Chúa Nhật III TN B
“Sau khi ông Gioan bị nộp, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,1-2). Đề tài sám hối mãi là đề tài không bao giờ lỗi thời, bởi cuộc đời con người là một chuỗi thăng trầm không ngơi. Hết lầm rồi lại lỗi, hết sai rồi lại phạm, từ nhỏ đến lớn, từ nhẹ đến nặng nề. Hình như không một ai ngoài mẹ Maria, có thể thoát được vòng xoáy của tội luỵ. Chính vì thế, sứ điệp sám hối ăn năn dường như rất dễ đi vào lòng người, mặc dù đã từng có nhiều người cố tình lên án Hội Thánh là làm vẩn đục bức tranh nhân gian khi đề cập đến chủ đề tội lỗi quá nhiều.
Thế nhưng hiện tình của xã hội hôm nay, qua thông tin đại chúng, người ta phải chân nhận sự hiện hữu của tội lỗi và hậu quả xấu xa, tàn ác của nó trên chính nhân loại. Chiến tranh, bạo lực, bất công…như đang nhan nhản trước mắt chúng ta. Tiếng súng vẫn nổ đó đây. Máu vẫn chảy lênh láng nơi này, nơi kia. Mạng sống trẻ thơ vô tội vẫn bị đe doạ từ trong trứng nước. Môi sinh ngày càng bị ô nhiễm và bao điều tệ hại đang đe doạ sự tồn vong của con người. Hầu hết là do tội lỗi của con người gây ra.
Hãy mau mau sám hối! Không phải là những tình cảm ân hận chóng qua. Cũng không phải là một vài nghi thức đấm ngực bên ngoài. Sám hối là đổi thay. Sám hối là quay bước trở lại. Thế nhưng để có được hành vi sám hối, thì tiên vàn cần biết lắng nghe và chân thành đón nhận sự thật trong sự khiêm nhu.
Chúa Giêsu đã từng nêu gương vua quan và dân thành Ninivê ngày xưa. Bài đọc thứ nhất trích đọc trong thánh Lễ Chúa Nhật III TN B lại đề cập đến sự kiện sám hối ăn năn của họ. Từ vua đến quan, đến thường dân đều “bỏ đường gian ác mà quay trở lại” (Gn 3,10). Đây là một cử chỉ đáng kinh ngạc khiến Chúa Giêsu đã từng gọi đó là dấu lạ (x.Lc 11,29-32). Giona đã trở nên dấu lạ cho dân thành Ninivê, vì đã to gan nói những lời chướng tai, khó nghe. Chúa Giêsu còn là một dấu lạ lớn hơn cả Giona qua các lời dạy bảo của Người “như có vẻ đi ngược với quan niệm người đương thời”. Người lại còn tố cáo tội lỗi những người danh cao, vị trọng, bằng những lời rất thẳng thừng và đanh thép. Tuy nhiên có một dấu lạ khác khiến cho Chúa Giêsu nói rằng ngày sau dân thành Ninivê sẽ đứng lên tố cáo đoàn dân Chúa lúc bấy giờ, đó là họ đã khiêm nhu chân thành lắng nghe và đón nhận sự thật qua sứ điệp của ngôn sứ Giona.
Sẽ không có sám hối nếu không biết lắng nghe trong khiêm hạ. Sự lắng nghe ở đây không chỉ bằng thính giác mà còn bằng cả mọi giác quan và chính thái độ sống của con người. Cần thú nhận rằng môi sinh con người hiện nay như bị nhiễu sóng do bởi nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Xã hội ngày nay với các kỷ thuật công nghệ tiên tiến, với cuộc sống “phải bon chen, giành giật”…thì mọi người đành phải tất tả chạy đua cách không biết ngơi nghỉ. Phải chạy, vì dừng lại là sẽ thua người, sẽ bị tụt hậu. Cuộc sống hối hả khiến thời gian như đang ngắn lại. Trong cái vòng xoáy của cuộc sống ấy, con người có vẻ đang bị cuốn theo một cách lệ thuộc. Hơn nữa sự lệ thuộc còn nằm ở tâm lý tiêu thụ. Đã quen hưởng dùng tiện nghi, của cải…thì dường như không thể thiếu nó. Quả thật, lâu lâu, bỗng có sự cố “cúp điện” thì người người la toáng lên. Nếu điện nước bị cắt, cúp một vài ngày thì như là sắp tận thế không chừng.
