Trong một diễn biến đang gây tranh cãi gắt gao giữa Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đón nhận 5 linh mục Chính Thống Giáo Lithuania bị Thượng Phụ Kirill trục xuất vì các ngài đã phản đối cuộc xâm lược Ukraine.
Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Tòa Thượng Phụ Constatinople.
Vài tháng trước, các Đại linh mục rất đáng kính từ Lithuania Vladimiras Seliavko và Vitalijus Mockus, và các Linh mục Trưởng lão Vitalis Dauparas, Gintaras Sungaila và Georgy Ananiev, những người đã bị Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa áp đặt hình phạt phế truất chức tư tế, đã phát biểu trước Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople – và đã gửi thư thỉnh cầu trước mặt Ngài, vì các ngài có quyền làm như thế.
Thượng phụ Đại kết, người chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc nhận đơn kháng cáo, theo các Quy tắc của Thánh giáo luật (cụ thể là Điều 9 và 17 của Công đồng Đại kết lần thứ tư) và theo thông lệ về thánh hóa của Giáo hội, đã nhận được những đơn thỉnh cầu được đệ trình này.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các trường hợp liên quan, Tòa Thượng Phụ Constatinople chắc chắn rằng một mặt những trường hợp này đã được đưa ra xét xử chung thẩm trước cơ quan giáo hội đã áp đặt các hình phạt này, nhưng một mặt khác, lý do áp dụng các hình phạt hoàn toàn không xuất phát từ các tiêu chí giáo hội, nhưng từ sự phản đối chính đáng của các giáo sĩ này đối với cuộc chiến ở Ukraine.
Vì vậy, khi xét xử một cách không thể hủy bỏ những lời thỉnh cầu này, Đức Thượng Phụ đã đề nghị với Thánh Công Đồng rằng việc phế truất khỏi chức tư tế đã được áp đặt vô lý và các ngài được phục hồi chức tư tế trước đây trong giáo hội, cả 2 điều này đã được nhất trí quyết định.
Hơn nữa, sau phục hồi nói trên, theo yêu cầu của các ngài, Đức Thượng Phụ Đại Kết đã tiếp nhận các giáo sĩ này dưới quyền tài phán đáng kính của Ngài, có tính đến quyền đã được thiết lập từ lâu của Ngôi vị Đại kết, như nó cũng được báo cáo một cách rõ ràng trong cách giải thích của Theodore Balsamon về Antioch theo Điều 17 và 18 của Công đồng Trullo và Điều 10 của Công đồng Đại kết lần thứ bảy; cụ thể là: “Điều khoản này lưu ý rõ ràng rằng chỉ có Thượng phụ Constantinople mới được phép tiếp nhận các giáo sĩ nước ngoài, ngay cả khi không có thư cho phép của đấng bản quyền của họ”.
Nhiều quan sát viên cho rằng diễn biến này chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng giữa Tòa Thượng Phụ Constatinople và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, nhiều người khác thì cho rằng còn gì nữa để căng thẳng thêm. Sau khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã cấp Tomos, tức là đã xác nhận Chính Thống Giáo Ukraine là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, Thượng Phụ Kirill đã truyền cho các linh mục Chính Thống Giáo Nga không được nhắc đến Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trong Phụng Vụ Thánh, không được hiệp thông thánh thể với các giáo sĩ của Tòa Thượng Phụ Constatinople. Xa hơn, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa còn ngang nhiên thiết lập các giáo xứ trong lãnh thổ của các Giáo Hội Chính Thống Giáo khác. Thực tế là không còn điều gì mà Thượng Phụ Kirill chưa làm.
Source:Orthodox Times