Tết Nguyên Đán Việt Nam từ buổi sơ khai đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam....

Hình ảnh

Tết Nguyên Đán là cái tết đầu tiên trong hệ thống lễ hội văn hóa tại Việt Nam. Đây là lễ hội của gia đình, dòng tộc, được tổ chức trên qui mô cả nước, để ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc và tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Mấy tiếng “về quê ăn Tết” không chỉ là một khái niệm “đi – về”, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Trong dịp này, người Việt Nam ta có tục lệ thăm hỏi và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Đó cũng là tâm tình, ước muốn của mỗi người con xa xứ mỗi dịp Xuân về. Những ngày cuối năm viết đôi dòng tự sự, chia sẻ chuyện đạo, chuyện đời, tết xa quê của người con trên xứ sơ Nga sô.

Chuyện đi đạo ở Matxcova: Thắp sáng niềm tin

Đã hơn bảy tháng rồi, nhanh thật, kể từ lúc máy bay cất cánh rời phi trường Nội Bài đem tôi đến với xứ sở Nga sô bước vào một trang khác của cuộc đời mình, cuộc sống mưu sinh. Và cũng chừng đó thời gian tôi thiếu đi lương thực cho tâm hồn mình, không còn những buổi sinh hoạt SVCG như thời sinh viên, không còn nhưng buổi tập hát ca đoàn cho giáo xứ, và cả những ngày lễ Chúa Nhật, bổn phận, niềm vui của người Ki tô hữu cũng họa hoằn lắm mới tham gia được. Đó cũng là cái thiếu chung của những người Công Giáo chấp nhận xa quê đi mưu sinh tha phương ở xứ sở này. Ở đất nước mà tư tưởng chính trị còn nặng mùi cộng sản, cách điều hành của nhà cầm quyền còn đậm chất giang hồ, phia phít… thì việc những người nhập cư bị kì thị, phân biệt đối xử, gây khó dễ bởi chính quyền và người bản xứ như là một tiền lệ. Người Việt nói chung và người Công Giáo Việt nói riêng ở Matcova này cũng không nằm ngoài tiền lệ đó, đi đâu cũng phải trốn tránh, chui lủi vì nếu gặp phải công an, Khuligan (người xấu), hay bọn đầu trọc… thì phiền phức, tiền mất tật mang, nên việc đi lại, tham gia lễ lại, thăm hỏi lẫn thể hiện tình liên đới của những người đồng hương, những người cùng niềm tin…cũng vì thế mà thưa thớt, nhạt dần.

Ngày 23 tháng 6, 1997, quốc hội Nga chấp thuận một đạo luật chỉ công nhận có bốn tôn giáo được coi là hợp pháp ở Nga vì được coi như là thuộc truyền thống Nga: Chính thống giáo Nga, Do Thái giáo, Hồi giáo và Phật Giáo. Mọi tôn giáo khác đều được coi là những giáo phái giống nhau, không đáng được bảo vệ. Mục đích của đạo luật là để chống các tôn giáo giả mạo, không chân thật, đặc biệt là những tôn giáo xâm nhập vào Nga sau khi Liên Bang Xô-Viết sụp đổ theo lý thuyết. Trong luật này, Công Giáo được xếp ngang hàng là một tôn giáo giả mạo như là các giáo phái Unitarian hay Nhân chứng Jehovah. Bởi vậy người Công Giáo ở xứ sở Nga sô này chịu rất nhiều thiệt thòi, khó khăn trong việc tham dự thánh lễ và đón nhận bí tích. Ở Matxcova chỉ có hai nhà thờ dành cho người Công Giáo là Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Moskva và Nhà thờ St Luis do dòng Mẹ về trời quản nhiệm, người Việt mình thì thường tham gia di lễ ở Nhà thờ St Luis vì nhà thờ nằm trong một ngõ nhỏ có ít cảnh sát qua lại nên tránh được việc kiểm tra giấy tờ, hơn nữa ở đây lại có Cha Long dòng Mẹ về trời, một người con của Gx Thanh Dạ, Gp Vinh (là tu sĩ đầu tiên của Việt Nam vừa được truyền chức ở Nga ngày 24/11/2013) phục vụ nên có Thánh lễ bằng tiếng Việt tiện cho việc tham gia các nghi thức phụng vụ của kiều bào Công Giáo.

