Boulos Fahmy, một tín hữu Chính Thống Giáo Coptic, vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Hiến Pháp. Ở Ai Cập, các tín hữu Kitô chỉ chiếm 10% dân số và thường là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố của các lực lượng Hồi giáo.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một thành viên của thiểu số Kitô giáo Ai Cập đã trở thành luật gia hàng đầu của đất nước.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tuần này đã bổ nhiệm thẩm phán Chính Thống Giáo Coptic Boulos Fahmy làm Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Hiến Pháp Ai Cập. Boulos Fahmy từng là phó chủ tịch của tòa án này, tiếp quản chức danh này từ Thẩm phán Marei Amr, là người đã từ chức vì lý do sức khỏe.

Fahmy, 65 tuổi, được bổ nhiệm vào Công tố viện năm 1978. Ông cũng từng là thẩm phán và sau đó là người đứng đầu Tòa phúc thẩm. Ông cũng là chủ tịch của Tòa án Hiến pháp.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Tối Cao Pháp Viện Hiến Pháp Ai Cập là một cơ quan tài phán hiến pháp độc lập, được thành lập vào năm 1979 để thay thế Tối Cao Pháp Viện do Tổng thống Gamal Abd Nasser thành lập 10 năm trước đó. Chức năng chính của nó là xác minh và xác nhận tính hợp hiến của các luật và quy định do chính quyền Ai Cập ban hành. Nó cũng giải quyết các mâu thuẫn giữa các bản án của các tòa án khác.

Fides chỉ ra rằng Điều 2 của Hiến pháp Ai Cập, có hiệu lực vào năm 2014, công nhận “các nguyên tắc của Sharia Hồi giáo” là “nguồn chính của pháp luật.” Hãng tin cho biết: Sau Cách mạng năm 2011, trong thời gian Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo giành được nhiều quyền lực hơn trong chính phủ, Tòa án Tối cao đã phản đối các chương trình Hồi giáo hóa cứng nhắc của luật pháp Ai Cập.

Việc bổ nhiệm Fahmy hôm thứ Tư đã được nhiều người Hồi giáo ở Ai Cập ca ngợi, trong đó có Moushira Khattab, người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền Quốc gia do chính phủ bổ nhiệm. Khattab gọi quyết định này là “lịch sử” và “một bước đi khổng lồ” trong lĩnh vực chính trị và dân quyền, theo hãng tin AP.

Nhưng Ishak Ibrahim, một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề Kitô giáo ở Ai Cập, cho biết động thái này sẽ có tác động rất ít đến việc chấm dứt sự phân biệt đối xử đối với người Kitô giáo, những người mà ông nhận định là có rất ít đại diện trong các cơ quan nhà nước của Ai Cập.

“Nó sẽ không có tác động đáng kể đến việc xóa bỏ phân biệt đối xử và bảo đảm cơ hội cho mọi công dân có công lý và bình đẳng,” Ibrahim cho biết trong một bài đăng trên Facebook. “Chúng tôi có thể nói rằng có một sự cải thiện đáng kể khi chúng tôi nhận thấy tỷ lệ phần trăm các tín hữu Kitô giữ chức vụ đã được nâng lên 2 phần trăm gần với tỷ lệ phần trăm của họ.”

Các Kitô Hữu chiếm gần 10% dân số Ai Cập. Hầu hết là Chính thống giáo Coptic, mặc dù cũng có một thiểu số, bao gồm cả Công Giáo Coptíc và Chính thống giáo Hy Lạp. Kitô hữu Coptic tạo thành cộng đồng Kitô giáo lớn nhất ở Trung Đông.

Tổng thống El-Sisi đã bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Kitô Giáo Coptic, nơi trong quá khứ từng là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố. Vào năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, ông đã bổ nhiệm một phụ nữ Kitô giáo Coptic làm thống đốc tỉnh vào năm 2018. Ông cũng cho phép xây dựng các nhà thờ trên khắp đất nước sau nhiều thập kỷ bị hạn chế.
Source:Aleteia