Khi đã ở trong “tình trạng dính bén, bị lệ thuộc, bị cuốn theo”, thì chúng ta thật khó mà nghe rõ ràng và chính xác các sứ điệp tâm linh. Với trình thuật kể chuyện dân Ninivê trong bài đọc thứ nhất, lời dạy của thánh Tông đồ dân ngoại qua bài đọc thứ hai cũng như thái độ của các tông đồ ngày xưa qua bài Tin Mừng, chúng ta có thể rút ra được một điều kiện cần để biết lắng nghe đó là thái độ tự do.
Tự do với chức phận của mình: Sách Giona như một chuyện dụ ngôn thật ý vị. Giả như vua quan thành Ninivê ngày xưa còn dính bén với chức phận quyền quý của mình, giả như dân thành Ninivê còn dính bén với vị thế của dân đang thống trị thì hẳn sẽ không biết lắng nghe, cho dù ngôn sứ Giona có khản cổ rao giảng, vì ngài chỉ là một dân đen của một nước đang bị đô hộ. Biết bao sứ điệp Chúa gửi đến cho chúng ta hằng ngày, thế mà chúng ta dẫu cho có tai mà vẫn chẳng biết nghe. Trong nhiều lý do thì có lý do quan trọng này, đó là chúng ta còn quá dính bén với danh vị, chức phận của mình. Các nhà hướng dẫn linh thao thường khởi đầu cuộc hướng dẫn linh thao bằng việc mời gọi những người tham dự cuộc thao luyện tâm linh rằng hãy cởi bỏ mọi quyến luyến để sẵn sàng biết lắng nghe.
Tự do với các mối tương quan trần thế, với cả hiện trạng của chúng ta và với những gì ta đang sở hữu: Thánh Tông đồ dân ngoại chỉ dạy: “Ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng vui mừng; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải, hãy làm như chẳng hưởng” (1Cr 7, 30-31). Các tông đồ đầu tiên đã có được sự tự do này. Chài lưới hay người thân vẫn không làm các Ngài vướng chân, bó lòng. Khi nghe lời kêu gọi của Thầy Giêsu, lập tức Simon và Anrê đã “bỏ chài lưới mà theo Người” (Mc 1,18); Giacôbê và Gioan cũng “bỏ cha mình là ông Giêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Mc 1,20).
Khi đã có được thái độ tự do, không còn quyến luyến các loài thụ tạo, cho dù chúng tốt đẹp, thì chúng ta sẽ có thái độ sẵn sàng biết lắng nghe sứ điệp của Chúa, đặc biệt sứ điệp mời gọi hoán cải ăn năn. Chúng ta dễ nhận ra điều này trong cuộc sống là khi sự hiểm nguy đang vây bủa, khi cái chết đang cận kề thì người ta rất dễ sám hối ăn năn. Cận kề cái chết hay đang ở trong tình cảnh hiểm nguy thì người ta mới thoáng thấy mọi sự như sắp rời khỏi tầm tay. Và một cách nào đó nó giúp ta thoát được sự quyến luyến khiến ta được tự do hơn. Được tự do thì sẽ biết lắng nghe.
