Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1) Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta

Trong buổi sáng thứ Hai mùng 8 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về lòng thương xót của Thiên Chúa khi Chúa Giêsu tha thứ cho một người phụ nữ đã bị bắt vì tội ngoại tình, và bảo cô đừng phạm tội nữa.

Lòng thương xót của Thiên Chúa là một ánh sáng tuyệt vời của tình yêu và sự dịu dàng. Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, không cần một sắc lệnh nào, nhưng với tình yêu Ngài hàn gắn những vết thương gây ra bởi tội lỗi chúng ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa chiến thắng tội lỗi, và lòng thương xót của Ngài mang lại hòa bình và tự do cho chúng ta.

Hôn nhân là một thực tại loài người nhưng đồng thời nó cũng là một biểu tượng của một mối quan hệ trung thành giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Khi hôn nhân hư hỏng do ngoại tình, nó làm hỏng mối quan hệ với Thiên Chúa.

Nhưng khi các thầy thông luật và người Pharisêu đem người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình đến trước mặt Chúa và hỏi Ngài "Thầy dạy phải làm sao? " Họ đã làm như thế để thử Người, để họ có thể có cớ chống lại Người.

Nếu Chúa Giêsu nói: " Ừ, thì cứ ném đá đi", họ sẽ nói với người dân! “Hãy xem cách cư xử của vị thầy nhân lành và đầy lòng thương xót của các ngươi... chỉ cần nhìn vào những gì ông cư xử với người phụ nữ đang run cầm cập này là biết ngay." Nhưng nếu Chúa Giêsu nói: "Hãy tha thứ cho người phụ nữ tội nghiệp này! ' thì họ sẽ nói: 'Ông ta không giữ Lề Luật '"

Đức Thánh Cha nói rằng họ chẳng quan tâm gì đến người phụ nữ. "Họ không quan tâm đến tội ngoại tình, có lẽ trong số họ cũng có những kẻ đã từng ngoại tình. Tất cả mối quan tâm của họ là làm sao đưa Chúa Giêsu vào bẫy ".

Và vì thế Chúa Giêsu trả lời: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi". Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.

Như thế, ta cũng có thể tưởng tượng ra những người này cũng chẳng phải là những người đạo hạnh gì.

Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?" Người đàn bà đáp: "Thưa thầy, không có ai cả".

Người phụ nữ không nói rằng người ta cáo gian cho chị. Chị không nói: “Tôi không hề phạm tội ngoại tình”. Chị nhìn nhận tội lỗi của mình.

Ðức Giêsu nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!", đừng làm hỏng mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa và dân Người.

Chúa Giêsu tha thứ. Nhưng ở đây có cái gì đó vượt xa hơn sự thứ tha.

Chúa Giêsu tiến xa hơn lề luật. Ngài không nói: ' ngoại tình không phải là một tội lỗi!" Nhưng Ngài không lên án nó theo luật. Đây là mầu nhiệm của lòng thương xót. Đây là mầu nhiệm của lòng thương xót của Chúa Giêsu.

2) Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy ra khỏi “ngôi mộ” tội lỗi với các nết xấu kiêu ngạo, ích kỷ của mình.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Mùng 6 tháng Tư với khoảng 70 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong dịp này, ngài đã quảng diễn bài Phúc Âm thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cho ông Lazaro chết chôn 3 ngày được sống lại. Cuối buổi đọc kinh, ngài đã tặng sách Phúc Âm bỏ túi cho mọi người và khuyến khích họ mang theo người để thỉnh thoảng đọc một đoạn.