Cũng vì những khó khăn đó mà bà con Công Giáo đi làm ăn xa ở xứ sở Nga sô này luôn cảm thấy thiếu thốn về mặt tâm linh và luôn mong muốn được thuận tiện được tham gia thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Có lẽ cũng hiểu được tâm tình và sự thiếu thốn của bà con kiều bào xa xứ, được sự cho phép của Đức Giám Mục Giáo phận Vinh và tâm tình quan tâm tới con chiên xa xứ của các Linh mục trong Giáo phận, hàng năm vào những dịp thuận tiện các cha xứ, các soeur đã sang xứ sở Nga sô giúp đỡ kiều bào tĩnh tâm và lãnh nhận bí tích. Đó luôn là khát khao mong mỏi của bà con kiều bào Công Giáo ở Liên Bang Nga, thiết nghĩ với sự quan tâm của bề trên các Giáo phận có bà con đi lao động, làm việc, học tập ở đây, trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện hơn cho Linh mục, tu sĩ sang giúp đỡ các kiều bào Công Giáo xa xứ tĩnh tâm, lãnh nhận các bí tích thì thật đáng quý.

Ước mong rằng được sự đồng hành che chở của Chúa và Mẹ Maria cùng sự quan tâm của bề trên các Giáo phận cộng đồng kiều bào Công Giáo sẽ ngày càng lớn lên trong tâm tình sống đạo. Thắp sáng niềm tin Kitô giáo trên xứ sơ Nga sô.

Tết xa quê: Nhớ lắm !
Khi quê nhà muôn cỏ cây rạo rực
Nhựa chuyển cành nảy lộc đón chào Xuân,
Thì nơi con tuyết phủ dầy, lạnh buốt
Hàng bạch dương đứng trơ trụi âm thầm
.

Vào lúc ở quê nhà rạo rực Hoa Đào, Hoa Mai nở, mọi người náo nức đón Tết Nguyên Đán Âm lịch, thì bên này vẫn còn tuyết rơi mù mịt, băng giá tới 10, có khi tới 15, 20 độ âm, chẳng có vẻ gì là Tết cả. Dù vậy, người Việt không bao giờ quên cái Tết Âm lịch đã ăn sâu vào tiềm thức của mình. Người có điều kiện thì về Việt Nam ăn Tết, với giá vé đắt kinh khủng, có chuyến lên tới 47 nghìn rúp khứ hồi, tương đương với 1 nghìn 400 đô. Đa số thì ở lại.

Khi tôi viết những dòng này, thì đến Tết Nguyên Đán cũng chỉ còn mấy ngày. Nhưng rồi nó sẽ diễn ra tương tự như nhiều năm trước. Người ta sắm sửa ăn Tết Ta to hơn Tết Tây. Quà cáp biếu nhau, phong bao lì xì cho trẻ em nhiều hơn. Tuy Tết to nhưng với người kinh doanh ngoài chợ, Tết lại chỉ diễn ra chỉ được có một ngày.

Bởi vì Tết của ta, người Tây đâu có nghỉ. Ai làm việc trong cơ quan của nước sở tại cũng chỉ xin nghỉ được một ngày. Còn ai buôn bán ngoài chợ, nghỉ một buổi nghĩa là toi mất khoảng 5 đến 600 đô tiền thuê chỗ. Tiền thuê chỗ phải đóng trước cả tháng, nghỉ ngày lễ người ta cũng chẳng trừ cho một đồng nào. Ở Chợ Liu, tiền thuê quầy bán hàng có diện tích 15 m2 trung bình 500 đến 600 nghìn rúp 1 tháng. Nghĩa là khoảng gần 20 nghìn đô. Đấy mới chỉ là tiền thuê chỗ thôi. Con số này, khi tôi nói ra, nhiều người trong nước kinh ngạc, trợn tròn mắt, họ không thể tưởng tượng nổi. Người Việt kinh doanh buôn bán ở Nga chịu nhiều áp lực kinh khủng. Bà con chỉ dám nghỉ chợ để ăn Tết ngày mồng Một âm, còn lại gần như 360 ngày làm việc quần quật. Có năm, người ta tính: Mồng Một năm nay là ngày đẹp, đi bán mở hàng lấy may, mồng hai mới nghỉ ăn Tết. Những công nhân ở xưởng may cũng phải làm việc quần quật, bị giữ trong khuân viên của xưởng điều kiện ăn ở khổ sở vất vả vô cùng. Hay những công nhân xây dựng lam việc giữa mùa đông rét buốt này cực nhọc vô cùng, cái lạnh thấu xương thịt nước thì đóng băng nên muốn sú hồ để làm phải đun băng cho tan ra. Nếu chỉ tính riêng cường độ lao động, có thể nói đa số bà con người Việt ở chợ Liu, chợ Chim, hay công nhân xưởng may, xây dựng, trồng rau có thể được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Tuy chỉ có một ngày, nhưng mọi người chuẩn bị cho nó rất kỹ. Tết Nguyên Đán của ta trùng với Tết của người Trung Quốc. Vì thế, những ngày Giáp Tết, trên cánh cửa các quầy hàng người Tàu đỏ rực những dòng câu đối. Ở cửa mỗi căn hộ có người Tàu thuê, họ thường dán chữ Phúc lộn ngược, nghĩa là Phúc “đảo”, “đảo” đồng âm với “đáo” (đến). Phúc đã đến nhà là không bước ra nữa. Một số người Việt được các đối tác làm ăn người Tàu tặng cho chữ này, cũng đem về dán ngược như họ. Các chủ Chợ, Chủ TTTM thường có quà tặng các chủ quầy bán hàng trong khu vực mình quản lý: Một túi đựng chai Sâm panh hoặc Vodka, một cặp bánh chưng hoặc hộp Mứt, kèm theo cuốn lịch. Những nơi có điều kiện đón Tết tập trung đông người thì trang trí có phông chữ, làm cành đào giả, khéo đến nỗi trông xa cứ y như thật. Có chủ doanh nghiệp chơi sang, thì mua cành đào thật từ trong nước chuyển sang bằng máy bay. Dù là đào thật hay đào giả, nhìn thấy màu hoa, cộng với chiếc bánh chưng bày ngày Tết, ta cũng thấy quê hương Tổ quốc như gần lại, vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

