1. Tưởng nhớ các vị tử đạo bị nhà nước Hồi giáo chặt đầu

Nhiều người còn nhớ những hình ảnh đau buồn khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS giết chết 21 Kitô Hữu trong trang phục áo liền quần màu cam và quỳ gối trên một bãi biển ở Libya trước khi bị hành quyết. Một cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Ý có tựa đề “Hành trình đến vùng đất của 21 vị tử đạo Coptic”, để vinh danh họ.

Nhà văn người Đức Martin Mosebach đã nói chuyện với gia đình các nạn nhân cũng như với các thành viên của hàng giáo sĩ Coptic. Trong đó, ông nhắc nhở chúng ta, cùng với những điều khác, rằng những tín hữu Kitô ở Ai Cập luôn coi mình là thành viên của Giáo Hội các vị Tử đạo và rằng chừng nào Kitô giáo còn sống, thì Giáo hội của họ sẽ còn phải tiếp tục chứng kiến những thảm cảnh như hồi tháng 2 năm 2015.

Coptic có nghĩa là người Ai-cập và đại đa số Kitô hữu hiện đang sống ở Ai-cập tự nhận họ là tín hữu thuộc giáo hội Coptic. Giáo hội này có khởi đầu từ thành phố cảng Alexandria một trong những thành phố được tôn trọng và thành đạt nhất vào thời các thánh tông đồ. Các tín hữu Coptic công nhận và tôn vinh thánh Máccô, là vị thánh sử đã viết quyển Phúc âm theo thánh Máccô là người sáng lập và là giám mục tiên khởi của cộng đồng Kitô hữu ở Alexandria, giữa những năm 42 và 62 sau Chúa Giáng Sinh.

Các Kitô hữu Coptic đã tự tách rời khỏi Giáo Hội Mẹ từ Công Đồng Chalcedon, năm 451. Công Đồng được triệu tập để thảo luận về thần học Chúa Kitô Nhập Thể, đồng thời tuyên bố rằng Đức Kitô “là một Ngôi Vị có hai bản tính”. Từ đó, thần học này đã trở nên tiêu chuẩn cho các Giáo Hội Công Giáo Roma, Chính Thông Đông Phương và các giáo hội Tin Lành.
Source:alfayomega.es

2. Nhật ký trừ tà số 169: Quỷ dữ bị mù

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #169: Demons are Blinded”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 169: Quỷ dữ bị mù”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cô “M” đang bị dày vò bởi những những hồn phách ma quỷ. Thường vào lúc nửa đêm, gia đình hoặc các thành viên trong nhóm trừ tà chúng tôi sẽ nhận được các tin nhắn ma quỷ với những nội dung đe dọa, cám dỗ và tục tĩu trong cố gắng làm chệch hướng nỗ lực của chúng tôi.

Đối với gia đình cô, những con quỷ gần đây đã nhắn tin: “Mày mệt mỏi rồi phải không? Chống đỡ làm gì, mệt mỏi lắm. Cô ấy sẽ đi sớm thôi mà. Đã đến lúc phải buông tay. Cô ấy sẽ chết vào cuối tháng này. Mày dừng lại đi, nếu không mày sẽ bị thương đấy.”

Với các linh mục trừ tà, những con quỷ nhắn tin: “Tốt nhất mày nên từ bỏ. Nó không có ích gì đâu. Hãy ngừng cầu nguyện”.

Đôi khi số điện thoại nơi bắt nguồn các tin nhắn được ghi là đường dây điện thoại của cô “M”. Tuy nhiên, cô ấy đang ngủ khi tin nhắn được gửi đi và không có hồ sơ nào được ghi lại trên điện thoại của cô ấy. Những lần khác, số điện thoại gởi đến từ số: “666-13-666” và “666-00-666”. Đây chỉ là sự chế nhạo của ma quỷ. Theo tin tưởng chung 666, ba con số 6, là biểu tượng của Sa tan.

Đến nay, cô M đã có nhiều tiến bộ về tâm linh. Nhiều hồn phách ma quỷ đã bị trục xuất. Mặc dù những con cuối cùng rất ngoan cường.

Tôi đã yêu cầu một Phó tế trong buổi trừ tà vừa qua của chúng tôi đọc Phần mở đầu của Phúc âm theo Thánh Gioan (1: 1-14), một bản văn mạnh mẽ được sử dụng trong các phép trừ quỷ. Anh ta bắt đầu, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Khi anh ta bắt đầu, đã có một phản ứng dữ dội. Những con quỷ la hét và bảo anh ta dừng lại. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu anh ta đọc đi đọc lại nhiều lần. Cơn đau quằn quại vẫn tiếp tục. Chúng bắt đầu van xin và hứa sẽ nói bất cứ điều gì để khiến anh ta dừng lại.

