Đức Thánh Cha: Tòa Thánh sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù binh chiến tranh Nga và Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi trao đổi tù nhân chiến tranh Nga và Ukraine, đồng thời bảo đảm rằng Tòa thánh sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực này.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa kêu gọi “cuộc trao đổi chung tất cả các tù nhân giữa Nga và Ukraine”.

Phát biểu trong buổi đọc kinh “Lạy Nữ Vương” Regina Caeli vào Chúa Nhật lễ Chúa Thăng Thiên, Đức Thánh Cha lưu ý rằng lời kêu gọi của ngài trong ngày Lễ Trọng Chúa Thăng Thiên “Đấng muốn chúng ta được tự do và Đấng giải phóng chúng ta”.

ĐTC tiếp tục đảm bảo với tất cả các bên liên quan rằng Tòa thánh luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi nỗ lực này, đặc biệt đối với những người bị thương nặng và đang bị bệnh”.

Ngài nhắc lại lời kêu gọi liên nỉ cầu nguyện cho hòa bình: “Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, Palestine, Israel, và Myanmar… chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình!” ĐTC nói.

Trao đổi tù nhân trong quá khứ

Cho đến nay, Nga và Ukraine đã tiến hành hơn 50 cuộc trao đổi tù nhân kể từ khi cuộc chiến bùng nổ, với sự tham gia của hàng nghìn tù nhân được cả hai bên thả ra.

Tháng 1 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề cập đến khoảng 3.000 binh sĩ Ukraine đã được phóng thích sau các thỏa thuận như thế.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, ngài đã nhiều lần đưa ra lời kêu gọi về vấn đề này.

Trong bài diễn văn “Urbi et Orbi” Lễ Phục sinh năm nay, vào ngày 31 tháng 3 ngài nói: “Tôi đặc biệt nhớ đến các nạn nhân của nhiều cuộc xung đột trên toàn thế giới, bắt đầu từ những cuộc xung đột ở Israel, Palestine và Ukraine. Xin Chúa Kitô phục sinh mở ra một con đường hòa bình” cho những người dân đang bị chiến tranh tàn phá ở những khu vực đó. Khi kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôi hy vọng về một cuộc trao đổi chung tất cả các tù nhân giữa Nga và Ukraine: tất cả vì lợi ích của tất cả mọi người”!

Mới tháng trước trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 17 tháng 4, ĐTC nói: " Và những suy nghĩ của chúng ta, vào lúc này hướng về các dân tộc đang có chiến tranh. Chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Địa, Palestine, và Israel. Chúng ta nghĩ đến đất nước Ukraine, đang bị tử đạo. Chúng ta nghĩ đến các tù nhân chiến tranh... Xin Chúa soi dẫn ý của các nhà cầm quyền để tất cả họ được giải thoát. Và khi nói đến những tù nhân, chúng ta hãy nhớ đến những sự tra tấn tù nhân là một điều khủng khiếp. Chúng ta hãy nghĩ đến nhiều kiểu tra tấn làm tổn thương phẩm giá của con người, đặc biệt những người bị tra tấn... Xin Chúa giúp đỡ mọi người và ban phúc lành cho tất cả mọi người”.

Những kêu gọi liên tục

Và trong cuộc gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên vào tháng 9 năm 2022 khi ĐTC thăm viếng Kazakhstan, Đức Thánh Cha đã đề cập tới những cam kết của mình đối với việc giải phóng các tù nhân khi “Một số đặc phái viên Ukraine gặp ngài. Trong số đó có phó viện trưởng Đại học Công Giáo Ukraine, đi cùng với cố vấn tôn giáo của Tổng thống, và một nhà truyền giáo. Chúng tôi đã trao đổi và thảo luận. Một nhà lãnh đạo quân sự chuyên về vấn đề trao đổi tù nhân cũng đến, ông luôn có cố vấn tôn giáo của Tổng thống Zelensky đi bên. Lần này họ trình cho tôi một danh sách hơn 300 tù nhân. Họ xin tôi làm một điều gì đó để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi. Ngay lập tức, tôi đã gọi điện thoại cho tòa đại sứ Nga để xem liệu có thể làm được gì không, liệu việc trao đổi tù nhân có thể được xúc tiến hay không."

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã giao phó cho Đức Hồng Y Matteo Zuppi thực hiện các sứ mệnh nhân đạo cho các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá và giao cho ngài, cùng với các trách nhiệm khác, tập chú vào việc trao đổi tù nhân và hồi hương trẻ em Ukraina từ Nga.

Tự Sắc về Năm Thánh

Trong Tự Sắc về Năm Thánh 2025 vừa được công bố, cũng chứa đựng một lời kêu gọi khẩn thiết niềm hy vọng cho những người đang sống trong những điều kiện khó khăn: “Trong Năm Thánh, chúng ta được mời gọi trở thành những dấu chỉ hy vọng hữu hình cho anh chị em của chúng ta đang gặp khó khăn. Tôi nghĩ đến những tù nhân bị tước đoạt tự do, hàng ngày chịu cảnh khắc nghiệt của việc giam giữ và những hạn chế, thiếu tình cảm và trong một số trường hợp, thiếu tôn trọng nhân phẩm con người. Các chính phủ trong Năm Thánh này hãy thực hiện các sáng kiến nhằm khôi phục lại niềm hy vọng; các hình thức ân xá… Ở mọi nơi trên thế giới, các tín hữu, và đặc biệt các Mục tử, phải hợp lòng trong việc đòi hỏi những điều kiện xứng hợp cho những tù nhân, tôn trọng họ và tôn trọng quyền làm người..."

Lời kêu gọi của Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ucraina

Trong thông điệp Phục Sinh theo lịch Julian, được cử hành vào ngày 5 tháng 5, Thương phụ Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ucraina, đã nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha: “Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc trao đổi tất cả lấy tất cả, được bày tỏ trong Lễ Phục sinh theo nghi thức Latinh, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn các Kitô hữu Ukraine cũng như ở Nga. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta không chỉ muốn nghe những lời nói và lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, mà chúng ta còn muốn những lời của ngài được vang vọng, trao đổi 'tất cả cho tất cả' trở thành một mệnh lệnh đối với chúng ta, một lời kêu gọi hành động cụ thể."

Đặc biệt, Đức Tổng Giám Mục của Kyiv-Galicia đã yêu cầu trả tự do cho ba loại tù nhân chiến tranh: nữ quân nhân, nhân viên y tế và cả các linh mục bị bắt. Ngài nhắc lại rằng hiện có khoảng 8.000 quân nhân và khoảng 1.600 thường dân Ukraine đang bị giam giữ ở Nga.