Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Tôi khóc cho các Kitô hữu vẫn còn bị đóng đinh hôm nay

Trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ Sáu Mùng 2 tháng 5 tại tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô than thở rằng trong thế giới ngày nay vẫn còn có những loại "cảnh sát tư tưởng” và ở một số nước người ta vẫn có thể đi tù vì sở hữu một cuốn Kinh Thánh hoặc vì đeo một cây thánh giá. Đức Thánh Cha nói với những người hiện diện rằng ngài đã khóc vì các Kitô hữu tiếp tục chịu đóng đinh, đặc biệt trước hiện trạng ngày nay có quá nhiều những kẻ giết người khác nhân danh Thiên Chúa.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã được lấy ý từ trình thuật Tin Mừng Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều và từ bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ, trong đó các môn đệ của Chúa Kitô bị Thượng Hội Ðồng Do Thái đánh đập. Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất ba biểu tượng : đầu tiên là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho dân chúng, kế đến là sự chú ý của Ngài đến những vấn nạn của họ; và cuối cùng là thái độ của giới thẩm quyền Do Thái.

Theo Đức Thánh Cha, Chúa không quan tâm đến việc có bao nhiêu người theo Ngài, Ngài "không bao giờ nghĩ đến việc thực hiện một cuộc điều tra dân số " để xem "Giáo Hội đã phát triển hay không... không có! Ngài giảng dạy, yêu thương, đồng hành, tiến bước trên đường với mọi người, hiền lành và khiêm nhường". Ngài nói với thẩm quyền, có nghĩa là, với "sức mạnh của tình yêu" .

Trong khi đó, giới thẩm quyền Do Thái lại giữ một thái độ ghen tuông vì họ không thể chịu được thực tế là ngày càng có nhiều người theo Chúa Giêsu. Họ không thể chịu đựng được. Họ ghen tị. Đây là một thái độ thực sự xấu xa vì chúng ta biết rằng cha đẻ của ghen tị là ‘ma quỷ’ . Nó đã thông qua ghen tị mà dẫn đưa sự ác đến thế gian

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng:

“Những người này biết rõ Ðức Giêsu là ai. Họ biết chứ! Nhưng chính những kẻ ấy đã hối lộ cho lính canh để phao tin rằng các môn đệ Chúa Giêsu đã đánh cắp thi hài của Ngài! " .

“Họ đã trả tiền để bịt miệng sự thật. Con người đôi khi có thể rất độc ác. Chẳng hạn, khi họ trả tiền để che giấu sự thật, lúc đó họ phạm một điều ác rất lớn. Mọi người biết họ là ai. Bình thường ra, người ta sẽ không theo họ, nhưng dân chúng phải chịu đựng họ vì họ có quyền lực: quyền lực của giáo phái, thẩm quyền của tôn giáo tại thời điểm đó, hay quyền lực của một thứ chính quyền nhân dân ... và Chúa Giêsu nói rằng những kẻ này áp chế mọi người, bắt dân chúng mang vác họ trên vai. Những kẻ ấy không thể chịu đựng được sự hiền lành của Chúa Giêsu, họ không thể chịu đựng được sự hiền lành của Tin Mừng, họ không thể chịu đựng được tình yêu; và vì thế và họ đã trả tiền vì lòng ghen tị, vì hận thù" .

Trong Thượng Hội Ðồng Do Thái, có một người “khôn ngoan” tên là Gamalien. Ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng. Ông đề nghị trả tự do cho các tông đồ vì nếu ý định hay công việc của các tông đồ là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì Thượng Hội Ðồng Do Thái không thể nào phá huỷ được; và lại trở thành những kẻ chống Thiên Chúa. Họ đã tán thành ý kiến của ông, kêu các tông đồ đến đánh đòn các ngài và truyền không được nói đến tên Giêsu nữa.

"Những kẻ này, với thủ đoạn chính trị lắt léo của họ, thao túng Giáo Hội của họ để tiếp tục thống trị con người ... Họ cho mình cái quyền làm cảnh sát tư tưởng, làm chủ tể của lương tâm ... Ngay cả trong thế giới ngày nay, có rất nhiều những kẻ như thế" .

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận rằng: "Tôi đã khóc khi đọc thấy những báo cáo về các Kitô hữu vẫn tiếp tục chịu đóng đinh tại một số quốc gia trên thế giới. Ngày hôm nay vẫn còn có những người bị giết và bị bắt bớ vì danh Thiên Chúa. Ngày hôm nay vẫn còn, thưa anh chị em, và chúng ta thấy nhiều người như các tông đồ vui mừng vì họ thấy xứng đáng phải chịu nhục vì danh Chúa Kitô.”

