Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Xin Chúa ban cho ta ơn luôn luôn mở lòng chúng ta ra cho ơn cứu rỗi chỉ đến từ Thiên Chúa

Lúc 7h sáng thứ Năm 27 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô với sự tham dự của gần 500 thượng và hạ nghị sĩ Italia. Ngài mời gọi các vị đặc biệt quan tâm đến thiện ích của dân chúng.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn các bài đọc của ngày lễ, đặc biệt là đoạn Phúc Âm kể lại việc Chúa Giêsu trừ quỉ nhưng giới biệt phái và luật sĩ cho rằng ngài nhân danh tướng quỉ Beelzebul mà trừ quỉ.

Đức Thánh Cha phê bình thái độ của giới lãnh đạo dân Do thái hồi đó, các nhà thông luật, biệt phái và sađuxê, khép kín trong các ý tưởng, việc mục vụ và ý thức hệ của họ. Giới lãnh đạo ấy không lắng nghe Lời Chúa, và để biện minh cho thái độ ấy, họ cho rằng Chúa Giêsu nhờ Satan mà trừ quỉ.

Trái lại, Chúa Giêsu nhìn dân, cảm động vì họ như đoàn chiên không có người chăn dắt. Ngài đến cùng người nghèo, người bệnh, với mọi người, các goá phụ, người phong cùi, để chữa lành họ. Trong khi đó giới lãnh đạo dân chỉ quan tâm đến quyền lợi, phe nhóm đảng phái của họ, đấu tranh nội bộ với nhau... Họ là những người tham nhũng, bị hư hỏng, yên trí trong những sự việc của họ, và thật khó trở lui.

Đức Thánh Cha nói:

Con tim của những người này, của nhóm người này, theo thời gian đã trở nên quá chai cứng đến mức đã không thể nghe thấy tiếng nói của Chúa. Là những kẻ tội lỗi, họ trượt dài và băng hoại. Thật khó cho một người băng hoại trở về đường ngay nẻo chính. Chúa đầy lòng thương xót và đang chờ đợi tất cả chúng ta nhưng những kẻ băng hoại này cố kết với công việc của mình, họ biện minh cho hành động của họ, vì Chúa Giêsu, với sự đơn sơ của Ngài, nhưng với sức mạnh của Thiên Chúa – đang gây rắc rối cho họ.

Họ khước từ tình yêu của Chúa và thái độ khước từ này đặt họ chệch khỏi con đường dẫn đến sự tự do được Chúa ban cho, và chạy theo thứ luận lý của những lề luật trong đó không có chỗ cho Chúa. Trong luận lý của tự do, có Thiên Chúa nhân lành là Đấng yêu thương, và yêu thương chúng ta rất nhiều; trái lại luận lý của lề luật không có chỗ cho Thiên Chúa, chỉ có điều này phải được làm, điều kia phải được thực hiện, cái đó là điều bắt buộc vân vân và vân vân. Con người trở thành thuần hóa, thành những kẻ dễ sai khiến với những tập quán xấu đến mức Chúa Giêsu gọi họ là “mồ mả tô vôi”.

Trên con đường này Mùa Chay thật là tốt khi chúng ta suy nghĩ về lời mời gọi này của Chúa để yêu thương, khi chúng ta suy nghĩ về luận lý của tự do nơi có tình yêu, và tự hỏi, tất cả chúng ta... tôi đang trên con đường nào? Tôi đang có nguy cơ biện minh cho bản thân mình để theo đuổi một con đường khác, một con đường với nhiều ngã rẽ bởi vì nó không dẫn đến bất kỳ cam kết nào ... và chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa ban cho ta ơn luôn luôn theo đuổi con đường cứu rỗi , mở lòng chúng ta ra cho ơn cứu rỗi chỉ đến từ Thiên Chúa , qua đức tin – chứ không phải từ những gì đã được đề xuất bởi những nhà thông luật, là những kẻ đã mất niềm tin, và đang dẫn dắt con người với một thứ thần học mục vụ về bổn phận.

