KHÁT VỌNG

(Đôi dòng tâm tình chia sẻ cùng Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo và các bạn trẻ qua Thư gửi các sinh viên, học sinh Công Giáo nhân dịp Đại hội giới trẻ và Đại lễ Phục sinh 2014)

Những thanh âm trong buổi tập hát của anh em chuẩn bị cho Đại lễ Phục sinh 2014: Vang lên muôn lời ca... (Xuất hành Ca) thật rộn ràng tươi vui, nhưng con vẫn chìm đắm trong nhiều nỗi suy tư... Ngoài kia, cuộc đời, cuộc đời cứ mãi trôi với biết bao vất vả, mệt nhọc... Thành ra, có nhiều khi con cảm thấy mình lạc lõng, chán chường với những thực tại của trần gian này. Sự thanh bình trong tâm hồn dần mất đi, và con bỗng như chú chim bay lạc trên đôi cánh của mình.

Trong cuộc sống, có quá nhiều điều khiến chúng con phải quan tâm nên đôi lúc chúng con không biết dừng lại để suy xét, để khám phá và vạch ra con đường đúng đắn cho đời mình. Và khi đã để cho những thú vui vật chất chế ngự, chúng con chỉ còn biết lần mò trong bóng tối, như kinh nghiệm đau thương của Gióp ngày xưa:

“Giữa ban ngày, chúng rơi vào bóng tối,

ngay chính ngọ, chúng mò mẫm như lần bước trong đêm”.

(G 5,14)

Quả thế, như lời nhận định của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, chủ tịch Ủy ban giáo dục Công Giáo Việt Nam trong thư gửi các sinh viên, học sinh Công Giáo nhân dịp Đại hội giới trẻ và Đại lễ Phục sinh 2014 nhấn mạnh: “Niềm vui và hạnh phúc, ai cũng khao khát nhưng trong thời đại chúng ta đang sống xem ra lại là điều thiếu thốn nhất”. Vâng! Niềm vui và hạnh phúc là đích đến cuối cùng của mỗi người chúng ta. Chúng ta luôn tranh đấu cho những mục tiêu, những ước mơ, những khát vọng. Đó có thể là của cải vật chất, là địa vị danh vọng, là thú vui trần thế. Nhưng có bao giờ con người biết hài lòng với những gì mình đang có?!

Và khi mãi chạy theo những điều hư ảo đó mà không biết sống gắn bó vào Thiên Chúa, chúng con không những không tìm thấy hạnh phúc đích thực cho bản thân mà còn không thể nào đem niềm vui chia sẻ cho mọi người. Chúng con ngày càng xa lánh cội nguồn của mọi niềm vui và hạnh phúc nằm ở nơi Thiên Chúa. Hỡi ôi! Con đâu biết rằng: “Chỉ có Chúa mới làm con no thỏa” (Thánh Tôma Aquinô – GLHTCG – Bản dịch của TGP Sài Gòn 1993).

Vì vậy, với mong mỏi có một sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống giới trẻ Công Giáo, Đức Cha Giuse một lần nữa đã truyền đạt lại cho chúng con chân lý đầu tiên trong “Bản Hiến Chương Nước Trời”, đó chính là: “Hạnh phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Tại sao nghèo khó lại mang lại hạnh phúc? Các bạn có hoang mang như tôi khi lần đầu tiên nghe thấy điều này hay không? Tự sâu trong cõi lòng các bạn có dấy lên một nỗi hồ nghi nào đó hay không?

Tôi nghĩ, các bạn không cần phải hoang mang và nghi ngại. Vì khi mang tinh thần khó nghèo có nghĩa là “thanh thoát khỏi của cải tiền bạc, danh vọng, chức quyền”, gắn bó và tín thác vào Chúa: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5). Vâng, tinh thần tín thác sẽ làm cho chúng ta được “đầy tràn Chúa trong mối tình mật thiết và nhận Chúa là gia nghiệp đời mình”. Mang tinh thần khó nghèo là mẫu gương của chính Chúa Giêsu, của Thánh Phanxicô thành Assisi và của biết bao thánh nhân khác đã tỏ tường ra trước mắt chúng ta. Thật thế, bạn hãy trao tất cả mọi sự trong cuộc đời vào tay của Chúa, chính Người sẽ ban cho bạn niềm vui và hạnh phúc thật.

