Đức Hồng Y Pell chính thức yêu cầu Đức Hồng Y Becciu giải thích lý do gởi hàng triệu đô la sang Úc Đại Lợi
Nhân dịp qua California, Đức Hồng Y George Pell đã dành cho nữ ký giả Joan Frawley Desmond của tờ National Catholic Register một cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Hồng Y Pell chính thức yêu cầu Đức Hồng Y Becciu giải thích nơi đến của ngân khoản hơn 2 triệu Úc kim được ngài chuyển qua Úc mà hiện nay, chưa được thanh lý rõ ràng.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch tóm lược sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Tuý Vân
Theo Desmond, Đức Hồng Y Pell nói: “tôi có một câu hỏi với Đức Hồng Y Becciu: liệu ngài có chịu nói với chúng ta số tiền đó được gửi vì mục đích gì không?”
Được hỏi về nhận định của Đức Hồng Y đối với thời gian ngồi tù, mà ngài coi nó như một thời gian “tĩnh tâm”, Đức Hồng Y Pell cho hay ngồi tù, bạn có rất nhiều thì giờ và ngài lại có đủ cả sách nguyện, tràng hạt, sách thiêng liêng, nên ngài đã lên chương trình cầu nguyện hàng ngày, cứ thế mà theo.
Ngài cũng cho rằng bối cảnh đào tạo của ngài giúp ích rất nhiều cho chương trình trên. Ngài nói: “chủng viện trước Vatican II của tôi là một chuẩn bị tốt cho việc bị giam một mình”.
Vả lại, theo ngài, Thiên Chúa luôn ở với bạn, bất luận bạn cảm thấy điều đó hay không, ngài ý thức rõ điều đó. Ngài thú thực trong phần lớn đời ngài, ngài không phải là người phấn khích về tôn giáo hay tìm an ủi trong tôn giáo. Nhưng kỳ lạ thay, suốt thời gian ở trong tù, lúc nào ngài cũng cảm thấy bình an về phương diện tôn giáo có lẽ vì không còn phải bận bịu và lo ra với các nhiệm vụ của một Hồng Y.
Mặt khác, ngài đánh giá cao điều ngài gọi là “cổ vũ tâm lý” (psychological boost) đó là “con số thư từ lớn lao: trong hơn 400 ngày, tôi nhận được khoảng 4,000 lá thư, trung bình 10 lá 1 ngày”. Đến nỗi, một cai tù khi đến đưa thư cho ngài, đã vui đùa nhận xét “tuần này, ngài nhận được thư từ nhiều hơn tôi nhận cả đời”.
Nhiều thư rất cảm động. Khởi đầu, có người gửi cho ngài bản văn của Thánh Antôn Ai Cập, vị ẩn tu đã thiết lập ra lối sống đơn tu, một bản văn ngài khó khăn mới đọc hết. Thánh nhân vốn là loại người khá bảo thủ. Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ. Nhiều người khác gửi cho ngài các sách và bài báo đạo, rồi từ từ đủ loại tài liệu trí thức vừa khuây khỏa vừa kích thích.
Trước lối ví von của Desmond cho rằng lúc ấy ngài được giáo dân thừa tác, ngược với việc ngài chăn dắt họ, Đức Hồng Y Pell đồng ý. Ngài nói: “khi bạn ở trong tù, ở tận đáy vực thẳm, bạn được nâng đỡ bởi rất nhiều người. Hiện nay, tôi biết đánh giá cao hơn trước đây những cử chỉ nhã nhặn căn bản, như một lời nói tốt bụng chẳng hạn”.
Được hỏi về việc ngài tha thứ cho kẻ tố cáo ngài, Đức Hồng Y Pell cho hay ngài cảm thấy không khó khăn gì cả. “Bạn quyết định tha thứ và thường là các tâm tư của bạn sẽ bước theo. Vả lại, tôi hiểu ra rằng bất cứ động cơ của người tố cáo là gì, nhưng anh ta sẽ đau khổ trong đời. Khi anh ta đưa chứng cớ, tôi nghĩ anh ta không hề nhất quán. Tôi muốn nói, anh ta thay đổi câu chuyện đến 24 lần. Kitô hữu phải quyết định tha thứ hay không tha thứ nhiều lần trong suốt cuộc đời mình. Nên đâu phải như thể tôi chưa bao giờ phải đối đầu với một quyết định như thế cho tới khi mình 76 hay 77 tuổi và phải ngồi tù. Và nếu bạn từng cố gắng tha thứ những việc nhỏ, có thể bạn sẽ dễ dàng tha thứ khi thách thức lớn diễn ra”.
