Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bên cạnh Tòa Thánh đang được giới truyền thông chú ý nhiều trong mấy ngày gần đây. Ngay sau khi Đại Sứ Ken Hackett trình ủy nhiệm thư lên Đức Phanxicô, đã có tường trình cho hay tòa đại sứ bên cạnh Tòa Thánh sẽ được di chuyển về gần toà đại sứ Mỹ tại Ý. Bộ Ngoại Giao Mỹ đã họp báo để đánh tan những điều họ cho là “huyền thoại” liên quan tới việc nhiều người cho là lạnh nhạt trong các liên hệ của Mỹ với Tòa Thánh.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 5 tháng Mười Hai, Đại Sứ Hackett nói với hãng tin Zenit niềm hy vọng của ông trong việc phát huy mối liên hệ tích cực với Tòa Thánh, chia sẽ các suy tư của ông về các cuộc viếng thăm mới đây của Tổng Thống Nga Vladimir Putin và của Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, đồng thời đề cập tới khả năng Tổng Thống Obama thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô.


ZENIT: Thưa Đại Sứ Hackett, ông có thể cho chúng biết chút ít về chính ông không?

Đại Sứ Hackett: Tôi gốc Boston. Tôi học tại Cao Đẳng Boston. Rốt cuộc tôi đã thuê rồi cưới vợ tôi cũng người khu vực Boston. Dù chúng tôi không bao giờ thực sự sống tại đó. Sau khi cưới nhau, chúng tôi dọn qua Phi Luật Tân, và có đứa con đầu tiên tại Phi Luật Tân. Năm năm sau đó, tôi được chuyển qua Kenya và chúng tôi có đứa con thứ hai tại Kenya. Tôi trở lại Hoa Kỳ làm Tổng Giám Đốc Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo. Tôi sống gần 24 năm tại Baltimore, cố gắng quản trị tốt Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo. Tháng Hai năm 2012, tôi về hưu, rời về Florida và rất hạnh phúc. Tôi ra bờ biển, chơi quần vợt, chơi khúc gôn cầu. Thế rồi nhận được cú điện thoại từ Tòa Bạch Ốc hỏi xem chúng tôi có muốn nhận chức vụ này hay không, một chức vụ chúng tôi rất trân trọng và lấy làm vui. Và thế là chúng tôi ở đây!

Với Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo, chúng tôi đã sống ở Phi Luật Tân. Trong 12 năm, tôi là giám đốc miền Phi Châu nên đã dành phần lớn thì giờ du hành quanh vùng Hạ Sahara của Phi Châu. Tôi được chức vụ với Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo sau một chức vụ trong đó tôi phải liên hệ với mọi giáo phận của Hoa Kỳ và việc gây quĩ.

ZENIT: Ông đã trình ủy nhiệm thư lên Đức Thánh Cha? Có điều gì làm ông bỡ ngỡ cách riêng trong cuộc gặp gỡ đó hay trong lúc thảo luận không?

Đại Sứ Hackett: Vâng, tôi trình ủy nhiệm thư ngày 21 tháng Mười, ngày lễ Thánh Kateri Tekakwitha của Hoa Kỳ. Vợ tôi đã đặt mua một đồng tiền kỷ niệm có hình Thánh Nữ, nhưng chúng tôi không nhận được đồng tiền này kịp thời nên tôi không có nó từ quê nhà. Chúng tôi đề cập tới tình hình trên thế giới, tình hình bi thảm tại Syria, nỗi đau khổ, niềm hy vọng hòa bình, niềm hy vọng có những cố gắng mà chính phủ Hoa Kỳ và Tòa Thánh có thể hợp tác trong các vấn đề cả từ các vấn đề cục bộ như buôn bán người tới các vấn đề lớn hơn về hòa bình và tranh chấp. Chúng tôi không đi vào các kế hoạch hành động nhưng chỉ bàn luận tổng quát thôi.

