Trải qua bao thăng trầm lịch sử (của Giáo Hội cũng như thế giới), Kinh Mân Côi vẫn toả sáng và ngày càng chói rạng như chính mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa qua Ngôi Lời nhập thể. Vì thế, trong Tông thư về Kinh Mân Côi (“Rosarium Virginis Mariae”, số 21), ĐTC Gio-an Phao-lô II còn gọi Kinh Mân Côi là “Mầu nhiệm của các mầu nhiệm” và bổ sung thêm 5 mầu nhiệm Ánh Sáng, nâng tổng số lên thành 20 mầu nhiệm. Quả thực, nói hay viết về mầu nhiệm Kinh Mân Côi cùng với hiệu lực cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi thì không bút mực, sách vở nào có thể bao biện cho hết được. Thật đúng như lời dậy của Chân Phước Gio-an Phao-lô II: “Những điều đã nói trên đây làm sáng tỏ khá đầy đủ sự phong phú của kinh nguyện truyền thống này, vốn có tính chất mộc mạc của lòng đạo đức bình dân, nhưng cũng có chiều sâu thần học của việc cầu nguyện thích hợp cho những ai cảm thấy nhu cầu chiêm ngưỡng thâm sâu hơn... Hôm nay, tôi thiết tha giao phó sự nghiệp hoà bình trên thế giới và sự nghiệp các gia đình cho quyền năng của Kinh Mân Côi – như tôi đã nói từ đầu” (Tông thư về “Kinh Mân Côi”, số 39) .

Nói về Kinh Mân Côi, người ta thường hay nghĩ đến câu chuyện thánh Đa Minh, tổ phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo, được Đức Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi. Truyền thuyết này cũng có nhiều tranh cãi giữa một bên cho rằng đó là chuyện có thật và một bên cho rằng đó chỉ là câu chuyện tưởng tượng, dựng đứng (*). Nhưng xét cho cùng thì thấy không chỉ ở thời điểm thế kỷ XIII, mà còn mãi về sau này, không ít lần (mà tỏ tường nhất, thuyết phục nhất là lần tại Fatima, năm 1917) Đức Mẹ hiện ra với tràng chuỗi Mân Côi và những lời khuyên nhủ tha thiết con cái hãy siêng năng lần hạt, truyền bá Kinh Mân Côi. Như vậy thì việc Đức Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi cùng với những lời khuyên dạy thánh Đa Minh cách thức cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, đồng thời coi đó là vũ khí, là phương tiện cải hoá những người theo phái Albigense, các bè rối và những người tội lỗi khác, là điều có thật 100%, chẳng cần tranh luận.

Kinh Mân Côi đã có từ trước khi thánh Đa Minh thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Lúc đầu có thói quen đọc 150 Thánh vịnh, tiếp theo, có một số người không đọc được Thánh vịnh thì đọc Lời chào Đức Mẹ của Sứ thần Gabriel (bước đầu hình thành kinh Kính Mừng). Đến thế kỷ XIII, đã lưu hành 4 bộ Thánh vịnh (Psalterium): bộ 150 kinh Lạy Cha (Psalterium Christi), bộ 150 kinh Kính Mừng (Psalterium b. Virginia), bộ 150 điểm suy gẫm về cuộc đời Chúa Ki-tô, và bộ 150 lời ca ngợi Đức Mẹ. Người có công cổ động việc đọc Kinh Mân Côi theo hình thức hiện nay là cha Alain de la Roche và gọi kinh này là Psalterium B.M.V. Sau này mới gọi là Rosarium, Việt Nam dịch là: Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi (**). Bộ 150 kinh Kính Mừng được chia thành ba vòng hoa: Nhập thể (mùa Vui), Tử nạn (mùa Thương) và Vinh quang (mùa Mừng); mỗi vòng 5 chục kinh Kính Mừng, mỗi chục kinh mở đầu bằng kinh Lạy Cha và kết thúc bằng kinh Sáng Danh. Kinh Mân Côi được thành hình và hoàn chỉnh, chính yếu và căn bản, gồm Lời Cầu Nguyện của Chúa Ki-tô (kinh Lạy Cha), Lời Thiên Sứ chào Mẹ Maria khi báo tin Ngôi Lời nhập thể (kinh Kính Mừng) và vinh tụng ca Thiên Chúa Ba Ngôi (kinh Sáng Danh). Sang thế kỷ XXI, còn thêm 5 mầu nhiệm Ánh Sáng (xc Tông thư “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria” – ĐTC Gioan Phaolô II – 2002).