Đức Cha Giuse cũng mong mỏi nơi chúng ta – những người trẻ:

“Các con hãy vui mừng tỏ cho mọi người biết mình là môn đệ của Chúa Giêsu và hãy đem niềm vui của Chúa đến cho mọi người các con gặp gỡ, chung sống và làm việc. Các con hãy làm cho niềm vui của Chúa thấm vào nơi các con sống, trường lớp các con học, đường phố các con đi và mọi nơi các con tới. Với niềm vui của Chúa chất chứa trong lòng, các con hãy làm cho thế giới được tươi đẹp hơn và lòng người được an bình hơn”.

“Chính các con phải là những người đầu tiên cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc của Chúa. Các con hãy là những Anrê Phú Yên mới”.

Niềm vui chất chứa niềm vui thì hạnh phúc càng dạt dào. Chúa đã phục sinh. Ngài đã mang chiến thắng khải hoàn cho toàn cõi đất. Bổn phận của mỗi người chúng ta, hãy làm cho niềm hạnh phúc đó được tràn ngập mặt đất. Trong môi trường chúng ta sống, hãy là những nắm men làm dậy men cả thúng bột, hãy là hạt cải đâm chồi nảy lộc và làm cho Giáo Hội xanh tươi, đầy sức sống.

Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được điều này bằng những tấm gương đã hiện hữu. Đừng đắn đo phân vân, hãy hướng tâm hồn mình về thánh ý Chúa để được soi sáng trong Ngôi Lời. Và như Ngôi Lời đã phục sinh, ước chi cho tất cả anh em chúng cũng được phục sinh như Người – bằng một con người mới, một tâm hồn mới, một trái tim mới. Để theo nhịp bước của Xuất Hành Ca trong đêm Phục Sinh: “Vang lên muôn lời ca...”, chúng ta sẽ hân hoan ra đi trong lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô mà Đức Cha Giuse đã nhắn nhủ một lần nữa: “Hãy ra đi, đem Tin Mừng cho mọi người”.

Sài Gòn, thứ ba Tuần Thánh 2014

Tiểu hành

PHÙ VÂN

Chia sẻ tâm tình khi suy tư Thư của Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo gửi các sinh viên, học sinh Công Giáo nhân dịp Đại hội giới trẻ và Đại lễ Phục sinh 2014

“Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2).

Đây là câu nói đầu tiên mà con nghĩ đến khi đọc xong bức thư gửi cho sinh viên, học sinh Công Giáo nhân dịp Đại hội giới trẻ và Đại lễ Phục sinh 2014 của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo - chủ tịch Ủy ban giáo dục Cộng Giáo Việt Nam. Con đã hình dung về một sự dồn nén, một sự cuộn trào trong tâm khảm của Cô-he-lét khi ông thốt lên tiếng lòng trong lời tựa sách Giảng viên. Một câu nói đã hơn hai ngàn năm tuổi nhưng có thể khiến cho con và cả những anh em đang mải mê với thú vui trần thế phải nhìn lại bản thân mình. Hạnh phúc ư! Hạnh phúc ắt hẳn luôn ở quanh đây. Nhưng chúng ta có thể nhận ra điều nào trong số đó mới là “hạnh phúc thật”? Con nghĩ đây là một câu chuyện hoàn toàn khác!

Sáng Chúa Nhật V Mùa Chay, trong bài giảng thánh lễ, vị linh mục chủ tế (con xin phép không nói rõ ngài là ai vì sợ đường đột) kể một câu chuyện:

“Có một giáo sư hỏi chàng thanh niên sau khi cậu ta tốt nghiệp rằng:

- Giờ con đã tốt nghiệp, việc học tập đã xong, dự định tiếp theo của con là gì?

Cậu thanh niên thưa rằng:

- Con sẽ kiếm việc làm và tiếp tục phấn đấu vì công việc.

Vị giáo sư hỏi:

- Thế còn sau đó?

- Sau đó con sẽ lập gia đình, sinh con cái rồi chăm sóc cho chúng – Cậu thanh niên trả lời.

- Tiếp sau đó nữa? – Vị giáo sư tiếp tục.

Cậu thanh niên nói ra lý tưởng của mình:

- Khi đã già, con sẽ hưởng thụ những gì con đã vất vả gây dựng bên gia đình.