Tuy nhiên điều tốt đẹp hơn cả là thái độ biết tự do ngay trong chính đời thường của mình. Kinh nghiệm cha ông ngày xưa dọn mình chết lành hằng ngày là một phương thế tuyệt diệu. Thế nhưng với các bạn trẻ và cả với những bậc trung niên thì thói quen tốt này xem ra khó tập. Thánh Phaolô tông đồ nhìn nhận: Bộ mặt thế gian này đang qua đi và sẽ qua đi (x.1Cr 7,31). Chúng đang qua đi và sẽ qua đi, sao ta lại qua dính bén và bị lệ thuộc?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
“Sau khi ông Gioan bị nộp, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,1-2). Đề tài sám hối mãi là đề tài không bao giờ lỗi thời, bởi cuộc đời con người là một chuỗi thăng trầm không ngơi. Hết lầm rồi lại lỗi, hết sai rồi lại phạm, từ nhỏ đến lớn, từ nhẹ đến nặng nề. Hình như không một ai ngoài mẹ Maria, có thể thoát được vòng xoáy của tội luỵ. Chính vì thế, sứ điệp sám hối ăn năn dường như rất dễ đi vào lòng người, mặc dù đã từng có nhiều người cố tình lên án Hội Thánh là làm vẩn đục bức tranh nhân gian khi đề cập đến chủ đề tội lỗi quá nhiều.
Thế nhưng hiện tình của xã hội hôm nay, qua thông tin đại chúng, người ta phải chân nhận sự hiện hữu của tội lỗi và hậu quả xấu xa, tàn ác của nó trên chính nhân loại. Chiến tranh, bạo lực, bất công…như đang nhan nhản trước mắt chúng ta. Tiếng súng vẫn nổ đó đây. Máu vẫn chảy lênh láng nơi này, nơi kia. Mạng sống trẻ thơ vô tội vẫn bị đe doạ từ trong trứng nước. Môi sinh ngày càng bị ô nhiễm và bao điều tệ hại đang đe doạ sự tồn vong của con người. Hầu hết là do tội lỗi của con người gây ra.
Hãy mau mau sám hối! Không phải là những tình cảm ân hận chóng qua. Cũng không phải là một vài nghi thức đấm ngực bên ngoài. Sám hối là đổi thay. Sám hối là quay bước trở lại. Thế nhưng để có được hành vi sám hối, thì tiên vàn cần biết lắng nghe và chân thành đón nhận sự thật trong sự khiêm nhu.
Chúa Giêsu đã từng nêu gương vua quan và dân thành Ninivê ngày xưa. Bài đọc thứ nhất trích đọc trong thánh Lễ Chúa Nhật III TN B lại đề cập đến sự kiện sám hối ăn năn của họ. Từ vua đến quan, đến thường dân đều “bỏ đường gian ác mà quay trở lại” (Gn 3,10). Đây là một cử chỉ đáng kinh ngạc khiến Chúa Giêsu đã từng gọi đó là dấu lạ (x.Lc 11,29-32). Giona đã trở nên dấu lạ cho dân thành Ninivê, vì đã to gan nói những lời chướng tai, khó nghe. Chúa Giêsu còn là một dấu lạ lớn hơn cả Giona qua các lời dạy bảo của Người “như có vẻ đi ngược với quan niệm người đương thời”. Người lại còn tố cáo tội lỗi những người danh cao, vị trọng, bằng những lời rất thẳng thừng và đanh thép. Tuy nhiên có một dấu lạ khác khiến cho Chúa Giêsu nói rằng ngày sau dân thành Ninivê sẽ đứng lên tố cáo đoàn dân Chúa lúc bấy giờ, đó là họ đã khiêm nhu chân thành lắng nghe và đón nhận sự thật qua sứ điệp của ngôn sứ Giona.
Sẽ không có sám hối nếu không biết lắng nghe trong khiêm hạ. Sự lắng nghe ở đây không chỉ bằng thính giác mà còn bằng cả mọi giác quan và chính thái độ sống của con người. Cần thú nhận rằng môi sinh con người hiện nay như bị nhiễu sóng do bởi nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Xã hội ngày nay với các kỷ thuật công nghệ tiên tiến, với cuộc sống “phải bon chen, giành giật”…thì mọi người đành phải tất tả chạy đua cách không biết ngơi nghỉ. Phải chạy, vì dừng lại là sẽ thua người, sẽ bị tụt hậu. Cuộc sống hối hả khiến thời gian như đang ngắn lại. Trong cái vòng xoáy của cuộc sống ấy, con người có vẻ đang bị cuốn theo một cách lệ thuộc. Hơn nữa sự lệ thuộc còn nằm ở tâm lý tiêu thụ. Đã quen hưởng dùng tiện nghi, của cải…thì dường như không thể thiếu nó. Quả thật, lâu lâu, bỗng có sự cố “cúp điện” thì người người la toáng lên. Nếu điện nước bị cắt, cúp một vài ngày thì như là sắp tận thế không chừng.