“Tin Mừng Chúa Nhật thứ 5 mùa Chay này thuật lại cho chúng ta cuộc sống lại của ông Lazaro. Đây là tột đỉnh các dấu lạ Chúa Giêsu làm: đó là một cử chỉ quá lớn, quá hiển nhiên là của Thiên Chúa, nên không thể nào được các đại tư tế dung thứ; sau khi hay biết sự kiện ấy, họ quyết định giết Chúa Giêsu (Xc Ga 11,53). Khi Chúa Giêsu đến nơi thì Lazaro đã chết 3 ngày rồi, và Ngài nói với hai bà chị của ông là Marta và Maria, những lời được ghi khắc mãi mãi trong ký ức của cộng đoàn Kitô: ”Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống; và ai sống mà tin Thầy, thì sẽ không phải chết đời đời” (Ga 11,25). Theo lời Chúa, chúng ta tin rằng sự sống của người tin Chúa Giêsu và tuân giữ giới răn của Người, sau khi chết sẽ được biến đổi thành một sự sống mới, sung mãn và bất tử. Như Chúa Giêsu đã sống lại với thân xác của Ngài, nhưng không trở lại đời sống trần thế, cả chúng ta cũng sẽ sống lại với thân xác của mình, thân xác sẽ được biến đổi trong thân thể vinh quang. Chúa đang đợi chúng ta nơi Chúa Cha, và sức mạnh của Chúa Thánh Linh, Đấng đã làm cho Ngài sống lại, cũng sẽ làm cho những người kết hiệp với Chúa được sống lại.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Đứng trước mộ đóng kín của người bạn, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: ‘Lazaro, hãy ra ngoài!’. Người chết bước ra, chân tay còn quấn băng, và mặt quấn khăn liệm (vv.43-44). Tiếng kêu truyền lệnh này được gửi đến mỗi người; đó là tiếng nói của Đấng là chủ tể sự sống và Ngài muốn tất cả được sự sống dồi dào (Ga 10,10). Chúa Kitô không cam chịu những ngôi mộ mà chúng ta kiến tạo bằng những chọn lựa sự ác và chết chóc mà chúng ta đưa ra. Chúa mời gọi chúng ta, hầu như ngài truyền cho chúng ta hãy ra khỏi mộ mà tội lỗi dìm sâu chúng ta trong đó. Chúa quyết liệt gọi chúng ta hãy ra khỏi tăm tối của nhà tù giam hãm chúng ta, ra khỏi sự hài lòng về một cuộc sống giả tạo, ích kỷ, tầm thường.

“Hãy ra ngoài!” Chúng ta hãy để cho mình được nắm bắt bằng những lời mà Chúa Giêsu lập lại với mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy để cho mình được giải thoát khỏi những băng cuộn của tính kiêu ngạo. Sự sống lại của chúng ta bắt đầu từ đây, nghĩa là khi chúng ta quyết định vâng lệnh Chúa Giêsu, đi tới nơi ánh sáng và sự sống; khi những mặt nạ rơi khỏi mặt chúng ta và chúng ta tìm lại được can đảm của khuôn mặt nguyên thủy, khuôn mặt được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa.

Cử chỉ của Chúa Giêsu làm cho Lazaro sống lại chúng ta chứng tỏ điều mà sức mạnh của ơn thánh Chúa có thể đi tới, điều mà cuộc hoán cải của chúng ta đi tới, đó là không có giới hạn cho lòng thương xót của Chúa được trao tặng cho hết mọi người! Chúa luôn sẵn sàng nâng bia mộ các tội lỗi chúng ta, những điều khiến chúng ta bị tách rời khỏi Chúa vốn là ánh sáng của những người sống.”

3) Đừng sợ cầu nguyện

Trong buổi sáng thứ Năm 3 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cầu nguyện. Ngài giải thích rằng thông thường cầu nguyện giống như nói chuyện với một người bạn: một cái gì đó mà tất cả mọi người không nên sợ hãi.

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ rằng

“Hãy mở rộng con tim của anh chị em ra cho việc cầu nguyện. Cầu nguyện bổ sức cho chúng ta, kiện cường chúng ta. Thật vậy, Môisê xuống núi đầy lòng nhiệt thành: ‘Tôi đã biết Chúa nhiều hơn.’ và với sức mạnh được trao qua lời cầu nguyện, ông đã lãnh đạo dân Israel tiến về Đất Hứa.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng lời cầu nguyện có sức mạnh thay đổi trái tim bởi vì nó giúp ta nhận biết Thiên Chúa nhiều hơn.

"Môisê đã thay đổi hẳn. Môisê đã từng nghĩ rằng Chúa sẽ hủy diệt đám dân này và ông thu thập trong ký ức mình lòng nhân hậu Chúa đối với dân Ngài, làm thế nào Ngài đã dẫn họ thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập và hướng dẫn họ với lời hứa của Ngài và với những lập luận này, ông cố gắng thuyết phục Thiên Chúa. Nhưng chính khi làm như thế, ông tái khám phá ký ức về dân mình, và lòng thương xót của Thiên Chúa. Môisê người từng sợ rằng Thiên Chúa sẽ tru diệt dân Người, cuối cùng đã xuống núi với một sự hào hứng rất lớn trong con tim: Ông biết Thiên Chúa thật giàu lòng thương xót. Ngài biết cách tha thứ. Ngài có thể thu hồi lại các quyết định của mình, Ngài là một người Cha".