2. Thước đo một cộng đoàn Kitô

Cộng đoàn Kitô phải có khả năng thuận thảo hoàn toàn bên trong nội bộ hầu có thể làm chứng cho Chúa Kitô với thế giới bên ngoài, ngăn chặn không để xảy ra bất kỳ những đau khổ và chịu đựng của các thành viên. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô đó là "ba đặc điểm của những người đã được tái sinh". Trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã tập trung vào điều mà Giáo Hội chiếu rọi ánh sáng trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh: đó là "sự tái sinh từ trên cao" của chúng ta, trong Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho nhóm các Kitô hữu tiên khởi là những người "vào lúc ấy vẫn chưa có một danh xưng" .

"Họ đồng tâm nhất trí". Hòa bình. Một cộng đoàn trong hòa bình. Điều này có nghĩa là trong cộng đoàn này không có chỗ cho tin đồn, cho ghen tị , vu khống , và phỉ báng nhưng chỉ có chỗ cho hòa bình và tha thứ: . . .Tình yêu bao phủ tất cả mọi thứ. Để hội đủ điều kiện có một cộng đoàn Kitô, chúng ta phải đặt câu hỏi về thái độ của mỗi người Kitô hữu: Họ có nhu mì, khiêm tốn không? Hay họ tranh giành quyền lực với nhau trong cộng đoàn đó? Họ có cãi vã ghen tị? có tin đồn không? Nếu có những thứ như thế, họ không phải đang trên con đường của Chúa Giêsu Chúa Kitô. Nhận thức rõ điều này là rất quan trọng, bởi vì ma quỷ luôn luôn cố gắng chia rẽ chúng ta. Nó là cha đẻ của chia rẽ" .

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Những chuyện ganh tị, cãi vã về tín lý hay tranh giành quyền lực cũng xảy ra trong các cộng đoàn tiên khởi sau đó như chuyện những bà góa than phiền không được trợ giúp và các thánh Tông Đồ phải đặt ra những phó tế chuyên lo chuyện đó. Tuy nhiên, “những ưu điểm” vẫn vượt trội hơn và cho thấy những đặc tính của một cộng đoàn thực sự được tái sinh trong Thánh Thần: một cộng đoàn hài hòa và làm chứng cho đức tin. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các cộng đoàn Kitô ngày nay suy tư trên những điều này:

"Cộng đoàn này của chúng ta có làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô hay không? Giáo xứ này, cộng đoàn này, giáo phận này có thực sự tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại không? Hay là ‘Vâng, Ngài đã sống lại, nhưng chỉ ở đây, bởi vì họ chỉ là các tín hữu khi ở đây, còn con trái tim của họ thì ở nơi xa xôi khác.’ Rồi chúng ta cũng phải nghĩ xem chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu hằng sống và ngự giữa chúng ta như thế nào? Đó là cách chúng ta chứng thực cộng đoàn chúng ta là một cộng đoàn Kitô”

Đặc điểm thứ ba từ đó chúng ta có thể đo lường cuộc sống của một cộng đoàn Kitô là "người nghèo". Và ở đây, Đức Thánh Cha Phanxicô phân biệt hai điểm để đánh giá:

"Đầu tiên, là thái độ của anh chị em hoặc thái độ của cộng đoàn này đối với người nghèo là gì? Thứ hai, là cộng đoàn này có tinh thần khó nghèo hay không? khó nghèo trong con tim, khó nghèo trong tâm hồn? Hay nó đặt niềm tin của mình nơi sự giàu có? Hài hòa, chứng tá, khó nghèo và chăm sóc cho người nghèo là những gì Chúa Giêsu đã giải thích với ông Nicôđêmô: điều này xuất phát từ trên cao bởi vì Chúa Thánh Thần là Đấng duy nhất có thể làm điều này. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội được xây dựng bởi Chúa Thánh Thần là Đấng tạo ra sự hiệp nhất. Thánh Linh dẫn chúng ta đến chứng tá. Thánh Linh làm cho chúng ta trở nên nghèo, bởi vì Ngài là sự giàu có của chúng ta và dẫn chúng ta đến việc chăm sóc cho người nghèo " .

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tiến bước trên con đường tái sinh thông qua quyền năng của Bí Tích Rửa Tội.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô phê bình những Kitô hữu “như loài dơi”

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết có những người Kitô hữu sợ niềm vui và ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô; và thích nỗi buồn cũng như bóng tối giống như loài dơi. Điều quan trọng là Kitô hữu phải hân hoan vui vẻ, chứ đừng buồn sầu hay sợ hãi. Đó là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha tại tại nhà nguyện Santa Marta hôm thứ Năm Mùng 01 tháng Năm.

