Chúa Nhật 1 Mùa Chay A
St 2,7-9;3,1-7 ; Rm 5,12-19 ; Mt 4,1-11
PHƯƠNG CÁCH CHỐNG TRẢ CÁM DỖ CỦA MA QUỶ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 4,1-11
(1) Bây giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. (2) Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. (3) Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi !”. (4) Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. (5) Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, (6) rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. (7) Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. (8) Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, (9) và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. (10) Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi !” (11) Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và kìa các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su như một Mô-sê Mới, lãnh đạo một cuộc Xuất Hành Mới. Người còn là hiện thân của dân Ít-ra-en Mới vào sa mạc để sống lại kinh nghiệm của dân Ít-ra-en xưa trong sa mạc và trên núi Xi-nai (x Đnl 8,2-4). Có điều khác với Ít-ra-en xưa đã vấp ngã trước cám dỗ của ma quỷ khi trải qua sự đói khát, kiêu ngạo và tôn thờ tà thần, Đức Giê-su đã qua các cơn thử thách cám dỗ mà vẫn trung thành với sứ mạng của mình. Người muốn nêu gương cho chúng ta hôm nay về phương cách chống trả các cơn cám dỗ thế nào.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-4: + Được Thần Khí dẫn vào hoang địa: Thần khí đã ngự xuống trên Đức Giê-su, giờ đây lại hướng dẫn Người vào nơi hoang vắng, có lẽ là một hang núi gần thành Giê-ri-cô. + Để chịu quỷ cám dỗ: Cám dỗ đồng nghĩa với sự thử thách do ma quỷ thực hiện. Khi bị cám dỗ mà chiều theo thì mới phạm tội. Còn nếu bị cám dỗ mà chống trả được thì lại có công. Đức Giê-su cũng trải qua sự thử thách, nghĩa là phải lựa chọn giữa tốt và xấu. Thần Khí đã đặt Đức Giê-su vào một hoàn cảnh để Người tự khẳng định lập trường và chứng tỏ là Con hiếu thảo luôn làm đẹp lòng Chúa Cha. + Bốn mươi đêm ngày: Cũng như Mô-sê trước khi nhận hai bia đá Giao ước, đã lên núi bốn mươi ngày đêm, ăn chay cầu nguyện (x. Đnl 9,9), và sau đó lại ăn chay thêm bốn mươi ngày đêm để nài xin Đức Chúa nguôi giận mà tha tội cho dân Ít-ra-en đã vi phạm Giao ước khi đúc tượng bê vàng mà thờ lạy (x. Đnl 9,18). Ngoài ra con số bốn mươi trong Thánh Kinh nhằm để ám chỉ một thời gian khá dài như: lụt đại hồng thủy suốt bốn mươi ngày đêm, dân Ít-ra-en đi trong hoang địa bốn mươi năm, Vua Đa-vít cai trị bốn mươi năm, bốn mươi ngày giữa lễ Phục Sinh và lễ Thăng Thiên… Sở dĩ Đức Giê-su có thể ăn chay nhịn đói suốt bốn mươi ngày đêm là nhờ ơn Chúa nâng đỡ. + Nếu ông là Con Thiên Chúa: Tước hiệu này thuộc nội dung các lời hứa về Đấng Mê-si-a con vua Đa-vít (x. Tv 2,7; 89,27). Ngoài ra tước hiệu này nới Đức Giê-su còn mang ý nghĩa về Thần tính của Người. + Hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi: Ma quỷ xúi giục Đức Giê-su hãy biến các viên đá cuội thành bánh mì mà ăn. Chúng hy vọng có thể do bị đói khát, Người sẽ quên vai trò Đấng Mê-si-a để làm theo ý riêng hơn là vâng theo thánh ý Thiên Chúa. + Đã có lời chép: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh…”: Đây là lời trong Sách Đệ Nhị Luật (8,3) mà Đức Giê-su đã chọn để sẵn sàng vâng phục Thiên Chúa, nhờ đó Người đã chiến thắng cơn cám dỗ của ma quỷ. Sau này Người cũng nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).
- C 5-7: + “Hãy gieo mình xuống đi”: Ma quỷ xúi Đức Giê-su thử thách quyền năng Thiên Chúa khi gieo mình từ trên cao rơi xuống để buộc Thiên Chúa phải ra tay làm phép lạ cứu cho khỏi chết. + Có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn…”: Ma quỷ đã nêu ra câu Thánh Vịnh này theo nghĩa đen (Tv 91,11-12). + Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách…”: Đây là câu lời Chúa trong sách Đệ nhị luật: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Ma-xa” (Đnl 6,16). Trái với dân Ít-ra-en xưa đã đòi Đức Chúa phải làm dấu lạ để chứng minh quyền năng của Ngài, còn Đức Giê-su hoàn toàn tin cậy và không thử thách quyền năng của Chúa Cha bằng việc đòi Ngài phải làm dấu lạ bề ngoài (x. Ga 6,30-33).
- C 8-11: + Đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian…: Câu này nhắc lại sự kiện xưa kia Mô-sê lên núi Nê-bô và đã được Đức Chúa cho nhìn thấy tất cả Miền Đất Hứa (x. Đnl 31,1-4). Nay ma quỷ cũng tác động làm cho Đức Giê-su tưởng tượng ra mình đang ở trên núi và nhìn thấy những của cải châu báu để cám dỗ Người hãy thờ lạy nó như chúa tể để được nó ban cho của cải trần gian. + Xa-tan kia, xéo đi !: Xa-tan nghĩa là “tên cám dỗ”. Sau này Đức Giê-su cũng xua đuổi Phê-rô giống như thế khi ông cám dỗ Người đừng chấp nhận con đường thập giá theo ý Chúa Cha (x. Mt 16,23). + Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi: Đây là câu trích trong sách Đệ nhị luật (6,4.13), cho thấy chỉ duy có một Thiên Chúa độc nhất mà mọi người đều phải tôn thờ phụng sự Ngài.
