Theo trang mạng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã khai mạc phiên họp công khai của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tại Orlando, Florida, ngày 15 tháng 6, với bài phát biểu về tính đồng nghị. Chúng tôi xin chuyển dịch bài phát biểu của ngài, dựa vào bản chính thức đăng trên trang mạng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ:
...... Mùa thu này, sẽ là hai năm kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau khi lắng nghe sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, đã mở ra con đường đồng nghị cho toàn thể Giáo hội và yêu cầu chúng ta bắt đầu một hành trình đổi mới, bên cạnh Chúa Giêsu, với nhân dân của chúng ta. Mục đích của việc đi trên con đường đồng nghị này là làm cho việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta hiệu quả hơn trong bối cảnh của chính các thách thức mà chúng ta phải đối diện ngày nay. Như Đức Thánh Cha đã nói trong bài giảng khai mạc Thượng Hội đồng, cuộc hành trình này phải được thực hiện theo ba cách của Chúa Giêsu khi Người gặp người thanh niên giàu có (x. Mc 10:17): chúng ta phải gặp Chúa và gặp nhau, lắng nghe những câu hỏi của mọi người và những mối quan tâm về tôn giáo và hiện sinh đằng sau chúng, và cùng với họ nhận ra chúng ta phải thay đổi như thế nào để sống một cuộc sống phong phú hơn. (1)
Nếu chúng ta tuân theo sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng, thì sau hai năm, chúng ta đã biết một số câu trả lời cho những câu hỏi mà qúy Đức Cha đã quen nghe từ tôi: Chúng ta đang ở đâu? và Chúng ta sẽ đi đâu?
Chúng ta đã khám phá ra câu trả lời cho những câu hỏi đó chưa? Chúng ta có biết nhu cầu thực sự của người dân chúng ta là gì không? Qua những cuộc gặp gỡ với những người khác, chúng ta đã được thay đổi như thế nào? Chúng ta đã nhận ra điều gì? Những cách cũ nào cần phải từ bỏ, và những cách mới nào chúng ta phải tiếp nhận để tiến lên? Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp cho mọi người những hiểu biết sâu sắc mà chúng ta có được chưa? Khi Phiên họp Toàn thể của Thượng Hội đồng diễn ra tại Rôma vào mùa thu này và mùa thu tới, chúng ta đã sẵn sàng cung cấp những hiểu biết sâu sắc này cho Giáo hội hoàn vũ chưa?
Có thể là chúng ta vẫn đang đấu tranh để hiểu tính đồng nghị. Có lẽ thật khó để chúng ta hiện thân “phong cách của Thiên Chúa” này. Có lẽ “tính phiêu lưu của cuộc hành trình này” đã khiến chúng ta hơi “sợ hãi trước những điều chưa biết.” (2) Với tư cách là những người lãnh đạo Giáo Hội, chúng ta rất thành thạo trong việc tổ chức các chương trình và thực hiện các kế hoạch hành động. Và chắc chắn rằng, cách tổ chức như vậy đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhưng vì con đường đồng nghị ít nói về một “chương trình” mà thiên về cách trở thành Giáo hội, nó có thể là một thách thức đối với chúng ta. Một hình ảnh xuất hiện trong tâm trí có thể giúp minh họa thách thức này và sự thay đổi tư duy cần thiết đối với chúng ta.
Trong thời buổi kỹ thuật “GPS” này, khi chúng ta hỏi, Làm thế nào để chúng ta đến được nơi chúng ta sẽ đến? chúng ta đã quen với việc dựa vào các hướng dẫn từng ngã rẽ do thuật toán tạo ra. Chúng ta được cho biết chúng ta đang ở đâu, chính xác chúng ta phải đi bao xa và rẽ vào đâu. Nhưng thưa qúy huynh đệ, việc lèo lái thiêng liêng của chúng ta trong tư cách những người lãnh đạo Giáo hội không thể dựa trên một chương trình máy tính. Nó không giống GPS mà giống la bàn hơn. La bàn chỉ chỗ nào là "phía bắc". Quý huynh đệ biết hướng qúy huynh đệ cần đi để đến đích; nhưng việc biện phân làm thế nào để đạt được điều đó đòi hỏi sự chú ý chặt chẽ đến môi trường ngay xung quanh qúy huynh đệ, điều này đòi hỏi sự quan sát cẩn thận và kiên nhẫn. Cũng vậy, chúng ta trong tư cách Giáo hội biết hướng chúng ta đang đi: Chúa Giêsu Kitô và Vương quốc của Người là “phương bắc đích thực”. Nhưng để tìm ra con đường thích hợp, chúng ta phải hòa mình vào thực tại của người dân và lắng nghe cẩn thận những câu hỏi và mối quan tâm của trái tim họ. Đây là con đường đồng nghị; đây là cách nhập thể của Chúa Giêsu.