Cuối cùng, vị giáo sư kia nhẹ nhàng:

- Rồi sau đó nữa thì sao con?

Và chàng thanh niên rơi vào im lặng…”

Tâm hồn con cũng im lặng khi nghe câu hỏi cuối cùng đó. Đâu là điều mà bản thân con thực sự cần tìm kiếm? Hay bao năm qua, con đã mãi mê chạy theo những ảo vọng mà thế gian xây đắp. Suy nghĩ tạo ra hành động, hành động trở thành thói quen, thói quen làm nên tính cách – và giờ đây, chúng con chỉ còn là những kẻ nhỏ nhen, ích kỷ, luôn thu góp cho mình. Con đâu nhận ra rằng chúng chỉ là phù vân! Hay con đã không dám đối diện với Người để tự vấn bản thân mình: “Và nào ai biết được điều gì tốt nhất cho con người trong cuộc sống, trong chuỗi ngày của kiếp phù du, trong cuộc đời qua mau như chiếc bóng? Nào có ai cho con người biết điều gì sẽ xảy ra dưới ánh mặt trời sau khi mình nhắm mắt xuôi tay?” (Gv 6,12).

Trong tâm tình đó con thốt lên:

“Lạy Chúa! Xin cho con chỉ biết nhìn về Người khi bước đi!”.

Trong thư Mừng Đại lễ Phục sinh và Ngày Giới trẻ vào Lễ Lá, Đức Cha Giuse cũng đã vạch ra cho chúng con thấy một giới hạn. Đó là giữa niềm vui và hạnh phúc - thú vui và thỏa mãn. Một giới hạn mong manh mà đôi khi đứng trên lằn ranh đó – vì thiếu đi sự tỉnh thức – chúng con lại lạc đường. Muối đã thôi mặn và bóng tối bắt đầu bủa vây. Những lúc đó, không phải là Người mà chính của cải tiền bạc, danh vọng, chức quyền mới là thứ đang ngự trị trong tâm hồn chúng con. Ước chi cho chúng con biết giữ một tâm hồn nghèo khó để được mãi đứng về phía Người, nơi ngọn lửa của niềm vui và hạnh phúc thật chiếu tỏa đến muôn đời.

Cảm ơn Đức Cha Giuse đã hiệp ý cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô truyền đạt cho chúng con sứ điệp nhân ngày Quốc tế giới trẻ và Đại lễ Phục sinh 2014. Đó cũng là sự đánh động vào tâm thức về cuộc sống trong mỗi anh em học sinh, sinh viên chúng con; đồng thời khơi gợi ra con đường để chúng con biết tìm đến lẽ sống của bản thân: “Mọi khát vọng sự thật và hạnh phúc rốt cuộc chỉ là đi tìm đến Đấng chứa đựng nó một cách tuyệt đối, Đấng thỏa mãn nó một cách tuyệt đối, và Đấng có trách nhiệm về nó một cách tuyệt đối” (Giáo lý Hội thánh Công Giáo cho người trẻ - tr.30).

Đấng chính là đường là sự thật và là sự sống (x.Ga 14,6).

Thay cho lời kết, xin được gởi đến tất cả những anh em, còn giống như con – kẻ bé nhỏ này, vẫn còn mang trong tâm hồn những nỗi băn khoăn; vẫn thấy cuộc đời này tẻ nhạt, buồn chán; vẫn thấy lòng mình lo âu, khắc khoải... lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Hạnh phúc mà bạn kiếm tìm, hạnh phúc mà bạn có quyền hưởng có một tên, một khuôn mặt: đó là Chúa Giêsu Kitô ở Nadaret”.

"Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,

và giơ tay cầu khẩn danh Ngài"

(Tv 63,5).