Được hỏi do đâu ngài đi đến nhận định cho rằng chịu đau khổ vì đức tin có hiệu quả cứu chuộc, trong khi ở trong tù ngài mới hiểu ra rằng trước đó, ngài đã sống “một đời sống được che chở nên có xu hướng đánh giá thấp cái ác trong xã hội và sự tai hại gây ra cho nhiều người, cho nhiều nạn nhân”, Đức Hồng Y Pell cho rằng trong tư cách Giám Mục, ngài phải đương đầu với rất nhiều vụ tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em, nên ngài hiểu rõ “có một số lượng mênh mông đau khổ và sầu buồn. Tôi trao các vụ ấy cho các cuộc điều tra và tôi phải thực thi các quyết định. Tất cả những điều này đưa tôi đi vào thế giới đau khổ rất nhiều. Các xác tín của tôi được thâm hậu hóa bởi kinh nghiệm bị giam ở khu biệt giam, nơi tôi trải nghiệm sự tai hại gây ra cho các bạn đồng tù của tôi. Nhiều người trong số họ bị ma túy phá hủy. Tôi nghe thấy sự giận dữ của họ, cả sự xao xuyến lẫn những tiếng đập cửa phòng giam của họ. Tôi bất lực trong việc giúp đỡ họ.”
Với câu hỏi ngài có coi mình như một thứ con dê tế thần, chịu đau khổ vì tội lỗi của các nhà lãnh đạo Giáo Hội khác hay không, Đức Hồng Y Pell cho biết ngài không bao giờ nghĩ thế. “Nhưng tôi biết rất rõ các thất bại của các nhà lãnh đạo Giáo Hội... và tôi chắc chắn cầu nguyện cho một số Giám Mục tôi quen biết xem ra đã làm rắc rối sự việc một cách quá thể bằng phương thức của các ngài”.
Ngài nhận định thêm rằng các vị trên đôi lúc nói láo. Nhưng khó mà biết điều gì đã thúc đẩy một cá nhân cụ thể. Phần lớn các ngài không hiểu rõ các tai hại khủng khiếp đối với các nạn nhân và nhất là không hiểu rõ tính dai dẳng của loại tội ác này.
Được hỏi liệu các vụ chuyển tiền qua Úc có được nêu ra tại các phiên toà hiện nay tại Vatican hay không, Đức Hồng Y Pell nhận định, “tôi không tin tưởng bất cứ điều gì với các phiên xử ở Vatican. Tôi không biết chuyện gì đang diễn ra. Thậm chí tôi còn không hoàn toàn chắc chắn rằng nó sẽ được tiến hành. Nó rất có thể thất bại vì lý do pháp lý”.
Còn về số tiền 2,300,000 úc kim được Vatican chuyển qua Úc, Đức Hồng Y Pell cho hay, “Đức Hồng Y Becciu thừa nhận việc này. Chúng tôi vừa nhận được các bản ghi chép phiên tòa ở Vatican và xem ra Đức Ông Alberto Perlasca khi bị chất vấn, đã nói rằng số tiền này được gửi cho Hội Đồng Giám Mục Úc để bênh vực pháp lý cho tôi. Điều này chắc chắn không đúng. Chúng tôi đã hỏi Hội Đồng Giám Mục, các ngài không nhận được gì. Chúng tôi chắc chắn không nhận được gì.”
“Do đó, tôi có một câu hỏi với Đức Hồng Y Becciu: ‘liệu ngài có chịu nói với chúng tôi số tiền đó được gửi vì mục đích gì không?’ Và nếu không có gì dính dáng đến tôi hoặc vì các mục đích hoàn toàn vô tội, thì tốt thôi, tôi sẽ hoàn toàn hài lòng, và an ổn sống với cuộc sống mình”.
Nói về vụ đầu tư địa ốc ở London, Đức Hồng Y Pell cho biết ngài không biết nhiều về việc đó, lúc ngài rời bỏ chức vụ đứng đầu văn phòng Kinh tế của Tòa Thánh. Nhưng “chúng tôi biết Phủ Quốc Vụ Khanh không cho chúng tôi đụng đến sổ sách của họ, và không chịu để các thanh lý viên tra xét. Chúng tôi cũng biết họ phạm nhiều sai lầm về kế toán trong vụ tài sản ở London, mang lại hậu quả là che đậy việc này. Chúng tôi khám phá ra chuyện đó. Nhưng chúng tôi hoàn toàn không biết gì về vụ thất bại đang phát triển ấy”.
Ngài nhận định thêm, “nếu các thanh lý viên đã được phép vào, nếu chúng tôi đã được phép vào, thì đây là một trong những điều họ đã báo động rồi. Tòa Thánh đâu có chịu mất mát quá nhiều tiền như thế”.
Theo Đức Hồng Y Pell, “Chúng ta không bao giờ nên đồng ý với vụ thương lượng, được minh nhiên viết rõ trong hợp đồng, qua đó, họ trả hàng triệu để có được 30,000 cổ phiếu cho điều họ nghĩ sẽ đem lại cho họ quyền sở hữu tòa nhà ở London. Trên thực tế, có 1,000 cổ phiếu còn lại là có quyền bỏ phiếu, và tôi hiểu họ phải trả thêm 15 triệu euro để lấy các cổ phiếu này”.