2. Thiên Chúa không mệt mỏi trong việc tha thứ cho chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tình yêu của Thiên Chúa trong bài giảng sáng thứ Sáu 28 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài giải thích rằng Thiên Chúa luôn luôn nói với sự dịu dàng, ngay cả khi Ngài nói về sự hoán cải.

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta là những người luôn cảm thấy mệt mỏi xin tha thứ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng những người "có can đảm để tiếp cận Chúa, sẽ tìm thấy niềm vui lễ hội nơi Thiên Chúa", vì Ngài luôn luôn chờ đợi và tha thứ .

"Đây là trái tim của Cha chúng ta, Thiên Chúa là như thế. Ngài không mệt mỏi dọc dài thế kỷ này sang thế kỷ khác, với cơ man những bội giáo của dân Ngài. Và Ngài luôn luôn trở lại với dân Ngài vì Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa chờ đợi.

"Adong giã từ thiên đường không chỉ với một sự trừng phạt mà còn với một lời hứa. Và ... Chúa đã trung thành với lời hứa của mình vì Ngài không thể phủ nhận chính mình. Ngài là Đấng thành tín. Và, vì thế, Ngài chờ đợi tất cả chúng ta, trong suốt chiều dài lịch sử. Ngài là Thiên Chúa đã luôn luôn chờ đợi chúng ta".

"Nhưng thưa cha, con có quá nhiều tội lỗi, con không biết liệu Chúa còn đoái thương không?". Đó là mẫu đối thoại thường thấy giữa một người đã xa cách Thiên Chúa và một linh mục.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói:

"Nhưng hãy thử xem! Nếu bạn muốn biết sự dịu dàng của người Cha này, hãy gặp gỡ Ngài và thử xem. Sau đó nói cho tôi biết. "

Đức Thánh Cha nhấn mạnh về sự chào đón yêu thương của Thiên Chúa: "Thiên Chúa là Đấng chờ đợi chúng ta, Thiên Chúa là Đấng tha thứ cho chúng ta. Ngài không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta là những người luôn mệt mỏi cầu xin sự tha thứ."

"Bảy mươi lần bảy, luôn luôn là như thế. Chúng ta hãy tiến về phía trước với sự tha thứ của Ngài. Từ quan điểm kinh doanh, cán cân luôn luôn là âm. Ngài luôn luôn thua lỗ: Ngài thua lỗ trong cán cân chi thu nhưng chiến thắng trong tình yêu".

Thiên Chúa là người đầu tiên thực hiện giới răn yêu thương. Ngài yêu thương và không biết làm sao làm khác đi.

Các phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện với nhiều người bệnh cũng là một dấu chỉ của phép lạ vĩ đại mà Chúa thực hiện hàng ngày với chúng ta khi chúng ta có can đảm để đứng dậy và đến cùng Ngài. Khi mọi người trở về với Thiên Chúa, Thiên Chúa cử mừng những bữa tiệc không phải như bữa tiệc của người đàn ông giàu có bên cạnh người nghèo Lazarus tại cửa nhà mình. Nhưng, đó là bữa tiệc giống như bữa tiệc dọn ra bởi người cha của đứa con hoang đàng.

Những ai có can đảm để tiếp cận Chúa, sẽ tìm thấy niềm vui lễ hội nơi Thiên Chúa, vì Ngài luôn luôn chờ đợi và tha thứ. Cầu xin cho lời này giúp chúng ta nghĩ đến người Cha, là Đấng luôn dang rộng đôi tay tha thứ và cử mừng sự trở lại của chúng ta.