Các dịch vụ Tết năm nào cũng hái ra tiền. Các quầy hàng khô “đánh” mứt và phong bì lì xì đỏ từ Việt Nam sang. Bánh chưng thì từ khoảng hơn chục năm trở lại đây, không phải đánh từ Việt Nam sang nữa, chỉ cần chở lá dong sang bằng đường hàng không, gói tại chỗ, giá thành rẻ hơn. Các dịch vụ gói bánh chưng theo đơn đặt hàng của các công ty, của các quầy hàng khô, các gia đình. Gà trống quê dùng để cúng tất niên, được các dịch vụ về nông thôn đặt trước hàng tháng, chở về Matxcơva bán với giá cao gấp 4-5 lần gà thường.

Người Việt và người Tàu ở lẫn trong thành phố hơn chục triệu dân, chỉ như vài giọt nước trong biển lớn. Dẫu có vui cũng chỉ trong một nhóm nhỏ, trong một không gian nhỏ. Tết Dương thì tha hồ đốt pháo hoa cùng người Tây, nhưng Tết ta tuyệt đối không. Vì đốt pháo sẽ kinh động đến người xung quanh. Vì thế, Tết ta thật im lìm. Người ta gọi điện chúc Tết nhau qua điện thoại. Gần nhà thì rủ nhau sang uống rượu. Chỉ có cánh sinh viên sống tập trung có điều kiện vui vẻ nhiều hơn… Họ mời bạn bè quốc tế cùng vui Tết, để qua đó quảng bá phong tục và văn hóa Việt.

Người Việt tổ chức đón Tết Nguyên Đán cho khỏi quên nguồn cội của mình, giữ lại một tập tục văn hóa đã ngấm vào máu thịt, chứ ở phương trời băng giá mù mịt tuyết giăng, dù có tổ chức cho to thế nào chăng nữa, vẫn không ra phong vị Tết quê nhà. Nó thiếu nhiều thứ lắm. Trong lòng mỗi người, đều ao ước có một ngày được ăn Tết đoàn tụ thực sự ở quê hương.

Xuân tha hương sầu thương về quê mẹ.
Tết xa nhà buồn bã nhớ quê cha.


Làm sao không nhớ mỗi khi xuân về? Làm sao không buồn khi mưa tuyết rơi trắng xóa hai hàng Nga sô ? Làm sao không hoài niệm khi trời đất đang chuyển giao, quê nhà đang vui mừng đón tết ? Nhớ lắm những phiên chợ tết ngày cuối năm, nhớ lắm cảnh họ tộc đoàn viên sửa sang nghĩa trang trong ngày tảo mộ, nhớ lắm những lời chúc tết, những phong bao lì xì làm đứa trẻ nào cũng háo hức chờ đợi. Bất giác nghĩ đến mấy câu thơ của Châu Hồng Thủy.

Tết quê nghèo nhưng đoàn viên hạnh phúc
Vẫn sâu đằm trong ký ức tuổi thơ.
Và con biết giao thừa này mẹ khóc
Nhắc đứa con ở xứ tuyết không về…


Matxcova những ngày cuối năm