"Cầu nguyện thay đổi con tim chúng ta. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải thân thưa với Chúa, chứ đừng tuôn ra những lời trống rỗng mà Chúa Giêsu đã từng cảnh cáo ‘dân ngoại cũng làm như thế’. Không, hãy nói chuyện với Ngài về thực tế: Lạy Chúa, con có vấn đề này, trong gia đình con, với mấy đứa con của con, với điều này, với điều nọ... Lạy Chúa, xin thực hiện những gì Chúa có thể làm, đừng bỏ con một mình trong tình cảnh như thế này: Đây là lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện này mất nhiều thời gian không?".

"Kinh Thánh nói rằng Môisê đã nói chuyện với Thiên Chúa mặt đối mặt, như một người bạn Cách cầu nguyện của chúng ta phải là: tự do, van lơn, có lập luận. Thậm chí tranh cãi với Chúa một chút cũng được: Chúa đã hứa với con điều này nhưng sao Chúa không làm điều đó... " giống như nói chuyện với một người bạn.

4) Các tiên tri luôn bị bách hại, đôi khi ngay cả bên trong Giáo Hội

Trong bài giảng sáng thứ Sáu mùng 4 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tại sao các tiên tri luôn luôn bị bách hại. Ngài đã nói về cách người Pharisêu đàn áp và khước từ Chúa Giêsu.

Khi chúng ta loan báo Tin Mừng, chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải bách hại. Đây là trọng tâm nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến bài đọc trong ngày thứ Sáu của tuần thứ Tư Mùa Chay. Ngài lưu ý rằng ngày nay có nhiều những vị tử đạo hơn cả trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội.

Suy tư trên toàn bộ lịch sử ơn cứu độ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xem xét những giai đoạn đàn áp khác nhau mà các tiên tri đã phải trải qua, như chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở những người Biệt Phái.

Ngài nói:

"Trong lịch sử cứu độ, dưới thời Israel, hay ngay cả trong lòng Giáo Hội, các tiên tri đã bị đàn áp. Các tiên tri đã bị đàn áp bởi vì họ dám nói: Các ngươi đã đi sai đường! Hãy quay trở lại với đường lối Chúa.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng thông điệp này là một trong những điều mà những kẻ đang cầm quyền phật ý và thấy chói tai.

"Tin Mừng hôm nay là rõ ràng, phải không nào? Chúa Giêsu đã không tiết lộ về những ngày cuối cùng, vì giờ Người vẫn chưa đến - nhưng Người biết cái kết cục mà Người sẽ phải trải qua sẽ như thế nào. Chúa Giêsu bị bách hại ngay từ đầu: Chúng ta hãy nhớ lại ngay từ buổi đầu rao giảng của mình, Ngài trở về quê hương của mình, đi vào hội đường và giảng dạy. Sau lời khen ngợi “Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!”, những giọng thì thầm bắt đầu gần như ngay lập tức: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Ðấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả”

Các tiên tri, tất cả đều bị bắt bớ hay bị hiểu lầm, bị từ chối – đó là một tình huống không ngừng được lặp lại cả sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Nó vẫn tiếp tục ngay cả trong Giáo Hội. Khi chúng ta đọc về cuộc sống của các thánh, bao nhiêu hiểu lầm đã xảy ra, bao nhiêu các thánh, bị đàn áp. .. vì họ là các tiên tri.

Nhiều nhà tư tưởng trong Giáo Hội cũng bị bách hại. Tôi nghĩ đến một người, sống không xa thời đại chúng ta bao nhiêu: một người thiện chí, một nhà tiên tri thực sự, mà trong các tác phẩm của mình đã trách cứ Giáo Hội lạc xa đường lối Chúa. Ông đã bị triệu tập khẩn cấp, sách của ông bị hạn chế phổ biến, chức vụ giảng dạy của ông bị đình chỉ - và do đó, cuộc sống của người này đã kết thúc - Thời gian đã trôi qua, và hôm nay người ấy được tôn phong Chân Phước. Làm sao lại ra nông nỗi là người ngày hôm qua là một kẻ dị giáo, ngày nay lại là một vị Chân Phước của Giáo Hội ? Đó là bởi vì ngày hôm qua, những người có quyền lực muốn bịt miệng ngài, vì họ không thích những gì ngài đã nói. Hôm nay Giáo Hội, những người, nhờ ơn Chúa biết ăn năn, đã nói: “không, người này rất tốt!”. Hơn nữa, ngài đang trong tiến trình phong thánh: ngài là một Chân Phước".

"Tất cả những người mà Chúa Thánh Thần đã chọn để nói sự thật cho dân Chúa đều bị bách hại và Chúa Giêsu chính là biểu tượng hùng hồn nhất. Chúa đã mang vào chính mình tất cả những bách hại của dân Ngài.

