CHÚA NHẬT THỨ III PHỤC SINH C

Cuộc sống quanh ta có rất nhiều biểu tượng. Một biển báo đi đường, một hình vẽ diễn tả sự tai hại của bênh AIDS, của ma túy, một ký hiệu cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm đậu xe bừa bãi… Tất cả những biểu tượng đó là những lời nói vô âm soi rọi cho mình về một vấn đề nào, một quy định nào mà mình cần thực hiện, hay sống… Ngôn ngữ biểu tượng rất phong phú. Nó gần gũi với ta, ở xung quanh ta.

I. LỬA VÀ NƯỚC

Trong đêm tưng bừng của thứ Bảy tuần Thánh, khi công bố Tin Mừng Phục Sinh, Giáo Hội không chỉ công bố bằng ngôn ngữ của lời, của âm thanh; hay ngôn ngữ trừu tượng của Thánh Kinh, của thần học, của suy tư tích lũy hàng ngàn năm qua… Rất đặc biệt, đêm vọng Phục Sinh, Giáo Hội đã sử dụng nhiều ngôn ngữ mang tính biểu tượng để công bố Tin Mừng Phục Sinh. Đó là những hành động biểu tượng giúp ta hiểu mầu nhiệm Phục Sinh và nội dung phong phú chất chứa trong mầu nhiệm này.

Đặc biệt đêm Phục Sinh có hai biểu tượng nền tảng đó là Lửa và Nước.

1. LỬA

Trước khi bắt đầu cử hành đêm cực Thánh này, nhà thờ tắt hết đèn. Một khung cảnh tối tăm bao trùm. Khung cảnh đó diễn tả một thế giới chìm trong nỗi chết do tội. Một thế giới mà lòng người còn đầy dẫy hận thù, yếu đuối, bất toàn, gian trá…

Thế rồi giữa cảnh tăm tối đó, thừa tác viên thắp sáng và rước nến Phục sinh từ cuối nhà thờ lên cung thánh. Nến Phục Sinh được thắp sáng ấy tượng trưng cho Chúa Kitô. Bởi vậy khi rước nến, linh mục lặp đi lặp lại lời này: “Ánh sáng chúa Kitô”.

Ánh sáng Chúa Kitô tới đâu, đẩy lùi bóng tối tới đó. Người tham dự cũng lấy lửa từ Lửa Phục Sinh, thắp sáng từng ngọn nến trên tay mình. Với ngọn nến được chuyển lửa từ Lửa Phục Sinh, cả nhà thờ, tràn ngập ánh sáng, không còn chìm trong bóng tối nữa.

Nếu bạn và tôi biết thắp lên niềm tin vào Chúa Phục Sinh trong cuộc đời của mình, và sống niềm tin ấy bằng một đức mến mãnh liệt nơi Thiên Chúa giàu lòng yêu thương, là chúng ta thắp lên Ánh sáng Chúa Kitô cho cuộc đời. Ánh nến cháy sáng trên tay chúng ta có ý nghĩa là như vậy.

2. NƯỚC

Biểu tượng thứ hai là Nước. Trong đêm Phục Sinh, thừa tác viên làm phép nước và nhún cây nến Phục Sinh vào trong dòng nước. Nếu từ nơi Chúa Kitô, máu và nước chảy ra mang lại sức sống cứu độ trần gian, thì hôm nay, trong đêm Cực Thánh, dòng nước vừa mới được làm phép bởi nến Phục Sinh, trở nên dòng nước thanh tẩy chúng ta.

Dòng nước này sẽ đổ lên đầu các tân tòng để đưa họ vào thế giới của ơn cứu độ, của tình yêu, của sự sống. Dòng nước ấy cũng được rảy trên đầu mọi người tham dự, nhắc lại ơn tái sinh mà chúng ta đã lãnh nhận trong bí tích rửa tội.

II. BIỂU TƯỢNG DIỄN TẢ ĐỨC TIN VÀ TÌNH YÊU

Suy tư sâu hơn một chút, ta sẽ thấy, thuở ban đầu khi tạo thiên lập địa, Chúa bắt đầu dựng ánh sáng trước hết. Ngay sau ánh sáng là nước. Như vậy, khởi đầu của sự sống là ánh sáng và nước. Trên nền tảng của ánh sáng, nước, Thiên Chúa tạo dựng thế giới, tạo dựng muôn loài, tạo dựng một nhân loại, và tạo dựng cả vũ trụ nguy nga này.

Tạo dựng chính là sáng kiến của tình yêu. Tạo dựng cũng là làm cho sống. Nghĩa là, từ thuở đời đời, Thiên Chúa vì yêu, đã san sẻ sự sống của Người cho tạo vật. Tạo vật sống cũng chính là tạo vật được yêu. Vì được yêu, tạo vật mãi mãi được sống trong sự sống của Người. Nhưng do tội, tạo vật đã đánh mất sự sống ấy của mình.

Như vậy, trong đêm công bố Tin Mừng Phục Sinh, Giáo Hội muốn sử dụng hình ảnh Lửa và nước của thuở ban đầu ấy để mọi người biết rằng, thế giới này, nhân loại này, vũ trụ này đã chìm trong bóng tối, đã chết trong tội, giờ đây được sống lại trong ơn cứu độ của Chúa Kitô.

Nói cách khác, Nhờ ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô chiếu giãi, và nhờ dòng máu và nước từ cạnh sườn Chúa Kitô mà nhân loại này, vũ trụ này, thế giới này được sống, hơn thế, được sống trong sự sống của Thiên Chúa: sự sống của Đấng Phục Sinh.