Với hình ảnh này trong tâm trí, tôi muốn đưa ra ba hướng dẫn mà tôi hy vọng sẽ giúp chúng ta hiểu được phong cách đồng nghị mà Chúa Giêsu đã làm mẫu cho chúng ta, và là phong cách mà Đức Thánh Cha đang kêu gọi chúng ta tiếp nhận. Hai hướng dẫn đầu tiên sử dụng các hành động, như Đức Giáo Hoàng đã giải thích, là cần thiết cho việc biện phân đồng nghị: cụ thể là gặp gỡ và lắng nghe. Hướng dẫn thứ ba gợi ý cách phục hưng Thánh Thể của chúng ta có thể góp phần vào việc truyền bá Tin mừng một cách đồng nghị hơn.
Gặp gỡ để Khám phá
Trước tiên, chúng ta phải dấn thân vào sứ mệnh rao giảng Tin mừng của mình thông qua điều mà tôi gọi là “thông diễn học về khám phá”. (3) Tôi xin giới thiệu điểm này bằng cách đặt câu hỏi:
Sứ mệnh của chúng ta trong tư cách những người lãnh đạo mục vụ có phải là “làm đầy các nhà thờ” không? Chắc chắn tất cả chúng ta đều muốn có thêm nhiều người tham gia vào việc thờ phượng của Giáo hội. Nhưng để khuyến khích điều này, bước đầu tiên của một Giáo hội truyền giáo là “đi ra ngoài”: bước vào những nơi bên ngoài nhà thờ của chúng ta và bên ngoài các cơ cấu giáo hội của chúng ta. Nơi nào Chúa Kitô chưa được nhận biết và yêu mến, chúng ta phải đặt Người ở đó bằng chính sự hiện diện của chúng ta!
Giáo hội là một thực tại năng động; nó luôn luôn “di chuyển”! Giống như chính Chúa Kitô, chúng ta phải đi truyền giáo cho thế giới với sự cởi mở để khám phá những gì thực sự ở đó - không chỉ áp đặt những gì chúng ta đã biết. Điều này đòi hỏi sự gần gũi với người mà chúng ta đang gặp gỡ. Chúng ta phải hướng tới và thu hút mọi người vào “những nơi” hiện sinh nơi họ đang sống. Thay vì chỉ đơn thuần là một người quan sát, một người bình luận, và một thẩm phán – được an toàn tách khỏi những gì chúng ta đang phán xét – chúng ta phải trở thành một nhà thám hiểm, một nhà truyền giáo. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có được nhận thức đích thực, theo nghĩa sâu hơn bao gồm trực giác và kinh nghiệm bản thân thay vì chỉ là thông tin khô khan. (4) Đây là cách Chúa đã chọn để biết chúng ta: bằng cách trở thành một với chúng ta. Đó là cách chúng ta phải gặp gỡ những người mà chúng ta được mời gọi để phục vụ.
Mở rộng ra ngoài các cấu trúc hiện tại và cách thức hoạt động thông thường của chúng ta, Nước Trời sẽ lan rộng “bằng cách tiếp xúc, bằng sự hiện diện thể lý, chứ không phải bằng cách tuyên truyền các ý thức hệ”. (5) Khi chúng ta tương tác với những trải nghiệm đích thực của người ta – dù thực tại đó có thể “hỗn độn” đến đâu - chúng ta mang đến cho họ hy vọng vì họ nhận ra rằng Chúa Kitô sẵn lòng ở bên họ bất kể họ đang ở đâu trên hành trình của họ. Nếu họ “đến nhà thờ” để gặp Chúa Kitô, đó là vì Chúa Kitô đã đến với họ trước. Vì thế, chúng ta hãy làm đại sứ cho Chúa Kitô (x. 2 Cr 5:20)!