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng các Kitô hữu tiếp tục bị đàn áp ngay cả ngày hôm nay. "Tôi dám nói rằng có lẽ còn nhiều vị tử đạo trong thời đại hiện nay hơn cả trong những ngày đầu Kitô Giáo, bởi vì họ dám nói sự thật và công bố Chúa Giêsu Kitô cho một xã hội thế tục trong đó con người quá chuộng sự dễ dãi và tìm mọi cách lảng tránh các vấn đề"

"Ngày hôm nay, ở một số nơi trên thế giới có những bản án tử hình hoặc phạt tù đang được giáng xuống trên những ai có cuốn Kinh Thánh ở nhà, và trên những ai dám giảng dạy Giáo Lý. Một người Công Giáo từ một trong những quốc gia này nói với tôi rằng họ không thể cùng nhau cầu nguyện. Đó là điều bị cấm. Mọi người chỉ có thể cầu nguyện riêng một mình và trong vòng bí mật. Nhưng khi họ muốn cử hành Thánh Thể thì họ phải làm bộ tổ chức một bữa tiệc sinh nhật, họ giả vờ để ăn mừng ngày sinh nhật và có Thánh Lễ trước khi ăn tiệc. Khi thấy cảnh sát đến, họ giấu tất cả mọi thứ và tiếp tục với tiệc sinh nhật. Sau đó, khi nhà chức trách bỏ đi họ kết thúc thánh lễ. Họ phải làm như vậy vì họ bị cấm cầu nguyện cùng nhau ngay cả trong thời đại này. "

Lịch sử của những cuộc bách hại là con đường Chúa đã đi qua. Nó là con đường của những người theo Chúa đang tiếp tục tiến bước. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói rằng câu chuyện bi đát này mặc dù phải trải qua con đường Thánh Giá sẽ luôn kết thúc trong Phục Sinh. Đức Thánh Cha đã đề cập đến Cha Matteo Ricci, linh mục Dòng Tên, một nhà truyền giáo tại Trung Quốc như là một ví dụ.

Để kết luận Đức Thánh Cha, xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để đi trên con đường của Ngài ngay cả dù phải vác thập giá của bách hại.

5) Bẩy Ơn Chúa Thánh Thần

Trong buổi triều yết chung sáng Thứ Tư mùng 9 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu loạt bài mới về Bẩy Ơn Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt các bài giáo lý về những hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã là "ân sủng của Thiên Chúa", là sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa trong Giáo Hội và con trái tim của chúng ta. Dựa trên những lời tiên tri thiên sai của Isaiah, Giáo Hội có truyền thống phân biệt bảy ơn Chúa Thánh Thần là Ơn Khôn Ngoan, Ơn Hiểu Biết, Ơn Biết Lo Liệu, Ơn Sức Mạnh, Ơn Thông Minh, Ơn Ðạo Ðức và Ơn Biết Kính Sợ Thiên Chúa.

Ơn khôn ngoan là ơn đầu tiên trong số bảy ơn này. Đây là ân sủng siêu nhiên, là ánh sáng trong tâm hồn chúng ta, là ân sủng làm chúng ta có thể chiêm ngưỡng tất cả mọi thứ với ánh mắt của Thiên Chúa và một trái tim ngoan ngoãn tuân theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Ơn này phát sinh từ sự gần gũi với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và trong tình hiệp thông yêu thương, nó giúp chúng ta hân hoan nhận ra với lòng biết ơn kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự. Do đó sự khôn ngoan Kitô giáo là hoa trái của "hương vị" siêu nhiên về Thiên Chúa, là một khả năng cảm nghiệm sự hiện diện, sự nhân lành và tình yêu của Thiên Chúa xung quanh chúng ta.Thế giới chúng ta cần sự khôn ngoan này biết là ngần nào! Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban ân sủng cho ta để khi vui mừng trong Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể là những người nam nữ thực sự của Thiên Chúa, mở lòng trí ra cho quyền năng của tình yêu cứu độ của Người.

6) Thánh Gioan Bôscô

Như chúng tôi đã đưa tin, sáng ngày 31 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên đang có mặt tại Rôma để dự tổng tu nghị dòng Salesien Don Bosco. Dịp này, Đức Thánh Cha đã mời gọi dòng đặc biệt noi gương thánh Gioan Bosco quan tâm đến việc tuyển chọn và đào tạo ơn gọi, cũng như tình trạng nhiều người trẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội, và tăng cường đời sống cộng đoàn huynh đệ.

