1. Lễ an táng Đức Hồng Y Angelo Sodano, nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh

Lễ an táng Đức Hồng Y Angelo Sodano, nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh và cựu Niên trưởng Hồng Y đoàn, đã được Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, chủ sự tại Đền thờ thánh Phêrô, lúc 11 giờ sáng, thứ Ba, ngày 31 tháng Năm này, với các vị đồng tế gồm các Hồng Y, giám mục ở Tòa Thánh.

Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự nghi thức tiễn biệt.

Đức Hồng Y Sodano qua đời tối thứ Sáu, ngày 27 tháng Năm vừa qua, sau thời gian bị coronavirus, hưởng thọ 95 tuổi.

Trong điện văn gửi đến bà Maria Sodano, em của Đức Cố Hồng Y, Đức Thánh Cha cho biết “sự qua đời của Đức Hồng Y Sodano gợi lên trong tâm hồn ngài tâm tình biết ơn Chúa vì hồng ân con người được quí mến này của Giáo hội, đã quảng đại sống chức tư tế của mình, trước tiên trong giáo phận D’Asti, rồi trong phần còn lại, phục vụ Tòa Thánh. Tôi nhớ lại sự mau mắn phục vụ của Đức Cố Hồng Y cạnh bao nhiêu vị tiền nhiệm của tôi, các vị ủy thác cho Đức Hồng Y những trách vụ quan trọng trong ngành ngoại giao Tòa Thánh và cho đến chức vụ Quốc vụ khanh.

“Tại các Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Ecuador, Uruguay, và Chile Đức Hồng Y đã nhiệt thành tận tụy với thiện ích của các dân tộc ấy, cổ võ đối thoại và hòa giải. Tại Giáo triều Roma, Đức Hồng Y đã chu toàn trách vụ với lòng tận tụy gương mẫu. Cả tôi cũng được hưởng những năng khiếu đặc thù của tâm trí Đức Hồng Y, đặc biệt trong thời kỳ ngài đảm nhận chức vụ Niên trưởng Hồng Y đoàn. Trong mỗi trách vụ, Đức Hồng Y tỏ ra là người đặc biệt kỷ luật về mặt Giáo hội, một mục tử dễ mến, được linh hoạt bằng ước muốn phổ biến khắp nơi men Tin mừng”.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha cho biết ngài dâng lời cầu nguyện cho Đức Cố Hồng Y và bày tỏ sự gần gũi với các thân nhân và cộng đoàn ở tỉnh Asti.

2. Các nhà thờ ở Hương Cảng hủy bỏ các thánh lễ tưởng niệm Thiên An Môn sau 33 năm trong bối cảnh lo ngại bị bắt giữ

Những lo ngại về việc vi phạm luật an ninh đã nhanh chóng hủy bỏ các cử hành tưởng niệm là một trong những cách thế cuối cùng Giáo Hội Công Giáo công khai nhắc nhở cuộc đàn áp năm 1989 của Trung Quốc

Lần đầu tiên sau 33 năm, các buổi lễ để kỷ niệm cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn sẽ không được tổ chức ở Hương Cảng, xóa đi một trong những lời nhắc nhở cuối cùng về cuộc đàn áp đẫm máu của Trung Quốc đối với các cuộc biểu tình năm 1989. Quyết định này đã được đưa ra trong bối cảnh Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân bị bắt và bị điệu ra tòa.

Kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng vào năm 2020 nhằm triệt tiêu các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, các buổi cầu nguyện dưới ánh nến từng chật cứng đã bị cấm, một bảo tàng Thiên An Môn buộc phải đóng cửa và các bức tượng bị kéo xuống.

Các đám đông Công Giáo hàng năm là một trong những cách cuối cùng để người Hương Cảng họp mặt công khai để ghi nhớ cuộc đàn áp chết người ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, khi chính phủ Trung Quốc điều xe tăng và quân đội tấn công những người biểu tình ôn hòa.

Nhưng năm nay, chúng cũng đã bị hủy bỏ vì lo ngại các nhà chức trách Hương Cảng bắt giữ

Cha Martin Ip, tuyên úy của Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Hương Cảng, một trong những người tổ chức cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất khó khăn trong bầu không khí xã hội hiện nay.

Ngài nói: “Điểm mấu chốt của chúng tôi là chúng tôi không muốn vi phạm bất kỳ luật nào ở Hương Cảng.”

Thảo luận về cuộc đàn áp năm 1989 đều bị cấm ở Trung Quốc đại lục. Nhưng ở Hương Cảng bán tự trị, lịch sử của biến cố này thường được giảng dạy trong trường học và chủ trương chấm dứt sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn sống sót - cho đến khi luật an ninh được áp dụng.

Liên minh Hương Cảng, nhóm vận động Thiên An Môn nổi bật nhất và là đơn vị tổ chức buổi lễ thắp nến, bị truy tố là “đặc vụ nước ngoài” và phạm tội kích động lật đổ.

Tháng 9 năm ngoái, các nhà lãnh đạo của tổ chức này đã bị bắt, Bảo tàng của họ bị đóng cửa sau một cuộc đột kích của cảnh sát và các hồ sơ kỹ thuật số về cuộc đàn áp đã bị xóa trong đêm theo lệnh của cảnh sát để đóng trang web và các tài khoản mạng xã hội của nhóm.

Sáu trường đại học đã dỡ bỏ các tượng đài ngày 4 tháng 6 đã đứng trong khuôn viên nhà trường trong nhiều năm.
Source:The Guardian

3. Nếu có mật nghị sớm trước khi được tấn phong, liệu các Hồng Y vừa được nêu tên có được bỏ phiếu không?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây bất ngờ khi công bố danh sách các tân Hồng Y vào ngày 29 tháng 5 vừa qua, trong đó có 16 tân Hồng Y cử tri và 5 Hồng Y quá tuổi tham gia mật nghị bầu Giáo Hoàng. Các ngài sẽ trở thành Hồng Y trong một cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 27 tháng 8.

Cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chưa lần nào đề cập đến việc thoái vị, nhưng một số chuyên gia vẫn tiếp tục suy đoán về sự kết thúc của triều đại giáo hoàng. Trong bối cảnh có sự chậm trễ bất thường lên đến ba tháng từ ngày công bố cho đến ngày các vị này được chính thức tấn phong Hồng Y, một câu hỏi nảy sinh là điều gì sẽ xảy ra với các Hồng Y vừa được chỉ định trong trường hợp một mật nghị bầu Giáo Hoàng diễn ra? Việc gia nhập Hồng Y Đoàn có hiệu quả vào thời điểm nào? Đây là một số câu hỏi I.MEDIA đã hỏi Đức Ông Patrick Valdrini, giáo sư danh dự về giáo luật tại Đại học Latêranô.

Sau nghi thức tấn phong Hồng Y vào ngày 27 tháng 8, Giáo Hội sẽ có 132 Hồng Y cử tri, đây là một kỷ lục dưới triều đại giáo hoàng hiện tại, vượt qua đáng kể ngưỡng 120 Hồng Y do Đức Phaolô Đệ Lục đặt ra trong Tông Hiến Romano Pontifici Eligendo ngày 1 tháng 10, Năm 1975.

Mặc dù không bãi bỏ quy định này, nhưng việc phá vỡ quy định này là “đặc quyền” của đương kim giáo hoàng, người là “nhà lập pháp tối cao và có thể vi phạm các luật do các giáo hoàng ban hành”, cho dù luật ấy là của chính ngài hay một trong những người tiền nhiệm của ngài. Valdrini nói trong Vatican, “không có quyền tài phán hiến pháp”. Không có thẩm quyền nào có thể làm mất hiệu lực một quyết định của Giáo hoàng, vì sự phân chia quyền lực không tồn tại.

Đây sẽ là lần thứ 13 một giáo hoàng vượt quá giới hạn 120 Hồng Y cử tri. Kỷ lục về việc vượt ngưỡng được thiết lập trong lần tấn phong Hồng Y đầu tiên của thế kỷ 21, vào ngày 21 tháng 2 năm 2001, khi Đức Gioan Phaolô II tấn phong 42 Hồng Y, 38 trong số các vị là Hồng Y cử tri: điều này đã nâng số Hồng Y cử tri lên 136. một lần nữa ngưỡng 120 bị vượt qua là vào lần tấn phong Hồng Y cuối cùng của ngài, vào ngày 21 tháng 10 năm 2003. Điều đó đã nâng con số lên 135 Hồng Y cử tri trong Hồng Y Đoàn.

Các giáo hoàng gần đây luôn thể hiện sự linh hoạt nhất định đối với ngưỡng 120 Hồng Y cử tri. Đức Gioan Phaolô II đã vượt ngưỡng ba lần, Đức Bênêđíctô XVI hai lần, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vượt ngưỡng trong mọi dịp tấn phong Hồng Y, nghĩa là tám lần, bao gồm cả lần sắp tới.

Điều gì sẽ xảy ra nếu mật nghị diễn ra trước khi các Hồng Y này được tấn phong?

Trong trường hợp Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời hoặc từ chức trước ngày 27 tháng 8, quyết định tấn phong Hồng Y được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra vào ngày 29 tháng 5 vừa qua sẽ bị hủy bỏ, bởi vì việc tấn phong này bị ràng buộc chặt chẽ với đương kim Giáo hoàng. Chỉ những Hồng Y cử tri Hồng Y cử tri đã được tấn phong, hiện có 117 vị như thế, mới được triệu tập vào mật nghị. Tư cách Hồng Y chỉ được Giáo Hội nhìn nhận sau nghi thức tấn phong Hồng Y chứ không phải sau một thông báo đơn thuần.