Phân tích bài phúc âm thuật lại việc Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ của Ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý một chi tiết trong bài trình thuật là thay vì vui mừng vì sự sống lại của Thầy mình, các môn đệ đã sợ hãi.

"Đây là căn bệnh thường thấy của một Kitô hữu. Chúng ta sợ niềm vui. Người ta thường nghĩ: Đúng, tôi tin có Thiên Chúa, nhưng Ngài ở tuốt chỗ đó. Chúa Giêsu đúng là đã sống lại và Ngài ở tuốt chỗ đó. Hơi xa. Chúng ta sợ gần gũi với Chúa Giêsu vì điều này đem lại cho chúng ta niềm vui chăng? Và đây là lý do tại sao có rất nhiều Kitô hữu với khuôn mặt đưa đám, phải không? Đó là những người có một cuộc sống dường như một đám tang bất tận. Họ thích nỗi buồn hơn niềm vui. Họ thích sống trong bóng tối hơn là trong ánh sáng của niềm vui, giống như những loài động vật chỉ đi ra vào ban đêm, không phải giữa thanh thiên bạch nhật. Đó là những người không thể nhìn thấy bất cứ điều gì như dơi vậy. Và với một chút hài hước chúng ta có thể nói rằng có những con dơi Kitô hữu là những người thích bóng tối hơn là ánh sáng sự hiện diện của Chúa."

Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu qua sự phục sinh của Ngài mang lại cho chúng ta niềm vui được trở nên các Kitô hữu và theo Ngài kề cận, niềm vui của đi trên con đường Tám Mối Phúc Thật .

"Quá thường khi chúng ta khó chịu hay sợ hãi niềm vui này hoặc chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã thấy ma hay tin rằng Chúa Giêsu chỉ là một cách hành xử. ‘chúng ta là những Kitô hữu và vì vậy chúng ta phải cư xử như thế này. Nhưng mà Chúa Giêsu ở đâu? Không, Chúa Giêsu ở trên thiên đàng. Anh chị em có nói chuyện với Chúa Giêsu không? Anh chị em có nói với Chúa rằng: ‘Lạy Chúa con tin Chúa hằng sống, Chúa đã sống lại, và Chúa đang kề cận bên con và Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi con? Một đời sống Kitô hữu đích thực phải là điều này: đó là một cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, bởi vì - thật sự - Chúa Giêsu luôn luôn ở với chúng ta, luôn luôn có bên cạnh chúng ta với những vấn đề của chúng ta và những khó khăn của chúng ta , với những việc làm tốt của chúng ta" .

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng cách ghi nhận bao nhiêu lần chúng ta những Kitô hữu không vui vì chúng ta sợ! Chúng ta là Kitô hữu vấp phạm vì Thánh Giá.

"Ở nước tôi có một câu nói như thế này: ‘Sau khi đã bị bỏng bởi sữa đun sôi, nhìn thấy một con bò là bạn bắt đầu khóc.’ Những người này bị bỏng bởi thảm kịch của thập giá và nói: ‘Không, chúng ta hãy dừng lại ở đây. Chúa về trời rồi: mọi thứ tốt rồi. Ngài đã sống lại nhưng tốt nhất là Ngài đừng bao giờ trở lại bởi vì chúng ta không biết làm sao ứng phó’.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa làm cho chúng ta tất cả những gì Ngài đã làm cho các môn đệ là những người đã kinh hoàng trước niềm vui: đó là xin Chúa mở tâm trí chúng ta ra: Ngài đã mở trí của họ để hiểu Kinh Thánh, xin Ngài cũng mở tâm trí chúng ta và giúp chúng ta hiểu rằng Ngài là một thực tại sống động, Ngài có một thân thể, Ngài ở với chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta và Ngài đã chiến thắng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn đừng sợ niềm vui.

4. Câu chuyện về Chân phước Catarina dòng thánh Augustinô

Chân phước Catarina sinh ngày mùng 3 tháng Năm năm 1632 trong một ngôi làng nhỏ bên nước Pháp. Ngài được chịu phép Thanh tẩy cùng ngày hôm ấy. Các thành viên trong gia đình Catarina là những Kitô hữu rất đạo đức. Ông bà nội của Catarina đã nêu gương đặc biệt qua việc quan tâm đến những người nghèo khổ. Catarina chăm chú quan sát với đôi mắt tròn xoe ngây thơ khi bà nội của ngài dắt về nhà một người hành khất khuyết tật cả về thể chất lẫn tinh thần. Bà đã cho ông ta nước tắm, quần áo sạch và cả một bữa ăn ngon. Tối hôm ấy, khi Catarina và ông bà ngồi xung quanh bếp lửa, họ đã cùng nhau đọc to kinh Lạy Cha. Họ cảm tạ Thiên Chúa vì những phúc lành Người đã thương ban.

