa từng có. Ngài nói:
Ở nơi Hoàng Tử Hòa Bình đã sinh ra này, tôi ước mong mời tổng thống Mahmoud Abbas và tổng thống Simon Perez cùng tôi dâng một lời cầu nguyện mạnh mẽ khẩn nài Thiên Chúa ban cho ơn hòa bình. Tôi cống hiến nhà tôi ở Vatican để tiếp đón cuộc gặp gỡ cầu nguyện này. Mọi người đều ước mong hòa bình và biết bao nhiêu người xây dựng nó mỗi ngày với các cử chỉ bé nhỏ. Nhiều người đau khổ và kiên nhẫn chịu đựng sự vất vả của biết bao nhiêu nỗ lực để xây dựng hòa bình. Và tất cả đặc biệt những người được đặt để phục vụ các dân tộc của nình - chúng ta có bổn phận trở thành dụng cụ của hòa bình, trước hết bằng lời cầu nguyện. Xây dựng hòa bình khó, nhưng sống không có hòa bình là một đau đớn. Tất cả mọi người nam nữ của vùng Đất này và toàn thế giới xin chúng ta đem tới trước Thiên Chúa khát vọng hòa bình nồng cháy của họ.
17. Một phụ nữ Sudan đã bị kết án tử hình vì cho là đã cải đạo từ Hồi Giáo sang Công Giáo vừa hạ sinh một bé gái trong tù.
Hôm 16 tháng 5, một tòa án Sudan đã đưa ra một phán quyết tàn bạo là treo cổ chị Meriam Yehya Ibrahim, là một người phụ nữ đang mang thai vì phạm tội bỏ Hồi giáo để gia nhập Kitô Giáo.
Cô Meriam Yehya Ibrahim, 27 tuổi, có cha là một người Hồi Giáo và mẹ là một tín hữu Kitô. Trước tòa, Meriam luôn kiên quyết cho rằng mình theo đạo mẹ và đã là một Kitô hữu từ nhỏ.
Cô nói: "Tôi là một Kitô hữu, và tôi chưa bao giờ phạm tội bội giáo"
Tuy nhiên, luật lệ Hồi Giáo buộc con cái của người Hồi Giáo phải theo Hồi Giáo.
Những thân nhân họ nội của cô đã tố cáo cô ra trước tòa vì cô đã kết hôn với một Kitô hữu. Vì luật lệ Hồi Giáo không cho phép một người phụ nữ kết hôn với một Kitô hữu nên tòa không công nhận hôn nhân của chị và đã truyền đánh Meriam 100 hèo vì tội ngoại tình và truyền cho cô trong ba ngày, tức là đến ngày 15 tháng 5, phải tuyên bố trở lại đạo Hồi nếu không sẽ bị tử hình.
Hết hạn định này, Meriam đã bị đưa ra trước tòa. Cô khảng khái cự tuyệt không theo đạo Hồi.
Trong phán quyết sau cùng, thẩm phán nói:
"Chúng tôi đã cho cô ba ngày để suy nghĩ, nhưng vì cô kiên quyết không trở về Hồi giáo, tôi kết án cô bị treo cổ."
Meriam Yehya Ibrahim, mới 27 tuổi mỉm cười đón nhận phúc tử đạo.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra thông cáo nói chính phủ Mỹ "quan ngại sâu sắc" trước phán quyết này.
Trong khi đó Ahmed Bilal Osman, Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin của Sudan, nói với Agence France-Presse rằng "không chỉ Sudan. Ở Saudi Arabia, và tất cả các quốc gia Hồi giáo khác, không một người Hồi giáo nào được phép cải đạo"
Vì cô Meriam sắp sinh nên tước những can thiệp quốc tế, Sudan chấp nhận hoãn việc thi hành án cho cô sinh cháu.
Trong tuần tới cô Meriam sẽ bị đánh 100 hèo và sau đó khi cháu bé đã được cai sữa thì cô phải bị treo cổ.
Sudan trước đây đã từng là một quốc gia lớn nhất Phi Châu và đã từng có thời là quốc gia Kitô Giáo khi các Vua miền Nubia theo đạo Công Giáo vào thế kỷ thứ Tư. Sau đó quốc gia này bị quân Hồi Giáo chiếm được. Tuy bị cai trị, các tín hữu Kitô Sudan vẫn tiếp tục là nhóm đa số trong xã hội cho đến khi người Ả rập di dân sang vùng này.
Cuộc chiến tranh diệt chủng nhằm tiêu diệt người Kitô Giáo do nhà cầm quyền Khartoum tiến hành với sự trợ lực của các sư đoàn quân Trung quốc đánh thuê đã dẫn đến can thiệp quốc tế buộc chia quốc gia này thành hai quốc gia là Sudan và Nam Sudan. 97% dân trong tổng số 35.5 triệu dân Sudan theo Hồi Giáo trong đó 70% dân số là người Ả rập di dân sang.
Miền Nam Sudan chỉ có 11.5 triệu dân trong đó tuyệt đại đa số là các Kitô hữu và là người châu Phi.