4. HỎI ĐÁP:
1) HỎI: Cám dỗ là gì ? Bị cám dỗ thì đã phạm tội chưa ? Ta cần làm gì để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt mình ?
ĐÁP:
- Cám dỗ là việc ma quỷ xúi giục một người phạm tội chống lại Thiên Chúa khi cố tình không vâng lời Chúa dạy để vi phạm các giới răn Ngài truyền.
- Mỗi cơn cám dỗ thường có ba giai đoạn: Một là ma quỷ gợi lên một hình ảnh, một tư tưởng xấu trong tâm trí người ta. Hai là ma quỷ xúi người ta thỏa mãn đam mê dục vọng ấy bằng sự ưng thuận. Ba là sự chọn lựa tự do: nếu chiều theo ma quỷ tức là phạm tội và làm Chúa buồn. Còn nếu từ chối không nghe theo ma quỷ, họ sẽ được Chúa chúc phúc và sẽ làm cho Chúa vui.
- Để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su: Năng hãm mình và ăn chay để tập làm chủ bản năng của mình, siêng năng học sống Lời Chúa, vì Lời Chúa sắc bén như thanh gươm hai lưỡi có thể chiến đấu với ma quỷ như Đức Giê-su đã nêu gương (x. Mt 4,4.7.10), năng cầu xin ơn Chúa ban ơn trợ giúp và luôn làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như Đức Giê-su đã luôn theo sự hướng dãn của Thần Khí (x.Mt 4,1).
2) HỎI: Đức Giê-su bị ma quỷ cám dỗ trong tâm trí hay trong thực tế ?
ĐÁP: Việc quỷ đặt Đức Giê-su lên nóc Đền thờ, đem Người lên một ngọn núi cao và chỉ cho Người xem tất cả vinh hoa lợi lộc của các nước trên thế gian… cho thấy Đức Giê-su có bị ma quỷ cám dỗ, nhưng chúng chỉ cám dỗ Người trong tâm trí, chứ không thực sự đem Người từ nơi này đến nơi kia.
3) HỎI: Đức Giê-su trải qua cơn cám dỗ của ma quỷ nhằm mục đích gì?
ĐÁP: Sau khi chịu phép Rửa của Gio-an và được Thần Khí hiện xuống xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Đấng Ki-tô, Đức Giê-su đã được Thần Khí dẫn vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày và chịu ma quỷ cám dỗ. Sở dĩ Người chịu ma quỷ cám dỗ là nhằm ba mục đích như sau:
- Một là để trải qua những sự thử thách của nguyên tổ A-đam E-và xưa trong vườn địa đàng (x St 3,1-24), và của dân Ít-ra-en trong cuộc Xuất Hành (Đnl 8,2-4). Vì Người là A-đam Mới và là Ít-ra-en Mới của Thiên Chúa trong thời Tân Ước (x Rm 5,18-19).
- Hai là để nêu gương ăn chay cầu nguyện cho các tín hữu, nhờ đó chúng ta sẽ làm chủ được bản thân và sẽ dễ dàng chiến thắng ma quỷ cám dỗ chúng ta hưởng thụ các lạc thú bất chính (x Mt 17,21; Mc 9,29)..
- Ba là để nêu gương vâng theo sự hướng dẫn của Thần Khí hay Chúa Thánh Thần: Nếu chúng ta biết nghe theo sự hướng dẫn của Thần Khí qua việc siêng năng học sống Lời Chúa, chúng ta sẽ luôn vâng lời Chúa phán hơn là nghe theo ma quỷ để làm theo ý mình, như Đức Giê-su có lần đã quở trách ông Si-mon Phê-rô (x Mt 16,21-23).
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).
2. CÂU CHUYỆN: TAM THẬP LỤC KẾ: ĐÀO VI THƯỢNG SÁCH
Ở núi Phong Khê đất Thục có một giống đười ươi có bộ mặt giống như người. Chúng biết nói cười và máu của chúng được người ta dùng làm thuốc nhuộm quần áo rất tốt, nên các thợ săn thường tổ chức săn bắt chúng. Biết được loài đười ươi này thích uống rượu và đi guốc, thợ săn đã đem rượu và guốc đến bày la liệt trên một cánh đồng trống để nhử chúng, rồi ẩn núp ở nơi kín đáo chờ đợi. Dù sống sâu trong rừng, nhưng loài đười ươi lại có khứu giác rất nhậy nên chúng đã ngửi thấy mùi rượu thơm liền kéo nhau tìm đến cánh đồng uống rượu. Tuy các con già đời đoán biết đó là bẫy của bọn thợ săn, nên đã nhắc nhở cho cả bầy rằng: “Hãy cảnh giác, đừng khờ dại uống rượu đi guốc kẻo bị mắc mưu của bọn người độc ác kia đó”. Cả bầy nghe vậy liền buồn bã bỏ đi. Nhưng rồi một con bị mùi rượu thơm hấp dẫn không thể cưỡng lại, liền tỏ ra bất chấp lời khuyên khôn ngoan kia và rủ đồng bọn quay trở lại. Rồi “quen mui thấy mùi ăn mãi”, chúng tranh giành nhau chí choé nốc cạn hết bầu rượu này đến bầu rượu khác. Đến lượt các con già cả khôn ngoan tuy biết là nguy hiểm, nhưng không thể cưỡng được sự hấp dẫn của rượu, cũng lao vào uống no say. Sau đó chúng xỏ chân vào guốc bên cạnh bước tới bước lui ngả nghiêng trông thật tức cười. Bấy giờ bọn thợ săn liền hò nhau từ chỗ ẩn nấp, nhất tề xông đến vây bắt. Thấy bọn thợ săn, bầy đười ươi đáng thương liền bỏ chạy tán loạn. Nhưng chân đi guốc không quen, bị té nhào vào nhau và bị bọn thợ săn bắt gọn không sót một con.