Lắng nghe với mục tiêu hợp nhất
Điều trên tự nhiên dẫn đến hướng dẫn thứ hai mà tôi muốn đưa ra: lắng nghe với mục tiêu hợp nhất. Thưa qúy huynh đệ của tôi, chúng ta biết rằng ma quỷ là kẻ muốn tạo ra sự chia rẽ. (6) Thật bực bội khi thấy xã hội chính trị của chúng ta bị chia rẽ như thế nào, và những sự chia rẽ này cản trở sự tiến bộ và gây hại cho những người vốn đã dễ bị tổn thương nhất trước cảnh nghèo đói và đau khổ. Nhưng sau đó, thấy cùng một loại phân cực như vậy đã lây nhiễm chúng ta như thế nào trong Giáo hội! Tôi nhớ lại những lời mà Thánh Phaolô đã nói với Giáo hội sơ khai khi các nhà lãnh đạo của Giáo hội bất hòa với nhau:
“Hỡi anh em, vì anh em đã được gọi để hưởng tự do. Nhưng đừng sử dụng sự tự do này như một cơ hội cho xác thịt; đúng hơn, phục vụ lẫn nhau thông qua tình yêu. Vì toàn bộ lề luật được nên trọn trong một câu, đó là: 'Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.' Nhưng nếu anh em cứ cắn xé nhau, thì hãy coi chừng, kẻo bị đồng loại tiêu diệt (Gl 5:13-15).”
Để vượt qua sự phân cực, chúng ta phải học cách lắng nghe lẫn nhau, làm việc cùng nhau và cùng nhau đồng hành với Phêrô và dưới Phêrô. Tính đồng nghị, mà bây giờ chúng ta nên tin tưởng, không phải là một “chương trình” mới; cũng không phải là ngụy trang cho một kế hoạch thay đổi tín lý Giáo hội. Đó là cách trở thành Giáo hội, cách giúp chúng ta biện phân được con đường mà Thần Khí Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta. Một phần quan trọng của sự nhận thức đó phát xuất từ sự hiểu biết thực sự quan điểm của người khác và tìm kiếm điểm chung đích thực với những người có quan điểm khác với quan điểm của chúng ta.
Cuộc tụ họp hiện tại này là một cơ hội để trở thành loại Giáo hội mà chúng ta được kêu gọi trở thành: tập hợp lại với nhau, lắng nghe nhau và lắng nghe Chúa Thánh Thần, và để cho những khác biệt của chúng ta không chia rẽ chúng ta mà làm phong phú và củng cố sự hiệp nhất của chúng ta. Nói cách khác, cuộc quy tụ những người kế vị các Tông đồ này – giống như cuộc quy tụ đầu tiên mà chúng ta đọc thấy trong sách Công vụ Tông đồ – là một cơ hội đặc biệt để Chúa Thánh Thần xây dựng chúng ta thành Giáo hội và trang bị cho chúng ta để truyền giáo. Cuộc họp này, nếu chúng ta cho phép, có thể là một kinh nghiệm thực sự về tính đồng nghị, miễn là câu hỏi của chúng ta – Chúng ta phải làm gì? – được hỏi với sự cởi mở đón nhận câu trả lời của Thần Khí, và với niềm tin tưởng rằng Thần Khí vẫn nói qua người kế vị Thánh Phêrô. Chỉ nhờ sự hiệp nhất đồng nghị can đảm và khiêm tốn mà chúng ta, trong tư cách các giám mục, mới được trang bị đầy đủ để áp dụng quyền năng thần linh vào những vấn đề đang đè nặng lên người dân của chúng ta ngày nay.
Như những người lãnh đạo trong Giáo Hội với nhiều nhiệm vụ hành chính, đôi khi cuộc sống của qúy huynh đệ có thể cảm thấy giống như một chuỗi các chương trình và cuộc họp vô tận. Tôi hiểu điều này. Và tôi biết rằng qúy huynh đệ không muốn Thượng Hội đồng chỉ là một “điều phải làm” khác.
Do đó, cho phép tôi nêu bật một số thí dụ trong đó tính đồng nghị đã hoạt động ở đất nước này, theo những cách mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và niềm vui.
Một thí dụ rõ ràng về điều này là các cơ quan dịch vụ xã hội Công Giáo.
Bất cứ nơi nào tôi đã đi qua trong suốt bảy năm phục vụ tại Hoa Kỳ, tôi đều thấy những tổ chức phục vụ từ thiện này có giá trị như thế nào đối với các giám mục và Giáo hội địa phương của qúy huynh đệ. Gần đây, khi tôi đến thăm một giáo phận để tái cung hiến Nhà thờ Chính tòa, điều đầu tiên tôi được thấy là cơ sở mới của Tổ chức Từ thiện Công Giáo, nơi có kho lương thực, lớp học, dịch vụ y tế cơ bản và hỗ trợ nhập cư. Tôi chắc rằng mỗi người trong qúy huynh đệ có thể nói điều gì đó về các dịch vụ từ thiện mà giáo phận của qúy huynh đệ đang cung cấp, và công việc tuyệt vời mà họ đang làm.