Điều tôi nhận được từ buổi yết kiến là, trước nhất, ngài có một cung cách rất mục vụ về chính con người của ngài. Ngài phát ra những rung cảm khiến bạn cảm thấy rất gần gũi, rất thoải mái, và điều này nữa: ngài thực sự quan tâm. Và ngài nói với bạn như một con người. Ngài nói tiếng Tây Ban Nha, tôi nói tiếng Anh và chúng tôi có một thông dịch viên. Ngài hiểu tiếng Anh hơn tôi hiểu tiếng Tây Ban Nha. Ngài nói chậm rãi và cố gắng thông đạt bằng tiếng Tây Ban Nha dù tôi không hiểu gì. Và ngài quả đã biểu lộ một sự gần gũi rất ấm áp với hầu hết mọi người. Quả là một hào quang đặc biệt tỏa ra từ đức tin sâu sắc của ngài.

ZENIT: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh nhiều tới các vấn đề như nghèo đói, di dân và các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên thế giới, những vấn đề có liên hệ với Hoa Kỳ. Là Đại Sứ Hoa Kỳ, ông nghĩ gì về chủ trương của Đức Thánh Cha trong các vấn đề này? Ông thấy Tòa Thánh và Hoa Kỳ có thể hợp tác với nhau trong các phạm vi nào?

Đại Sứ Hackett: Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc đối với thân phận các di dân. Không phải chỉ là các di dân xuất phát từ Bắc Phi, từ các nơi như Eritrea và Syria tới Âu Châu, mà là toàn bộ vấn đề di dân. Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ vốn tích cực hỗ trợ các cố gắng nhằm xử lý các người tị nạn, các người rời cư và chúng tôi muốn tiếp tục thực hiện việc này.

Hình như Đức Thánh Cha quan tâm đặc biệt tới toàn bộ vấn đề buôn bán. Buôn người, buôn lao động, và phần khủng khiếp là buôn người để lấy bộ phận thân thể và buôn bán tình dục. Và ngài luôn khuyến khích mọi người tại Vatican tìm cách giải quyết. Chính phủ Hoa Kỳ chúng ta cũng muốn tham gia và chúng ta sẵn sàng hỗ trợ các vấn đề này. Chẳng hạn, tại thành phố này đang có một nữ tu. Bà là người Phi Luật Tân và bà đã thực hiện được một việc tuyệt vời trong việc mời gọi và giúp các nữ tu khác hiểu toàn bộ hiện tượng buôn bán này, hiểu nó khủng khiếp như thế nào và ta có thể làm gì đối với nó. Phần chúng ta, chúng ta đang hỗ trợ họ về tài chánh và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục làm việc này. Đây chỉ là vấn đề nhỏ. Tuần tới, sẽ có buổi sinh hoạt báo chí cho World Hunger. Buổi này sẽ diễn ra tại khu Trastevere. Toàn bộ mạng lưới Caritas, bao gồm cả Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo cũ của tôi, sẽ tham dự buổi này. Chính tôi cũng sẽ tới và hiện diện tại đó. Đây là một cố gắng nhỏ chúng tôi làm ở đây, nhưng chính phủ Hoa Kỳ làm nhiều hơn thế khắp trên thế giới. Trong việc đảm nhiệm săn sóc người tị nạn Syria, phần lớn các trợ giúp là của Hoa Kỳ trên bình diện nhân đạo. Và chúng tôi muốn tiếp tục một số việc như thế, cũng như đảm nhiệm những việc có chất lượng nhất trong đó có cơ hội làm việc chung với nhau trong các vấn đề hòa bình giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh. Đó là các phạm vi chúng tôi sẽ hợp tác.

ZENIT: Xét theo tình hình tại Syria, xem ra Nga và Tòa Thánh có cùng một suy nghĩ hơn là Hoa Kỳ. Ông nghĩ gì về chuyến viếng thăm Đức Thánh Cha của Tổng Thống Vladimir Putin?