3. Hãy cảnh giác đừng tự phụ đánh giá người khác

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã nói về câu chuyện người mù được Đức Giêsu chữa lành trong ngày Sabat.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện một người đàn ông bị mù từ thuở mới sinh, và được Đức Giêsu chữa cho sáng mắt. Câu chuyện dài này kể về việc người mù thì được sáng mắt, còn những ai tự phụ là sáng mắt thì bị đóng lại và càng tăm tối trong tâm hồn hơn. Phép lạ chỉ được Thánh Gioan trình bày trong hai câu mà thôi vì vị Thánh Sử này không muốn lôi kéo sự chú ý đến bản thân phép lạ, nhưng muốn gây chú ý đến những gì diễn ra sau đó, tức là đến cuộc thảo luận nổ ra sau phép lạ này.

Đức Thánh Cha nhận định rằng:

Rất nhiều khi những việc làm tốt, những việc bác ái lại gây ra những cuộc đàm tiếu, những bàn luận bởi vì có một số người không muốn nhìn thấy sự thật. Và Thánh Sử Gioan muốn lôi kéo sự chú ý đến điều vẫn còn đang diễn ra giữa chúng ta ngày nay, khi có một điều tốt được thực thi. Người mù được chữa lành bị chất vấn trước hết bởi đám đông đang ngạc nhiên - họ thấy phép lạ và họ chất vấn anh ta; sau đó là đến lượt Giới Luật Sĩ. Những người này còn chất vấn cả bố mẹ anh ta nữa. Cuối cùng, người mù được chữa lành này đã đến được với đức tin, và đây là ơn lớn nhất mà Đức Giêsu đã làm cho anh ta: không chỉ nhìn thấy mà còn biết Người, thấy Người, Đấng là "ánh sáng của thế gian" (Ga 9,5)

Trong khi người mù dần dần có được ánh sáng, thì ngược lại, những tiến sĩ luật vẫn cứ chìm sâu trong sự tối tăm nội tâm. Họ đóng kín định kiến của mình, tin chắc rằng mình đã có được ánh sáng; vì thế, họ không mở mắt ra cho chân lý của Đức Giêsu. Họ làm đủ mọi cách để chối bỏ những điều hiển nhiên. Họ nghi ngờ về căn tính của người được chữa lành; rồi chối bỏ cả hành vi của Thiên Chúa trong việc chữa lành, với lý do là Thiên Chúa không chữa lành trong ngày Sabat; họ thậm chí còn nghi ngờ việc người này có thực sự bị mù từ thuở mới sinh không. Sự đóng kín của họ trước ánh sáng đã khiến họ trở nên nổi nóng và dẫn tới việc muốn trục xuất người đàn ông được chữa lành này ra khỏi đền thờ.

Con đường của người mù lại là một cuộc hành trình từng bước một, bắt đầu từ việc biết đến tên Giêsu. Anh ta không biết gì hơn về Ngài, anh ta nói: "Một người đàn ông tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi" (c.11). Trả lời câu hỏi của các tiến sĩ luật, anh ta cho rằng Ngài là một ngôn sứ (c 17) và rồi là một người kề cận Thiên Chúa (c 31). Sau khi anh ta ra khỏi đền thờ, bị trục xuất khỏi xã hội, Giêsu đi tìm anh ta lần nữa và "mở mắt cho anh" lần thứ hai, mặc khải cho anh biết căn tính đích thực của Ngài: "Ta là Đấng Mesia". Lúc này, người mù thưa rằng: "Lạy Chúa, con tin" (c 38) và anh ta cúi xuống trước mặt Giêsu. Nhưng, đây là một đoạn Tin Mừng cho chúng ta thấy thảm kịch của cái mù nội tâm của rất nhiều người, và của các chúng ta nữa, vì chúng ta, đôi khi, cũng có những lúc bị mù nội tâm.

