1. Quốc hội Lithuania đã bỏ phiếu nhất trí mô tả các hành động của Nga ở Ukraine là “tội ác diệt chủng”
Quốc hội Lithuania đã bỏ phiếu nhất trí mô tả các hành động của Nga ở Ukraine là “diệt chủng” và “khủng bố”, đồng thời kêu gọi một tòa án quốc tế truy tố các tội phạm chiến tranh của quân Nga tại Ukraine.
Theo Reuters, các tội ác chiến tranh của các lực lượng Nga bao gồm cố ý giết thường dân, cưỡng hiếp hàng loạt, bắt cóc công dân Ukraine đưa sang Nga và phá hủy cơ sở hạ tầng kinh tế và các địa điểm văn hóa.
Kiến nghị của quốc hội Lithuania, được đồng tài trợ bởi thủ tướng Ingrida Šimonytė, cho biết:
Liên bang Nga, quốc gia có lực lượng quân sự đã chọn các mục tiêu dân sự để ném bom một cách cố ý và có hệ thống, là một quốc gia ủng hộ và gây ra nạn khủng bố.
Diễn biến này xảy ra sau một cuộc bỏ phiếu nhất trí tương tự của các nhà lập pháp Canada vào tháng trước gọi các cuộc tấn công của Nga ở Ukraine là một “tội ác diệt chủng”.
Người đứng đầu Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine cho biết hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng ở Ukraine trong cuộc chiến kéo dài hơn hai tháng, con số thiệt mạng chính thức của Liên Hiệp Quốc là 3.381 người.
“Nhìn chung, cho đến nay, chúng tôi đã xác minh được 7.061 thương vong dân sự, với 3.381 người thiệt mạng và 3.680 người bị thương trên khắp đất nước kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công vũ trang của Liên bang Nga. Các số liệu thực tế cao hơn và chúng tôi đang làm việc để chứng thực từng sự việc “, Matilda Bogner nói trong một cuộc họp báo tại Geneva hôm thứ Ba.
2. Titus Brandsma có thể trở thành một vị thánh bảo trợ mới của ngành báo chí
Hơn 60 nhà báo đã thỉnh cầu Đức Thánh Cha Phanxicô phong Titus Brandsma trở thành vị thánh bảo trợ chính thức của ngành báo chí.
Một bức thư ngỏ được công bố vào ngày 10 tháng 5 nói rằng thế giới “khẩn cấp đòi hỏi một người cầu bầu thánh thiện” như Brandsma, một linh mục và nhà báo dòng Carmêlô, “trong thời đại thông tin sai lệch và phân cực này.”
Brandsma, người sẽ được phong thánh trong Giáo Hội Công Giáo vào ngày 15 tháng 5, đã chết trong trại tập trung Dachau vào năm 1942 sau khi ngài kiên quyết phản đối việc bắt buộc đăng các tuyên truyền của Đức Quốc xã trên các tờ báo Công Giáo.
“Chúng tôi, những nhà báo Công Giáo, nhận ra nơi Chân Phước Titus Brandsma một đồng nghiệp chuyên nghiệp và là một người đồng đạo nổi bật. Một người đã chia sẻ sứ mệnh sâu xa hơn của nền báo chí trong thời hiện đại: đó là tìm kiếm sự thật và sự xác minh, thúc đẩy hòa bình và đối thoại giữa mọi người”, bản kiến nghị viết.
Bức thư kiến nghị được đồng viết bởi ba nhà báo từ Hà Lan, nơi Brandsma được sinh ra, và một nhà báo từ Bỉ. Nó đã được đồng ký tên bởi hơn 60 thông tín viên của Vatican.
“Titus Brandsma có rất nhiều ý nghĩa đối với cộng đồng Công Giáo ở các Quốc gia trong vùng Bắc Âu, các tác phẩm báo chí của ngài nổi bật trong số tất cả các hoạt động khác. Ngài là tổng biên tập của một tờ báo, đã cống hiến hết mình cho việc hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa tờ nhật báo Công Giáo ở Hà Lan, đồng thời nỗ lực để có điều kiện làm việc tốt hơn và thiết lập các khóa đào tạo nghiệp vụ cho các nhà báo,” bức thư viết.
“Cha Brandsma đã thực hiện công việc của mình trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Quốc xã đang trỗi dậy ở Âu Châu. Bằng lời nói và hành động, ngài phản đối ngôn ngữ hận thù và chia rẽ đang trở nên phổ biến vào thời điểm đó. Theo quan điểm của ngài, những gì chúng ta hiện nay mô tả là 'tin giả' không được dung thứ trên báo chí Công Giáo; ngài đã biện hộ thành công cho lệnh cấm của các giám mục đối với việc in các bài tuyên truyền về Quốc Xã trên các tờ báo Công Giáo “.
Bức thư thừa nhận rằng Giáo Hội Công Giáo đã có một vị thánh bảo trợ của các nhà báo: Thánh Phanxicô Đệ Salê.
Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên bố giám mục Geneva là vị thánh bảo trợ của các nhà báo và nhà văn vào năm 1923. Vị thánh ở thế kỷ 16 đã sử dụng các ân sủng của mình như một nhà văn để viết cuốn sách kinh điển về lòng mộ đạo, có nhan đề “Giới thiệu về Đời sống sùng đạo,” cũng như các lá thư, bài giảng, và các tài liệu đề cập đến các tranh cãi và thuyết Calvin.
Bức thư lập luận rằng vị thánh người Pháp “chắc chắn là một vị thánh của đức tin và có công lao to lớn, nhưng ông không phải là một nhà báo theo nghĩa hiện đại của từ này.”
“Titus Brandsma đã từng là nhà báo. Và như chúng tôi đã nói, ngài đã hy sinh cuộc đời mình vì nghề báo chí. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này khiến ngài đặc biệt thích hợp với sự bảo trợ này.”
Brandsma từng là cố vấn tinh thần cho nhân viên của hơn 30 tờ báo Công Giáo ở Hà Lan. Ngài cũng viết tiểu sử về Thánh Têrêxa Avila của Dòng Cát Minh, soạn các bài suy niệm về Đàng Thánh Giá, và viết thư.
Trong suốt những năm 1930, Brandsma đã chứng kiến sự kinh hoàng khi Adolf Hitler tăng cường sự kìm kẹp của mình với các nước láng giềng của Đức. Vị Chân Phước sắp được tuyên thánh chỉ trích gay gắt các chính sách của Đức Quốc xã trong các bài báo và bài giảng. Ngài nói: “Phong trào Đức Quốc xã là một sự dối trá đen đủi. Đó là ngoại giáo.”
Khi các tờ báo Hà Lan được yêu cầu phải chấp nhận quảng cáo và phải đăng các thông cáo báo chí từ các lãnh tụ Đức Quốc xã, Đức Tổng Giám Mục của Utrecht đã yêu cầu cha Brandsma nói với các biên tập viên Công Giáo của đất nước rằng họ nên từ chối lệnh này.
Brandsma đã tìm cách đến thăm 14 biên tập viên trước khi ngài bị bắt vào ngày 19 tháng Giêng năm 1942, tại một tu viện ở Boxmeer. Khi Gestapo chuẩn bị đưa ngài đi, ngài quỳ gối trước vị bề trên và nhận lời chúc phúc của ngài.
Một sĩ quan, Đại úy Paul Hardegen, sau đó đã yêu cầu Brandsma trình bày bằng văn bản lý do tại sao đồng hương của anh ta khinh miệt đảng Quốc xã Hà Lan.
“Người Hà Lan,” vị giáo sĩ viết, “đã hy sinh rất nhiều vì tình yêu dành cho Chúa và có một đức tin vững chắc vào Chúa bất cứ khi nào họ phải chứng minh niềm tin tôn giáo của mình… Nếu cần thiết, chúng tôi, những người Hà Lan, sẽ hiến cuộc sống của chúng tôi cho tôn giáo của mình.”
Cha Brandsma và 10 ứng viên tuyên thánh khác, bao gồm Charles de Foucauld và 4 phụ nữ, sẽ được tuyên thánh trong thánh lễ phong thánh đầu tiên tại Vatican sau hơn hai năm rưỡi.
Trước khi ngài được tuyên thánh, Đại sứ quán Hà Lan tại Tòa thánh đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về Cha Brandsma và tự do báo chí.
Đại sứ Caroline Weijers nói với Vatican News rằng một trong những chủ đề mà bà mong đợi sẽ được đề cập tại hội nghị chuyên đề là “thế giới cần những nhà báo can đảm như Cha Titus Brandsma để tạo ra sự khác biệt cho nhân loại và nhân quyền cho tất cả mọi người”.
Source:Catholic News Agency
3. Anh, Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ đã công khai đổ lỗi cho Nga về một cuộc tấn công mạng lớn
Anh, Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ đã công khai đổ lỗi cho Nga về một cuộc tấn công mạng lớn nhằm vào một mạng internet vệ tinh một giờ trước khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin, ra lệnh cho quân đội của mình xâm lược Ukraine.
Hội đồng Liên minh Âu Châu cho biết, cuộc tấn công kỹ thuật số vào mạng KA-SAT của Viasat vào cuối tháng Hai đã khiến hàng nghìn modem bị gián đoạn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm lược đất nước của Putin.
Tuyên bố cho biết thêm: “Cuộc tấn công mạng đã có ‘tác động đáng kể’ và gây ra ‘sự gián đoạn liên lạc đối với một số cơ quan công quyền, doanh nghiệp và người dùng ở Ukraine, cũng như ảnh hưởng đến một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu’”
Cuộc tấn công mạng không thể chấp nhận được này là một ví dụ khác cho thấy Nga tiếp tục có những hành vi vô trách nhiệm trong không gian mạng, và cũng là một phần trong cuộc xâm lược bất hợp pháp và phi lý của Nga vào Ukraine.