Đại Sứ Hackett: Tôi không nghĩ y hệt cách đó. Tôi nghĩ [Tổng Thống] Putin có hơi cơ hội chủ nghĩa một chút. Tôi nghĩ Tòa Thánh nói “Ta hãy tìm thương thức hòa bình”. Tổng Thống Obama cũng muốn có phương thức hòa bình. Nhưng cho tới nay, vẫn còn những khinh hoàng khiếp đảm giáng xuống dân tộc Syria và ta chưa tìm được một cách giải quyết hòa bình. Do đó, để đem người ta tới bàn thương nghị, một việc xem ra sắp sửa diễn ra, nhưng vẫn cần một vài áp lực nào đó. Đó chẳng qua cũng là một phần của ngoại giao: đôi khi, bạn cần phải tạo áp lực mạnh mới khiến người ta nhìn ra đường đi phía trước.

Tôi tin Tòa Thánh đang tích cực dấn thân vào việc hỗ trợ các cách giải quyết hòa bình cho tình thế ở đó. Và về phương diện này, chúng ta chắc chắn có thể tìm ra chính nghĩa chung. Nhưng mỗi ngày ta đều nghe thấy nhiều kinh hoàng hơn: 12 nữ tu bị bắt giữ, ta không biết chuyện gì xẩy ra cho các vị này. Nhưng tôi sẽ không định đặc điểm cho việc này vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng Thống Putin đứng vào một phe, còn Tổng Thống Obama và Tổng Thống Hollande (Pháp) thì đứng vào phe kia. Theo tôi, việc định đặc điểm đó không đúng.

ZENIT: Ông nghĩ gì về cuộc viếng thăm Đức Thánh Cha của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu?

Đại Sứ Hackett: Điều tôi học được rất tích cực. Thủ Tướng Netanyahu chắc chắn muốn được viếng thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Theo những người tôi được nói chuyện với, thì chưa có thời biểu chuyên biệt, các vị vẫn còn đang thảo luận. Đang có những cuộc thảo luận với người Do Thái, với Thượng Phụ Bartholomew, với người Palestine, với người Giócđăng. Và xem ra sẽ có cuộc viếng thăm trong tháng Năm. Bạn có nghe người ta suy đoán vào cuối tháng Năm nhưng người khác lại bảo tôi rằng hiện chưa định được ngày giờ (1). Đấy là một phía của câu truyện.

Phía kia là toàn bộ cuộc thương thuyết về các liên hệ giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Do Thái về tài sản, trường học, thuế khóa… Tôi không tin Đức Thánh Cha sẽ đi vào các chi tiết này nhưng tôi buộc phải tin rằng Đức Tổng Giám Mục [Pietro] Parolin sẽ làm việc này.

Và rồi còn vấn đề lớn hơn, nhiều chất lượng hơn và cũng nền tảng hơn là hòa bình giữa Israel và Palestine. Tôi tin rất có thể có việc nhắc tới tình hình Iran trong buổi gặp gỡ giữa Thủ Tướng và Đức Thánh Cha. Tôi biết đã có cuộc thảo luận về việc này trong một buổi gặp gỡ với Quốc Vụ Khanh [Vatican].

Các cơ hội để đối thoại này rất tốt. Và tôi hy vọng rằng vào một lúc nào đó Ngoại Trưởng Kerry hoặc Tổng Thống Obama sẽ có mặt ở đây. Tôi hy vọng thế.

ZENIT: Đó sẽ là câu hỏi sắp tới của tôi. Có kế hoạch nào không để Ngoại Trưởng Kerry hoặc Tổng Thống Obama tới viếng thăm?

Đại Sứ Hackett: Chưa có thời biểu được đệ trình. Ngoại Trưởng Kerry cho tôi hay lúc gặp ông tại Washington: ông quả ước mong được tới và vợ ông cũng mong được tới nữa. Tôi biết Tổng Thống Obama muốn tới vào lúc thuận tiện và lúc có dịp tốt. Tôi biết việc đó chưa được ghi vào lịch bàn nhưng chắc chắn sắp sửa được ghi vào rồi.

ZENIT: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bên cạnh Tòa Thánh từ trước đến nay vốn rất rõ ràng về các lý do tại sao họ di chuyển tòa đại sứ. Một số người lý luận rằng không có khác nhau gì nhiều về phương diện ngân sách, an ninh hay xa xôi. Ông nói gì về việc này?