Cuộc sống của chúng ta đôi khi cũng giống như người mù được cho sáng mắt, được mở ra với Thiên Chúa, với ân sủng. Nhưng tiếc thay, thỉnh thoảng, chúng ta cũng giống như các tiến sĩ luật: đứng trên sự tự phụ của mình mà đánh giá người khác, thậm chí phán xét cả Thiên Chúa! Hôm nay, chúng ta được mời gọi để mở ra cho ánh sáng của Đức Kitô để mang đến hoa trái trong đời sống của chúng ta, để bỏ đi những lối hành xử không mang tính Kitô hữu: tất cả chúng ta là những Kitô hữu, tất cả chúng ta, đôi khi chúng ta hành xử không phải là Kitô hữu, nhưng hành xử như những tội nhân. Và chúng ta phải hoán cải về điều này và nỏ đi những lối hành xử sai lạc đó để bước đi cách dứt khoát trên con đường nên thánh, vốn bắt nguồn từ Bí tích Thanh Tẩy, và nơi Bí tích này, tất cả chúng ta được chiếu sáng để, giống như thánh Phaolo nhắc nhở chúng ta, chúng ta có thể hành xử như "những người con của ánh sáng" (Ef 5,8) với sự khiêm nhường, nhẫn nại và lòng thương xót. Những tiến sĩ luật này không khiêm nhường cũng không nhẫn nại, và không thương xót.

Ngày hôm nay, cha xin đề nghị với các bạn là khi các bạn về nhà, cầm lấy cuốn Tin Mừng và đọc chương 9 của Tin Mừng Gioan này nhé. Nó sẽ giúp ích cho các bạn, vì các bạn sẽ thấy con đường từ chỗ tăm tối đến ánh sáng và con đường tồi tệ khác đi đến chỗ tăm tối hơn. Và rồi hãy tự hỏi mình: con tim của tôi như thế nào? Tôi có một con tim mở ra hay đóng kín? Mở ra hay đóng kín với Thiên Chúa? Mở ra hay đóng kín với tha nhân? Chúng ta luôn luôn có trong mình một chút đóng kín nào đó do tội lỗi sinh ra, do những sai phạm hay lỗi lầm của ta sinh ta: đừng sợ, đừng sợ". Chúng ta hãy mở ta với ánh sáng của Thiên Chúa: Người luôn đợi chờ chúng ta, để giúp chúng ta thấy rõ hơn, để ban cho chúng ta nhiều ánh sáng hơn và tha thứ cho chúng ta. Đừng quên điều này: Người luôn chờ đợi chúng ta.

4. Người tín hữu Kitô đích thực phải là người có lòng tông đồ nhiệt thành dám sống chết vì lý tưởng Tin Mừng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Ba 1 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta.

Đề cập đến bài Tin Mừng trong ngày trong đó thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị tê liệt tại hồ Bethesda vào một ngày Sa-bát, Đức Thánh Cha Phanxicô phân tích tình trạng bất ổn tinh thần của người bệnh, là người mà Chúa Giêsu đã chữa lành; và tâm lý bất an của những người Biệt Phái, là những người bắt đầu khủng bố và âm mưu chống lại Ngài, chỉ vì Ngài dám chữa lành trong ngày Sa-bát.

Đức Thánh Cha đã đề cập đến hai thứ tội lỗi. Tội thứ nhất là tội ưa chuộng những hình thức lễ tiết bên ngoài.

“Không, không thể có chuyện làm phép lạ trong ngày Sa-bát, ân sủng của Thiên Chúa không thể hoạt động trong ngày Sa-bát. Khi nói thế, họ đóng cửa ân sủng của Thiên Chúa. Những kẻ như thế có rất nhiều trong Giáo Hội… Những người như thế không có khả năng loan báo ơn cứu độ bởi vì họ đóng cửa ân sủng Thiên Chúa.”

Tội thứ hai liên quan đến sự thiếu lòng nhiệt thành tông đồ.