Than ôi! Biết rõ người ta đặt bẫy hại mình, mà vẫn lao vào ăn uống đến nỗi tất cả đều bị mất mạng thì thật ngu dại hết sức! Đối với nhiều người hôm nay thì rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút chích sì-ke ma túy… là những thứ làm mất nhân tính, biến mình trở thành những kẻ bất lương trộm cướp giết người, rồi còn có thể bị lây nhiễm HIV-AIDS. Thế mà vẫn có không ít người nhắm mắt lao mình vào những đam mê chết người đó thì không phải khờ dại lắm sao ?
Đối với các cơn cám dỗ về đam mê sắc dục và ma túy, thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình có đủ bản lãnh để chống trả lại được, và cần phải theo lời cổ nhân dạy: “Tam thập lục kế: Đào vi thượng sách” (Ba mươi sáu phương thế thì chạy trốn là phương thế hay nhất). Đừng bao giờ thử hút chích sì ke ma túy, thử đi bia ôm, thử đánh số đề một lần… Vì nếu thử dù chỉ một lần mà thôi thì đã bắt đầu trở thành con nghiện và là người xấu thuộc về ma quỷ rồi vậy !
3. SUY NIỆM:
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng: Chiến đấu với thiên nhiên để tồn tại, chiến đấu với kẻ thù để khỏi bị tiêu diệt, chiến đấu với xác thịt để trở nên người tốt. Hôm nay Giáo Hội còn dạy chúng ta phải chiến đấu với một loại kẻ thù vô hình nguy hiểm là ma quỷ. Chính Đức Giê-su đã chiến đấu và chiến thắng ma quỷ để nêu gương cho chúng ta. Vậy ngày nay ma quỷ thường cám dỗ chúng ta về những vấn đề gì ? Và chúng ta phải làm gì để chiến thắng nó ?
1) CÁM DỖ XƯA VÀ NAY: Cũng như xưa, ngày nay ma quỷ thường cám dỗ chúng ta về ba phương diện như sau:
+ Một là về THÚ VUI: Ma quỷ xúi Đức Giê-su biến các viên đá cuội trở thành bánh mì mà ăn, tức là dùng quyền năng Thiên Chúa để thỏa mãn các nhu cầu vật chất thể xác, giống như dân Ít-ra-en trong hoang địa ngày xưa đã kêu trách Đức Chúa và Mô-sê khi họ bị đói khát và thèm thịt thà và các thứ rau thơm mà họ đã từng ăn khi còn ở Ai cập (x. Xh 16,3). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta tìm thỏa mãn các đam mê xác thịt bất chính như ăn chơi sa đọa, rượu chè say xỉn, chơi cờ bạc số đề và hút chích sì-ke ma túy…
+ Hai là về DANH VỌNG: Ma quỷ xúi Đức Giê-su nhảy từ nóc Đền thờ xuống để được người đời khen ngợi và để thử thách đòi Thiên Chúa phải chứng tỏ quyền năng bằng việc ra tay làm phép lạ cứu ngài thóat chết (x. Lc 23,35). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta thử thách quyền năng Thiên Chúa khi đòi Ngià làm phép lạ trái với định luật tự nhiên do Ngài an bài chung trong vũ trụ thiên nhiên để chiều theo sở thích cá nhân riêng tư của chúng ta !
+ Ba là QUYỀN LỢI: Ma quỷ xúi Đức Giê-su sấp mình thờ lạy nó để được nó ban cho quyền hành trên muôn nước và được hưởng các thứ lợi lộc giàu sang (x. Xh 32,6). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và tôn thờ sức mạnh của tiền tài, chọn làm những việc bất chính miễn là có nhiều tiền như: buôn bán sì ke ma túy, mở quán bia ôm, cà phê tươi mát, tin theo thầy bói, đồng bóng, cầu cơ, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất hàng nhái…
2) PHƯƠNG THẾ ĐỂ CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ:
Đức Giê-su đã chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ bằng các phương thế như sau:
+ ĂN CHAY CẦU NGUYỆN: Người đã vào hoang địa ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày. Ma quỷ đã đánh thẳng vào điểm yếu của Đức Giê-su là tình trạng bị đói để xúi Người biến đá thành bánh ăn. Nhưng nhờ nội lực mạnh mẽ do ăn chay cầu nguyện, mà Người đã chiến thắng ma quỷ. Sau này Người cũng dạy các môn đệ phải dùng phương thế chay tịnh cầu nguyện như sau: “Giống quỷ ấy chỉ trừ khử được bằng lời cầu nguyện thôi” (Mc 9,29).
+ HỌC SỐNG LỜI CHÚA: Để đáp lại sự trích dẫn Lời Chúa của ma quỷ, Đức Giê-su cũng dùng Lời Thánh Kinh để bắt chúng phải câm miệng. Lời Chúa chính là ánh sáng chỉ đường và là nguyên tắc ứng xử của Đức Giê-su. Chẳng hạn: Đáp lại lời xúi biến đá thành bánh, Đức Giê-su nêu cao Lời Chúa trong Sách Thánh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Đnl 8,3). Đáp lại cám dỗ thờ lạy ma quỷ để được hưởng quyền hành lợi lộc của nó, Đức Giê-su nêu ra Lời Chúa trong Sách Thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và thờ phượng một mình Người mà thôi” (x. Đnl 6,13). Đáp lại cám dỗ gieo mình từ nóc Đền thờ xuống, Đức Giê-su đưa ra Lời dạy của Chúa trong Sách Thánh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (x. Đnl 6,16).