Công việc như vậy không xảy ra nếu không có tính đồng nghị: những người hòa mình vào thực tại địa phương, những người bước vào cuộc sống của những người ở vùng ngoại vi và những người giúp họ hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cả thế giới, bao gồm cả Tòa Thánh, đều biết tầm quan trọng của công việc từ thiện mà Giáo hội đã thực hiện tại Hoa Kỳ.
Một trong những thí dụ điển hình nhất về tính đồng nghị ở Hoa Kỳ là Cuộc Gặp gỡ Toàn quốc Lần thứ năm của Thừa tác vụ gốc Tây Ban Nha/La tinh, sẽ được thảo luận trong Hội nghị này. Các thí dụ khác về tính đồng nghị bao gồm nhiều hoạt động tông đồ nhỏ, cấp cơ sở đã mọc lên trong các giáo phận và giáo xứ của qúy huynh đệ, cung cấp những điều như đào tạo gia đình, đồng hành thiêng liêng và kết nối xã hội cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị hiểu lầm.
Quan điểm của tôi khi làm nổi bật một vài thí dụ này là để chứng tỏ rằng lời kêu gọi đồng nghị không nhất thiết phải khiến chúng ta cảm thấy như một điều gì đó xa lạ, hoặc cảm thấy như một gánh nặng không thể thực hiện được. Các công việc quan trọng trong Giáo hội đã được triển khai trên con đường đồng nghị. Bằng cách thưởng thức và cử hành những công việc này của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể được khuyến khích mở rộng con đường đồng nghị sang các hoạt động khác của giáo hội. Điều này có khả năng mang lại nhiều niềm vui hơn cho sứ vụ của chúng ta với tư cách là linh mục và giám mục, đồng thời gieo rắc sự hiệp nhất lớn hơn giữa chúng ta.
Trước khi chuyển sang điểm cuối cùng, về Bí Tích Thánh Thể, tôi muốn trân trọng nhắc đến một người là mẫu mực của việc phục vụ đồng nghị, kết hợp với bác ái Thánh Thể: người anh em của chúng ta, người đã về với Chúa cách đây bốn tháng, Đức Giám Mục Dave O’Connell. Đây là một người chăn chiên đã đắm mình trong thực tại của đàn chiên mình, người đã đồng hành với họ và cùng họ tìm ra con đường bất kể hoàn cảnh của họ có khó khăn đến đâu. Vì ngài đã đi theo chiếc la bàn luôn hướng ngài đến với Chúa Kitô, giờ đây ngài có thể vui mừng khi đến đích của mình; và cầu xin sự chuyển cầu của ngài giúp chúng ta, những người anh em của ngài vẫn đang trên hành trình.
Sống Bí Tích Thánh Thể như là Sứ Mệnh
Hướng dẫn thứ ba và cũng là cuối cùng là sống Bí Tích Thánh Thể như là sứ mệnh. Trong một bài phát biểu vào tháng trước với Caritas Quốc tế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói:
“Không có cách nào tốt hơn để cho Thiên Chúa thấy rằng chúng ta hiểu ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể hơn là trao cho người khác những gì chúng ta đã lãnh nhận (x. 1Cr 11,32). Khi đáp lại tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta biến mình thành quà tặng cho người khác, chúng ta loan báo Chúa chịu chết và sống lại cho đến khi Người đến (c. 26). Bằng cách này, chúng ta biểu lộ ý nghĩa đích thực nhất của Truyền thống.” (7)
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô bày tỏ cùng một chân lý thiết yếu khi ngài nói:
“Tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích không phải là điều chúng ta có thể giữ cho riêng mình. Tự bản chất của nó, nó đòi hỏi phải được chia sẻ với tất cả mọi người.… Chúng ta không thể đến bàn tiệc Thánh Thể mà không được lôi cuốn vào sứ mệnh, một sứ mệnh, khởi đi từ chính trái tim của Thiên Chúa, nhằm vươn tới mọi người. Do đó, hoạt động truyền giáo là một phần thiết yếu của hình thức Thánh Thể trong đời sống Kitô hữu.” (8) Đây là điểm liên quan đến Bí tích Thánh Thể: bởi vì đó là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, nên là một Bí tích năng động, thấm nhuần mọi việc chúng ta làm với đặc tính yêu thương của Chúa Kitô dành cho dân của Người. Đó là một Bí Tích cho việc truyền giáo. Do đó, một cuộc phục hưng Thánh Thể là một lời kêu gọi để cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta là một biểu thức nói lên sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta: một việc sống thực sự kết hợp hiện hữu giữa nhân tính của chúng ta, nhân tính Chúa Kitô đã mang lấy, và thần tính mà Người đang dẫn dắt chúng ta vào.