Bởi vì chẳng có bệnh viện nào trong thị trấn nhỏ bé của họ, nên những người đau bệnh đã được điều trị ngay tại căn nhà của ông bà nội. Catarina hiểu rằng bệnh tật và đau khổ đòi phải có lòng kiên nhẫn chịu đựng. Chỉ mới là một cô gái nhỏ nhưng Catarina cũng biết cầu nguyện xin Đức Chúa Giêsu cất bớt đau khổ cho họ. Ngay khi còn rất trẻ, Catarina đã gia nhập dòng nữ Augustinô, lúc ấy mới thành lập. Họ chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện. Ngày 24 tháng Mười năm 1646, Catarina nhận áo dòng. Đó cũng là ngày người chị gái của Catarina tuyên lời khấn thánh. Năm 1648, Catarina nghe biết các linh mục thừa sai xin các nữ tu đến truyền giáo tại vùng Đất Mới của nước Pháp và Canađa. Chị của Catarina được chọn làm người đầu tiên trong hội dòng đi Canađa truyền giáo. Lúc ấy, Catarina chỉ mới được mười sáu tuổi nhưng cũng xin tình nguyện đi. Catarina tuyên các lời khấn thánh ngày mùng 4 tháng Năm năm 1648. Rồi ngày hôm sau, Catarina trẩy tàu đến Canađa. Hôm đó là ngày áp sinh nhật lần thứ mười sáu của ngài.

Cuộc sống nơi Quêbéc, Canađa thật khó khăn. Sơ Catarina yêu mến các cư dân sống ở đây. Những người thổ dân cảm thấy thật dễ chịu vì thái độ vui vẻ của Catarina. Catarina nấu nướng và chăm sóc những người đau ốm trong khu bệnh xá nghèo nàn của dòng. Nhưng Catarina cũng cảm thấy sợ hãi. Những người thổ dân Irôquơ đang giết chết nhiều người và đốt phá nhiều làng mạc. Catarina cầu nguyện cho thánh Brêbô, một linh mục dòng Tên, đã bị những người Irôquơ giết hại năm 1649. Catarina xin thánh nhân giúp mình trung thành bền đỗ trong ơn gọi tu trì. Trong lòng, Catarina nghe thấy thánh nhân khuyên hãy ở lại. Thế rồi, thực phẩm dần dần khan hiếm; và về mùa đông, khí hậu trở nên cực kỳ giá lạnh. Vài người trong số các nữ tu không thể chịu đựng nổi cuộc sống khắc nghiệt và sự đe dọa của thần chết. Và thật tiếc thay, họ đã trở về nước Pháp. Sơ Catarina cũng lo sợ. Đôi lúc sơ hầu như không thể cầu nguyện được. Sơ cảm thấy buồn sầu đang khi mỉm cười với hết thảy những người thân yêu mà sơ chăm sóc trong dãy nhà thương dành cho các bệnh nhân. Thế rồi, chính trong lúc mọi sự mù mịt và đen tối nhất xảy đến, sơ Catarina đã khấn là sẽ không bao giờ rời bỏ Canađa. Sơ đoan hứa rằng sẽ ở lại làm những công việc bác ái cho đến chết. Khi thực hiện lời khấn này, sơ Catarina mới chỉ có hai mươi hai tuổi.

Tuy cuộc sống khai hoang mở đường nơi vùng đất Pháp thuộc có nhiều khó khăn, thì càng ngày vẫn càng có thêm nhiều người đến đây cư trú. Giáo Hội phát triển. Thiên Chúa chúc lành cho miền đất mới qua việc ban thêm các vị thừa sai. Vào năm 1665, sơ Catarina trở thành Mẹ tập sư của cộng đoàn. Sơ vẫn tiếp tục sống đời cầu nguyện và giúp việc bệnh xá cho tới lúc qua đời. Sơ Maria Catarina dòng thánh Augustinô mất ngày mùng 8 tháng Năm năm 1668, hưởng dương ba mươi sáu tuổi. Đến năm 1989, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong sơ Catarina lên bậc chân phước.

Đức Chúa Giêsu không hứa với chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta sẽ được thoải mái dễ chịu, không có đau khổ hoặc phiền toái chi. Người chỉ hứa sẽ luôn luôn ở với chúng ta. Khi gặp sợ hãi hay chán nản, chúng ta hãy cầu xin chân phước Catarina dòng thánh Augustinô ban cho chúng ta chút lòng can đảm của ngài.