"Tôi nghĩ đến nhiều Kitô hữu, đến nhiều người Công Giáo: họ là người Công Giáo, nhưng không có lòng nhiệt thành, thậm chí cay đắng. Họ nói: Đời là đời, Giáo Hội là Giáo Hội - Tôi đi lễ mỗi Chúa Nhật, nhưng tốt nhất đừng lẫn lộn hai chuyện ấy với nhau - Tôi có đức tin dành cho tôi, tôi không cảm thấy cần phải trao ban nó cho người khác ... ' . Đèn nhà ai người nấy rạng, cuộc sống sẽ yên tĩnh. Nếu anh chị em làm điều này điều nọ thì họ chỉ trích anh chị em ngay lập tức: ‘Cứ để yên đấy, động tới làm gì?’. "Đây là căn bệnh lười, là sự thờ ơ của các Kitô hữu. Thái độ này làm tê liệt lòng nhiệt thành tông đồ, làm cho người tín hữu Kitô đứng yên và thoải mái, nhưng không phải theo nghĩa tốt của từ này. Họ không còn bận tâm ra đi rao giảng Tin Mừng! Họ đã bị gây mê.

Những kẻ như thế không thể tiến về phía trước bởi vì họ đã quyết định trụ lại trong chính mình, trong nỗi buồn của họ, trong sự oán giận của họ, trong tất cả những thứ như thế. Những kẻ như thế chẳng có ích gì cho Giáo Hội và chẳng mang ơn cứu độ đến cho ai."

Đức Thánh Cha kết luận rằng trước đông đảo những người nam nữ bị thương trong cuộc sống này, trong đó có không ít những vết thương gây ra bởi những người nam nữ trong Giáo Hội, người Kitô hữu đích thật phải có lòng nhiệt thành tông đồ để tiếp cận họ.

“Khi Chúa Giêsu chữa lành cho người bại liệt, Ngài nói: hãy đi và đừng phạm tội nữa. Lời nói thật dịu dàng, đầy tình yêu - và đây chính là con đường Kitô giáo, con đường của lòng nhiệt thành tông đồ: chúng ta hãy tiếp cận với những người bị thương trong cuộc sống này: Anh chị em có muốn được chữa lành không? Hãy đi và đừng phạm tội nữa”

5. Ơn cứu rỗi không thể mua bán

Ơn cứu rỗi không thể mua bán nhưng là một ân sủng đòi hỏi phải có một trái tim khiêm tốn như của Mẹ Maria.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng niềm tự phụ trong con tim đã dẫn Adong và Evà đến chỗ bất tuân phục lời Thiên Chúa, nhưng cái gút mắt bất tuân này đã được nới lỏng bởi Đức Maria với sự vâng phục của Mẹ.

Chúa đang đồng hành cùng dân Người. Và tại sao Người đi bên cạnh họ với sự dịu dàng như thế? Đó là để làm mềm con tim của chúng ta. Người nói rõ điều này: "Ta sẽ làm con tim ngươi trở thành một con tim bằng thịt". Người làm mềm con tim chúng ta để có thể đón nhận lời Người đã hứa trên thiên đường. Tội lỗi đã lẻn vào trong nhân loại nhưng nhờ một người ơn cứu rỗi đã đến trên chúng ta. Và con đường rất dài này sẽ giúp tất cả chúng ta có một trái tim nhân bản hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa, một con tim không tự cao, tự phụ.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Sự cứu rỗi không thể mua bán: đó là một ân sủng, được trao ban cho chúng ta cách nhưng không. Chúng ta không thể tự cứu độ chính bản thân chúng ta: Ơn cứu rỗi là một hồng ân nhưng không. Chúng ta không mua được bằng máu chiên, bò. Nhưng để nhận hồng ân đó, chúng ta phải có một con tim khiêm nhường, hiền lành, và vâng phục như con tim của Mẹ Maria. Mẫu gương hướng đến ơn cứu độ này là Con Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa nhưng đã không nghĩ phải dành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã nói.