Dạy tín lý về sự hiện diện thực sự, thúc đẩy việc tôn thờ Thánh Thể và rước kiệu Chúa chúng ta: những sáng kiến này chắc chắn sẽ sinh hoa trái trong đời sống của các tín hữu. Nhưng hoa trái sẽ chỉ nhân lên nếu các tín hữu biết rằng Bí tích Thánh Thể mà họ lãnh nhận là để biến họ thành những nhà truyền giáo – những người mang sự hiện diện của Chúa Kitô, hiện đang ở trong họ, đến với những người chưa biết Chúa.
Thánh sử Gioan nói với chúng ta: “[Chúa Giêsu] đã yêu thương những người thuộc về Người trong thế gian và yêu thương họ cho đến cùng (Ga 13:1).” Chúng ta, trong các cơ cấu giáo hội của chúng ta, trong các phương thức diễn tả chân lý Tin Mừng của chúng ta, có đạt đến cùng một “cùng đích” mà Chúa Giêsu đã yêu thương con người không? Chúng ta đã sử dụng hết “lòng hăng hái”, “phương pháp” và “cách diễn đạt” mới mà Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng chúng ta cần cho công cuộc tân phúc âm hóa chưa? (9) Nếu chúng ta yêu thương những người đương thời của chúng ta “cho đến cùng”, chúng ta phải để cho sự hiện diện của Chúa Kitô đưa chúng ta vượt qua mọi bức tường ngăn cản chúng ta mang lại hòa bình cho dân của Người. Nếu một số bức tường này được xây dựng với mong muốn có thể hiểu được là bảo vệ sự toàn vẹn của đức tin chúng ta, thì chúng ta phải nhận ra thời điểm tại đó những bức tường ấy đang làm nhiều việc hơn để ngăn chặn sự lan rộng của Tin Mừng hơn là bảo vệ nó. Chúng ta phải cởi mở để thay đổi.
Kết luận
Một năm nữa, chúng ta sẽ chuẩn bị tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc gia tại Indianapolis, sự kiện sẽ dẫn đến đỉnh cao của cuộc Phục hưng Thánh Thể của đất nước này.
Lúc đó, chúng ta sẽ ở đâu trong hành trình đồng nghị của mình?
- Liệu chúng ta có hiểu sâu hơn về nhu cầu của mọi người bằng cách tiếp cận họ với tinh thần sẵn sàng khám phá?
- Liệu việc chúng ta lắng nghe nhau và lắng nghe dân Chúa có đưa chúng ta đến một sự hợp nhất lớn hơn về bản sắc và mục đích không?
- Liệu kinh nghiệm của chúng ta về Bí tích Thánh Thể sẽ ngày càng mang tính truyền giáo, để chúng ta thực sự trở thành “tấm bánh bẻ ra” cho những người đang đói khát không?
Chừng nào chúng ta còn hiệp nhất với nhau dưới quyền Phêrô và cởi mở với Chúa Thánh Thần, tôi tin rằng câu trả lời của chúng ta cho những câu hỏi này có thể là một tiếng “Có” rõ ràng, điều này sẽ vang vọng mạnh mẽ hơn trên khắp đất nước này, nơi mà những người dân mà chúng ta rất vinh dự được phục vụ như những người chăn chiên nhân danh Chúa Kitô.
_____________________________________________________________________________________________________
(1) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài Giảng trong Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục (10 tháng 10 năm 2021).
(2) Đd.
(3) Xem Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, Khóa giảng Bergoglio, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Nguồn gốc và Điểm đến – Dẫn đầu Hành trình Đồng nghị”, Đại học Thánh Tâm, Fairfield, CT (ngày 8 tháng 2 năm 2023): nuntiususa.comcastbiz.net/pdf/homelies/20230208TheLeadershipofPopeFrancis.pdf, trang 2-3.
(4) Đd., tr. 3.
(5) Đd., tr. 4.
(6) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn Văn Truyền Tin Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay (26 tháng Hai, 2023).
(7) Diễn văn trước những người tham gia Đại hội đồng Caritas Quốc tế (11 tháng 5 năm 2023).
(8) Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Sacramentum Caritatis (22-2-2007), 84.
(9) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn Văn Trước Đại Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh, Port-au-Prince, Haiti (09/03/1983).