Theo Catholic News Service, trên chuyến bay từ Tallinn, Estonia, trở về Rôma, Đức Phanxicô đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về lạm dụng tình dục, che đậy lạm dụng và thoả thuận tạm thời với Trung Hoa.
Đức Phanxicô cho rằng Giáo Hội Công Giáo đã hiểu rõ hơn sự kinh khủng của nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục cũng như “sự thối nát” của việc che đậy nó.
Được hỏi về nhận định của ngài với giới trẻ Tallinn khi ngài nói: giới trẻ bị xúc phạm khi thấy Giáo Hội không lên án việc lạm dụng một cách rõ ràng, Đức Phanxicô trả lời rằng giới trẻ bị xúc phạm bởi sự giả hình của người lớn, bởi chiến tranh, bởi việc thiếu nhất quán, bởi thối nát, và thối nát chính là nơi điều báo chí nhấn mạnh, tức lạm dụng tình dục, xuất hiện.
Theo Đức Phanxicô, bất cứ thống kê nói gì về tỷ lệ giáo sĩ lạm dụng tình dục, “dù chỉ có một linh mục lạm dụng một bé trai hay bé gái, thẩy đều gớm guốc, vì người đó đã được Thiên Chúa chọn lựa để hướng dẫn đứa bé này về thiên đàng”.
Ngài nhấn mạnh rằng sự kiện lạm dụng trẻ em diễn ra trong nhiều môi trường vẫn không hề làm giảm tai tiếng này.
Tuy nhiên, nói rằng Giáo Hội không làm gì để “làm sạch” là điều không đúng. Chịu khó đọc kỹ phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pensylvania, công bố hồi tháng Tám hay các nghiên cứu tương tự, điều rõ ràng là đa số các trường hợp đã xẩy ra hàng mấy thập niên trước đây “vì Giáo Hội đã nhận ra rằng mình phải chiến đấu chống lại nó cách khác”.
Tưởng nên lưu ý đến chữ “cách khác” trên đây. Có thể nói đây là lần thứ hai, Đức Phanxicô “phản công” dư luận tiêu cực đối với đáp ứng của Giáo Hội trước nạn lạm dụng tình dục và che đậy nó. Từ trước đến nay, có vẻ như các giới chức giáo hội ở thế hoàn toàn bị động trước công luận tiêu cực này. Cần phải chính thức giải thích theo chiều “hướng phản công” chứ không “vào hùa”, “đánh bồi thêm”.
Đức Phanxicô giải thích như sau: “Các thời trước đây, những chuyện này bị che đậy, nhưng chúng cũng bị che đậy trong các gia đình, khi ông chú lạm dụng cháu gái, hay người cha hiếp dâm con mình; việc này bị che đậy vì đây là chuyện rất, rất đáng xấu hổ. Đó là cách người ta nghĩ ở thế kỷ trước”.
Theo ngài, muốn hiểu điều xẩy ra trong quá khứ, người ta phải nhớ việc lạm dụng đã được xử lý ra sao lúc ấy.
Đức Phanxicô nói rằng “quá khứ nên được giải thích bằng cách sử dụng khoa giải thích đúng thời đại”. Vì theo ngài, “ý thức luân lý” của người ta phát triển theo thời gian, án tử hình là một điển hình.
Dù sao, ngài bảo “hãy nhìn vào điển hình Pensylvania. Hãy nhìn vào tỷ lệ và qúi bạn sẽ thấy khi bắt đầu hiểu, Giáo Hội đã làm tất cả những gì mình có thể”.
Thực vậy, ngài nói, ngài vốn khuyến khích các giám mục tường trình các vụ lạm dụng cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và ngài “không bao giờ, không bao giờ” ban ân xá cho một linh mục bị chứng minh có tội lạm dụng.
Đức Phanxicô không nêu đích danh Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano, vị cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, người đã cho rằng Đức Phanxicô biết nhưng làm ngơ tác phong tình dục xấu xa của cựu Hồng Y Theodore E. McCarrick. Và câu hỏi của các nhà báo về vị Tổng Giám Mục này không được nêu lên vì Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh chỉ nên hỏi các câu hỏi trực tiếp liên hệ đến chuyến thăm ba nước vùng Baltic.
Nhưng Đức Phanxicô có nói “Khi có lời phát biểu nổi tiếng đó của một cựu sứ thần, các giám mục khắp thế giới đã viết thư cho tôi hay các vị luôn gần gũi tôi và cầu nguyện cho tôi”.
Ngài cho biết một trong các lá thư trên đến từ Trung Hoa và được ký tên chung bởi 1 giám mục thuộc Hội Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước do nhà nước kiểm soát và 1 vị thuộc “ta có thể nói, Giáo Hội Công Giáo truyền thống”.
Được hỏi về thoả thuận tạm được công bố lúc ngài đang ở Lithuania và về nỗi đau khổ của người Công Giáo Trung Hoa đã liều mạng sống để trung thành với Đức Giáo Hoàng và không chấp nhận sự kiểm soát của đảng đối với Giáo Hội, Đức Phanxicô cho hay: một số người Công Giáo ở Trung Hoa “sẽ đau khổ” vì cảm thấy bị phản bội, “nhưng họ có đức tin lớn lao” và cuối cùng sẽ tin tưởng Đức Giáo Hoàng.
Ngài ca ngợi các nhà thương thuyết của Vatican đã “tiến hai bước, lùi một bước” trong 10 năm nay, nhưng ngài nhấn mạnh ngài chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận và nhất là việc bình thường hóa tình trạng của 7 giám mục được tấn phong không có sự chấp thuận của Tòa Thánh.
Ngài nói: với mọi “hòa ước” và mọi cuộc thương thảo "cả hai bên đều mất một điều gì đó”. Đối với Tòa Thánh, điều mất ấy chính là quyền kiểm soát hoàn toàn việc bổ nhiệm giám mục.
Tuy nhiên, theo ngài, người ta nên nhớ trong nhiều thế kỷ, các nhà vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từng bổ nhiệm các giám mục cho Châu Mỹ La Tinh, và các hoàng đế Áo Hung cũng làm như thế trong lãnh thổ của họ.
Ngài cho hay: thoả thuận Vatican – Trung Hoa thiết lập “một cuộc đối thoại về các ứng viên sau cùng” cho các giáo phận ở Trung Hoa, “nhưng việc bổ nhiệm là của Đức Giáo Hoàng, ta nên biết rõ như thế”.