Khi đã ở trong “tình trạng dính bén, bị lệ thuộc, bị cuốn theo”, thì chúng ta thật khó mà nghe rõ ràng và chính xác các sứ điệp tâm linh. Với trình thuật kể chuyện dân Ninivê trong bài đọc thứ nhất, lời dạy của thánh Tông đồ dân ngoại qua bài đọc thứ hai cũng như thái độ của các tông đồ ngày xưa qua bài Tin Mừng, chúng ta có thể rút ra được một điều kiện cần để biết lắng nghe đó là thái độ tự do.
Tự do với chức phận của mình: Sách Giona như một chuyện dụ ngôn thật ý vị. Giả như vua quan thành Ninivê ngày xưa còn dính bén với chức phận quyền quý của mình, giả như dân thành Ninivê còn dính bén với vị thế của dân đang thống trị thì hẳn sẽ không biết lắng nghe, cho dù ngôn sứ Giona có khản cổ rao giảng, vì ngài chỉ là một dân đen của một nước đang bị đô hộ. Biết bao sứ điệp Chúa gửi đến cho chúng ta hằng ngày, thế mà chúng ta dẫu cho có tai mà vẫn chẳng biết nghe. Trong nhiều lý do thì có lý do quan trọng này, đó là chúng ta còn quá dính bén với danh vị, chức phận của mình. Các nhà hướng dẫn linh thao thường khởi đầu cuộc hướng dẫn linh thao bằng việc mời gọi những người tham dự cuộc thao luyện tâm linh rằng hãy cởi bỏ mọi quyến luyến để sẵn sàng biết lắng nghe.
Tự do với các mối tương quan trần thế, với cả hiện trạng của chúng ta và với những gì ta đang sở hữu: Thánh Tông đồ dân ngoại chỉ dạy: “Ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng vui mừng; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải, hãy làm như chẳng hưởng” (1Cr 7, 30-31). Các tông đồ đầu tiên đã có được sự tự do này. Chài lưới hay người thân vẫn không làm các Ngài vướng chân, bó lòng. Khi nghe lời kêu gọi của Thầy Giêsu, lập tức Simon và Anrê đã “bỏ chài lưới mà theo Người” (Mc 1,18); Giacôbê và Gioan cũng “bỏ cha mình là ông Giêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Mc 1,20).
Khi đã có được thái độ tự do, không còn quyến luyến các loài thụ tạo, cho dù chúng tốt đẹp, thì chúng ta sẽ có thái độ sẵn sàng biết lắng nghe sứ điệp của Chúa, đặc biệt sứ điệp mời gọi hoán cải ăn năn. Chúng ta dễ nhận ra điều này trong cuộc sống là khi sự hiểm nguy đang vây bủa, khi cái chết đang cận kề thì người ta rất dễ sám hối ăn năn. Cận kề cái chết hay đang ở trong tình cảnh hiểm nguy thì người ta mới thoáng thấy mọi sự như sắp rời khỏi tầm tay. Và một cách nào đó nó giúp ta thoát được sự quyến luyến khiến ta được tự do hơn. Được tự do thì sẽ biết lắng nghe.
Tuy nhiên điều tốt đẹp hơn cả là thái độ biết tự do ngay trong chính đời thường của mình. Kinh nghiệm cha ông ngày xưa dọn mình chết lành hằng ngày là một phương thế tuyệt diệu. Thế nhưng với các bạn trẻ và cả với những bậc trung niên thì thói quen tốt này xem ra khó tập. Thánh Phaolô tông đồ nhìn nhận: Bộ mặt thế gian này đang qua đi và sẽ qua đi (x.1Cr 7,31). Chúng đang qua đi và sẽ qua đi, sao ta lại qua dính bén và bị lệ thuộc?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột