Như đã loan tin, nhân mùa bầu cử sắp tới vào năm 2024, trong đại hội mùa Thu tại Baltimore của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, với 225 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 7 phiếu trắng, các vị đã thông qua một ghi chú dẫn nhập và tài liệu mới (bản tin phụ trang và một đoạn video mẫu) hỗ trợ tài liệu giáo huấn của các giám mục về trách nhiệm chính trị của người Công Giáo, Đào tạo Lương tâm cho một nền Công dân Tín trung, trong đó, nổi bật là nạn phá thai. Chúng tôi chuyển ngữ nội dung của cả các ghi chú dẫn nhập lẫn 5 Bản tin Phụ trang và một đoạn video đính kèm.



Các ghi chú dẫn nhập vào Văn kiện Đào tạo các Lương tâm cho một nền Công dân Tín trung

“Chúng ta hãy nhìn vào gương của người Samaritanô nhân hậu. Dụ ngôn của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khám phá lại ơn gọi của chúng ta trong tư cách công dân của các quốc gia tương ứng và của toàn thế giới, những người xây dựng một mối liên kết xã hội mới. Lời kêu gọi này luôn mới mẻ, nhưng nó đặt nền tảng trên một quy luật căn bản của con người chúng ta: chúng ta được kêu gọi hướng dẫn xã hội trong việc theo đuổi ích chung và với mục đích này trong tâm trí, kiên trì củng cố trật tự chính trị và xã hội, cơ cấu các mối quan hệ của nó, các mục tiêu nhân bản của nó.”

--Đức Thánh Cha Phanxicô, Fratelli tutti, số 66.

Là người Công Giáo và người Hoa Kỳ, chúng ta thật may mắn khi có thể tham gia vào đời sống chính trị và xã hội của đất nước chúng ta. Các quyền tự do của chúng ta tôn trọng phẩm giá của cá nhân và lương tâm của họ và cho phép chúng ta đến với nhau vì ích chung. Do đó, mùa bầu cử nên chứa đựng một cảm thức biết ơn và hy vọng. Tình yêu của chúng ta đối với đất nước này, lòng yêu nước của chúng ta thôi thúc chúng ta bỏ phiếu.

Nhưng dường như mùa bầu cử ngày càng là thời điểm của lo lắng và thử thách về mặt tinh thần. Những lời hoa mỹ chính trị ngày càng giận dữ, tìm cách động viên chủ yếu thông qua sự chia rẽ và thù hận. Sợ hãi có thể trở thành một công cụ quyên tiền hữu hiệu. Những cuộc tranh luận sôi nổi nhất trên mạng thường nhận được nhiều lượt nhấp chuột nhất. Biến người khác thành quỷ quái có thể giành được phiếu bầu.

Chúng tôi đề xuất một lần nữa khuôn khổ đạo đức của việc Đào tạo Lương tâm cho Nền công dân Tín trung chính trong tư cách mục tử, được truyền cảm hứng từ Người Samaritanô nhân hậu, với hy vọng băng bó được các vết thương và chữa lành những chia rẽ cay đắng này. Tài liệu này không dựa trên các nhân cách hoặc tinh thần phe phái, chu kỳ tin tức mới nhất hoặc các xu hướng đang thịnh hành trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thay vào đó, nó phản ảnh vai trò muôn thuở của Giáo hội trong đời sống công cộng trong việc công bố những nguyên tắc vượt thời gian: giá trị vô hạn và phẩm giá của mỗi sự sống con người, ích chung, tình liên đới và tính phụ trợ. Không chắc chắn những điều này có nghĩa là gì ư? Chúng tôi mời bạn đọc bản Đào tạo Các Lương tâm cho một Nền Công dân Tín trung và tìm hiểu thêm.

Việc để cho lương tâm của bạn được mở rộng và đào tạo bởi những suy tư này có thể mang lại cho bạn bình an! Chúng chỉ rõ thách thức của Chúa Giêsu trong việc bày tỏ lòng thương xót đối với những người đang cần giúp đỡ, giống như người Samaritanô nhân hậu.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Ở đây, tất cả sự phân biệt, nhãn hiệu và mặt nạ của chúng ta đều rơi rụng: đây là thời điểm của sự thật. Liệu chúng ta có cúi xuống chạm vào và chữa lành vết thương của người khác không?” (Fratelli tutti, số 70.) Hãy để điều này ở trong trái tim chúng ta khi chúng ta nói về chính trị và đưa ra những lựa chọn chính trị.

Một số người có thể bị cám dỗ muốn nói: vâng, tất nhiên, chúng tôi sẽ là người giúp đỡ bằng cách cổ vũ điều thiện và chống lại điều ác. Nhưng khi phải đối diện với rất nhiều điều tốt đang gặp nguy hiểm và rất nhiều điều xấu xa, thách thức lớn là tránh sợ hãi và tức giận. Mối đe dọa phá thai vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng ta bởi vì nó tấn công trực tiếp vào những người anh chị em dễ bị tổn thương và không có tiếng nói nhất của chúng ta và phá hủy hơn một triệu sinh mạng mỗi năm chỉ riêng ở nước ta. Các mối đe dọa nghiêm trọng khác đối với tính mạng và nhân phẩm của con người bao gồm cái chết êm dịu, bạo lực súng đạn, khủng bố, án tử hình và việc buôn người. Ngoài ra còn có việc tái định nghĩa hôn nhân và phái tính, các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở trong và ngoài nước, thiếu công lý cho người nghèo, nỗi đau khổ của người di cư và tị nạn, chiến tranh và nạn đói trên khắp thế giới, phân biệt chủng tộc, nhu cầu tiếp cận nhiều hơn với chăm sóc sức khỏe và giáo dục, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, và hơn thế nữa. Tất cả đều đang đe dọa phẩm giá con người.

Vì vậy, chính cách chúng ta cổ vũ điều thiện và chống lại điều ác là một phần thiết yếu để đáp lại Lời Chúa mời gọi làm môn đệ. Như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta:

Đừng bao giờ để lời nói xấu xa vượt qua môi miệng anh chị em; chỉ nói những điều tốt đẹp người ta cần nghe, những điều sẽ thực sự giúp ích cho họ. Đừng làm điều gì làm buồn lòng Chúa Thánh Thần, Đấng mà với Người anh chị em được niêm phong ngày được cứu chuộc. Hãy vứt bỏ mọi cay đắng, mọi đam mê và giận dữ, lời nói gay gắt, vu khống và mọi loại ác ý. Thay vì những điều này, hãy tử tế với nhau, có lòng thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh chị em trong Chúa Kitô (Eph 4:29-32).

Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên chúng ta “đối thoại chân thành và cởi mở với người khác”, nhờ đó chúng ta có thể “thẳng thắn và cởi mở về niềm tin của chúng ta, đồng thời tiếp tục thảo luận, tìm kiếm các điểm tiếp xúc và trên hết là cùng nhau làm việc và đấu tranh” (Fratelli tutti, số 203). Điều này áp dụng cho cả các tín hữu với tư cách cử tri và ứng cử viên—chúng ta phải xem xét không những quan điểm của ứng cử viên về những vấn đề này mà còn cả tính cách cũng như sự chính trực của họ.

Làm thế nào chúng ta có thể đáp ứng được thách thức này? Một lần nữa, Thánh Phaolô cho chúng ta một con đường: Hãy mặc lấy “tâm trí của Chúa Kitô” (1 Cr 2:16). Đừng dành thời gian cho các phương tiện truyền thông xã hội nhưng dành nó cho Kinh Thánh và Bí Tích Thánh Thể. Tắt TV và podcast đi để lắng nghe trong im lặng. Làm tình nguyện viên tại một nhà bếp nấu cháo từ thiện, tại nơi tạm trú cho người vô gia cư, trung tâm chăm sóc thai sản đang gặp khủng hoảng. Phục vụ người nghèo, người thiếu thốn, người bị ruồng bỏ. Cầu nguyện thường xuyên, hãy để đức tin thông tri việc tham gia chính trị của anh chị em.

Việc tham gia vào đời sống chính trị cũng đòi hỏi những phán đoán về hoàn cảnh cụ thể. Trong khi các giám mục giúp đào tạo giáo dân theo những nguyên tắc căn bản, họ không nói với giáo dân bỏ phiếu cho các ứng cử viên đặc thù. Về những vấn đề thường phức tạp này, trách nhiệm của giáo dân là đào luyện lương tâm và phát triển nhân đức khôn ngoan để tiếp cận nhiều vấn đề khác nhau thời mình với tâm trí của Chúa Kitô. Lương tâm là “sự phán đoán của lý trí” nhờ đó, người ta xác định một hành động là đúng hay sai (Xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo số 1778). Nó không cho phép chúng ta biện minh cho việc làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, cũng không đơn thuần là "cảm giác." Lương tâm—được hình thành một cách đúng đắn theo sự mặc khải của Thiên Chúa và sự dạy dỗ của Giáo Hội - là phương tiện qua đó người ta lắng nghe Thiên Chúa và phân định cách hành động phù hợp với sự thật. (1) Sự thật là điều chúng ta nhận được, không phải là điều chúng ta tạo ra. Chúng ta chỉ có thể phán đoán bằng cách sử dụng lương tâm chúng ta có, nhưng sự phán đoán của chúng ta không làm cho sự việc trở thành sự thật.

Trách nhiệm của chúng ta là học hỏi thêm về giáo huấn và truyền thống Công Giáo, tham gia vào Đời sống Giáo hội, học hỏi từ những nguồn đáng tin cậy về những vấn đề mà cộng đồng chúng ta đang phải đối diện và làm hết sức mình để đưa ra những phán đoán sáng suốt về các ứng cử viên và hành động của chính phủ.

Chúng ta cũng phải tìm kiếm sự khôn ngoan, như Kinh Thánh dạy:

Sự khôn ngoan từ trên cao trước hết là vô tội. Nó cũng hiền hòa, nhân hậu, ngoan ngoãn, giàu thiện cảm và những việc làm tử tế vốn là thành quả của nó, vô tư và chân thành. Việc thu hoạch của công lý được gieo trong hòa bình cho những ai vun đắp hòa bình (Gcb 3:17-18).

Hơn nữa, các giáo huấn của Giáo Hội cung cấp một viễn kiến hy vọng, nơi có rất nhiều công lý và lòng thương xót, bởi vì Thiên Chúa là nguồn vô tận của mọi sự tốt lành và tình yêu. Với sự khôn ngoan và hy vọng này, chúng ta có thể tìm cách cúi xuống như người Samaritanô nhân hậu đã làm, vượt qua nỗi sợ hãi và sự chia rẽ, để chạm vào và chữa lành các vết thương.

Xin Chúa ban phước lành cho anh chị em khi anh chị em cân nhắc và cầu nguyện trước những quyết định đầy thử thách này. Cầu xin Thiên Chúa ban phước cho đất nước chúng ta bằng sự khôn ngoan thực sự, hòa bình và sự tha thứ lẫn nhau, để chúng ta có thể cùng nhau quyết định duy trì phẩm giá của cuộc sống và ích chung, thông qua các tiến trình dân chủ của chúng ta.
____________________________________________________________________________________________________________
(1) Gaudium et spes (Giáo hội trong thế giới hiện đại), số 16. Xem thêm, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1785.

Bản tin Phụ trang số 2 trong 6 bản tin – Vai trò của Giáo hội trong Đời sống Công cộng

Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô, Đấng ngự trị trên mọi tạo vật. Mọi sự, kể cả đời sống chính trị thuộc về Chúa Giêsu Kitô, và do đó việc tham gia vào đời sống chính trị thuộc về sứ mệnh của Giáo Hội. “Nhiệm vụ của chúng ta là ‘đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật’ (Mc 16:15).... Ở đây, “tạo vật” ám chỉ mọi khía cạnh của đời sống con người....

‘Không có gì nhân bản có thể xa lạ với nó’” (Evangelii gaudium, số 181, trích dẫn Tài liệu Aparecida, số 380).

Vai trò của Giáo hội trong Đời sống Chính trị Hoa Kỳ

Truyền thống quốc gia của chúng ta về tự do tôn giáo cho phép và khuyến khích tất cả những người có đức tin đem các hiểu biết sâu sắc trong các truyền thống tôn giáo của họ ảnh hưởng tới các vấn đề chính trị. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định trong chuyến thăm Hoa Kỳ của ngài, “tự do tôn giáo, về bản chất, vượt xa những nơi thờ phượng và lĩnh vực riêng tư của cá nhân và gia đình…. bản thân tôn giáo, chiều kích tôn giáo, không phải là một nền văn hóa phụ; nó là một phần văn hóa của mỗi dân tộc và mỗi quốc gia.” (1)

“Nếu xã hội muốn có tương lai, nó phải tôn trọng sự thật về phẩm giá con người và phục tùng sự thật đó... Một xã hội cao quý và tử tế không nhỏ vì nó ủng hộ việc theo đuổi sự thật và tuân thủ những sự thật căn bản nhất” (Fratelli tutti, số 207). Những sự thật hướng dẫn đời sống công cộng có thể được biết bằng lý lẽ tự nhiên. Sự thánh thiêng của sự sống con người, phẩm giá bình đẳng của mọi cá nhân, nghĩa vụ bảo vệ những người dễ bị tổn thương, bản chất và mục đích của tình dục, hôn nhân và gia đình— đây không chỉ là những sự thật “tôn giáo”, mà là những sự thật mà tất cả những người có thiện chí có thể nhận biết mà không cần sự trợ giúp của mặc khải. Đức tin Công Giáo của chúng ta soi sáng những chân lý này, và vì vậy chúng ta có nhiệm vụ mang lại ánh sáng đó cho đất nước chúng ta.