Sở dĩ Kinh Mân Côi được khai sinh và lưu truyền trong bề dày lịch sử Giáo Hội, cũng bởi vì Đức Maria là Mẹ Lời Chúa, Mẹ Giáo Hội. Vì thế, nên trong Tông huấn ”Marialis Cultus” (số 13), ĐTC Phao-lô VI đã khẳng định: ”Chúng tôi muốn lưu ý anh em về một việc đạo đức đã từng được gọi là “Bản tóm lược tất cả cuốn Phúc Âm”: đó là chuỗi Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria. Các vị tiền nhiệm của chúng tôi vẫn thường chú tâm và nhiệt tình cổ động việc đạo đức này, khuyên bảo chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi… Kinh Mân Côi có khả năng phát huy một lối cầu nguyện có tính chiêm niệm, vừa là lời chúc tụng vừa là lời cầu xin. Cũng nên nhớ rằng Kinh Mân Côi có sức linh nghiệm giúp chúng ta tiến bộ trong đời sống Ki-tô giáo và dấn thân hoạt động Tông đồ”.

Rõ ràng người Ki-tô hữu muốn “tiến bộ trong đời sống Ki-tô giáo và dấn thân hoạt động Tông đồ” thì phải biết luôn luôn cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, để “Nhờ Mẹ, đến với Chúa” (Ad Jesum, per Mariam). Không những thế, Kinh Mân Côi còn có hiệu lực giải quyết những vấn nạn nan giải nhất (“Giáo Hội luôn luôn tin tưởng vào hiệu năng của lời cầu nguyện này, khi giao phó cho Kinh Mân Côi, đọc chung trong cộng đoàn và thường xuyên thực hành, những vấn nạn nan giải nhất” – Tông thư “Rosarium Virginis Mariae”, số 39). Quả thực, ngày nay khi lần chuỗi Mân Côi, mỗi Ki-tô hữu cần nhận chân được đây là dịp tiếp cận Tin Mừng, ôn lại hành trình đức tin của Mẹ, để từ đó khẩn cầu Mẹ dìu dắt vượt thắng được hành trình đức tin của chính bản thân mình. Chính vì thế, nên mọi tín hữu phải luôn tâm niệm sống Đạo với châm ngôn "Kết hiệp với Mẹ suy niệm mầu nhiệm Mân Côi" bằng cách: "Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi + Ăn năn cải hối + Ký thác tận hiến cho Mẹ => Đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ" (Mệnh lệnh Fatima).

Chỉ có như thế mới phần nào bày tỏ được tình con thảo đối với Mẹ hiền, đáp ứng được Lòng Thương xót của Thiên Chúa qua di ngôn dưới chân Thập Tự: "Này là con Bà – đây là Mẹ con" (Ga 19, 26-27). Thật sự chỉ có như thế mới thấy thấm thía được huyền nhiệm sâu sắc của Kinh Mân Côi. Và cũng từ đó lại càng thêm vững tin rằng Kinh Mân Côi là một bản tóm lược Tin Mừng vừa đơn giản, vừa súc tích, đồng thời đó cũng là một ký sự chân thực nhất trình thuật hành trình đức tin của Mẹ Thiên Chúa – một hành trình đầy cam go thử thách nhưng cũng đầy chiến thắng vinh quang. Chính điều này chứng tỏ Thiên Chúa đã chọn lựa và dẫn đưa Đức Trinh nữ Maria từ bỏ kế hoạch riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào kế hoạch diệu huyền của Thiên Chúa, để trọn vẹn tín thác vào Thiên Chúa.

Ôi! Lạy Mẹ! Con xiết bao mừng rỡ khi lại được thêm một lần trong muôn muôn triệu lần các Ki-tô hữu trên toàn thế giới chúc tụng Mẹ qua Kinh Mân Côi mà Mẹ đã truyền dạy chúng con. Cúi xin Mẹ thương đoái, đón nhận đoá hoa lòng của chúng con: "Ngày nay con đến hát khen mừng Mẹ Chúa Thiên Đàng. Dâng ngành Mân Côi muôn màu hoa thắm tươi. Lạy Mẹ yêu mến lắng nghe lời con hát nhịp nhàng, hoà với cung đàn xiết bao mừng vui. Ôi Maria! Phúc đức no đầy chan hoà. Lòng con yêu mến cậy trông thiết tha. Qua cơn gian nan giữa chốn sa trường nguy biến. Xin đưa hồn con tới quê thanh nhàn." ("Nữ Vương Mân Côi" – Hải Linh –TCCĐ). Amen.

Nguồn: Nội San Kinh Mân Côi kinhmancoi.net -
Chú thích: (*), (**): xc. 1- “TÌM HIỂU DÒNG ĐA MINH” của Lm Giuse Phan Tấn Thành OP; 2- “THÁNH ĐA MINH - ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG THUYẾT GIÁO” của Lm Giuse Nguyễn Tri Ân OP. (Nguồn: thanhlinh.net).