Nhưng anh ấy vẫn tiếp tục: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (câu 5). Cô “M” sau đó nói rằng cô ấy nhìn thấy những tia sáng phát ra từ mắt của người phó tế. Những tia sáng chiếu vào lũ quỷ và làm chúng chói mắt. Ngay lập tức, cô “M” ngừng các biểu hiện ma quỷ và trở lại với chính mình, với một nụ cười và bình an.

Những con quỷ vẫn chưa biến mất hoàn toàn, nhưng chúng đã bị suy yếu rất nhiều. Cô “M” nói rằng những con quỷ vẫn còn bị mù. Thật vậy, Nghi thức trừ tà cảnh báo chúng: “Càng trì hoãn xuất ra, hình phạt càng nặng.” Tôi nghi ngờ những con quỷ này đã bị mù vĩnh viễn, và đó là sự trừng phạt của Chúa cho hành vi xấu xa của chúng.

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (c.14). Các nhà thần học nói với chúng ta rằng chính tin tức về sự nhập thể của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu đã khiến Lucifer và tay sai của hắn nổi loạn. Trong một lễ trừ tà, nghe điều này được chứng nghiệm là một sự tra tấn dành cho ma quỷ.

Đối với ma quỷ và tất cả những ai từ chối Thiên Chúa, Ánh sáng chói lòa và ném chúng vào bóng tối. Đối với những người yêu mến Thiên Chúa, chúng ta được biến đổi bởi Ánh sáng và ánh sáng chiếu sáng qua chúng ta.
Source:Catholic Exorcism

3. Nghị viện Âu Châu kêu gọi Vatican ủng hộ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Nghị viện Âu Châu đã kêu gọi Vatican “hỗ trợ đầy đủ cho Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân” và nói với Tòa thánh rằng nên “tăng cường các nỗ lực ngoại giao và đòn bẩy của mình đối với các nhà chức trách Trung Quốc”.

Trong một nghị quyết được thông qua vào ngày 7 tháng 7, Nghị viện Âu Châu đã lên án bọn cầm quyền Trung Quốc bắt giữ cựu giám mục 90 tuổi của Hương Cảng và yêu cầu hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại ngài.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã bị buộc tội tại một tòa án Hương Cảng vào ngày 24 tháng 5 cùng với bốn nhà vận động dân chủ nổi tiếng khác, tất cả đều là ủy viên của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, la2 quỹ đã giúp những người biểu tình ủng hộ dân chủ trả phí pháp lý của họ.

Trong nghị quyết được thông qua hôm thứ Năm, Nghị viện Âu Châu đã coi việc bắt giữ Đức Hồng Y Quân là “một cuộc tấn công vào các quyền tự do được bảo đảm trong Luật Cơ bản của Hương Cảng, bao gồm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.

Nghị quyết cũng công nhận vị Hồng Y là người ủng hộ dân chủ hàng đầu ở Hương Cảng và chỉ thị cho Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Roberta Metsola, một người Công Giáo Malta, thông báo nghị quyết tới Tòa thánh cũng như các tổ chức khác.

“Nghị viện Âu Châu đã ủng hộ, vẫn ủng hộ và sẽ tiếp tục sát cánh với Hương Cảng. Nghị viện này tiếp tục tích cực thể hiện tình đoàn kết với các nhà dân chủ Hương Cảng và chống lại sự đàn áp của cộng sản Trung Quốc”, Reinhard Buetikofer, trưởng phái đoàn Nghị viện Âu Châu về Trung Quốc sự vụ nói, theo South China Morning Post.

Đức Hồng Y Quân bị chính quyền Hương Cảng bắt vào ngày 11/5 và được tại ngoại sau đó cùng ngày. Ngài đã không nhận tội với cáo buộc là không ghi danh một hiệp hội ủng hộ dân chủ.

Một ngày sau khi Đức Hồng Y Quân bị chính quyền Hương Cảng bắt giữ, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng ngài hy vọng rằng việc bắt giữ vị Hồng Y sẽ không làm phức tạp thêm cuộc đối thoại của Tòa thánh với Trung Quốc.

Đức Hồng Y Quân đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục.

Những người ủng hộ nhân quyền trong tuần này đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng thỏa thuận đang “tiến triển tốt” và cần được gia hạn.

Vào ngày 24 tháng 5, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, Đức Hồng Y Quân nói rằng Tòa Thánh đã “đưa ra một quyết định không khôn ngoan” khi ký một thỏa thuận tạm thời với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đức Hồng Y Quân nói: “Tử đạo là chuyện bình thường trong Giáo hội của chúng ta. Chúng ta có thể không phải làm điều đó, nhưng chúng ta có thể phải chịu một số đau đớn và tự rèn luyện cho lòng trung thành với đức tin của mình.”

Phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Quân và các công dân bị bắt khác dự kiến bắt đầu vào ngày 19 tháng 9.
Source:Catholic News Agency