Hôm nay chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, nhờ máu của Con Ngài, Đấng đã trở thành phàm nhân như chúng ta để cứu độ chúng ta. Đó là người Cha đang chờ đợi chúng ta mỗi ngày.... Hãy nhìn vào hình ảnh của Adong và Êvà, và hãy nhìn vào hình ảnh của Đức Maria và Chúa Giêsu. Hãy nhìn vào con đường lịch sử trong đó Thiên Chúa đồng hành với dân Người. Và chúng ta hãy nói : ‘Tạ ơn Chúa, vì hôm nay Chúa nói với chúng con rằng Chúa đã ban cho chúng con ơn cứu rỗi. Hôm nay là một ngày để tạ ơn Chúa.’

6. Đừng là du khách trên hành trình đức tin

Trình bày những suy tư của ngài về các bài đọc trong ngày Thứ Hai Tuần Thứ 4 Mùa Chay, trích từ sách tiên tri Isaiah và Tin Mừng theo thánh Gioan, hôm 31 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phân biệt ba loại Kitô hữu khác nhau và cách thế họ sống cuộc sống tâm linh của mình.

Đức Thánh Cha nói rằng trước khi Thiên Chúa đòi hỏi bất cứ điều gì nơi chúng ta, Ngài luôn luôn hứa với chúng ta một cuộc sống mới trong niềm vui, do đó, tự bản chất, đời sống Kitô luôn luôn là cuộc hành trình trong hy vọng và tin tưởng đối với những lời hứa của Thiên Chúa.

Nhưng có rất nhiều Kitô hữu hy vọng thật yếu ớt và trong khi họ tin và làm theo các điều răn, họ đã đi đến chỗ bế tắc trong đời sống tinh thần của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng Thiên Chúa không thể sử dụng những người như thế là men trong dân Người bởi vì họ đã dừng lại và họ không còn di chuyển về phía trước nữa.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Loại thứ hai là những người trong chúng ta đã có những bước ngoặt sai và lầm đường lạc lối. Tất nhiên, tất cả chúng ta đôi khi đi theo con đường sai trái, nhưng vấn đề thực sự nảy sinh khi chúng ta không muốn quay trở lại dù đã nhận ra sai lầm của mình.

Mẫu gương của một tín hữu thật sự là những ai theo đuổi những lời hứa đức tin, như là viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay, là người đã xin Chúa Giêsu chữa lành cho con trai của mình và không chút nghi ngờ gì khi Chúa nói với ông là đứa bé đã được chữa khỏi.

Đức Giáo Hoàng cảnh cáo rằng có rất nhiều Kitô hữu không hành động giống như viên sĩ quan đó. Họ tự đánh lừa mình và đi lang thang không mục đích, không tiến được bước nào về phía trước. Những người này, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, có lẽ là nhóm nguy hiểm nhất bởi vì họ đi lang thang qua cuộc sống như những khách nhàn du không một mục tiêu và không coi trọng lời hứa của Thiên Chúa.

Nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta không được dừng lại, không để lạc lối và không đi lang thang qua cuộc sống. Ngài đòi hỏi chúng ta phải tiến bước không ngừng, hướng về những lời hứa của Thiên Chúa như viên sĩ quan là người đã tin vào những gì Chúa Giêsu nói với ông .

Bất chấp thân phận tội lỗi của con người chúng ta là những người thường lầm đường lạc lối, Chúa luôn luôn ban cho chúng ta ân sủng để quay trở lại. Mùa Chay, là thời điểm tốt để xem xét liệu chúng ta đang hành trình về phía trước hay là chúng ta đã đi đến chỗ bế tắc. Nếu chúng ta đã sai lầm, chúng ta nên đi xưng tội và trở về đường ngay nẻo chính. Nếu chúng ta đang lang thang về tâm linh, nhàn du qua cuộc sống một cách bất định hướng, chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho ân sủng để khởi hành một lần nữa trên hành trình hướng tới những lời hứa đức tin của chúng ta.

7. Câu chuyện Thánh Nữ Clara

Thánh nữ Clara sinh vào khoảng năm 1193 tại thành Assisi, nước Ý. Clara thường nghe thánh Phanxicô Assisi thuyết giảng.