3) ÁP DỤNG CỤ THỂ:
a) Bị thử thách cám dỗ là thân phận của con người: Ðức Giê-su tuy là Con Thiên Chúa nhưng Tin Mừng cho thấy Người cũng đã trải qua cơn cám dỗ của ma quỷ. Người chịu cám dỗ để nêu gương chiến đấu và chiến thắng các chước cám dỗ của ma quỷ cho loài người chúng ta học tập noi theo. Qua việc bị ma quỷ cám dỗ, Đức Giê-su cho thấy Người cũng là một con người giống như chúng ta mọi đàng nên sẽ thông cảm với sự yếu đuối cũng như tội lỗi của chúng ta như tác giả thư Do thái đã viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Tuy nhiên dù bị cám dỗ như ta, nhưng Người đã chiến thắng ma quỷ cám dỗ để nêu gương sáng cho chúng ta.
b) Phân biệt giữa cám dỗ và phạm tội:
Thực ra cám dỗ không nhất thiết là điều xấu, và có thể lại còn cần thiết nữa. Thật vậy, bị ma quỷ cám dỗ chính là dịp để chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân và chứng tỏ sự vâng phục của ta. Vì loài người chúng ta không thể chứng tỏ lòng yêu mến, vâng phục nếu không bị thử thách, nghĩa là chưa có cơ hội để có thể không vâng lời và không yêu mến như lời Thánh Kinh: “Lửa thử vàng, gian nan thử người công chính” (Cn 17,3).
Đối với người bình thường thì hay gặp cám dỗ chọn lựa giữa hai điều tốt xấu, qua đó sẽ chứng tỏ họ thuộc loại người nào. Còn đối với những người ở trình độ cao hơn, thì cám dỗ là sự lựa chọn giữa hai điều đều tốt, và họ phải chọn điều nào tốt hơn, để chứng tỏ quyết tâm lên bậc thánh thiện hơn. Thiên Chúa cũng muốn ta chứng tỏ rằng ta coi tình yêu của Ngài giá trị hơn nhà cửa, ruộng vườn, của cải, thậm chí hơn cả tình cảm anh em, cha mẹ, vợ con của ta, bằng cách cho ta có dịp chọn giữa Ngài và những giá trị ấy.
3. Chọn điều nào khi bị cám dỗ giữa hai điều tốt:
a. Ứng với cám dỗ thứ nhất của Ðức Giê-su là nhu cầu sự sống: Chẳng hạn giữa tình yêu Thiên Chúa và mạng sống của mình, các thánh tử đạo đã chọn tin yêu Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận chịu chết. Trong cuộc đấu tranh cho công lý, mục sư Martin Luther King đã coi công lý, tình yêu đối với người bị áp bức hơn sự an toàn và mạng sống. Cuối cùng ông đã chết và được cả thế giới ngưỡng mộ tôn vinh. Những người nói trên đã chọn về phía đấu tranh cho công lý và tình thương những kẻ bị áp bức. Ngược lại, nếu vì muốn được an toàn, muốn bảo vệ nồi cơm hay sự thoải mái đang có mà chọn im lặng trước sai trái bất công, đồng nghĩa với sự lõa với điều xấu là chúng ta đã chịu khuất phục trước sự cám dỗ của quỷ dữ.
b. Ứng với cám dỗ thứ hai của của Ðức Giê-su là nhu cầu muốn được nổi danh: Thực ra chuộng danh thơm tiếng tốt để gia tăng uy tín và là người có sĩ diện... đều là những giá trị cao quí, như Nguyễn công Trứ đã viết: ”Ðã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Nhưng vẫn có những giá trị cao hơn công danh, uy tín nói trên... Đó là những giá trị về tâm linh. Nếu để được thăng tiến bản thân mà “thượng đội hạ đạp” là ta đã coi những giá trị tự nhiên cao hơn giá trị tâm linh. Tội lỗi phát sinh từ sự lựa chọn không chính đáng ấy.
c. Ứng với cám dỗ thứ ba của Ðức Giê-su là nhu cầu quyền lực, muốn mọi sự xảy ra theo ý của mình: Trong xã hội, cũng cần phải có chính quyền như lời thánh Phao-lô. Nếu tranh giành quyền lực bằng phương thế chính đáng để có thể phục vụ lợi ích xã hội thì là điều đáng khuyến khích. Nhưng nếu tranh giành quyền hành vì vụ lợi ích kỷ thì lại không tốt, như ông kinh sư đã phát biểu hợp ý Đức Giê-su: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ “ (Mc 12,33). cám dỗ chính là dịp để chứng tỏ lòng “mến Chúa yêu người” của các tín hữu chúng ta.
4. Phương cách chống trả cơn cám dỗ: Ngày nay khi bị cám dỗ, chúng ta cần chống trả bằng những phương cách như sau:
+ “Đào vi thượng sách”: Tránh tò mò truy cập các trang phim ảnh xấu trên mạng internet
+ Tránh ở không: Chăm chỉ làm việc bổn phận và tránh ở không, vì "Sự lười biếng là cha của mọi thói hư tật xấu".
+ Năng đọc kinh Lạy Cha để cầu xin Chúa: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
+ Xin ơn Chúa Trợ giúp khi bị cám dỗ: Làm dấu thánh giá và kêu cầu ơn Chúa như thánh Phê-rô xưa: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (x. Mt 14,30-32); Dứt khoát xua đuổi ma quỷ noi gương Đức Giê-su: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi !” (Mt 4,10).
+ Chọn một việc hợp sở thích như đọc sách, xem phim truyền hình, đi bơi lội hay chơi một môn thể thao lành mạnh, thăm bạn bè, tham gia hội đoàn Công Giáo Tiến hành để cùng “hiệp sông Tin Mừng” hằng tuần và chu toàn công tác tông đồ truyền giáo được cấp trên trao phó.
4.THẢO LUẬN: Bạn nên chọn ơPhương thế nào hiệu quả và dễ áp dụng nhất trong các phương thế trên để chiến thắng ma quỷ cám dỗ trong Mùa chay này?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay con rất cảm phục thái độ cương quyết không khoan nhượng của Chúa khi đương đầu với ma quỷ cám dỗ. Chính nhờ ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày, mà Chúa đã được gia tăng nội lực tinh thần. Chính nhờ luôn vâng theo sự hướng dẫn của Thần Khí, mà Chúa đã luôn chọn làm theo thánh ý Chúa Cha và cương quyết xua đuổi ma quỷ cám dỗ: “Xa-tan kia, xéo đi!”.