Nhiều bộ phận, tất cả chỉ một thân thể

Các giám mục và các cộng tác viên mục vụ của họ, mỗi người đều có những vai trò riêng biệt trong sứ mệnh của Giáo hội.

Các giám mục có trách nhiệm cai trị xã hội Giáo hội, truyền đạt tín lý và truyền thống và cử hành các bí tích. Giáo dân được kêu gọi mang Tin Mừng ảnh hưởng tới thế giới. Trong khi nhiều giáo dân tham gia vào vai trò lãnh đạo và phục vụ trong Giáo hội, thì vai trò chủ yếu của giáo dân vẫn là vận động cho công lý, phục vụ trong cơ quan công quyền và thông tri cuộc sống hàng ngày bằng Tin Mừng. “Trách nhiệm trực tiếp nhằm xây dựng trật tự công bằng cho xã hội là của riêng hàng ngũ giáo dân” (Deus caritas est, số 29).

Việc tham gia vào đời sống chính trị đòi hỏi phải có những phán đoán về các hoàn cảnh cụ thể. Trong khi các giám mục cùng với các cộng sự viên của các ngài giúp đào tạo giáo dân theo những nguyên tắc căn bản, họ không nói với giáo dân bỏ phiếu cho các ứng cử viên đặc thù. Về những vấn đề thường phức tạp này, trách nhiệm của giáo dân là đào luyện lương tâm và phát triển nhân đức khôn ngoan để tiếp cận các vấn đề khác nhau trong thời mình với tâm trí của Chúa Kitô.

Đào tạo lương tâm cho một nền công dân tín trung

Lương tâm là “sự phán đoán của lý trí” nhờ đó người ta xác định xem liệu một hành động là đúng hay sai (Xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1778). Nó không cho phép chúng ta biện minh cho việc làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, nó cũng không phải chỉ là một “cảm giác”. Lương tâm—được đào tạo một cách đúng đắn theo mặc khải của Thiên Chúa và và giáo huấn của Giáo Hội – là phương tiện để người ta lắng nghe Thiên Chúa và phân định làm thế nào để hành động phù hợp với sự thật. (2) Sự thật là điều chúng ta nhận được, không phải là điều chúng ta tạo ra. Chúng ta chỉ có thể phán đoán bằng lương tâm mà chúng ta có, nhưng sự phán đoán của chúng ta không làm cho sự việc thành sự thật.

Trách nhiệm của chúng ta là tìm hiểu thêm về giáo huấn và truyền thống Công Giáo, tham gia vào đời sống Giáo hội, học hỏi từ các nguồn đáng tin cậy về các vấn đề mà cộng đồng của chúng ta đang phải đối diện và làm hết sức để đưa ra những phán đoán sáng suốt về các ứng cử viên và hành động của chính phủ. Những quyết định này nên tính đến các cam kết, tính cách, tính chính trực và khả năng ảnh hưởng đến một vấn đề. Được trang bị như vậy và được thúc đẩy hơn nữa bởi ý thức yêu nước, chúng ta thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử và mặt khác là tham gia tích cực vào đời sống công cộng. (3) Bằng cách rèn luyện lương tâm của chúng ta để trở thành công dân tín trung, chúng ta có thể theo đuổi ích chung tốt hơn và do đó tuân theo mệnh lệnh của Chúa chúng ta là yêu thương những người lân cận của chúng ta.

Chú thích:

(1) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Cuộc gặp gỡ vì Tự do Tôn giáo với Cộng đồng Tây Ban Nha và những người nhập cư khác, ngày 26 tháng 9 năm 2015.
(2) Gaudium et spes (Giáo hội trong thế giới hiện đại), số 16. Xem thêm, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1785.
(3) Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, các số 2239-40.

Kỳ tới: Các bản tin Phụ trang 3-6 và đoạn video