Trung tâm an ninh mạng quốc gia của Anh đã đánh giá rằng tình báo quân sự Nga gần như chắc chắn có liên quan đến vụ tấn công ngày 13 tháng Giêng vào các trang web của chính phủ Ukraine, cũng như vụ tấn công tiếp theo ảnh hưởng đến Viasat vào ngày 24 tháng 2.
Ngoại trưởng Anh, Liz Truss, cho biết Nga sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” vì “hành vi xấu xa và gây hấn vô cớ” trên đất liền, trên biển và không gian mạng, đồng thời nói thêm:
“Đây là bằng chứng rõ ràng và gây sốc về một cuộc tấn công có chủ ý và ác ý của Nga nhằm vào Ukraine, gây hậu quả đáng kể đối với người dân và doanh nghiệp ở Ukraine cũng như trên toàn Âu Châu.”
Nga thường xuyên phủ nhận họ thực hiện các hoạt động tấn công mạng.
4. Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày các Ông Bà và người cao niên lần thứ Hai
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những người cao niên vượt thắng quan niệm xã hội coi người già là “đồ phế thải” và hãy sống tuổi già trong tinh thần tích cực, xác tín đó là một phúc lành của Chúa.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp công bố sáng ngày 10 tháng Năm năm 2022, để chuẩn bị cho Ngày Thế giới lần thứ II các Ông Bà và người cao niên, sẽ được cử hành vào Chúa nhật 24 tháng Bảy tới đây, với chủ đề: “Trong tuổi già, họ còn mang lại hoa trái” (Tv 92,15), một câu trích từ thánh vịnh 92.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Thánh vịnh này, ghi dấu sự hiện diện của Chúa trong các giai đoạn của cuộc sống, mời gọi chúng ta tiếp tục hy vọng: khi tuổi già đến và mái tóc bạc, Chúa sẽ còn ban cho chúng ta sự sống và sẽ không để sự ác đè bẹp. Khi tín thác nơi Chúa, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để gia tăng chúc tụng Chúa (vv.14-20) và chúng ta sẽ khám phá thấy rằng trở nên già nua không phải chỉ là sự suy thoái tự nhiên của cơ thể hoặc trải qua thời gian không thể tránh được, nhưng là hồng ân trường thọ. Tuổi già không phải là một bản án, nhưng là một phúc lành!”
“Vì vậy, chúng ta phải chăm sóc bản thân và học cách sống tuổi già tích cực, cả về phương diện tâm linh, vun trồng đời sống nội tâm qua việc chăm chỉ đọc Lời Chúa, cầu nguyện hằng ngày, năng lãnh nhận các bí tích và tham gia phụng vụ. Và cùng với tương quan với Chúa, có tương quan với tha nhân: nhất là gia đình, các con, cháu, cống hiến cho họ tình yêu thương đầy ân cần của chúng ta; cũng như đối với những người nghèo khổ, trở nên những người gần gũi với họ bằng cách giúp đỡ cụ thể và bằng lời cầu nguyện. Tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta cảm thấy mình không phải chỉ là những khách bàng quan trong kịch trường thế giới, không phải chỉ “đứng ở cửa sổ” mà nhìn.”
Đức Thánh Cha xác tín rằng: “Tuổi già không phải là một thời gian vô ích, trong đó chúng ta rút lui, rút mái chèo lên thuyền, nhưng là một thời kỳ còn sinh hoa trái: có một sứ mạng mới đang chờ đợi và mời gọi chúng ta hướng nhìn về tương lai. Sự nhạy cảm đặc biệt của người già chúng ta đối với sự quan tâm, những ý tưởng và tình cảm làm cho chúng ta nhân bản hơn, phải tái trở thành một ơn gọi của bao nhiêu người. Và đó là một sự chọn lựa yêu thương của người già đối với các thế hệ trẻ” (Bài giáo lý về tuổi già, 16-3-2022). Hỡi những ông bà và người cao niên quí mến, đó là đóng góp của chúng ta cho ‘cuộc cách mạng dịu dàng’, một cuộc cách mạng tâm linh và không võ khí, mà tôi mời gọi anh chị em trở thành những nhân vật chính”.
Trong phần kế tiếp của sứ điệp, Đức Thánh Cha gợi ý một số lãnh vực mà người già có thể dấn thân giúp đỡ như:
Đứng những cuộc khủng hoảng hiện nay, như đại dịch, chiến tranh tại Ukraine và những thứ “dịch” khác, “chúng ta có trách nhiệm lớn dạy cho những người nam nữ thời nay nhìn tha nhân với cùng cái nhìn cảm thông và dịu dàng, như khi chúng ta nói với các cháu của chúng ta... Ngày nay, chúng ta có thể dạy về cách sống an bình và quan tâm đến những người yếu nhất”.
Cần giúp thế giới ý thức rằng “chúng ta không thể tự cứu thoát một mình. Hạnh phúc là chiếc bánh ta cùng ăn. Chúng ta hãy làm chứng điều đó cho những người nuôi ảo tưởng tìm được sự thành đạt bản thân và thành công bằng con đường đối nghịch”.