- LẠY CHÚA. xin giúp con biết nghe theo lời khuyên của thánh Phê-rô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5,6-9). Nhờ đó, con sẽ trở nên con ngoan hiếu thảo, luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, noi gương Chúa khi xưa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH
St 2,7-9;3,1-7 ; Rm 5,12-19 ; Mt 4,1-11
PHƯƠNG CÁCH CHỐNG TRẢ CÁM DỖ CỦA MA QUỶ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 4,1-11
(1) Bây giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. (2) Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. (3) Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi !”. (4) Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. (5) Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, (6) rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. (7) Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. (8) Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, (9) và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. (10) Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi !” (11) Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và kìa các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su như một Mô-sê Mới, lãnh đạo một cuộc Xuất Hành Mới. Người còn là hiện thân của dân Ít-ra-en Mới vào sa mạc để sống lại kinh nghiệm của dân Ít-ra-en xưa trong sa mạc và trên núi Xi-nai (x Đnl 8,2-4). Có điều khác với Ít-ra-en xưa đã vấp ngã trước cám dỗ của ma quỷ khi trải qua sự đói khát, kiêu ngạo và tôn thờ tà thần, Đức Giê-su đã qua các cơn thử thách cám dỗ mà vẫn trung thành với sứ mạng của mình. Người muốn nêu gương cho chúng ta hôm nay về phương cách chống trả các cơn cám dỗ thế nào.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-4: + Được Thần Khí dẫn vào hoang địa: Thần khí đã ngự xuống trên Đức Giê-su, giờ đây lại hướng dẫn Người vào nơi hoang vắng, có lẽ là một hang núi gần thành Giê-ri-cô. + Để chịu quỷ cám dỗ: Cám dỗ đồng nghĩa với sự thử thách do ma quỷ thực hiện. Khi bị cám dỗ mà chiều theo thì mới phạm tội. Còn nếu bị cám dỗ mà chống trả được thì lại có công. Đức Giê-su cũng trải qua sự thử thách, nghĩa là phải lựa chọn giữa tốt và xấu. Thần Khí đã đặt Đức Giê-su vào một hoàn cảnh để Người tự khẳng định lập trường và chứng tỏ là Con hiếu thảo luôn làm đẹp lòng Chúa Cha. + Bốn mươi đêm ngày: Cũng như Mô-sê trước khi nhận hai bia đá Giao ước, đã lên núi bốn mươi ngày đêm, ăn chay cầu nguyện (x. Đnl 9,9), và sau đó lại ăn chay thêm bốn mươi ngày đêm để nài xin Đức Chúa nguôi giận mà tha tội cho dân Ít-ra-en đã vi phạm Giao ước khi đúc tượng bê vàng mà thờ lạy (x. Đnl 9,18). Ngoài ra con số bốn mươi trong Thánh Kinh nhằm để ám chỉ một thời gian khá dài như: lụt đại hồng thủy suốt bốn mươi ngày đêm, dân Ít-ra-en đi trong hoang địa bốn mươi năm, Vua Đa-vít cai trị bốn mươi năm, bốn mươi ngày giữa lễ Phục Sinh và lễ Thăng Thiên… Sở dĩ Đức Giê-su có thể ăn chay nhịn đói suốt bốn mươi ngày đêm là nhờ ơn Chúa nâng đỡ. + Nếu ông là Con Thiên Chúa: Tước hiệu này thuộc nội dung các lời hứa về Đấng Mê-si-a con vua Đa-vít (x. Tv 2,7; 89,27). Ngoài ra tước hiệu này nới Đức Giê-su còn mang ý nghĩa về Thần tính của Người. + Hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi: Ma quỷ xúi giục Đức Giê-su hãy biến các viên đá cuội thành bánh mì mà ăn. Chúng hy vọng có thể do bị đói khát, Người sẽ quên vai trò Đấng Mê-si-a để làm theo ý riêng hơn là vâng theo thánh ý Thiên Chúa. + Đã có lời chép: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh…”: Đây là lời trong Sách Đệ Nhị Luật (8,3) mà Đức Giê-su đã chọn để sẵn sàng vâng phục Thiên Chúa, nhờ đó Người đã chiến thắng cơn cám dỗ của ma quỷ. Sau này Người cũng nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).
- C 5-7: + “Hãy gieo mình xuống đi”: Ma quỷ xúi Đức Giê-su thử thách quyền năng Thiên Chúa khi gieo mình từ trên cao rơi xuống để buộc Thiên Chúa phải ra tay làm phép lạ cứu cho khỏi chết. + Có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn…”: Ma quỷ đã nêu ra câu Thánh Vịnh này theo nghĩa đen (Tv 91,11-12). + Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách…”: Đây là câu lời Chúa trong sách Đệ nhị luật: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Ma-xa” (Đnl 6,16). Trái với dân Ít-ra-en xưa đã đòi Đức Chúa phải làm dấu lạ để chứng minh quyền năng của Ngài, còn Đức Giê-su hoàn toàn tin cậy và không thử thách quyền năng của Chúa Cha bằng việc đòi Ngài phải làm dấu lạ bề ngoài (x. Ga 6,30-33).
- C 8-11: + Đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian…: Câu này nhắc lại sự kiện xưa kia Mô-sê lên núi Nê-bô và đã được Đức Chúa cho nhìn thấy tất cả Miền Đất Hứa (x. Đnl 31,1-4). Nay ma quỷ cũng tác động làm cho Đức Giê-su tưởng tượng ra mình đang ở trên núi và nhìn thấy những của cải châu báu để cám dỗ Người hãy thờ lạy nó như chúa tể để được nó ban cho của cải trần gian. + Xa-tan kia, xéo đi !: Xa-tan nghĩa là “tên cám dỗ”. Sau này Đức Giê-su cũng xua đuổi Phê-rô giống như thế khi ông cám dỗ Người đừng chấp nhận con đường thập giá theo ý Chúa Cha (x. Mt 16,23). + Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi: Đây là câu trích trong sách Đệ nhị luật (6,4.13), cho thấy chỉ duy có một Thiên Chúa độc nhất mà mọi người đều phải tôn thờ phụng sự Ngài.
4. HỎI ĐÁP:
1) HỎI: Cám dỗ là gì ? Bị cám dỗ thì đã phạm tội chưa ? Ta cần làm gì để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt mình ?