Đại Sứ Hackett: Nếu ông nhìn qua cửa sổ, gần hàng rào, chỉ vào khoảng 20 yards. Nếu tôi có hòn đá lớn, tôi có thể đứng đó và ném qua chiếc cửa sổ này. Thành thử về phương diện an ninh, đây không hẳn là trạng thái lý tưởng.

Do đó, đang có việc cân nhắc theo quan điểm an ninh này, nhất là an ninh, tiếp theo tình trạng tại Benghazi. Nó được Hội Đồng Lượng Giá Benghazi và Quốc Hội khuyến cáo để cải thiện an ninh. Và vấn đề này đã được thảo luận khá lâu nay, từ thời chính phủ Bush đã có việc cân nhắc để di chuyển rồi.

Tình thế thứ hai ông đang ngồi trong phòng họp của tôi chỉ lớn đủ để vừa chỗ ngồi cho 12 người. Đây không hẳn là một tòa đại sứ thực tiễn nhất để tổ chức các cuộc họp. Chiều nay, tôi có buổi ăn trưa với một nhóm người chuẩn bị nói về Cộng Hòa Trung Phi và buổi họp này phải tổ chức tại nhà tôi vì không đủ chỗ cho họ tại đây. Tóm lại chúng tôi không đủ chỗ hội họp cho thoả đáng.

Giữa lúc ấy thì thấy có sẵn tòa nhà đã mua có lẽ cách nay 5 năm, có cả một phần hoàn toàn chưa có ai chiếm và đó là nơi chúng tôi sẽ dọn tới.

Chúng tôi sẽ có cổng ra vào riêng, bảng hiệu riêng, trong một tòa nhà của riêng chúng tôi với chỗ hội họp thỏa đáng. Như Bộ Ngoại Giáo từng nhận định, một trong các huyền thoại là chúng tôi từng ở bên trong Vatican, nhưng như ông thấy làm gì có tòa đại sứ nào bên trong Vatican. Thành thử chúng tôi đâu có di chuyển ra ngoài Thành Vatican, chúng tôi vốn ở ngoài Vatican rồi. Việc (di chuyển) này sẽ đem lại cho chúng tôi một môi trường làm việc tốt hơn. Một cơ hội để hội họp nhiều hơn, một không gian rộng hơn, ít phí tổn hơn, và nhiều an ninh hơn. Thiển nghĩ đây không phải là một việc tệ.

ZENIT: Có một số người còn phao tin đồn rằng Hoa Kỳ sắp sửa đóng cửa tòa đại sứ bên cạnh Tòa Thánh.

Đại Sứ Hackett: ‘Như thế, thì lời đồn tôi chết đã bị cường điệu thái quá!’ Hoàn toàn sai, không đúng sự thật chút nào. Không có việc giảm ngân sách về nhân viên và cam kết. Thực vậy, tôi chỉ xin nói điều ngược lại. Sự hiện diện của tôi ở đây cho thấy điều này: chính phủ Obama thừa nhận họ phải tìm một người từng điều khiển một cơ quan chính của Công Giáo, hiểu biết mọi người tại Vatican. Do đó, tôi không thấy sự hạ giá nào, ngược lại mới đúng.

ZENIT: Một vấn đề được nhiều người Công Giáo bàn tán mấy lúc gần đây là chỉ thị (y tế) HHS. Có cập nhật hóa gì về vấn đề này hay không?

Đại Sứ Hackett: Không, tôi không thể nói với ông bất cứ điều gì hơn là điều ông hay các độc giả của ông đã biết rồi vì không có gì khác trong bản tóm lược của tôi cả. Bản tóm lược của tôi chỉ nói về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và tìm ra các phạm vi trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ mà chúng tôi có thể cùng làm việc với Tòa Thánh mà thôi. Đó là vấn đề nội trị mà tôi không can dự cũng như làm cho Tòa Thánh can dự vào. Việc ấy xin nhường cho các vị giám mục của Hoa Kỳ.