Trái tim Clara bừng lên niềm khao khát mãnh liệt là muốn bắt chước tấm gương của Phanxicô. Như Phanxicô, Clara cũng muốn sống cuộc đời nghèo khó và khiêm nhường vì Đức Chúa Giêsu.

Nhưng khổ nỗi song thân của Clara là những người rất giàu có không bao giờ chấp nhận một dự định như vậy! Thế rồi, vào một buổi tối Chúa Nhật Lễ Lá năm 1212, lúc vừa tròn 18, Clara đã rời bỏ gia đình thân thương và mái nhà sang trọng của mình.

Và trong một nguyện đường bé nhỏ nằm bên ngoài thành phố Assisi, Clara đã dâng hiến mình cho Thiên Chúa. Thánh Phanxicô cắt mái tóc dài của Clara và trao cho Clara một tu phục nâu kết bằng vải thô. Clara ở với các sơ Bênêđictô cho tới khi có nhiều chị em cùng đến tham gia với ngài. Song thân của Clara đã cố gắng dùng mọi phương thế để bắt Clara về nhà nhưng không được. Chẳng bao lâu sau đó, cả Annê, cô em 15 tuổi của Clara, cũng đến xin gia nhập với ngài.

Sau đó ít lâu, người ta thấy hình thành một cộng đoàn đạo đức nhỏ. Họ sống trong căn nhà tọa lạc gần bên nhà thờ thánh Đamianô, căn nhà được chính thánh Phanxicô Assisi sửa lại. Thánh nữ Clara và các chị em của ngài đã khấn không bao giờ ăn thịt, luôn đi chân không, sống trong căn nhà nghèo khó với bầu khí thinh lặng và cầu nguyện. Tuy nhiên, họ rất hạnh phúc vì được sống cuộc đời nghèo khó như Đức Chúa Giêsu.

Lần kia, có một đội quân hung hãn đã tiến vào công phá thành Assisi. Dù đau nặng, thánh nữ Clara cũng nài xin chị em đưa mình tới cửa sổ. Thánh nữ cho đặt Mình Thánh Chúa ngay tại nơi các binh lính có thể trông thấy. Sau đó, thánh nữ Clara quỳ xuống và nài xin Thiên Chúa ra tay cứu thoát các nữ tu và thành phố.

Thánh nữ nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy bảo vệ những chị em này, những người mà giờ đây con không thể bảo vệ nổi!” Và dường như có một tiếng nói bên trong phát ra: “Ta sẽ luôn gìn giữ chúng trong sự quan phòng của Ta!” Ngay lúc ấy, một sự sợ hãi thình lình giáng xuống trên kẻ địch, và họ đã nhanh chân rời bỏ thành phố.

Thánh nữ Clara làm bề trên hội dòng được 40 năm. Thánh nữ đã sống hầu hết đời mình để bảo vệ điều mà ngài gọi là “đặc ân thanh bần” mời gọi chị em sống từ khước hết mọi của cải, và chỉ hoàn toàn tin cậy vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Thánh nữ Clara về trời ngày 11 tháng Tám năm 1253. Chỉ hai năm sau, Đức Thánh Cha Alexander Đệ Tứ đã tôn phong Clara lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện:

Lạy Chúa trái tim chúng con quá đầy những thứ phù hoa của cõi đời này và chúng con thiếu can đảm để loại bỏ những thứ làm đầy con tim mình. Tim chúng con đầy những tiền và tiền. Trái tim chúng con đã bị giam cầm khi nó được gắn liền với tiền bạc, chúng con điên đảo vì tiền và chúng con mất tự do chọn lựa. Tất cả mọi thứ, tiền đã chọn cho chúng con.

Xin cho chúng con biết sống thanh bần để con tim chúng con vơi đi lòng quyến luyến những thứ chóng qua của đời này và thao thức cuộc sống bên Chúa muôn đời. Amen.