Chúa khởi sự hành hiệp : thiên thời, địa lợi, nhân hoà ?

CN 3 TN

Thời kinh tế thị trường, ta thấy khá quen thuộc với việc tiếp thị. Trước khi tung một sản phẩm, người ta xem thời điểm thuận lợi không, địa điểm thuận lợi không, và người tiêu thụ có đón nhận sản phẩm đó không. Gần như là thiên thời, địa lợi, nhân hoà.

Công ty giầy kia phái nhân viên đến vùng nọ để nghiên cứu thị trường xem có bán được giày không. Anh trở về báo cáo : ở đó không ai đi giày hết, làm sao bán !

Một công ty giày khác phái nhân viên đến cũng vùng đó để nghiên cứu thị trường xem có bán được giày không. Anh trở về báo cáo : ở đó chưa ai đi giày hết, cho nên đưa giày đến là đắt như tôm tươi. Người làm ăn tốt là người thức thời.

Hôm nay Cha Giêsu khởi sự sứ vụ của Người. Thời điểm, địa điểm, nhân sự có thuận lợi không ? Có thiên thời địa lợi nhân hoà không ? Ta thử xét xem

1. Thời điểm. Chúa Giêsu bắt đầu chức vụ là việc Gioan bị cầm tù. Nhiệm vụ dọn đường của ông đã xong, vai phụ lui vào hậu trường để nhân vật chính xuất hiện. Nếu Gioan chưa bị tù, vẫn tiếp tục rao giảng và làm phép rửa, thì chưa phải lúc cho Đức Giêsu khởi sự. Việc Gioan bị tù như là thời điểm thuận lợi, trời cho (thiên thời), Chúa Giêsu biết đã đến lúc, đến thời Thiên Chúa Cha muốn Ngài phải bắt tay vào việc.

2. Địa điểm : Chúa Giêsu chọn Galilê, phía Bắc chứ không như Gioan, chọn Giuđê, phía Nam. Galilê không rộng lắm, từ bắc chí nam dài khoảng 60cs, nhưng dân cư sống đông đúc vì là miền đất phì nhiêu nhất Xứ Thánh. Đất hẹp, người đông, Chúa Giêsu đã khởi sự thi hành chức vụ trong vùng đất có rất đông người được nghe Ngài. Kết quả là đại đa số quần chúng được nghe Tin Mừng.

Galilê không những là xứ đông dân cư nhưng dân cư ở đó cũng có một cá tính đặc biệt. Galilê sẵn sàng mở cửa đón nhận những ý niệm mới. Josephus nói về người Galilê : "Bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên họ cũng là những người hào hùng nhất". Đặc tính bẩm sinh của người Galilê khiến việc truyền giảng cho họ rất thuận lợi.

Vậy là địa điểm đi liền với dân cư. Địa lợi thì nhân hoà.

Tuy nhiên nhân ở đây còn có nghĩa là nhân sự. Chúa chọn ai để cộng tác với ngài, nhân sự này có hoà với thiên thời địa lợi không.

3. Nhân sự. Trong số những người Galilê nghe Chúa, Chúa chú ý tới hai cặp anh em. Họ đều là những ngư phủ hành nghề trên biển Galilê. Thật lý thú khi chúng ta biết họ là hạng người nào. Họ không phải là những học giả uyên bác, hoặc những người có ảnh hưởng lớn, họ không giàu sang, không có địa vị trong xã hội. Họ cũng không phải là những người nghèo mạt mà chỉ là những công nhân bình thường không thân thế quan trọng mà chắc chắn cũng không có tương lai xán lạn. Họ là những người đánh cá, nhiều học giả cho rằng những ngư phủ lành nghề có một số đức tính thiết yếu sau đây để trở thành những tay đánh lưới người: Ta sẽ xét 3 chữ :

chữ thời

-Thấy thời cơ: người đánh cá khôn ngoan biết rõ thời điểm có cá hay không có cá. Người ấy phải biết khi nào nên và khi nào không nên thả lưới. Người giảng đạo tốt phải biết chọn thời điểm. Có khi người đời hoan nghênh chân lý, có lúc lại chối bỏ. Có khi chân lý cảm hóa lòng họ mà cũng có lúc khiến lòng họ cứng cỏi chống đối. Người giảng khôn ngoan biết lúc nào phải nói và lúc nào nên yên lặng.

-Biết dùng mồi thích hợp: cá này ưa mồi này, cá khác thích mồi khác. Phaolô nói: "Tôi trở nên mọi cách đối với mọi người để may ra được một vài người". Người thầy khôn ngoan biết rằng cùng một cách trình bày thì không thể thuyết phục được hết mọi hạng người. Có hạng ưa ngọt, có hạng thích thẳng tuồn tuột.

chữ nhẫn

-Kiên nhẫn: phải biết kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi cá cắn mồi, nếu cứ sốt ruột và dời chỗ luôn thì không bao giờ thành người thợ câu được. Một tay lưới người giỏi cũng cần phải kiên nhẫn. Công việc truyền giảng và dạy dỗ rất hiếm có kết quả nhanh chóng. Chúng ta phải tập chờ, luyện đợi.

-Bền chí: người ấy phải học không bao giờ ngã lòng, nhưng luôn luôn thua keo này bày keo khác. Đánh bắt mẻ cá này không được con nào thì vung lưới bắt mẻ khác. Thầy giảng dạy không được phép ngã lòng khi công việc dường như chẳng có kết quả gì. Thầy phải sẵn sàng làm lại ! Thua keo này bày ngay keo khác.

chữ dũng

- Can đảm: người Hi lạp thuở xưa, khi cầu khẩn các thần phù hộ, thì thường nói : "thuyền tôi quá nhỏ mà biển cả thì quá lớn." Người đánh cá phải liều mình đương đầu với sóng to gió lớn. Người giảng đạo tốt phải ý thức rằng bao giờ cũng có sự nguy hiểm trong việc nói chân lý cho người đời. Người rao giảng chân lý phải sẵn sàng hy sinh, kể cả sự sống và danh dự của mình.

Người ấy phải biết can đảm thừa nhận những hạn chế của mình, phải khám phá ra những địa hạt mình có thể làm và địa hạt nào mình bị giới hạn. Lại phải can đảm biết ẩn mình :

- Biết ẩn mình: nếu ngư phủ lộ diện, dầu chỉ là cái bóng, cá cũng không cắn câu. Thầy giảng dạy khôn ngoan không bao giờ tìm cách giới thiệu mình mà giới thiệu Chúa Giêsu. Mục đích của thầy là khiến mắt người ta không chăm chú vào mình mà chăm chú vào chính Chúa Giêsu .

Để khởi đầu chức vụ Chúa Giêsu đã chọn lựa Galilê là miền đất được chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp nhận hạt giống Tin Mừng. Nơi phân đoạn Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu ý thức rõ rệt mình là Đấng Thiên Sai, biết Sứ mạng cứu nhân độ thế, biết phương cách để thi hành sứ mạng đó : đúng thời, đúng nơi, đúng người. Nói kiểu Đông phương chúng ta : thiên thời, địa lợi, nhân hòa...

Nhưng mà cũng không phải nhân đó mà cứ trùm chăn chờ thời !

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(với một số gợi ý từ cha Hàm)