ZENIT: Là một người Công Giáo, đôi lúc ông có thấy khó khăn khi các vấn đề đức tin tranh chấp với các vấn đề không thuộc cùng luồng suy nghĩ như chính phủ hiện nay hay không?

Đại Sứ Hackett: Tôi tìm tòi các phạm vi trong đó đức tin của tôi chỉ cho tôi các cơ hội để thay đổi tình huống của người nghèo và cư xử với những người đang đau khổ, khốn cùng. Không thể cân bằng mọi khía cạnh trong đức tin của tôi với mọi chính sách của bất cứ chính phủ nào nhưng tôi tìm được khá nhiều phạm vi gặp nhau giữa đức tin của tôi và các mục tiêu chính sách của chính phủ Obama về các vấn đề nghèo đói và các vấn đề của người túng thiếu. Do đó, tôi tìm tòi các phạm vi trong đó tôi thấy được, từ tận đáy lòng mình, các lãnh vực tôi đang say mê và phát xuất từ tín ngưỡng của tôi.

Tôi cũng thấy sự cởi mở được Đức Phanxicô đem lại về một Giáo Hội cho mọi người: nó quả dành cho bất cứ ai. Và tôi nhận ra một sự ấm áp và gợi hứng to lớn từ quan điểm này.

ZENIT: Ông hy vọng gì trong vai trò mới mẻ làm Đại Sứ Hoa Kỳ này? Ông hy vọng đóng góp được gì?

Đại Sứ Hackett: Tôi muốn nói điều này: nếu di sản của tôi để lại được câu nói này “Ông ta đã phát huy được một mối liên hệ rất tích cực; ông ta đã đẩy mạnh mối liên hệ giữa Tòa Thánh và chính phủ Hoa Kỳ trong hàng loạt các vấn đề khác nhau” thì tôi đủ hãnh diện rồi. Tôi có thể trở về hưu trí tại Florida và nhủ thầm “Mình đã làm được một diều gì đó”.

Tôi nghĩ điều tôi vốn có khả năng đóng góp hơn một chút là 40 năm làm việc với Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo. Tôi đã gặp những con người cao thượng, diệu kỳ làm việc cho Giáo Hội Công Giáo khắp trên thế giới. Các nữ tu điều khiển một trạm y tế nơi bụi rừng xa xôi, vị cha sở làm việc tận tình tại miền Nam Phi Luật Tân, vị giám mục đang thực hiện các sứ vụ thương thuyết hòa bình giữa các phe nổi loạn. Và tôi đã gặp tất cả những con người này, họ hiến tặng tôi sự hiếu khách, tình thân hữu, đôi khi một chiếc giường trong nhà họ, một bữa ăn. Bây giờ tôi thấy họ ở đây, ở Rôma này. Họ rẽ qua, họ tới thăm. Và do đó, tôi muốn phục hồi các mối liên hệ mà tôi đã khai triển trong 40 năm, một ít người trong số họ tôi chưa được gặp lại trong suốt 40 năm qua. Khi họ rẽ qua đây, tôi mời họ một ly cà phê, một bữa ăn, một cuộc chuyện trò và một cơ hội để thảo luận các vấn đề của họ. Phần lớn, tôi biết các vấn đề của họ, vì trong cuộc sống trước đây của tôi, tôi đã phải xử lý các vấn đề của họ.

Thành thử (chức vụ của tôi) mở rộng sự cam kết của tòa đại sứ này với các bộ sở của Giáo Triều (Rôma) ra cả bên ngoài, tới các cộng đoàn tu trì và các cộng đoàn khác, tới mạng lưới Caritas, các phong trào và tôi cảm thấy thoải mái trong môi trường này. Bởi thế, tôi hy vọng có thể phát huy được cả mối liên hệ kia nữa.
__________________________________________________________________________________________
(1) Thực ra, Thủ Tướng Netanyahu đã tới viếng Đức Phanxicô ngày 2 tháng Mười Hai vừa qua (vietcatholic 3/12/2013)
¬¬