Grêgôriô Võ Trần Nhựt

THƯ NGỎ GỬI Đức Cha CHỦ TỊCH ỦY BAN GIÁO DỤC Công Giáo

(Sau khi đọc Thư Đức Cha gửi các sinh viên, học sinh Công Giáo nhân dịp Đại hội giới trẻ và Lễ Phục Sinh 2014)

Kính thưa Đức Cha,

Bức thư mà Đức Cha đã gửi cho chúng con – các sinh viên, học sinh Công Giáo – nhân dịp đại hội Giới Trẻ và Đại Lễ Phục Sinh 2014 vừa qua, đã giúp con biết được rất nhiều điều và phần nào đánh động con, giúp con nhận ra được niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực mà Lời Chúa dạy: sống “Tám Mối Phúc Thật” (Mt 5,1-12). Nhất là Đức Cha nhấn mạnh cho chúng con mối đầu tiên: “Hạnh phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Trong thư, Đức Cha đã nhắn nhủ chúng con rằng:

“Các con hãy vui mừng tỏ cho mọi người biết mình là môn đệ của Chúa Giêsu và hãy đem niềm vui của Chúa đến cho mọi người các con gặp gỡ, chung sống và làm việc. Các con hãy làm cho niềm vui của Chúa thấm nào nơi các con sống, trường lớp các con học, đường phố các con đi và mọi nơi các con tới. Với niềm vui của Chúa chất chứa trong lòng, các con hãy làm cho thế giới được tươi đẹp hơn và lòng người được an bình hơn”.

Vâng, thưa Đức Cha, câu nói trên giúp con nhận ra rằng hạnh phúc, niềm vui không đâu xa vời cả, mà nằm ngay trong chính đời sống của chúng con đây, trong từng hành động bé nhỏ, trong từng cử chỉ đơn sơ, trong từng hy sinh thấp bé. Quan trọng là qua những điều đó, chúng con cũng có thể đem lại niềm vui, sự an bình cho người khác, mang Chúa đến với mọi người, nhất là những người ở ngay xung quanh mình. Để làm được điều này, trước tiên chúng con cần phải có Chúa hiện diện nơi tâm hồn; cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc đích thực đến từ chính Chúa. Muốn được như thế, chúng con phải biết không ngừng lắng nghe Lời Chúa, nghe lời dạy bảo của những người có trách nhiệm; đồng thời phải biết đặt Chúa là gia nghiệp của đời mình. Từ đó, tâm hồn mình được thanh thoát, luôn bình an, đặt nhẹ của cải, tiền bạc, danh vọng và xem chúng chỉ là những phương tiện để xây đắp cuộc đời người khác.

Nhưng, thưa Đức Cha, để thực hiện những điều đó thật khó, đòi hỏi nơi mỗi người chúng con thật nhiều cố gắng, nỗ lực và nhất là phải được ơn Chúa soi sáng, hướng dẫn, ban sức mạnh. Chúng con còn nhận ra rằng, đâu đó trong tâm hồn chúng con vẫn còn sự hiện diện của sự ích kỷ, đố kị, ghen ghét; cùng với những thói hư tật xấu khác khiến tâm hồn mình nhỏ nhen, lỗi phạm, buồn chán, thất vọng …và còn chịu ảnh hưởng của thói đời mê hưởng thụ, tìm khoái lạc xác thịt nữa. Những điều đó đã làm tâm hồn chúng con đóng kín, ngăn cản tình yêu Chúa thấm nhập vào mình, khiến tâm hồn chúng con trở nên mất bình an, hạnh phúc.

Chính vì thế, giới trẻ sinh viên, học sinh chúng con cần lắm sự quan tâm, hướng dẫn, dạy bảo nơi những người coi sóc, giáo dục chúng con, nơi gia đình, trường lớp và nhất là nơi Giáo Hội. Và việc, Đức Cha thường xuyên gửi thư thăm hỏi, dạy dỗ, hướng dẫn chúng con đã thể hiện sự quan tâm của Giáo Hội đến chúng con, và điều đó làm chúng con rất vui và hạnh phúc. Nguyện xin Chúa luôn ban ơn trợ giúp để chúng con biết không ngừng học tập, rèn luyện bản thân mà sống thật bình an, hạnh phúc và nhất là đem Chúa đến với người khác, loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của mình để không phụ tình yêu thương của Chúa, của Quý Cha, của các vị dạy dỗ chúng con, đặt hy vọng nơi chúng con.

“Các con hãy là những Anrê Phú Yên mới!”.