Nói về cung cách làm việc của ngài tại Văn phòng Kinh tế, Đức Hồng Y Pell cho hay không những ngài cố gắng chuyên nghiệp hóa việc giám sát tài chánh của Tòa Thánh, “chúng tôi còn thay đổi phương pháp luận để đồng bộ với các thủ tục làm ăn buôn bán của Phương Tây. Điều này có nghĩa là người am hiểu việc truy cập thông tin có thể đoán định Vatican hiện ra sao về tài chánh. Trước chúng tôi, bạn không thể làm điều này. Chỉ một hay hai người mới có thể nắm vững tài chánh của Tòa Thánh. Thí dụ, có cả 1.3 tỉ euro không có sổ sách. Nó nằm khơi khơi ở nhiều trương mục khác nhau dành cho những ngày mưa gió. Có thể đó là mục đích vô tội, nhưng không được công bố”.
Đối với các biện pháp pháp lý gần đây của Đức Phanxicô nhằm ngăn chặn những việc tương tự như vụ thất bại ở London không xẩy ra nữa, Đức Hồng Y Pell cho rằng, “bạn có thể có những cơ cấu tốt nhất trên thế giới, nhưng tính hữu hiệu của chúng tùy thuộc sự liêm chính và khả năng của những người lãnh đạo chúng. Thành thử tôi không biết liệu chúng ta có ở vị thế tốt hơn trước hay không”.
Ngài nhận định thêm, “hiện có sự thâm thụt hàng năm về cơ cấu khoảng từ 20 tới 25 triệu euro; và với COVID sẽ lên tới ít nhất 50 hoặc 70 triệu euro mỗi năm”.
“Chúng ta cũng biết có áp lực đáng kể đang lên cao ở qũy hưu bổng, hàng trăm triệu, với việc thâm hụt đang lấp ló đâu đó. Hiện có nhiều hạn chế tài chánh rất có thực. Nạn tham nhũng chắc chắn đã giảm thiểu, trong một số trường hợp đã bị loại hẳn, và có thể bị loại hẳn đáng kể ở khắp nơi. Nhưng thách thức hiện nay là áp lực tài chánh lên Vatican. Một là phải giảm chi hai là phải làm ra nhiều tiền hơn”.
Về dự tính sau khi về hưu, Đức Hồng Y Pell cho hay, “tôi chia thì giờ của tôi giữa Sydney và Rôma. Tôi cần phải đứng ngoài đường lối của các người kế nhiệm tôi ở Úc và để họ làm công việc của họ. Tôi cố gắng cầu nguyện và đọc sách. Tôi cũng thực hiện đôi chút việc diễn thuyết công cộng và viết lách, đề cập tới sinh hoạt công và Giáo Hội trong thế giới Tây phương, nơi con số tín hữu Kitô giáo đang bị xói mòn và hiện có sự xuống dốc trong thực hành đối với những người còn tiếp tục tin”.
“Nghiên cứu xã hội học xác nhận rằng các niềm tin và thực hành của cộng đồng Kitô hữu càng cấp tiến một cách triệt để, thì người ta càng nhanh chóng rơi vào sự bất tín. Các phong trào bảo thủ về tôn giáo bền vững hơn. Các giáo huấn nền tảng của chúng ta rõ ràng và không thể thương lượng. Chúng ta buộc phải duy trì chúng cho dù có vì thế mà xâm hại tới con số và việc thực hành. Nhưng trái với kỳ vọng, chính các cộng đồng Công Giáo cấp tiến như Bỉ, Quebec, cũng như các nhóm Thệ Phản chuyên thỏa hiệp với thế gian đang mất dần tín hữu”.
Vấn đề cuối cùng được đề cập là việc duy trì hay nới lỏng kỷ luật về rước lễ, Đức Hồng Y Pell nhận định như sau: “Chúng ta không cung ứng tính hiếu khách trong Thánh lễ, bằng việc Rước lễ. Nếu bạn đến nhà tôi, tôi sẽ mời bạn một chiếc bánh quy và trà hoặc cà phê, không quan trọng bạn là ai. Nhưng đó không phải là điều chúng ta tin về Bí tích Thánh Thể. Chúng ta tin rằng đó thực sự là mình và máu của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.
“Bạn phải là một người độc thần. Bạn phải tin vào Chúa Giêsu Kitô, và vào Sự Hiện Diện Thực Sự. Thánh Phaolô đã viết về những tư thế chuẩn bị cần thiết để rước lễ một cách tốt đẹp và hiệu quả”.
“Tôi có một câu chuyện tuyệt vời về một tội phạm chuyên nghiệp đang ở trong tù. Vị tuyên úy được hỏi liệu tù nhân này có thường xuyên đến dự Thánh lễ trong nhà tù hay không. Ngài nói có. Và rồi vị tuyên úy được hỏi liệu người đàn ông có lên rước lễ hay không, và ngài trả lời: “Không, ông ta là người có đức tin. Ông hiểu mình không thể rước lễ”.