ĐÁP:
- Cám dỗ là việc ma quỷ xúi giục một người phạm tội chống lại Thiên Chúa khi cố tình không vâng lời Chúa dạy để vi phạm các giới răn Ngài truyền.
- Mỗi cơn cám dỗ thường có ba giai đoạn: Một là ma quỷ gợi lên một hình ảnh, một tư tưởng xấu trong tâm trí người ta. Hai là ma quỷ xúi người ta thỏa mãn đam mê dục vọng ấy bằng sự ưng thuận. Ba là sự chọn lựa tự do: nếu chiều theo ma quỷ tức là phạm tội và làm Chúa buồn. Còn nếu từ chối không nghe theo ma quỷ, họ sẽ được Chúa chúc phúc và sẽ làm cho Chúa vui.
- Để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su: Năng hãm mình và ăn chay để tập làm chủ bản năng của mình, siêng năng học sống Lời Chúa, vì Lời Chúa sắc bén như thanh gươm hai lưỡi có thể chiến đấu với ma quỷ như Đức Giê-su đã nêu gương (x. Mt 4,4.7.10), năng cầu xin ơn Chúa ban ơn trợ giúp và luôn làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như Đức Giê-su đã luôn theo sự hướng dãn của Thần Khí (x.Mt 4,1).
2) HỎI: Đức Giê-su bị ma quỷ cám dỗ trong tâm trí hay trong thực tế ?
ĐÁP: Việc quỷ đặt Đức Giê-su lên nóc Đền thờ, đem Người lên một ngọn núi cao và chỉ cho Người xem tất cả vinh hoa lợi lộc của các nước trên thế gian… cho thấy Đức Giê-su có bị ma quỷ cám dỗ, nhưng chúng chỉ cám dỗ Người trong tâm trí, chứ không thực sự đem Người từ nơi này đến nơi kia.
3) HỎI: Đức Giê-su trải qua cơn cám dỗ của ma quỷ nhằm mục đích gì?
ĐÁP: Sau khi chịu phép Rửa của Gio-an và được Thần Khí hiện xuống xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Đấng Ki-tô, Đức Giê-su đã được Thần Khí dẫn vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày và chịu ma quỷ cám dỗ. Sở dĩ Người chịu ma quỷ cám dỗ là nhằm ba mục đích như sau:
- Một là để trải qua những sự thử thách của nguyên tổ A-đam E-và xưa trong vườn địa đàng (x St 3,1-24), và của dân Ít-ra-en trong cuộc Xuất Hành (Đnl 8,2-4). Vì Người là A-đam Mới và là Ít-ra-en Mới của Thiên Chúa trong thời Tân Ước (x Rm 5,18-19).
- Hai là để nêu gương ăn chay cầu nguyện cho các tín hữu, nhờ đó chúng ta sẽ làm chủ được bản thân và sẽ dễ dàng chiến thắng ma quỷ cám dỗ chúng ta hưởng thụ các lạc thú bất chính (x Mt 17,21; Mc 9,29)..
- Ba là để nêu gương vâng theo sự hướng dẫn của Thần Khí hay Chúa Thánh Thần: Nếu chúng ta biết nghe theo sự hướng dẫn của Thần Khí qua việc siêng năng học sống Lời Chúa, chúng ta sẽ luôn vâng lời Chúa phán hơn là nghe theo ma quỷ để làm theo ý mình, như Đức Giê-su có lần đã quở trách ông Si-mon Phê-rô (x Mt 16,21-23).
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).
2. CÂU CHUYỆN: TAM THẬP LỤC KẾ: ĐÀO VI THƯỢNG SÁCH
Ở núi Phong Khê đất Thục có một giống đười ươi có bộ mặt giống như người. Chúng biết nói cười và máu của chúng được người ta dùng làm thuốc nhuộm quần áo rất tốt, nên các thợ săn thường tổ chức săn bắt chúng. Biết được loài đười ươi này thích uống rượu và đi guốc, thợ săn đã đem rượu và guốc đến bày la liệt trên một cánh đồng trống để nhử chúng, rồi ẩn núp ở nơi kín đáo chờ đợi. Dù sống sâu trong rừng, nhưng loài đười ươi lại có khứu giác rất nhậy nên chúng đã ngửi thấy mùi rượu thơm liền kéo nhau tìm đến cánh đồng uống rượu. Tuy các con già đời đoán biết đó là bẫy của bọn thợ săn, nên đã nhắc nhở cho cả bầy rằng: “Hãy cảnh giác, đừng khờ dại uống rượu đi guốc kẻo bị mắc mưu của bọn người độc ác kia đó”. Cả bầy nghe vậy liền buồn bã bỏ đi. Nhưng rồi một con bị mùi rượu thơm hấp dẫn không thể cưỡng lại, liền tỏ ra bất chấp lời khuyên khôn ngoan kia và rủ đồng bọn quay trở lại. Rồi “quen mui thấy mùi ăn mãi”, chúng tranh giành nhau chí choé nốc cạn hết bầu rượu này đến bầu rượu khác. Đến lượt các con già cả khôn ngoan tuy biết là nguy hiểm, nhưng không thể cưỡng được sự hấp dẫn của rượu, cũng lao vào uống no say. Sau đó chúng xỏ chân vào guốc bên cạnh bước tới bước lui ngả nghiêng trông thật tức cười. Bấy giờ bọn thợ săn liền hò nhau từ chỗ ẩn nấp, nhất tề xông đến vây bắt. Thấy bọn thợ săn, bầy đười ươi đáng thương liền bỏ chạy tán loạn. Nhưng chân đi guốc không quen, bị té nhào vào nhau và bị bọn thợ săn bắt gọn không sót một con.