Vâng, lời khuyến khích này sẽ luôn ấp ủ nơi chúng con, thôi thúc chúng con biết sống và hành động theo thánh ý của Thiên Chúa, biết khơi nên niềm vui, niềm hạnh phúc như Đức Cha hằng mong…

Và cuối cùng, con xin cám ơn sự yêu thương, quan tâm mà Đức Cha đã dành cho giới trẻ học đường chúng con qua lá thư này. Nguyện xin Chúa Phục Sinh sẽ luôn ban cho Đức Cha nguồn sức sống dồi dào, ơn khôn ngoan và nhất là luôn được bình an, hạnh phúc trong tâm hồn.

Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 13 tháng 4 năm 2014.

Một sinh viên Đại học sư phạm Tp Hồ Chí Minh

HẠNH PHÚC THẬT

Vài suy tư về thư gửi Sinh viên học sinh Công Giáo của Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo nhân dịp Đại hội giới trẻ và Đại lễ Phục sinh 2014

Giữa những bận rộn của mục vụ Mùa Chay và chuẩn bị cho Mùa Phục Sinh, chúng tôi - những linh mục, đặc biệt là các vị đồng hành với các bạn trẻ, rất bất ngờ khi nhận được thư của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bất ngờ, khi mà dư âm về Thư Mùa Chay gửi sinh viên học sinh chưa hết, nay lại được tiếp nối bởi Thư Mừng Đại hội giới trẻ ở cấp Giáo phận vào Lễ Lá và Lễ Phục sinh 2014. Sự quan tâm ưu ái của Đức Cha Giuse, theo thiển ý của tôi, với sinh viên học sinh thật lớn lao. Kể từ tháng 12/2013, mỗi tháng Ngài đều gửi cho sinh viên học sinh những lời nhắn nhủ: Thư gửi mừng lễ Giáng sinh (12/2013), Thư chúc Tết Giáp Ngọ (01/2014), Thư Mùa Chay (02/2014), giờ là Thư mừng lễ Phục Sinh (03/2014). Qua đó biểu lộ sự quan tâm yêu thương của Ngài dành cho các bạn trẻ học đường.

Trong thư, Đức Cha Giuse lặp lại sứ điệp của Đại hội giới trẻ thế giới sẽ được cử hành tại Cracovia (Ba Lan) vào năm 2016, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra chủ đề “Mối Phúc Thật” (Mt 5,1-12) để mời gọi giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ học đường nói riêng khám phá niềm vui của Tin Mừng.

Niềm vui mà Ghandi - vị thánh và là cha già của dân tộc Ấn Độ, ngài không phải là Kitô hữu nhưng đã tuyên bố: “không có bản tuyên ngôn nào trên trái đất đẹp bằng Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu” và ông khẳng định: “Chính bài giảng trên núi này làm cho tôi yêu mến Đức Kitô”

Mối phúc thật là tiêu chuẩn của hạnh phúc đích thực. Thật thế, các mối phúc mà Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi vào đầu sứ vụ của Ngài, đã dẫn nhân loại đến với hạnh phúc thật. Tin Mừng ghi lại Hạnh phúc theo nguyên ngữ Hy Lạp “μακαριος” nghĩa là người sở hữu một niềm vui tâm hồn, không bị ảnh hưởng bởi những hoàn cảnh bên ngoài tác động. Như thế, hạnh phúc mà Chúa Giêsu rao giảng là một tình trạng niềm vui tâm hồn luôn không bị chi phối bởi những hoàn cảnh - sự việc bên ngoài.

Hạnh phúc không lệ thuộc vào những gì xảy ra chung quanh ta, nhưng là - “μακαριος” mà Đức Giêsu nhấn mạnh. Hạnh phúc được đong đếm bởi sức mạnh của tinh thần, bởi cách chúng ta tranh đấu với những vấn đề của cuộc sống. Hạnh phúc được sinh ra trong lúc chúng ta đặt trong tim mình những công trình và thực hiện nó với sự vui mừng, hoan hỉ trong Thiên Chúa bất chấp mọi hoàn cảnh. Từ ý nghĩa thật của quan niệm hạnh phúc theo Tin Mừng, Đức Cha Giuse nhấn mạnh sự phân biệt hạnh phúc thật và hạnh phúc giả tạo mà Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong thông điệp “Anh chị em hãy vui lên trong Chúa” (Gaudete in Domino), cũng đã phân biệt cho chúng ta: một bên là niềm vui và hạnh phúc theo ý niệm của Tin Mừng cần cố gắng để đạt được; bên kia là thú vui và thỏa mãn - nhiều người đang ngộ nhận: nói là đi tìm niềm vui và hạnh phúc, nhưng lại đi tìm thú vui và thỏa mãn.