Khi Giáo Hội rước lửa và rảy nước trên toàn dân, là Giáo Hội muốn công bố một niềm xác quyết: Tin Mừng Phục Sinh là Tin Mừng về một thế giới mới, một công cuộc sáng tạo mới, một nhân loại mới được bắt đầu từ Chúa Kitô Phục Sinh. Niềm xác quyết ấy chứa đựng trong ngôn ngữ biểu tượng của Lửa và Nước.

Đó là đức tin của chúng ta. Đó là đức tin của một sức sống mới, sức sống Phục sinh chảy tràn từ Đấng Phục Sinh mà chúng ta phải khắc ghi và phải sống.

Đó cũng là lòng mến của các Kitô khi cử hành đêm vọng Phục Sinh long trọng này để khắc ghi tình yêu của Chúa, một tình yêu cứu độ từ thuở đời đời hóa nên một tình yêu cứu chuộc quá đỗi diệu kỳ. Vì nếu Chúa tạo dựng con người bởi tình yêu, thì hôm nay, Người tái tạo cũng bằng tình yêu.

III. ĐỂ NHẬN RA ĐẤNG PHỤC SINH

Chỉ có ai sống đức tin của mình như ánh lửa cháy sáng, hay như một dòng nước có sức lan rộng, người ấy mới có thể yêu mến Chúa một cách chân thật. Chỉ có lòng yêu mến trong đức tin, mới nhận ra Đấng Phục Sinh hiện diện trong cuộc đời mình.

Thánh Gioan tông đồ là người đã tin và đã yêu như thế. Ngay trong lễ Phục sinh đầu tiên, nhìn ngôi mộ trống, trước cả những phụ nữ là những người phát hiện mộ trống, trước cả thánh Phêrô, người đã vào thăm mộ trước, thánh Gioan đã tin.

Hôm nay, một lần nữa, bài Tin Mừng lại cho ta biết tầm quan trọng của cảm thức đức tin và sự cần thiết của một đức mến nồng nàn.

Có ai ngờ rằng, suốt một đêm cực nhọc đánh cá, các môn đệ đã không bắt được một con cá nào, thì bây giờ, khi trời đã bắt đầu rạng sáng, một người lạ xuất hiện, dạy các ông: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Không hiểu sao, dù chỉ thấy đó là một người lạ, nhưng các môn đệ lại nghe theo, để cuối cùng, họ đã thu được một kết quả quá bất ngờ: “Lưới đầy toàn cá lớn”.

Thánh Gioan cũng lại là người phát hiện ra chúa Phục Sinh trước các anh em mình. Sau mẻ cá đầy ắp như muốc rách tung chiếc lưới, “Người môn đệ Chúa yêu” thật hãnh diện mà cả quyết: “Chúa đó”.

Vì “Người môn đệ Chúa yêu” đã có sẵn một lòng yêu mến Chúa, một đức tin từ kinh nghiệm sống với Chúa, nên đã nhận ra Chúa một cách hết sức dễ dàng.

Cũng thế, không ai trong bạn và tôi lại cho rằng mình không có đức tin. Mình không có lòng yêu mến Chúa.

Nhưng Nói là nói như vậy. Hiểu là hiểu như thế. Trong thực tế của cuộc đời, không ít lần, bạn và tôi dường như chao đảo, dường như mất sức sống. Đức tin vào Chúa, lòng yêu mến Chúa của mình có lúc như bị đánh gục, như tuyệt vọng.

Bạn ạ, trong đêm rước nến Phục Sinh, chỉ đi từ cuối nhà thờ lên cung thánh, một đoạn đường ngắn thôi, vậy mà ngọn lửa ấy đã chực tắt mấy lần. Và đã có những ngọn nến trên tay của những người tham dự tắt ngúm, phải lấy lại lửa từ phía những anh chị em bên cạnh.

Tôi nhìn thấy ngọn lửa mong manh ấy cũng chính là hình ảnh của đức tin, của lòng mến nơi bạn và tôi. Nếu có lúc nào đức tin chúng ta tắt ngúm, lòng yêu mến của mình chết lạnh, hãy tìm cách lấy lại ngay. Lấy lại bằng chìm đắm trong cầu nguyện, chứ đừng tuyệt vọng. Vì nếu có lúc đức tin và lòng mến càng trở nên tối tăm bao nhiêu, chúng ta càng phải đến gần Chúa nhiều hơn bấy nhiêu.

Và cũng như khi tắt lửa, ta lấy lại lửa từ anh chị em, thì cũng hãy nhìn những tấm gương sống đạo đức, thánh thiện của anh chị em mà vững tin, mà yêu mến Chúa hơn. Nhất là xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu anh chị em bất hạnh: mù lòa, tật nguyền, nghèo đói… nhưng họ vẫn tin Chúa, vẫn sống đạo. Họ chính là bài học sống, dạy chúng ta tin và yêu Chúa.

Hãy tin và hãy yêu để bạn và tôi cũng trở thành những môn đệ Chúa yêu. Từ đó nhận ra Đấng Phục Sinh trong cuộc đời mình, trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta phải đối mặt với nó. Chỉ cần đức tin, chúng ta sẽ được tăng thêm lòng mến. Khi có đức mến, tự nhiên đức tin cũng sẽ được bồi đắp hơn. Và khi tin tưởng vào Chúa trong một tình yêu, chúng ta sẽ thấy Chúa hiện diện với mình.

Như vậy Lửa và Nước không chỉ là ngôn ngữ biểu tượng của việc công bố Tin Mừng Phục Sinh, không chỉ là ngôn ngữ biểu tượng để diễn tả đức tin và tình yêu của Giáo Hội. Nó còn là ngôn ngữ biểu tượng của lòng yêu mến Thiên Chúa, của đức tin, của sự gặp gỡ và đón nhận Chúa Kitô đang hiện diện, không phải chỉ trong lễ Phục Sinh nhưng trải dài suốt cuộc đời của mỗi người.