Than ôi! Biết rõ người ta đặt bẫy hại mình, mà vẫn lao vào ăn uống đến nỗi tất cả đều bị mất mạng thì thật ngu dại hết sức! Đối với nhiều người hôm nay thì rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút chích sì-ke ma túy… là những thứ làm mất nhân tính, biến mình trở thành những kẻ bất lương trộm cướp giết người, rồi còn có thể bị lây nhiễm HIV-AIDS. Thế mà vẫn có không ít người nhắm mắt lao mình vào những đam mê chết người đó thì không phải khờ dại lắm sao ?
Đối với các cơn cám dỗ về đam mê sắc dục và ma túy, thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình có đủ bản lãnh để chống trả lại được, và cần phải theo lời cổ nhân dạy: “Tam thập lục kế: Đào vi thượng sách” (Ba mươi sáu phương thế thì chạy trốn là phương thế hay nhất). Đừng bao giờ thử hút chích sì ke ma túy, thử đi bia ôm, thử đánh số đề một lần… Vì nếu thử dù chỉ một lần mà thôi thì đã bắt đầu trở thành con nghiện và là người xấu thuộc về ma quỷ rồi vậy !
3. SUY NIỆM:
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng: Chiến đấu với thiên nhiên để tồn tại, chiến đấu với kẻ thù để khỏi bị tiêu diệt, chiến đấu với xác thịt để trở nên người tốt. Hôm nay Giáo Hội còn dạy chúng ta phải chiến đấu với một loại kẻ thù vô hình nguy hiểm là ma quỷ. Chính Đức Giê-su đã chiến đấu và chiến thắng ma quỷ để nêu gương cho chúng ta. Vậy ngày nay ma quỷ thường cám dỗ chúng ta về những vấn đề gì ? Và chúng ta phải làm gì để chiến thắng nó ?
1) CÁM DỖ XƯA VÀ NAY: Cũng như xưa, ngày nay ma quỷ thường cám dỗ chúng ta về ba phương diện như sau:
+ Một là về THÚ VUI: Ma quỷ xúi Đức Giê-su biến các viên đá cuội trở thành bánh mì mà ăn, tức là dùng quyền năng Thiên Chúa để thỏa mãn các nhu cầu vật chất thể xác, giống như dân Ít-ra-en trong hoang địa ngày xưa đã kêu trách Đức Chúa và Mô-sê khi họ bị đói khát và thèm thịt thà và các thứ rau thơm mà họ đã từng ăn khi còn ở Ai cập (x. Xh 16,3). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta tìm thỏa mãn các đam mê xác thịt bất chính như ăn chơi sa đọa, rượu chè say xỉn, chơi cờ bạc số đề và hút chích sì-ke ma túy…
+ Hai là về DANH VỌNG: Ma quỷ xúi Đức Giê-su nhảy từ nóc Đền thờ xuống để được người đời khen ngợi và để thử thách đòi Thiên Chúa phải chứng tỏ quyền năng bằng việc ra tay làm phép lạ cứu ngài thóat chết (x. Lc 23,35). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta thử thách quyền năng Thiên Chúa khi đòi Ngià làm phép lạ trái với định luật tự nhiên do Ngài an bài chung trong vũ trụ thiên nhiên để chiều theo sở thích cá nhân riêng tư của chúng ta !
+ Ba là QUYỀN LỢI: Ma quỷ xúi Đức Giê-su sấp mình thờ lạy nó để được nó ban cho quyền hành trên muôn nước và được hưởng các thứ lợi lộc giàu sang (x. Xh 32,6). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và tôn thờ sức mạnh của tiền tài, chọn làm những việc bất chính miễn là có nhiều tiền như: buôn bán sì ke ma túy, mở quán bia ôm, cà phê tươi mát, tin theo thầy bói, đồng bóng, cầu cơ, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất hàng nhái…
2) PHƯƠNG THẾ ĐỂ CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ:
Đức Giê-su đã chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ bằng các phương thế như sau:
+ ĂN CHAY CẦU NGUYỆN: Người đã vào hoang địa ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày. Ma quỷ đã đánh thẳng vào điểm yếu của Đức Giê-su là tình trạng bị đói để xúi Người biến đá thành bánh ăn. Nhưng nhờ nội lực mạnh mẽ do ăn chay cầu nguyện, mà Người đã chiến thắng ma quỷ. Sau này Người cũng dạy các môn đệ phải dùng phương thế chay tịnh cầu nguyện như sau: “Giống quỷ ấy chỉ trừ khử được bằng lời cầu nguyện thôi” (Mc 9,29).
+ HỌC SỐNG LỜI CHÚA: Để đáp lại sự trích dẫn Lời Chúa của ma quỷ, Đức Giê-su cũng dùng Lời Thánh Kinh để bắt chúng phải câm miệng. Lời Chúa chính là ánh sáng chỉ đường và là nguyên tắc ứng xử của Đức Giê-su. Chẳng hạn: Đáp lại lời xúi biến đá thành bánh, Đức Giê-su nêu cao Lời Chúa trong Sách Thánh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Đnl 8,3). Đáp lại cám dỗ thờ lạy ma quỷ để được hưởng quyền hành lợi lộc của nó, Đức Giê-su nêu ra Lời Chúa trong Sách Thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và thờ phượng một mình Người mà thôi” (x. Đnl 6,13). Đáp lại cám dỗ gieo mình từ nóc Đền thờ xuống, Đức Giê-su đưa ra Lời dạy của Chúa trong Sách Thánh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (x. Đnl 6,16).
3) ÁP DỤNG CỤ THỂ:
a) Bị thử thách cám dỗ là thân phận của con người: Ðức Giê-su tuy là Con Thiên Chúa nhưng Tin Mừng cho thấy Người cũng đã trải qua cơn cám dỗ của ma quỷ. Người chịu cám dỗ để nêu gương chiến đấu và chiến thắng các chước cám dỗ của ma quỷ cho loài người chúng ta học tập noi theo. Qua việc bị ma quỷ cám dỗ, Đức Giê-su cho thấy Người cũng là một con người giống như chúng ta mọi đàng nên sẽ thông cảm với sự yếu đuối cũng như tội lỗi của chúng ta như tác giả thư Do thái đã viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Tuy nhiên dù bị cám dỗ như ta, nhưng Người đã chiến thắng ma quỷ cám dỗ để nêu gương sáng cho chúng ta.
b) Phân biệt giữa cám dỗ và phạm tội:
Thực ra cám dỗ không nhất thiết là điều xấu, và có thể lại còn cần thiết nữa. Thật vậy, bị ma quỷ cám dỗ chính là dịp để chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân và chứng tỏ sự vâng phục của ta. Vì loài người chúng ta không thể chứng tỏ lòng yêu mến, vâng phục nếu không bị thử thách, nghĩa là chưa có cơ hội để có thể không vâng lời và không yêu mến như lời Thánh Kinh: “Lửa thử vàng, gian nan thử người công chính” (Cn 17,3).