Niềm vui và hạnh phúc, ai cũng khao khát, Đức Cha đưa ra một nhân vật đang thu hút mọi người là nữ tu Cristina Scuccia, người Ý, đi dự thi chương trình “The Voice”. Chị chia sẻ niềm vui và hạnh phúc thật qua sự kết hợp với Thiên Chúa trong đời sống tu sĩ bằng sự biểu lộ qua tiếng hát, khiến cho mọi người nghe tiếng hát của chị cảm nghiệm được sự hạnh phúc mà chị đang có. Qua kinh nghiệm của nữ tu Cristina, Đức Cha nhấn mạnh lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hãy ra đi, đem Tin Mừng cho mọi người”, hãy cảm nghiệm bình an hạnh phúc thật, hãy sống niềm vui là môn đệ của Chúa và hãy đem niềm vui này đến cho mọi người để làm cho niềm vui đó thấm vào nơi các bạn trẻ sống, “làm cho thế giới được tươi đẹp hơn và lòng người được an bình hơn”.

Đức Cha Giuse nhấn mạnh đến niềm vui và hạnh phúc là chủ đề năm nay hướng về Đại hộ Giới trẻ qua gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hạnh phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Người mang tâm hồn nghèo khó thường ‎ý thức thân phận thiếu hụt của mình nên sẵn sàng mở tâm hồn để Thiên Chúa làm tràn đầy ân sủng. Chính trong thân phận nghèo, họ cảm nhận được sự thiếu thốn và sẵn sàng chia sẻ với anh em cùng khổ. Thánh Hilaire de Poitiers đã suy niệm sự hạnh phúc của những người sống trong tinh thần nghèo: “Sự nghèo khó gợi lại rằng chính chúng ta không có gì hết, mà chúng ta nhận tất cả từ Thiên Chúa; tất cả mọi gia sản là của chung; khó nghèo dẫn chúng ta chịu khuất phục trước Thiên Chúa, và trong sự khuất phục này để chia sẻ tất cả những gì chúng ta có; sự nghèo khó đưa chúng ta vào sự hiệp nhất với sự lãnh nhận Thiên Chúa trong lúc chờ đợi, chính tinh thần nghèo khó đưa chúng ta tham dự vào sự vinh quang” (Saint Hilaire de Poitiers: commentaire de l’évangile selon saint Matthieu, IV 2). Đức Cha Giuse đã đưa ra kinh nghiệm của thánh Phanxicô thành Assisi chia sẻ với chúng ta về hạnh phúc, đó chính là khi luôn giữ được sự an bình trong tâm hồn dù bản thân rơi vào những hoàn cảnh tưởng như tồi tệ nhất.

Để có được niềm vui và hạnh phúc thật, Đức Cha mời gọi mỗi bạn trẻ học đường hãy lấy: “Chúa là phần gia nghiệp và hạnh phúc của con... là chén phúc lộc dành cho con (Tv 16,5). Thật thế, “Người đặt niềm tin vào Đức Chúa thật hạnh phúc dường bao” (Cn 16,20).

Đức Cha Giuse mời gọi các bạn trẻ noi gương Thánh Phanxicô tập luyện và cố gắng mỗi ngày. Noi gương Anrê Phú Yên – mẫu gương cho các bạn trẻ Công Giáo Việt Nam đã Tử đạo cách đây 400 năm, nhưng sức sống của vị thánh trẻ: “có sức khơi lên niềm hứng khởi trong đoàn Dân Chúa, đặc biệt nơi các Bạn Trẻ Việt Nam”. Chính mỗi người trẻ Việt Nam hãy là một Anrê Phú Yên mới qua việc tìm kiếm hạnh phúc thật để sống trong niềm vui, an bình của Thiên Chúa và chia sẻ hạnh phúc này đến tất cả anh chị em quanh mình.

Cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng với Đức Cha Giuse, các vị đã chỉ ra cho chúng con biết hạnh phúc thật:

“Hạnh phúc đúng là món quà của thượng đế…” (Aristote)

và hạnh phúc có được là do chúng ta:

"Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa” (Tv 39, 5c).

Lm. Vinh Sơn scj