Trong thánh lễ sáng thứ Năm 20 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta với các Hồng Y đang tham dự Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường và đặc biệt với sự tham dự của nữ tu Candida Bellotti, người nữ tu già nhất thế giới được mời tham dự thánh lễ nhân ngày sinh nhật thứ 107 của bà, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về bài Tin Mừng thuật lại tình cảnh bẽ bàng của thánh Phêrô.

Ðức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó". Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Ðấng Kitô". Ðức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Ðức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: "Xatan ! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người". (Mc 8: 27-33).

Đức Thánh Cha nói:

"Trước câu hỏi vang lên từ con tim chúng ta: ‘Chúa Giêsu là ai đối với chúng ta?’, những điều chúng ta đã biết, những điều chúng ta đã học xem ra là chưa đủ. Học hỏi và hiểu biết là điều quan trọng, nhưng nó chưa đủ. Để biết Chúa Giêsu điều cần thiết là phải trải qua cuộc hành trình của Thánh Phêrô: sau chuyện bẽ bàng đó, Thánh Phêrô đã trưởng thành hơn với Chúa Giêsu, đã nhìn thấy những phép lạ Ngài làm, đã thấy quyền năng của Ngài. Rồi thánh nhân cũng nộp thuế như Chúa Giêsu đã truyền cho ngài là bắt một con cá, lấy ra một đồng xu để nộp thuế. Thánh nhân đã thấy nhiều phép lạ như thế. Tuy nhiên, tại một thời điểm nhất định, chính Phêrô lại đã chối Chúa, đã phản bội Thầy mình, và ngài học được bài học gay go nhất ấy - vượt xa mọi thông hiểu – bằng nước mắt, và than khóc."

"Câu hỏi đầu tiên dành cho Thánh Phêrô - ' Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?' chỉ có thể hiểu được sau một hành trình, một hành trình rất dài, hành trình của ân sủng và tội lỗi, hành trình của một môn đệ. Chúa Giêsu đã không nói với Phêrô và các Thánh Tông Đồ ‘Hãy biết Ta!’; nhưng Ngài nói: ‘Hãy theo Ta!’ Và việc theo Chúa Giêsu này làm cho chúng ta biết Ngài. Chúng ta theo Chúa Giêsu với sức mạnh của chúng ta, và cả với tội lỗi chúng ta, nhưng luôn luôn theo Chúa. Điều cần thiết không phải chỉ là học biết điều này điều nọ, nhưng là sống cuộc sống của một môn đệ Người. "

"Biết Chúa Giêsu là một ân sủng của Chúa Cha, chính Ngài là Đấng làm cho chúng ta biết Chúa Giêsu. Đó là một tác động của Chúa Thánh Thần, là một người thợ vĩ đại, không phải là một ‘đoàn viên công đoàn’ - Ngài là một người thợ tuyệt vời luôn làm việc trong chúng ta. Ngài giải thích những mầu nhiệm về Chúa Giêsu, và đem đến cho chúng ta nhận thức về Chúa Giêsu. Chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, Thánh Phêrô, và các Thánh Tông Đồ, và chúng ta nghe vang vọng trong lòng mình câu hỏi ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Cũng như các Thánh Tông Đồ, chúng ta hãy xin cùng Chúa Cha ban cho chúng ta được biết Chúa Kitô từ Thánh Thần, Đấng sẽ giải thích cho ta mầu nhiệm này”