Điều 36 của Tông Hiến Universi Dominici Gregis do Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1996 khẳng định như sau: “Một vị Hồng Y của Hội Thánh Rôma, người đã được tạo ra và công bố trước Hồng Y Đoàn, có quyền bầu Giáo hoàng, theo quy tắc số 33 của Tông Hiến hiện hành, ngay cả khi ngài vẫn chưa nhận được chiếc mũ đỏ hoặc chiếc nhẫn, hoặc chưa tuyên thệ”

Điều khoản này có nghĩa là đối với các Hồng Y đã được xác nhận trong một công nghị tấn phong Hồng Y, sự vắng mặt thực tế của vị tân Hồng Y ấy trong buổi lễ vì lý do sức khỏe hoặc các vấn đề về giao thông — như đã xảy ra vào tháng 11 năm 2020 trong một công nghị tấn phong Hồng Y được tổ chức giữa một trận đại dịch — không ngăn cản ngài trở thành một Hồng Y, và do đó ngài có quyền tham gia mật nghị vào một ngày sau đó.

Nói cách khác, phải có công nghị tấn phong Hồng Y, trong đó Đức Thánh Cha xác nhận trước Hồng Y Đoàn vị ấy là Hồng Y, vị ấy có mặt trong buổi lễ hay không, không phải là vấn đề.

Việc công bố một công nghị tấn phong Hồng Y chỉ có giá trị ràng buộc đối với đương kim giáo hoàng. Nếu triều đại giáo hoàng hiện tại kết thúc, thì việc lựa chọn các Hồng Y tương lai có liên quan đến quyết định cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô, “người kế vị của ngài có thể không tấn phong cho các vị ấy,” Đức Ông Valdrini nói. Tuy nhiên, theo thông lệ, nhằm đưa ra các dấu chỉ cho tính liên tục, ít nhất là vào đầu triều đại giáo hoàng, vị tân giáo hoàng có thể triệu tập một công nghị tấn phong Hồng Y khác có cùng danh sách, hoặc bổ sung vào danh sách đó.

Trường hợp của các Hồng Y bị phế truất

Liên quan đến việc tham gia mật nghị, Tông Hiến năm 1996 quy định rõ rằng “Các Hồng Y đã bị phế truất về mặt pháp lý hoặc những người được sự đồng ý của Giáo hoàng Rôma đã từ bỏ đặc quyền Hồng Y thì không có quyền này. Hơn nữa, trong khoảng thời gian trống tòa, Hồng Y Đoàn không thể thu nhận lại hoặc phục hồi tư cách Hồng Y của họ. “

Những trường hợp rút khỏi Hồng Y Đoàn này rất hiếm nhưng trong lịch sử gần đây cũng có một số trường hợp. Năm 1927, Hồng Y người Pháp Louis Billot từ bỏ chức Hồng Y vì bất đồng với Đức Piô XI về việc lên án Action Française, và ngài qua đời với tư cách là một linh mục Dòng Tên giản dị.

Nhiều thập kỷ sau, vào năm 2018, cựu Tổng Giám mục Washington Theodore McCarrick bị mất chức Hồng Y vì liên quan đến lạm dụng trẻ em. Ông ta vẫn còn sống, nhưng hiện đã bị hạ xuống tư cách giáo dân.

Hồng Y Keith O'Brien, một cựu tổng giám mục của Edinburgh, người cũng liên quan đến lạm dụng tình dục, nhưng không lạm dụng trẻ vị thành niên, đã từ bỏ việc tham gia mật nghị năm 2013 và sau đó chính thức từ bỏ các quyền và đặc quyền của Hồng Y vào năm 2015, mặc dù ông được giữ lại danh hiệu.

Cuối cùng, Hồng Y Becciu đã bị tước bỏ các đặc quyền của mình với tư cách là Hồng Y cử tri Hồng Y vào năm 2020 do cáo buộc tham nhũng liên quan đến vụ mua bán địa ốc ở London. Vị cựu Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ không thể tham gia mật nghị nếu được tổ chức ngay bây giờ, nhưng, giống như các Hồng Y trên 80 tuổi, ngài vẫn giữ được danh hiệu Hồng Y. Hồng Y Becciu có thể giành lại quyền bỏ phiếu nếu được trắng án khi kết thúc thủ tục pháp lý hiện tại. Khả năng phục hồi sẽ lại là đặc quyền cá nhân của giáo hoàng.
Source:Aleteia