Đối với người bình thường thì hay gặp cám dỗ chọn lựa giữa hai điều tốt xấu, qua đó sẽ chứng tỏ họ thuộc loại người nào. Còn đối với những người ở trình độ cao hơn, thì cám dỗ là sự lựa chọn giữa hai điều đều tốt, và họ phải chọn điều nào tốt hơn, để chứng tỏ quyết tâm lên bậc thánh thiện hơn. Thiên Chúa cũng muốn ta chứng tỏ rằng ta coi tình yêu của Ngài giá trị hơn nhà cửa, ruộng vườn, của cải, thậm chí hơn cả tình cảm anh em, cha mẹ, vợ con của ta, bằng cách cho ta có dịp chọn giữa Ngài và những giá trị ấy.
3. Chọn điều nào khi bị cám dỗ giữa hai điều tốt:
a. Ứng với cám dỗ thứ nhất của Ðức Giê-su là nhu cầu sự sống: Chẳng hạn giữa tình yêu Thiên Chúa và mạng sống của mình, các thánh tử đạo đã chọn tin yêu Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận chịu chết. Trong cuộc đấu tranh cho công lý, mục sư Martin Luther King đã coi công lý, tình yêu đối với người bị áp bức hơn sự an toàn và mạng sống. Cuối cùng ông đã chết và được cả thế giới ngưỡng mộ tôn vinh. Những người nói trên đã chọn về phía đấu tranh cho công lý và tình thương những kẻ bị áp bức. Ngược lại, nếu vì muốn được an toàn, muốn bảo vệ nồi cơm hay sự thoải mái đang có mà chọn im lặng trước sai trái bất công, đồng nghĩa với sự lõa với điều xấu là chúng ta đã chịu khuất phục trước sự cám dỗ của quỷ dữ.
b. Ứng với cám dỗ thứ hai của của Ðức Giê-su là nhu cầu muốn được nổi danh: Thực ra chuộng danh thơm tiếng tốt để gia tăng uy tín và là người có sĩ diện... đều là những giá trị cao quí, như Nguyễn công Trứ đã viết: ”Ðã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Nhưng vẫn có những giá trị cao hơn công danh, uy tín nói trên... Đó là những giá trị về tâm linh. Nếu để được thăng tiến bản thân mà “thượng đội hạ đạp” là ta đã coi những giá trị tự nhiên cao hơn giá trị tâm linh. Tội lỗi phát sinh từ sự lựa chọn không chính đáng ấy.
c. Ứng với cám dỗ thứ ba của Ðức Giê-su là nhu cầu quyền lực, muốn mọi sự xảy ra theo ý của mình: Trong xã hội, cũng cần phải có chính quyền như lời thánh Phao-lô. Nếu tranh giành quyền lực bằng phương thế chính đáng để có thể phục vụ lợi ích xã hội thì là điều đáng khuyến khích. Nhưng nếu tranh giành quyền hành vì vụ lợi ích kỷ thì lại không tốt, như ông kinh sư đã phát biểu hợp ý Đức Giê-su: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ “ (Mc 12,33). cám dỗ chính là dịp để chứng tỏ lòng “mến Chúa yêu người” của các tín hữu chúng ta.
4. Phương cách chống trả cơn cám dỗ: Ngày nay khi bị cám dỗ, chúng ta cần chống trả bằng những phương cách như sau:
+ “Đào vi thượng sách”: Tránh tò mò truy cập các trang phim ảnh xấu trên mạng internet
+ Tránh ở không: Chăm chỉ làm việc bổn phận và tránh ở không, vì "Sự lười biếng là cha của mọi thói hư tật xấu".
+ Năng đọc kinh Lạy Cha để cầu xin Chúa: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
+ Xin ơn Chúa Trợ giúp khi bị cám dỗ: Làm dấu thánh giá và kêu cầu ơn Chúa như thánh Phê-rô xưa: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (x. Mt 14,30-32); Dứt khoát xua đuổi ma quỷ noi gương Đức Giê-su: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi !” (Mt 4,10).
+ Chọn một việc hợp sở thích như đọc sách, xem phim truyền hình, đi bơi lội hay chơi một môn thể thao lành mạnh, thăm bạn bè, tham gia hội đoàn Công Giáo Tiến hành để cùng “hiệp sông Tin Mừng” hằng tuần và chu toàn công tác tông đồ truyền giáo được cấp trên trao phó.
4.THẢO LUẬN: Bạn nên chọn ơPhương thế nào hiệu quả và dễ áp dụng nhất trong các phương thế trên để chiến thắng ma quỷ cám dỗ trong Mùa chay này?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay con rất cảm phục thái độ cương quyết không khoan nhượng của Chúa khi đương đầu với ma quỷ cám dỗ. Chính nhờ ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày, mà Chúa đã được gia tăng nội lực tinh thần. Chính nhờ luôn vâng theo sự hướng dẫn của Thần Khí, mà Chúa đã luôn chọn làm theo thánh ý Chúa Cha và cương quyết xua đuổi ma quỷ cám dỗ: “Xa-tan kia, xéo đi!”.
- LẠY CHÚA. xin giúp con biết nghe theo lời khuyên của thánh Phê-rô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5,6-9). Nhờ đó, con sẽ trở nên con ngoan hiếu thảo, luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, noi gương Chúa khi xưa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH