Đức tin phải là mẫu mực cho người công giáo noi theo trong việc hành đạo, vì có đức tin soi dẫn, việc hành đạo mới vững vàng. Những việc bên ngoài như đọc kinh, tham dự thánh lễ và các việc đạo đức khác là do lòng xác tín từ bên trong phát ra. Do đó, người ta biết tại sao mình tin và bằng lòng chấp nhận những hậu quả do hành động ấy. Thái độ này rất cần thiêt trong việc hành đạo, vì nó tránh cho ta khỏi thế bị động và những áp lực bên ngoài.

Quả vậy, nếu biết tại sao mình tin, chúng ta sẽ không choáng váng vì những câu chất vấn mỉa mai, hay sợ hãi trước những thay đổi về thể chế chính trị. Ngay từ đầu, đạo của chúng ta đã là đạo của một số ít người và không được chính quyền đương thời công nhận đến nỗi đã phải sinh hoạt bí mật như một đoàn thể bất hơp pháp trong các tư gia và các hang toại đạo. Tình trạng ấy đã kéo dài trong mấy thế kỷ và các tín hữu thời bấy giờ đã coi đó như một tình trạng thông thường.

Thành ra, nếu tín hữu có bị mỉa mai hay gặp khó khăn trong vấn đề hành đạo thì cũng là điều dễ hiểu và điều ấy đã xẩy ra trong suốt hơn hai ngàn năm lịch sử rồi. Thời nào cũng vậy, không ở nơi này thì nơi kia, Chúa đã bị đặt thành vấn đề ; đức tin vẫn là một nghi vấn cho nhiều người ngay từ xa xưa. Hồi đó đã có người hỏi một cách mỉa mai khiêu khích : “Chúa của họ ở đâu” ? (Tv 33,23) khiến cho người tin Chúa phải thở than : “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ con để đối phương chê cười con.” ? (Tv 42,10) Vậy làm thế nào để xây dựng lòng đạo của mình trên đức tin ?

1. Học hỏi và tìm hiểu đạo lý

Trước hết phải học hỏi và tìm hiểu đạo lý. Đạo lý là con đường dẫn đưa tới Chúa hay là những lý lẽ đạo đưa ra để dựa trên đó mà trình bày cho phù hợp. Xưa nay thông thường là học giáo lý. Nhưng giáo lý vẫn được hiểu là dành cho thiếu nhi, còn người lớn không cần học, hay muốn học cũng không có những lớp thích hợp, nên khi lớn rồi, mức hiểu biết về đạo vẫn còn ở trong tình trạng thiếu nhi, đang lúc phải va chạm với đời, gặp biết bao vấn nạn về đạo mà không biết cách giải quyết và đối phó ra sao.

2. Dựa vào lời Chúa trong các sinh hoạt đạo đức.

Khi làm các việc đạo đức như đọc kinh, lần hạt, tham dự thánh lễ viếng Thánh Thể, chầu Mình Thánh Chúa v.v… ai cũng muốn làm cho sốt sắng và như vậy mới cảm thấy yên tâm và được yên ủi. Ước muốn này tự nhiên và chính đáng. Nhưng nhiều khi không được như vậy, nên có người lo ngại hay nản chí không muốn tiếp tục nữa.

Thực ra, tình cảm cũng cần và bổ ích về đường thiêng liêng, nhưng đó không phải là điều chính yếu. Vì thế, đừng quá đặt nặng và lấy đó làm thước đo lòng đạo đức của mình.

Nhưng nếu không nên quá dựa vào tình cảm thì lại càng phải dựa vào lời Chúa. Lời Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta cầu nguyện và khơi gợi lên những tâm tình thích hợp. Vì dựa trên lời Chúa nên chúng ta sẽ không tìm những gì chỉ nhằm thỏa mãn khát vọng tình cảm, lại không chạy theo những gì có vẻ khác thường và loại bỏ tất cả những gì có dáng dấp của dị đoan, khiến người đời có thể hoài nghi về đức tin trong sáng của chúng ta.

3. Tiếp xúc với Thiên Chúa

Ai trong chúng ta cũng công nhận đức tin là cần trong công việc hành đạo. Hành đạo theo đức tin có nghĩa là phải hành đạo ngay khi bên ngoài xem ra như không có hay không còn gì cả : không nhà thờ, không linh mục, không tu sĩ ; chung quanh không còn dấu hiệu nào về Chúa, về đạo. Đó là lúc chúng ta phải hành đạo một cách siêu thoát qua việc tiếp xúc với Thiên Chúa trong chốn thẳm sâu của linh hồn mình, nơi chỉ mình Chúa biết, chỉ mình mình hay. Những cuộc tiếp xúc riêng tư như vậy hay nói đơn sơ, những lúc cầu nguyện đó sẽ có sức nuôi dưỡng chúng ta về đường thiêng liêng, làm cho chúng ta thấy rằng cuộc đời mình có ý nghĩa và mình có bổn phận làm cho người khác thấy như vậy. Bấy giờ tuy không giảng đạo bằng lời nói, không hoạt động tông đồ bằng hình thức này hay hình thức khác, nhưng chính cuộc đời của chúng ta được gắn liền với Thiên Chúa qua những cuộc tiếp xúc cá nhân này sẽ có khả năng nuôi dưỡng đời sống nội tâm và tỏa ra một sức chiếu giãi ra bên ngoài một cách đáng kể.

Vì thế, nếu một ngày nào những hình thức hành đạo bên ngoài không còn nữa thì điều ấy không có nghĩa là đạo đã hết. Đạo có hết là hết ở bên ngoài thôi chứ bên trong vẫn còn, tuy có lúc chỉ âm ỉ như đạo ở Nhật Bản từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Tất nhiên không có những hình thức bên ngoài, đạo sẽ bị tổn thương. Nhưng như linh mục Dimetri Doubko, cha sở họ đạo thánh Ni-cô-la ờ Mát-cơ-va nói : “Khi nào đạo bị “đóng đinh” thì khi đó đạo mạnh, còn khi nào đạo được o bế, lúc đó đạo yếu.” Câu nói xem ra trái ngược, nhưng lại đúng theo cái nhìn của đức tin, dựa vào kinh nghiệm do lịch sử để lại.

Vậy hành đạo theo đức tin có nghĩa là lấy đức tin làm nền. Mà tin là đặt Chúa làm đích điểm, làm trung tâm cho ta qui hướng tất cả về. Bấy giờ Chúa không còn phải là một danh từ quen thuộc, một ý tưởng cho ta suy niệm, một nhân vật mơ hồ, nhưng là một Đấng sống động, tuy ta không trông thấy, nhưng có thật, vẫn hằng hướng dẫn nếp sống và tình cảm của ta. Chúng ta hành đạo vì tin tưởng và mến yêu Người. Chúng ta có kinh nghiệm về Người và có thể mang kinh nghiệm đó ra nói lại cho những người khác biết. Điều này chỉ những ai có kinh nghiệm mới tin được.

Một kiểu cách hành đạo như vậy sẽ mạnh mẽ và siêu thoát vì bắt nguồn và qui hướng về Chúa, đồng thời có thể vượt ra ngoài giới hạn của thời gian cũng như không gian để trở nên uyển chuyển, sâu sắc và nhẹ nhàng.