Thánh Gioan Bosco là ai, thưa quý vị và anh chị em?

Thánh Gioan Bôscô sinh ngày 16 tháng Tám năm 1815 tại Turinô, nước Ý. Song thân của ngài là những nông dân nghèo khó. Khi Gioan lên 2 thì thân phụ qua đời. Thân mẫu Gioan phải cố gắng hết sức để nuôi cả gia đình. Vừa đến tuổi khôn lớn, Gioan Bôscô đã phải làm việc vất vả để giúp đỡ mẹ. Ngài là người thông minh và đầy tràn sức sống. Rồi Gioan bắt đầu nghĩ đến việc đi tu làm linh mục. Ngài không dám nói điều đó với mẹ vì biết gia đình không có khả năng chu cấp cho ngài theo học ở chủng viện. Hơn nữa, thân mẫu ngài lại đang cần có người phụ giúp việc nhà. Vì thế, Gioan đã nhẫn nại chờ đợi, cầu nguyện và hy vọng.

Cuối cùng, một linh mục thánh thiện là thánh Giuse Caphasô nhận thấy Gioan có ước mơ muốn làm linh mục. Ngài đã giúp Gioan Bôscô gia nhập chủng viện. Suốt quá trình học tập, Gioan đã phải vất vả làm việc. Ngài học đủ thứ nghề: thợ mộc, đánh giầy, nấu ăn, làm bánh, trồng trọt, chăn nuôi… Gioan cũng làm nhiều việc khác nữa. Những kinh nghiệm thực tế này sẽ rất giúp ích cho nhiều người sau này. Năm 1841, Gioan Bôscô trở thành linh mục. Với tư cách là một linh mục, cha Đôn Bôscô bắt đầu sứ vụ lớn lao của mình. Ngài tập họp các em trai sống vô gia cư lại với nhau và dạy nghề cho chúng. Bằng cách này, chúng sẽ không phải đi ăn trộm ăn cắp hoặc quậy phá gây rối trật tự nữa. Khoảng năm 1850, đã có một trăm tám mươi em trai sống tại căn nhà dành cho các trẻ em của Đôn Bôscô. Mẹ của Đôn Bôscô là người giữ nhà. Thoạt đầu, người ta không hiểu được điều Đôn Bôscô đang làm. Họ cho rằng bọn trẻ sẽ không thể nào trở nên tốt được. Nhưng Đôn Bôscô xác nhận là chúng có thể.

“Em có muốn làm bạn của Đôn Bôscô không?” thánh nhân thường hay hỏi như vậy mỗi khi có một cậu nhỏ lạ đến với ngài. “Em muốn chứ?” Bôscô vui vẻ hỏi như thế và sau cùng ngài kết luận: “Rồi em sẽ giúp tôi cứu lấy linh hồn của em.” Ngài muốn các cậu trai của ngài mỗi tối phải đọc ba kinh Kính Mừng để Đức Mẹ giúp các cậu giữ mình khỏi tội. Ngài cũng dặn dò khuyên nhủ bọn trẻ phải thường xuyên lãnh nhận các bí tích Hòa giải và Thánh Thể với lòng yêu mến. Một trong các cậu nhỏ của Đôn Bôscô là Đa Minh Saviô sau này đã làm thánh.

Thánh Đôn Bôscô thiết lập một dòng tu chuyên đào tạo các linh mục và tu huynh theo tinh thần của thánh Phanxicô Salêsiô. Họ được gọi là các tu sĩ thuộc tu hội Salêdiêng Đôn Bôscô. Một dòng nữ dành cho các chị em Salêdiêng cũng được thiết lập với sự giúp đỡ của thánh nữ Maria Mazarêlô.

Đôn Bôscô qua đời ngày 31 tháng Giêng năm 1888. Toàn thể dân thành Turinô đã xếp thành hàng dài trên các đường phố để tỏ lòng tôn kính, cảm phục, yêu mến và biết ơn ngài. Lễ an táng của Đôn Bôscô đã trở nên lời loan báo vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì đời sống kỳ diệu của con người này.

Một linh mục trẻ coi xứ đã nhiều lần gặp gỡ Đôn Bôscô. Về sau, vị linh mục trẻ ấy đã trở thành Đức Giáo Hoàng Piô XI. Chính ngài đã sung sướng phong thánh cho Đôn Bôscô năm 1934.

Lời nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Thánh Gioan Bosco để làm chứng cho tình yêu Chúa bằng cách vươn tay ra giúp đỡ người khác một cách vui tươi quảng đại.